Lời nói đầuNguyễn Hữu Vinh
Chúng ta đã thưởng thức thơ (viết bằng chữ quốc ngữ), ca Huế, ca trù, hò, tuồng của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhà thơ lừng lẫy của miền sông Hương núi Ngự. Nói đến sự nghiệp văn chương của thi ông mà không nhắc đến thơ chữ Hán của thi ông là một điều thiếu sót lớn. Thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại cho kho tàng văn học Việt Nam tất cả 197 bài thơ chữ Hán, nếu kể một bài thơ thuộc loại tám câu, thì thi ông đã sáng tác hơn 200 bài theo lối thơ Đường luật. Phần nhiều đều là những bài thơ thật tuyệt vời không những về hình thức lẫn nội dung.
Thơ chữ Hán của Ưng Bình có những đặc điểm sau đây:
1. Nói chung, thi ông xoay quanh chữ “Tình”. Tình đối với núi sông non nước, tình đối với thiên nhiên, tình bạn thơ ca, tình bạn ở quan trường, tình bạn bè thâm giao, tình với cô đào của ca trù và ca Huế.
2. Tình của thi sĩ thường được thể hiện qua những “nỗi buồn”. Buồn của thi ông cũng đa dạng, nhưng cũng rất đặc biệt. Thi ông không buồn như nỗi buồn day dứt, than thở sinh không gặp thời như phần đông các thi gia đời Tống, Đường. Thi ông cũng buồn vì ly loạn chiến tranh, nhưng không buồn tê tái như Đỗ Phủ, không buồn man mác như Lý Bạch, không buồn yếm thế như Lý Thương Ẩn. Trái lại, người làm quan án sát mà lúc nào cũng say sưa với cái đẹp của vũ trụ, cái đẹp của thiên nhiên và buồn một cách nhẹ nhàng, thanh tươi. Thi ông buồn vì xa nhà, nhớ quê; buồn vì xa bạn, xa cô đào; buồn vì thiếu người để cùng ngao du sơn thuỷ; buồn vì mưa thu; buồn vì xa người ruột thịt v.v. Do đó, thơ chữ Hán của thi ông có sự thu hút mãnh liệt đối với đa số người đọc, vì hồn thơ thanh thoát, mộc mạc nhưng tế nhị, sâu sắc.
3. Thơ của thi ông thường hay ghi lại những vết tích lịch sử, địa lý và xã hội cho nên rất gần gũi và dễ cảm nhịp với con tim của người đọc cùng xứ sở. Chúng ta có thể cùng được thưởng thức phong cảnh tuyệt vời ở những nơi danh thắng mà trong đó còn có những nhân vật nổi tiếng có liên quan đến lịch sử, văn học và xã hội đương thời.
Cuộc đời của thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị là cuộc đời của những bậc đường quan, nhưng cũng là của những kẻ tao nhân mặc khách. Gió mát, trăng thanh, phong cảnh, trời thu, tình yêu đều là những yếu tố cần thiết, là nguồn thơ không thể thiếu. Phần nhiều các thi sĩ sống và sáng tác vì cô đơn, yêu cô đơn, lấy sự cô đơn, sự khổ đau làm lẽ tự nhiên cho nguồn sáng tạo. Thi ông thì trái ngược, lấy tình người làm gốc chốt, lấy ngoại cảnh thiên nhiên để cảm hứng, để dệt thành những vần thơ ngọt ngào, thanh thoát và đầy ắp tình người luyến lưu, đậm đà. Thi ông thường hứng tạo những vần thơ về tình người trong những lúc cùng bè bạn ngao du sơn thuỷ, chơi thuyền, trèo núi; hay trong những lúc ngâm thơ xướng hoạ; hay trong những lúc hò hát; hay trong những phút nhớ nhung vì xa cách. Do vậy, trong cuộc đời của thi ông, bạn bè, ca nữ và thiên nhiên là những yếu tố quan trọng.
Trong 197 bài thơ chữ Hán còn để lại, thi ông Ưng Bình Thúc Giạ Thị đã để lại cho nền thơ văn của chúng ta nhiều bài thơ trác tuyệt, những tài liệu quý giá để cho người đời sau có dịp nghiên cứu về xã hội, lịch sử thời đó, cũng như có dịp hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của thi ông. Thơ chữ Hán của thi ông cô đọng, thâm thuý, ý thơ dạt dào, hồn thơ tươi mát, đầy dẫy tình người và những hình ảnh đẹp đẽ của phong cảnh núi non sông nước. Phong cảnh thiên nhiên thường hay được lồng thêm yếu tố con người, làm cho phong cảnh đã đẹp lại càng đẹp hơn, càng đầy ý thơ hơn.
