494.39
Nước: Việt Nam (Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn)
312 bài thơ
2 bình luận
15 người thích
Tạo ngày 28/07/2005 23:43 bởi Vanachi, đã sửa 4 lần, lần cuối ngày 04/08/2007 10:19 bởi Vanachi
Lê Thánh Tông 黎聖宗 sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất (25-8-1442), mất ngày 30 tháng 1 năm Đinh Tỵ (3-3-1497), huý Lê Tư Thành 黎思誠, còn có huý khác là Lê Hạo 黎灝, là vị vua thứ năm thời Lê sơ và là con thứ 4 của vua Lê Thái Tông và bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Trong lúc trị vì, ông đã đưa ra nhiều cải cách trong hệ thống quân sự, hành chính, kinh tế, giáo dục và luật pháp. Ông cũng đã mở mang bờ cõi nước Đại Việt bằng cách đánh chiếm thủ đô của nước Chiêm Thành, sát nhập một phần lãnh thổ Chiêm Thành vào Đại Việt; đồng thời có cuộc hành quân về phía Tây đất nước. Ông trị vì từ năm 1460 đến lúc mất, và được nhiều nhà sử học đánh giá là một trong những vị vua tài ba trong lịch sử Việt Nam. Ông cũng được coi là nhà văn hoá và là người coi trọng người hiền tài. Thuỵ hiệu do vua Lê Hiến Tông đặt là Sùng Thiên Quảng Vận Cao Minh Quang Chính Chí Đức Đại Công Thánh Văn Thần Vũ Đạt Hiếu Thuần Hoàng Đế.

 

