194.32
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
421 bài thơ
8 bình luận
7 người thích
Tạo ngày 14/07/2010 10:56 bởi Hoa Xuyên Tuyết, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 07/04/2011 10:33 bởi Hoa Xuyên Tuyết
Nguyễn Đình Xuân sinh ngày 20-10-1968, quê xã Cộng Hoà, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Nhập ngũ tháng 3-1986 vào Trung đoàn thông tin 603 - Quân khu 3. Năm 1988 vào học ngành Vũ khí tại Học viện Kỹ thuật quân sự, tốt nghiệp năm 1993. Từ tháng 8-1993 đến nay là phóng viên, biên tập viên báo Quân đội nhân dân. Sống và viết ở Hà Nội.

Nguyễn Đình Xuân yêu thích sáng tác văn học từ tuổi nhi đồng, nhưng bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp năm 1989. Từ đó, thơ Nguyễn Đình Xuân xuất hiện đều đặn trên các báo, tạp chí trung ương, địa phương và Hà Nội, như Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Văn nghệ Trẻ, Người Hà Nội, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh, Văn hoá-Văn nghệ Công an, Văn nghệ thiếu nhi - Đài Tiếng nói…

 

Mong bà mọc răng

Thơ chưa xếp vào tập

Tiếng sóng sông quê (2009)

Bóng nắng (2010)

Trăng mật với thời gian (2012)

Cánh chuồn ngủ quên (2013)

Trở mùa (2016)

Tuyển tập chung

 

 

Ảnh đại diện

Đọc “Bóng nắng” của Nguyễn Đình Xuân

Bóng nắng, tập thơ thứ hai của Nguyễn Đình Xuân, cộng tác viên của Báo Hải Dương, cho ta cảm nhận về một tâm hồn thơ luôn luôn rung động trước mọi sự việc đời thường. Cũng cảnh ấy, nhiều người cho là sự thường, nhưng trong Bóng nắng lại thấy hiện ra những cảm thông, chia sẻ. Ví như ở một ngã tư đường phố, cơn gió ào qua cuốn chiếc lá rơi, tác giả lại cảm nhận được “một phận đời lá hoá thân cuối mùa”:

“Chiếc lá như đã từng hạnh phúc
Dù quăn queo hơi ấm cuối ngày
Trở về với phận lắt lay
Hồn lá phiêu diêu nhớ nắng”.
Tứ thơ được đẩy lên:
“Ngã tư đường phố bình lặng
Bao người phận lá trôi qua...”
Bài thơ đâu chỉ viết về lá?
Hay một bài khác, viết về thời gian, một chấm nhỏ giữa dòng thời gian lặp đi lặp lại: Viết lúc 0 giờ. “Quy ước thôi giữa hôm qua và hôm nay/ Ngày đã cũ và ngày mới đến”. Tác giả trải lòng mình vào đúng cái khoảnh khắc ấy:
“Tôi thức thấy thời gian lưu luyến
Vì tôi sợ già thêm
Tôi biết là đã sống đến nửa đêm
Còn một nửa là mơ hay thổn thức
Đêm nối đêm thành cuộc đời có thực
Hay ảo ảnh một sớm mai?”.
Một câu hỏi đặt ra cho tác giả, đồng thời cho mọi người, tự tìm lấy vế trả lời.

Đọc bài Cơm bụi ở phố nhà binh, thấy tác giả dẫn dắt ta đi vào những chi tiết của một bữa ăn dân giã của mấy anh lính cũ gặp nhau:
“Còn ai nhớ hương rừng cơm lam
Mo cơm của mẹ ngày nhập ngũ
Củ sắn lùi lam lũ
Đất nước qua thời chiến tranh”.
“Lính dã chiến nói năng ào ào/ Chẳng nhớ ngày cồn cào cơn đói”, mấy khổ thơ, mấy lần “chẳng nhớ”. Nhưng ở tầng sâu câu chữ, họ chẳng thể nào quên... Họ không thể quên đồng đội, “giời còn đày những thằng lặn lội/ Rừng xưa trọc dấu mất rồi”... Khổ thơ cuối bài làm ta lặng đi:
“Giá như cả tiểu đội cùng ngồi
Ngõ phố này với ly rượu gạo
Nâng cả chiều huyên náo
Quả trứng nằm trên đũa lặng im...“
“Quả trứng nằm trên đũa”, hình ảnh ta muốn quên đi, nhưng lại hiện diện giữa bàn cơm bụi của đám lính chiến! Cả bài thơ bỗng mờ đi, chỉ để lại câu thơ cuối cùng này day dứt lòng ta.

Tập thơ Bóng nắng, thật ngẫu nhiên có 99 trang sách. Thơ trải ra nhiều mảng đề tài: tình yêu, tình cảm gia đình (Em đến, Người đi, Phải lòng, Thơ tặng vợ, Chị tôi, Sợi tóc...), các miền quê yêu thương (Góc phố xưa, Về quê, Rượu Bắc Hà, Nhớ Huế, Gửi về Bạc Liêu...). Có những nét chấm phá về một cảnh, một người nào đó: Cờ tướng vỉa hè, Người điên... Có những khoảnh khắc đọng lại: Thời gian, Đêm, Chiều... Nhưng tất cả đều được chắt lọc qua một tâm hồn đa cảm. Câu chữ có tìm tòi, sáng tạo, như: “Câu thơ thu chưa hát/Sao lòng người heo may” (Nghe quan họ ở nhà hàng), “Anh ngược chiều lá rụng/Thấy se lòng vu quy”... (Chia tay mùa hạ). Trong tập có nhiều bài thơ lục bát, chứng tỏ tác giả không dễ dãi, coi trọng cả hình ảnh, cấu tứ, vần điệu như các bài Qua đường cũ, Giặt áo, Phôi phai, Mùa hoa cải... Những câu thơ như “Thương về hai mắt lá răm/Nhớ cơn mưa gọi cõi thăm thẳm lòng” (Nghiêng ngả) và “Tóc buông hong gió mong manh/Một mùa cau chín để thành người dưng” (Đường quê) là những sáng tạo rất riêng của nhà thơ.

