Đăng bởi Hữu Hải vào 05/03/2023 13:49
Có 22 người thích
Linh Lan
Tôi không thể bỏ quên được chút dư âm khi nhớ tới những giai thoại “Bá đạo” về huyền thoại thơ Nguyễn Đức Hạnh thập niên 90 của trường ĐH Tổng hợp.
“Chỉ cần em gọi một lời
Là tôi coi cả đất trời bằng vung”
Đôi câu lục bát tầm sét ấy, dù bây giờ tôi đã biết anh là ai nhưng cái dư âm đầu tiên thì khó phai lắm. Ai có thể không tò mò muốn khám phá xem nhân vật nào vừa si tình đến độ ấy mà lại có thể kinh hồn tới mức này:
“Hỡi thế kỷ mai sau hãy nhớ
Phiên toà này tôi xử án tình yêu”
Ha Ha!!! Tình yêu phải ra đứng trước vành móng ngựa để nghe nạn nhân si cuồng luận tội. Đúng là... Bá đạo hết phần thiên hạ. Cho nên xin cho cảm xúc của tôi được lựa chọn theo cách của nó.
Có một ngày tôi gặp gỡ rồi bước vào Fabach như một nhân duyên. Gặp anh, tôi lập tức lẽo đẽo muốn “Vừng ơi mở ra” huyền thoại thơ xưa ấy nhưng anh chỉ hứa rồi quên hoặc giả quên. Tôi cũng không nằng nặc đòi nữa. Kệ, Coi như:
“Em hờn dỗi những điều ta không biết
Giữa trang đời tinh khiết thần tiên”
Bởi vì mây vẫn trắng
Nói tới thơ ca, tôi cho rằng mỗi nhà thơ đều có những câu thơ “từ khoá” trong lòng người đọc. Tôi cũng vậy với thơ anh, đó là:
“Đồng Chằm hôm ấy đang mưa
em xinh đến độ ngày xưa ngại ngùng”
Gửi người ở xứ đồng Chằm
Chỉ đôi câu sáu tám ấy mà tôi thấy cả thước phim hiện ra, “Ngày xưa” của chàng chắc đang độ mười lăm mười bảy, mép phún măng tơ, lơ ngơ như nai vừa rời mẹ. Không biết rằng chỉ tại hay là nhờ Đồng Chằm hôm ấy bỗng dưng mưa để cho thế giới quan của chàng bỗng bừng lên khi bắt gặp “cô em” mong manh trong mưa. (Xin nhường quyền tưởng tượng tiếp theo cho bạn đọc....). Cá nhân tôi nghĩ rằng nhà thơ NĐH hoàn toàn có thể đứng cạnh các nhà phát minh vĩ đại như Legendre, Niu tơn, Ampe... bởi anh đã phát minh ra được đơn vị đo sắc đẹp. Chỉ hai từ “ngại ngùng” của một trạng thái tâm lý khó ước lượng mà lại quá đủ để đo chính xác vẻ đẹp của người con gái trong mưa và cảm xúc của tác giả khi ấy.
Lần giở tiếp những trang thơ tôi băt gặp một nỗi buồn rấm rứt nơi đồng chiều hay miền sơn cước thượng du. Tôi thấy mình như cánh cò lẻ bóng ngược đường chiều, một chút khắc khoải bồi hồi len nơi tâm tư.
“Tiếng khèn lá găm vào đá núi
Nơi bài ca nằm khuất dưới mưa rừng”
“Chiều đâu đó buồn như sơn nữ gọi
Để mắt đa tình chếnh choáng cao nguyên”
(Chấm phá cao nguyên)
Một nỗi buồn liêu trai đan xen vô vọng. Có lẽ đó là cực điểm yếu mềm nơi cõi hồn tác giả trong giây phút đó. Phải không anh?!!!
Lại có những câu thơ không biết anh viết từ thời trai trẻ hay lúc đã sang dốc đời mà rất phiêu dạt.
“lạc hồn sơn dương
thiu thiu buồn bông cỏ
Sông Lô phảng phất một đời người”
(Tuyên Quang)
Tôi thích hình ảnh theo tôi là đắt nhất tập thơ, đó là hình ảnh người mẹ già thương con đến còm cõi cả nụ chè:
“con đi rứt lòng sỏi đá
cơn mưa dột từ rừng cọ
mẹ thương con còm cõi nụ chè”
Tuyên Quang
Chao ôi! Trời vốn ban cho hoa cỏ đặc ân được mơn mởn căng tràn xanh tươi, rực rỡ....ấy thế mà nụ hoa vừa sơ khai đã héo hon queo quắt còm cõi như lòng mẹ quặn thắt vì thương con.
Và tôi, tôi đang đọc bằng cảm xúc trái tim thiếu nữ hay hoá thân bởi chiêm nghiệm của tuổi “nắng quải chiều hôm” mà phiêu dạt trong những ca từ...
“Ta sinh từ cõi đá mộng du
hành hương ngược lòng gió núi
Chiều nay về đốt củi làm thơ”
Tuyên Quang
Tôi theo tác giả mộng du vào những câu thơ tôi thì bắt gập hình ảnh một người đàn ông, vừa kiểu đầu đội trời chân đạp đất, vừa thẳng thắn, thật thà yêu đến si dại vừa quay quắt mắc mớ trong ma trận tình yêu làm trái tim người đọc bồn chồn, thổn thức:
“Bây giờ vất vưởng tình yêu
Những sông trắng cát, những đèo trắng lau
Bây giờ em bỏ đi đâu
Để tôi nheo nhóc những câu thơ tình”
Thì tôi ở lại
Vâng nếu bạn không biết NĐH là ai thì bạn hoàn toàn có thể mặc con tim thổn thức. Nhưng xin bạn đừng vội thổn thức vì cũng chính “con tim” bị phụ bạc đến rơi vào cảnh “nheo nhóc” đáng thương lây cả nàng thơ ấy lại làm sỏi đá bất cần, kiêu bạc vứt bỏ cuộc tình nhanh đến mức làm ngươi ta chưng hửng:
“Vĩnh biệt nhé ngày mai dù xa tiếc
Cho anh xin khâm liệm những thư tình
Vĩnh biệt nhé khung trời đôi mắt biếc
Mây cô đơn gặm nhấm nỗi buồn anh”
(Lời vĩnh biệt)
Tôi biết bài thơ này đã nằm sâu trong tâm trí rất, rất nhiều nữ sinh viên thời đó. Rất nhiều nữ thi sĩ tương lai đã nằm lòng thuộc cả bài thơ này. Họ ngất ngây, chao đảo với những thi ảnh chia ly đau đớn, tuyệt vọng nhưng đẹp và lãng mạn đến mức lung linh, khó tưởng tượng nổi:
Vĩnh biệt nhé, mà thôi em đừng khóc
Nước mắt rơi làm bỏng lá thu gầy
Rồi thì:
Vĩnh biệt nhé chắc là em sẽ nhớ
Tiếng ai cười khua vỡ những đêm trăng
(Lời vĩnh biệt)
Ôi trời ơi! Những lúc buồn thương tôi lại ngâm nga đọc trong tâm tưởng. Vĩnh biệt thế này thì vĩnh biệt làm sao được hỡi người thơ?
NĐH ơi là NĐH. Cứ tưởng yêu đến đắm đuối cuồng si anh sẽ ấp ôm nó suốt một đời hay ít ra nhìn đâu cũng nhưng nhức nhớ trải dài theo năm tháng như chàng thơ Nguyễn Duy Chung chứ? Nhưng không
“Sau chờ đợi mê man tuyệt vọng
Anh hôn lên đứt cúc đèn màu“
(Mặc cảm)
Thì anh ngay tắp lự phũ phàng tuyên bố và tự ru ngủ mình:
“Thì đã hết những mùa chim xa vắng
Bông xuyến chi không thể hẹn nữa rồi
Anh lặn lội đi tìm trăng vỡ mộng
Xin một đời ta khuyết để tròn trăng”
(Những buồn xưa nông nổi)
Chỉ có kẻ khờ mới u mê mà tin vào sự cuồng điên mê dại của cái tình trong thơ anh bởi vì anh sẽ thình lình rũ bỏ và có ngay cái lý rất người Mèo để nguỵ biện
Vĩnh biệt nhé thôi em đừng đứng đợi
Anh đem tim cho tia nắng mặt trời
Vĩnh biệt nhé chắc là em nói dối
Nên bây giờ hai đứa mãi xa nhau”
(Lời vĩnh biệt)
Bạo chúa hết mức. Chỉ đoán là người ta nói dối thôi mà gã đã “người ra đi đầu không ngoảnh lại” luôn. Nhưng NĐH bá đạo là thế, cảm xúc trong thơ anh luôn vừa thiết tha, mê cuồng vừa day dứt, lại rất bất cần, có chút gì mâu thuẫn nhưng vẻ như có lý. Mà giả như không có lý thì anh sẽ ngay lập tức bắt nó có lý, lý theo kiểu “Mây vẫn trắng bởi vì mây vẫn trắng”. Đúng là cái lý theo kiểu lý người Mèo,
Nhưng rồi tôi cũng nhanh chóng lắng cảm xúc lại khi đọc được câu thơ chốt hạ thú tội đầy bao biện rất hoạt ngôn:
“Một mai trả nghiệp lưu đày
Cỏ xanh cãi với những ngày điêu toa”.
(Cho một dung nhan)
Anh phủi trắng án khiến người ta cũng phải bật cười, đã điêu toa rồi thì khỏi bàn nữa, giả đò khoan dung mà cho qua. Coi như vừa chơi xong ván mạt chược... Nghịch lý thế đấy nhưng có lẽ đó chính là thành công của thơ anh. Tôi tin mọi người sẽ tìm ra rất nhiều thứ oái oăm cùng thú vị trong thơ của anh khi cầm trên tay cuốn BỞI VÌ MÂY VẪN TRẮNG
Xin chúc anh nhiều sức khoẻ, nhiều cảm xúc để tiếp tục làm thơ với cái lý người Mèo của mình.
Đăng bởi Le Ngan vào 05/03/2023 13:52
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Le Ngan vào 28/12/2023 21:50
Có 23 người thích
(Về tập thơ Bởi vì mây vẫn trắng… của Nguyễn Đức Hạnh. Nxb HNV, 2022)
Hoàng Liên Sơn
Phần I
Nguyễn Đức Hạnh đã có cái tên tập thơ rất khiêu khích Bởi vì mấy vẫn trắng. Và câu thơ mà từ đó cái tiêu đề này đi ra còn khiêu khích hơn:
“Mây vẫn trắng bởi vì mây vẫn trắng”- (Bởi vì mây vẫn trắng)
Ý là chúng ta sẽ chỉ có thể cảm thấy thơ Hạnh hay, còn cụ thể là hay ở đâu và hay như thế nào, Hạnh thách chúng ta giải mã gọi tên ra, hoặc có được thì cũng tầm “mây vẫn trắng bởi vì hôm nay trời vẫn cao trong và gió nhẹ như mùa thu năm nào” là cùng.
Và cứ theo thế mà suy, việc tập thơ không phân chia cấu trúc rõ ràng, không ghi năm sáng tác dưới mỗi bài thơ cũng là cách tạo thêm chút chướng ngại trên hành trình giải mã của bạn đọc?