  1. An Bang phong thổ
    4
  2. Áp noãn
  3. Bạch Hạc giang trung
    2
  4. Bệnh khởi cảm hoài kỳ 2
    2
  5. Bộ tiền vận - Đề phiến
    2
  6. Bơi thuyền ở Trà Thượng
  7. Bờn trăng
  8. Buổi chiều trông ráng mây đỏ
  9. Buổi sáng ngắm sông chài
  10. Bút
    1
  11. Cái ấm đất
  12. Cái chổi
  13. Cái cối xay (I)
  14. Cái cối xay (II)
  15. Cái diều giấy
  16. Cái điếu
  17. Cái đó
  18. Cái nón
  19. Cái quạt
  20. Cái xe điếu
  21. Cảm nguyệt thi
    2
  22. Càn hải môn lữ thứ
    3
  23. Canh ba (I)
  24. Canh ba (II)
  25. Canh bốn
  26. Cảnh buổi sáng ở Động Lâm
  27. Canh hai (I)
  28. Canh hai (II)
  29. Canh một (I) Vịnh năm canh
  30. Canh một (II)
  31. Canh năm (I)
  32. Canh năm (II)
  33. Cây cau
  34. Cây chuối
  35. Cây đánh đu
  36. Cây mai
  37. Cây mai già
  38. Cây quế trong trăng
    1
  39. Cây thông
    1
  40. Cây trúc
  41. Chí Linh sơn đạo trung kỳ 1
    1
  42. Chí Linh sơn đạo trung kỳ 2
    2
  43. Chim nhạn đáp xuống bãi cát phẳng
  44. Chó đá (I)
  45. Chó đá (II)
  46. Chợ cạnh núi lúc tạnh mù
  47. Chùa Non Nước
    1
  48. Chùa núi Phật Tích
  49. Chùa Pháp Vân
  50. Chùa Pháp Vũ
  51. Chùa Trấn Quốc
  52. Chuông Phả Lại, nguyệt Bình Than
  53. Chử Đồng Tử
  54. Chức Nữ nhớ Ngưu Lang (I)
  55. Chức Nữ nhớ Ngưu Lang (II)
  56. Con cóc
    1
  57. Con gà
  58. Con kiến
  59. Con muỗi
  60. Cung tần
  61. Cuối xuân nơi đất khách
  62. Dệt cửi
  63. Di Luân hải môn lữ thứ
    3
  64. Du hải môn lữ thứ
    2
  65. Du Húc hải môn
    2
  66. Đà giang tiểu bạc
    2
  67. Đại hạn gặp mưa
  68. Đáp thơ “Chồng bỏ”
  69. Đăng Long Đội sơn đề Sùng Thiện Diên Linh bảo tháp bi hậu
    5
  70. Đất khách gặp bạn cũ
  71. Đề Bạch Nha động
    4
  72. Đề Dục Thuý sơn
    2
  73. Đề đại học sĩ Vũ Vĩnh Trinh hoạ tượng
    1
  74. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 01
    3
  75. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 02
    3
  76. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 03
    3
  77. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 04
    3
  78. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 05
    3
  79. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 06
    3
  80. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 07
    3
  81. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 08
    3
  82. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 09
    4
  83. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 10
    3
  84. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 11
    3
  85. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 12
    3
  86. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 13
    3
  87. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 14
    3
  88. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 15
    3
  89. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 16
    3
  90. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 17
    5
  91. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 18
    3
  92. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 19
    3
  93. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 20
    3
  94. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 21
    3
  95. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 22
    3
  96. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 23
    3
  97. Đề đạo nhân vân thuỷ cư kỳ 24
    3
  98. Đề Hoằng Hựu miếu thi
    4
  99. Đề Hồ Công động
    4
  100. Đề Kính Chủ động
    2
  101. Đề Long Hạm sơn
    3
  102. Đề Long Quang động
    3
  103. Đề phiến kỳ 01
    3
  104. Đề phiến kỳ 02
    3
  105. Đề phiến kỳ 03
    3
  106. Đề phiến kỳ 04
    5
  107. Đề phiến kỳ 05
    2
  108. Đề phiến kỳ 06
    3
  109. Đề phiến kỳ 07
    3
  110. Đề phiến kỳ 08
    2
  111. Đề phiến kỳ 09
    3
  112. Đề phiến kỳ 10
    2
  113. Đêm đông dậy sớm
  114. Điệu đồng khí
    3
  115. Điếu trạng nguyên Lương Thế Vinh
  116. Điếu trạng nguyên Nguyễn Trực
  117. Đỉnh hồ
    3
  118. Đối khách dạ ẩm
    3
  119. Động Bạch Nha
  120. Đông dạ chước tửu
    3
  121. Đồng doanh trại ở Nang Sa
  122. Đông Ngạc châu
    4
  123. Đông tuần hiểu phát Cấm giang
    3
  124. Đông tuần quá An Lão
    4
  125. Đông tuần trú Đồng Cảng
    3
  126. Đuốc hoa đêm động phòng
  127. Gậy và nón
  128. Giáp hải môn lữ thứ
    2
  129. Giới nho sĩ
  130. Giới quan liêu
  131. Giới thiền tăng
  132. Hà Hoa hải môn lữ thứ
    1
  133. Hạ lại
    2
  134. Hằng Nga nguyệt
  135. Hoa
  136. Hoạ bài “Người chăn trâu”
  137. Hoạ bài Mấy mầm liễu đỏ một thuyền chài
  138. Hoạ bài Người đi cày
  139. Hoạ bài Người hái củi
  140. Hoạ bài Người kiếm cá
  141. Hoạ bài Tết Nguyên Đán
  142. Hoa biết nói
    1
  143. Hoa mai đầu mùa
  144. Hoa sen
  145. Hoa sen non
  146. Hoạ vần bài Vịnh trăng (I)
  147. Hoạ vần bài Vịnh trăng (II)
  148. Hoạ vần bài Vịnh trăng (III)
  149. Hoạ vần bài Vịnh trăng (IV)
  150. Hoạ vần bài Vịnh trăng (IX)
  151. Hoạ vần bài Vịnh trăng (V)
  152. Hoạ vần bài Vịnh trăng (VI)
  153. Hoạ vần bài Vịnh trăng (VII)
  154. Hoạ vần bài Vịnh trăng (VIII)
  155. Hoạ vần bài Vịnh trăng (X)
  156. Hoàng Giang điếu Vũ nương
    1
  157. Hòn đá tảng giặt vải mùa rét
  158. Kênh Trầm
  159. Khi bảng vàng đề tên
  160. Khoai
  161. Kinh Điệp sơn
    3
  162. Kinh Hưng Bang quan
    2
  163. Lại vịnh cảnh mùa đông
  164. Lại vịnh cảnh mùa hè
  165. Lại vịnh cảnh mùa thu
  166. Lại vịnh cảnh mùa xuân
  167. Lại vịnh cây cau
  168. Lại vịnh Hàn Tín
  169. Lại vịnh nắng mùa hè
  170. Lại vịnh Tô Vũ
  171. Lại vịnh trăng non
  172. Lãng ngâm
  173. Lộng nguyệt thi
    2
  174. Lúc đầu thu ở đất khách
  175. Lương sàng
    3
  176. Lưu Nguyễn gặp tiên trong động
  177. Lưu Nguyễn nhớ tiên nữ (I)
  178. Lưu Nguyễn nhớ tiên nữ (II)
  179. Lưu Nguyễn trở lại không gặp tiên nữ
  180. Lưu Nguyễn từ biệt các tiên nữ
  181. Lỵ Nhân nữ sĩ
    3
  182. Lý Ông Trọng
  183. Màn hoè
  184. Mặc
    3
  185. Mấy mầm liễu đỏ một thuyền chài
  186. Mây phủ cây tùng cối lúc tạnh
  187. Mẹ Vương Lăng tiễn sứ giả của Vương Lăng
  188. Miếu vợ chàng Trương
    3
  189. Mưa đêm ở Tiêu Tương
  190. Nắng hè
  191. Nắng mùa hè
  192. Ngã ba sông
  193. Nguyệt hạ tuý ẩm
    3
  194. Ngự chế đại giá thượng kinh chu trú ư Thuý Ái châu
    1
  195. Ngự chế đề Lục Vân động
    3
  196. Ngự chế hạnh Kiến Thuỵ đường ngẫu thành
    1
  197. Ngự chế kỳ khí thi
    3
  198. Ngự chế mai hoa thi
    5
  199. Ngự chế Quang Đức điện thượng bái yết lễ chung tư cảm chi gian nga thành tứ vận
    1
  200. Ngự chế Thiên Nam động chủ đề
    5
  201. Ngự chế Thiên Vực giang hiểu phát
    1
  202. Ngự chế văn nhân thi
    2
  203. Người ăn mày
  204. Người bù nhìn (I)
  205. Người bù nhìn (II)
  206. Người nấu bếp
  207. Ngưu Lang từ biệt Chức Nữ
  208. Nhà dột
  209. Nha tường nguyệt thi
    4
  210. Nhớ người xa
    1
  211. Núi goá
  212. Núi Nam Công
  213. Núi Ngọc Nữ
  214. Núi Song Ngư
  215. Núi Thần Phù
  216. Ở bãi cát Trà Thượng
  217. Quá Bình Độ
    2
  218. Quả dưa
  219. Qua đèo Ngang
  220. Quá Hưng Đạo Vương từ
    3
  221. Quá Phù Tang độ
    3
  222. Quá Phù Thạch độ kỳ 2
    4
  223. Quang Khánh tự hạ trú chu
    3
  224. Quân minh thần lương
    6
  225. Rau cải
  226. Sen gặp gió
  227. Sông Bạch Đằng
  228. Tam canh nguyệt
    5
  229. Tang châu
    3
  230. Tết Nguyên Đán
  231. Thành cổ
  232. Thánh Gióng Phù Đổng Thiên Vương
  233. Thánh Tông Thuần hoàng đế khuyến học văn
    1
  234. Thằng đánh giậm
  235. Thần Phù hải môn lữ thứ
    3
  236. Thợ cạo
  237. Tiên nữ nhớ Lưu Nguyễn
  238. Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn (I)
  239. Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn (II)
  240. Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn (III)
  241. Tiên nữ tiễn Lưu Nguyễn (IV)
  242. Tiếng chuông chiều trong chùa đầy mây khói
  243. Tiết trùng dương uống rượu cúc
  244. Tiểu chước
    3
  245. Tiểu yến quan kỹ
    3
  246. Tổng kết tám cảnh Tiêu Tương
    1
  247. Trào nhân ẩm tửu
    3
  248. Trăng (I)
  249. Trăng (II)
  250. Trăng đêm ở Liên Khê
  251. Trăng non
  252. Trăng thu dãi doanh liễu
  253. Trăng thu dọi cây sân
  254. Trăng thu trên hồ Động Đình Động Đình thu nguyệt
  255. Trấn Vũ quán thi
  256. Trời thu trăng sáng
  257. Trú An Lạc
    3
  258. Trú Cổ Quý sơn kỳ 2
    3
  259. Trú Long Nhãn
    3
  260. Trú Xương Giang
    5
  261. Trúc quân tử
  262. Trung Giang châu dạ bạc
    2
  263. Tục thôn tiến trung
  264. Tuý trung ngẫu thành
    1
  265. Tuyết buổi chiều ở trên sông Giang thiên mộ tuyết
    1
  266. Tư Dung hải môn lữ thứ
    2
  267. Tứ thú cùng nhau nói chuyện
  268. Tự thuật
    1
  269. Tự thuật
    5
  270. Tượng bà Banh
  271. Vân Đồn cảng khẩu
    4
  272. Vấn Hằng Nga thi
    4
  273. Viếng Lê Khôi
  274. Vịnh bài Hòn đá tảng giặt vải mùa rét
  275. Vịnh cảnh mùa đông (I)
  276. Vịnh cảnh mùa đông (II)
  277. Vịnh cảnh mùa hè (I)
  278. Vịnh cảnh mùa hè (II)
  279. Vịnh cảnh mùa thu (I)
  280. Vịnh cảnh mùa thu (II)
  281. Vịnh cảnh mùa xuân (I)
  282. Vịnh cảnh mùa xuân (II)
  283. Vịnh Chế Thắng phu nhân
    2
  284. Vịnh con cóc
  285. Vịnh Hàn Tín
  286. Vịnh Hạng Vũ
  287. Vịnh làng Chế
  288. Vịnh người ăn mày
  289. Vịnh người chăn trâu (I)
  290. Vịnh người chăn trâu (II)
  291. Vịnh người đánh cá (I)
  292. Vịnh người đánh cá (II)
  293. Vịnh người đi cày (I)
  294. Vịnh người đi cày (II)
  295. Vịnh người hái củi (I)
  296. Vịnh người hái củi (II)
  297. Vịnh thằng mõ
  298. Vịnh thuyền người đánh cá
  299. Vịnh Tiêu Hà
  300. Vịnh Tô Vũ
  301. Vịnh Trương Lương
  302. Voi
    1
  303. Vũ tễ tiểu chước
    3
  304. Vụng Bàn Than
  305. Vương Tường oán trách non sông
  306. Vương Tường oán triều đình
  307. Vương Tường thất sủng
  308. Vương Tường tự than thân
  309. Vương Tường tự vẫn
  310. Xuân nhật bệnh khởi kỳ 1
    3
  311. Xuân nhật bệnh khởi kỳ 2
    3
  312. Xước cảng trung thi
    3

