204.00
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
219 bài thơ
2 bình luận
1 người thích
Tạo ngày 22/04/2013 19:17 bởi hongha83, đã sửa 6 lần, lần cuối ngày 01/02/2019 21:44 bởi hongha83
Trần Đình Nhân (1957-) là nhà thơ, nhà văn, quê ở Kinh Môn, Hải Dương. Hiện đang sống, làm việc và sáng tác tại vùng Than Đông Bắc Tổ quốc.

Tác phẩm:
- Vàng thu (thơ, NXB Văn học, 1997)
- Chú mèo đi hoang (tập truyện, NXB Kim Đồng, 1997)
- Điều ước của bé Hin (tập truyện, NXB Thanh niên, 1999)
- Chuyện ở làng (truyện dài, NXB Kim Đồng, 2002)
- Văn chọn lọc cho trẻ thơ (tuyển, NXB Văn học, 2005)
- Cuối trời mây trắng (thơ, NXB Hội nhà văn, 2006)
- Dấu chân ở lại (tập ký, NXB Văn học, 2009)
- Tìm xưa trên phố (thơ, NXB Hội nhà văn, 2013)
- Thơ tình Trần Đình Nhân (thơ, NXB Văn học, 2015)
- Tôi & than (thơ, NXB Văn học, 2016)
- Chú khỉ mồ côi và ông thầy lang (tập truyện, NXB Kim Đồng, 2013)
- Dấu chân…

 

Vàng thu (1997)

Cuối trời mây trắng (2006)

Tìm xưa trên phố (2013)

Thơ tình (2015)

Tôi và than (2016)

Chuyện với trăng tà (2018)

 

 

Ảnh đại diện

Thơ tình Trần Đình Nhân - Cái đẹp từ cuộc sống muôn màu

Đầu năm, giữa bao nhiêu bận rộn, lo toan người ta vẫn thường tìm đến những gì đẹp nhất, nhiều màu sắc nhất. Người chọn hoa, người chọn quả, người lựa chim muông. Tôi chọn thơ. Một lựa chọn tưởng có gì đấy không bình thường, mà lại rất bình thường. Bởi thơ là kết tinh của những gì đẹp nhất. Mà tính tôi lại thích cái đẹp, phải đẹp, gì thì gì cứ phải đẹp trước đã. Và tôi đã chọn cuốn Thơ tình (NXB Văn học ấn hành tháng 11 năm 2015) của tác giả Trần Đình Nhân để bắt đầu một năm mới của mình…

Thơ của Trần Đình Nhân đẹp. Là cái đẹp mà ta cứ có cảm tưởng như nó đang chỉ chực biến mất, không có gì níu giữ lại được. Điều này xuyên suốt tập thơ, bắt đầu từ bài thơ đầu tiên Cho mình cho người có những câu: “... Ngọt ngào chút ấm ban trưa./ Hanh hao một thoáng đã xưa cả thời... Đường qua lối cũ nát nhàu./ Trắng mây thuở trước lạnh màu thu đi.” Cho đến bài cuối cùng Tết lại màu mây: “Anh tết lại màu mây năm tháng cũ./ Để thương miền mây xám lẫn trong mơ.../ Đừng se lạnh khoảng trời cuối hạ/ Một chút thôi cho đủ dại khờ./ Đừng vội vã trắng miền sương phủ./ Giọt nắng nào ấm lại câu thơ...”. Có yêu thương, có hạnh phúc đấy chứ, mà sao vẫn thấy có điều gì mông lung, xa vời.