Sinh ra và lớn lên ở tỉnh miền núi Tuyên Quang, Nguyễn Đức Hạnh sở hữu nhiều bài thơ đại cảnh: Sông Lô, Bức tranh Tam Đảo…. Có những đại cảnh đơn thuần là vẽ đẹp như:
“ngựa khua ròn bước miền sông Chảy
ruộng bậc thang nghiêng những nếp chiều”
Nhưng phần lớn là trong cảnh có tích hợp tình:
“bây giờ phiên chợ tan nhanh lắm
Như là em đã biết làm dâu” – (Một chút chiều sông Chảy)
Người thơ cảm nhận tự tin và sâu sát như một người… đi chợ chuyên nghiệp vậy!
Hạnh có nhiều câu thơ viết vừa hay vừa rành mạch, chính xác:
“không phải nắng cuối mùa sao đã nhạt” – (Bài ca xứ sở)
“một người đi dang dở mấy khung trời” – (Bởi vì mây vẫn trắng)
Tả cảnh:
“lắt nhắt sẻ nâu như bóng những đồng tiền” – (Vỏ trấu)
“tã sương chiều
êm ả cay cay” – (Ngày xưa)
Tả tình yêu rất ngắn mà rất kỹ:
“biền biệt yêu nhau ngày em khóc” – (Tuyên Quang)
Cách ví von rất lạ:
“đôi mắt ướt đẹp như mùa thổ cẩm” – (Bức tranh Tam Đảo)
Hai khái niệm tưởng như chẳng ăn nhập, chẳng liên quan gì để có thể ví von so sánh với nhau!
Tuy nhiên, thành tựu của Hạnh đã vượt xa những cái hay cái đẹp kiểu này. Tôi sẽ đi vào chi tiết cái “vượt xa” ấy ở phần sau.
* * *
Vốn dân học giỏi toán, nhưng lên phổ thông trung học chàng lại quyết chuyển sang văn và thi vào khoa văn Đại học Tổng hợp (nay gọi là Đại học khoa học xã hội và nhân văn) với tham vọng “cứu nhân loại”. Và tham vọng này đã bị dội một gáo nước lạnh khi thấy những cái ghế băng làm bằng gỗ xẻ của giảng đường không có chỗ tựa lưng!
Không cứu được nhân loại thì chàng chuyển sang một mục tiêu khả dĩ hơn là cứu tình yêu và tâm hồn. Nhưng xem ra ít tâm hồn cần chàng cứu thế nào đó nên thơ tình của chàng u ám một cách tuyệt vọng và chết chóc:
“cho anh xin khâm liệm những thư tình” – (Lời vĩnh biệt)
“em có biết lá hoàng hôn bạc mệnh”- (Những buồn xưa nông nổi)
“tôi nằm xác dưới cơn mưa bụi đời”- (Gửi….)
“anh vuốt mắt cho niềm vui cuối cùng” – (Mặc cảm)
Tuy nhiên chính điều đó cùng với tài năng lại tạo ra những câu thơ cực kỳ độc đáo, cũng có thể “đóng dấu bản quyền” bởi dường như là cây bút đầu tiên lựa chọn cách diễn đạt này trong thơ tình.
Ngôn ngữ “chết chóc” hiện diện cả ở ngoài vùng thơ yêu:
“nhìn con cuốc rũ xương
chơm chớm biết mình sẽ khổ” – (Ngày xưa)
“mùa đã chết trong chùm cây vắng quả” – (Có một mùa hè)
Và phải mãi sau này khi là sự chết (kiểu tả thực) thì mới được đề cập đến một cách thân thương và ấm áp:
“xin nguyện ước thanh bình như kiếp cỏ
như mai sau một nắm đất miền đồi” – (Bài ca xứ sở)
Hạnh trở lại với tình yêu “không bao giờ bị phản bội” của mình, yêu quê vật vã:
“con đi rứt lòng sỏi đá
cơn mưa dột từ rừng cọ
mẹ thương con còm cõi nụ chè” – (Tuyên Quang)
Tình vỡ đem đến buồn đau (tất nhiên rồi), nhưng cũng đem đến cả sự giác ngộ cho chàng trẻ tuổi trong bài Thì tôi ở lại:
“thời gian ngọn bấc tôi lừa cả tôi”
Vừa nhận ra thế nhưng chàng lại vẫn tiếp tục tự lừa mình như sau:
“ai dìu nhau đến mùa thương
vẫn còn tấm tức con đường ngày xưa”
Chắc cũng có tí chút gọi là “gái nhớ tình xưa” chứ “tấm tức” thì hơi hiếm.
Nhưng dù tự lừa, chàng mô tả trạng thái tình yêu vẫn rất độc đáo:
“bây giờ vất vưởng tình yêu”
“bây giờ em bỏ đi đâu
để tôi nheo nhóc những câu thơ tình
bây giờ tôi chỉ một mình
trái tim bé quá chả dành cho ai”
Những chữ vất vưởng, nheo nhóc, trái tim bé quá quả là thần tự, và góp phần tạo nên một bài thơ toàn bích, ít cay nghiệt nhiều thiết tha, luôn nằm trong top những bài thơ hay nhất của anh.
* * *
H-L-S
Hà Nội, tháng 10 năm 2022
(còn nữa)
(In trong sách Tuỳ bút phê bình - 15 gương mặt thơ (Nxb Hội Nhà văn & Viện Nhân học Văn hoá, 2023) của Hoàng Liên Sơn)
Đăng bởi Trang Tho HN vào 28/12/2023 21:06
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Trang Tho HN vào 30/12/2023 10:43
Có 29 người thích
1.
Người ta hay lo sợ, chuyện mai một truyền thống, trong đó có không gian lễ hội. Thực tình, chả nên lo lắng thái quá. Cái gì rồi chả trở thành kỷ niệm. Mà, một dân tộc có nhiều kỷ niệm đắt giá, há chẳng hạnh phúc lắm sao. Thật không thể tưởng tượng được, một dân tộc, mà khi ngoái lại sau lưng, trắng trơn!
Thế nên, khi “thiều quang chín chục” mới ngoài ba mươi, cứ hãy “Lo toan gửi lại Bồ Đề/ Ta men sông Đuống rẽ về ngày xưa” [nên dừng lại một “nốt lặng” chút: chữ “men” là một trong những chữ trong phong cách/ văn phong/ lối viết của Phan Nguyễn, mà khi có dịp tôi sẽ quay lại. Ghi chú: khi đánh máy bài thơ này, tôi đã đánh nhầm “men” thành “theo”. Vì nó (“men”) không đặc trưng cho phong cách của tôi.].
Mà, chậc, nhưng lại có men xuân, lan man thêm chút. “Rẽ về ngày xưa” cũng là một nét trong phong cách Phan Nguyễn. Nó cùng với những “thủ đoạn thẩm mỹ” khác, tạo một không- thời gian đan quện vào nhau, trên một nền “toan” dìu dịu, xa xôi, đẫm hương quá khứ.
2.
Dưng mà họ đương tưng bừng nơi Kinh Bắc cạnh quê tôi kìa. Hội hè thời nay cũng có nét khác xưa, Phan Nguyễn cũng nhận thấy như vậy, nên anh không mấy nhớ thương (ít nhất ở đây) “tứ thân yếm đào” nữa, mà: “Mỹ nhân đài các khăn hờ nửa vai”.
Ấy là “té nước theo mưa” thôi, xung quanh người ta… chả lẽ. Và không- thời gian trong bài thơ, chủ yếu là không- thời gian của cái “ngày xưa” ấy. Đấy, những địa danh, tên người cổ kính trù mật trong những con chữ được sắp xếp trong khuôn lục bát truyền thống. Chưa kể câu kết, tích đọng bao tầng lớp “ngày xưa”. Có được một lần nghĩ tới giấc mộng trang đài, thì ngay lập tức chàng: “Ngước lên Bút Tháp tụng vài phẩm kinh”. Có được một lần chót ngắm mỹ nhân khăn vắt hờ nửa vai, thì chàng vẫn: “Trăng rằm ướt cả đò đưa”. Tán kiểu các cụ thế, còn lâu mới đổ mấy nàng @&$!
3.
Về những con chữ trong “Dao cau Thuận Thành”, tôi xin bắt đầu từ đây, từ “Trăng rằm ướt cả đò đưa” (Chứ tất nhiên không phải là từ những con chữ gợi thời “mậu dịch” như: “Đông Hồ lối dọc đường ngang/ Nắng soi giấy điệp ngỡ ngàng bến quê”).
Tôi cứ phải nhắc đi nhắc lại rằng, tôi chỉ là học trò (còn không xong) của các nhà Hình thức Nga. Họ dạy tôi rằng, không giống với văn xuôi, trong văn bản thơ có rất nhiều chữ vô nghĩa. Nhiệm vụ của nó là ngân vang lên. Tự những âm thanh đó có một nghĩa nào đấy trong cả dàn âm thanh của một bài thơ. Và nó có thể tự hào đứng “ngang ngửa” với những chữ có nghĩa. Không hiếm khi, nó còn quan trọng hơn cả những chữ còn lại.
Trong văn bản bài thơ này, tôi quan tâm đến hai con chữ vô nghĩa, một “chả chết ai cả”, một “cháy nhà chết người”.
Chữ “cả” trong câu thơ dẫn trên là một chữ vô nghĩa. Nó không làm nhiệm vụ gì, ngoài nhiệm vụ của niêm luật (ở đây là lục bát). Và tôi “dìm” nó thoải mái. Này: “Trăng rằm ướt một đò đưa”, này: “Trăng rằm ướt mấy đò đưa”, này: “Trăng rằm ướt những đò đưa”, v.v và v.v…
Tôi nghĩ, tác giả chỉ cần, những ẩn dụ, mà chúng chiếm chỗ hết sức chật chội trong một câu sáu: “trăng rằm”, “ướt” và “đò đưa” (phải là “đò đưa” đấy nhé. Chứ nếu “con đò” thì chữ “cả” lại có nghĩa mất rồi, và thảm hại hơn, nó biến câu thơ thành sáo cũ).
Bây giờ, đến vụ “cháy nhà chết người”: “Bụi xuân lắc rắc sang nhau”. Chữ “lắc rắc” này đưa vào tự điển “nội dịch”, thì ok. Nhưng ở trong câu thơ “quái quỷ” kia, thật là không hiểu nổi. Tôi cứ đọc cái từ “lắc rắc” rất âm thanh ấy, và cũng rất vô nghĩa ấy với vô cùng thú vị. Và cũng mong, ai chỉ cho tôi, nó có nghĩa gì?
Nó đã không có nghĩa gì, mà lại còn khó có thể thay thế. Nó, ngoài làm nghĩa vụ niêm luật ra, còn vô cùng quan trọng để câu sáu này bật ra câu tám tuyệt vời: “Mắt ai vừa nhói dao cau Thuận Thành”.
Không một ai, kể cả tác giả và không một phương pháp nào hoàn mỹ, để có thể soi rọi hết vẻ đẹp của một tác phẩm nghệ thuật. Mỗi con người, mỗi phương pháp chỉ góp một góc nhìn. Và đây là góc nhìn của riêng tôi vào thi phẩm “Dao cau thuận thành”.
Hiến Văn - Nguyễn Thành Tuấn
https://www.facebook.com/...03/posts/2292875080925602
(In trong tập FÂY BÚT của Nguyễn Thành Tuấn. Nxb Hội Nhà văn, H.2018. Tr51-54)
Đăng bởi Trang Tho HN vào 28/12/2023 21:07
Đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Trang Tho HN vào 30/12/2023 10:42
Có 29 người thích
1.
Mai Tuấn Hải - Ông này là ai? Tại sao chả phải là “tác giả”, cũng chả phải là Thợ thi công Thơ, bỗng dưng “ghế trên ngồi tót sỗ sàng” ở bài bình phê này?
Xin thưa, ổng là một “người đọc” hết sức nhiệt thành, và đưa ra những vấn nạn cho một số câu chữ, hình ảnh trong bài thơ.
Xin vắn tắt những câu hỏi của ông ấy:
(1) Tại sao “trăng rằm” lại được đưa vào bối cảnh này? Trăng xuân nhạt nhẽo lắm!
(2) “đò đưa” có nghĩa gì? Có khi từ này và cả câu sáu này là vô nghĩa!
(3) Ý kiến về từ “lắc rắc”, do không trong phạm vi chủ ý của stt này, nên tạm gác lại.
2.
Trước khi trả lời, với sự tôn trọng một độc giả, tôi- với không phải tư cách tác giả, và tác giả cũng chỉ cùng tư cách chúng tôi thôi- những người đọc với nhau, dứt khoát phải nói qua về một vài điều lý luận.
Thống nhất được “tiên đề”, chúng ta sẽ cộng tác được cùng nhau. Không, chúng ta sẽ như thông lệ đã xử sự với ngôn ngữ, tranh luận bằng những khái niệm “ông chẳng bà chuộc” vô nghĩa.
Stt này, tôi dùng lại một kiến thức đã cũ (cũ Tây mới Ta): Ẩn dụ và Hoán dụ; một kiến thức mới toanh của tôi (mới Tôi cũ Tây): Phê bình Tâm phân Vật chất (của G. Bachelard)- qua chỉ giáo trong tác phẩm “Tâm phân lửa”.
Phải phủ đầu lão độc giả ngang bướng nói trên bằng cách chỉ ra tính đảng đã được xác lập một cách không thể đảo ngược trong văn nghệ nước nhà: ‘Rằm xuân lồng lộng trăng soi”- thơ ai đây ạ? Nào, còn ai dám ý kiến gì về vẻ lộng lẫy của trăng xuân nữa không?
Thế nhưng, tôi, vì hăng tranh hơn tranh kém (với lão Mai Tuấn Hải) mà quên béng đi mất, rằng: Phan Nguyễn có tả cảnh đâu! Là người nói (điệu đà) với người (ấy) đó thôi.
Đã (hành động) nói trong bối cảnh ấy, tất nhiên “đò đưa” là một ẩn dụ. Liệu có mấy người Việt tinh tế (và có những trải nghiệm “trai gái”) không cảm được “khí quyển” của ẩn dụ này không?
“Đò đưa” đã “dã tâm” kéo “trăng rằm” vào một ẩn dụ tiếp theo. Nhờ các bạn điền vào ngoại diên của nó (cái khuôn trăng ấy), chứ tôi bắt đầu thấm mệt. Tôi còn muốn gục ngã trước cái từ “quỷ quyệt”: “ướt”. Nhưng hiện nay tôi chưa đọc bài giảng về tác phẩm “Nước và mơ” của Bachelard, nên tạm đành cảm thi phẩm này qua “lửa” vậy.
3.
Có những Triết gia- Phê bình gia, thật điên rồ. Nhưng nếu không điên rồ, chúng ta cứ việc ngày ngày đến nơi làm việc, rồi lĩnh lương, rồi về nhà ngủ với vợ, và vừa “ngủ” vừa tính toán, sao cho “an toàn” (nếu đã đủ con cái).
Bachelard, trong sự điên rồ, đã phát hiện ra một điều ngược lại với tri thức thông thường nhân loại. Rằng, con người, không phải học cái cách trong thiên nhiên, ví dụ: hai cành củi khô cọ vào nhau quắn quýt (ví như, trước một vụ cháy rừng) rồi phát ra lửa, mà phát minh ra lửa.
Chính là, những lứa đôi, đã quắn quýt với nhau, phát ấm nồng nàn, tạo kinh nghiệm (còn tiên thiên nữa mới mơ mộng làm sao, một phong cách tư duy) cho loài người phát minh ra lửa: sau này, từ kinh nghiệm “phát nhiệt” của đôi tình nhân, để tạo lửa, họ cứ “cọ” gỗ, đá,… vào nhau thôi!
Lửa, trong con mắt của Bachelard, là symbol của tình dục- tình yêu. Điểm qua vài ví dụ trong ngôn ngữ văn chương mà xem: “lửa lòng”, “lửa tình”, “trái tim rực cháy”, “ái tình sét đánh”,…
Giờ, tôi phải đi tìm “lửa” trong “Dao cau Thuận Thành” đây.
Gác lại “trăng rằm” thôi, nó chỉ là “nước” là cùng.
Tôi đã tìm ra ba “ngọn lửa” đáng chú ý ở Thuận Thành ấy. Một: “giấy điệp”- Một “ngọn lửa” bắt đầu nhen nhóm; hai: “Dấu son hoa gạo”- Một “ngọn lửa” đang dần bùng phát; ba: “Mắt ai vừa nhói dao cau”.
Ai mà chẳng biết, một tiếng sét long trời, giữa mùa xuân Kinh Bắc mộng mơ ấy chứ! Đấy, “ngọn lửa” cứ lớn dần, bùng lên, rồi loá cả mắt người!
Nhưng có ai để ý không, nếu không có những “đò đưa” (mà một trong những “ngoại diên” của ẩn dụ này, là “cọ sát”) ban đầu và kiên nhẫn (trong suốt bài thơ)? Thủ đoạn thẩm mỹ “đò đưa” thật quan trọng nhường nào trong bối cảnh “rèn” con dao cau ấy!
Tin thì tin, chả tin thì thôi. Ông ấy, Bachelard, đã chết ở TK XX. Và tôi, chỉ là một đệ tử tồi!
Hiến Văn - Nguyễn Thành Tuấn
https://www.facebook.com/...03/posts/2293598770853233
(In trong tập FÂY BÚT của Nguyễn Thành Tuấn. Nxb Hội Nhà văn, H.2018. Tr.55-58)
Đăng bởi Thuy Chi ND vào 28/12/2023 21:11
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Thuy Chi ND vào 30/12/2023 10:49
Có 29 người thích
Đàm Huy Đông
Tự tôi từ hồi đi học luôn ý niệm: Thi sĩ thì cao hơn Nhà thơ mấy bậc. Thi sĩ là nhà thơ tài hoa, anh tuấn, thần thái ngút ngàn, phiêu diêu, khoáng đạt...Thơ của thi sĩ theo đó cũng nức nở tài hoa, vô biên phong nguyệt.
Nhà thơ (theo ý tôi) thì có thể kỳ cạch, cần mẫn ngồi viết những dòng thơ cổ động, ví thể cổ động phong trào làm phân xanh, thúc giục chị em đặt vòng tránh thai, mô tả, ca ngợi cuộc đời yêu thương, ví như ca ngợi nghề đóng gạch kiểu: “Cùng nhau ta đóng gạch nào/ Bụp phát rồi xoẹt, đập vào lắc ra/ Hôm nay sẽ vượt hôm qua/ Bụp, phịch, xoẹt, dập, rút ra, ấn vào” (Trích thơ ĐHĐ- bài Đóng gạch xây đời)
Không sao, mỗi bài thơ có một giá trị riêng, một đời sống riêng, và mỗi nhà thơ đều có chỗ đứng/ chỗ ngồi/ chỗ nằm trong vương quốc thơ ca rộn rịp này. Tôi không dám chê bai, kỳ thị ai cả, thậm chí có thể tôi vẫn yêu, vẫn kính họ, vẫn công nhận là họ có tài, là Nhà thơ, nhưng nhất định họ không là Thi sĩ.
Thi sĩ ở một đẳng cấp khác.
Và với tôi- Nguyễn Đức Hạnh- là một thi sĩ đích thực, một thi sĩ chính hiệu. Thơ anh đẹp, cái vẻ đẹp cổ điển và thoáng chút kiêu kỳ, cái vẻ đẹp của làn thu thuỷ nét xuân sơn, mang phẩm cách tài hoa, như tiếng chuông ngân vọng.
“Đây mái rạ khói nhà ta thương lắm/Em Xứ Đoài mê đắm suốt bao năm/ Mây vẫn trắng bởi vì mây vẫn trắng/ Cứ như người nhẹ dạ đến thiêng liêng”; “Ai như tiếng Quảng Oai mùa mận trắng/ Cố Đô buồn yên ắng nắng thôi miên/ Ơi mái tóc bỗng nhiên thành tín ngưỡng...”
Rồi thì “Căn nhà lá mười mấy năm thiêng/ con đi rứt lòng sỏi đá/cơn mưa dột từ rừng cọ/ mẹ thương con còm cõi nụ chè”... “Bây giờ vất vưởng tình yêu/ Những sông trắng cát, những đèo trắng lau/ Bây giờ em bỏ đi đâu/ Để tôi nheo nhóc những câu thơ tình/ Thì tôi ở lại một mình/ Trái tim bé quá chả dành cho ai”
Đọc “Bởi vì mây vẫn trắng” sẽ hiểu vì sao một câu thơ có thể làm ta khóc, có thể làm lòng ta phơi phới yêu đương, có thể gọi dậy cả một trời ký ức, một cõi thanh xuân yêu dấu, nồng nàn.
Vì lẽ đó, tôi chọn Bởi vì mây vẫn trắng là cuốn sách đầu tiên tôi giới thiệu trong chương trình Bán sách quyên tiền may áo ấm cho các em học sinh Mèo Vạc (Chương trình do nhà thơ Hoàng Liên Sơn và các thành viên của nhóm “Những số hạng yêu thương” phát động).
(Từ Fb Đàm Huy Đông)
https://www.facebook.com/...vg/posts/6114379065337571
Đăng bởi Nguyen Khoi vào 28/12/2023 21:14
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyen Khoi vào 30/12/2023 10:58
Có 24 người thích
1.
Tôi bắt đầu bằng việc tìm kiếm “kiến trúc chủ âm” của bài thơ. “Kiến trúc chủ âm” của mỗi tác phẩm, là thuật ngữ được Bakhtin xây dựng, được Pospelop phát biểu thành ngôn ngữ đương đại: “cảm hứng chủ đạo”.
Tôi sơ cảm thấy bài thơ này mang cảm hứng “hiện thực phê phán”- Một loại cảm hứng hiếm hoi của Phan Nguyễn.
Bằng góc nhìn tưởng như rất hẹp: “lời yêu”, tác giả đã gần như “lật tung”, “lộn trái” mọi mặt của hiện thời.