 

 

Ảnh đại diện

Luận về vua Lê Thánh Tông

Khi xét đến thi văn của vua Lê Thánh Tông, nếu ta để riêng một vài bài nhà vua làm trong khi thân chinh hoặc đi tuần du như bài Đề miếu bà Trương, bài Qua Đèo Ngang tức là những bài có cảm hứng thành thật, sáng tác dễ dàng, có giá trị, ta còn có thể chia thi văn của nhà vua làm hai loại:
1) Những bài thơ cổ kính, dùng nhiều chữ Nho như bài Hoa sen, Thơ cho sứ thần, v.v..
2) Những bài có lời văn chải chuốt thuộc về loại thơ khẩu khí, nghĩa là vịnh những hạng người hèn hạ, những vật tầm thường, nhưng ngụ ý tả một ông vua hoặc một ông tướng có phẩm cách cao quý.

Nay ta thử xét qua giá trị của từng loại kể trên.

1) Loại thơ cổ kính:

Những bài thơ thuộc về loại này rõ ràng là những bài thơ xưa, còn dùng nhiều chữ nho và điển tích khó khăn. Ta thử đọc bài Vịnh hoa sen:

Chẳng bận chi trần mảy mảy hơi,
Luận về thanh quí tót xa vời.
Nõn nà sắc nước nhờ duyên nước,
Ngào ngạt hương trời nức dặm trời.
Gấm Chức dong tơ khuây mắc cửi,
Gương Hằng ngắm bóng ngại trâm cài.
Dao trì lần thấy Triều đi rước,
Hớn hở Thai minh vận thái giai.
Đọc bài nầy ta nhận thấy câu 1 khô khan, gượng gạo, câu 2 kém sắc sảo, hai câu 5, 6 tối nghĩa vì dùng điển nặng nề (Chức Nữ thấy hoa sen đẹp mà quên dệt cửi, Hằng Nga vì mải ngắm sắc đẹp của hoa sen mà quên cài trâm). Hai câu 7 và 8 lại tối nghĩa vì hình ảnh phô diễn không được rõ ràng (trong ao ngọc, đám hoa sen trông như đám rước ở trong triều, hoa sen đẹp như sao Thai đến thời kỳ sáng tỏ). Chỉ có hai câu 3 và 4 là nhẹ nhàng, chữ dùng thanh thoát, những chữ “nước”, “trời” lặp lại khéo léo, cho ta cái ý cao xa rộng rãi và lại tỏ được sự hoà hợp hoàn toàn giữa hoa sen và cảnh vật thiên nhiên.

Nhưng xét về toàn thể bài này còn có chỗ vụng về vì cách đặt câu dùng chữ chưa song suốt, ổn thoả. Nếu ta có để ý đến bài này thì cũng là vì lòng hiếu cổ hơn là vì mến chuộng giá trị văn chương của nó.

2) Loại thơ khẩu khí:

Người xưa thường có lệ xem văn chương để đoán vận mệnh tương lai của tác giả. Người ta cho rằng có thể đọc một bài thơ mà đoán biết được tác giả của nó là người như thế nào, mai sau thân phận hẩm hiu hay là hiển đạt lừng lẫy. Lợi dụng sự tin tưởng ấy, nhiều nhà thơ trong lúc ngâm vịnh những sự vật tầm thường có ẩn ý bày tỏ khí phách và hoài bão lớn lao của mình. Các hạng nho sĩ làm thơ như vậy cốt để phô trương tài trí và dùng làm một phương tiện tiến thân,các bậc quân vương thì nhắm mục đích bày tỏ khí tượng thiên tử làm cho mọi người phải tôn kính. Do đó mới có thơ khẩu khí, tức là một mánh khoé của các thi sĩ thường dùng để tự “tuyên truyền” hoặc để tự đôn đốc lòng tự ái của mình.

Vua Lê Thánh Tông làm nhiều thơ khẩu khí hơn ai cả. Vua có nhiều bài được truyền tụng như những bài vịnh: Con cóc, Con chó đá, Cái chổi, Cái nón, Cái cối xay, Thằng mõ, Người bù nhìn, Người ăn mày, Thợ dệt vải, v.v... Nhiều người cho rằng sở dĩ vua làm nhiều thơ khẩu khí như vậy là cốt để đánh đổ những tin đồn trong dân chúng nghi ngờ rằng nguồn gốc của nhà vua không được minh bạch (mẹ vua là bà Ngô Thị Ngọc Dao bị người gièm pha, không được ở trong cung, và sinh hạ nhà vua trong một ngôi chùa ở Thăng Long).

Điều ấy có thể tin được vì thơ khẩu khí ít gây hứng thú cho tác giả, chỉ thoả mãn đôi chút tính tự phụ, lòng kiêu hãnh của kẻ sáng tác ra nó, lại bắt phải gò gẫm công phu, thế mà nhà vua lại sản xuất rất nhiều, tất nhiên phải có dụng ý lấy văn chương để tự thanh minh hoặc để nâng đỡ uy tín của mình cho dễ cai trị.

Đọc một bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tông hoặc bất cứ một bài thơ khẩu khí nào của một thi sĩ khác, ta có thể nhận thấy rõ đường lối sáng tác mà tác giả đã noi theo.

a) Trước hết, đứng trước một vật thường thấy hằng ngày, tác giả nhờ một cái nhìn tinh tế sâu sắc, gần giống như một linh cảm, nhận thấy giữa vật ấy và chí hướng của mình có gì phảng phất giống nhau nên nẩy ra cái ý định tổng quát, đem vật ấy ra ngâm vịnh để bày tỏ những hoài bão của mình:

Ví dụ: Người bù nhìn đem so sánh với một vị tướng uy nghi chính trực, Con chó đá tức là một ông quan dốc lòng thờ chúa v.v...

b) Cái ý khởi đầu làm nẩy ra trong trí óc của tác giả hai loại hình ảnh. Những hình ảnh có liên quan đến vật tầm thường hiển hiện ở trước mắt và những hình ảnh tôn quý ngụ bên trong. Tất cả tài nghệ của tác giả là làm thế nào trình bày những hình ảnh thuộc về loại thứ nhất mà bắt người đọc liên tưởng đến những hình ảnh thuộc về loại thứ hai một cách dễ dàng. Vì thế tác giả phải tìm giữa hai loại hình ảnh ấy những điểm nào giống nhau để cho sự liên tưởng ấy được trực tiếp mau lẹ, rồi đem những điểm tương đồng ấy sắp đặt lại để kết cấu nên bài thơ.

Ví dụ: Trong bài thơ Người bù nhìn có những chi tiết sau này: Người bù nhìn dang tay đứng ngoài bờ ruộng làm ta liên tưởng đến một vị tướng trấn thủ ngoài biên thuỳ. Người bù nhìn đêm ngày có mặt trời mặt trăng soi sáng, ấy là biểu hiện cho sự công minh của vị tướng được trời đất chứng giám.

