Chưa có đánh giá nào
Thể thơ: Thơ tự do
Thời kỳ: Hiện đại
8 bài trả lời: 8 thảo luận
1 người thích

Đăng bởi Kim Diệu Hương vào 02/12/2009 03:58, đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Admin vào 03/12/2009 01:55

21

Biển mênh mông, là gì
Trời kia chẳng bao giờ sánh được
Tình yêu anh và em.

22

Nhạc cất lên, em ơi
Hãy hát về tình yêu chúng mình
Đừng bao giờ tuyệt vọng.

23

Đại ngàn Trường Sơn ơi
Ta hát niềm kiêu hãnh ngàn năm
Chói lòa ánh ban mai.

24

Sóng trắng vỗ bờ vui
Hãy vùi đi hiểm độc, mưu mô
Sóng mơn man bầu bạn.

25

Chùm hoa khế tim tím
Lúc lỉu trái trên cành, chim hót
Nhớ tháng ngày đi xa.

26

Hàng dừa xơ xác gió
Tròn căng quả ngọt lịm đầu môi
Bánh đa vừng dễ vỡ.

27

Mẹ giục anh lấy vợ
Cha nhắc em lấy chồng, hay chửa?
Chửa đẻ thì làm sao.

28

Lớp trẻ rất dễ hư
Ngàn năm trước có người bảo thế
Bây giờ khác xưa chăng?

29

Ông trời rất công bằng
Nhưng ông trời cũng hay thiên vị
Nên, ông trời bé tí.

30

Cái bé tí của ông trời
Suốt đời ta không sao hiểu hết
Có chăng, sau, ta ...chết?

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

LÊ VĂN VỌNG đọc tập Lững thững xanh

Đọc sách

LỮNG THỮNG XANH

(Thơ Nguyễn Anh Nông-NXB Văn học, năm 2010)



Lững thững xanh, cái tên nghe vừa yên bình vừa thư thái. Nó gợi cho ta cảm giác mát mẻ êm ái như giữa một ngày thu thả bước thong dong trên đồng cỏ, bỏ lại phía sau cái ồn ào xô bồ, sự hối hả bon chen trong guồng quay chóng mặt nơi phố phường chật chội. Nhẹ bước giữa màu xanh, thả bước vào mênh mông vô cùng vô tận, đó chẳng phải là sự trở về bản ngã của một con người dưới thiên chức nhà thơ đó sao!



Mang tâm tưởng ấy, tôi đọc tập thơ Lững thững xanh của Nguyễn Anh nông. Tập thơ có 369 bài mô “phỏng theo” thơ haiku Nhật Bản. Thơ haiku rất ngắn, song hàm súc, đa âm nghĩa. Một bài Hai Ku chỉ có 23 dòng. Dòng đầu và dòng thứ 3 đều có 5 từ, dòng thứ 2:7 từ. Khi nói tới Hai Ku người ta thường nghĩ đến nhà thơ Nhật Bản kiệt xuất Matsuo Basho (1644-1694). Thơ haiku thường mỗi câu đã đủ ý, có thể đứng độc lập; song cũng có nhiều bài các câu kết nối với nhau, bổ sung cho nhau làm nên sự lung linh tỏa sáng của bài thơ.

Đề cập đến nhiều vấn đề, góc cạnh của đời sống, mối quan hệ. Tình yêu con người, vẻ đẹp thiên nhiên, nỗi bất hạnh và khổ đau, chia li và hạnh  ngộ… tập thơ Lững thững xanh cho ta một cái nhìn bao quát về nhân tình thế thái, vẻ đẹp, long vị tha, cả những trở trăn, sự bất an giữa một xã hội đang từng ngày vận động; ở đó có những điều đã được định hình và chưa định hình theo một mô thức Hai Ku. Lật dở ta bắt gặp trong tập có những bài khá thú vị mà rất haiku: Ba Vì hay Tam Đảo/ Em đứng ngóng chờ ai? Gió mưa bao giờ tạnh. Mượn cảnh vật để nói tâm trạng con người: Tiếng ve kêu ruỗng đêm/ Ánh trăng non rạo rực/ Cây súng lạnh âm thầm. Cuộc chia tay người đi người ở, bài thơ 17 chữ không có chữ buồn nào, song người đọc vẫn nhận ra một nỗi buồn mênh mông xa xót: Sáng nay một mình anh/ Đi về miền sương gió giá lạnh/ Em nhìn theo âu sầu. Rồi nữa khi mùa xuân sang, mùa xuân đất trời mà cũng là mùa xuân của long người: Tiếng lá rừng xôn xao? Mùa xuân về trước ngõ, nôn nao/ Mắt môi như lộc biếc…