Là những: “Ta sơn phết cho cuộc đời vàng mã/ Buổi kim tiền che lấp cả trăng sao”. Hiện thời của chính chúng ta đấy, những giả dối, những giá trị “quái thai” chết yểu như vàng mã. Và tất cả những “giá trị” đặt dưới cái nhìn lăng kính “kim tiền”. Lãng mạn tình yêu xe đạp dưới trăng sao ơi! Vĩnh biệt?
Là những: “Vương vãi trên ruộng đồng mệt nhọc/ Rầu rĩ phấn son áo xiêm ngột ngạt”- Quá ngột ngạt- trong mọi cảnh ngộ, mọi ngóc ngách của đời sống, qua “lời yêu” nhảm nhí. Xin lưu ý: Phan Nguyễn ít khi, thậm chí tôi chưa thấy, anh viết hai câu thơ liền nhau có cùng “âm” nặng cuối câu. Cái không khí nặng nề đã đi vào ngôn ngữ tác giả, không biết chủ đích hay vô thức. Cách nào, thì hiệu quả câu thơ vẫn đạt hiệu ứng như nhau thôi.
Không lẽ chúng ta, con cháu chúng ta sẽ cứ phải sống mãi với những may rủi vô định; sống mãi bên những kẻ thành đạt kiểu “xổ số” vênh vang; mãi với những “lời yêu” thiu thối: “Canh xổ số chợ chiều đắc chí/ Kẻ hành khất giữa tiệc tùng miễn phí/ Chợt rùng mình thực phẩm ôi thiu”.
Ôi, những giá trị! “Tình vô giá cũng là tình mất giá”.
Thế nên, họ dám huỷ hoại môi trường và “ám sát” truyền thống.
Những “lời yêu” chân thực nhất, nên cũng yếu đuối nhất, và có lẽ cuối cùng trên trái đất (?) phải chịu cảnh ngộ này đây:
“Lả tả
Liêu xiêu
Một mũi độc
Cánh cò đâm sấp
Ngập trong bùn
Chưa thể hoa sen”
Bởi, chao ôi là khó nói, giữa vàng thau lẫn lộn. Mà lòng ai lại đầy trân trọng, tự trọng!
2.
Truyền thống, một khi đã bị “ám sát”, “Chủ nghĩa hiện thực” còn đất sống không? Hay nó phải nhường chỗ cho “Hậu hiện đại”?
Có đôi lần, tôi trao đổi với Phan Nguyễn về cái gọi là “Hậu hiện đại”. Trong cách hiểu của tôi, một cách sơ lược, cái gọi là “Hậu hiện đại” có ba ý nghĩa: 1/Trào lưu của những nhà văn viết tiếng Tây Ban Nha ở đầu TK trước; 2/Trào lưu của những nhà văn Mỹ ở những năm cuối TK trước; 3/Triết học J. F. Lyotard, với chủ yếu hai cuốn “Bối cảnh hậu hiện đại” và “Bất đồng”.
Giờ đây, tôi đồng tình với một số học giả, chỉ gọi “Hậu hiện đại” là dòng văn chương Mỹ cuối TK XX. Họ, trong bối cảnh (giống như Lyotard ở nước Pháp) tin học phát triển, dường như cá nhân con người bị “lạc trôi” (và họ đã nhầm, qua kiểm chứng thời gian), nên viết như thế. Và ở ta, các nhà văn cũng không thiếu lý do để phải viết “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”. Nhưng xin lưu ý cho, lý do nào thì lý do, anh phải đứng dậy từ truyền thống, ở đất Việt, chẳng hạn đó là bông Sen.
“Hậu hiện đại”, xin được kết thúc với đôi hài hước.
1/Lyotard, được vinh danh như “chủ soái” HHĐ ở Mỹ, hoá ra triết thuyết của ông không liên quan. Các học giả Mỹ, Nga,… “hớt ngọn” từ HHĐ của ông ấy (và có trước ông ấy) rồi “hoắng” lên, làm thành một thứ chủ nghĩa “ông chẳng bà chuộc”. 2/Chính Eco, được những người “hò reo” là nhà HHĐ, cho rằng cái gọi là “Chủ nghĩa HHĐ” là một thứ “hàn xì” (tương đương sự cop pet bây giờ), mà không có căn bản lý thuyết.
3.
Ngay từ lần đọc ban đầu, tôi đã chú ý hình ảnh “hoa sen”. Một- nó nằm ngay ở đầu đề: “CHƯA THỂ HOA SEN”, hai- nó ở cuối bài: “Chưa thể hoa sen”.
Chưa thể, tức là có thể, ngôn ngữ hàng ngày nói với ta như thế. Và nếu đọc thơ bằng ngôn ngữ thực dụng, thì chỉ chuốc sự “thất bại”. Thất bại của tôi, khi sơ cảm bài thơ, là cũng hiểu sen chưa thể nở thôi (hoa nở sao đây, trong hiện thời như vậy!). Nếu tôi có sức tưởng tượng, thì cứ việc sáng tạo ra một bông sen (đã) nở khi nào đó.
Nhưng những nhà Ký hiệu học đã mách bảo tôi điều khác. Trong những khoảng trống của con chữ, tôi nhận ra một khoảng trống đặc biệt kỳ thú. Đó chính là khoảng trống trong gần toàn bộ bài thơ.
Giờ, sau khi có nó (gần như toàn bộ bài thơ), tôi gạt nó ra, chỉ còn thấy mỗi hình ảnh “hoa sen”.
Tôi đang có một bông sen nở đàng hoàng đấy chứ. Nó, một- gánh trên vai cả một hiện thực đen tối kinh hoàng, một- nở trên đầu hiện thực ấy.
Tôi yên tâm kết luận: Cảm hứng chủ đạo của bài thơ là “lãng mạn”!
Vậy nên, dẫu chưa thốt, nhưng lòng ai đã chả dâng đoá sen tình yêu tinh khiết đấy thôi!
10-4-2019
Hiến Văn - Nguyễn Thành Tuấn
https://www.facebook.com/...03/posts/2302974853248958
Đăng bởi Nguyen Khoi vào 28/12/2023 21:15
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Nguyen Khoi vào 30/12/2023 10:57
Có 23 người thích
1.
Các nhà thơ, không mấy ai không viết về quê hương, chỉ là quê hương qua tâm thế họ hiện ra như thế nào thôi.
Thì đây, Tuyên Quang của Phan Nguyễn:
“Thị trấn ru về im lặng
lán lều xưa vẫn như xưa
con đường nhỏ mòn trong ký ức
lạc hồn sơn dương
thiu thiu buồn bông cỏ
sông Lô phảng phất một đời người”
Có đôi lần tôi nhận xét, không- thời gian trong thơ Phan Nguyên có một nét riêng, nó tạo ra một nét thi pháp riêng cho thơ anh ấy.
Những “im lặng”, “như xưa”, “con đường nhỏ”, “ký ức”, “lạc hồn”, “thiu thiu buồn” đã tạo nên một con sông Lô riêng, rất riêng cho anh: “sông Lô phảng phất một đời người”.
Đã tạo nên một không- thời gian “phảng phất” rất Phan Nguyễn.
Nhưng chỉ “phảng phất” không thôi, là chưa đủ. Vì Không- thời gian ấy còn thiếu một vec-tơ.
2.
Thế nên, quê hương phải có bóng dáng một bà mẹ. Một bà mẹ rất “xưa”, tảo tần hết đồi chè, rừng cọ… nuôi con ăn học.
Đó là cái cớ, để trước khi đi xa, nhân vật trữ tình tung ra một động từ đắt giá: “rứt” (“con đi rứt lòng sỏi đá”).
Nhưng cũng còn một lý do không kém quan trọng để nhân vật phải “rứt lòng”:
“ta tìm em
mùa trăng hoang dại
hoa đỏ cứa vào rừng
biền biệt yêu nhau ngày em khóc”
Một lần nữa, tôi không thể không thán phục G. Bachelard. Ông ấy nói rằng, lửa là biểu tượng của tình yêu trong ngôn ngữ nghệ thuật. Chỉ có tình yêu mới “phá vỡ” cái không- thời gian “phảng phất” của Phan Nguyễn. Bông hoa đỏ ấy, rất đỏ ấy, mới đủ sức “cứa” vào (ẩn dụ) rừng!
Và, cái động từ, cũng không kém phần đắt giá: “cứa”, cũng báo trước một “tai biến” của tình yêu.
3.
“biền biệt yêu nhau ngày em khóc
bây giờ còn lại dòng sông”
Bây giờ, con sông Lô ấy lại càng trở nên rất riêng trong lòng ai. Nó không phải là dòng nước như qua bao con mắt vãng lai. Nó là dòng sông- nước- mắt đấy, cái thuở hoa đỏ hoa niên ơi!
Nhưng giờ chỉ còn là kỷ niệm. Nên, “ngọn lửa” như đã nhạt đi mấy phần, loang loang ký ức, chứ không “tụ” lại như một điểm trước vụ “bigbang” “hoa đỏ” thời xa: “mênh mang bờ nắng chân đồi”.
Nhưng tôi muốn có thêm vài lời về một chữ đặc biệt “biền biệt”: “biền biệt yêu nhau ngày em khóc”.
Để hiểu nghĩa của từ này, tốt nhất là ta không nên cố hiểu nghĩa của từ “nghiêng nghiêng” trong thơ Hoàng Cầm:
“Sông Đuống trôi đi
Một dòng lấp lánh
Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ”.
Lần cuối cùng, tôi nhắc lại, những chữ vô nghĩa trong thơ không hề “vô nghĩa” chút nào. Nó, theo cách diễn đạt của Hegel, nhiều khi được nhà thơ cấp cho một “phẩm giá” rất cao.
Ở đây, chữ “biền biệt” là như vậy!
4.
“Tuyên Quang, Tuyên Quang
xin người đừng mặc cảm
ta sinh từ cõi đá mộng du
hành hương ngược lòng gió núi
chiều nay về đốt củi làm thơ”
Tuyên Quang đã được gọi lên rất nhiều lần trong bài thơ. Cảm giác của tôi là những tiếng gọi thầm, rất sâu trong nội cảm. Thế nó mới phù hợp trong thi pháp Phan Nguyên. Đây này: “cõi đá mộng du”, “lòng gió núi”. Chỉ ở những “xung đột”, anh mới đưa những từ “lạ”, như trong bài này: “rứt”, “đỏ cứa”. Chúng không hề phá vỡ phong cách chung của ngôn ngữ thơ anh, mà chính là tôn cái phong cách Phan Nguyễn lên.
Có một độc giả hỏi: “xin người đừng mặc cảm” là sao? Là không sao cả. Một phức cảm của nhân vật trữ tình, qua phong trần cát bụi trở về, nói với quê hương hoặc với chính mình.
Bởi chuyến “hành hương ngược lòng gió núi” là rất sâu. Chúng ta hay “ngược gió” hoặc “cuốn theo chiều gió”, tôi chưa gặp hình ảnh ai đi ngược “lòng gió núi”!