Hay như có người đã nói: “Thơ là cái gì đó thực mờ ảo”. Nhưng thơ Trần Đình Nhân rõ ràng đấy chứ, cũng mùa, cũng mây gió, cũng tôi, cũng em, cũng quá khứ đã qua, còn hiện tại thì như chực biến thành quá khứ, cũng là con người thơ buồn bã, cô đơn. Mà sao cứ thấy châng lâng thế nào ấy. Đọc thơ như gặp phải một mùi hoa hiển hiện đấy nhưng rất mong manh, dễ dàng mất ngay được. Như trong bài Lang thang mây trắng: “Nỗi buồn ngỡ thành sương gió./ Lẫn vào xanh hút trời mây./ Ngỡ chẳng bao giờ thấy được./ Ai ngờ trăng lay - mưa bay... Tháng năm đi về khắc khoải./ Nhưng miền mưa nắng chênh chang./ Ngọn gió ngày nào thổi lại./ Bốn bề mây trắng lang thang.” Sang đến bài Với Langbian lại là một sự kiếm tìm, cái tưởng có trước mặt mà rồi: “Chạm vào em./ Em hoá thành huyền thoại./ Ta đi đâu?/ Sương trắng đến mơ hồ./ Ta đi đâu?/ Hỡi miền biêng biếc thắm...”. Rồi bài Em làm thợ mỏ, tưởng hiện thực đấy, cuộc sống bộn bề đấy, mà vẫn: “Mặn mà chưa bén bước chân./ Bờ lau đã buốt vội hờn tóc xanh.”. Sang đến Thu biếc, tôi và em hoá thân vào những gì sinh động, mạnh mẽ nhất như con tàu, nắng lửa, bão giông... Có một điểm nối gặp nhau, nhưng điểm nối đó có là gì đâu, có giữ lại được gì, khi mà: “Tôi và em qua điểm nối con tàu./ Mùa xuân đi qua mùa hè nắng lửa./ Mùa thu trong bão giông chìm nổi./ Ngày đông ken xao xác cánh rừng thưa.”

Ta bắt gặp nhiều lắm trong tập hình ảnh chia rẽ, mất mát, hao hụt hoà cùng nhịp thơ chầm chậm, câu này nối sang câu kia như đang kể một câu chuyện, thường bừng vỡ ở các câu cuối. Từ thơ bảy chữ, tám chữ hay năm chữ, lục bát... cũng thế. Tổng hợp lại các ý của cả bài và mở ra lối thoát nhiều khi bất định. Như trong bài Thành phố này: “Êm như là giọt nhớ giữa đời quên./ Một chút bâng quơ một bờ hư ảo./ Như cơn khát nổi chìm trong ký ức./ Và nỗi buồn bất chợt vu vơ.” Rồi Hoa gáo: “Giữa chợ đời chẳng kịp nhận ra em./ Một thoáng vô tình, một thời mất hẳn./ Thời gian chạy ảo mờ trong sương gió./ Ta ngỡ ngàng sắc trắng một loài hoa.” Sang đến Viết trong chiều lạnh, vẫn đấy, một sự buồn không duyên cớ do thời gian, cảm thức của người thơ đưa đẩy tới: “Về đâu em nước cuốn chân cầu./ Năm tháng cũ nghiêng chiều sóng dội./ Có lẽ nào thời gian chìm nổi. Nhịp tim còn thổn thức giữa mù xa.” Sang đến Thu bất chợt: “Mây trắng trôi về đâu./ Ngấn vàng xao xác lá./ Có một người rất lạ./ Ngược lối về xa xưa.” Liên tục tìm kiếm, ngụp lặn, tái tạo lại, tuần hoàn... rồi lại tìm kiếm (quay trở lại từ bước đầu tiên). Lúc nào cũng trong trạng thái mấp mé bên bờ vực của sự đổ vỡ (không ngờ, không thể phòng thủ, chống đỡ) đến từ các phía.

Nhưng thơ Trần Đình Nhân không chỉ đẹp, nó còn có cái gì đó khác, cái khác đó giống như sự bất cần, nổi loạn. Tuổi trẻ của riêng tôi yêu thích sự nổi loạn như người ta yêu một cô gái đẹp vậy. “Đừng đổ lỗi cho ta./ Ta chẳng có tội gì./ Nàng Mỵ Nương xinh đẹp nhường kia./ Ta có hận là hận ta chậm bước. /Không lẽ nào một chút đa mang./ Ta thành kẻ tội đồ muôn kiếp...” Như lời Thuỷ Tinh trong bài Lời Thuỷ Tinh. Phải dám làm, dám yêu, dám hận thì mới là cuộc sống muôn màu. Trần Đình Nhân đã làm tốt điều này trong tập thơ. Dù “bến đa đoan” vẫn “mặc định đời tôi” như chính ông đã nói…


Phạm Trân
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Nhà thơ Trần Đình Nhân: “Làm thơ về thợ mỏ là “chung tình” với đồng đội...”

Trong cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức từ 2010 đến 2014, Quảng Ninh có 4 người được trao giải. Trần Đình Nhân được giải tư với chùm thơ Người ở mỏ. Nhân dịp này chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông...

- Đây là lần thứ 3 ông được giải trong một cuộc thi thơ viết về người thợ do Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức. Cảm xúc có còn nguyên vẹn như những lần trước không, thưa ông?

