1024.39
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
87 bài thơ, 32 bài dịch
2 bình luận
14 người thích
Tạo ngày 06/02/2006 15:43 bởi Vanachi, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 10/05/2007 07:47 bởi Vanachi
Phạm Hổ (28/11/1926 - 4/5/2007), bút danh Hồ Huy, sinh tại xã Thanh Liêm (nay là xã Nhơn An), thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông có anh trai là nhà văn Phạm Văn Ký và em trai là nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ. Ông đỗ bằng Thành chung năm 1943. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm công tác tuyên truyền và tham gia hoạt động văn học nghệ thuật. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông ra Bắc, tham gia sáng lập Hội Nhà văn miền Bắc (1957) và cũng là một trong những người đầu tiên hình thành NXB Kim Đồng, nơi chuyên xuất bản văn hoá phẩm dành cho trẻ em.

Sau ba năm làm việc tại NXB Kim Đồng, ông chuyển sang NXB Văn học rồi về báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn. Năm 1957 ông là thành viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam. Chức vụ cuối cùng của ông ở tờ báo này là phó tổng biên tập. Từ năm 1983,…

 

Chú bò tìm bạn (1956)

Những người bạn nhỏ (1961)

Tuyển tập chung

Thơ dịch tác giả khác

 

 

Ảnh đại diện

Phạm Hổ - Thơ viết cho nhi đồng

1. Những ai quan tâm tới nền văn học Việt Nam hiện đại hẳn đều biết tên tuổi nhà văn Phạm Hổ. Ông là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Hơn nửa thế kỷ cầm bút, Phạm Hổ đã tạo được một sự nghiệp văn chương phong phú bao gồm thơ, truyện và kịch. Dù viết theo thể loại nào, Phạm Hổ cũng đều đạt được những thành công quan trọng. Ông thực sự đã tạo được cho mình một phong cách nghệ thuật riêng.

2. Nói riêng về thơ, Phạm Hổ có khoảng 20 tập thơ. Thơ Phạm Hổ, như Vũ Duy Thông nhận xét “thiên về lứa bạn đọc nhỏ tuổi, từ 5 đến 8 tuổi” [1]. Đây là lứa tuổi có những đặc thù riêng về tâm lý tiếp nhận thơ ca. Trên cơ sở hiểu biết về đối tượng, Phạm Hổ đã không ngừng tìm tòi những nội dung, những hình thức biểu đạt phù hợp, khiến cho mỗi bài thơ là một niềm vui dành tặng cho các em.

2.1. Trước khi bàn vào thơ, thiết nghĩ cần nói đôi điều về quan niệm làm thơ cho các em của Phạm Hổ. Không thuộc loại người thích tuyên ngôn nhưng đây đó, ông cũng đã có những phát biểu về thơ cho lứa tuổi nhi đồng. Có thể quan sát điều đó qua các bài Những bài thơ nho nhỏThêm mấy suy nghĩ về việc làm thơ cho nhi đồng.

- Khác với nhiều người, Phạm Hổ chọn con đường đi vào thế giới tâm hồn trẻ thơ. “Đối với tôi, được viết cho các em là cả một hạnh phúc”. Rất nhiều lần, ông đã phát biểu như vậy. Tinh thần đó, một lần nữa ta lại bắt gặp trong Những bài thơ nho nhỏ, một bài thơ có tính chất tâm tình về chuyện lập ngôn. “Suốt đời tôi chỉ mơ / Được viết cho các em / Những bài thơ nho nhỏ”, “Thật đơn sơ là hạnh phúc của tôi/ Được viết cho các em/ Những bài thơ nho nhỏ”. Làm thơ cho lứa tuổi nhi đồng có những đòi hỏi riêng về nguyên tắc sáng tạo. Không phải ngẫu nhiên mà Phạm Hổ lại mơ ước viết nên “những bài thơ nho nhỏ”. Quy mô đó là phù hợp với tầm đón nhận của các em. Nhưng đây là lứa tuổi ưa thích sự đa dạng, mới lạ nên thơ phải “như những hòn bi xanh, đỏ”, “như những quả quýt, quả cam”... vừa gần gũi mà vừa hấp dẫn. Mỗi bài thơ cho các em phải là “những ô cửa xinh xinh” mở ra những ô trời xanh để các em “đón hương lúa thơm và tiếng hót chim trời”. Sứ mệnh thơ cho lứa tuổi nhi đồng, theo Phạm Hổ là mang lại cho các em một niềm vui thật sự.

