Thơ » Việt Nam » Hậu Lê, Mạc, Trịnh-Nguyễn » Lê Thánh Tông » Thơ chữ Nôm
Đăng bởi Vanachi vào 26/02/2007 10:51
Ngàn lau san sát, cỏ xanh xanh,
Sảy nhớ ngày xưa kẻ tiết trinh.
Cách trở bấy lâu hằng giữ phận,
Hiềm nghi một phút, bỗng vô tình...
Hay lòng, phó mặc vầng cao thẳm,
Lẻ bóng tìm nơi chốn vắng thanh.
Dầu nhẫn ai ai qua đến đấy,
Thương nàng hoà lại trách Trương sinh.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi thienpht ngày 19/03/2013 10:57
Bài thơ được là theo thể thơ Nôm nên có một số từ cổ, nay ít được dùng:
- cao thẳm: trời,
- nhẫn: tất thảy,
- hòa: và.
Miếu bà Trương ở bên bờ sông Hoàng giang, thuộc làng Vũ Điện, huyện Nam Xang, phủ Lỵ Nhân (nay là xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam).
Tóm tắt truyện:
Vũ Nương lấy chồng tên là Trương Sinh được nửa năm thì chồng phải đi lính. Lúc chồng đi, Vũ Nương đã có thai sau đó sinh con trai đặt tên là Đản. Mỗi tối ngồi chơi với con, nàng thường trỏ vào bóng mình trên vách mà nói dối là cha Đản đấy. Ba năm sau Trương Sinh về, đứa bé đã biết nói. Khi gọi nó, nó lấy làm lạ hỏi: "Ông cũng là cha tôi ư? Sao nay lại biết nói? Trước cha tôi không biết nói, cứ tối thì thấy đến, mẹ tôi ngồi thì ngồi, mẹ tôi đi thì đi". Thấy con nói vậy, Trương sinh lòng ngờ vực, rồi mắng nhiếc sỉ nhục vợ, đến nỗi người vợ phải đâm đầu xuống sông Hoàng giang tự tử.
Sau đấy, một hôm buổi tối, chồng ngồi với con, bỗng đứa con chỉ vào bóng cha ở vách nói: "Kìa, cha Đản lại đến kia". Người chống bấy giờ mới nghĩ ra, biết nỗi oan của vợ mình, bèn lập đàn ở bờ sông để giải oan cho nàng. Dân vùng ấy sau lập miếu thờ bà ấy ở trên bờ sông.
Vua Lê Thánh Tông nhân đi qua miếu thờ đã vịnh bài thơ này.