Trong thơ haiku sự mặc định số câu trong bài, một số chữ trong một câu cho người đọc cảm thức chặt chẽ trong cấu tứ và khắt khe trong từ ngữ. Chính vì thế người viết thơ haiku không thể nhiều lời để diễn giải hay lý sự. Có lẽ nhận ra cái khó này mà trong tập Lững thững xanh có khá nhiều bài Nguyễn Anh Nông đã dùng thủ pháp mô phỏng, biến tấu haiku để chuyển tải điều mình muốn nói. Ở đây, tôi không dùng chữ” cách tân” vì e nó không ổn. Chính sự không trung thành này với “ niêm luật” haiku này mà anh đã có được những bài thành công: Cần cù/ Nàng mải miết cấy cày, gieo vãi/ Vun tháng ngày nặng hạt trỗ bông thơm. Hay: Đôi khi nhớ mẹ/ Không nói năng gì/ Buồn ngồi ngắm gốc si. Rồi: Mộng mơ/ Thầm yêu trộm nhớ/ Phía trời xa mưa gió phập phù. Song cũng có những bài cấu tứ lỏng lẻo, câu chữ khó hiểu: Chó chui gầm giường/ Mát và bụi/ Xì xèo, im tiếng. và: Không nói chẳng cười/ Lừ đừ xe ủi/ Hất tung âu sầu. Rồi: Chạng vạng/ Lá thu rơi/ Bì bõm mặt trời v.v…

Sau những tập thơ, trường ca: Bàn tay lá cỏ, kỵ sĩ ngựa gỗ, Mây bay, Những tháng năm ở rừng, Trường Sơn…Nguyễn Anh Nông chuyển ngòi bút sang thể nghiệm ở dạng thơ ngắn. Sự mạnh dạn tìm tòi là điều đáng khích lệ dẫu có cái được và cái chưa được. Được và chưa được đều phải lao tâm khổ tứ. Không có sự thành công nào lại không đẫm đầy mồ hôi và nước mắt…

Nhìn chung, thơ Nguyễn Anh nông cho tới tập Lững thững xanh đã có bước tiến khá rõ./.



                        HN, 5/2011

Lê Văn Vọng


http://nguyenba...ost/5298/342806

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

TẢN BƯỚC CÙNG LỮNG THỮNG XANH

TẢN BƯỚC CÙNG “LỮNG THỮNG XANH”

                                        NGUYỄN BAO



Với Nguyễn Anh Nông, một tác giả đồng hương đang làm việc ở Điện ảnh Quân đội, ấn tượng luôn luôn đậm nét trong tôi: một cây bút xông xáo, mạnh mẽ và trường lực! Tôi đã đọc 6 tập thơ và  trường ca của anh được công bố trong gần ba mươi năm. Tôi cũng đã đọc bản thảo của vài tập trường ca và hàng ngàn bài thơ ngắn, cực ngắn như một nét tốc họa giữa cuộc đời bề bộn, ngổn ngang đang cuộn chảy, sôi sục…

Giờ đây, tôi muốn nói về tập thơ mới nhất, với cái tên sách nhiều gợi cảm, tỉa ra từ cánh rừng, ào ạt gió, rậm rạp lá cành của hơn nghìn bài thơ ngắn.

Tên sách “ Lững thững xanh” gợi cho ta sự lắng đọng, trầm tĩnh đồng thời cũng ẩn chứa cuộc sống đa chiều như nó vốn có.


Thấp thoáng đằng sau “ Lững thững xanh” là bóng dáng một con người đã đi qua nhiều năm lửa đạn, đã trải qua bao ghềnh thác của dòng sông- đời người… nay lắng lại trong trẻo và đáy nước soi thấu trời xanh, gạn lọc bao nỗi niềm nhân thế và lưu lại những gì đáng nhớ nhất còn đọng lại trong tâm tưởng và cảm xúc: những gì tinh khiết và bao dung, mềm mại và chắt lọc…nhưng vẫn thấp thoáng một nụ cười hóm hỉnh và những nỗi đau không che dấu.