Lời Nhà xuất bản Công an nhân dân ghi ở bìa tập thơ Bóng nắng cho biết: Nguyễn Đình Xuân yêu thích sáng tác văn học từ tuổi nhi đồng, nhưng bài thơ đầu tiên được đăng trên Tạp chí Đại học và Giáo dục chuyên nghiệp năm 1990. Từ đó, thơ Nguyễn Đình Xuân xuất hiện đều đặn trên các báo, tạp chí...

Với Báo Hải Dương, anh là một tác giả thơ khá quen thuộc. Chúc anh đi mãi trên con đường thơ mà anh lựa chọn và đang có nhiều hứa hẹn.


Vương Bạch
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Hồn thơ Nguyễn Đình Xuân

(Đọc Bóng nắng - Nxb Công an nhân dân - Hà Nội - 2010)

Giống như nhiều tập thơ khác, Bóng nắng của Nguyễn Đình Xuân là một tập thơ phong phú về nội dung và đa dạng về hình thức thể hiện. Tuy nhiên, có thể tìm thấy ở đây có gì riêng biệt của Bóng nắng? Cảm nhận của riêng tôi, đó là cảm xúc chân thật về nỗi buồn và niềm vui gia đình; về tình yêu và triết luận về cuộc đời-con người.

1. Chiếm số lượng tương đối lớn số bài trong tập là thơ về nỗi buồn-niềm vui gia đình với cảm xúc chân thật về hai mặt được- mất của người thân.

Đó là lễ đưa tang bà ngoại trong xót thương, có phần day dứt:

Một đời bà ngoại long đong
Trở về với đất chưa xong nỗi niềm
(Bà ngoại)
Đó là tình cảnh “Mẹ bị tai biến/Nằm liệt mấy năm”, còn cha thì gầy ốm: “Thân gầy xa xăm” (Ba tôi). Với chị gái, nhà thơ tỏ ra rầu rĩ khi bộc lộ về hoàn cảnh của chị: Chị rất yêu nghề dạy học, nhưng không thể sống bằng nghề mình yêu, nên phải: “Nam Bắc ngược xuôi/Dấn thân chạy chợ/Kiếm tiền nuôi nghề/Bao niềm trăn trở” (Chị tôi). Trong bài thơ tặng nhân sinh nhật vợ, yêu thương-đầm ấm là thế, nhưng nhà thơ vẫn băn khoăn:
Những đêm cô đơn nỗi nhớ chẳng nguôi ngoai
Anh thấy em có trong từng nhịp thở
Bỗng thấy sợ có một ngày tan vỡ
Ngôi nhà hoang khi bếp lửa không hồng
(Viết tặng sinh nhật của vợ)
Nhà thơ nhìn sợi tóc vương rơi của vợ như nhìn thấy mọi nỗi gian lao vất vả của nàng: “Mình em nuốt dòng nước mắt/Thay anh chăm sóc mẹ cha” (Sợi tóc).

Tuy nhiên, không chỉ vậy, anh cũng nói thật những niềm vui hạnh phúc của mình. Đó là, khi người vợ thân yêu mang trong mình một sinh linh bé nhỏ:
Một mầm sống nhỏ em mang
Lòng em tràn đầy hạnh phúc
(Hạnh phúc)
Lòng em tràn đầy hạnh phúc? Cả lòng anh cũng vậy chứ sao! Sự quan tâm đối với người phụ nữ mang thai, trước hết là quan tâm đến sinh hoạt của họ trong ăn uống, đi lại... điều đó chỉ người mẹ là biết rành rẽ, nên anh kể về sự quan tâm của mẹ đối với vợ mình, cũng tức là sự quan tâm của chính anh đối với người vợ và “nhiệm vụ trực tiếp” của anh là “động viên tinh thần” vợ bằng những lời trò chuyện thắm tình:
Nhớ lần gặp nhau đầu tiên
Anh rụt rè nhìn em mãi
Bây giờ bắt đền anh đấy
Biền biệt xa để em mong
(Hạnh phúc)
“Mai cháu đi làm dâu” cũng là bài thơ về niềm vui gia đình. Rất thật thà và ngộ nghĩnh, khi nhà thơ kể chuyện mình đã bế ẵm cháu từ thuở cháu còn là một đứa trẻ nhỏ, thế mà đến nay, cháu đã đi lấy chồng:
Mẹ vui trào nước mắt
Cậu bâng khuâng nụ cười
Cháu làm dâu quê người
Lại nhớ chiều chờ đợi...
2. Dĩ nhiên, tình cảm vợ chồng nêu trên kia cũng là tình yêu, nhưng ở đây, tôi muốn nói tình yêu với phạm vi riêng, không bao hàm tình yêu chồng vợ như đã nêu. Trước hết, tình yêu trong Bóng nắng bộc lộ nét dịu dàng, kín đáo; đó cũng là nét riêng của thơ Nguyễn Đình Xuân. Ở đây, tình yêu không háo hức, vội vàng mà dè dặt, kín đáo. Nụ hôn trong tình yêu là biểu hiện dĩ nhiên và phổ biến, thế mà:
Vầng trăng nghiêng xuống làn môi
Đừng anh! Em sợ... có người, hình như
Lá rơi chợt động cuối thu
Nghe xôn xao gió, hình như ai nhìn
(Tình yêu)
Và, có lẽ tình yêu dè dặt ấy đã đưa đến bất thành của tình yêu, đưa tình yêu vào nhớ nhung, hoài niệm: “Người về nơi ấy còn mong/Tôi mang nghiêng ngả nỗi lòng xôn xao” (Nghiêng ngả). Nỗi hoài niệm tình yêu rõ nhất là ở bài Đồng Xa:
Tôi về lại phố xưa khắc khoải
Ngang nhà em cửa đóng đã thay người
Ngõ vẫn nhỏ rêu phong dày hoài niệm
Đồng Xa giờ em đã xa xôi.
Rồi, nhà thơ hoài niệm với những bài thơ viết mà không tặng: “Tình yêu thường để lại vào thơ/Những đắng cay, nỗi buồn thành ngọc” (Những bài thơ anh không viết tặng em). Đúng vậy! Những hoài niệm đẹp về tình yêu bao giờ cũng là những viên ngọc quý!

