Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Hồ Chí Minh » Thơ chữ Hán » Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)
Đăng bởi Vanachi vào 24/10/2005 15:11
百折不回向前進,
辜臣孽子義當然。
決心苦幹與硬幹,
自有成功的一天。
Bách chiết bất hồi, hướng tiền tiến,
Cô thần nghiệt tử, nghĩa đương nhiên;
Quyết tâm, khổ cán dữ ngạnh cán,
Tự hữu thành công đích nhất thiên.
Trăm nghìn gian khó không lùi, vẫn cứ tiến,
Phận tôi con bơ vơ nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy;
Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị,
Ắt sẽ có một ngày thành công.
Trang trong tổng số 1 trang (3 bài trả lời)
[1]
Gian khó không lùi, vẫn tiến lên,
Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên;
Quyết tâm gắng gỏi và kiên nghị,
Nhất định thành công sẽ có phen.
Gửi bởi khách ngày 22/09/2010 22:09
"Cô thần nghiệt tử" dịch thành "Thù nhà nợ nước"...
nhà cháu dốt, cho nên thấy không ổn chút nào, thậm chí là dịch rất trơ tráo; hơn nữa đầu đề bài này là "Độc Tưởng công huấn từ", thiết nghĩ...
các bác hiểu nhà cháu muốn nói gì mà!
Gửi bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 23/09/2010 08:04
Đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Nguyễn Đông Ngạn ngày 25/09/2010 02:42
Có 2 người thích
Tiêu Đồng Vĩnh Học xin góp vài ý kiến về nghĩa lý của cụm từ “Cô thần nghiệt tử” như sau:
Trước hết, bản dịch thơ trên do GS. Đỗ Văn Hỷ, một nhà Hán Nôm học cự phách thực hiện, thiết tưởng cũng là điều chúng ta nên suy ngẫm, thận trọng. Tôi đã đọc một số bản dịch chú của cụ Đồ Hỷ trong sách Thơ văn Lý Trần (cũng như một số tác phẩm khác) thì thấy rất tâm đắc và cảm phục về những kiến giải rõ ràng, cẩn trọng của Cụ. Tôi hình dung ra rằng GS. Đỗ Văn Hỷ là một học giả uyên bác, sâu rộng một tâm hồn thơ.
Bây giờ, tôi chép ra đây một đoạn thông tin trong sách “Từ điển Ngục trung nhật ký” của các tác giả Nguyễn Thế Nữu, Trần Hữu Thung, Trần Hữu Dinh để bạn đọc tham khảo thêm:
“Năm 1936, sau sự biến Tây An, Tưởng buộc phải hợp tác với Đảng Cộng Sản chống Nhật. Lúc Bác Hồ viết bài thơ này, Tưởng đang làm Thống chế kiêm Tổng tư lệnh quân đội Chính phủ Trung Hoa dân quốc hồi đó.
Theo Hoàng Tranh: “Tưởng công huấn từ”, chỉ những lời nói của Tưởng Giới Thạch: Những lời phát biểu của Tưởng Giới Thạch quyết kháng chiến đến cùng trong thời kỳ chiến tranh chống Nhật. Hồ Chí Minh đã được đọc trên các tờ báo xuất bản ở Đệ tứ chiến khu lúc bấy giờ như tờ Trần trung nhật báo. Lúc này Quốc Cộng đã hợp tác chống Nhật. Bài thơ khéo léo không tỏ thái độ với bài huấn thị mà chỉ liên hệ với bản thân. Nhà thơ đã một đời chiến đấu khó khăn không lùi, dù khó khăn đến mấy vẫn tin rằng quyết tâm chiến đấu thế nào cũng đến được ngày thắng lợi.
“Cô thần nghiệt tử 辜臣孽子”: Theo Trần Đắc Thọ, câu này lấy ở chương Tận tâm thượng trong sách Mạnh Tử (孟子盡心上), 孟子曰:「人之有德慧術知者,恒存乎疢疾。獨孤臣孽子,其操心也危,其慮患也深,故達。」 Nhân chi hữu đức tuệ thuật trí giả, hằng tồn hồ sấn tật. Độc cô thần nghiệt tử, kỳ thao tâm dã nguy, kỳ lự hoạn dã thâm, cố đạt (Những người có đức và sáng suốt thường được nung đúc ở trong cảnh đau đớn và hoạn nạn. Riêng hạng bề tôi không có phe cánh thế lực và con cái của vợ thứ nàng hầu khéo léo giữ gìn tâm ý trong cơn nguy khốn, phải biết phòng ngừa hoạn nạn một cách sâu xa, cho nên họ đạt ở đời). Đoạn đã dẫn có hai vế, vế trên nói về những người tài đức, vế dưới nói về những người có số phận hẩm hiu, thua thiệt. Tác giả khiêm tốn nhận mình ở trong số những người gặp cảnh ngộ không may trong vế thứ hai, nhưng khi nghiên cứu ta không thể không liên hệ tới vế thứ nhất. Cái ý sâu sắc của câu thơ là ở chỗ đó. Cho nên có bản đã dịch: “Phận tôi con bơ vơ, nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy”, không biết đã chính xác, hợp với dụng ý của tác giả chưa? Trong bài thơ của mình, tác giả chỉ mượn lời Mạnh Tử để ám chỉ cảnh ngộ của mình, mà không có ý nhận mình là “cô thần nghiệt tử”.
Chúng tôi (các tác giả cuốn Từ điển Ngục trung nhật ký) cho rằng ý kiến của Trần Đắc Thọ là thỏa đáng nên xin được trích dẫn ra đây để tham khảo”.
Phần kiến giải trên có đoạn: Cho nên có bản đã dịch: “Phận tôi con bơ vơ, nhà tan nước mất, cái nghĩa phải như vậy”, tôi đã tra cứu trong sách “Suy nghĩ mới về Nhật ký trong tù” và biết được câu dịch nghĩa này nằm trong "Bản dịch trọn vẹn" của Viện Văn học. Sau khi đọc kỹ kiến giải của cụ Trần Đắc Thọ, tôi nhận ra rằng câu thơ của Bác Hồ thực là tinh tế, sâu sắc vô cùng. Và tất cả những điều đó đã giúp tôi hiểu vì sao GS. Đỗ Văn Hỷ lại dịch thành thơ là: “Thù nhà nợ nước, nghĩa đương nhiên”.
Mấy ý vụng về, mong được sự góp ý của quý vị thức giả.