Đăng bởi Hoa Xuyên Tuyết vào 02/09/2009 11:29
Ngày 27-8-2009, Sergei Vladimirovich Mikhalkov, nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nga - Xô Viết nổi tiếng qua nhiều thời, người mà tác phẩm được in đến nay lên tới trên dưới 300 triệu bản, đã qua đời tại Matxcơva, thọ 97 tuổi.
Người truyền tình yêu Tổ Quốc cho muôn người
Ra đi ở độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng Sergei Mikhalkov được coi là một người… trẻ, một người “không có tuổi”, một người luôn miệt mài đồng hành với thời đại, với đất nước. Tờ “Lao động” (Nga) đã nhận định: “Sergei Mikhalkov chưa từng là quá khứ của đất nước này – ông luôn là hiện tại của bất kỳ một thể chế chính trị, kinh tế, lịch sử nào…” Ông luôn là người của thời đại mà ông đang sống. Trong bức điện chia buồn gửi gia quyến nhà văn, Tổng thống LB Nga Medvedev đã nhấn mạnh, Sergei Mikhalkov là người bất kỳ thời đại nào cũng phục vụ cho những quyền lợi của Tổ Quốc, hết mình vì Tổ Quốc và có niềm tin vào Tổ Quốc.…
Sergei Mikhalkov ba lần là tác giả của phần lời Quốc ca Liên Xô và LB Nga. Lần thứ nhất ông viết năm 1944, sửa đổi lại vào năm 1977 và lần cuối, viết lời cho quốc ca LB Nga vào năm 2000, vẫn trên nền nhạc của A.V. Alexandrov. Người ta nói, Sergei Mikhalkov là nhà thơ chuyên ca ngợi thể chế, nhưng chính vì thế, khi thời thế thay đổi, ông thường phải sửa đổi những gì mình đã viết mà quên đi giá trị lịch sử vĩnh viễn của sự kiện! Điển hình là, năm 1977, ông đã phải sửa và loại bỏ một số câu nhắc đến Stalin trong Quốc ca Liên Xô. Và một điều trớ trêu đã xảy ra: đúng vào ngày ông qua đời, người ta đã cho phục chế lại tấm bia trang trí trong ga tàu điện ngầm Kurskaya với những dòng của lời thơ cũ mà ông từng viết trong Quốc ca Nga nói về Stalin!
Đó không phải là câu trích duy nhất của Mikhalkov được dựng thành “bia” cho đời sau. Ông còn có câu “Người vô danh, chiến công của người bất tử” được khắc trên phiến đá hoa cương bên Ngọn lửa vĩnh cửu trong khu vườn Alexandrov ở Matxcơva. Ngoài ra, một lời ông từng nói được truyền tụng như một sự thật bất diệt, sự thật ấy có thể dùng để lý giải nhiều sự kiện trong cuộc đời của nhà văn: “Nước sông Volga vẫn chảy trong mọi chế độ chính trị”.
Sống gần trọn một thế kỷ, nhà văn, nhà thơ Sergei Mikhalkov cũng đã tạo dựng được thế kỷ của riêng mình – thế kỷ Mikhalkov. Mọi thăng trầm biến đổi trong đời ông, và sáng tác của ông đều mang hơi thở của lịch sử, của thời đại, như tấm gương soi vào để mỗi công dân tự rút ra được nhiều điều.
Và có một điều có thể khẳng định ngay rằng, người viết Quốc ca phải là một người yêu nước sâu sắc và biết cách truyền tình cảm thiêng liêng ấy cho muôn người. Cảm nhận của những công dân Xô Viết, công dân LB Nga, dù thời đại, thể chế, năm tháng khác nhau, vẫn có điểm chung: là niềm tự hào khi đứng trước lá cờ Tổ Quốc của mình, tình yêu đối với mảnh đất tổ phụ, niềm hân hoan, nỗi lo lắng với vận mệnh của đất nước… Sergei Mikhalkov đã làm được điều không dễ mấy ai làm được!
Người không có tuổi và “Huân chương nụ cười”
Sergei Mikhalkov là một nhà thơ tuyệt vời với những tác phẩm trong trẻo đáng yêu viết cho thiếu nhi, tác giả của hơn 200 truyện ngụ ngôn sắc sảo và trào lộng.
Khó có thể tìm thấy một người Nga nào lại không biết đến nhân vật “Chú Stiopa” của Sergei Mikhalkov (trường ca Chú Stiopa – 1935) và tạp chí truyền hình hài hước “Phitil” do ông sáng lập. Những tiểu phẩm hài của tạp chí này một thời là niềm yêu thích của người dân Xô Viết bởi họ tìm thấy ở đó nét tự trào sâu sắc. Từ năm 1962 đến 2007, tạp chí đã ra được hơn 600 số!
Có một câu chuyện đầy màu sắc huyền thoại được truyền đi trong dân chúng, rằng khi vào một nhà hàng, chỉ cần tự nhận là người của tạp chí “Phitil” là ngay lập tức khăn giải bàn sẽ được thay đẹp hơn và tất cả các nhân viên phục vụ bỗng trở nên chu đáo bất ngờ!
Sự thực là, đến bây giờ “chú Stiopa – tên Stepan, họ Stepanov, trong số những người khổng lồ của vùng, chú là người khổng lồ quan trọng nhất” vẫn là hình ảnh gắn bó với cuộc sống của người dân Nga. Trên sân khấu nhạc nhẹ, nhân vật này từng xuất hiện một cách hài hước với sự trình diễn của ca sĩ Kirkorov. Và trẻ em Nga giờ đây vẫn tiếp tục đọc “Chú Stiopa”. Có lẽ, các tác phẩm cho thiếu nhi của Sergei Mikhalkov mới thực sự là dấu ấn vĩnh hằng của ông trên trái đất này, sau khi ông đã qua đời.
Mikhalkov sinh năm 1913 tại Matxcơva, nhưng những năm tháng thơ ấu và tuổi trẻ của ông trôi qua ở Piatigorsk. Ở đây, tại trường phổ thông số 1 của thành phố, có một căn phòng làm việc ghi tên ông. Ông rất tự hào với căn phòng “bảo tàng” này. Nhà thơ đã đọc mấy câu thơ vào ngày tấm biển “Phòng làm việc của S.V.Mikhalkov” được trương lên (năm 1979) bằng mấy câu thơ thế này:
Vào ngày khánh thành viện bảo tàng
Tôi ngồi ngó nhìn lơ láo
Thán phục
Ngạc nhiên
Hồi hộp
Và đôi chút kiêu ngạo nữa…
Mong cái viện bảo tàng này của tôi
Tập họp bạn bè đông vui!
Nhà thơ của thiếu nhi, viết cho thiếu nhi và viết theo kiểu thiếu nhi, quả là trong các tình huống của cuộc sống đều thể hiện nét hóm hỉnh của một người “không có tuổi”! Trẻ em yêu thích ông đến nỗi, đầu những năm 80, có một nhóm các độc giả nhí hâm mộ nhà thơ đã viết thư sang tận Varsava đề nghị trao tặng cho ông Huân chương nụ cười. Đó là tấm huân chương cao quý duy nhất trên thế giới do trẻ em trao tặng người lớn, những người biết làm ra niềm vui và nỗi hân hoan cho trẻ nhỏ. Và ngày 25-11-1981, Huân chương nụ cười đã được trao cho Mikhalkov tại thủ đô Ba Lan. Cảm giác khi nhận tấm huân chương này hẳn không khác là bao cảm giác tự hào và vui sướng khi nhà thơ nhận tấm huân chương Lenin đầu tiên của đời mình, vào năm 1939 và có thể, cũng giống cả khi tháng 3 vừa qua, ông được nhận Huân chương cao quý của nhà nước Nga mang tên Andrrei Pervoznanyi. Tác phẩm của Mikhalkov được dịch ra tiếng Việt khá nhiều, trong đó có nhiều thơ và truyện dài “Ngày hội không nghe lời”. Dí dỏm, đáng yêu, bất ngờ với những suy tưởng con trẻ và những tưởng tượng vô hạn của một người lớn còn ở tuổi trẻ con – đó là diện mạo văn chương của Sergei Mikhalkov.
Con người may mắn có được “tự do trong tâm tưởng”
Nhiều người kể lại tài “nói vần nói vèo” của Mikhalkov. Ông có thể hàng giờ chỉ nói bằng văn vần, để gây cười cho mọi người xung quanh. Thậm chí có lần, khi ngồi trong nhà hàng, ông nói chuyện với bạn, đặt đồ ăn thức uống cũng bằng thơ! Và, con người không có tuổi ấy đặc biệt sôi nổi và ngây thơ, như trẻ nhỏ. Đạo diễn điện ảnh Alexandr Stephanovich hồi tưởng lại, một lần đã dựng phim theo kịch bản của Mikhalkov như thế nàonày: “Khi tôi đề nghị Sergei Mikhalkov đến duyệt, ông dẫn theo một người lạ và bảo: đây là khán giả chính, quan trọng đấy. Chúng tôi cùng xem phim, người lạ ấy cười ha hả suốt thời gian chiếu phim, anh ta có vẻ rất thích. Sau buổi chiếu, tôi hỏi Mikhalkov anh ta là ai, thì ông đáp tỉnh bơ: một người lái xe, một con người bình thường ấy mà – nhưng là một khán giả quan trọng!”. Bài học về thái độ đối với nghề ấy Alexandr Stephanovich còn nhớ mãi.
Sergei nổi tiếng là một người ăn nói sắc sảo. Thành đạt về nhiều phương diện, nhà thơ được nhiều người yêu mà cũng lắm người không ưa. Có lần, người ta đã mỉa mai gọi ông là “Ghim-nhiuk” (nhà viết quốc ca). Nghe được lời ấy, Sergei Mikhalkov điềm nhiên “phản pháo”: “Ghim-nhiuk hay không thì cứ nhạc lên là các người phải đứng dậy!”
Nhà văn Alexandr Prokhanov thì kể lại rằng, Mikhalkov là một người nhẹ nhàng, hiền hậu và rất ngộ nghĩnh. Thật đáng ngạc nhiên khi một người làm chức to lại giữ được như vậy (Sergei Mikhalkov nhiều năm là chủ tịch Hội nhà văn CHLB Nga Xô Viết, là đại biểu Xô Viết tối cao nhiều nhiệm kỳ), không hề xa cách với mọi người. Ông đặc biệt gần gũi với các nhà văn trẻ, tự tìm đến nhập cuộc cùng họ, sẵn sàng nâng chén cùng những nhà văn chưa có tên tuổi, đi từng bàn chuốc rượu họ trong những cuộc vui. Trong quan hệ giữa người với người, ông giản dị vô cùng, nhẹ nhõm vô cùng, không kiểu cách, hoa lá, giúp đỡ mọi người một cách vô tư - Ông là người đạt được sự “tự do hoàn toàn trong tâm tưởng”
Thế nhưng, bù lại, cũng bằng sự vô tư đến ngây thơ của mình, Sergei Mikhalkov luôn là người đạt được điều ông muốn, có thể nói là một người may mắn. Chẳng hạn, một lần ông viết kịch bản về về nạn đầu cơ vàng, bị kiểm duyệt, gạt đi, người ta cho rằng ở đất nước Xô Viết không thể có điều đó. Mikhalkov lập tức tìm đến bộ trưởng bộ nội vụ lúc bấy giờ là Shelokov, đề nghị ông này cùng đi ra phố Arbat và đứng cạnh những cửa hàng vàng, chỉ ra tận mắt những người đầu cơ vàng và Shelokov phải “tâm phục khẩu phục” mà phán rằng: tiểu phẩm được duyệt vì nó phản ánh sự thật!
Mikhalkov còn may mắn trong tình yêu với hai đời vợ. Người vợ thứ nhất là nhà văn, nhà phê bình văn học Natalia Konchalovaskaya, lớn hơn ông 10 tuổi, người đã gắn bó với ông hơn 50 năm cuộc đời. Bà mất ở tuổi 85, mấy năm sau, nhà thơ đi bước nữa với một người phụ nữ kém mình 40 tuổi. Và họ sống hạnh phúc đến khi ông nằm xuống. Hai con trai ông (của cuộc hôn nhân đầu tiên) đều là những đạo diễn có tên tuổi, những yếu nhân có tầm ảnh hưởng lớn với đời sống văn hoá văn nghệ ở LB Nga.
Trong tác phẩm cuối cùng của mình, cuốn hồi ký “Hạnh phúc là gì” (2008), nhà văn đã trải lòng không giấu diếm điều gì, về chuyện đời chuyện văn với độc giả, những người cũng đồng hành với ông suốt cả một thế kỷ nay.