Đọc những bài thơ tình yêu của Nguyễn Đình Xuân, chúng ta thấy hình ảnh em - người tình luôn hoà quyện cùng cảnh quan đẹp, ví dụ: “Chiều như nghiêng gió bên em/Nghe ngàn con sóng vỗ ven chân đồi” (Chuyện tình Hồ Núi Cốc); hoặc: “Quê nhà như trống vắng/Em quẩy mùa hạ đi/Anh ngược chiều lá rụng/Thấy se lòng vu quy...” (Chia tay mùa hạ).

Các bài thơ Mùa hoa cải, Chiều, Người đi, Đường quê, Phải lòng, Trước ngôi nhà hoang... là những bài thơ tình hay, bộc lộ cảm xúc luyến nhớ, man mác với cách sử dụng thi từ, thi ngữ khá thành công.

3. Những bài thơ triết luận trong Bóng nắng cũng đáng được đề cập. Bài thơ Bóng nắng - bài thơ dùng làm tên cho cả tập - là bài thơ triết luận về cuộc đời:
Sáng bóng dài trước mặt
Trưa bóng tròn trên sân
Quá chiều mình bóng ngược
Đi cúi nhìn bước chân.
Sáng, trưa, quá chiều là ba thời điểm của cuộc đời con người. Mỗi thời điểm có một đặc trưng riêng. Nhưng quá chiều là thời điểm người ta có thể rút ra được nhiều kinh nghiệm cho cuộc đời. Cúi đầu nhìn bước chân để xem bước chân đã đi những bước thành công thế nào, thất bại ra sao sau khi đã đi từ sáng, qua trưa, đến quá chiều, để mà bước tiếp tốt hơn! Đó là một cách cảm nhận! Đương nhiên, có thể cảm nhận bài thơ theo cách khác. Điều đó chỉ rõ: Bài thơ có ý tưởng “mở” để người đọc rộng đường suy ngẫm.

Bài thơ Người điên kêu gọi sự đồng cảm:
Người điên hay hát, hay cười lắm
Mà cũng buồn ngay được giữa đường
Điên dại ở trần không xấu hổ
Ai từng qua khổ nhủ lòng thương?
Những người cùng khổ nhiều khi không còn biết cuộc đời mình là khổ nữa (khổ mãi nên “quen” đi mà!) Đó là tình cảnh trớ trêu của người nghèo giống như người điên không còn tri giác. Bài thơ đánh thức lương tâm mọi người chúng ta đừng bao giờ bỏ rơi người nghèo, cũng như xa lánh người điên. Người điên là một bài thơ triết luận giàu tinh nhân văn.

* * *

Phong phú về ý tưởng, đa dạng về cách thể hiện, tập thơ Bóng nắng còn đề cập nhiều đề tài và chủ đề khác nữa. Tuy nhiên, trên đây chỉ thẩm bình hết sức ngắn gọn về nội dung cơ bản của tập thơ. Chúc mừng và cảm ơn nhà thơ Nguyễn Đình Xuân về tập thơ Bóng nắng. Bạn đọc mong được đọc những tập thơ tiếp theo với chất lượng nghệ thuật cao hơn nữa của anh.


Hà Nội, tháng 12-2010
Mai Thanh
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nguyễn Đình Xuân-Tiếng sóng sông quê thao thức

Cầm  tập thơ Tiếng sóng sông quê (NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2009) của Nguyễn Đình Xuân trên tay, tôi chợt cảm một dòng sông đã nồng nàn tuôn chảy suốt hơn bốn mươi năm.

Những đêm không ngủ nhớ quê

Sông hiện trong mơ

Vỗ trong lòng tôi, tiếng sóng...

            Một dòng sông chan chứa tình quê, tình đất, tình trời, tình người, tình mẹ, tình cha, tình con và đặc biệt là... tình em.