Tôi vẫn nhớ lần thứ nhất, tôi được giải nhất là vào năm 2005. Cuộc thi lần ấy hơi “khác thường”, đó là Ban Tổ chức đánh số báo danh, rọc phách tên tác giả. Nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, thay mặt Ban Giám khảo viết nhận xét thế này: “Chúng tôi chấm trên bản tác phẩm đã bị rọc phách, không biết thân thế và nghề nghiệp tác giả là gì nhưng chùm thơ của tác giả mang báo danh số 41 (là của Trần Đình Nhân - PV) viết rất chắc tay và có nghề, có thể chọn tới 4 bài để trao giải nhất!”. Sau đó, lần thứ 2 tôi được giải tại cuộc thi này là vào năm 2011 và lần này là lần thứ ba. Tất nhiên, những cảm xúc ban đầu của tôi vẫn vẹn nguyên. Cho dù hai lần sau đều không được giải cao như lần đầu, song dù sao thế cũng là may mắn chán. Như vậy nghĩa là mình cũng chưa đến độ quá già nua… để bị loại khỏi cuộc chơi (cười)…

- Ông dành cho người thợ mỏ vị trí như thế nào trong sáng tác của mình?

Bản thân tôi là thợ mỏ. Vì thế những trang viết trong sáng tác dành cho thợ mỏ chính là tôi viết cho tôi và cho bạn bè tôi…

- Có vẻ như những năm tháng lăn lộn của “Người ở mỏ” (tên một sáng tác của Trần Đình Nhân - PV) đã khiến ông thích viết về cái vất vả mệt nhọc, thậm chí dữ dằn của nghề này hơn các mặt khác trong cuộc sống của họ?

Không phải thích viết, mà đó là điều bắt buộc! Nếu không, chẳng khác nào người lính viết về chiến tranh mà bạn đọc lại chẳng thấy được cái tàn khốc của chiến tranh ở đâu. Những trang sáng tác về người thợ mỏ mà không thấy được đâu là nỗi lo toan, vất vả, lam lũ, cực nhọc của họ, đâu là cái dữ dằn của nắng, của mưa, của gió, của rét đến bợt bạt và thâm tím mặt người ở một vùng đất... thì những tác phẩm đó có thể nói là chưa chạm được đến bản chất đích thực của cuộc sống người thợ mỏ, thậm chí chưa hiểu được tâm tư, tình cảm và khát vọng của họ. “Luôn phải ngược chiều gió/ Mở vách những đường lò/ Luôn phải ngược chiều gió/ Với tiếp tầm moong sâu/ Thợ mỏ/ Chưa bao giờ dừng bước/ Ngay giữa chiều bão giông...” - Có lần tôi đã viết như thế về họ, tuy đây chưa phải là những câu thơ thực sự hay, nhưng cuộc sống của họ thì đúng là như thế! Sự vất vả, lam lũ như đã ngấm vào máu, vào hơi thở và đã thành ý chí, thành tinh thần bất khuất của người thợ mỏ. Họ cũng có niềm vui thật lớn và cũng “chịu chơi” hết tầm đấy chứ, nhưng đằng sau là trách nhiệm của một công dân mang sứ mệnh của giai cấp tiền phong! Nếu không hiểu được tình cảm, tinh thần và những nhọc nhằn của họ thì người sáng tác làm sao mong chạm được vào hồn, cốt người thợ! Đó chỉ là hình thức trải lòng mình cũng như của đồng đội tôi trên từng trang viết mà thôi! Chỉ mong sao những trang viết này đến được với bạn đọc để thấu hiểu, để cùng chia sẻ gánh nặng lẫn trách nhiệm và đánh giá đúng hơn về giá trị của người thợ…

- Xin được hỏi thêm đôi chút về công việc sáng tác của ông, tôi biết ông là người viết nhiều thể loại, từ thơ, truyện cho thiếu nhi, truyện dài v.v.. Vậy đâu là sở trường của ông?

Tôi đã từng tham gia nhiều thể loại như anh đã thấy. Có thể nói, khi đồng hành với thể loại nào, tôi đều có đam mê nhất định. Nhưng công bằng mà nói, tôi vẫn là người “chung tình” với thơ hơn. Tôi không dám nói đó là sở trường nhưng xem ra nàng thơ quyến rũ tôi mất rồi (cười)…

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.


Hải Dương
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook