Đó là một người rất đặc biệt với thi nhân: “người cũ” trở về làng một thoáng từ ‘‘hôm kia’’. Với mọi người khác cùng làng thì có gì lạ lùng. Nhưng thi nhân lại giật mình trong một thầm thảng thốt:

Lẽ nào người cũ về làng hôm kia
Bởi cái con đường kia gió vẫn thênh thang, có nghĩa là vẫn vắng vẻ ắng lặng, làm gì hiện lên một bóng ai. Mà hiện lên làm sao được, người chỉ về một thoáng ban trưa từ trước cả hôm qua cơ mà! Hỡi ôi:
Vẩn vơ một thoáng trưa hè
Tặng nhau cả một sân ve để buồn
Hay quá! Câu thứ tư, câu hoa hậu trong cả bốn câu đều thật hay ở khúc giữa bài thơ.
Nguồn lực do con người vắng mặt mà lại choán đầy cả bài thơ đã đẩy tiếp bốn câu bồn chồn than thở cuối bài. Đầy vẻ quyến rũ của những điệp từ, điệp ngữ:
Trời quê mây trắng còn vương
Đất quê như giục người thương nhớ người
Và duyên dáng làm sao sự diễn tả dân gian bằng ngôn ngữ Việt xiêu lòng cả nắng, mải đứng ngồi:
Bây giờ cả nắng hai nơi
Để hồn quê mải đứng ngồi tiếng ve
Hồn quê mà lại mải đứng ngồi trong tiếng ve day dứt, nghe thật mới lạ mà vẫn cứ thuần Việt!

Nhưng bốn câu khúc đầu bài thơ chỉ là đệm hay sao? Không đâu, có ám ảnh của linh khí người ấy đấy! Qủa thật vậy:
Mới nghe cuốc vọng bờ tre
Chả liên quan gì, mà lại động ngay một báo hiệu trong câu tiếp ngạc nhiên nghi nghi:
Mà sao xanh cả tiếng ve trước thềm
Và lập tức thi nhân bắt đầu rơi vào trạng thái không thăng bằng, ảo giác trong những hình sắc có thật vốn dĩ là bình thường:
Ngang trời mây trắng trôi êm
Hình như phượng đỏ sa thêm nắng vàng
Hình như, sa thêm... không tỉnh nữa rồi. Đúng quá mà, một sự thật bất bình thường đã được ai đó thông báo: người cũ về làng hôm kia!...

Trần Đình Nhân, tôi đoán, cho đến hôm nay vẫn ngất ngư với hồn quê của mình. Khi nhận được hồn quê qua bưu điện tôi vẫn cứ lãng đãng, bâng khuâng. Đọc đi đọc lại và không thể không mang ra thẩm bình. Thẩm bình xong vẫn cứ còn thấy hay.


Báo Văn nghệ số 25 (24/6/2006)
Khi bạn so găng với cuộc đời, cuộc đời luôn luôn thắng (Andrew Matthews)