Lượt qua những vần thơ chữ Hán của thi ông, thi ông sẽ đưa người đọc về thế gới phong lưu của hàng quan lại mặc khách ngày xưa, người đọc sẽ cảm thấy buồn vui lẫn lộn, tình cảm sẽ dạt dào và có được những cảm giác nhớ nhung chất ngất, bên tai còn nghe văng vẳng đâu đây những tiếng cười vui với những nhịp trống, lời ca, tiếng hát, câu hò của khách thơ, của ca nữ trong những dịp vui ca Huế, ca trù hay trong những lúc dạo chơi với núi non, trăng thanh, gió mát, hoa tươi, cỏ đẹp, núi biếc, sông mờ, thuyền chèo ở miền trung nước Việt trong những năm khoảng giữa thế kỷ 20. Với những vần thơ đầy ắp tình bạn, tình người, tình đối với phong cảnh thiên nhiên này, người đọc dễ cảm nhận được ý nghĩa của tình người qua thi ca chữ Hán của thi ông.
Cuốn sách này có những đặc điểm sau đây:
1. Toàn bộ các bài thơ đều do dịch giả dày công dịch thuật và chú thích.
2. Toàn bộ các bài thơ đều dịch đúng theo thể Ðường luật y như thể thơ của tác giả.
3. Những chú thích, điển tích hoặc các dẫn chứng dùng trong thơ đều được trực tiếp tham khảo từ các sách vở xuất bản ở Trung Quốc, có ghi rõ ràng nơi xuất xứ và dẫn chứng để tiện bề nghiên cứu sau này.
4. Mỗi bài thơ đều có chụp ảnh lại thủ bút nguyên bản chữ Hán của tác giả. Phần này rất quan trọng để tránh sự đọc lầm, nếu có.
5. Mỗi bài đều được dịch giả viết lại phần chữ Hán, dịch ra văn xuôi và cuối cùng là dịch thơ theo thể thơ Ðường Luật.
6. Phần chú thích công phu, có ghi thêm phần đối chiếu chữ Hán chính xác.
Dịch giả đã dày công sưu tầm, phiên dịch, chú thích để bày tỏ sự khâm phục và biết ơn của kẻ đi sau đối với bậc thi tài của đất nước.
Dịch giả xin chân thành cám ơn nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, ái nữ của thi ông, đã chỉ dẫn, khuyến khích, cho phép trích dịch và cung cấp tài liệu.
Sau cùng dịch giả cám ơn vợ là Lee Li, con trai Nguyễn Trung Việt, con gái Nguyễn Hoài Nam, những đứa con Việt lạc loài phương xa, nhưng bao giờ cũng hướng về quê nội mến yêu, đã không ngại cực khổ tìm tòi điển tích, dẫn chứng, tham khảo, thảo luận, đánh máy và nhất là luôn luôn thôi thúc và khích lệ tinh thần cho dịch giả.
Viết tại Tân Trúc, Ðài Loan, năm 1999.
NGUYỄN HỮU VINH, dịch giả
TựaTôn Nữ Hỷ Khương
Hai chữ cơ duyên trong đạo Phật thật vô cùng kỳ diệu. Tôi đã may mắn có được những cơ duyên đưa đẩy phát sinh những công việc thành tựu tốt đẹp mà tôi vẫn nghĩ nhờ ơn chư Phật độ trì mới gặp được duyên lành.
Mùa xuân năm 1994, tình cờ tôi gặp Nguyễn Hữu Vinh tại nhà hai em Thu, Châu là bà con với tôi. Vinh là bạn của Thu, cũng người Huế, thỉnh thoảng Vinh về thăm quê và lúc nào cũng ghé chơi nhà Thu, các bạn văn nghệ thường gặp nhau trong dịp này.
Một hôm Vinh ghé thăm tôi, ngồi chơi ở phòng khách với mấy người bạn, trong lúc trao đổi chuyện trò về vấn đề thi ca xứ Huế rất hào hứng, Vinh chợt nhìn thấy trên kệ tủ một cái dĩa sứ có nét thư hoạ của hoạ sĩ Vũ Hối viết bốn câu thơ của Hỷ Khương:
Vẫn biết cuộc đời là mộng ảo,
Phù sinh một kiếp thoáng qua mau.
Tóc xanh đang độ thời thơ ấu,
Thoảng chốc thì ra đã bạc đầu.
