Tạp chí Văn học số 8-2003 đăng bài Hành trình của nguyên tác Ngục trung nhật ký và bản dịch Nhật ký trong tù của tôi. Bài được viết sau nhiều chục năm nghiên cứu và nói chuyện về Nhật ký trong tù (NKTT) mà vẫn còn một khoảng trống để ngỏ, đó là hai hành trình: hành trình của nguyên tác và hành trình của bản dịch. Luận án Tiến sĩ của chị Vũ Thị Kim Yến: Khảo sát văn bản Ngục trung nhật ký bảo vệ vào tháng 4-2003 ở Đại học Sư phạm Hà Nội đã giúp tôi giải quyết được một phần những băn khoăn của mình. Tiếp đó, bài của Hồng Khanh: Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại bản thảo Nhật ký trong tù đăng trên báo Nhân dân, số 17-5-2003, cho biết cụ thể hơn một thời điểm quan trọng trên hành trình của nguyên tác, đó là ngày (?) - một ngày nào đó vào giữa năm 1955, Văn phòng Phủ Chủ tịch do đồng chí Tạ Quang Chiến phụ trách nhận được một bì thư dày hơn bình thường, trong có một cuốn sổ tay mang tên Ngục trung nhật ký của Bác, không có địa chỉ người gửi.

Đến đầu 2004, báo Lao động đăng bài “Nhật ký trong tù, số phận và lịch sử”, trên hai kỳ báo, số 65 (5-3-2004) và 66 (6-3-2004); và tiếp đó, bài thứ hai: Trở lại số phận Nhật ký trong tù trên số 92 (1-4-2004) của tác giả Hoàng Quảng Uyên. Hai bài kể lại hành trình của ông đi tìm cho được những người có khả năng lưu giữ cuốn sổ tay của Bác, trên hành trình từ 1943 đến 1955, là năm cuốn sổ về được địa chỉ Văn phòng Phủ Chủ tịch; và từ sau 1955 cho đến 1960, khi bản dịch NKTT được Viện văn học ấn hành.

Tôi rất trân trọng sự khổ công, vất vả, đôi khi như “đáy bể mò kim” của ông Hoàng Quảng Uyên, như được kể qua hai bài trên. Những địa chỉ ông tìm đến soi sáng được nhiều điều giúp người đọc có thêm những giả thuyết về con đường đi (hoặc “số phận” của nguyên tác Ngục trung nhật ký (NTNK). Một trong các địa chỉ mà ông tin cậy tìm đến, đó là ông Hoàng Đức Triều (1900 - 1985), tham gia cách mạng từ năm 1928, vào Đảng năm 1932, Chủ nhiệm Việt Minh xã Lam Sơn, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng hồi Tiền khởi nghĩa. Theo như hồi ký Bác lại về Lam Sơn của ông (in trong sách Những kỷ niệm về Bác; Nxb Việt Bắc, 1973) - tài liệu chính mà ông Hoàng Quảng Uyên sử dụng để viết phần II bài thứ nhất của mình - thì ông Hoàng Đức Triều đã có thời gian ở cùng Bác, và được Bác xem như “một bạn thơ tri kỷ, tri âm”. Bởi ông có biết chữ Hán và thích làm thơ. Ông Hoàng Đức Triều có cái lán trên hang Pạc Tẻng, để gia đình sơ tán khi có biến, nơi Bác có ghé ở vài ngày.

Trong bài của Hồng Khanh có chi tiết ghi theo hồi nhớ của ông Tạ Quang Chiến: Bác đã dắt quyển sổ “lên mái tranh của một nhà đồng bào”. Mái tranh đó, theo suy nghĩ của ông Uyên là mái tranh nơi cái lán sơ tán của ông Triều, bởi theo ông, hồi này Bác không ở nhà dân. Ông Triều đã tìm thấy cuốn sổ sau khi Bác rời Lam Sơn, về Tân Trào; và giữ cuốn sổ này cho đến năm 1950, thì mới nhờ người con trai thứ ba là nhà thơ Hoàng Triều Ân (sinh năm 1931) lúc này đang công tác ở 372 (tức Văn phòng tỉnh uỷ Cao Bằng) chuyển cho Bí thư tỉnh uỷ Cao Bằng là ông Dương Công Hoạt, để nhờ ông Hoạt chuyển cho Bác. Và nếu sự kiện đó là đúng thì ông Hoạt đã giữ cuốn sổ của Bác cho đến giữa năm 1955, mới chuyển cho Văn phòng Phủ Chủ tịch, theo đường Bưu điện, mà không đề tên người gửi.

Ông Hoạt, theo như bài báo của ông Uyên, sau hoà bình là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Trung ương, từ khi nghỉ hưu, lúc ở Hà Nội, lúc ở Cao Bằng.

Câu chuyện hành trình của cuốn sổ tay qua các địa chỉ như trên, có thể là hợp lý, theo suy nghĩ của ông Uyên. Nhưng phần tôi, tôi thấy còn nhiều câu hỏi, và chỉ nên xem là một trong các giả thuyết, chứ không nên khẳng định, bởi các băn khoăn như sau:

- Sao một cuốn sổ tay quý như thế, là một kỷ vật giá trị như thế, với Bác; và chỉ là một cuốn sổ nhỏ 9,5x12,5cm, 82 tờ, không có gì cồng kềnh, nặng nề... mà Bác lại không thể mang theo bên mình? Hoặc nếu không thể mang theo thì sao không gửi lại cho một ai tin cậy mà phải dắt lên mái nhà tranh? Vậy tình huống gì đặc biệt đã xảy ra với Bác? Mái tranh, qua nắng mưa thì có gì an toàn? Mà lại là mái tranh ở một cái lán sơ tán khuất nẻo, thỉnh thoảng mới có người đến ở, thì khả năng bị bỏ quên càng nhiều.

- Thời gian ông Triều giữ cuốn sổ từ 1944 đến 1950 là 6 năm; rồi chuyển sang ông Hoạt từ năm 1950 đến 1955 là 5 năm. Trong thời gian này cả hai vị đều là người lãnh đạo ở địa bàn Cao - Bắc -Lạng. Riêng ông Hoạt sau năm 1954 có rất nhiều điều kiện để về Hà Nội, không kể thời gian ông làm Phó Chủ nhiệm uỷ ban Dân tộc Trung ương. Vậy sao ông không thể có cách chuyển cuốn sổ tay đến tay Bác một cách trực tiếp và sớm hơn, mà phải chờ đến giữa năm 1955, qua Bưu điện, và không đề địa chỉ người gửi?

- Cả hai ông đều mất sau Bác khá lâu. Ông Triều - năm 1985. Ông Hoạt - gần đây. Hai ông đều là người có chữ Hán, thích làm thơ, và là cán bộ cao. Vậy mà sao từ sau 1960, khi NKTT đã được dịch và đi in lại nhiều lần, mỗi lần hàng vạn bản, cả hai ông lại không một lần liên hệ với Bác (trực tiếp hoặc gián tiếp), để cho Bác biết rằng chính đó là cuốn sổ các ông từng giữ, thậm chí giữ trong một thời gian lâu? Kể cả nhà thơ Hoàng Triều Ân - sự kiện một cuốn sổ tay của Bác mang tên Ngục trung nhật ký, được thấy từ năm 1950, ở tuổi 20, chắc không thể là một sự kiện dễ quên! Một tác phẩm quan trọng như thế, có giá trị lớn như thế, vừa là giá trị lịch sử, vừa là giá trị văn học, không chỉ quý giá đối với Bác mà còn là vô giá đối với dân tộc, mà ai đó giữ được, để không thất lạc, thì người có công giữ nó, hoặc đã có lần nhìn thấy nó, quả là một may mắn lớn, rất đáng tự hào, rất nên “báo công”chứ sao!

Thế mà tất cả vẫn chìm trong yên lặng, cho đến khi các ông qua đời; rồi đến năm 2003, khi có lời kể của ông Tạ Quang Chiến!

Trong bài của ông Uyên có kể lại chuyện ông Triều xướng hoạ thơ với Bác trong một đêm trăng, chứng kiến những giây phút Bác “thăng hoa cùng thơ’, và rất tâm đắc với bài Khán thiên gia thi hữu cảm “chép trong cuốn sổ tay giấy mềm”, ông được Bác trao cho đọc... Ông Triều in bài hồi ký của mình năm 1973, 4 năm sau ngày Bác qua đời, và 13 năm sau ngày NKTT ra đời. Một câu chuyện thú vị và nên thơ như vậy, nếu thật là có, thì sao lại không thể xuất hiện sớm hơn trong không khí nhân dân cả nước đón đọc NKTT?

Và cả nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học Hoàng Triều Ân. Tôi tin là ông Triều Ân, nếu đã một lần cầm trên tay NKTT, chắc ông không thể không chia sẻ những kỷ niệm quý giá và niềm vinh dự của người cha. Và sau này, khi sự kiện NKTT được công bố, chắc càng không thể ra ngoài mối quan tâm của ông, là người đã có cái duyên biết nó, từ 1950. Vậy sao phải chờ đến 2003, khi có bài trên báo Nhân dân, ông mới nhớ đến chuyện này?

Bây giờ sang chặng đường thứ hai, từ khi cuốn sổ tay đã ở Văn phòng Phủ Chủ tịch giữa 1955, cho đến khi được Viện Văn học tổ chức dịch và ấn hành vào năm 1960.

Theo ông Uyên và một số tài liệu khác, ta được biết cuốn sổ đã được trưng bày tại triển lãm Cải cách ruộng đất ở phố Bích Câu, từ tháng 9 đến tháng 11 – 1955; sau đó được trả về cho Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng.