Thế nên, hãy ngồi xuống, bên đống lửa anh vừa đốt, làm thơ, uống rượu. Và có thể không nói gì. Trong ánh lửa của tình yêu quê hương ấy, lấp lánh lên muôn vàn ký ức.
20-4-2019
Hiến Văn- Nguyễn Thành Tuấn
https://www.facebook.com/...03/posts/2309434165936360
Đăng bởi Hien Mua vào 28/12/2023 21:37
Đã sửa 1 lần, lần cuối bởi Hien Mua vào 30/12/2023 10:53
Có 16 người thích
Đỗ Mạnh Hùng - Nguyễn Thị Tính
Nguyễn Đức Hạnh tốt nghiệp Khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1990. Tôi nhớ, những năm 1988-1990 khi đang học Đại học Kinh tế Quốc dân, mới hý hoáy làm thơ và tham gia vào hội sinh viên trường, thành lập CLB Thơ sinh viên để tạo ra sân chơi lành mạnh cho sinh viên, chúng tôi đã mời các nhà thơ đàn anh đàn chị: Vũ Quần Phương, Thế Hùng, Kim Oanh và các bạn thơ sinh viên Trần Quang Dũng, Nguyễn Hồng Hải… về giao lưu và nói chuyện, tổ chức cuộc thi thơ sinh viên trong trường. Qua Hồng Hải tôi biết đến Nguyễn Đức Hạnh. Bấy giờ, tôi còn rụt rè e ngại như “Hoa cúc dại” thì anh đã là cây thơ lớn của giới sinh viên và CLB thơ Thanh Xuân.
Nguyễn Đức Hạnh là một trong số hiếm hoi tác giả in được thơ ngay từ thời sinh viên với tập thơ Xin người lượng thứ. Thơ anh là một trong những tượng đài của thơ khoa Văn – Đại học Tổng hợp Hà Nội, cái nôi đào tạo bài bản về lý luận sáng tác nói riêng và thơ sinh viên nói chung. Hiện anh là công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng tâm hồn vẫn rất bay bổng. Mới đây, anh ra mắt Bởi vì mây vẫn trắng (NXB Hội Nhà văn, 2022).
Khi trình làng thi tập Bởi vì mây vẫn trắng, Nguyễn Đức Hạnh không nhờ ai viết lời giới thiệu hoặc lời bạt mà tự viết hơn chục dòng cho Lời vào sách, ngắn gọn và tự tin. Tập thơ là sự tự tay tuyển chọn của tác giả, tập hợp những bài ưng ý hoặc những bài tác giả muốn “khôi phục lại văn bản ban đầu, vì lí do nào đó, khi xuất bản trước đây đã sửa chữa” hoặc “chỉnh sửa, biên tập lại chi tiết về từ, cú pháp, cách viết hoa, dấu câu…”[1]. Nhan đề Bởi vì mây vẫn trắng là tên một bài thơ ở trang đầu tiên trong tập. Nhưng phải chăng đây cũng chính là thêm một lời giải thích? Mây trắng là hình ảnh muôn thuở của thế giới tự nhiên. Dùng hình ảnh đó, tác giả muốn gửi gắm những điều gì? Để độc giả nhìn vào đã thấy áng mây của anh tự trôi? Thơ anh như là sự tự nhiên xuất hiện, như là ở ngoài ý muốn của cả chính anh và không bị câu thúc bởi bất cứ điều gì…? Có lẽ là tất cả. Ngay nhan đề tập thơ đã đa tầng ý nghĩa (xin nói thêm: Nguyễn Đức Hạnh có tài đặt tên cho các tập thơ in chung của nhóm Facebach).
Bởi vì mây vẫn trắng bắt đầu bằng series 11 bài địa danh. Với những bài này, Nguyễn Đức Hạnh đưa được vào thơ mình không chỉ tên địa danh mà tinh chất được đặc trưng của vùng miền, cả thiên nhiên lẫn lịch sử, văn hoá. Nói đến Đồng Chằm, tác giả gọi từ chất nâu của màu đất đến sự mộc mạc, đằm sâu của con người:
“Thế mà hờn dỗi nông sâu
Thế mà thăm thẳm mắt nâu…
Đồng Chằm”
(Gửi người ở xứ Đồng Chằm – Tr.11)
Đến Thuận Thành, anh lại “điểm” tất cả những di sản của vùng đất giàu truyền thống văn hoá: chùa Bồ Đề “Lo toan gửi lại Bồ Đề”, sông Đuống “Ta men sông Đuống rẽ về ngày xưa”, thành cổ Phật giáo Luy Lâu, chùa Bút Tháp, sông Dâu- chùa Dâu “Luy Lâu đắm mộng trang đài/ Ngước lên Bút Tháp tụng vài phẩm kinh/ Sông Dâu một thuở vô tình”, tranh Đông Hồ “Đông Hồ lối dọc đường ngang”. Và đặc biệt là ca dao dân ca- vì Thuận Thành là nôi quan họ. Viết về nơi ấy, Nguyễn Đức Hạnh đặt nhan đề “Dao cau Thuận Thành”- lấy ý từ câu ca “Đôi mắt em sắc như là dao cau”, rồi hình ảnh con đò, chiếc khăn… gợi đến những câu ca “khăn thương nhớ ai/ khăn rơi xuống đất”… Có thể nói, bài thơ như tích cả một hệ thống “điển tích” về một Thuận Thành nên thơ, văn hoá. Với những miền đất khác, cũng vẫn một “phong cách” Nguyễn Đức Hạnh. Viết đến sông Lô là “Ta nhớ thượng nguồn nao nao ghềnh thác” (Tr.14). Tam Đảo là “Nắng Tây Thiên ru ngủ gốc thông già” (Tr.16). Tiền Hải có “Đồng cói hiu hiu màu chiều” (Tr.18). Với “Chấm phá cao nguyên” là “Tiếng khèn lá găm vào đá núi” (Tr.22). “Bởi vì mây vẫn trắng” thì như chưng cất được cả hồn cốt Sơn Tây với chùa Tây Phương, tiếng Quảng Oai, mơ Hương Tích, nhà cổ xứ Đoài, Thành Cổ, đá ong… Và đây là hồn Tuyên Quang qua ngòi bút Nguyễn Đức Hạnh:
“Tuyên Quang, Tuyên Quang
xin người đừng mặc cảm
ta sinh từ cõi đá mộng du
hành hương ngược lòng gió núi
chiều nay về đốt củi làm thơ”
(Tuyên Quang – Tr.25)
Bài thơ hay, tôi khá khó khăn khi lựa chọn từng câu. Trong mắt tôi, đây là bài thơ hay nhất viết về Tuyên Quang và lọt vào top 10 về thơ miền núi phía Bắc. Ôi những vạt trăng hay những câu thơ nhú lên từ đồi chè “con đi rứt lòng sỏi đá/ cơn mưa dột từ rừng cọ/ mẹ thương con còm cõi nụ chè”. Bạn đọc kỹ và nhắm mắt lại cho trường liên tưởng lan xa, xem tôi có nói đúng không: “ta sinh từ cõi đá mộng du/ hành hương ngược lòng gió núi/ chiều nay về đốt củi làm thơ”, đó là cả một vầng mây sáng mang dáng rừng thế núi chứ không riêng vài áng mây sáng lãng đãng bay tản mát trên bầu trời…
Những bài thơ địa danh cho thấy, đó là những nơi “hoá tâm hồn” trong lòng tác giả. Tác giả mến yêu chất chứa đầy những kỉ niệm và thấm đẫm, nhập thân vào trầm tích thiên nhiên, lịch sử, văn hoá của mỗi vùng miền.
Ấn tượng thứ hai trong Bởi vì mây vẫn trắng là thơ tình. Mảng này chiếm đến 90% thi tập. Ngay cả các bài địa danh trên cũng chủ yếu đi liền với tình yêu. Thơ Nguyễn Đức Hạnh nhiều bài thất tình. Anh đau đớn dùng đến mấy lần từ “vĩnh biệt”, thậm chí, dùng từ này vào hẳn nhan đề một bài thơ: “Lời vĩnh biệt”. Trong suốt bài thơ, từ “vĩnh biệt” trở đi trở lại khắc khoải. Tác giả vĩnh biệt tất cả, cả những bức thư tình cũng “khâm liệm”. Lí trí của tác giả là muốn “cưa đứt, đục suốt”. Tuy nhiên, tình yêu có sức mạnh không thể giải thích bằng lý lẽ, như mệnh đề hiển nhiên “Mây vẫn trắng bởi vì mây vẫn trắng”. Nguyễn Đức Hạnh giống như Heinrich Heine (Đức), chẳng thể chôn cuộc tình:
“Ta đem chôn tình yêu
Rồi trồng lên bia mộ
– Lạy Chúa thế là xong
Hai đứa cùng nói khẽ
Nhưng tình yêu vùng dậy
Trách móc nhìn chúng ta
Hai người nói gì vậy
Ta đang sống đây mà”
(Heinrich Heine)
Vậy nên, thơ tình Nguyễn Đức Hạnh đúng là “con tằm đến thác hãy còn vương tơ”, đầy ăm ắp những kỉ niệm. Từ thuở đong đầy hạnh phúc như ở chốn thiên đường, như được viên đạn tình yêu (không phải là mũi tên của thần tình yêu!) bắn thẳng vào tim:
“Tà áo mỏng Thiên đường rực cháy
Cảm ơn em! Viên đạn thẳng vào tim.”
(Viên đạn thẳng vào tim – Tr.40)
Cho đến những khi đã xa xôi, khoảng cách:
“Đồng Chằm hôm ấy đang mưa
Em xinh đến độ ngày xưa ngại ngùng”
(Gửi người ở xứ Đồng Chằm – Tr.10)
Nguyễn Đức Hạnh không thôi nhung nhớ và khao khát. Đi đến đâu là cũng nhớ và nhớ. Về Tuyên Quang là:
“ta tìm em
mùa trăng hoang dại
hoa đỏ cứa vào rừng
biền biệt yêu nhau ngày em khóc”
(Tuyên Quang – Tr.24)
Xa xứ Đoài lại nhớ:
“Mắt Đan Phượng sương giăng chiều Thạch Thất
Mờ Tây Phương xanh ngút ngát Ba Vì
Ai như tiếng Quảng Oai mùa mận trắng
Cổ đô buồn yên ắng nắng thôi miên
Ơi mái tóc bỗng nhiên thành tín ngưỡng
Rối trong chiều hoa phượng rưng rưng”
(Bởi vì mây vẫn trắng – Tr.8)
Hai câu cuối thoạt nghe rất phóng đại, mái tóc của em mà đem so sánh với tín ngưỡng, có cái gì sai sai, thậm chí rất là phi logic. Ờ, nhưng nếu tìm một thi ảnh trong quá khứ, trong nhạc Trịnh ta thấy “Ôi tóc em dài đêm thần thoại” (đã được bao thế hệ say mê cất lên đó thôi, mà nào có ai dám bắt bẻ chữ nào đâu…) thì mái tóc trong buổi chiều định mệnh nào đó đối với Hạnh cũng có thể là tín ngưỡng lắm chứ. Tôi còn nhớ một câu thơ khá ấn tượng của nhà thơ Kim Giao ngày trước “Tôi vô thần trước khi gặp em” và cảm cái tài tình trong cách sáng tạo ngôn từ của Hạnh. Anh giỏi biến tấu để cái phi lý nhất hoá thành cái lạ lẫm mà đọc lên người ta thấy thích thú, người ta phải rung cảm và rồi bị “đồng hoá” vào cảm xúc của anh lúc nào chẳng rõ. Và rồi cái phi lý lại biến thành cái có lý đến mức chỉ có thể là đồng thuận tuyệt đối vì chỉ cần đặt cạnh nhau như hai vế thôi, tự dưng đã là câu thơ độc đáo, lạ thường, khiến ta phải thốt lên: Hay! Vi diệu!