- Năm 1982, tại Hà Nội, nhân kỷ niệm lần thứ 25 ngày thành lập, nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức cuộc Hội thảo về “Sáng tác thơ cho thiếu nhi”. Tại hội thảo này, nhà thơ Phạm Hổ đã đọc tham luận Thêm mấy suy nghĩ về việc làm thơ cho nhi đồng. Trong bài viết này, Phạm Hổ nêu lên nhiều vấn đề có ý nghĩa đối với người sáng tác. Ông cho rằng, trong thơ cho nhi đồng, nhất thiết phải có hình tượng thiên nhiên. Theo ông, thiên nhiên là hiện thân của cái đẹp. “Bằng chính cái đẹp, thiên nhiên dạy cho ta yêu cái đẹp. Bằng chính sự phong phú, thiên nhiên gợi cho ta nên có cuộc sống phong phú về vật chất, về tinh thần”. Ông cũng đòi hỏi thơ cho lứa tuổi nhi đồng cần phải vui tươi, hấp dẫn. Muốn vậy, nghệ thuật thơ phải có sự biến hoá về nhạc điệu, ngôn từ, màu sắc và hình tượng. Một vấn đề khác cũng được nhà thơ quan tâm là con đường tạo vốn của người viết. “Theo tôi vấn đề vốn vẫn là một trong những vấn đề gốc gác và có tính quyết định nhất” [2]. Phạm Hổ tán đồng hai nguyên tắc mà K.Tsucôpxki: một là học tập vốn cổ, hai là học tập các em, tìm hiểu đời sống tâm hồn các em. Một sự kết hợp hài hoà trên cơ sở hoà giải giữa cảm quan của người lớn với cảm quan tuổi thơ sẽ góp phần vào thành công của nhà thơ.

Thơ Phạm Hổ chính là sự thể hiện sinh động cho những quan niệm nghệ thuật tích cực nói trên của ông.

2.2. Đi vào thế giới thơ Phạm Hổ, ta bắt gặp tất cả những gì quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày của các em. Đó là cái kéo, cái chổi, dây cầu chì, là con chó, con mèo, là cây na, quả khế... Tất cả đều có mặt trong thơ ông một cách tự nhiên, dung dị. Thực ra, những nhân vật này cũng hiện diện trong sáng tác của hầu hết các nhà thơ viết cho thiếu nhi. Vậy đâu là nét riêng trong nghệ thuật trữ tình của Phạm Hổ?

- Điều dễ nhận thấy là thơ Phạm Hổ nói nhiều về chủ đề tình bạn. Phạm Hổ thừa nhận: “Tôi đặc biệt chú ý đến tình bạn trong đời sống con người. Trong hơn 10 tập thơ viết cho các em, đã có 6 tập”. Mối quan tâm của tác giả là có cơ sở hiện thực. Trẻ em vốn rất khát khao tình bạn. Kỷ niệm dưới đây của Xuân Quỳnh giúp ta hiểu thêm điều này: “Có lần tôi cãi nhau với một đứa bạn, hai đứa bỏ nhau, không chơi với nhau nữa. Tôi rất buồn... về nói lại chuyện đó với bà tôi, muốn tìm ở bà một lời cảm thông hoặc một cách giải quyết. Thế mà bà tôi lại bảo: “Nó không chơi với cháu thì thôi, cần gì, cháu ở nhà chơi với bà”. Thế là tôi hoàn toàn cô độc. Bà tôi đâu hiểu là tôi cần chơi với bạn ấy bao nhiêu.“ [3]. Tâm sự của Xuân Quỳnh phản ánh một khát vọng chung của trẻ em. Chỉ với bạn, các em mới thực sự có được nét đồng điệu trong hoạt động vui chơi, học tập. Hứng thú hoạt động nhờ thế mới được phát huy tối đa, niềm vui mới được trọn vẹn.

Dấu hiệu nhận biết chủ đề tình bạn trong thơ Phạm Hổ trước hết là ở việc đặt tên cho các tập thơ: Chú bò tìm bạn, Bạn trong vườn, Những người bạn im lặng, Những người bạn ồn ào... Đi vào văn bản, ta thấy cảm hứng tình bạn xuyên thấm ở hầu hết mọi bài thơ, tập thơ. Dù viết về điều gì, Phạm Hổ cũng đều gợi lên cho các em một câu chuyện tình bạn. Một chú bò đi lang thang trong chiều với tiếng “ậm...ò...” đã trở thành hình ảnh đáng yêu trong nỗi thiết tha gọi bạn. Tôi muốn nói đến trường hợp bài thơ Chú bò tìm bạn. Bài thơ này được Phạm Hổ viết vào năm 1952. Gợi nguồn cảm hứng cho nhà thơ là hình ảnh những chú bò chiều chiều ra sông uống nước. Đâu đó trong không gian chiều muộn vang vọng tiếng “ậm... ò...”. Tứ thơ chợt đến, bài thơ hiện ra sau những thăng hoa của cảm xúc. “Mặt trời rúc bụi tre/ Buổi chiều về nghe mát/ Bò ra sông uống nước/ Thấy bóng mình, ngỡ ai / Bò chào: - kìa anh bạn /Lại gặp anh ở đây! /Nước đang nằm nhìn mây/ Nghe bò cười nhoẻn miệng / Bóng bò chợt tan biến / Bò tưởng bạn đi đâu / Cứ ngoái trước nhìn sau /Ậm...ò tìm gọi mãi...”. Trong cảm quan dân gian, chú bò là biểu tượng của tính lơ ngơ (Lơ ngơ như bò đội nón). Trong thơ Phạm Hổ, chú bò vẫn có cái lơ ngơ nhưng thật đáng yêu. Đáng yêu ở hành vi biết chào hỏi. Đáng yêu ở hành vi thiết tha gọi bạn...

Bài thơ Chú bò tìm bạn được xem là tiêu biểu cho phong cách thơ Phạm Hổ. Sau bài thơ này, cảm hứng tình bạn như một dòng chảy tuôn trào mang những hạt phù sa màu mỡ vào cánh đồng thơ Phạm Hổ. Kết quả, cánh đồng thơ ấy cứ lấp lánh lên những sắc màu đáng yêu của tình bạn. Đúng là với Phạm Hổ, thế giới được cấu trúc theo quan hệ tình bạn. Cái rế là bạn của cái chảo, cái nồi. “Chảo, nồi đang bận nấu - Rế ngồi bên đợi chờ” (Rế). Con chó, con mèo nào có ghét nhau. Chúng chơi với nhau thật thân thiết. “Rủ nhau chơi ú tim – Giờ đến phiên cho trốn – Mèo đảo mắt tìm quanh – Chó nấp đâu giỏi gớm – Bỗng kìa chỗ khe tủ – Chó để lộ cái đuôi – Rón rén mèo đến nơi – Oà chộp ngay lưng bạn...” (Chơi ú tim).

Xây dựng chủ đề tình bạn là một chủ ý nghệ thuật của Phạm Hổ. Ngoài việc đặt tên cho từng tập thơ theo chủ đề tình bạn, ông cũng kết hợp tạo ra những hệ thống: bạn trong nhà, bạn trong vườn, những người bạn im lặng, những người bạn ồn ào... Tất cả những việc làm này không ngoài mục đích tô đậm cảm hứng tình bạn trong thơ ông.

- Cùng với nội dung tình bạn, Phạm Hổ còn muốn cung cấp cho các em những hiểu biết ban đầu về thế giới sự vật, hiện tượng. Tuỳ từng trường hợp cụ thể mà ông giới thiệu cho các em tên gọi hay đặc điểm hình thức, ích dụng của sự vật. “Chị ơi, vì sao/ Hoa hồng lại khóc/ Không phải đâu em/ Đấy là hạt ngọc/Người gọi là sương/ Sao đêm gởi xuống/ Tặng cô hoa hồng” (Bướm em hỏi chị). Vẫn là bài thơ về tình bạn nhưng ở đây đã có sự lồng ghép thật tự nhiên một tri thức về đối tượng: giọt nước trên cành hoa hồng được gọi là “giọt sương”. Để mở mang khái niệm về nước, Phạm Hổ viết hẳn một bài thơ khác theo lối định nghĩa. “Nước lên xuống: biển cả/ Nước nằm im: ao hồ/ Nước chảy xuôi: sông suối/ Nước rơi đứng: trời mưa” (Nước)... Nội dung này rất dễ làm cho thơ khô khan. Phạm Hổ biết rõ điều đó. Nhưng với ý thức “người viết cho thiếu nhi là một nhà văn nhưng đồng thời cũng là một nhà giáo” [4], Phạm Hổ chấp nhận và tìm cách “thơ hoá”. Hướng giải quyết của ông là khai thác tối đa các phép nhân hoá, so sánh, xây dựng các hình ảnh liên tưởng độc đáo và vui tươi. Đọc bài thơ về cái đinh, ta ngỡ như đang tiếp xúc với một cậu bé vui nhộn, tự hào khi làm được một việc tốt. “... Cho chị treo gương/ Cho em treo ảnh/ Xong rồi hóm hỉnh/ Nhô đầu nhìn quanh” (Đinh). Cái chổi khác nào một cô bé thích làm đỏm: “Thích buộc nhiều thắt lưng/ Cả đời không đi dép/ Chổi múa dạo một vòng/ Rác trong nhà biến sạch” (Chổi). Phép so sánh trong trường hợp sau đây giúp các em nắm được đặc điểm của từng đồ vật: “Dao chỉ một lưỡi/ Kéo có đến hai/ Mỗi người một việc/ Ai nào kém ai/ Cả hai đều biết/ Yêu ông đá mài” (Dao và kéo)...Những câu thơ như thế không cầu kỳ, hoa mỹ nhưng tự nhiên, thiết thực. Đặt trong yêu cầu của nghệ thuật giáo dục cho thiếu nhi, hoàn toàn có thể khẳng định, đó là những câu thơ giá trị.

