Đăng bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 20/07/2007 20:01
Tác giả: Đỗ Trọng Khơi
Đọc “ Những tháng năm ở rừng” NXB Quân đội nhân dân-2005
Tập thơ Những tháng năm ở rừng được nhà xuất bản Quân đội nhân dân in năm 2005 này, có thể xem là một tập hợp tương đối đầy đủ của Nguyễn Anh Nông cho quá trình sáng tác mấy mươi năm qua. Tác giả, quê Xứ Thanh, có thơ in báo từ khi còn là học viên trường sỹ quan Lục quân I, tốt nghiệp lên đóng quân ở Cao Bằng thơ Nguyễn Anh Nông đã tỏ ra chững chạc, nhiều hứa hẹn
Và chính ở miền Cao Bằng đã cho thơ Nguyễn Anh Nông những bài hay, thấm đẫm chất hào khí, cái trập trùng núi non biên ải. Những sáng tác thời gian này góp mặt làm nền tảng cho những thành công của tập. Như các bài: Hoa cỏ tía, Khúc tưởng niệm bên dòng suối, Những tháng năm ở rừng, Với quê…
Là nhà thơ chiến sỹ, tất nhiên đề tài, mối quan tâm chủ đạo và tâm huyết nhất Nguyễn Anh Nông dành viết về người lính. Các vấn đề chiến tranh, sự hy sinh, cũng như trong hoà bình trước cuộc sống đời thường đều đi vào thơ anh với nhiều cảm xúc sâu đậm, những ưu tư trăn trở, bức xúc, song tất cả đều được thể hiện qua các câu chữ chân thành yêu thương và tài hoa. Những tháng năm ở rừng bài thơ được lấy làm tiêu đề cho tập là bài thơ tiêu biểu cho bút pháp mang lại nhiều thành công cho thơ Nguyễn Anh Nông.
Câu chữ giản dị mà tinh tế, khái quát. Hình ảnh thơ như những nhát cắt cho hiện ra từng mảng sống chân thực của người lính ở rừng:
Những tháng năm ở rừng
Cùng đồng đội làm thanh gươm sắc
Cùng đồng đội làm lá chắn bên cột mốc.
Những tháng năm ở rừng
Ăn trong nắng, ngủ trong sương
Ngày mấy bận ngóng thư
Đêm bầu bạn với trăng trời mây gió.
Những tháng ở rừng
Đồng đội mấy người gục ngã
Hồn thiêng gửi lại lá cây rừng.
Những tháng năm ở rừng
Con kiến lửa đốt lòng nhoi nhói
Tin quê bão bùng lụt lội…
Trong bài thơ Những tháng năm ở rừng, có câu bật ra như một tiếng thở dài, không vì tiếc nuối, mà có lẽ đơn thuần chỉ là tiếng thở dài hồn nhiên bật ra trước thực tế không ngờ tới: “Người thân hờ hững hoá người dưng/ Ngày xuống phố thẫn thờ ngơ ngác…” Người lính, nhất là người lính đồn trú nơi núi rừng, hải đảo, xa cách với phần sống hiện đại đang diễn ra nơi đô thị phồn hoa với bao vẻ mới mẻ, bao quan niệm về giá trị cũng đã có sự đổi thay, khiến mình thành lạc lỏng xa lạ. Và vì thế đã cho cảm nhận, không chỉ hoá người dưng trước người thân mà ngay với chính mình. Trước tình yêu cũng thành: “Ta thành người cổ điển lúc yêu nhau…”(Thơ tình lính biển). Đây cũng là một cách trình bày về hiện thực có tính hệ thống, tính giải pháp của lựa chọn nghệ thuật thơ Nguyễn Anh Nông. Và chất lính trong thơ anh, qua những nhát cắt hình ảnh đó, trước sau ở bất cứ cung bậc tình cảm nào cũng được thắp lên từ chất thép của một ý chí, một nghị lực yêu, dâng hiến. Do vậy sự thanh thản, tin yêu vẫn là cảm xúc chủ đạo của tập thơ, ở ngay cả những bài viết về mất mát, hy sinh: “ Đời bạn tôi dừng lại tuổi thanh xuân/ Đâu Tổ quốc cần bạn tôi có mặt/ Dẫu đồng đội có người quay quắt/ Bạn tôi như mạch suối nhỏ trong lành…” (Khúc tưởng niệm bên dòng suối). Niềm thanh thản, tin yêu của con người dành cho nhau, trong thơ Nguyễn Anh Nông có khi còn được đẩy sâu, tương hợp và hoá giải tới tận vùng tâm linh, siêu nghiệm: “Bây giờ xanh hai nấm đất/ Khói hương thi thoảng thăm nhau…” ( Cảm tác).
