Đăng bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên vào 22/10/2009 15:56
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Bùi Thuỵ Đào Nguyên vào 28/12/2009 16:52
Đoàn Nguyễn Tuấn (1750-?), hiệu Hải Ông, quê làng Hải An, huyện Quỳnh Côi, nay là huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông là con Thám hoa Đoàn Nguyễn Thục (1718-1775) [1] đại thần thời Lê Mạt; là rể Tiến sĩ Nhữ Đình Toản (1702-1773) và là anh vợ thi hào Nguyễn Du (1765-1820).
Ông thi đỗ Hương cống đời Lê (có lẽ vào đời Cảnh Hưng), nhưng không ra làm quan. Khoảng 1786, ông có tụ họp người làng bàn chuyện dấy binh giúp Trịnh Bồng (ở ngôi chúa: 1786-1787), nhưng việc không thành. Cuối 1787, ông cùng Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm ra giúp nhà Tây Sơn; ông được cử giữ chức Hàn lâm trực học sĩ (1788).
Tháng 9 năm sau (1789), ông được giao nhiệm vụ đón tiếp sứ giả nhà Thanh sang phong vương cho vua Quang Trung (1753-1792). Năm sau nữa (1790), ông cùng Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, được cử vào sứ bộ của vua Quang Trung giả, sang Trung Quốc triều kiến vua Càn Long. Khi trở về nước, ông được thăng làm Tả thị lang bộ Lại, tước Hải Phái hầu.
Sau khi vua Quang Trung mất đột ngột (1792), ông tiếp tục giúp vua Cảnh Thịnh (1783-1820) cho đến khi triều đại Tây Sơn sụp đổ. Chưa biết năm mất của ông và cũng không rõ ông có ra làm quan thời Gia Long (1762-1802) hay không.
Tác phẩm
Đoàn Nguyễn Tuấn chỉ để lại một tập thơ chữ Hán Hải Ông thi tập (còn có tên khác là Cựu Hàn lâm Đoàn Nguyễn Tuấn thi tập), gồm: 236 bài thơ; 5 bài phú, hành, ca... Do thơ chép trong bản thảo [2] không theo trình tự nào, nên nhóm tác giả sách Thơ văn Đoàn Nguyễn Tuấn, đã căn cứ vào nội dung thơ mà chia thành hai mảng:
- Thơ văn làm ở trong nước: 139 bài.
- Thơ văn làm khi đi sứ và bang giao: 102 bài.
Sách Từ điển bách khoa toàn thư Việt Nam đã đánh giá Hải Ông thi tập như sau: Hải Ông thi tập ghi lại tâm tư và hoạt động trong thời gian làm quan của Đoàn Nguyễn Tuấn. Có những bài bày tỏ niềm hào hứng, ca ngợi chiến thắng Đống Đa hoặc tự hào về đất nước. Cũng có những bài phản ánh ý nghĩ buồn nản, chán chường. Thơ ông được đánh giá là “đầy ý vị, ai oán mà hài hoà, trầm tư mà ngay thẳng” (Ngô Thì Nhậm), hoặc “tài văn chương đồn lừng các trạm quán, lạ thay ngọn bút như có sinh khí” (Trạng nguyên họ Tái [Zai], người Giang Tây [Jiangxi], Trung Quốc).
Đọc Hải Ông thi tập thì thấy có mấy chủ đề chính, gồm:
- Những bài chân thành và hào hứng ca ngợi võ công của đội quân Tây Sơn, đã mang lại cảnh thanh bình thịnh trị cho đất nước; hoặc biểu lộ niềm tự hào về nền văn hiến dân tộc, như: Kỷ Dậu trọng thu thượng hoan nghênh tiếp sách sứ, tâm hữu Nguyễn Quế Kiên tặng thi nhị thủ, y nguyên vận phúc (Sáng sớm ngày hai mươi tháng mười một hạ được thành, mừng làm thơ); Quá Nhị Hà quan Bắc binh cố luỹ (Qua sông Nhị xem luỹ cũ của quân Bắc); Trọng đông nguyệt, nhị thập thất nhật, tảo thời, khắc thành, hỷ tác, Cụ phong hậu cảnh sắc (Cảnh sắc sau cơn bão táp), Nam phong (Gió Nam); Ngự dinh cung kỳ (Trong cung vua, kinh ghi); Đáp vấn (Trả lời câu hỏi)... Ngần ấy cho thấy niềm phấn khởi, lòng tin, ý muốn đóng góp nhiều cho triều đại mới của ông. Tuy nhiên sau đó, nhận thấy vương triều này suy thoái nhanh chóng, nhất là sau khi vua Quang Trung đột ngột mất đi, khiến rải rác trong thơ ông không khỏi có những ý nghĩ bi quan, buồn chán...