Trong bài thơ Dệt vải: Người dệt vải chăm lo công việc để mọi người khỏi phải rét mướt, cũng như một vị quân vương biết nghĩ đến tình cảnh khốn khổ của dân chúng mà chăm sóc đến họ. Người dệt vải ngồi trên khung cửi, tay đưa thoi, chân đạp cửi, cũng như một ông vua điều khiển bộ máy cai trị cốt để ích quốc lợi dân.

Nếu tác giả tìm được nhiều chi tiết, biểu lộ được sự xứng hợp sít sao giữa hai loại hình ảnh, tất nhiên bài thơ phải có giá trị.

c) Nói cho đúng, làm thơ khẩu khí không phải chỉ so sánh mà thôi, mà còn phải phóng đại nữa. Mục đích của tác giả là làm thế nào khi nhìn qua hình ảnh của một vật tầm thường ở trước mắt, ta có thể nhận thấy hình ảnh của một nhân vật có phẩm cách hơn người, đáng tôn trọng. Thường thường muốn đạt được mục đích ấy, tác giả dùng những chữ có hai nghĩa (sens équivoque) tức là những chữ có một nghĩa đen tầm thường đi đôi với một nghĩa bóng cao xa rộng rãi. Sau đây ta thử kể một vài ví dụ:

Trong bài Người bù nhìn những chữ “cõi bờ” (câu 1) có nghĩa là bờ ruộng, lại có nghĩa là biên thuỳ.

“Chim muông”: nghĩa đen là chim chóc, muông thú, nghĩa bóng là giặc giã, cướp bóc.

“Móc mưa”: nghĩa là sương mù và mưa, nhưng nghĩa bóng là ơn vua (dịch chữ vũ lộ).

Trong bài Dệt vải, “máy âm dương” nghĩa là cái khung cửi mà cũng để chỉ bộ máy cai trị, sự tổ chức trong nước do vua điều khiển.

Trong bài Cái chổi, “cái đai” để chỉ cái vòng dây buộc cán chổi mà cũng để chỉ cái dây quàng lưng trong bộ phẩm phục của một ông quan.

Các nhà thơ khẩu khí lại hay dùng chữ “nước” với một nghĩa đen mà ai cũng hiểu và một nghĩa bóng cao cả trọng đại.

Nói tóm lại, trên đây ta xét qua cái máy móc cấu tạo một bài thơ khẩu khí. Nguyên động lực là một ý tự phụ đã xúi giục tác giả làm thơ để tự tán tụng. Tất cả nghệ thuật của tác giả đều gồm trong sự chọn lọc hình ảnh và dùng chữ thật khéo léo. Nghệ thuật ấy công phu thật, nhưng cũng chỉ ở trong phạm vi tiểu xảo mà thôi. Đọc một bài thơ khẩu khí ta có cảm giác hay hay, ta phục cái trí xảo của tác giả, nhưng cuối cùng ta phải thất vọng khi nhận thấy đó chỉ là một cái gì giả dối, nhân tạo, còn cái nghệ thuật cao siêu, cái thi hứng thần diệu làm cho ta rung cảm đâu phải có thế.

Xét về tình thì một bài thơ khẩu khí tuyệt nhiên không có, xét về ý thì lại rất nghèo nàn, hoạ chăng chỉ có cái ý định phô trương một cá tính, mà cá tính ấy lại là một cá tính tự cao tự đại!

Những bài thơ khẩu khí của vua Lê Thánh Tông cũng có thể xem như một loại thơ biểu hiệu (poésie symbolique) vì những vật hèn hạ như con cóc, cái chổi, con chó đá hoặc những hạng người tầm thường như thằng mỏ, người ăn mày, đều là những hình ảnh (symboles) dùng để phô diễn những ý tưởng cao thượng đẹp đẽ. Nhưng xét kỷ, thì giữa thơ biểu hiệu và khẩu khí vẫn có điểm không giống nhau. Một bài thơ biểu hiệu như bài thơ Cái chai quăng xuống bể hoặc bài thơ Cái chết của con chó sói của nhà thi sĩ Alfred de Vigny trong văn chương Pháp đều là những bài rất có giá trị vì hính ảnh tinh tường bạo dạn đi đôi với ý tưởng sâu xa thâm thuý ngụ bên trong. “Cái chai” chứa đựng tài liệu của một nhà thám hiểm trôi nổi trên mặt bể, trải bao sóng gió, vượt muôn dặm trùng dương để cuối cùng đi đến những bến bờ êm đẹp rồi vào tay một nhà bác học, đó là hình ảnh của “tư tưởng”, phát sinh giữa khoảng trống trải không ai hay biết, phải vượt qua những trở lực trong xã hội loài người rồi cuối cùng mới được công nhận và giúp ích cho sự tiến bộ của nhân loại. “Con chó sói” khi cùng đường, mặc cho người đâm chém, cắn răng chịu chết, tức là hình ảnh của nhà hiền triết biết chịu đựng sự đau khổ mà không rên la. Ta thấy rằng trong một bài thơ biểu hiệu như hai bài vừa kể trên, hình ảnh đã làm bật rõ ý tưởng bên trong dễ làm cho ta cảm động mãnh liệt, hình ảnh đã nâng đỡ ý tưởng một cách mật thiết, hình ảnh tức là ý tưởng vậy. Trái lại, trong một bài thơ khẩu khí, hình ảnh cần phải được “phóng đại” mới cho ta đạt đến ý tưởng cao trọng bên trong. Nói người bù nhìn mà phải dùng đến những chữ “cõi bờ”, “vùng vẫy”, “danh lợi”, “vì nước”, v.v... ta mới liên tưởng đến vị tướng. Như vậy ý tưởng thì quá cao xa mà hình ảnh thì như “què cụt”, không theo kịp được ý tưởng. Vì lẽ ấy, một bài thơ khẩu khí thường có tính cách khôi hài, đôi khi xa hẳn sự thật. Ông Trần Thanh Mại đã chỉ trích bài thơ Người ăn mày của vua Lê Thánh Tông vì nhà vua đã hình dung người ăn mày như một nhà triệu phú, không lo nơi ăn chốn ở, ngao du khắp đó đây, và ông cho rằng: nếu một người đi ăn mày thật nghe được bài này tất phải nguyền rủa tác giả đã đem mình ra làm trò cười, nhạo báng. (Xem: Trông giòng sông Vị, Trần Thanh Mại, Tân Việt xuất bản)

Lời chỉ trích ấy rất có lý. Vì dụng ý phô trương chí khí và hoài bão của mình quá mạnh nên nhà thơ khẩu khí đã không kiêng nễ sự thật và tất cả công dụng khéo léo của tác giả cũng không bù lại cái khuyết điểm lớn lao nó đã ngụ sẵn trong nguyên tắc cấu tạo ra bài thơ.