Làm sao tôi quên được

Khi hôn em lần đầu

Quan họ xanh thăm thẳm

Rơi dải yếm sông Cầu...

(Nụ hôn quan họ)

       Dòng sông hiện trong mơ ấy chính là dòng sông của tâm hồn. Dòng sông da diết đến độ thành dòng sông thơ. Cùng những thanh âm thao thiết của tình yêu. Rười rượi...

       Nguyễn Đình Xuân là một người lính, anh từng tốt nghiệp chuyên ngành vũ khí Học viện Kỹ thuật quân sự trước khi trở thành phóng viên báo Quân đội nhân dân hiện nay. Đọc thơ anh, tôi lại thấy vũ khí số một của anh là... trái tim.

Đi qua phía dòng sông con gái

Ngực trần phơi nước dưới ánh trăng

Cho người đắm hồn vào xa ngái

Thời ấy binh nhì còn trẻ măng...

(Đoạn đường đi qua)

Dòng sông thi sĩ ấy đã có biết bao con sóng duềnh lên trong đời.

Nhớ dấu chân trăng khuyết

Trên cát mịn

Gió xưa ngẩn ngơ

Bờ lau ngã vào cỏ

Sóng dội trong lòng tôi...

(Ở bến)

Và:

Nếu không ánh mắt em nhìn

Trăng và sóng cũng chìm vào hư vô...

(Trăng hồ)

        Những con sóng ấy chính là nhịp đập trái tim, là những câu thơ thao thức, luôn muốn tràn bờ...

       Vừa muốn tràn bờ với hiện tại, vừa luôn đau đáu trở về:

Sông của năm nao để ao ước bây giờ

Chẳng thể tắm như ngày con thơ trẻ

Em đã tuổi sông tóc thề để ngỏ

Anh trở về với thấp thoáng sông sương...

(Về với dòng sông)

       Không chỉ là sự trở về trong trẻo của tình yêu. Đó còn là nỗi khát khao trở về của người quê sống giữa lòng thành phố.

Tôi đi lẫn người trên phố

Bâng khuâng nhớ mái tranh xưa

Trái bàng như đốm lửa nhỏ

Vỡ òa trên tay trẻ thơ...

(Đi qua thời gian)

Và trở về với mẹ của thương yêu:

Nghe mùa nhè nhẹ hương hoa sữa

Lại đau đáu nhớ cốm đầu mùa

Trăng còn treo ngang bờ tre cũ

Giật mình nghe mẹ gọi khuya mưa...

(Đi qua thời gian)

       Dòng sông ấy đi qua muôn nẻo đời, những đợt sóng thơ vẫn luôn đăm đắm với cái đẹp, với tình người:

Trẻ người làm tốt qua sông

Trên bàn, giữa trận lại không rõ mình

Thắng, thua bởi kẻ bày binh

Còn em nguyên vẹn nét xinh nụ cười...

      "Tiếng sóng sông quê" Nguyễn Đình Xuân sẽ còn thao thức mãi trong lòng ai...

Hà Nội 2009
Đỗ Ngọc Quang

Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

CẢM HỨNG SÁNG TẠO TỪ "TIẾNG SÓNG SÔNG QUÊ"

"Những đêm không ngủ nhớ quê

Sông hiện trong mơ

Vỗ trong lòng tôi tiếng sóng..."

         Mấy câu thơ trên đây trích trong bài thơ "Tiếng sóng sông quê"-bài thơ lấy làm nhan đề của cả tập thơ của tác giả Nguyễn Đình Xuân. Tập thơ do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vừa phát hành đầu năm 2009. Đọc kỹ cả tập 65 bài này mới hiểu vì sao anh nhà báo quân đội, quê anh là một làng ven sông Kinh Thày, lại nặng lòng với dòng sông như vậy.

         Anh ra đi từ bên dòng sông, "Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi". Và mãi sau này vẫn nhớ tiếc một thời:

"Sông của năm nao để ao ước bây giờ

Chẳng thể tắm như ngày còn thơ trẻ"

(Về với dòng sông)

         Anh đã "Ngược sông Thao đằm mình trong tán cọ/Chợt thức với sông Hồng đêm trở gió/Đò chòng chành dầm gác đợi ai qua" (Nhớ về Phú Thọ). Đến một miền sông nước miền Trung, anh cũng đã từng thảng thốt:

"Trên căn chòi hứng giọt sao rơi

Tôi ghếch mặt lên nồng nàn gió

Ngật ngưỡng đêm lũ tôm mắt đỏ

Say trăng hay uống mắt em cười?"

                          (Ba Ngòi)

         Đâu phải chỉ con sông quê. Mẹ sinh thành ra anh ở đấy. "Lặng lẽ một đời mẹ sống/Để lệ tràn trong tứ thơ con" (Chuyện kể của mẹ). "Ngày xưa có anh bộ đội qua làng/Áo anh được mẹ vá vai/Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa" (Kỷ niệm của mẹ).

"Khổ từ lúc chửa ra đời

Lo toan vào cả tiếng cười khi vui

Thời con gái mẹ qua rồi

Để hương ở lại trong lời ca dao".