Vinh tỏ ý thích và muốn xin tôi đem về Đài Loan giữ kỷ niệm. Tôi vui vẻ tặng Vinh, rồi qua câu chuyện ấm nồng của buổi họp mặt tình cờ, tôi thấy Vinh có năng khiếu về văn chương, mà lại có vẻ say mê nữa. Có lẽ động đến tình tri âm, tôi vội viết tặng Vinh cuốn
Thơ ca tuyển Ưng Bình Thúc Giạ Thị do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 1992, Vinh rất vui mừng và cám ơn rối rít. Một tuần sau, khi trở về Đài Loan, tôi nhận được thư Vinh gửi thăm, trong đó có đoạn: “Sách chị cho, em gối đầu giường”.
Đọc sách, Vinh thấy có phần thơ chữ Hán: “Lộc Minh đình thi thảo”. Lại có mấy bài dịch thơ của học giả Giản Chi, nhà thơ Thanh Tùng và nhà văn, nhà nghiên cứu Thanh Vân... Vinh yêu cầu tôi cho Vinh được xem bản thảo, tôi sốt sắng photocopy gửi qua cho Vinh. Thế là Vinh bắt đầu đọc, càng đọc càng say mê. Đồng thời có một sự khích lệ rất mạnh mẽ đối với Vinh là khi Vinh đưa tập thơ Lộc Minh cho vài vị giáo sư ở Đài Loan xem thì họ có nhận xét: “Tác giả là một người rất tài hoa, lại thâm nho và thật uyên bác”. Điều này làm cho Vinh càng thêm phấn khởi để càng đi sâu vào công việc dịch thuật với niềm hăng say thích thú.
Một hôm Vinh nhỏ nhẹ nói với tôi: “Chị Hỷ Khương nói cho em hiểu rõ thêm về luật thơ Đường, câu nào phải đối với câu nào, vần nào liên vận với nhau v.v...” Tôi nói sơ qua rồi hai chị em thảo luận một hồi rất là thú vị. Thực tình tôi rất phục tính kiên trì và trí thông minh của Vinh.
Nguyễn Hữu Vinh là một sinh viên hạng giỏi. Năm 1973 được học bổng của chính phủ Đài Loan cấp theo học ngành Electrical Engineering, tốt nghiệp Master of Science năm 1980. Vừa làm việc vừa tiếp tục học, và hiện nay Vinh là chuyên gia về Computer Engineering. Vinh lập gia đình với một thiếu nữ Trung Quốc, có hai con, một trai, một gái, hiện cư trú tại Đài Loan.
Vinh bắt đầu làm công việc dịch thơ từ giữa năm 1994 cho đến cuối năm 1998 thì hoàn thành, sau đó dần dần sửa chữa, chăm sóc lại kỹ hơn. Vinh dịch “Lộc Minh đình thi thảo” song song với công việc làm hằng ngày hết sức bận rộn. Những lúc kẹt xe giữa đường Vinh cũng nghĩ đến và nhớ mấy vần thơ... Có khi đang đi trên xe, Vinh điện thoại về Việt Nam nói chuyện với tôi, vui cười, cởi mở khi nhắc lại một câu thơ đắc ý... Rõ ràng Vinh đã làm với tất cả tấm chân tình, niềm say mê đặc biệt, và có thể nói sâu xa hơn: Vinh cũng muốn làm “một cái gì” gọi là đóng góp cho nền văn học nước nhà nói chung và đất Huế nói riêng của một người con xa xứ luôn hướng về quê mẹ yêu thương với muôn vàn nỗi “nhớ mong da diết”! Và cuối cùng Vinh cũng nghĩ như tôi: nếu không có hai chữ “cơ duyên” thì không “thành sự” được.
Hôm nay, thay mặt gia đình, tôi chân thành gởi lời cảm ơn nồng nhiệt đến Vinh, ngưòi bạn trẻ mà tôi hằng mến phục. Trong sự việc này, tôi cũng không thể nào quên gởi lời trân trọng và tri ân sâu sắc đến quý vị từ trước, tới bây giờ và cho đến cả mai sau đã ưu ái dành cho
Lộc Minh đình thi thảo một cảm tình đặc biệt, mất nhiều thì giờ, công sức, nghiên cứu, dịch thuật, truyền bá và đánh giá sự nghiệp thi ca của phụ thân tôi là Ưng Bình Thúc Giạ Thị.
Một lần nữa, xin muôn vàn cảm tạ.
Miền Nam, mùa Thu Kỷ Mão 1999
TÔN NỮ HỶ KHƯƠNG