3) Kết luận:

Trên đây ta đã phân tích và nhận thấy rằng giá trị của những bài thơ khẩu khí không được cao cho lắm. Tuy nhiên những sự nhận xét ấy không làm giảm bớt lòng kính phục của ta đối với vua Lê Thánh Tông, một vị anh quân của nước ta. Một lẽ chính đáng khiến ta phải thận trọng là vì ta chưa có bằng cớ rõ rệt chắc chắn rằng tất cả những bài thơ mà hiện nay người ta cho là của nhà vua đều do nhà vua sáng tác. Rất có thể có nhiều bài người đời sau làm ra rồi gán cho vua Lê Thánh Tông. Vả chăng, chúng ta công kích tất cả những bài thơ khẩu khí và vạch rõ cái khuyết điểm chung của loại thơ ấy, chứ không công kích riêng những bài của nhà vua. Thơ khẩu khí không đáng được khuyến khích, nhưng thơ khẩu khí như thơ của vua Lê Thánh Tông lại thuộc về hạng có giá trị. Lời lẽ song suốt dễ dàng, những bài thơ ấy đã dành cho nhà vua một địa vị đàn anh trong văn giới của nước ta ngày trước, và làm cho văn tài của nhà vua có những nét đặc biệt rất dễ phân biệt. Trong buổi văn Nôm còn phôi thai,chữ Hán được tôn sùng rất mạnh mẽ, thế mà nhà vua vẫn tỏ ra yêu mến văn Nôm và chỉ riêng về phương diện đó, không kể những sự cải cách, những tổ chức tốt đẹp về phương diện văn học,nhà vua cũng đã có công lớn trong việc xây dựng nền văn hoá rực rỡ của nước nhà.


Hà Như Chi

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
54.80
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tình hình văn bản thơ chữ Hán Lê Thánh Tông

Chắc chắn Lê Thánh Tông đã sáng tác thơ từ hồi còn rất trẻ. Sử sách còn chép rằng ngay từ khi ông còn là Hoàng tử, sống ở nhà riêng (phiên để), ông đã hoạ liền 12 bài thơ với nhan đề là Giang hành ngẫu thành (Đi trên sông ngẫu nhiên thành thơ) của Lê Hoằng Dục, một người bạn thơ của ông. Mà như chúng ta biết, ông lên ngôi vua vào năm 1460, tức là lúc ông mới 18 tuổi. Như vậy chứng cớ trên cho ta thấy chí ít là ông đã sáng tác từ trước tuổi 18. Đó chỉ là chứng cớ còn lại ghi trong thư tịch Hán Nôm mà chúng ta biết được. Trong thực tế chắc chắn còn là sớm hơn nữa. Thứ hai là, bút lực thơ của ông còn rất dồi dào. Bất cứ lĩnh vực gì, sự vật gì trừu tượng hay cụ thể, chúng cũng có thể trở thành nguồn cảm hứng cho thơ ông. Mà đối với lĩnh vực ấy, sự vật ấy, ông có thể là trực tiếp kinh nghiệm, hay gián tiếp thông qua sách vở, thông qua người khác, thế mà vẫn sáng tác rất hay, tứ thơ rất mới. Cùng một chủ đề, ông không chỉ sáng tác một bài, mà sáng tác cả một xê – ri bài. Thí dụ như ông hoạ liền 12 bài Giang hành ngẫu thành của Lê Hoằng Dục. Ông sáng tác liền một chùm đúng 10 bài về trăng, một chùm hơn 10 bài về chiếc quạt, 6 bài tiễn các bề tôi đi sứ Bắc quốc, hơn 10 bài về ốm đau bệnh tật, đến 40 bài về rượu chè yến ẩm, 24 bài liền về cái thú sống ở nơi mây nước của đạo sĩ, 14 bài liền vịnh các cửa biển từ Thanh Hoá tới Quảng Nam, hàng trăm bài về sông núi chùa chiền, danh lam thắng tích… Rồi còn các bài thơ vịnh về mai, trúc, đàn, gương, bút, mực. Và cũng phải kể đến cả một số tập thơ sáng tác chuyên về những chủ đề riêng biệt như: Chinh Tây kỉ hành, tập thơ nhật ký nói về việc đi đánh Chiêm thành; Châu cơ thắng thưởng, ca ngợi phong cảnh núi sông; Văn minh cổ xuý, nói về tấm lòng hiếu thảo tưởng nhớ công đức của tổ tiên khi về Lam Sơn bái yết sơn lăng; Quỳnh uyển cửu ca, những suy nghĩ về đạo làm vua, làm tôi, về nhân tài, về văn chương nghệ thuật … trong xã hội no ấm thịnh trị; Minh lương cẩm tú, chủ yếu vịnh về 14 cửa biển; và suýt soát 100 bài vịnh về các đề tài lấy từ Bắc sử trong tập Cổ tâm bách vịnh. Chủ đề thơ ông bao quát khắp mọi lĩnh vực như vậy. Nhưng có lẽ số những bài thơ miêu tả phong cảnh non sông đất nước là nhiều nhất và có giá trị nhất. Trong những bài thơ này của ông, ta thấy tấm lòng ông trong sáng như thanh niên bạch nhật, và văn chương ông nảy sinh từ núi cao sông dài. Đúng như một đôi câu đối cổ đã viết:

Tâm sự đương như thanh niên bạch nhật;
Văn chương đắc ư danh sơn đại xuyên.
(Tâm hồn trong sáng như thanh niên bạch nhật.
Văn chương nảy sinh từ núi cao sông dài.)
Sử còn ghi chép rằng ông còn sáng tác thơ cho tới khi ông sắp qua đời. Đó là bài Tự thuật nổi tiếng mà sử sách còn ghi lại.

Với một quá trình sáng tác lâu dài và với một bút lực dồi dào như vậy, nếu thơ ông không bị mất mát, rơi rụng theo thời gian, thì có lẽ phải tới con số hàng ngàn bài. Nhưng thực tế còn lại thì ít hơn nhiều.

Hiện nay, trong kho tàng thư tịch Hán Nôm, thơ chữ Hán của ông được chép rải rác trong hơn 40 tập sách Hán Nôm, bao gồm từ những bộ hợp tập, tuyển tập, chuyên tập thơ ca, những bộ sách lịch sử, địa lý toàn quốc và địa phương, một số sách truyền kỳ, chí quái, ngoài ra chúng ta còn thấy thơ của ông được khắc treo rải rác ở những biển gỗ trong một số ngôi chùa, đền, và được khắc nhiều nơi trên vách núi, hang động… từ Quảng Ninh cho tới tận Thanh Hoá. Những thơ chữ Hán của ông được chép nhiều nhất vẫn là sách Toàn Việt thi lục (A.1262, A .132, A.3200…) của Lê Quý Đôn. Các bản Toàn Việt thi lục đều ghi rõ: “Quyển 5 Thượng 140 bài; quyển 6 Hạ 190 bài”. Ngoài ra phải kể tới các sách Thiên Nam dư hạ (A . 334), Lê Thánh Tông thi tập (A . 698) cũng chép hơn 100 bài. Nếu cộng với số bài thơ khắc trên vách đá, biển gỗ, và được chép ở một số sách khác mà không thấy chép trong Toàn Việt thi lục, thì tổng số thơ chữ Hán còn lại đến ngày nay của ông là khoảng hơn 350 bài.

Hầu hết số thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông còn lại cho tới ngày nay đều là văn bản chép tay, trừ số bài trong Hoàng Việt thi tuyển do Bùi Huy Bích biên soạn được nhà Hi Văn Đường khắc in năm Ất Dậu, Minh Mệnh 6 (1825). Ngay về tác phẩm Quỳnh uyển cửu ca, trong bài tựa của chính nhà vua Lê Thánh Tông, ông có nói rằng: “Ta nghĩ cán cân văn chương phải là công khí, không muốn để riêng cho ta thưởng thức một lúc, mới sai khắc bản in để truyền bá được rộng; hơn một tuần thì khắc xong; mới in ra để ban bố” (1), thế mà cho tới nay tác phẩm này cũng không thấy còn một bản khắc in nào, toàn bộ đều là bản chép tay cả.