                                  (Mẹ tôi)

         Ngoài hình ảnh mẹ thấp thoáng trong nhiều vần thơ, là bóng dáng người con gái, những cuộc gặp bất chợt trên đường hành quân, qua các bài Ngày xa em, Nụ hôn quan họ, Em, Chia tay... Bóng dáng "người đưa đường" cho anh hành quân qua đất Quảng Trị, làm sao da diết:

"Hình như tiếng vọng làng Vây

Cồn Tiên, dốc Miếu... ngỡ ngày ngưng trôi

Vầng trăng ngã giữa chơi vơi

Nắm tay anh ngỡ của người năm nao."

(Người đưa đường)

Hay là em gái chèo thuyền đưa anh về một công trường chống chọi với lũ lụt:

Em chèo thuyền đưa tôi về Nho Quan

Nụ cười đón tôi ngược bên kia Gia Viễn

Những đêm lưng áo xanh

Loang loáng ánh đèn

Bộ đội đắp đê ngăn dòng nước dữ"

(Trở lại sông Hoàng Long)

       Tập thơ đưa ta đến với nhiều địa danh như Thái Nguyên, Lạc Sơn, Phú Thái, Tây Nguyên... Ở đâu cũng gợi nhớ, gợi thương... Có những lưu luyến: "Ngập ngừng/chân bước/lại thôi/Mắt em/Níu cả bầu trời/trong anh." Có những bâng khuâng: "Con nước chảy về đâu/Để chiều nay đơn lẻ". Và không ít lần vất vả gian nan: "Con đường đá cứa những vết chân qua/Anh vác ký ức trên đôi vai phồng rộp...". Nhưng dẫu đi đâu, gặp gỡ những ai, cuối cùng vẫn trở về với cái điểm xuất phát. Ấy là một dòng sông quê hương, và "Tiếng sóng sông quê vỗ bờ vọng mãi/Mẹ là quê hương trong lòng con". Chợt nhớ một câu nói của M.Goóc-ki: "Không có mẹ thì không có nhà thơ, không có anh hùng". Phải chăng đó là nguồn cảm hứng để Nguyễn Đình Xuân sáng tạo, ít ra là trong Tiếng sóng sông quê?

 Vương Bạch


Bài đăng trên báo Hải Dương cuối tuần, số 454, ra ngày thứ bảy 23-5-2009.
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Với Mẹ và sông

“Tiếng sóng sông quê” là tập thơ đầu tay của nhà báo quân đội-kỹ sư vũ khí Nguyễn Đình Xuân, tập hợp 65 bài thơ tiêu biểu nhất của anh viết trong khoảng hai chục năm nay, từ khi còn là một binh nhì đến bây giờ đã là một trung tá ngoài bốn mươi tuổi.

Vốn là một kỹ sư vũ khí được đào tạo chính quy ở Học viện Kỹ thuật Quân sự, thơ Nguyễn Đình Xuân tư duy logic, mạch lạc và rất… khoa học. Những thi tứ của anh được triển khai “có đầu có cuối” một cách hoàn hảo. Những thi ảnh của anh cũng được… tính toán hết sức hợp lý: Con đường như dấu chia đôi/ Em ngượng ngùng phố, còn tôi dấu làng… (Làng và phố); hoặc: Hai cuộc đời lẻ bóng/ Còn đây núi vẫn đôi/ Một người vào huyền thoại/ Một người thành xa xôi (Núi Đôi). Sở trường này là mặt mạnh nhưng đôi khi cũng là hạn chế và xin trao đổi thêm với tác giả vào một dịp khác.

Là một nhà báo, Nguyễn Đình Xuân được đi nhiều, gặp nhiều và dấu ấn của những chuyến đi ấy in khá rõ trong tập thơ: Quảng Trị, Trường Sơn, Tây Nguyên, Khánh Hòa, Thái Nguyên, Phú Thọ… Nghĩa là trong mỗi chuyến đi công tác ấy, công việc của một nhà báo vẫn không lấn át nổi chất thi sĩ trong con người Nguyễn Đình Xuân. Nhờ thế mà bạn đọc hôm nay được biết thêm nhiều điều về những địa danh mà anh từng đến, ngoài những bài báo nóng hổi tính thời sự mà có lẽ chính tác giả cũng đã quên…

Nhưng nét nổi trội tạo nên ấn tượng của tập thơ không phải là những mặt mạnh, những ưu điểm trên đây, mà chính là hình ảnh của bà mẹ được tác giả nhiều lần nhắc đến trong gần một phần ba số bài thơ của tập thơ, chưa kể hình ảnh bà mẹ còn được liên tưởng, gợi nhớ đến trong nhiều cảnh huống ở nhiều bài khác không trực tiếp nói về mẹ. Mẹ và em, quê hương và đất nước là nguồn cảm hứng muôn thuở của thi ca, của mọi nhà thơ. Nhưng bà mẹ trong tập thơ “Tiếng sóng sông quê” là của riêng Nguyễn Đình Xuân không lẫn với ai:

Mười một tuổi mẹ làm nàng dâu

Ngày cưới có đủ đầy hai họ

Về nhà chồng mẹ là cái Đỏ…

(Chuyện kể của mẹ)