Trong Lời nói đầu bản in NKTT năm 1960 của Viện Văn học có đoạn viết: “Trong Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tại Phòng Mặt trận Thống nhất Dân tộc Phản đế và Mặt trận Việt minh, có một cuốn sổ tay, bìa xanh đã bạc màu. Trang đầu cuốn sổ ghi bốn chữ Ngục trung nhật ký, kèm theo bốn câu thơ và một hình vẽ hai nắm tay bị xích...” Như vậy là Viện Văn học muốn cho bạn đọc hiểu là Viện đã thực hiện việc dịch trên văn bản Ngục trung nhật ký có ở Viện Bảo tàng Cách mạng.

Trong bài của ông Hoàng Quảng Uyên thì không có địa chỉ Viện Bảo tàng Cách mạng mà chỉ có địa chỉ Phòng lưu trữ của Trung ương Đảng. Và con đường từ nguyên tác NTNK đến bản dịch NKTT có gì đó như là ngẫu nhiên. Ông dựa vào bài của cụ Trần Đắc Thọ in trên Tạp chí Hán Nôm số 1 (46) - 2001, để cho biết: Cuốn sổ được để trong “một góc buồng tối” lẫn lộn nơi “một đống sách chữ Hán” của Phòng lưu trữ. Và người phát hiện ra nó là ông Phạm Văn Bình, Trưởng Ban giáo vụ Trường Nguyễn Ái Quốc, do có nhiệm vụ giảng dạy phần lịch sử cách mạng từ 1939 – 1945, nên phải vào kho lưu trữ tìm tài liệu, “tình cờ”, “sau một lúc lục lọi” mà moi ra được. Từ đó việc dịch được tiến hành rất chủ động (chứ không phải do ai đó phân công) bởi hai ông: Ông Phạm Văn Bình (với bút danh Văn Trực) và ông Văn Phụng, là cán bộ phiên dịch chữ Hán của Trường. Rồi qua ông Trường Chinh, ông Tố Hữu mà ông Bình gặp được Viện Văn học... Viện Văn học nhận nhiệm vụ từ ông Tố Hữu rồi tổ chức việc dịch, mà người phụ trách chính và có công dịch nhiều nhất, gần như hầu hết, là nhà thơ Nam Trân, để có bản in NKTT năm 1960, gần 114 bài (trên tổng số 135 bài), không đánh số và tất cả đều không đề tên người dịch.

Bản dịch 133 bài của Văn Trực - Văn Phụng (chứ không phải 113 bài như ông Uyên viết - điều này tác giả và báo Lao động cần phải đính chính sớm) hiện còn lưu ở Viện Văn học. Bản này đến Viện bằng con đường nào, đến nay cũng chưa rõ, vì tất cả những người phụ trách Viện Văn học, và tham gia việc dịch, in NKTT lúc ấy, đều chưa một lần nói đến, và cho đến nay tất cả đều đã qua đời.

Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi không tin có sự vô ý và vô tâm của các cơ quan lưu trữ đối với cuốn sổ tay này, khi nó đã được chính Bác tặng và cho phép trưng bày trong một cuộc triển lãm lớn, và đã được sách, báo nhắc đến khá nhiều; sớm nhất là bài trên báo Đồng minh, 6-6-1946 của Lê Tùng Sơn, rồi tiếp đó trong Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (1949)... và bài muộn nhất là bài Quyển Ngục trung nhật ký của Bác Hồ, của Nguyễn Tâm đăng trên báo Nhân dân ngày 19-5-1957. Tôi cũng không tin là nó được phát hiện một cách tình cờ. Trái lại, tôi tin là nó đã được cất giữ cẩn thận, và chờ dịp để có thể ra mắt công chúng. Dịp đó là dịp kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Hồ Chủ tịch. Và nơi có thể tin cậy cho việc công bố, cũng phải chờ đến dịp này, đó là Viện Bảo tàng Cách mạng và Viện Văn học, hai cơ quan cùng được thành lập vào đầu 1959.

Trên đây là một vài suy nghĩ của tôi sau khi đọc hai bài của ông Hoàng Quảng Uyên. Tất nhiên cũng vẫn chỉ là giả thuyết. Và việc tìm kiếm vẫn cứ nên tiếp tục, dẫu có thể cuối cùng không tìm ra được địa chỉ xác thực, với những giả thuyết không còn gây hồ nghi, của người giữ và người gửi. Và nếu vậy thì xin trả địa chỉ ấy về cho nhân dân, cho một người dân nào đó đã trở nên vô danh trong đồng bào các dân tộc miền núi Việt Bắc thân yêu của Bác, và của tất cả chúng ta.

Còn hành trình của bản dịch NKTT, để đi tới một bản dịch trọn vẹn gồm đủ 133 bài (không kể bài đặt ở đầu, không đánh số, và một bài ở ngoài tập thơ), từ 1960, qua các mốc 1983, 1990, và sau đó, tôi đã nói kỹ trong bài báo đã đăng, và thấy không muốn nói gì thêm.


Phong Lê