Sử sách chép rằng Lê Thánh Tông rất hay thơ và thơ hay. Phan Huy Chú nhận xét : “Kinh sử, chư tử, lịch số, toán chương ông đều tinh thông, văn thơ càng giỏi hơn các bề tôi” (2). Hoặc khi nhận xét về tập thơ Xuân văn thi tập của Lê Thánh Tông, Phan Huy Chú cũng khen:“Bài nào cũng có khí khái mạnh mẽ, lời ý bay bướm” (3). Sau đây là tên những tập thơ chữ Hán của ông mà sử sách có nhắc tới: Anh hoa hiếu trị, Châu cơ thắng thưởng, Chinh Tây kỷ hành, Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xuý, Quỳnh uyển cửu ca, Cổ tâm bách vịnh, Cổ kim cung từ thi tập, Xuân vân thi tập, và một số lượng lớn những bài thơ không thuộc tập thơ nào.

Trong số những tập thơ trên, thì các tập: Anh hùng hoa hiếu trị; Cổ kim cung từ thi tập; Xuân vân thi tập, hoặc là đã được Toàn thư hoặc là đã được các ông Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú nhắc tới, nhưng tới nay đều không còn. Số tập còn lại, về mặt văn bản, cũng có một số vấn đề cần giải quyết như: 1 - Nhầm lẫn một số bài của tập thơ nọ sang thơ kia cũng của chính Lê Thánh Tông; 2 - Chép lẫn thơ của ông với thơ của vua Lê Hiến Tông, là vị Hoàng Thái Tử, tức con trưởng của ông; 3 - Một số bài các ông Lê Quý Đôn, Bùi Huy Bích còn cho rằng không phải của Lê Thánh Tông, và xếp chúng vào mục “vô danh thị”. Nay chúng ta điểm qua số tác phẩm hiện còn.

Châu cơ thắng thưởng

Hiện nay, tập thơ này được chép trong tập Minh lương cẩm tú thi tập (A .254; từ tờ 21b đến 31a). Phần này gồm 22 bài, nội dung chính là ca ngợi cảnh đẹp núi sông, chùa chiền, đúng với cái tên của tập thơ Châu cơ thắng thưởng, nghĩa là những vần thơ đẹp như châu báu làm khi đi thưởng lãm những nơi danh thắng. Ngoài một số bài, ở những văn bản khác như Toàn Việt thi lục, Thiên Nam dư hạ, Hoàng Việt thi tuyển … đề rõ tên “Thượng Dương Động Chủ”, cùng niên hiệu Cảnh Thống là tên hiệu và niên hiệu của Lê Hiến Tông, chúng tôi đếm được số thơ của Lê Thánh Tông còn lại gồm 10 bài là:
1. Ngự chế đề Hồ Công động (tờ 21b)
2. Ngự chế Bảo Thiên động chủ (tờ 23a)
3. Ngự chế đề Long Quang động (4) (tờ 23a)
4. Ngự chế Tu Mộng tự trụ khắc (tờ 24b) (5)
5. Ngự chế đề Long Đọi sơn Sùng Thiện Diên Ninh bảo tháp bi (tờ 26b) (6)
6. Ngự chế Thiên Nam Động Chủ đề (tờ 26b)
7. Đề Sài Sơn tự (tờ 27a)
8. Đề Chiếu Bạch sơn (tờ 27a)
9. Ngự đề trú Giao Thuỷ giang
10. Ngự chế Thuý ái Châu thanh minh tứ yến (tờ 30b)

Hai bài 9 và 10, có nội dung và thời điểm gần gũi với những bài thơ trong tập Văn minh cổ xuý. Ngoài ra còn 2 bài:
1. Hạnh Kim Âu Phong Công tự
2. Đề Bạch Nha động

Trong đó có bài ghi rõ “Quang Thuận bát niên” giống thời điểm của một vài bài thơ trên, xét thấy nội dung của hai bài này giống với 10 bài thơ trên, và ở trong Toàn Việt thi lục, chúng được xếp liền nhau, rất có khả năng chúng thuộc Châu cơ thắng thưởng, nhưng tôn trọng nguyên bản, chúng tôi vẫn giữ đúng 10 bài theo danh sách trên.

Chinh Tây kỷ hành

Sử sách chép rằng vua Chiêm Thanh là Trà Toàn bấy giờ muốn sinh sự với nước ta, một mặt sai người cầu viện nhà Minh, một mặt đem quân sang đánh phá vùng Hoá Châu (thuộc Quảng Bình ngày nay). Vì vậy, vua Lê Thánh Tông phải thân làm tướng đem 20 vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Chiến dịch này kéo dài từ thang 11 năm Hồng Đức thứ hai (1471) thì thắng lợi hoàn toàn. Và đây là tập thơ có tính chấp nhật ký làm trên chặng đường hành quân của ông.

Về tập thơ này, sách Thiên Nam dư hạ (A .334, tập 7, từ tờ 22a đến tờ 38a, và tập 8, từ tờ 27a đến tờ 36a) chép từ bài thơ khởi hành thứ nhất đến bài cuối cùng là Toạ nguyệt khiển hoài (ngồi ngắm trăng tỏ nỗi lòng), giống nhau cả về số lượng (tròn 30 bài) và thứ tự, chỉ xuất nhập một số chữ không đáng kể, sau đó chuyển sang tập thơ khác Minh lương cẩm tú.

Sách Toàn Việt thi lục (A .1262, A .3200), về tập thơ này, còn chép tiếp liền 11 bài nữa thuộc các tập Văn minh cổ xuý, và Minh lương cẩm tú.

Sách Hoàng Việt thi tuyển (A .608, Q1, tờ 13a) cũng có chọn in 15 bài xếp vào Chinh Tây kỉ hành, và lấy tên là Nam sư kỉ hành. Nhưng thực ra chỉ có 5 bài đầu (từ tờ 13b đến tờ 14b) là thuộc Chinh Tây kỉ hành mà thôi. Số còn lại cũng là thơ Lê Thánh Tông và cả của Hiến Tông nữa.

Chùm thơ về trăng trong Chinh Tây kỉ hành, gồm 10 bài, nhưng Toàn Việt thi lục, bản A .3200 (Q1, tờ 308, 309) lại xếp rời ra, gồm 5 bài về trăng và bài Tây chinh nhập Xước cảng cũng thuộc Chinh Tây kỉ hành thì lại chép xuống tận cuối cùng phần thơ Lê Thánh Tông, còn bản A. 1262 (tập2, tờ 81b - 82b) thì bài này lại xếp vào phần thơ của Lê Hiến Tông.

Tóm lại, số lượng và thứ tự các bài thơ trong Chinh Tây kỉ hành, chúng tôi dựa theo Thiên Nam dư hạ với con số tròn là 30 bài.

Minh lương cẩm tú

Hiện nay, trong Thư viện Viện Hán Nôm còn một số văn bản Minh lương cẩm tú, mang ký hiệu là: Vhv.826, VHv .94, VHv .127, A .254, A .1413… Chúng đều là bản chép tay, không có tựa, bạt, mục lục. Trong đó bản VHv .94 có thể là bản đầu thời Nguyễn, với những chữ kiêng huý viết bới nét như: Tông @ Hoa@ Nhậm @.

Tập thơ gồm 2 phần:
1. Gồm từ 13 đến 15 bài thơ vịnh các cửa biển, từ cửa biển Thần Phù tới cửa biển Hải Vân.
2. Từ 2 đến 3 bài là: Tư gia tướng sĩ, Đề Lục Vân độc, và Anh tài tử.