- Những bài thơ tức cảnh, như: Nguyệt Đức giang hoài cổ (Qua sông Nguyệt Đức nhớ chuyện xưa); Quá Tống Trân mộ (Qua mộ Tống Trân); Dục Thuý sơn hành (Bài hành về núi Dục Thuý), Quá Tam Điệp sơn (Qua núi Tam Điệp), Quá Đông Sơn Bố Vệ (Qua làng Bố Vệ, huyện Đông Sơn), Vọng Na sơn ca (Bài ca trông núi Nưa), Quá Quỳnh Tụ kiến tùng cương, ngẫu tác (Qua đất Quỳnh Tụ thấy đồi thông, ngẫu hứng làm thơ); 29 bài thơ viết về mùa thu...
- Những bài thơ cảm hoài, như: Tại Đồ Bàn thành ngoại khách xá tri huý nhật (Tại quán khách ngoại thành Đồ Bàn, gặp ngày giỗ cha); Thu, dư nhập kinh, đông mạt thuỷ qui, nhân ức Tố Như thị “Nhất quan bôn tẩu phong Trần Mạt” chi cú triền thành tứ vận (Mùa thu ta vào kinh, cuối đông mới về, nhân nhớ câu “Nhân quan bôn tẩu phong trần mạt” của Tố Như bèn dàn thành bốn vần); Tuế mạt đáo xuân kinh tác (Bài thơ làm dịp cuối năm khi tới kinh đô Phú Xuân); Khách xá cảm hoài (Cảm nghĩ khi ở quán trọ); Tu bạch (Râu bạc); Thư hoài (Tả nỗi lòng)...
- Những bài thơ hoạ và đưa tiễn như: Vũ Huynh Bắc hồi, dư hoạ nguyên vận ký phục (Hoạ Vũ huynh về Bắc, tôi hoạ nguyên văn gửi đáp), Hoạ Nguyễn Hàn lâm nguyên tác (Hoạ nguyên văn của quan Hàn lâm họ Nguyễn), Hoạ bất mị thi (Hoạ bài thơ không ngủ), Tiễn Vũ thị lang Bắc sứ (Tiễn quan Thị lang họ Vũ sang sứ Trung Quốc), Kỷ Mùi trọng hạ y nguyên vận tiễn Ngự quan Nam hoàn (Tháng Năm năm Kỷ Mùi theo nguyên văn tiễn quan Ngự về Nam)...
- Những bài thơ viết về Thăng Long (Thăng Long tam thập vịnh). Qua chùm thơ này, người đọc được hiểu cụ thể hơn gương mặt của kinh thành trên hồi thế kỷ 18. Cũng qua đây, người đọc thấy rõ hơn tình yêu và sự am hiểu của ông đối với Thăng Long...
- Ở trong phần thơ đi sứ, có nhiều bài rất hay như: Xích Bích hoài cổ (Trước cảnh Xích Bích nhớ xưa), Đăng Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc), Quá Trường Thành (Qua Trường Thành), Nhạc Dương lâu phú (Bài phú lầu Nhạc Dương)...
- Và một số thơ nói về thân phận người phụ nữ như: Chiêu Quân mộ (Mộ Chiêu Quân), Hồ phụ hành (Bài ca về vợ người Hồ), Hoè Nhai ca nữ (Cô ca nữ phố Hoè Nhai), Đồ ngộ đảm nhi tầm phu gia (Trên đường gặp chị gánh con đi tìm chồng)... Đáng chú ý là bài Vô đề (không đề), ghi lại cuộc gặp gỡ bất ngờ của ông với một cô gái người Hoa xinh đẹp bên bờ sông Hán (thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc). Đây là một bài “thơ tình thực sự, chứng tỏ ông là người rất mực đa tình”...
Nhìn chung, Đoàn Nguyễn Tuấn là người trầm mặc, phong nhã, ưa thơ, chân thành, giản dị, yêu quý quê hương đất nước. Sách Tây Sơn thuật lược (không rõ tác giả) cho biết: “Ở trong làng mình, ông (Đoàn Nguyễn Tuấn) đã từng làm một ngôi nhà sàn giữa vườn hoa gọi là Phong nguyệt sào (Tổ gió trăng) để thường đến đấy ngâm vịnh, tự gọi là Sào Ông, dường như tự cho mình là Sào Phủ.”
Về mặt Nghệ thuật, thơ ông có nhiều hình tượng trong sáng, ít điển cố, câu thơ chải chuốt, thanh thoát, gợi cảm...