Tôi và nhiều người rất thích và dành nhiều cảm xúc để ngâm nga và ngẫm ngợi về bài thơ “Thì tôi ở lại” với rất nhiều câu thơ ám gợi, đầy niềm giăng mắc về duyên và nợ:
“Ai dìu nhau đến mùa thương
Vẫn còn tấm tức con đường ngày xưa”
(Thì tôi ở lại – Tr.63)
Những câu thơ thoạt nghe đã vương mắc vào tâm trí, bây giờ thì thuộc làu bởi nhà thơ Hoàng Liên Sơn bạn tôi luôn đọc rất say mê và trôi chảy. Ngay cái khả năng diễn cảm rất cao độ, cao trào và gây ấn tượng hơn cả tác giả của một người yêu thơ Hạnh đã đủ thấy thơ của anh có sức lay gợi đến cỡ nào. Nhất là hồi mới trình làng: “Thời gian ngọn bấc tôi lừa cả tôi”;“Vẫn còn tấm tức con đường ngày xưa”; “Để tôi nheo nhóc những câu thơ tình” là những câu thơ khiến sinh viên thấy lạ và ngạc nhiên lắm. Họ có thể nói ra bằng khẩu ngữ đời thường những cái tương tự mà không tài nào viết ra được. Thế là cứ vay mượn, vi phạm bản quyền tác giả để đem đọc cưa tán nhau…
Nếu tôi nhớ không nhầm thì bài thơ này đạt giải nhì cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh” lần thứ nhất, do báo Tiền Phong, trường Viết văn Nguyễn Du tổ chức (1990), khiến tài thơ của Hạnh trong suy nghĩ của chúng tôi không chỉ là sự nể trọng mà còn tăng thêm “mấy chân kính” về độ lôi cuốn, dẫn dụ. Nguyễn Đức Hạnh hồi đó có vẻ ngầu, ngang ngang bất cần nhưng vẫn luôn là một người thơ đa cảm. Chàng tự tin nhưng không kiêu đại khi canh giữ ngôi đền thơ ca. Chàng khi ấy vẫn dành sự trìu mến cho những người làm thơ “tay ngang” như chúng tôi, những gã trai bỗng dưng bị thơ phú bỏ bùa và nhất là những nam nhân tấp tểnh làm thơ đến từ khối trường kinh tế, kỹ thuật…
Cứ như thế, Nguyễn Đức Hạnh thả trôi trái tim nóng bỏng yêu nhớ vào trời “mây vẫn trắng”:
“Đến bây giờ anh vẫn còn mong
… sỏi đá cũ hôn về năm tháng
anh như lối mòn bỏ vắng bước chân em!”
(Với em ngày cũ – Tr.33)
“Nghiêng trăng soi xuống buồn không đáy
Anh vẫn hoàng hôn nhớ tóc dài”
(Nhớ mùa con gái – Tr.35)
“Tóc người còn hong đó
Giờ xoã buồn sang tôi”
(Gương mặt – Tr.48)
Để rồi tuyên ngôn tình yêu:
“Anh lặn lội đi tìm trăng vỡ mộng
Xin một đời ta khuyết để tròn trăng.”
(Những buồn xưa nông nổi – Tr.44)
Ấn tượng thứ 3 của chúng tôi khi đọc Bởi vì mây vẫn trắng là cách sử dụng lối so sánh rất giỏi của Nguyễn Đức Hạnh. Điều này chứng tỏ khả năng liên tưởng, tưởng tượng của anh sắc sảo, phong phú và thi vị. Câu thơ “Cành khô như dấu phẩy” (Thôi bây giờ mùa thu – Tr.45) hợp lí đến bất ngờ. Bài thơ viết về nỗi nhớ mối tình tuổi học trò, vậy nên, cành cây khô được hình dung qua mắt học trò rất “học trò” và sáng tạo. Cành khô qua đôi mắt tuổi thơ không hề gợi đến sự già nua, tàn lụi như người già, ngược lại, là “dấu phẩy”, như điểm dừng ngắn, một nhịp thôi, cho sự tiếp nối của một vế khác. Cách so sánh vừa gợi dáng vẻ cành khô, vừa gọi ra sự trẻ trung, tinh nghịch hay hay của tuổi học trò hồn nhiên trong sáng.
Thơ Nguyễn Đức Hạnh có nhiều so sánh hay, rất hợp lí để đưa vào bài giảng cho học sinh, làm mẫu, làm bài tập cho sự phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ:
“Thời gian như sợi nắng
Mỏi mòn trên hai vai
Có những ngày xa vắng
Như rơm khô chất đầy”
(Khúc giao mùa – Tr.49)
“Bỗng nghe run rẩy như là nắng
Vo tròn trong cỏ cuối vườn thu”
(Vườn thu – Tr.51)
“Chim về xứ nhớ chiều nay
Có người ngồi khóc như loài cỏ hoang!”
(Lặng – Tr.85)
Bởi vì mây vẫn trắng có không không ít câu so sánh “làm khó” độc giả. Ví dụ:
“Những vỏ trấu xác xơ nặng nhọc
Như những mỹ từ như người đẹp quê ta”
(Vỏ trấu – Tr.87)
“Người đẹp quê ta” có lẽ là câu “chè Thái, gái Tuyên” lưu truyền bấy nay. Gái Tuyên Quang nức tiếng đẹp (có lẽ nguồn gốc của họ là vương phi, công chúa, tiểu thư họ Mạc?). Căn cớ nào khiến tác giả dùng từ so sánh tương đồng- đặt “vỏ trấu” trong tương quan với “mỹ từ”, “người đẹp” cùng với những tương phản: “xác xơ, nặng nhọc”với “mỹ từ” và “người đẹp”? Là do tưởng tượng của một “Tâm hồn chơ vơ và khuyết tật”? Thật khó. Chỉ biết sự so sánh này có gì đó chất chứa những đắng cay, tê tái!
Bởi vì mây vẫn trắng còn nhiều ấn tượng khác. Ví như sự phong phú về thể loại: lục bát (Gửi người ở xứ Đồng Chằm, Dao cau Thuận Thành, Thì tôi ở lại, Lặng, Chiều chiều, Tay trắng, Gửi, Miệt chiều…); lục bát biến thể: (Cho một dung nhan…); thơ 7 chữ (Ký ức…); thơ 8 chữ (Bức tranh Tam Đảo, Dưới vòm mưa, Có một mùa hè, Bội ước…); thơ tự do (Sông Lô, Bởi vì mây vẫn trắng, Đêm, Ngày xưa, Không đề, Thời gian,…). Rồi cách dùng từ, dùng hình ảnh độc đáo… Tuy nhiên, với bấy nhiêu dẫn giải ở trên cũng đủ thấy một Nguyễn Đức Hạnh tài hoa. Thơ anh tự nhiên trôi theo cảm xúc như “bởi vì mây vẫn trắng”.
Nguyễn Đức Hạnh là thành viên sáng lập của nhóm thơ Facebach, anh không muốn tự nói về mình và nhóm nhiều, anh luôn kết nối các thành viên và tài trợ cho các cuộc ra mắt thơ của anh em bè bạn. Xin mượn những lời của Nguyễn Đức Hạnh về tình của anh với Facebach: “Có một đặc điểm của anh em ta: Khi mệt mỏi muốn buông bỏ tất cả, nhưng lại thấy nếu thiếu anh em thì lại thiếu cả mình. Mình khác biệt, cá tính thì anh em nó cũng khác biệt, cá tính. Mình chịu đựng cá tính của nó một thì nó chịu đựng mình mười. Thế là mình lại phải cố gắng để anh em họ thấy mình vẫn là mình của mấy chục năm về trước. Dù cuộc đời đầy thứ không bao giờ được như mình mong muốn, nhưng rồi mình vẫn mong muốn có anh em… Có lẽ đó chính là Facebach chăng?”.
Để kết thúc bài bình này, xin được tặng Nguyễn Đức Hạnh và những độc giả yêu mến thơ anh, bài thơ “Chân dung”- phác hoạ bằng chính những câu thơ mà chúng tôi yêu thích, trích trong các bài “Tuyên Quang”, “Bài ca xứ sở”, “Ngày xưa” và “Những bông hoa rét mướt” của thi tập.
Chân dung
Rút lòng sỏi đá thiu thiu
Sương mờ cổ kính rừng chiều rạc nai
Rụt rè nở giữa cỏ gai
Mùa trăng hoang dại tóc dài nghiêng soi
Mênh mang bờ nắng chân đồi
Chim bay về núi đâu rồi ngày xưa
Quê hương mái lá mưa thưa
Nghe chim lải nhải lên chùa vãng duyên
Ta về thanh thản buồn riêng
Mộng du cõi đá ruộng nghiêng nếp chiều
Bòng bong một kiếp sống – yêu
Nụ cười nhạt thếch qua nhiều bão giông
Bây giờ úp mặt vào sông
Thơ gom đốt củi tãi trong miệt chiều.
Hà Nội, 02.11.2022
ĐỖ MẠNH HÙNG – NGUYỄN THỊ TÍNH
Nguồn: https://vanhocsaigon.com/...rong-tho-nguyen-duc-hanh/
Đăng bởi Le Ngan vào 28/12/2023 21:54
Có 20 người thích
(Về tập thơ Bởi vì mây vẫn trắng… của Nguyễn Đức Hạnh. Nxb HNV, 2022)
Hoàng Liên Sơn
Phần II
Sau cơn bạo bệnh tình si, trái tim sục sôi của chàng có phần hạ nhiệt, đằm thắm hơn, nhưng lại bòng bong ngay từ trong đơn vị câu thơ:
“em mười lăm tít tắp tuổi học trò” – (Bởi vì mây vẫn trắng)
Tôi tưởng từ tít tắp thường để bổ nghĩa cho một danh từ chỉ không gian chứ không phải thời gian?
Rồi:
“đến bây giờ bờ cát đã xanh xao” – (Bài ca xứ sở)
Tả bờ cát gì mà như tả người vậy?