Chiều sâu tinh thần, đạo lý được khắc hoạ đã cho thơ Nguyễn Anh Nông nói được niềm trăn trở, âu lo, tiếng thở dài u uẩn nhưng không bao giờ sa vào bi luỵ, bế tắc, sầu đau tuyệt vọng.
Về nghệ thuật sử dụng hình ảnh ngôn ngữ với cách tạo nhịp điệu trình diễn nó qua lăng kính các ý niệm tinh thần, thơ Nguyễn Anh Nông có một hình ảnh đáng chú ý, đó là hình ảnh Đá và Hoa cỏ. Bài Hoa cỏ tía với bốn câu tứ tuyệt chặt chẽ, hàm xúc:
Cỏ tía như là hoa tím pha
Bâng khuâng hoa đợi bướm ong qua
Bướm ong mê mải phương trời lạ
Hoa tím mơn man mặt đá già.
Còn ở bài, Loanh quanh một khúc sông Bằng, hình ảnh hoa bên đá núi được hoạ với sắc màu, âm thanh rất gợi: “Chẳng chờ nổi trời xanh kia thấu đáo/ Trời cũng lơ ngơ như cây cỏ thôi mà/ Cỏ thực đấy mà như hư ảo/ …” Câu thơ sau đây đột ngột trở nên một thi ảnh rất lạ, thú vị: “ Lịch kịch Bằng Giang đá đẻ hoa” Âm thanh của Lịch kịch của đá phát ra khi sinh nở, quả là thứ âm thanh rất lạ. Đá nở, ngỡ như thứ tiếng trời rung đất chuyển mà ở trường hợp thơ này lại đòi hỏi một lỗ tai thẩm âm tinh vi lắm mới lắng nghe được. Khi đá và hoa phối cảnh, hoà âm bên nhau trong thơ Nguyễn Anh Nông luôn có cơ đem lại cho thơ anh những bài, câu thơ hay, rất ấn tượng. Bài Khúc ca bên cỏ viết riêng về cỏ, ý niệm thơ thể hiện với suy ngẫm cảnh người, lẽ đời thấm thía. Đặc điểm sử dụng Đá và Hoa cỏ làm vật liệu, thi liệu thơ qua một số bài cho thấy một hướng khai thác vật liệu ngôn ngữ và cấu tứ của thơ Nguyễn Anh Nông là một điểm riêng, nhiều hứa hẹn thành công. Bản thân tác giả cần suy ngẫm, đúc kết thêm.
Thơ Nguyễn Anh Nông qua tập Những tháng năm ở rừng thành công rõ ràng hơn cả là ở một loạt bài viết với cách viết giản dị, chân thành, tạo cảm xúc ở vấn đề, hình ảnh diễn quanh mình cùng những gì gắn bó thân thuộc với đời sống chiến sỹ.
Trong tập Những tháng năm ở rừng cũng nổi lên một cụm bài với lối viết có những tìm tòi, cách điệu, như: Miền tuyết bỏng, Chân dung, Phân thân, Linh cảm…
…Rồi một lần anh vượt qua anh
Anh thành anh với khuôn mặt khác
Một lần em vượt qua em
Em không chỉ thành sông mà thành thác
Anh thành con thuyền vượt thác ghềnh em
Thác ghềnh chót vót, chon von
Có thể thuyền anh tan tành phút chốc…
( Phân thân)
Bài thơ được thể hiện tính đa chiều, đa ảnh của sự phân thân. Một cuộc truy tìm vào chính mình và đã gặp chính mình ở nhiều dạng gương mặt khác nhau trong ước mong tối hậu và nhận chân ra gương mặt chân thật nhất của mình. Con đường này các hành giả xưa từng đi và rất nhiều người đã chìm khuất mình trong vô tăm tích. Qua các lớp lang ngôn ngữ, vỉa tầng ý tưởng thơ bộc lộ một Nguyễn Anh Nông khát khao dấn thân trên đường, nhưng song hành trong anh lại còn mang một cảm nhận khá ý vị, sâu sắc: “ Anh túm được em rồi/ Bỗng sững sờ ngơ ngác/ Khi bắt được niềm vui/ Dáng hình em đã khác…” ( Nàng còng gió). Cách tổ chức ngôn ngữ và khả năng tạo sự dung chứa nội dung, mang sức lực truy sâu vào bản thể con người, bản chất sự vật, sự việc là một nỗ lực đổi mới đáng ghi nhận của thơ Nguyễn Anh Nông.Tuy vậy, ở hướng thơ thể nghiệm này công tâm mà đánh giá, còn nhiều bài, câu sa vào cầu kỳ xắp đặt. Bài thơ, con chữ đứng bấp bênh vì nó bị xây trên nền tảng ý tưởng, tư tưởng nghệ thuật chưa được đầy dặn.
Qua những thành quả đã đạt được, với những vỉa tầng đang được khơi lộ cho hy vọng nhà thơ chiến sỹ Nguyễn Anh Nông sẽ còn vững bước trên đường dài nghệ thuật. Những tháng năm ở rừng với giá trị của nó, giá trị của một bông thơ tạo nên từ Đá và Hoa cỏ, từ tình yêu người lính là một dâng tặng thơ ca./.
2/9/2005
Đ.T.K
Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 17/08/2007 13:41
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 17/08/2007 16:52
Tác giả: Trần Mạnh Hảo
Trong bài tôi viết bằng lòng dân, tình dân, hồn dân của Dạ Sinh in trên SGGP, chủ nhật 22-4-2001, nhà thơ N.D có nói như sau: "Bây giờ, ai cũng làm thơ, ai cũng in thơ, nhưng gặp thơ chỉ gặp các xác chữ vô hồn, tôi có cảm giác bây giờ người ta thấy tiện thì... làm, không tiện thì thôi. Cả cánh rừng thơ cứ xanh nhờ nhờ, chẳng tìm thấy cây nào ra cây nào...".
Khi xổ toẹt cả thơ "Bây giờ" như thế, tôi e rằng ông N.D thiếu khách quan, hoặc là thấy rừng mà không thấy cây, hoặc là vơ đũa cả nắm chăng? Nói như thế khác nào bảo rằng lúc tôi nghỉ làm thơ, trên đất nước này không còn thơ hay nữa(!) Bằng những bài phê bình thơ in trên báo Văn Nghệ Trẻ, chúng tôi muốn chứng minh cùng quí vị rằng, với lớp trẻ "bây giờ", thơ vẫn đang tồn tại một cách tâm huyết, thơ vẫn tiếp tục tiến lên, vẫn tiếp tục hay chứ không phải "chỉ là cái xác chữ vô hồn" như ông N.D nhận xét. Thơ hay thứ thiệt, thời nào cũng rất hiếm, rất ít. Kể cả thời "Thịnh thơ" 1932-1945. Ngay cả thơ 1975-2000 đã được chọn bởi một hội đồng tuyển chọn uy tín và nghiêm túc đến thế, nhưng trong tuyển thơ ba tập vừa phát hành của nhà xuất bản Hội nhà văn, muốn tìm một bài thơ hay đích thực cũng có thể phải lục toát cả mồ hôi giấy.
Đọc thơ trẻ "bây giờ" và văn hoá đọc thơ bao giờ cũng vậy: cần đọc bằng tấm lòng gạn đục khơi trong, đãi cát tìm vàng chưa đủ; còn phải có con mắt xanh mới tìm ra thơ hay trong bạt ngàn thi tập. Nếu cứ ngồi ì trong "tán cổ thụ thơ mình" mà ngó cổ ra nhìn đám trẻ "Bây giờ" bằng nửa con mắt, thì cả thế gian thơ này có thể bị cớm hết, sẽ không một hạt mầm thơ trẻ nào có thể mọc lên mà xanh cây được nữa. Chao ôi! Nếu một đất nước mà "Bây giờ" thơ chỉ là "cái xác chữ vô hồn", nghĩa là không còn một lớp thơ trẻ đúng nghĩa, thì thơ Việt Nam đã gặp một đại hoạ là sự tuyệt tự thơ vì không người nối dõi ư ? Tôi có thể chịu khó ngồi đọc 30 bài thơ dở của một vị nào đó, hy vọng đến bài thứ 31 lại là một bài thơ hay thì sự thể đã khác hoàn toàn. Chỉ cần trong tập thơ kia với với 49 bài thơ kém, thơ dở, tôi tìm được một bài thơ hay thì thắng lợi của mình đã nhiêù lắm rồi,mừng lắm rồi. Khi đó tôi quên béng đi 49 bài thơ dở kia và chỉ nhớ tác giả này đã góp cho thi đàn một bài thơ hay. Với cách đọc như thế, tôi mở tạp thơ Mây Bay do Sở văn hoá thông tin Hoà Bình xuất bản năm 2000, của một anh bộ đội đang công tác tại Tỉnh đội Hoà Bình là anh Nguyễn Anh Nông vừa gửi tặng tập Mây Bay với 44 bài, dễ có đến gần ba phần tư là những bài thơ trung bình, thậm chí có bài kém. Tác giả còn viết khá nhiều câu thơ dễ dải, mòn xáo như sau: Và đôi mắt em dịu dàng, quyến rũ /Tâm hồn em xao xuyến, bồn chồn...Vó ngựa gõ chiều nhung nhớ... yêu em mãnh liệt...có khi, Nguyễn Anh Nông còn để sót chất báo tường trong thơ mình như trong bài Nếu mà em thích thế có đoạn sau: Trả trách những người lính/ đi đâu cũng có bồ.../Tôi nói nhỏ đâu em/ anh cô đơn,trống trải/ chỉ có một bạn gái/ giờ đây đã lấy chồng/em hỏi: có thật không/ đừng tưởng đây ngốc nghếch/ em biết cánh đàn ông/ các anh đều nói róc...
Nhưng dù có những câu, những bài viết yếu, kém như thế đi nữa, cuối cùng sự kiên nhẫn, đãi cát của tôi đã tìm được vàng trong tập Mây Bay. Những câu, những bài kém của Nguyễn Anh Nông tưởng như chợt theo mây mà bay đi đâu mất. Chỉ còn thơ thứ thiệt, thơ hay đậu lại. Thật bất ngờ, một anh nông dân mặc áo lính, quê Quảng Xương, Thanh Hoá, sống ở Hoà Bình "bị" tôi trích ra ngờ nghệch kia, lại đãi tôi một bài thơ hay đến thế:
Hai chàng từng là địch thủ
Choảng nhau có lúc mẻ đầu
Bây giờ xanh hai nấm đất
Khói hương thi thoảng thăm nhau.
(Cảm tác)
Đọc bài thơ này, tôi cứ ngồi ngẩn ra, không thể đọc tiếp được nữa vì có bao điều từ bài thơ truyền vào làm cổ họng tôi, tim tôi ứa nghẹn xúc cảm, tràn ngập suy tư, mê man nỗi niềm sống chết phận người. Tục ngữ bảo: "Đánh nhau chia gạo, mời nhau ăn cơm", tôi xin mượn tinh thần câu tục ngữ này để nói về bài thơ rất hay trên của Nguyễn Anh Nông "Đánh nhau khi sống, mời nhau khi chết". Cái chết kia chợt nhân đạo quá chừng, có một nén hương cắm mộ này mà khói cũng chia phần cho cả nấm mộ "địch thủ" kia, mà chia phần "thi thoảng" vì khói còn bẽn lẽn làm quen, làm thân. Khói còn thay người ngường ngượng, ân hận vì lúc sống từng choảng nhau mẻ đầu. "Khói hương" hay chính hình ảnh hai linh hồn kia xám hối, chìa khói sang nhau như cố ý làm một sợi lạt hư vô buộc hai nấm đất vào nhau cho bớt lạnh, bớt cô đơn? Khói hương thi thoảng thăm nhau là câu diệu bút nâng hiệu quả bài thơ lên cõi vô bờ. Về nghĩa thực, đúng là khi thắp hương ở phần mộ này thì bao nhiêu khói bay sang phần mộ kia gần hết. Thành ra thắp hương cho một người mà hương toả cả hai. Có khi hai nhà đến thắp hương cùng lúc, hoặc nhân thắp cho mộ này, tiện tay, người sống cũng thắp tràn sang mộ bên một nén cho bên kia đỡ tuổi. Nhưng nghĩa bóng của bài thơ, câu thơ đã vượt qua cây hương mà thấm vào phận người, thấm vào cả tạo hoá, vào nỗi thiện ác, ghét thương.Thơ chúng ta, giá mà trong lúc nhập đồng, làm được thiên chức" khói hương" kia để "Thi thoảng thăm nhau" như một an ủi, một dìu dắt, một ân sủng, một sự làm lành vĩnh cửu giữa sống và chết, giữa tuyệt vọng và hy vọng, giữa bất hạnh và hạnh phúc? Bài thơ "Cảm Tác" trên của Nguyễn Anh Nông có thể đứng đàng hoàng trong bất cứ truyển tập thơ sang trọng dù chọn khắt khe, chọn theo tiêu chuẩn "Vip" cỡ nào cũng vẫn giữ được cái hay riêng của nó mà không một bóng đa đề nào có thể che phủ. Thơ lấy chất mà đánh bạt lượng, lấy chỉ một cái hay đích thực, hay cỡ các mét(mai tre: bậc thầy) mà đánh bại 99 cái dở là vậy đó. Nguyễn Anh Nông còn có một bài thơ khác khá hay, hay ở tứ như sau: Chiều/ hai đứa trẻ/ vật nhau trên cỏ/ chỉ vì một con dế cụ/ Đêm trăng tỏ/ hai người lớn tuổi/ rì rầm trên cỏ/ chỉ vì một đứa trẻ con. Bài thơ nhỏ nhắn như một bức thuỷ mặc của niềm vui sống. Nguễn Anh Nông như một "nhà dế học", hay viết về nỗi niềm tiếng dế. Bài thơ dưới đây sẽ là bài thơ khá, nếu tác giả chịu khó lao động chữ chút nữa:
Có ai nghe mà mi dóng diết
Biển ngoài kia ào ạt xô bờ
Trăng cứ sáng bời bời, ai tỏ
Tiếng dế gào biết mấy tâm tư
(Tiếng dế biển)
"Dóng diết" với "gào" là tâm tư, siêu tâm tư rồi, hà cớ gì tác giả còn hạ một chữ"tâm tư"rất thừa mà không hợp cảnh, tình ở cuối câu 4? Theo tôi, nên sửa từ "tâm tư" bằng từ "bơ vơ" thì tiếng dế trên càng mồ côi kẻ tri âm hơn, thống thiết và cô đơn hơn ngay giữa ồn ã biển. Nguyễn Anh Nông còn có bài lục bát khá viết về thân phận người đàn bà goá chồng, phải ghì vào cõi phật mà thuỷ chung với người khuất bóng, với đoạn kết khá cảm động sau:
Nhớ ngày giỗ anh, tôi về
Chị ngồi gõ mõ thầm thì hư vô
-Chị ơi! Chị đáp Nam mô
A di đà Phật... Sững sờ bóng quen
Thế thì thôi, thế thì tin
Cõi người, cõi Phật biết vin cõi nào?
(Cõi thu)
Nguyễn Anh Nông trong bài Phân thân tả chuyện người hoá thân thành con chồn để cào bới đất mà tìm người yêu: em có là củ mài củ vớn/anh cũng đào, cũng bới em ra. Thơ hay có khi cũng chìm sâu dưới trang giấy như củ mài, củ vớn. Người đọc đôi khi phải sử dụng cả phương pháp tiếp cận của loài chồn là dùng tấm lòng để thấm suốt bề dày trang giấy, chứ không phải thô thiển chơi móng vuốt mà bới được thơ. Có khi Nguyễn Anh Nông viết được câu thơ thi sĩ bằng nỗi cảm về tiếng ve rang bỏng ngói bầu trời: tiếng ve rang bầu trời khô như ngói. Có lần tác giả đưa được từ"cổ điển"vào trong một câu thơ tình rất có duyên: Em cứ đuổi theo anh như hình, bóng/ ta thành người cổ điển lúc yêu nhau.
Nguyễn Anh Nông còn phải phấn đấu nhiều mới thành một tác giả đích thực. Anh cần phải sống thơ, đọc thơ, thể nghiệm thơ nhiều hơn nữa để thoát được cái vụng về của kẻ mới vào nghề. Bằng cách xua đuổi mọi sáo mòn, mọi lối viết vô cảm, dễ dãi, đường được ra khỏi thơ mình. Khi anh đã viết được một số câu, số bài hay và khá như trên, tôi tin rằng Nguyễn Anh Nông còn có thể đi xa trong hành trình thơ. Xin chép một câu thơ thật hay trong bài thơ Thảo nguyên đêm của anh để kết bài viết này:
"Rượu cần mới nhấp đôi ba giọt
Chân tay cũng có nỗi niềm riêng"
Nguyễn Anh Nông vừa cho chúng ta nhấp "đôi ba giọt" rượu cần thơ mà chữ nghĩa đã truyền vào hồn ta chất men mỹ cảm. Nhà thơ muốn tạo nên thơ ca đích thực, dứt khoát phải là người chân tay cũng có "nỗi niềm riêng" như thế. Để người đọc, đọc xong thơ anh, thấy chân tay mình mang "nỗi niềm riêng" thi sĩ, chạm vào đâu cũng thành rung động, thành tình yêu, như thể thi ca đã lại lên ngôi báu trăng mật giữa hồn người.
Đăng bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 07/04/2010 19:15
Tác giả: Phạm Thuận Thành
Là bạn đồng môn từ thời Lục quân 1, cách nay ngót ba chục năm, nên tôi theo dõi khá sát “nghiệp thơ” của Nguyễn Anh Nông, hiện đang là nhà biên kịch của Điện ảnh Quân đội nhân dân. Từ Bàn tay lá cỏ (tập 1 xuất bản năm 1993, tập 2 xuất bản năm 1995) đến tập gần đây nhất là trường ca Trường Sơn (NXB Văn học-2009), tổng cộng Nguyễn Anh Nông đã có 6 tập thơ riêng, tập sau luôn là sự vượt lên tập trước về nội dung và thi pháp. Mới đây lại được đọc tập thơ nghìn bài của anh, chủ yếu là thơ 3 câu như một thể nghiệm Việt hóa thể thơ Haicu của Nhật. Cũng là một dấu mốc cách tân nữa của Nguyễn Anh Nông.
Đọc một hơi nghìn bài thơ 3 câu được đánh số thứ tự răm rắp, như kiểu bạn bè lâu ngày gặp nhau thì phải “trăm phần trăm” chén thứ nhất. Đọc lại lần nữa lai lai nhâm nhi để tận hưởng cái lạ, cái hay, để thấy được và cái chưa được trong từng “món thơ” bạn mời. Và chia sẻ cái ý tự thách thức chính mình của tác giả.
Cái được thứ nhất là sự cách tân thể thơ Haicu. Tiếng Nhật đa âm tiết, ba câu nhưng yêu cầu câu đầu và câu ba gồm 5 âm, câu hai 7 âm, chuyển sang tiếng Việt tương ứng với 5 chữ và 7 chữ: Gã nông dân rất hay/Bụng to, đầu to và miệng rộng/Nuốt chửng cả trời sao (bài 1). Nguyễn Anh Nông làm theo hướng căn cứ theo âm này vài trăm bài. Sau đó anh căn cứ vào câu có khi chỉ là một từ, vậy tiếng Việt có khi chỉ là một từ (từ đơn hoặc từ kép) và anh cũng làm theo hướng căn cứ vào từ vái trăm bài: Bơ phờ/Hoa cuối vụ/Bão tan (bài số 913). Lại có một số bài anh mở rộng số câu lên vượt ra khỏi ngưỡng ba câu, không gò bó vào hình thức nữa. Một sự cách tân nữa là mở rộng phạm vi đề tài, đưa đời sống đa dạng vào đầy ắp trong tác phẩm của mình. Ngũ trụ Haicu đều là sư, các vị làm thơ ắt là đầy chất thiền do môi trường sống, và thường gắn với thiên nhiên, phong cảnh cũng do môi trường sống khuôn ra. Vậy thể thơ Haicu đâu chỉ dành riêng cho các nhà sư và đâu phải chất thiền, chất phong cảnh là đặc điểm riêng của thể loại này, mà phải nói rằng chất thiền và chất phong cảnh là đặc điểm riêng của ngũ trụ Haicu thôi.
Cái được thứ hai là Nguyễn Anh Nông đã vận dụng triệt để văn học dân gian vào thể thơ ngắn. Đó là chất trữ tình, chất dự báo, chất hài hước dí dỏm, chất đúc kết kinh nghiệm và cả chất đồng dao nữa. Vận dụng chứ không phải là làm theo. Bởi vì đây là làm thơ chứ không phải làm ca dao tục ngữ hay làm đồng dao.
Cái được thứ ba cũng là yếu tố chính để Nguyễn Anh Nông khẳng định bản lĩnh nhà thơ của mình, đó là chất thơ, chất khái quát trong bài thơ dù chỉ là thơ ngắn ba câu. Yếu tố này tạo nên hiệu quả thẩm mĩ, hiệu quả nghệ thuật và sự dư ba ám ảnh người đọc. Hãy ngắm lại gã nông dân ki kĩ một chút xem. Cái gã này hay lắm, hay ở cái chí thôn Ngưu Đẩu, nuốt cả trời sao. Thế nhưng cái hình ảnh bụng to, đầu to, miệng rộng nó bất thường, nó đưa về hình ảnh của người suy dinh dưỡng, cả đời suy dinh dưỡng, đói khát, khổ sở, phải ăn toàn những thứ giời ơi để cầm hơi. Hay ở thế nói mát, nói bóng, nói ngược. Và chất nhân văn đã bộc lộ ra. Và đó chính là chất thơ khái quát về người nông dân. Nguyễn Anh Nông viết về làng quê cũng rất ấn tượng. Không phải anh chỉ viết mà còn vẽ và đặc tả: Mái đình cong vầng trăng/Cánh hạc bay ngang tầm tay với/Bì bõm chiều sương giăng (46). Cảm xúc lịch sử, ý thức dân tộc cũng sâu sắc qua ít chữ thôi, và dòng chảy lịch sử cứ chảy tràn ra khỏi trang viết mà làm ướt, làm sạch người đọc: Khuê Văn Các trang văn/Chảy lấp lánh ngàn năm lịch sử/Chảy trong hồn nhân gian (82). Một điều đáng chú ý nữa là chất hóm, chất hài lấp lánh trang thơ. Giúp người đọc cả nghìn bài vẫn thấy thú vị. Đó chính là sự tinh tế của người viết làm chủ nguồn quặng chữ: Yêu quê hương hồn nhiên/Chỉ quê mình mới đẹp mới xinh/Xứ người toàn... đồ đểu (20). Hài đấy mà vẫn đầy tính giáo dục không đưa người ta vào chủ nghĩa tự nhiên hay cục bộ địa phương.
Nhưng cái mạnh nhất vẫn là những bài thơ viết về các góc cạnh tâm tư tình cảm con người. Nghĩ về chum vại hứng nước mưa gốc cau làng quê mà viết ra thơ: Đầy chum đầy ché/ Mấy buồn vui sóng sánh hôm mai/Đong nỗi nhớ vơi đầy năm tháng (905). Nghĩ về thời gánh vã bỏng vai việc đồng áng cũng viết ra thơ: Gánh buồn vui xốn xang/Bước năm tháng kĩu cà kĩu kịt/Rơi vãi không hề ít (926). Hai câu đầu nghiêm túc và đượm buồn, nhưng câu thứ ba chuyển ý bất ngờ làm cho bài thơ sáng lên chất hóm. Lại có lối tư duy dĩ độc trị độc trong thơ, thế nhưng càng ngẫm càng thấy hợp lí và hay độc đáo, có lẽ chỉ tư duy thơ mới có: Mang tuyết trắng nước Nga/Sưởi mùa đông Hà Nội đêm nay/Ý nghĩ ngùn ngụt cháy (201). Hà Nội đêm nay lạnh giá nhưng so với xứ tuyết trắng thì cái lạnh giá này có thấm tháp gì, bõ bèn gì. Viết về người con gái đẹp và sự đỏng đảnh nhân duyên: Trăng lưỡi liềm/Loáng thoáng em treo giấc mộng vàng/Tít mù xa mùa hứa râm ran (906). Bởi vì anh ngắm người đẹp bằng cả sự dung tục: Da diết nồng nàn/Ánh mắt em ủ mầm hi vọng/Anh khát khao độc chiếm… (907). Và khi thu phục được rồi thì: Vạm vỡ ngực trai cày/Xới tung đất đai hoang dại em/Gieo hạt mầm trăm năm (61).
Tuy nhiên, bên cạnh những cái được vẫn còn nhiều cái cần tỉnh táo, cầu thị. Bùng nổ sáng tạo là sự thăng hoa “trời cho” đôi khi rất hiếm hoi, vẫn cần sự tĩnh lặng suy ngẫm, trau chuốt. Thơ cần thật tinh. Nếu bình tâm suy ngẫm và suy ngẫm thì chất thơ trong mỗi bài thơ hẳn sẽ lấp lánh hơn.Và nghìn bài thơ sẽ là một bữa tiệc nhiều món ngon hấp dẫn, chứ không phải một mâm cỗ “tú hụ” những món lạ nhưng…khó xơi!