Người mẹ ấy những năm đất nước chìm trong đau thương: Làng ta ngày ấy địch lập tề/ Mẹ giữ kín tung tích người chồng “mất tích”/ Rồi mẹ bỏ làng tề/ Nhập đoàn dân công lên Tây Bắc (Tình yêu của mẹ). Đến chuyện lo toan vun vén cho con cháu ngỡ như có ở mọi bà mẹ Việt Nam, ở đây ta vẫn thấy có nét riêng của một gia đình cụ thể: Khổ từ lúc chửa ra đời/ Lo toan vào cả tiếng cười khi vui… Chưa xây xong nổi ngôi nhà/ Mẹ lo mình đã sắp là người xưa (Mẹ tôi). Từ bà mẹ ruột thịt của mình, Nguyễn Đình Xuân hướng cảm xúc đến những bà mẹ Việt Nam “đương đại”, những bà mẹ khắp mọi miền quê, thân thuộc nhất là những bà mẹ châu thổ sông Hồng. Cuộc đời của những bà mẹ gắn liền với những biến cố bi hùng của đất nước những năm nửa cuối thế kỷ hai mươi. Đó là những bà mẹ: Sống những năm mong tháng đợi ngày/ Niềm vui chưa trọn lại chia tay chồng ra trận/ Mang nặng đẻ đau sinh con mấy bận/ Một bóng một đèn như cánh cò ven sông (Tiếng sóng sông quê). Bà mẹ nào cũng có một thời thiếu nữ, cũng có những điều “sống để dạ, chết mang theo”, nhất là những mối tình thầm kín thời tuổi trẻ. Những đứa con khôn lớn, trưởng thành của mẹ không chỉ hiểu, cảm và tôn trọng điều thiêng liêng ấy mà còn thi vị hóa được điều đó: Ngày xưa có anh bộ đội qua làng/ Áo anh được mẹ vá vai/ Anh ấy hẹn mà rồi không về nữa/ Nào ai biết, chỉ riêng mẹ nhớ/ Năm ấy mẹ tròn tuổi hai mươi! (Kỷ niệm của mẹ). Chuyện đã xưa rồi, ấy thế mà: Mong manh dưới gốc đa làng/ Sân đình ai hẹn xốn xang đến giờ… (Mong manh).

Nhớ mẹ, thương mẹ, khắc ghi công ơn trời biển của mẹ… là nỗi niềm hầu như quán xuyến trong tập thơ “Tiếng sóng sông quê” của Nguyễn Đình Xuân. Ngoài những bài thơ trực tiếp viết về mẹ, có cảm giác như ở những bài thơ thuộc những chủ đề khác, hễ có dịp là anh lại giãi bày tình cảm của mình về mẹ. Đến một miền quê nào đó, gặp dáng cau gốc trầu cũng nhớ mẹ. Nhà hàng xóm trong khu tập thể có bà cụ dưới quê lên thăm con cũng khiến anh rưng rưng. Chiều ba mươi Tết ở thị thành, bỗng nôn nao nhớ nồi nước thơm của mẹ những chiều tất niên xưa… Và mỗi lần sinh nhật lại nhớ mẹ cồn cào, bởi: Mẹ sinh con dễ dàng đâu/ Qua sông nước mà mẹ thì vượt cạn/ Đêm tháng Mười muộn vầng trăng tán/ Mẹ mỏi mong đợi những tiếng gà... (Sinh nhật). Sinh nhật là một trong những ngày vui nhất trong năm của mỗi người. Kỷ niệm ngày sinh mà nhớ đến người đã sinh thành nuôi dưỡng mình là điều tưởng không có gì đặc biệt, nhưng trong cuộc sống xô bồ ồn ào thực dụng và hơi bị “Tây hóa” như hiện nay, nỗi nhớ này khiến không ít người đọc phải “giật mình”. Hơn nữa trong thơ Nguyễn Đình Xuân, nhớ không chỉ để mà nhớ, không chỉ để nói những lời tri ân, mà là để tự soi mình, tự hoàn thiện mình: Lặng lẽ một đời mẹ sống/ Để lệ tràn trong tứ thơ con (Chuyện kể của mẹ); và: Vầng trăng mẹ hao khuyết/ Cho đời con tròn đầy (Mẹ).

Bất kỳ ai cũng có một bà mẹ sinh thành. Nhưng với rất nhiều người để trở thành nhà thơ cần phải có thêm một dòng sông nữa. Dòng sữa mẹ nuôi dưỡng con người khôn lớn và dòng sông quê bồi đắp tâm hồn thi sĩ, cảm xúc nhân văn. Thấm nhuần lẽ ấy nên Nguyễn Đình Xuân đã đặt tên cho tập thơ đầu tay của mình là “Tiếng sóng sông quê” và mở đầu là một bài thơ viết về mẹ; kết thúc tập thơ cũng là một bài thơ viết về mẹ. Nếu đó chỉ là một sự tình cờ thì ấy là sự tình cờ hợp lẽ tự nhiên. Nhưng nếu đó là ý đồ của tác giả thì anh cần phải cố gắng hơn nữa trong lao động nghệ thuật, bởi thơ hay không chỉ cốt ở nội dung…

Bùi Minh


Bài viết của Nhà thơ Mai Nam Thắng (Bùi Minh) đăng báo Quân đội nhân dân cuối tuần ngày 22-10-2010
Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Tản mạn về tập thơ "Cánh chuồn ngủ quên" của Nguyễn Đình Xuân

Trong số những người làm thơ về tuổi học trò, tuổi mới lớn, tôi đặc biệt chú ý đến tác giả Nguyễn Đình Xuân. Sinh ra và lớn lên ở một vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nguyễn Đình Xuân làm thơ từ rất sớm. Đọc tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên” (NXB Văn hóa – Văn nghệ TP HCM – 2013) của anh, tôi bắt gặp một tâm hồn trong trẻo, thơ ngây, nhạy cảm với những thời khắc giao mùa và cả cái tâm tình thầm yêu trộm nhớ thật ngộ nghĩnh, tinh nghịch, say mê của tuổi học trò.

      Mở đầu tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên”, nhà thơ đã nhắc đến thời gian của tuổi mộng mơ. Vẻ đẹp hồn nhiên trong sáng của tuổi thơ được khắc họa  qua một số hình ảnh thật sống động. Đó là một con tàu làm bằng chiếc lá thả theo dòng sông. Những cánh diều no gió, chiếc chong chóng quay tít trong mắt ai. Một cánh bướm còn vương phấn trong cuốn lưu bút…Thời gian trôi đi đã đẩy lùi những kỷ niệm ấy vào dĩ vãng. Cho đến một ngày những người bạn ấy như thấy mình đã trưởng thành:

                               “Rồi một ngày

                                            bạn

                                               ửng hồng đôi má

                                 Khi chúng ta nhìn nhau…”

                                                         (Thời gian)

Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Đình Xuân lại đặt tên cho tập thơ của mình là “Cánh chuồn ngủ quên”. Hình ảnh một con chuồn chuồn ngủ quên trong lớp học luôn khắc khoải, đeo đẳng mãi trong tâm trí tác giả. Giấc ngủ của con chuồn chuồn năm nào như đánh thức một tâm hồn trong trẻo, thơ ngây về mái trường xưa, bạn cũ:

                                “Con chuồn ngô ngày xưa trốn nắng

                                  Đã ngủ quên suốt cả mùa hè”

                                                        (Cánh chuồn ngủ quên)

      Tôi tưởng tượng ra một con chuồn chuồn có những khoang vàng rực như ngô bắp đang làm dáng thu hút bao cái nhìn của tuổi mộng mơ…

      Đọc tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên” của Nguyễn Đình Xuân, chúng ta như bắt gặp một cái nhìn rất nhạy cảm với  thiên nhiên. Những thú chơi như thả diều, chọi dế…của con trẻ cứ trở đi trở lại trong thơ. Một cánh diều chao gió dập dìu tiếng sáo như bắc cầu vào đám mây, rập rờn gọi sao:

                                   “Cánh dơi thấp thoáng hoàng hôn

                                 Vòng quanh tiếng sáo rập rờn gọi sao…”

      Sắc vàng của mùa hoa cải cũng làm cho nhà thơ  vấn vương trong lòng. Có khi chỉ là một bông cỏ đánh  dấu thời khắc chia xa của tuổi học trò. Nguyễn Đình Xuân còn nói đến quê hương, nơi mình đã sinh ra, có giấc mơ ngộ nghĩnh, có tiếng ve sầu râm ran. Chiều chiều đi bắt con chuồn chuồn ớt, té nước bắt bầy gọng vó ở bờ ao. Tuổi thơ tác giả như gắn liền với trò chơi đuổi bắt đêm trăng, dùng những bao diêm chơi trò điện thoại, nhặt quả phi lao khô đốt  lửa hỏa lò…Người đọc như tìm thấy tuổi thơ của chính mình qua những hình ảnh giống một cuốn phim ký sự sinh động, hồn nhiên.

      Trong thơ, Nguyễn Đình Xuân rất nhạy cảm với thời gian, với những khúc giao mùa. Một chút vu vơ, rung động được thể hiện tài tình trước vẻ đẹp của mùa xuân. Cái nhìn của tác giả thật tươi tắn. Những hạt sương tròn trong đêm, những cơn gió vô tình, và một chút lộc non mới nhú trên cành cùng với hương bưởi nhẹ nhàng lan tỏa khắp không gian:

                                        “Tháng Giêng mưa cũng vu vơ

                                  Lộc cây điểm chấm bâng quơ lên trời”

                                                                 (Tháng Giêng)

      Hương sắc mủa xuân còn được tác giả liên tưởng đến những cô giáo thực tập với tà áo trắng tinh khôi, say mê nghề nghiệp trồng người có lúc nhớ nhà đến bâng khuâng:

                                        “Những tà áo trắng tinh khôi

                                   Làm cho ngơ ngẩn đất trời tháng Ba”

      Một cơn  mưa bụi cũng làm cho nhà thơ bâng khuâng, xao xuyến. Những hạt mưa giăng giăng khắp nẻo đường như sương trắng, như phấn của những bông hoa từ những khu vườn vương mãi tới đây:

                                        “Mưa như chẳng thấy hạt đâu

                                 Chỉ lay phay rắc trắng màu của  sương”

                                                                    (Mưa bụi)

      Những hạt mưa trong thơ Nguyễn Đình Xuân như gọi mầm xanh của cây lá để gom thành một mùa xuân tràn đầy nhựa sống.