Chúng tôi xin lập bảng thống kê sau:

Số TT Ký hiệu văn bản

Tên bài thơ
VHv.826 VHv.94 VHv.127 A.254 A.1413 A.1168 (Cúc Đường bách vịnh)
1 Thần Phù hải môn thi + + - - + -
2 Thần Phù hải môn lữ thứ + + + + + +
3 Giáp hải môn lữ thứ + + + + + +
4 Du hải môn lữ thứ + + + + + +
5 Càn hải môn lữ thứ + + + + + +
6 Đan Nhai hải môn lữ thứ + + + + + +
7 Nam Giới hải môn lữ thứ + + + + + +
8 Kì La hải môn lữ thứ + + + + + +
9 Hà Hoa hải môn lữ thứ - + + + + +
10 Xích Lỗ hải môn lữ thứ + + + + + +
11 Di Luân hải môn lữ thứ + + + + + +
12 Bố Chính hải môn lữ thứ - + + + + +
13 Nhật Lệ hải môn lữ thứ + + + + + +
14 Tư Dung hải môn lữ thứ + + + + + +
15 Hải Vân hải môn lữ thứ + + + + + +
16 Đề Lục Vân động + + - + + +
17 Tư gia tướng sĩ + + + + + +
18 Anh tài tử thi + + + + + +
TỔNG CỘNG 16 18 16 17 18 17


Bài thứ 7, chữ Nam Giới, bản VHv.94 và bản A.1413 chép là Nam Aó @@. Về phần 1 gồm 15 bài vịnh các cửa biển, chúng tôi thấy bài 1 (Thần Phù hải môn thi) trong Thiên Nam dư hạ (A .334/8 tờ 84b; 85a) ghi rõ tác giả là Thượng Dương động chủ (tên hiệu của Lê Hiến Tông); và thời điểm sáng tác là “Cảnh Thống tứ niên, tuế thứ Tân Dậu, thập nhất nguyệt” (tháng 11, năm Tân Dậu, niên hiệu Cảnh Thống thứ 4 (1501).

Minh lương cẩm tú bản A .254, tờ 25a cũng chép bài thơ này và ghi rõ tác giả và niên đại giống như vậy. Vậy chúng tôi trả bài này về cho Hiến Tông.

Ba bài còn lại ở phần 2 gồm cả các bài hoạ của các từ thần, đúng như Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã nói về tác phẩm này là: “Minh lương cẩm tú, 1 quyển. Khoảng đời Hồng Đức, từ thần biên tập thơ của vua ngự chế và thơ của bề tôi hoạ lại” (7).

Số 14 bài vịnh cửa biển trên, Lê Quý Đôn và Bùi Huy Bích cho rằng chúng không phải là của Lê Thánh Tông, nên đã xếp vào mục “vô danh thị” (không rõ tác giả). Ngoài ra, trong Thiên Nam dư hạ, phần nguyên chú ở bài Hải Vân môn lữ thứ viết rằng: “Nghi là sai, thực không phải ý của nhà vua”. Thật ra phần nguyên chú phần nhiều là của người đời sau thêm vào khi sao chép thơ của ông, như ở bài thơ trên đây. Hoặc ở bài Tư Dung hải môn lữ thứ chẳng hạn: “Nhà Mạc thấy chữ Dung @ trùng âm với chữ Dung @ là tên của Mạc Đăng Dung, nên đối ra là Tư Khách @. Chúng ta không nên vì một đôi chỗ ở phần nguyên chú do người sau thêm vào, mà cho những bài thơ đó không phải của Lê Thánh Tông. Hơn nữa, những bộ sách địa lý có uy tín nhất của nhà Nguyễn, như Đại Nam thống nhất chí, hoặc những bộ địa phương chí nổi tiếng như Nghệ An kí… đều cho đó là của Lê Thánh Tông cả.

Một điểm nữa, trong một số văn bản Minh lương cẩm tú, 14 bài thơ vịnh cửa biển này đều có lới đề từ ghi rõ là: “Năm Canh Dần, Hồng Đức thứ nhất (1470), ngày 01 tháng 3, bắt sống chúa Chiêm là Trà Toàn. Ngày 11 tháng 4 về tới cung”, và đề hai rõ hai chữ “Ngự chế”. Vậy tác giả 14 bài vịnh cửa biển đó đích thực là vua Lê Thánh Tông vậy.

Nhưng tại sao chúng không được xếp vào trong tập Chinh Tây kỷ hành. Hơn nữa, 14 bài thơ này, không có một bài hoạ nào, như Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã nói về Minh lương cẩm tú, là phải có những bài hoạ của các bề tôi. Còn điểm nữa, 3 bài thơ ở phần hai, có bài như Tư gia tướng sĩ, Đề lục vận động, nhiều văn bản còn ghi rõ thời điểm sáng tác là “ngày 16 tháng 2, và ngày 17 tháng 3 năm Hồng Đức thứ 25 (1949)”. Vậy lẽ nào một tập thơ lại gồm 2 phần cách xa nhau đúng một phần tư thế kỉ?

Tuy vậy, xét độ ổn định trong tất cả các dị bản hiện còn, chúng tôi vẫn coi tập Minh lương cẩm tú của Lê Thánh Tông là gồm 17 bài, trong đó gồm 14 bài vịnh các cửa biển, và 3 bài khác là: Đề Lục Vân động, Tư gia tướng sĩ, và Anh tài tử.

Văn minh cổ xuý

Đây là tập thơ vua Lê Thánh Tông cùng các con và các triều thần sáng tác khi về bái yết sơn lăng, viếng thăm lăng mộ ông bà, tổ tiên và tháng 2 mùa xuân sang 1491, để tỏ lòng tưởng nhớ công đức ông cha, và mong ước đất nước thịnh trị.

Văn minh cổ xuý hiện được chép trong Toàn Việt thi lục (a.3200); từ tờ 268 đến tờ 270, Hoàng Việt thi tuyển chỉ chọn có 01 bài (bài số 2). Trong tập Minh lương cẩm tú (A.254 từ tờ 32a đến 61b), Văn minh cổ xuý gồm 6 bài sau:
1. Ngự chế bái yết sơn lăng cảm thành: (tờ 32a). Bài này chỉ có tên bài, không có phần thơ.
2. Ngự chế Thiên Vực giang hiểu phát (tờ 35a).
3. Ngự chế chu chí Lam Sơn, truy hoài Thánh Tổ huân nghiệp (tờ 40a).
4. Ngự chế Quang Đức điện thượng, bái yết lễ chung, tư cảm chi gian, nga thành tử vận (tờ 35a).
5. Ngự chế hạnh kiến Thuỵ Đường ngẫu thành (tờ 50b).
6. Ngự chế tam nguyệt sơ nhất nhật, đại giá thượng kinh, thập nhật ngự chu túc vu Thuý Ái châu, thứ liên nghênh bái, bách tính tự quan, nãi tả xuất ngũ thập lục tự, dĩ kí kỳ thực (tờ 56a).

Những bài thơ trên, sau đó đều có lời bình và thơ hoạ của Hoàng thái tử (tên Tăng, tức vua Hiển Tông), của các hoàng tử khác như Lương Vương Thoan, Phúc Vương Tranh, Kiến Vương Tân, và các bề tôi như Thánh Nhân Trung, Đào Cử… đúng như đặc điểm về Văn minh cổ xuý mà Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú đã nói.