Hoặc bòng bong trong định hướng yêu thương, lúc bi quan với sự hời hợt:
“thấm gì một chút mưa giông
rồi ra như thể nặng lòng mai sau” – (Gửi người ở xứ đồng Chằm)
Khi lại tỏ ra nhút nhát:
“ta sợ bài ca bén lửa
hát cho nhau dai dẳng suốt cuộc đời” – (Sông Lô)
May mà rút cục cũng có lúc đoan quyết, nghĩa là đã ra cái mối của mớ bòng bong:
“bụi xuân lắc rắc sang nhau
mắt ai vừa nhói dao cau Thuận Thành” – (Dao cau Thuận Thành)
Vẻ đằm thắm của chàng trội thêm, khi hồi nhớ tình áo trắng:
“mảnh mai em một bóng hình thơ nhỏ
nón trắng về đâu
thơ thẩn một vòm trời” – (Với em ngày cũ)
Thuở yêu mà tay không biết làm gì hơn ngoài cầm cỏ:
“bông cỏ biếc lòng tay vụng dại” – (Với em ngày cũ)
Hoặc câm nín vụng về:
“một hôm anh chẳng biết nói gì
đành lóng ngóng tìm cái mình chưa mất
đành im lặng sợ một điều chân thật
rồi chợt mơ về chiếc lá cuối đông rơi” – (Chim chích)
Cái câu cuối của khổ thơ này lại tô đậm thêm lý lịch “bòng bong” của chàng!
Mà thực ra, khi bảo “bòng bong” không có nghĩa là tôi đánh giá thấp tư duy thơ của chàng, nó là đặc điểm chứ không phải nhược điểm. Và đôi khi chất bòng bong ấy lại tạo ra những “thần cú”, chẳng hạn trong những câu thơ sau, thuộc kiểu cấu trúc thường gặp trong thơ Nguyễn Đức Hạnh.
“cứ như người nhẹ dạ đến thiêng liêng” – (Bởi vì mây vẫn trắng)
“em xinh đến độ ngày xưa ngại ngùng” – (Gửi người ở xứ Đồng Chằm)
“mơ hồ sương khói đến day dưa” – (Một chút chiều sông Chảy)
“suối môi em quyến rũ đến bạc tình” – (Viên đạn thẳng vào tim)
Nhưng không đóng dấu bản quyền của Hạnh cấu trúc này được vì có “hoa cuối mùa sặc sỡ đến lo âu” ra trước mất rồi.
Hoặc khiến chúng ta tiếp tục hoang mang:
“anh tin đời xa xót ở bàn tay” – (Lời vĩnh biệt)
Niềm tin sao lại nằm ở bàn tay hay liên quan đến bàn tay? Và tôi lại nhớ có lần nhà thơ (văn) quá cố Bùi Hứa Hiệp nói: “văn xuôi càng đúng ngữ pháp càng tốt, thơ càng sai ngữ pháp càng tốt”.
Tương tự, có các câu:
“lỡ miệng đong đầy chai” – (Và thơ và rượu…)
Tôi tưởng phải là lỡ tay?
“thôi đừng nhắc anh về tưởng niệm
Tiền Hải chiều nay cổ kính sương mờ” – (Tiền Hải)
Hình như người ta thường chỉ dùng từ tưởng niệm khi dành cho người đã… đi xa?
Tôi đã từng nghĩ lối cấu trúc đều đặn mỗi khổ bốn câu rất phổ biến trong tập thơ tạo cảm giác thơ anh về hình thức như thể thơ thời sinh viên nối dài. Và cách mà các địa danh cụ thể lần lượt được gọi tên cũng khiến tôi cảm thấy như dòng thơ dư địa chí, tức cảnh sinh tình vậy.
Tuy nhiên khi đã thấm cái chất bòng bong của anh, tôi hiểu rằng nếu chất đó lại còn cộng hưởng với nhịp điệu mới, với không vần, câu so le quá dài quá ngắn cùng tính khái quát quá cao của “dư địa chí”…. thì có thể làm quá tải cả những độc giả mà sức lặn ngụp khoẻ như tôi.
Và cũng vì vậy, tôi hoàn toàn đồng cảm tán dương nhà thơ trong ý hướng của mình:
“lần mò theo lối bòng bong mà về” – (Miệt chiều)
Có thể nhiều người sẽ nghĩ lối sáng sủa rành mạch còn chẳng ăn ai, nhưng thế mới là Nguyễn Đức Hạnh bởi cảm nhận thế nhưng về cơ bản anh vẫn làm chủ được lối đi riêng của mình, và luôn về đích.
Rồi thì Hạnh đã về đến đâu? Hạnh bỗng nhiên diễn tả được tình yêu trong trạng thái trẻ trung sôi nổi, đắm say và dường như hạnh phúc:
“bất chợt phố Hà Đông ngạt thở
cả đất trời nóng bỏng ngực thanh mai”
“tà áo mỏng Thiên đường rừng rực cháy” – (Viên đạn thẳng vào tim)
Những câu thơ làm tôi nhớ ngày chàng muốn học văn để “cứu nhân loại”!
Thấm mệt, chàng dỗi:
“ta về bán mớ bòng bong
quanh đi quẩn lại là xong kiếp người” – (Tay trắng)
Tôi biết là chàng chỉ dỗi tạm thế thôi, chứ đi đâu được khi đã trót:
“rượu cay và thơ đắng
còng tay vào nhân gian” – (Và thơ và rượu)
Chàng sẽ tiếp tục vào ra cái mớ bòng bong những sợi tơ thơ óng ả bền chắc, để từng mùa lại dâng đời nong thơ vàng rực!
* * *
Giống bất kỳ ai, tình đầu đời của chàng cũng là mẫu tử. Tình yêu với mẹ là thứ tình thuần khiết, nghiêng về chiều thụ hưởng. Nếu có chút vất vưởng nào thì người mẹ đã gánh cả:
“một đời mẹ đong từng hạt nước
đong từng nắm đất
cho con lớn lên bằng sức vóc nương đồi”
“Bàn chân đi mềm lại con đường” – (Gửi Đồng Văn)
Và rất gần với tình mẹ, là tình yêu quê hương ở Hạnh, thứ tình ít chới với bởi chẳng bao giờ bị phụ bạc ruồng rẫy, hơn nữa còn là bệ đỡ vô điều kiện:
“Sông Lô phảng phất một đời người” – (Tuyên Quang)
Nhưng ít chới với thì có lúc lại có bề hơi… nhạt:
“Ta ngồi nướng sắn để buồn vui” – (Một chút chiều sông Chảy)
Gần không nồng nàn, xa không bứt rứt:
“bây giờ chim núi bay về núi
bỏ lại đằng sau những chỉ màu” – (Một chút chiều sông Chảy)
Nhưng chính ở tình cảm không sắc dục này, sức sáng tạo của Hạnh rất đáng kể.
Anh tạo ra khái niệm lạ:
“cây nói dối bên những chùm săng lẻ” – (Với em ngày cũ)
Anh dựng hình ảnh bay bổng lãng mạn và có phần sáo:
“Bóng mi dài ai tạc khúc tình ca” – (Bức tranh Tam Đảo)
Anh tổ hợp từ ghép kiểu “dư địa chí” tạo nét phóng khoáng:
“Em ẩn hiện một nỗi buồn Tam Đảo” – (Bức tranh Tam Đảo)
Anh mang theo dấu vết vô thức của dân văn khoa, chẳng hạn chữ hiu hiu từ:
“Gió hiu hiu thổi một và bông lau” – Truyện Kiều
Sang:
“Đồng cói hiu hiu màu chiều” – (Tiền Hải)
“Anh hiu hiu làm ngọn gió lang thang” – (Lời vĩnh biệt)
Hạnh tạo ra cách dùng mới với nghĩa mới cho từ đã cũ:
“thiu thiu buồn bông cỏ” – (Tuyên Quang)
Rất khác với cách dùng truyền thống: Thiu thiu buồn…. ngủ.
Hoặc:
“nắng chới với trong chiều tê tái” – (Với em ngày cũ)
Thì vẫn là từ chới với mang cái nghĩa rõ mồn một nhưng lại không đi với “người” như cách diễn đạt truyền thống.
Hay:
“nắng đã gầy khô dưới bí bầu” – (Nợ nhân duyên)
Từ gầy khô thường để tả cỏ cây dưới nắng, nay dùng tả chính nắng!
* * *
Có chút tài năng thế, cộng với cả thời áo trắng được sống trong “Những mùa con gái”, chàng tự tin đến có phần phộng phạo về tầm vóc của bản thân, hay dùng đại từ nhân xưng “ta”:
“Đây mái rạ khói nhà ta thương lắm” – (Bởi vì mây vẫn trắng)
“Ta lại hát bài ca xứ sở” – (Bài ca xứ sở)
Nhất là khi chuyện có vẻ ở trong tầm kiểm soát:
“em đã hẹn lòng ta từ cổ tích” – (Bức tranh Tam Đảo)
Thậm chí khi chàng ở vị thế tạm gọi là “thủ phạm”:
“Ánh mắt ngày xưa còn nghi ngại bước ta về” – (Sông Lô)
Thì chàng còn mang tâm “đại từ” đầy trắc ẩn:
“em bây giờ ra sao
đôi mắt ấy ngóng chờ ai cuối hạ” – (Với em ngày cũ)
Và quả thực, Hạnh xứng đáng với chăm bẵm nâng niu. Anh đã sáng tạo những câu thơ như thuần từ bản năng, mang ý tứ mơ hồ hoặc có khi chẳng ý tứ gì, mà lại rất ám ảnh:
“Bên đồi thêm một nhánh củi khô” – (Một chút chiều sông Chảy)
Những câu thơ mà nghĩa đen dường như sai nhưng nghĩa bóng lại rất thú vị, trong bài Thành Tuyên một nét thu:
“Bến sông giờ cũng vắng
Chuyến đò sang Tràng Đà”
Những khổ thơ biến điệu từ nghĩa đen thuần tuý:
“ta nhặt viên đá trắng
ném lên đồi hoa mua”
Sang đan cài nghĩa đen cùng nghĩa bóng:
“những ngày xưa xa lắc
im lìm không tiếng thưa”
Và những sáng tạo nho nhỏ thì “hằng hà sa số”:
Là hình ảnh phi thực và đảo ngôi “gặm nhấm” trong “mây cô đơn gặm nhấm nỗi buồn anh” – (Lời vĩnh biệt).
Là đẩy trạng thái của tâm sang của thân trong “mụ mị ngón thon” – (Đêm).
Là sự bẻ lái ngoạn mục để câu thơ giữ nguyên sức gợi mà không sa vào dung tục trong “anh hôn lên đứt cúc đèn màu!” – (Mặc cảm).
Đèn màu thì làm gì có cúc?
* * *
Tuy nhiên, tất cả những sáng tạo nho nhỏ lấp lánh ấy sẽ ít giá trị nếu không cùng nhau tạo thành những bài thơ hay.
Chúng ta thử cùng xem một ví dụ, bài Dưới vòm mưa.
Có thể là mây trắng đã ngang sông
Em đứng đợi một tàn xuân tóc tết
Về nghĩa đen, mây trắng đã (bay) ngang (qua dòng) sông hay chưa thì nhìn là biết, sao còn “có thể”? Nhưng sẽ không đáng thắc mắc bởi vì mây này đơn giản chỉ là sự ẩn dụ của một sự biến dịch của thiên nhiên và con người. Và người con gái ở đây cũng có hành vi khá ngược đời là đợi “một tàn xuân” trong khi cô ấy còn trẻ trung kiểu “tóc tết”.