Chỉ có trải qua mọi thử thách của cuộc sống, qua trăm nghìn tình huống khắc nghiệt buộc chủ thể phải tỉnh táo và quyết liệt, vô tư và trong sạch mới có được một cách ứng xử đầy tính nhân văn, những lát cắt phơi bày được bản chất hiện tượng xã hội. Tôi tin là những giây phút “ Lững thững xanh” đã giúp Nguyễn Anh Nông nhặt được ngay dưới bước chân mình, trong tầm nhìn ngay trước mắt mình bằng những gì độc đáo, cô đọng mà có tính ẩn dụ cao, nói được hồn vía, cốt lõi của hiện tượng, xã hội. Như một nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng, trong một ánh chớp vụt hiện, chiều sâu cốt lõi của sự vật đã được bộc lộ dưới một hình tượng mang tính triết học. Sức gợi, sức ngân của những dòng thơ cực ngắn mở ra những liên tưởng, xới những “vấn đề” vốn có sẵn trong lòng người đọc và hướng người ta cảm thụ và nghĩ rộng hơn mọi chiều hướng.

Những cái nhìn có tính lịch sử và dân tộc, triết học và thời đại, dân dã và bác học…tất cả xen cài và hỗ trợ nhau, giúp cho “ Lững thững xanh” toát lên một trí tuệ, một bản lĩnh sống, một bộ lọc tinh nhạy, cung cấp một cách nhìn để người đọc suy nghĩ tiếp. Một bức tranh nhiều khoảng trống để người xem tự phát hiện thêm trong quầng sáng một ngọn đèn…

369 lát cắt cuộc đời, 369 bức tranh nhỏ trong hàng nghìn bài thơ ngắn của Nguyễn Anh Nông.

Xin hái vội vài nụ nhỏ theo sở thích riêng của người viết để cùng kiểm nghiệm, thưởng thức:

-   Mái đình cong vầng trăng/ Cánh hạc bay ngang tầm tay với/ Bì bõm chiều sương giăng.

-   Khuê Văn Các trang văn/ Chảy lấp lánh ngàn năm lịch sử/ Chảy trong hồn nhân gian.

-   Chàng trai chần chừ/ Vực thẳm đèo cao không ngại bước/ Bồn chồn ngượng ngập ngõ hương đưa.

-   Vinh quang nặng như núi/ Có thể nhấc bổng lên chót vót/ Hoặc vùi sâu đáy mồ.

-   Khói rơm thơm trên đồng/ Dịu dàng ký ức ngày trở lại/ Ôm ngực nhớ cơn ho…



*

*    *

Tôi nhớ lại bài thơ “Lửa và hoa”, Nguyễn Anh Nông từng viết:

“ Đã không có lửa trong lòng

Đừng mơ hái một cành hồng tặng ai”

Với “ Lững thững xanh” tác giả chắc chắn có thể hái một mà hơn một để có chùm hoa tặng người yêu thơ.

Tôi quí sự nhập cuộc năng nổ đến xông xáo của tác giả “ Lững thững xanh”, tôi cảm nhận được độ ấm nóng của ngọn lửa trong lòng Nguyễn Anh Nông.

Chỉ mong sao: trong cuộc sống quá bộn bề, trong dòng chảy trong-đục có lúc xáo trộn của dòng đời… Nguyễn Anh Nông kịp lắng lại để khai thác vùng mỏ có trữ lượng cao, tinh luyện công phu để vàng ròng lấp lánh hơn nữa.

Điều đó khó, nhưng chúng ta tin là tác giả đã có đủ điều kiện cơ bản để thành công: anh có sẵn “ lửa trong lòng”.

                                        Hà Nội, 13/12/2010

                                    Nguyễn Bao


http://nguyenba...ost/5298/288438

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Ba Tỉnh: Những viên bi ve

NHỮNG VIÊN BI VE

Tập thơ “Lững thững xanh" của Nguyễn Anh Nông
Tác giả Nguyễn Anh Nông vừa cho ra mắt và tặng bạn bè tập thơ “Lững thững xanh” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành. Tập thơ “áp tết” giới thiệu 369 bài thơ - tất nhiên thơ của Anh Nông là thơ ngắn, ngắn nhưng lại không muốn bỏ qua bất kỳ khoảnh khắc nào của thiên nhiên và cuộc sống xung quanh để bày tỏ lòng mình. Thơ anh ví như những viên “bi ve” đủ sắc màu, cứ búng hoài vào đời để rồi tự nó vọng lại cái hồn cái phách của cuộc sống. Quả thật, đọc những vần thơ của  Nguyễn Anh Nông cứ như đang được cầm tay người bạn Xứ Thanh:  “Đôn hậu, hiền lành/ Thơ cũng lành cũng thật như đếm…”(!).
Chúng tôi viết những dòng này như một lời cảm ơn chân tình khi nhận được tập thơ “Lững thững xanh” anh gửi tặng. 09 trong 369 bài thơ ngắn dưới đây của Nguyễn Anh Nông, số 9 lẻ nhiều như những viên bi ve vọng đến cũng đủ khuyến khích một người lười đọc thơ như tôi nhâm nhi “Lững thững xanh” với ly rượu mạnh trong những đêm lạnh một mình. (ĐQT)
1.
Gã nông dân rất hay
Bụng to, đầu to, miệng rộng
Nuốt chửng cả trời sao.
2.
Đôn hậu, hiền lành
Thơ cũng lành cũng thật như đếm
Ăn mày năm tháng xa.
3.
Rượu bia thường sủi bọt
Thơ bay tít tắp nắng lên hương
Mặt trời mọc từ bụng.
4.
Tha hương bỏ mặc em
Áo cơm xứ người lạnh tâm can
Đôi khi chẳng là mình.
5.
Ngỡ đời suôn sẻ mãi
Gió bay gặp tường cao, núi dựng
Loay xoay vòng trời hẹp
6.
Ôi trái tim Đan Kô
Rực sáng trời chân lý ngàn năm
Chúa cũng hay ngái ngủ.
7.
Mọi sự thật đều cay?
Như bát ớt đổ vào cuống họng
Ai sặc sụa nỗi buồn.
8.
Ba Vì hay Tam Đảo
Em đứng ngóng chờ ai, hỡi em
Gió mưa bao giờ tạnh.
9.
Ai bứng em khỏi anh
Ai bứng hoa trồng trên đỉnh núi
Anh bỗng hóa dại điên.
Batinh.com
http://www.bati...s&Itemid=13

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

BA TỈNH:NHỊP ĐIỆU 3 - THƠ 3 CÂU CỦA NGUYỄN ANH NÔNG

NHỊP ĐIỆU 3 - THƠ 3 CÂU CỦA NGUYỄN ANH NÔNG

Tôi vẽ một loạt tranh chân dung theo ý tưởng “nhịp điệu 3” như: “3 gã đầu bạc” (Dương Trung Quốc, Đoàn Tử Huyến và Phạm Xuân Nguyên), “3 gã đầu trọc” (Trọng Đài, Thành Chương và Phạm Ngọc Tiến), “3 thoi đất Việt” (Thu An, Lê Minh Khuê và Nguyễn Ngọc Tư), “ 3 vị râu dài” ( Nam Sơn, Hữu Loan và Văn Như Cương), “3 trong 1” (Bộ 3 chân dung Trịnh Công Sơn) vv….Khi bắt gặp cả ngàn bài thơ làm theo thể “thơ 3 câu” của Nguyễn Anh Nông, thì như đâu đó chúng tôi có sự liên cảm.
Biết Nguyễn Anh Nông khi tôi tham gia bloggers Hà Nội do nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo làm Chủ tịch hội “chơi” này. Anh Tạo khen thơ của Nguyễn Anh Nông, nên tôi tò mò tìm đọc trên mạng. Gần đây, Nguyễn Anh Nông giới thiệu với tôi một số tập thơ anh đã in:
1- BÀN TAY LÁ CỎ (TẬP 1) - NXB VĂN HỌC, 1993
2- BÀN TAY LÁ CỎ (TẬP 2) - NXB VĂN HỌC, 1995
3- KỴ SỸ NGỰA GỖ ( THƠ VIẾT CHO THIẾU NHI), 1998
4- MÂY BAY - 2000
5- NHỮNG THÁNG NĂM Ở RỪNG - NXB QĐND. 2005
6- TRƯỜNG CA: TRƯỜNG SƠN-NXB VĂN HỌC, 2009
7- LỮNG THỮNG XANH- NXB VĂN HỌC, 2010
Và 2 tập chuẩn bị in:
1- TRƯỜNG CA: GỬI BIN GHẾT ( BILL GATES)& TRỜI XANH
2- THONG DONG MÂY TRẮNG
Đặc biệt, anh còn có hơn 1.000 bài thơ 3 câu - chính xác là 1.160 (một ngàn, một trăm, sáu mươi) bài, 1.160 bài thơ này đã được 4 vị có chuyên môn chọn ra 300 bài. Rồi tác giả lại chủ động rút tỉa chỉ còn 50 bài được xem là những bài thơ hay, mà trong đó có những tứ thơ rất quý, như: “Mái đình cong vầng trăng / Cánh hạc bay ngang tầm tay với / Bì bõm chiều sương giăng”; “Khói rơm thơm trên đồng / Dịu dàng ký ức, ngày trở lại / Ôm ngực nhớ cơn ho”; “Người đi vời vợi xa / Gió mưa bay mịt mờ nỗi nhớ / Cây bằng lăng trụi trơ”; “Người đi theo bóng núi / Khuất chìm năm tháng xa /Sim mua tím sớm chiều”; “Cối đá hao mòn / Thời gian xoay vần số phận / Tiếng chày khua vang mãi đâu đây” hoặc “Tiếng guốc / Khua mòn đêm / Hay tiếng chổi gầy vang phố vắng”…
Tôi bỗng nhận ra một Nguyễn Anh Nông say thơ đến khao khát, cuồng nhiệt và bút lực thật dồi dào, sung mãn. Chúc Nguyễn Anh Nông cố công đãi cát, thể nào cũng nhặt được vàng.
Là người yêu thích những câu thơ hay và cảm nhận bằng xúc cảm hội họa nên tôi bộc bạch vài nhời khi mới “chạm” vào thơ Nguyễn Anh Nông. Cảm tình của tôi là rất nể trọng sức lao động nghệ thuật của anh, nhưng thật lòng tôi vẫn muốn Nguyễn Anh Nông hướng sáng tác của mình theo phương châm: “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (貴乎精,不貴乎多) như cổ nhân đã dạy, thì sự “Đãi cát tìm vàng” trong cái mênh mông của biển khơi ngôn ngữ kia mới chứng tỏ tài hoa.

Họa sỹ Đinh Quang Tỉnh & BTV.Vũ Thanh Nhàn

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

PHẠM THUẬN THÀNH:NGƯỜI THÁCH THỨC CHÍNH MÌNH

NGƯỜI THÁCH THỨC CHÍNH MÌNH



  Tôi đã đọc Nghìn câu thơ tài hoa do Nguyễn Vũ Tiềm chọn, và cả cuốn Hoài nghi và tin cậy của ông nữa. Cuốn trên là bài thơ rút gọn của người, cuốn dưới là thơ hai câu của mình. Đều độc đáo cả.
  Mới rồi tôi lại được đọc tập thơ nghìn bài của Nguyễn Anh Nông, chủ yếu là thơ 3 câu như một thể nghiệm Việt hoá thể thơ Haicu của Nhật. Cũng là của độc.
  Đọc một hơi cho xong khác nào khát nước gặp nước mưa hứng gốc cau. Phải đọc lại mà nhấm nháp mới thấy cái được cái chưa được. Mà muốn tôi có ý kiến  lại cần phải đọc nhiều hơn. Nghĩa là không sợ chiến thuật lấy thịt đè người của tác giả mới thấy đượợi bùng nổ trong sáng tác cũng như cái ý tự thách thức chính mình của tác giả.
  Cái được thứ nhất là sự cách tân thể thơ Haicu. Tiếng Nhật đa âm tiết, ba câu nhưng yêu cầu câu đầu và câu ba gồm 5 âm, câu hai 7 âm, chuyển sang tiếng Việt tương ứng với 5 chữ và 7 chữ: Gã nông dân rất hay/Bụng to, đầu to và miệng rộng/Nuốt chửng cả trời sao (bài 1). Nguyễn Anh Nông làm theo hướng căn cứ theo âm này vài trăm bài. Sau đó anh căn cứ vào câu có khi chỉ là một từ, vậy tiếng Việt có khi chỉ là một từ (từ đơn hoặc từ kép) và anh cũng làm theo hướng căn cứ vào từ vái trăm bài: Bơ phờ/Hoa cuối vụ/Bão tan (bài số 913). Lại có một số bài anh mở rộng số câu lên vượt ra khỏi ngưỡng ba câu, không gò bó vào hình thức nữa. Một sự cách tân nữa là mở rộng phạm vi đề tài, đưa đời sống đa dạng vào đầy ắp trong tác phẩm của mình. Ngũ trụ Haicu đều là sư, các vị làm thơ ắt là đầy chất thiền do môi trường sống, và thường gắn với thiên nhiên, phong cảnh cũng do môi trường sông khuôn ra. Vậy thể thơ Haicu đâu chỉ dành riêng cho các nhà sư và đâu phải chất thiền, chất phong cảnh là đặc điểm riêng của thể loại này, mà phải nói rằng chất thiền và chất phong cảnh là đặc điểm riêng của ngũ trụ Haicu thôi.
  Cái được thứ hai là Nguyễn Anh Nông đã vận dụng triệt để văn học dân gian vào thể thơ ngắn. Đó là chất trữ tình, chất dự báo, chất hài hước dí dỏm, chất đúc kết kinh nghiệm và cả chất đồng dao nữa. Vận dụng chứ không phải là làm theo. Bởi vì đây là làm thơ chứ không phải làm ca dao tục ngữ hay làm đồng dao.
  Cái được thứ ba cũng là yếu tố chính để Nguyễn Anh Nông khẳng định bản lĩnh nhà thơ của mình, đó là chất thơ, chất khái quát trong bài thơ dù chỉ là thơ ngắn ba câu. Yếu tố này tạo nên hiệu quả thẩm mĩ, hiệu quả nghệ thuật và sự dư ba ám ảnh người đọc. Hãy ngắm lại gã nông dân ki kĩ một chút xem. Cái gã này hay lắm, hay ở cái chí thôn Ngưu Đẩu, nuốt cả trời sao, mạnh kém gì tướng quân Phạm Ngũ Lão ngày xưa. Thế nhưng cái hình ảnh bụng to, đầu to, miệng rộng nó bất thường, nó đưa về hình ảnh của người suy dinh dưỡng, cả đời suy dinh dưỡng, đói khát, khổ sở, phải ăn toàn những thứ giời ơi để cầm hơi. Hay ở thế nói mát, nói bóng, nói ngược. Và chất nhân văn đã bộc lộ ra. Và đó chính là chất thơ khái quát về người nông dân. Nguyễn Anh Nông viết về làng quê cũng rất ấn tượng. Không phải anh chỉ viết mà còn vẽ và đặc tả: Mái đình cong vầng trăng/Cánh hạc bay ngang tầm tay với/Bì bõm chiều sương giăng (46). Cảm xúc lịch sử, ý thức dân tộc cũng sâu sắc qua ít chữ thôi, và dòng chảy lịch sử cứ chảy tràn ra khỏi trang viết mà làm ướt, làm sạch người đọc: Khuê Văn Các trang văn/Chảy lấp lánh ngàn năm lịch sử/Chảy trong hồn nhân gian (82). Một điều đáng chú ý nữa là chất hóm, chất hài lấp lánh trang thơ. Giúp người đọc cả nghìn bài vẫn thấy thú vị. Đó chính là sự tinh tế của người viết làm chủ nguồn quặng chữ: Yêu quê hương hồn nhiên/Chỉ quê mình mới đẹp mới xinh/Xứ người toàn... đồ đểu (20). Hài đấy mà vẫn đầy tính giáo dục không đưa người ta vào chủ nghĩa vị kỉ, cục bộ địa phương, duy ngã.
  Nhưng cái mạnh nhất vẫn là những bài thơ viết về các góc cạnh tâm tư tình cảm con người. Nghĩ về chum vại hứng nước mưa gốc cau làng quê mà viết ra thơ: Đầy chum đầy choé/ Mấy buồn vui sóng sánh hôm mai/Đong nỗi nhớ vơi đầy năm tháng (905). Nghĩ về thời gánh vã bỏng vai việc đồng áng cũng viết ra thơ: Gánh buồn vui xốn xang/Bước năm tháng kĩu cà kĩu kịt/Rơi vãi không hề ít (926). Hai câu đầu nghiêm túc và đượm buồn, nhưng câu thứ ba chuyển ý bất ngờ làm cho bài thơ sáng lên chất hóm. Lại có lối tư duy dĩ độc trị độc trong thơ, thế nhưng càng ngẫm càng thấy hợp lí và hay độc đáo, có lẽ chỉ tư duy thơ mới có: Mang tuyết trắng nước Nga/Sưởi mùa đông Hà Nội đêm nay/Ý nghĩ ngùn ngụt cháy (201). Hà Nội đêm nay lạnh giá nhưng so với xứ tuyết trắng thì cái lạnh giá này có thấm tháp gì, bõ bèn gì. Viết về người con gái đẹp và sự đỏng đảnh nhân duyên: Trăng lưỡi liềm/Loáng thoáng em treo giấc mộng vàng/Tít mù xa mùa hứa râm ran (906). Bởi vì anh ngắm người đẹp bằng cả sự dung tục: Da diết nồng nàn/Ánh mắt em ủ mầm hi vọng/Anh khát khao độc chiếm trăm năm (907). Và khi độc chiếm được rồi thì cày xới cật lực cho đất tơi xốp lên mà gieo hạt: Vạm vỡ ngực trai cày/Xới tung đất đai hoang dại em/Gieo hạt mầm trăm năm (61).
  Tuy nhiên, bên cạnh những cái được vẫn còn nhiều cái cần trăn trở. Bùng nổ sáng tạo vẫn cần tĩnh lặng suy ngẫm, trau chuốt. Thơ cần thật tinh. Trong bùng nổ vẫn có thô mộc. Bởi dục tốc bất đạt. Nếu bình tâm suy ngẫm và trau chuốt thì chất thơ hẳn sẽ lấp lánh hơn.
  Và nghìn bài thơ sẽ là món ngon hấp dẫn chứ không phải núi đè người đọc nữa.
Xuân Canh Dần 2010
Phạm Thuận Thành
Thường Vũ - An Bình - Thuận Thành - Bắc Ninh
02413.782.355  -  0168.5300.803

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

PGS,TS CHU VĂN SƠN- GỬI NGUYỄN ANH NÔNG NGÀY 28/9/2011

PGS,TS CHU VĂN SƠN- GỬI NGUYỄN ANH NÔNG NGÀY 28/9/2011

Nguyễn Anh Nông - Nguyễn Khoa Linh
Trong năm vừa rồi, do duyên văn chương thế nào đấy mà tôi được quen hai người bạn thơ gốc Thanh. Một vị Hậu Lộc(thực ra là Quảng Xương), đầu tỉnh( hai huyện Quảng Xương và Tĩnh Gia gần nhau - NAN chú thích), một vị Tĩnh Gia, cuối tỉnh. Gốc và ngọn rau má giờ trổ ở Hà thành, nhưng rễ nó vẫn uống nước nguồn xứ Thanh. Điều thật thú vị là cả hai vị đều làm thơ ngắn. Cát Điền Nguyễn Khoa Linh thì chuyên thơ hai câu (đến nay anh đã cho in ba tập Nghiệm 1, Nghiệm 2 và Nghiệm 3). Còn Nguyễn Anh Nông sau khi xoãi bước dong duổi với trường ca Trường Sơn, không biết do mỏi cẳng hay chỉ thuần túy thích đổi món, mà giờ về nắn nót lững thững với  thơ ba câu. Lững thững xanh là tập ba câu đang đến với chúng ta theo cái cách lững thững như vậy. Nhìn kĩ, hình như, thơ hai câu của Nguyễn Khoa Linh thoát thai từ các cặp câu đối và cặp ca dao dân gian. Trong khi, ba câu của Nguyễn Anh Nông xem ra lại nảy từ Haiku Nhật Bản. Có thể nói đấy đều là những mạnh dạn trong các hướng thử nghiệm để mong làm mới thơ của những người tha thiết với thơ.
Thực ra Nguyễn Anh Nông vừa làm trường ca, vừa làm đoản thi. Vừa có sở Trường ca, vừa có sở đoản thi.
(Viết đến đây thì bế tắc suốt hơn một năm nay…)
PGS,TS CHU VĂN SƠN

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

PGS,TS ĐỖ NGỌC THỐNG CHỌN 50 BÀI THƠ NGẮN

Để chuẩn bị cho xuất bản tập thơ ngắn của mình, tôi(NAN) đã nhờ 1 số nhà thơ, nhà lý luận phê bình, bạn bè, đồng nghiệp chọn giúp . Hiện đã lựa chọn xong để đưa vào xuất bản.
Xin giới thiệu 50 bài thơ của tôi được PGS, TS Đỗ Ngọc Thống, Bộ Giáo dục- Đào tạo là một trong những người đã nhiệt tình  chọn giúp.

Xin chân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Quy ước:

•Số thứ tự bài thơ đánh theo số thứ tự 1.160 theo bản thảo đầu tiên( khi chọn in trong tập thơ LỮNG THỮNG XANH, những bài thơ này được đánh theo số khác)
•Toàn bộ 50 bài thơ giới thiệu tại đây là do PGS, TS Đỗ Ngọc Thống chọn
•Số bài do nhà thơ Nguyễn Bao chọn ( N.B)
•Số bài do nhà thơ Đỗ Trọng Khơi chọn( ĐTK)
•Số bài do nhà văn Phạm Thuận Thành chọn( PTT)
NGUỒN:

http://binhphuo...ost/3191/242049

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

PGS,TS Đỗ Ngọc Thống: Tâm sự, chia sẻ về thơ 3 câu của NAN

Thân gửi:  Nguyễn Anh Nông
Tôi đã đọc một số bài thơ ngắn làn theo thể Haiku ( Nhật bản) của anh. Có bài được, có bài tôi thấy không hay, cũng có thể bắt chước cụ Hồ nhận xét:“ bài hay xen lẫn với bài vừa”. Tôi muốn nói thêm với anh về đặc điểm thơ Haiku để cùng tham khảo.
1) Về hình thức, như anh biết, thơ Haiku ngắn nhất thế giới ( 17 âm tiết: 5/7/5) nhưng vì tiếng Nhật không phải tiếng đơn âm nên khi dịch ra tiếng Việt rất khó tương ứng 5/7/5. Chẳng hạn: “Furuike ya/ kawazu tobikomu/ mizu no oto” thì người ta chỉ có thể dịch ra là:     “Ao cũ
                con ếch nhảy vào/
                vang tiếng nước xao”.
Và như vậy nếu làm thơ Haiku bằng tiếng Việt mà cứ phải theo cấu trúc 5/7/5 thì nhiều khi rất gượng ép, khó bộc lộ cảm xúc và tư tưởng cho thật tự nhiên mà hàm súc. Và cũng vì thế, tôi thấy nhiều người làm thơ Haiku bằng tiếng Việt thường chỉ đáp ứng yêu cầu hình thức:bài thơ ba câu . Chẳng hạn GS Lưu Đức Trung có bài Haiku sau:
Lá thông reo
Sóng vỗ
Ta và cát lặng lẽ
Hoặc
Ngắm hoa nhài
Nhớ cánh tay
Thoang thoảng hương đêm
2) Đề tài Haiku thường hướng nhiều vào thiên nhiên trong tương quan với con người, cảm thức của con người trước thiên nhiên, trước những sinh linh vạn vật đơn sơ, nhỏ bé quen thuộc quanh mình. Cảm xúc Haiku thường thấm u buồn, u tịch, u hoài (gọi là chất sabi) và vẻ đẹp của Haiku cũng ở chất sabi này. Chẳng hạn khi Quazimodo viết:
Mỗi người đứng cô đơn trên trái tim trái đất
lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời
và chưa chi chiều đã tắt.
Xuân Diệu rất thích bài Haiku này. Hoặc đây là bài Haiku của Ba-sô:
Trên cành khô
chim quạ đậu
chiều thu
Bên cạnh mạch cảm hứng buồn, u hoài, u tịch... thơ Haiku còn có một cảm hứng khác là yêu đời và luôn dạt dào sức sống, chẳng hạn:
Gần xa đâu đây
nghe tiếng thác chảy
lá non tràn đầy
Hoặc:
Hoa xuân nở tràn
bên lầu thiếu nữ
mua sắm đai lưng
   ( thơ Bu-son)
hoặc:
Ruồi trên nón ta ơi
hôm nay vào thành phố
thành dân Edo  rồi
( Issa)
3) Trong hàng loạt bài thơ của anh viết theo thể Haiku, tôi thấy trước hết cứ bị gò vào cấu trúc 5/7/5 nên dễ gây cảm giác trùng lặp. Có lẽ nên chỉ tiếp thu hình thức 3 câu thôi. Nhiều bài ham triết lí, nói bằng ngôn ngữ duy lí, chẳng hạn các bài như:
10.
Yêu quê hương hồn nhiên
Chỉ quê mình mới đẹp, mới xinh
Xứ người toàn …đồ “ đểu”.
11.
Người đẹp hay mộng mơ
Người xấu chẳng lẽ toàn dung tục?
Ăn- ngụ- đụ- ẻ- sao?
Trong khi nên diễn đạt bằng ngôn ngữ hình tượng, hình ảnh; từ hình tượng, hình ảnh mà người đọc phải suy nghẫm, suy tư, chẳng hạn:
25
Chùm hoa khế tim tím
Lúc lỉu trái trên cành, chim hót
Nhớ tháng ngày đi xa.
46.
Mái đình cong vầng trăng
Cánh hạc bay ngang tầm tay với
Bì bõm chiều sương giăng.

Đôi lời chia sẻ cùng anh như vậy thôi, và chỉ là để anh tham khảo. Tôi bận kinh khủng nên không có thời gian nghĩ nhiều về chuyện này. Mong sau này có nhiều thời gian sẽ đọc kĩ anh hơn.
Chúc anh luôn có nhiều sáng tạo mới.

Đỗ Ngọc Thống
Nhận qua mai: 22/2/2010

Chưa có đánh giá nào
Trả lời