Chúng tôi còn nhận xét thấy rằng bài 9, bài 10 trong Châu cơ thắng thưởng, và bài Truy tư nhị thánh công nghiệp có nội dung và thời điểm gần với những bài trên. Nhưng tôn trọng nguyên tác, chúng tôi vẫn chỉ coi 4 bài trên (thực còn là 5) là của Lê Thánh Tông trong tập Văn minh cổ xuý.

Quỳnh uyển cửu ca

Đại Việt sử ký toàn thư ghi chép khá tỉ mỉ về tập thơ này, cả về thời gian và hoàn cảnh ra đời của nó như sau: “Năm Ất Mão, niên hiệu Hồng Đức thứ 26 (1495) mà Đông tháng 11, làm sách Quỳnh uyển cửu ca. Vua thấy hai năm Sửu, Dần (1493, 1494) các thứ lúa được mùa, bèn đặt ra các bài ca vịnh để ghi điểm tốt”. Toàn thư còn ghi chép cả họ tên 28 vị văn thần được tham gia Hội Tao Đàn để hoạ thơ, và tên 9 bài thơ của nhà vua. Đó là các bài:
1. Phong niên (năm được mùa)
2. Quân đạo (đạo làm vua)
3. Thần tiết (tiết làm tôi)
4. Minh lương (vua sáng tôi hiền)
5. Anh hiền (các bậc anh tài, hiền triết)
6. Kì khí (khí lạ)
7. Thảo tự (chữ thảo)
8. Văn nhân (nhà văn)
9. Mai hoa (hoa mai)

Ngoài 9 bài thơ trên, Quỳnh uyển cửu ca còn có bài tựa của chính Lê Thánh Tông viết và bài bạt do Đào Cử viết.

Quỳnh uyển cửu ca làm một tập thơ mang tính vua tôi xướng hoạ như các tập Minh lương cẩm tú, Văn minh cổ xuý, sau mỗi bài xướng của nhà vua, đều có các bài hoạ của các nhà văn thần trong hội Tao Đàn nữa.

Mặc dù trong bài tựa, Lê Thánh Tông có cho ta biết sách này đã được khắc in, nhưng cho tới nay chúng ta chưa tìm thấy một bản in nào.

Sau đây là Bảng Thống kê số bài thơ của Lê Thánh Tông trong Quỳnh uyển cửu ca trong 7 dị bản khác nhau, toàn bộ đều là bản chép tay.

Số TT Quỳnh uyển cửu ca

Tên 9 bài thơ
của Lê Thánh Tông
Nam Thiên dự hạ A.334/7 Toàn Việt thi lục A.3200 Minh lương cẩm tú Vhv.94 Minh lương cẩm tú A.1413 Quỳnh uyển cửu ca Vhv.826 Cúc Đường bách vịnh A.1168 Lê Thánh Tông thi tập A.698
1 *Bài tựa của Lê Thánh Tông + - + + + + +
2 Phong niên + + + + + + +
3 Quân đạo + + + + + + +
4 Thần tiết + + + + + + +
5 Minh Lương + + + + + + +
6 Anh hiền + + + + + + +
7 Kì khí + + + + + + +
8 Thảo tự + + + + + + +
9 Văn nhân + + + + + + +
10 Mai hoa + + + + + + +
11 Bài bạt của Đào Cử + - + + + + +


Cổ tâm bách vịnh

Về tác phẩm này, Lê Quý Đôn và Phan Huy Chú, trong thiên Nghệ văn chíVăn tịch chí ở sách Đại Việt thông sử, và Lịch triều hiến chương loại chí nói khá kỹ rằng: “Cổ tâm bách vịnh, 10 quyển. Vua Lê Thánh Tông ngự chế, hoạ thơ vịnh sử của nhà nho đời Minh là Tiền Tử Nghĩa (Pham Huy Chú chép là Tiền Tử Mĩ). Các từ thần là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận phụng bình. Thơ đều làm theo thể ngũ ngôn tuyệt cú.”

Hiện nay trong Thư viện Viện Hán Nôm còn hai văn bản mang tên Cổ tâm bách vịnh mang ký hiệu A.702 và VHv.1010. Hai văn bản này không chỉ thuần chép số thơ của Cổ tâm bách vịnh mà còn chép nhiều bài thơ khác của Lê Thánh Tông. Nếu tính từ bài đầu tiên là bài Đỉnh hồ đến bài Xích Bích, rồi liền sau đó là ba chữ Cổ vịnh chung (Cổ tâm bách vịnh hết), chúng tôi thống kê được 97 bài.

Những bài đó có nội dung hoàn toàn là vịnh sử Trung Quốc, và có thể loại là thể thơ ngũ ngôn tuyệt cú, gần đúng với cái tên Bách vịnh của tập thơ.

               *

Trên đây là khái quát tình hình văn bản của những tập thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông hiện còn lưu trữ trong thư viện của Viện Hán Nôm. Trong số những tập tới nay không còn thì riêng Xuân vân thi tập được Phan Huy Chú dẫn khen tới 8 bài. Mà chúng ta thấy trong 8 bài đó, có bài thuộc Chinh Tây kỉ hành, có bài thuộc Châu cơ thắng thưởng, có bài thuộc Minh lương cẩm tú. Vậy phải chăng Xuân vân thi tập là tập thơ được tuyển chọn từ những tập thơ khác cũng chính của Lê Thánh Tông?

Số những bài thơ sáng tác rải rác không thuộc tập nào của Lê Thánh Tông cũng rất lớn, tới cn số xấp xỉ 150 bài, nói chung là không có vấn đề văn bản lớn. Chỉ có điều là sách Toàn Việt thi lục (A.1262, tập 2, từ tờ 79b đến tờ 84b) lại đóng lộn tới 10 bài, trong đó có 6 bài thuộc Chinh Tây kỉ hành, và 16 bài Đề đạo nhân vân thuỷ cư của Lê Thánh Tông sang phần thơ của Lê Hiển Tông. Nay chúng ta trả lại chúng cho Lê Thánh Tông vì lẽ trong sách Cổ tâm bách vịnh (VHv.1010), ở nhiều bài này còn chép đủ cả lời bình của Nguyễn Trực và Vũ Lãm, hai vị văn thần được Lê Thánh Tông đặc cách cho bình thơ của mình. Mà như chúng ta biết, Nguyễn Trực mất năm 1474, khi đó Hiến Tông mới 13 tuổi (ông sinh năm 1461). Ở độ tuổi ấy, khó mà sáng tác thơ với những tư tưởng nhàn tản, ẩn dật kiểu Lão Trang như trong 24 bài Đề đạo nhân vân thưởng này được.

               *

Trên đây là tình hình văn bản thơ chữ Hán của Lê Thánh Tông mà chúng tôi đã trình bày một cách đại lược thông qua sự tìm hiểu thơ của ông ở một số bộ sách Hán Nôm chính như Toàn thư, Toàn Việt thi lục, Thiên Nam dư hạ, Hoàng Việt thi tuyển , và ở một số tập thi tuyển khác. Chắc chắn là còn chưa đầy đủ, và chưa thấu đáo. Rất mong đồng nghiệp chỉ giáo (*).


Mai Xuân Hải

(*) Xin xem thêm bài “Khái quát tình hình văn bản..”, Thơ văn Lê Thánh Tông, Nxb Khoa học xã hội, Hà nội, 1986.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
tửu tận tình do tại
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook