I. Đôi nét về nhà khoa bảng Vũ Phạm Hàm

Vũ Phạm Hàm, tự là Mộng Hải và Mộng Hồ, hiệu Thư Trì người xã Đôn Thư, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Nội (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Ông là vị Thám hoa cuối cùng của triều Nguyễn và của nền khoa cử phong kiến Việt Nam(1). “Đương thời giới trí thức rất hâm mộ tài học và đức độ của ông”, “thơ văn của ông được truyền tụng nhiều vì nội dung nghệ thuật sâu sắc, có nhiều hình tượng nghệ thuật mà giới yêu thơ thán phục”(2).

Theo ghi chép của Mộng Hồ gia tập(3) - (gia phả họ Vũ Phạm), thì tổ tiên của họ Vũ nguyên là họ Phạm, đến đời tổ thứ 2, được người họ Vũ nuôi dưỡng nhận làm con nuôi nên từ đó đổi ra họ Vũ, hoặc kiêm dùng cả chữ “Phạm” để lấy họ là “Vũ Phạm”, thế nên gia phả ghi là “Phạm Vũ thị phả” có ý không quên gốc.

Ông sinh năm Giáp Tý niên hiệu Tự Đức thứ 17 (1864). Năm ông 13 tuổi được quan Đốc học Vũ Nhự 武汝 hiệu Đông Phần 東汾 rất chú ý, yêu mến nhận làm con nuôi, đích thân dạy dỗ. Đến khi cụ Đông Phần được thăng làm Tham tri, vào làm quan trong kinh thành Huế, ông lại sang học với quan Nam ngư Phạm Hy Lượng 南漁范熙亮. Năm Kiến Phúc nguyên niên (1883) đi thi Hương đậu ngay Giải nguyên, năm sau (1884) vào thi Hội nhưng bị hỏng. Ông ở lại kinh thành để chờ khoa sau, và nhận làm gia sư dạy học cho con cháu trong phủ quan Hộ bộ Thượng thư Phạm Thận Duật 范慎遹. Nhưng ngay năm ấy kinh thành xảy ra sự biến, quân Pháp tấn công kinh thành, Tôn Thất Thuyết đưa vua Hàm Nghi chạy ra Tân Sở - Quảng Trị, nên việc thi cử bị bỏ bễ. Đến năm Thành Thái Nhâm Thìn (1892) ông lại tái ứng thí, lần này đỗ đầu Hội nguyên và Đình nguyên, Đệ nhất giáp Tiến sĩ đệ tam danh, tức là Tam nguyên Thám hoa(4), trở thành “một trong 3 người thi đỗ đầu cả ba kỳ thi Hương, Hội và thi Đình của nhà Nguyễn”(5) (Vị Xuyên Trần Bích San; Yên Đổ Nguyễn Khuyến; Đôn Thư Vũ Phạm Hàm)(6). Đến năm Thành Thái 18 (1906) thăng Án sát Hải Dương, nhưng trong năm ấy ông bị bệnh nặng mất tại quê nhà, thọ 43 tuổi.

Những trước tác chính của ông: Kinh sử thi tập, Hưng Hoá tỉnh phú, Tuyên Quang tỉnh phú, Hương Sơn phong cảnh phú, Thám hoa văn tập, Thư Trì thi tập, Tập Đường thuật hoài, Mộng Hồ gia tập, Mộng Hồ thi tuyển, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách. Trong các tác phẩm của ông mà trong đó có Tập Đường thuật hoài là tác phẩm mà chúng tôi đang quan tâm.

II. Tập Đường, lối vận dụng ngôn từ đặc sắc

“Tập Đường”, là lối thơ rất độc đáo, làm theo lối chơi chữ, mà chỉ có những bậc điêu luyện hay thơ mới có thể làm được. Tập Đường thuật hoài, các thư mục nghiên cứu đều ghi nhận tập thơ này là của Vũ Phạm Hàm. “Tập Đường” cũng gọi là “tập cổ” hay “tập cú”, tức là tập hợp thơ của người đời xưa để thành câu. Tra theo Từ nguyên thì chỉ có mục “tập cú - 集句” và “tập tự - 集字”, nhưng cách thức của thơ Tập Đường cũng chính là cách thức được giải thích trong 2 mục từ trên.

Tập tự - 集字: 集他人文賦中字以成詩 - Tập hợp chữ trong thơ văn của người khác thành thơ.

Tập cú - 集句: 集古人句以為詩 - Tập hợp các câu thơ của người xưa lại thành thơ. Thơ “Tập Đường” của Vũ Thám hoa chính là tập hợp các câu thơ của các nhà thơ đời Đường để thành một bài thơ. Vậy kiểu chơi thơ như thế đã có ở đâu và bắt đầu từ khi nào? Mục “Tập cú” trong Từ nguyên giải thích:...晉傅咸毛詩一篇為集句之始.後來文人有從經史成語摘為對句者成為文字游戲之一種.王安石晚年喜為集句,有多至百韻者,文天祥集杜詩亦至二百首清黃之巂有香屑集皆集唐人之句為香奩詩凡古今體九百三十餘首... (... Một thiên Mao thi của Phó Hàm(7) đời Tấn là khởi đầu của kiểu thơ tập cú, về sau các văn nhân trích lấy các câu thành ngữ từ kinh sử để làm câu đối, thành một loại chơi chữ. Vương An Thạch(8) lúc cuối đời rất thích làm thơ tập cú có lúc nhiều đến trăm vận, Văn Thiên Tường(9) tập theo Đỗ thi (thơ Đỗ Phủ) cũng đến 200 bài. Hoàng Chi Tuấn(10) đời Thanh có tập thơ Hương Tiêu, đều là tập hợp các câu của người đời Đường làm thành Hương Xu thể thi(11) (thơ của phụ nhân) phàm cổ kim thể các kiểu hơn 930 bài...)

Qua đó có thể thấy lối thơ “tập cú” này đã có ở Trung Quốc từ trước. Thực tế, trong thơ văn cổ của ông cha ta trường hợp các cụ chơi “tập cú” cũng khá nhiều, tập hợp thơ của người khác ghép lại thành bài, mà phải hợp vận và trong tổng thể vẫn thể hiện ý tứ của mình, không gò ép, thất luật. Tuy là “tập” của người khác để thành câu, nhưng qua đó người đọc vẫn cảm thấy rất thú vị và tài tình. Hơn nữa “tập cú” không chỉ là tập lặp lại câu chữ của người trước mà còn “tập” cả ý thơ, cả điển tích nữa. Các điển tích về tu kỷ, trị nhân trong Kinh, Sử, Tử, Tập, hay các điển về ẩn dật, vui thú điền viên được sử dụng nhiều. Trong kho sách Hán Nôm hiện nay còn có Tập cú sử luận(12), là cuốn sách biên soạn theo kiểu “tập cú” rút từ kinh điển, luận về lịch sử Trung Quốc. Mỗi câu là một câu trích các kinh trong Thập tam kinh(13), chép từ họ Phục Hy trở đi, dạng như: “Quyết sơ sinh dân (Thi, Đại nhã, Sinh dân), thủ cơ triệu tổ (Nhĩ Nhã, Thích Hỗ), kỳ mệnh đại hạo (Ký, Nguyệt lệnh), thịnh đức tại mộc (Ký, Nguyệt lệnh)...”

Thăng Long tam thập lục vịnh(15) có một số bài ở cuối sách cũng “tập” theo lối này, “tập” thơ của Đào Uyên Minh đời Tấn, các thi nhân đời Đường..., dưới có đề xuất xứ câu đó như: Đào thi, Lý thi, Đỗ thi,...

Từ kiểu chơi ngôn từ như thế, các cụ ta xưa đã áp dụng nó vào thể thơ riêng của dân tộc là thể thơ lục bát, với trước tác tiêu biểu là Truyện Kiều để hình thành nên lối thơ “tập Kiều”và “lẩy Kiều”, mà đến tận bây giờ vẫn còn nhiều người biết đến. “Tập Kiều” thì đúng như cách thức của “tập cú”, là “mượn nguyên văn từng câu lục hoặc câu bát trong Kiều và ghép lại với nhau thành một bài lục bát không thay đổi một từ nào và không được lấy liền cả hai câu lục bát”(16).

Thi sĩ Tản Đà rất tài tình về Tập Kiều:

Trăm năm tính cuộc vuông tròn,
Con tằm đến thác hãy còn vương tơ.
Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Dám xa xôi mặt mà thơ thớt lòng.
Cắn răng bẻ một chữ “đồng”,
Sâm Thương chẳng vẹn chữ “tòng” tại ai?
Hay như:
Đau đớn thay phận đàn bà,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.
Lửa hương chốc để lạnh lùng,
Nào người tiếc lục tham hồng là ai?
(Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà vận văn, Á Châu xuất bản, 1944, tr. 182)
Còn “lẩy Kiều” là mượn từng câu trong Kiều có sửa đổi đi ít nhiều rồi ghép lại thành một bài thơ cho hợp với nội dung sự việc định nói, không bắt buộc phải giữ nguyên văn”(17).

Trong Tập Đường thuật hoài của Vũ Phạm Hàm thì cụ tập 30 bài thơ chữ Hán, theo thể thất ngôn bát cú, mỗi một câu là lại tập của một câu trong một bài của một nhà thơ đời Đường, mà kết cấu, niêm luật của bài thơ vẫn giữ được hài hoà cân đối. Điều này chứng tỏ phải là người đọc và hiểu thơ Đường như thế nào mới có thể vận dụng ngôn từ được tài tình như thế.

III. Văn bản Tập Đường thuật hoài

Tập Đường thuật hoài kí hiệu Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm A.2354, không có đề tựa bạt, nội dung gồm 30 bài thơ thể hiện lòng chán ghét danh lợi, mơ ước sống cảnh điền viên thanh nhàn... dưới mỗi câu đều có tên tác giả của câu đó, ghi bằng cỡ chữ nhỏ hơn. Riêng bài thứ 22 chỉ còn có 6 câu thiếu mất 2 câu cuối. Cuối tập có chép thêm 集唐人成句四首舉人阮其南 “4 bài thơ tập cú thơ Đường của Cử nhân Nguyễn Kỳ Nam”, chép liền một mạch tiếp phần trước.

So sánh đối chiếu tìm xuất xứ của câu thơ và xác định tên tác giả ta thấy do đặc thù của kiểu thơ “tập cú” là mỗi câu lại trích dùng câu nguyên của một người khác cho nên tuy gọi là độc bản nhưng thực ra lại có dị cú. Dị cú ở đây có nghĩa là từ các câu thơ của các thi nhân đời Đường được tác giả trích dùng, qua tay người khác sao chép nên dẫn đến sai nhầm về câu chữ và tên tác giả (câu của người này lại gán cho của người khác). Ta có thể đối chiếu văn bản tác phẩm với các tập thơ Đường in lối cổ hoặc sách in của Trung Quốc để đính chính những chỗ bất đồng đó. Công việc này đòi hỏi nhiều công sức, vì việc tìm kỹ được câu nào của tác giả nào, bài nào trong các tập Đường thi lại là công việc khó khăn gấp bội, vì Đường thi là cả một thế giới bao la với “hơn 48.900 bài thơ của hơn 2.200 tác giả”(17).

Chúng tôi xin được giới hạn phạm vi đối chiếu trong khuôn khổ cho phép, là lấy các tập thơ Đường in lối cổ, có niên đại cùng thời hoặc gần thời với Vũ Phạm Hàm làm bản điều tra, đối chiếu. Vì tác gia sống trong khoảng thời gian này thì thường có thể tiếp xúc được những loại văn bản gần với thời mình là chính. Chúng tôi xin chọn bản Đường thi cổ suý tiên chú in năm Tự Đức 4 (1851); Đường thi hợp tuyển tường giải in năm Minh Mệnh 15 (1834) làm bản đối chiếu. Trong Đường thi cổ suý tiên chú đối chiếu được 232 câu (khoảng 90%), trong Đường thi hợp tuyển tường giải đối chiếu được 3 câu (câu 7 bài 9, câu 3 bài 11, câu 6 bài 19) còn 3 câu còn lại không tìm được (câu 1, câu 4 bài 19, câu 4 bài 27). Sự sai khác của văn bản chỉ là sự nhầm lẫn do tự dạng chữ giống nhau, âm đọc giống nhau, người chép viết chữ dị thể hoặc sử dụng chữ gần nghĩa với nhau mà thôi, chữ sai hoàn toàn cả tự dạng, âm - nghĩa là rất ít, hơn nữa có thể xác minh được. Trong văn bản dưới mỗi câu thơ đều đề tên tác giả của câu đó, trong lúc đối chiếu chúng tôi nhận thấy có sự nhầm lẫn về tên các nhà thơ ở một số câu. Chúng tôi đã đính sửa lại trong bảng đối chiếu kèm theo.

IV. Giá trị nội dung

Qua những áng thơ tập cú, thể hiện niềm hoài cảm ấy, ta càng thấy rõ hơn tâm tư, tình cảm của của Vũ Phạm Hàm. Một nhà Nho, sống trong cảnh đất nước đổi thay, cái tân học ngày càng lấn lướt thay thế cái cựu học đã tồn tại hơn nghìn năm ở nước ta, hẳn cụ rất cảm xúc và có nhiều hoài niệm. Các bài thơ tuy bày tỏ nỗi niềm chán ghét danh lợi, ước mơ một cuộc sống điền viên, nhưng trong đó dường như còn ẩn chứa một nỗi ưu tư, một niềm day dứt giữa cái đạo xuất xử của Nho gia.

Lúc bấy giờ, thực dân Pháp đã chiếm được nước ta, các quan lại của Nam triều thực chất đã trở thành tay sai. Bị hạn chế bởi hệ tư tưởng Nho giáo phong kiến lỗi thời, nên Vũ Phạm Hàm cũng không thể làm gì hơn, tự nhận là một kẻ “vô tài” (b1, b5)(18), ông chỉ biết phản ứng lại bằng những vần thơ chán ghét danh lợi, thị phi: “Đường danh lợi tiếng vang huyên náo” (b2); “Việc đời vinh hiển cùng suy lạc đều phó gửi đám mây nổi” (b8); “Hối tiếc vì danh, vì lợi mà luỵ thân vào những việc đâu đâu” (b9).

Vũ Phạm Hàm lúc ấy cũng đang làm quan, ông tỏ ra chán chường đường công danh, muốn quay đầu lui về với cuộc sống điền viên để giữ khí tiết, một lời than của ông để tỏ lòng: “Sao chẳng nắm tay nhau cùng lui ẩn, Kết bạn với anh chài vui vẻ sông nước” (b5), rồi phó mặc công danh sự nghiệp: “Từ nay an nhàn vấn khăn sừng vui vẻ, Đâu cần biết công danh sự nghiệp được ai ghi lại”(b13), và chỉ mong làm một cánh chim âu vô sầu muộn ngắm nhân thế tranh đua.

Nhưng trớ trêu thay cho cuộc đời ông, đã đỗ Thám hoa, không dứt được đường làm quan: “Vốn sẵn lòng quy ẩn từ lâu treo nơi đầu ngựa, Biết đâu lại đến bến Long tân” (b4), ông muốn về ẩn từ lâu, nhưng đâu biết số phận lại dẫn đường cho ông đến với quan trường. Toàn bộ 30 bài thơ của ông trong Tập Đường thuật hoài là những nỗi day dứt trong lẽ xuất - xử này. Ông muốn học theo các bậc tiên triết của đời xưa “tiến tắc kiêm thiện thiên hạ, thoái tắc độc thiện kỳ thân”, nhưng không được: “Mưa xuân chính vào lúc đẹp mà chẳng được về, Đường quan trường trước mắt vẫn phải đi” (b19); “Ngẩng đầu thấy việc đời, không thể nào lẳng lặng được. Đành phải quay về với sóng gió cũng không ngại gian nan” (b28); “Anh hỏi ngày nào về tôi còn chưa biết được là khi nào” (b10). Ông hổ thẹn chẳng bằng được cánh chim âu trên sóng nước: “Cá Lư đang ngon mà chẳng về được, quay đầu lại thẹn với cánh âu trên sông” (b18).

Rõ ràng là lòng quy ẩn đã sẵn, nhưng trong tâm tư Vũ Phạm Hàm vẫn còn một niềm hoài vọng. Trong tập thơ, nhiều lần Vũ Phạm Hàm đã nhắc đến nỗi niềm ưu quốc: “Trường đình xa ngắm non sông trong dạ thêm bồi hồi” (b1); “Xem xét phong tục của nhân dân để cùng vui nền chính hoá mới” (b2) hay “Sớm ra đi trong đám cờ bay, mong để thi hành chính lệnh” (b5); “Nhớ tới hưởng lộc vua như con sâu ăn quế, nên chẳng quay đầu về nơi thâm sơn làm gì cho tóc thêm bạc” (b21). Nhưng cuối cùng, Vũ Phạm Hàm vẫn bất lực trước thời thế, cái học “Kinh truyện” của ông cha ta không thể đối chọi được với cái kỹ nghệ tây dương. Ông chỉ còn biết giữ “một tấm lòng băng khiết như bầu ngọc”, như nước trong không để lẫn dòng đục, như sách quý không để bụi bám, và gửi niềm u hoài vào ý thơ.

Tóm lại, do bị hạn chế bởi hệ tư tưởng Nho giáo, Vũ Phạm Hàm cũng như các nhà nho khác, bất lực trước thời cuộc, chỉ biết gửi tâm tình của mình vào lời thơ. Bài thơ thứ 12 ông nói: “Ướt đầm vạt áo than thở chuyện thế gian, Nhưng là kẻ tiểu ẩn sao quên được tình đời”. Tuy chưa từ quan để về ẩn dật nơi thâm sơn cùng cốc, song ý tứ của tập thơ cho ta thấy ông như một bậc “Đại ẩn”, giữa chốn quan trường danh lợi xem phú quý như bèo nổi, xem vinh hoa như phù vân, không ẩn ở nơi lâm tuyền mà ẩn ngay nơi thành thị, không ẩn thân chốn đời mà ẩn ngay ở trong tim.


Nguyễn Đức Toàn

(1) Theo Các nhà khoa bảng Việt Nam, Ngô Đức Thọ chủ biên, Nxb. Văn học. H. 1993, thì sau khoa thi của Vũ Phạm Hàm (1892) thì không còn ai đỗ Thám hoa.
(2) Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nguyễn Quang Thắng - Nguyễn Bá Thế, Nxb. KHXH, 1991.
(3) 夢湖家集 - HV58 - Viện Sử học.
(4) 探花文集 - VHv.528 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(5) Khoa cử và các nhà khoa bảng triều Nguyễn, Phạm Đức Thành Dũng chủ biên, Nxb. Thuận Hoá, H. 2001.
(6) Vị “Tam khôi” cuối cùng. Nguyễn Duy Cách, Nhân Dân cuối tuần số 35 (709) / 1-9-2002.
(7) Phó Hàm (239-294) tự là Trường Ngu, người Thiểm Tây, sống ở thời Tây Tấn, từng giữ các chức Thượng thư tả thừa, Ti bỉnh hiệu uý thời Vũ Đế và Huệ Đế, giỏi thơ văn, có thi tập còn truyền.
(8) Vương An Thạch (1021-1086) tự là Giới Phủ, hiệu Bán Sơn, người Vũ Châu, Tể tướng thời Tống Thần Tông. Ông học rộng, văn chương chuộng thực dụng, giúp đời.
(9) Văn Thiên Tường (1236-1283) tự là Tống Thuỵ hiệu Văn Sơn, bị quân Nguyên bắt, bất khuất không phục, có truyện chép trong Tống sử.
(10) Hoàng Chi Tuấn (1668-1748) đậu Tiến sĩ thời Khang Hi, là người yêu thích sách, nhà có hơn 2 vạn quyển sách.
(11) Hương Xu thể thi là thơ của phụ nữ, về các đức tốt đáng được ngợi khen.
(12) 集句史論- VHv.1761/1-3 Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(13) Thập tam kinh: Là 13 bộ sách kinh điển của Nho gia: Dịch, Thi, Thư, Lễ, Xuân Thu, Chu lễ, Nghi lễ, Công dương, Cốc lương, Hiếu kinh, Luận ngữ, Nhĩ Nhã, Mạnh Tử.
(14) 昇 龍 三 十 六 詠. A.378 - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
(15) Tìm hiểu các thể thơ, Lạc Nam, Nxb. Văn học, H.1993, tr.45.
(16) Tìm hiểu các thể thơ, sđd, tr.47.
(17) Đường thi tuyển dịch, Lê Nguyễn Lưu, Nxb. Thuận Hoá, H. 1997.
(18) b1,b5: là chỉ vị trí câu trích dẫn trong bài 1 và bài 5 của Tập Đường thuật hoài.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.