Và óc quan sát, khả năng dùng chữ điêu luyện của Hạnh bắt đầu thể hiện: “hoa thức nắng” – diễn xuôi nó sẽ là “hoa đánh thức ánh nắng”.
Anh tiếp tục sáng tạo khái niệm “quá trăng” trong “quá trăng về mưa kín phủ bờ lau”.
Anh tạo khoảng cách xa vời giữa đối tượng nhân hoá - ẩn dụ “mưa” và người trai trong “mưa sốt ruột lên trang mười bảy tuổi”.
Anh lập từ láy chưa từng có trong từ vựng “lấp thấp” (chứ không phải thâm thấp) trong “lối cúc tần lấp thấp mấy hàng sương”.
Anh gián tiếp kể một cảnh tình tứ bởi “đêm cúi mặt một lần trăng nhoà nhạt”.
Anh để độc giả tự “viết” thêm những ý thơ của mình cùng với từ “bông may” trong câu:
“thôi để buồn em thương kiếp bông may
để im lặng mênh mông thời con gái”.
Bài thơ buồn một nỗi buồn nhẹ, trong, và kết bởi ý thơ đầy bao dung nhẫn nại:
“em chỉ biết vườn em như đất ấy”
Ví dụ tiếp theo, bài Miệt chiều.
Tôi thử gõ google thì chữ miệt là cách miền Nam hay dùng khi gọi một vùng không gian nào đó, chẳng hạn miệt vườn Tiền Giang. Tuy nhiên Hạnh đem gắn với khái niệm thời gian thì tôi cũng không phản đối.
Hạnh vào bài theo lối “giả tự sự”, như bắt đầu kể một câu chuyện: “rồi chiều…”. Và ở ngay câu thơ đầu tiên đã xuất hiện một ý thơ rất khiêu khích:
“nắng nhẩn nha buồn”
Thường người ta sẽ dùng từ nhẩn nha khi thưởng thức hoặc quá lắm là khi làm một cái gì đó, chứ dùng với chữ “buồn” rất lạ tai! Nhưng mà từ đó lại gợi một ý tưởng đột biến là biết đâu “buồn” quả đang là một món đáng để nhấm nháp?
“gió liêng biêng gió tôi gờn gợn say”
Từ liêng biêng tượng hình tạo cảm giác nghiêng đổ, nhưng không “hãi” bằng từ “gờn gợn”. Và trong cái gờn gợn ấy thi sĩ thấy:
“chim muông lạc lõng vườn mây
người ta áo mỏng trắng tay bạn bè”
Mây, chứ không phải cây nhé. Và phận người thì đã như chim! Khi muốn tìm một điểm tựa ổn cố trong quá khứ thì:
“ấu thơ mất hút chẳng về được đâu”
Khi hướng tới tương lai lại:
“xin từ biệt nhé mai sau
đá buồn mực tím xót vào ngực tôi”
Gợi liên tưởng tới “tuổi đá buồn” của Trịnh!
“nắng mưa mục cả cõi lòng
lần mò theo lối bòng bong mà về”
Cõi lòng chàng đã thành một thứ gỗ! Tuy nhiên, dù nhìn vào “ở đây, bây giờ” có đáng buồn thế nào, thi sĩ cũng không tuyệt vọng. Chàng sẽ vẫn tìm về với bản thể chân như của mình, dù có phải qua bao lối rối như bòng bong, dù rất nhiều chới với. Tương tự như có nhà phê bình đã bình tác phẩm Ông già và biển cả: Thiên nhiên có thể tiêu diệt nhưng không thể khuất phục được con người.
H-L-S
Hà Nội, tháng 10 năm 2022
(In trong sách Tuỳ bút phê bình - 15 gương mặt thơ (Nxb Hội Nhà văn & Viện Nhân học Văn hoá, 2023) của Hoàng Liên Sơn)
Đăng bởi Thuy Chi ND vào 16/01/2024 15:58
Có 17 người thích
“Mây mưa với chữ” là tên tập thơ 45 bài của Trần Mai Hường, xuất bản 2020. “Bởi vì mây vẫn trắng” là tên tập thơ 50 bài của Nguyễn Đức Hạnh, xuất bản 2022. Hai tác giả gốc rễ Hà Tây, lứa U50, không cậy nhờ quyền trượng, không ỷ y mũ mão cân đai, tung tẩy sống như ai.
Nguyễn Đức Hạnh là tiến sỹ văn chương hiện đang công tác tại Học viện báo chí. Trần Mai Hường là hội viên Hội nhà văn Việt Nam kèm hội viên Hội nhà văn của thành phố hào phóng nhất nước.
Trong số mấy chục ấn phẩm văn chương được biếu - tặng - cho vài năm nay, tôi ấn tượng với hai tập thơ trên vì trong đó có những bài tàng hình thi ngôn như “phù thuỷ”, động cỡn thi hứng như “hầu đồng”. Mỗi tập chỉ có chừng dăm bảy bài bút cảm chưa chín, bút lực hụt hơi, chữ nghĩa còn sạn sượng…
“Bởi vì mây vẫn trắng” thuộc dòng thơ tiến sỹ thời hiện đại nhưng không bị hút vào hố đen hàn lâm phỉnh phờ “lờ lờ nước hến” kiểu moden luận án tiến sỹ về môn cầu lông cho công chức hay luận án tiến sỹ về hành vi nịnh của công dân*. Chuyện nào ra chuyện ấy, tiến sỹ ra tiến sỹ, thơ ra thơ. Trên văn đàn Việt hiện nay, kết cấu giao diện “Tiến sỹ - nhà thơ…” hay “Tiến sỹ - nhà văn…” chỉ là chiêu MC khoe mẽ. Thơ hay là lộc trời cho. Thơ hay tự nó nhập vong không cần đội mũ cánh chuồn hay lập đàn cầu đảo.
Học vị tiến sỹ 2003 của Nguyễn Đức Hạnh thuộc số ít văn bằng không qua “lò ấp” đại trà. “Bởi vì mây vẫn trắng” của anh cũng vậy. Đó là mỹ cảm “bánh đúc bày sàng” của bản thể nguyên khiết. Khi quay bờ giác ngộ: “Ta bội ước với ngày ta thơ nhỏ. Cứ mỗi năm thêm một tuổi đớn hèn. Còn hy vọng chút gì như sự thật. Sự thật hôm nay bị tịch thu rồi…” (Bội ước). Khi tự trẫm mình để cứu rỗi linh hồn: “Nắng mưa mục cả cõi lòng. Lần mò theo lối bòng bong mà về. Bước chân hụt hẫng đam mê. Trái tim tội nghiệp tiếc chi thiên đường…” (Miệt chiều).
“Bởi vì mây vẫn trắng” có nhiều gióng chữ, mắt thơ bơ vơ sương cỏ, chạng vạng nắng chiều. Chẳng hạn: “Kìa gương liễu lại đong đầy giông bão. Guốc bên thềm chao đảo cả chiều hôm. Anh chết đứng giữa đại dương khao khát. Cây buông mình thác loạn cô đơn…” (Viên đạn thẳng vào tim). Chợt nhận ra có những thứ tưởng như đã cắt đuôi con nòng nọc nhưng rồi chỉ quàn vào áo quan để thờ, không thể đào sâu chôn chặt: “Vĩnh biệt nhé ngày mai dù xa tiếc. Cho anh xin khâm liệm những thư tình” (Lời vĩnh biệt). Chỉ 20 câu trong “Nợ nhân duyên” mà ngồn ngộn ngôn ảnh mới lạ như “hoa bong bóng”, “lối cà sa”, “ngõ ngân hà”, “luỹ vắng”…
Trần Mai Hường quê Ứng Hoà. Xưa Ứng Hoà thuộc Hà Tây. Năm 2008, không nghi lễ vu qui, Hà Tây lẳng lặng về làm lẽ Thăng Long, làm cho Hà Nội lọt vào top 10 thủ đô có diện tích lớn nhất thế giới với 7 phần quê 3 phần phố.
Vùng văn hoá hợp hôn Xứ Đoài và Sơn Nam Thượng vốn riêng một cõi đình đền - thơ nhạc lừng lẫy một thời, sau này hoà nhập hay hoà tan vào Kẻ Chợ chỉ có thể hỏi giời. Đành mượn thơ Tam Nguyên Yên Đổ huyện Bình Lục – Hà Nam khóc Vân Đình tiến sỹ Dương Khuê huyện Ứng Hoà – Hà Tây để giãi bày gan ruột: “Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.
Trần Mai Hường như dấu gạch nối khác biệt giữa thế hệ các nhà thơ nữ từ Đinh Thị Thu Vân đến Vi Thuỳ Linh. Chị đã in một số thơ thành tập riêng hoặc chung. Trong đoản văn này chỉ chấm phá đôi nét về “Mây mưa với chữ”. Vả lại, thưởng thơ hay như ngắm gái đẹp, cũng là cái nốt ruồi son tứ quí nhưng hạ cánh nơi nào để ngũ quan thêm duyên dáng, da thịt thêm quyến rũ, tuỳ gu thụ hưởng mỗi người.
“Mây mưa với chữ” của Mai Hường như thể mưa bay mưa bụi, không thấy giọt nào mà áo ai vẫn ướt, bởi “Nắng thì mê – gió thì say. Mà thơ thì mãi đoạ đày duyên phơi”. Dẫn độ thêm vài chùm làm chứng: “Châm mùa mừng tuổi mới. Muốn hư đến dại người. Lặng nghe da thịt thở. Mà đêm chừng hờn lơi…” (Sinh nhật), “Hình như là độc dược. Anh tẩm vào màu hoa. Dã quì em ướp nắng. Trốn trong anh thật thà…” (Thú nhận), “Sợ yêu nên xếp tình phơi. Cho khô cháy hết những vời vợi nhau. Đã mai này – đã xưa sau. Chuốc thêm son phấn lên màu phù du…” (Bùa yêu)… Đương nhiên, kỹ xảo chưa làm nên nghệ thuật, sa đà vào bẫy ngôn từ ắt thi tứ rối như canh hẹ.
Già nửa “Mây mưa với chữ” là những bài thơ xanh vỏ đỏ lòng về người đàn bà duyên phận đa đoan, ngụp lặn trong yêu đương bạo liệt, tẩu thoát cám dỗ để chân thành: “Ừ, đành lại quăng mình vào chữ nghĩa. Nghe Nguyễn Du than buốt những trang Kiều. Rằng sau bao đắm mê phút lìa cành gãy cánh. Đau đã mưng mầm từ rẻ rúng người gieo…” (Ai nhớ đã từng nhau).
“Bởi vì mây vẫn trắng” và “Mây mưa với chữ” hồn phách dị giới nhưng cùng thác lũ cảm quan thân phận. Hành trình ấy thuận theo Kinh Thi: “Núi cao ta trông. Đường rộng ta đi. Tuy đích chưa đến nhưng lòng hướng về”!
SÀI GÒN 15/8/2022 – N.Q.T
Chú thích *: Luận án tiến sỹ “Hành vi nịnh trong tiếng Việt” của NCS Nguyễn Thị Thanh Huệ công bố ngày 7/8/2015 và Luận án tiến sỹ “Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La của NCS Đặng Hoàng Anh công bố ngày 23/11/2021.