Cuối triều Tây Sơn, sau khi vua Quang Trung mất năm 1792, vua Cảnh Thịnh lên ngôi năm 10 tuổi, quyền hành trong tay cậu là Thái sư Bùi Đắc Tuyên, họ Bùi chuyên quyền đày quân sư Trần Văn Kỷ làm lính thú, đến Hoàng Giang thì gặp Vũ Văn Dũng từ Bắc trở về Phú Xuân bèn bàn mưu. Tướng Vũ Văn Dũng đem quân về giết cha con Bùi Đắc Tuyên và tướng Ngô Văn Sở, nhưng tướng Trần Quang Diệu và tướng Vũ Văn Dũng kình địch nhau. Phan Huy Ích theo lệnh vua Cảnh Thịnh viết chiếu giảng hoà hai phe, nhưng sau đó chúng ta chỉ còn biết từ 1796, Phan Huy Ích lui về Bích Câu, thành Thăng Long mở Bảo Chân quán, lập nhà Học, xưng là Bảo Chân đạo sĩ tu đạo Lão. Bảo Chân có ý nói là tu dưỡng giữ nguyên cái chân tính của mình. Ngô Thì Nhậm (1746-1803) lập Trúc Lâm thiền viện, có đình Thưởng Liên cũng gần đó lấy Phật hiệu Hải Lượng thiền sư, viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, được xưng tụng là Trúc Lâm đệ tứ tổ.

Phan Huy Ích trong thời gian từ 1796, viết Cúc thu bách vịnh gồm 50 bài thơ Đường luật không đề tựa. Điều đáng quý là Phan Huy Ích viết những lời nguyên dẫn từng bài thơ, cho ta biết cuộc trao đổi của hai người anh và em rể, Phan Huy Ích là học trò và con rể cụ Ngô Thì Sĩ nên gọi Ngô Thì Nhậm là “thai huynh”, hai nhà tư tưởng lớn Việt Nam, một thiền sư, một đạo sĩ thật thú vị, điều này hiếm hoi trong lịch sử Việt Nam.

Tâm sự Phan Huy Ích trong thời gian này luyến tiếc vua Quang Trung mất sớm: “Kinh Sơn nếu chẳng Rồng khuất núi; Quét bút tám phương cần đến ta”. Hai ông tuy quy ẩn, nhưng ẩn cư thành Thăng Long, khi triều đình cần việc ngoại giao với Trung Quốc hai ông đều giúp.

Bài Đại học: Như thích sắc đẹp, cho ta cái nhìn đúng đắn về sắc đẹp phụ nữ và tình yêu người quân tử, điều này hiếm thấy trong thi ca, triết học các cụ ngày xưa. Người quân tử không phải là kẻ có đôi mắt lạnh lùng với sắc đẹp. Người phụ nữ khi có chồng cũng không bỏ lún sắc đẹp mình như hoa tàn trên ao; trái lại phải trang phục lộng lẫy, vui tươi xinh đẹp với chồng.

[...]

Cúc thu bách vịnh là một thi tập trong Dụ Am ngâm lục - Thơ văn Phan Huy Ích tập III, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1978. Phần lớn các bài thơ chỉ dịch nghĩa, bản dịch và chú thích có nhiều sơ sót lầm lẫn tôi xin bổ túc. Tựa tôi xin theo số thứ tự của thi tập, phần chữ Hán có thể tìm trong ấn bản trên. Có 6 bài thơ không được in lại nên tác phẩm chỉ còn 44 bài.


Phạm Trọng Chánh
tửu tận tình do tại