☆☆☆☆☆ Chưa có đánh giá nào
114 bài thơ
Tạo ngày 25/09/2024 20:29 bởi
Admin Phan Huy Thực, trong dịp đi sứ nhà Thanh năm Đinh Sửu (1817), có sáng tác một tập thơ chữ Hán, Phan công gia phả ghi là Hoa thiều tập, Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, ghi là Hoa thiều tạp vịnh. Hiện trong Thư viện Viện Hán Nôm có đến 2 tập thơ đi sứ, đó là: Sứ trình tạp vịnh và Hoa trình tạp vịnh. Hoa thiều tạp vịnh, từ lâu vẫn bị coi là thất truyền, còn Hoa trình tạp vịnh không có tên trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (NXB Khoa học xã hội, 1993), lại cũng chưa từng được giới thiệu trên các thư tịch hiện đại.
Hoa trình tạp vịnh, ký hiệu VHv.80, là sách chép tay trên giấy bản dày, khổ 17x29 cm; bìa sách bên ngoài phết sơn ta màu đen còn mới do Viện Hán Nôm tu bổ lại. Trang đầu bên trong là loại giấy bản mỏng mịn dai như giấy ở văn bản Sứ trình tạp vịnh, bên trên đề dòng chữ Việt “Hoa trình tạp vịnh của Phan Huy Thực” và dòng chữ Hán “Phan Huy Thực Sơn Tây Yên Sơn Thuỵ Khuê nhân” 潘輝湜山西安山瑞圭人 (Phan Huy Thực người xã Thuỵ Khuê, huyện Yên Sơn, tỉnh Sơn Tây) bằng mực Cửu Long xanh, bên cạnh là con dấu vuông có dòng chữ “Thư viện Khoa học trung ương”. Trang 2 lại là loại giấy bản dày, có ghi tên sách “Hoa trình tạp vịnh, Lễ bộ Thượng thư trí sự Khuê Nhạc hầu đại nhân” 華程雜詠,禮部 尚書致事圭岳侯潘大人 (Tập Hoa trình tạp vịnh của đại nhân họ Phan, tước Khuê Nhạc hầu, chức Thượng thư bộ Lễ đã nghỉ hưu); trên dưới hai mép sách có ghi dòng chữ “Phan sứ trình ngâm lục” (Thơ đi sứ của họ Phan). Cả tập thơ gồm 118 bài nhưng có 4 bài là thơ xướng hoạ của các tác giả khác gặp trong quá trình đi sứ nên của Phan Huy Thực là 114 bài, trong đó 7 bài thơ đầu trùng với Sứ trình tạp vịnh, có sai dị một vài chữ; riêng bài Bái mệnh cung kỷ đầu tập chỉ có 6 câu, thiếu 2 câu 5-6 (sách Sứ trình tạp vịnh chép đủ).
Trong Hoa trình tạp vịnh, mỗi bài đều có phần nguyên dẫn tỉ mỉ, chính xác đến ngày giờ và các hoạt động của sứ bộ và chú thích địa danh, sự kiện liên quan đến nơi đề vịnh. Số thơ chép trong Hoa trình tạp vịnh gần với con số mà trong bài bạt, Phan Huy Chú đã thông báo. Hoa trình tạp vịnh chỉ có một chữ kiêng huý duy nhất trong bài thơ Để Nam Ninh thành là chữ “Nhậm” 任 viết thiếu nét. Do vậy văn bản Hoa trình tạp vịnh có thể được sao chép lại sau năm Tự Đức, có lẽ sau cả văn bản Sứ trình tạp vịnh.
Từ những thông tin hai văn bản Sứ trình tạp vịnh và Hoa trình tạp vịnh cho biết, có thể rút ra kết luận: Phan Huy Thực lên đường đi sứ vào “Ngày lành tháng trọng xuân năm Đinh Sửu niên hiệu Gia Long thứ 16 (1817)”, tập thơ ông sáng tác trong lần đi sứ này có thể là hơn 150 bài, nhưng hiện Hoa trình tạp vịnh chỉ giữ được 114 bài. Đối chiếu hai văn bản Hoa trình tạp vịnh và Sứ trình tạp vịnh, có thể thấy hai văn bản có mối liên quan với nhau, bổ sung thông tin và cả câu chữ cho nhau để tạo nên dung mạo gần sát thực với tập thơ Hoa thiều tạp vịnh, điều đó cho phép đoán định Hoa thiều tạp vịnh là văn bản gốc mà Sứ trình tạp vịnh và Hoa trình tạp vịnh đều dùng để sao chép? Nếu dòng họ Phan Huy đã có Phan Huy Ích với tập thơ Tinh sà kỷ hành; Phan Huy Chú có tập Hoa thiều ngâm lục; Phan Huy Vịnh có tập Nhân trình tuỳ bút, thì Phan Huy Thực với tập thơ Hoa trình tạp vịnh đã làm nên một dòng thơ kỷ sự tiêu biểu trong thể loại thơ đi sứ Việt Nam. Đọc các tập thơ đó, người ta có thể hình dung được từng chi tiết của các chuyến đi sứ; các nghi lễ ngoại giao, phong cảnh thiên nhiên, những con người đã gặp, những di tích lịch sử, nhân vật lịch sử cùng tâm sự của các tác giả về tình cảm yêu nước thương nhà, niềm tự hào dân tộc...
Có thể nói tập thơ Hoa trình tạp vịnh của Phan Huy Thực là những vần thơ hay, mang tính thẩm mĩ, nội dung lại hết sức phong phú, giàu lòng vị tha, hết sức hồn hậu “...Lời thơ đã không bỏ qua cái cốt cách của người xưa, mà ý tứ lại phiêu dật, cách điệu ôn nhã. So với các nhà thơ danh tiếng cũng đâu có chịu kém” (Sứ trình tạp vịnh bạt, Phan Huy Chú). Cao Bá Quát, danh sĩ đương thời trong bài Phan Thượng thư quy Sài Nham phú mừng Phan Huy Thực khi về nghỉ hưu ở Sài Sơn, cũng có câu: “Văn chương thế mỹ, Khuê Nhạc danh công” (Văn chương làm đẹp cho đời, Thuỵ Khê đất núi có người nổi danh). Đây cũng là câu tổng kết về con người và sự nghiệp thơ văn của Phan Huy Thực.
(Trích Trần Thị Băng Thanh, Phạm Ngọc Lan, Tuyển tập dòng họ Phan Huy (nhánh Sài Sơn) - tập I, NXB Hà Nội, 2022)
Phan Huy Thực, trong dịp đi sứ nhà Thanh năm Đinh Sửu (1817), có sáng tác một tập thơ chữ Hán, Phan công gia phả ghi là Hoa thiều tập, Trần Văn Giáp trong Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, ghi là Hoa thiều tạp vịnh. Hiện trong Thư viện Viện Hán Nôm có đến 2 tập thơ đi sứ, đó là: Sứ trình tạp vịnh và Hoa trình tạp vịnh. Hoa thiều tạp vịnh, từ lâu vẫn bị coi là thất truyền, còn Hoa trình tạp vịnh không có tên trong cuốn Di sản Hán Nôm Việt Nam thư mục đề yếu (NXB Khoa học xã hội, 1993), lại cũng chưa từng được giới thiệu trên các thư tịch hiện đại.
Hoa trình tạp vịnh, ký hiệu VHv.80, là sách chép tay trên giấy bản dày, khổ 17x29 cm; bìa sách bên ngoài phết sơn ta màu đen còn mới do Viện Hán Nôm tu bổ lại. Trang đầu bên trong là loại giấy…