      Trong tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên”, Nguyễn Đình Xuân hay nói đến mùa thu. Một chiếc lá rơi nghiêng, một nụ cười hồn nhiên, một giọng nói, một tà áo trắng tinh khôi của người bạn gái đã làm nên một thoáng mùa thu:

                                      “Mùa thu ập vào đầu ngõ

                                        Là màu áo trắng tinh khôi”

                                                                (Thoáng mùa thu)

      Với cảm quan của mình, tác giả mong đợi mùa thu nhưng lại sợ chiếc lá vàng rụng xuống. Nhà thơ tự nguyện làm một chiếc lá xanh biếc cho mùa thu tươi màu:

                                      “Hồn tôi làm lá biếc

                                        Cho trời thu xanh màu”

                                                                    (Thu đến)

      Sâu đậm nhất trong tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên”là tâm trạng, nỗi niềm chợt vui, chợt buồn, thầm yêu trộm nhớ của tuổi học trò. Trong bài “Ngày xưa”, tác giả đã nhắc lại những kỷ niệm với người bạn gái cũ. Đó là cái thuở còn chơi trò bán hàng, đi trốn, đi tìm với nhau. Có lúc cái hờn dỗi của tuổi mộng mơ cũng thật đáng yêu:

                                       “Cái thời tóc tết hai ngoe

                                  Sừng trâu vểnh ngược mái hoe hoe vàng

                                        Cái thời chơi quán,  bán hàng

                                  Dỗi hờn rào lối cấm sang nhà người”

      Đó còn là khi người ấy cài những bông hoa phượng lên đầu để làm duyên. Lối cũ đi về có nhau. Bây giờ vẫn không quên màu áo lúc chia xa:

                                       “Qua mùa cài phượng làm duyên

                                   Ta đi lối vắng để quên thu về

                                        Sầu đông sương lạnh  vào khuya

                                    Tin xuân trong đất tặng quà cho cây”

                                                                     (Cho một người đi xa)

       Ở bài thơ “Trong ngày thu đầu tiên”, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh một cậu học trò hóm hỉnh, tinh nghịch. Khi lớp trống giờ cậu ấy đã làm thơ giúi vào cặp của bạn gái để rồi nhận được những tiếng cười hờn dỗi ngày hôm sau:

                                         “Lớp trống giờ mỗi khi

                                          Mình làm thơ lén trộm

                                          Giúi cặp rồi chạy trốn

                                          Nhận tràng cười ngày sau”

      Một chút nhớ mong cũng làm cho cậu học trò nhỏ xốn xang. Nắm cỏ mật vò trong tay ai cũng toát lên mùi hương ngây ngất có tâm trạng bồi hồi, ngập ngừng, e thẹn:

                                       “Vò một chút cỏ trong tay

                                   Để ai bối rối hương bay ngập ngừng

                                        Ơ kìa, sao má đỏ bừng

                                  Tại vu vơ để thẹn thùng em tôi”

                                                                      (Hương cỏ)

      Một bài toán giải sai còn được tác giả trình bày như một cái cớ thật hay và ngộ nghĩnh để cho ai đó có cơ hội giãi bày, chia sẻ:

                                       “Hình như bài toán giải sai

                                    Để mình có cớ người bày cách cho”

                                                                       (Hình như)

      Nhà thơ còn tỏ ra rất tinh tế khi có cả một chùm thơ viết về tuổi mười lăm, mười sáu, mười bảy và mười tám. Tuổi mười lăm rất bâng khuâng, thơ mộng, đôi khi nhớ một tiếng dế trong bao diêm, giật mình thảng thốt vì cánh thư rơi bên thềm. Tuổi mười sáu lại có một chút gì đó của mộng mơ, e lệ làm xao động con tim:

                                     “Ai nhìn mình đăm đắm thế

                                      Vầng trăng chợt thức ngực đầy

                                       Nụ cười bỗng nhiên e lệ

                                      Nghiêng đầu tóc xõa ngang vai”

                                                                        (Tuổi mười sáu)

      Sang tuổi mười bảy lại có  cách xưng hô “mình”, “đằng ấy” thật dễ thương. Đôi khi cũng có chút giận dỗi, hờn ghen đến nao lòng. Đến tuổi mười tám thì cũng là lúc bắt đầu xa những chiều chụm đầu ăn ô mai, cười khúc khích bên bờ cỏ và có những rung động đầu đời đầy lưu luyến.

      Những cảm hứng của Nguyễn Đình Xuân trong tập thơ thường xoay quanh mái trường gắn liền với những kỷ niệm hồn nhiên, vô tư, hồi hộp như cảm giác bắt gặp những dòng chữ nghiêng của ai đó trong ngăn bàn. Mái trường vừa quen vừa lạ cứ tiếp nối bao thế hệ học trò:

                                          “Mái trường như lớp sóng xô

                                       Bao năm gối bước học trò sang ngang…”

                                                                           (Mái trường của tôi)

      Tập thơ “Cánh chuồn ngủ quên” của Nguyễn Đình Xuân đã khép lại nhưng dư âm của một thời trong sáng vô tư vẫn vang vọng mãi trong tôi. Với thể thơ tự do, thơ lục bát… tác giả đã bộc lộ một tâm hồn nhạy cảm, yêu đời, yêu cuộc sống qua cái nhìn tinh nghịch, hồn nhiên. Hình ảnh con chuồn chuồn ngô trong lớp có những khoang vàng như ngô bắp sẽ chắp cánh cho bao ước mơ cao đẹp ở đời trở thành hiện thực.

                                                                                      16-8-2013

                                                                          TRẦN XUÂN DUNG

Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Thơ Nguyễn Đình Xuân

Tôi muốn thơ nói những điều dung dị, hoà dồng cảm xúc và nói hộ những tâm tình mà ai đó chưa thể hiện bằng thơ.

Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào
Ảnh đại diện

Dự định

Năm 2015 này hy vọng Nguyễn Đình Xuân trình làng tập thơ mới!

Từng con chữ dường như biết nói...
Chưa có đánh giá nào