2.3. Phạm Hổ là một nhà thơ có nhiều tìm tòi trong nghệ thuật thể hiện. Thơ ông đa dạng về hình thức, nhạc điệu vui tươi, ngôn từ trong sáng.

- Ngoài hình thức tổ chức thông thường, thơ Phạm Hổ còn sử dụng các hình thức khác. Đó là hình thức hỏi – đáp, hình thức định nghĩa và hình thức trích dẫn. Hình thức hỏi - đáp xuất hiện nhiều trong thơ Phạm Hổ. Trong cuộc sống, trẻ em vẫn thường hay hỏi người lớn về nhiều điều. Hay hỏi là một nét tính cách đặc trưng, hệ quả tất yếu của một nhu cầu ham hiểu biết của trẻ. Người lớn trong trách nhiệm của mình cần phải giúp trẻ giải quyết những thắc mắc. Trả lời cho trẻ là cả một nghệ thuật giao tiếp mà không phải ai, lúc nào cũng làm được. Trong những bài thơ hỏi – đáp của mình, Phạm Hổ khi thì sử dụng nhân vật loài vật, khi thì sử dụng nhân vật con người. Song dù sử dụng loại nhân vật nào thì ông cũng đều nêu ra được vấn đề mà trẻ em quan tâm, đáp án phù hợp với đối tượng. Giọng thơ tâm tình, nhẹ nhàng, có sức thuyết phục lớn. Một ví dụ: “Cua con hỏi mẹ/ Dưới ánh trăng đêm:/ - Cô lúa đang hát/ Sao bỗng lặng im? Đôi mắt lim dim/ Mẹ cua liền đáp:/ - Chú gió đi xa/ Lúa buồn không hát (Cua con hỏi mẹ). Bài thơ trên gồm lời hỏi của cua con và lời đáp của cua mẹ. Cua mẹ đã giải thích với cua con rằng, vì chú gió đi xa nên cô lúa buồn, cô thôi không hát nữa. Lời giải thích này dễ được trẻ chấp nhận. Chuyện “cô lúa không hát” thấm đượm tình cảm con người.

Thực ra, cấu trúc hỏi - đáp được sử dụng nhiều trong thơ cho thiếu nhi. Hình thức này không phải là sáng tạo riêng của Phạm Hổ. Đóng góp của ông là ở chỗ đã sử dụng thành công, tạo ra những bài thơ hay như Ngủ rồi, Bướm em hỏi chị, Đất và hoa, Thỏ dùng máy nói... Sáng tạo riêng của Phạm Hổ chính là ở hình thức thơ định nghĩa và trích dẫn. Bài Nước vừa dẫn trên là một bài thơ theo hình thức định nghĩa. Dấu hai chấm tương đương với từ “là”, tạo ra sự đồng nhất giữa hai đối tượng. Kiểu thơ định nghĩa giới hạn ở chức năng cung cấp khái niệm về đối tượng. Kiểu thơ trích dẫn được xây dựng trên cơ sở mô phỏng lời nói. Thuộc loại thơ này là nhóm bài có câu mở đầu “mẹ, mẹ ơi, cô bảo”. Đơn cử: “Mẹ, mẹ ơi, cô bảo:/ “Cháu ơi, chơi với bạn/ Cãi nhau là không vui/ Cái mồm nó xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi!”. Ở bài thơ này, câu mở đầu là lời đứa trẻ, các câu còn lại là lời cô giáo được trích dẫn. Toàn bộ bài thơ là lời đứa trẻ nói với mẹ khi ở trường về. Đến trường các em tiếp thu được nhiều điều mới lạ. Khi trở về nhà, các em không quên khoe với mẹ về những gì mà mình học được. Câu thơ “mẹ, mẹ ơi, cô bảo” chất chứa niềm vui, sự háo hức của đứa trẻ. Quả là, đọc những bài như thế, ta cũng dễ vui lây!

- Những chi tiết hồn nhiên, ngộ nghĩnh được sử dụng nhiều trong thơ Phạm Hổ. Ai đã đọc Ngủ rồi, Chơi ú tim, Ngựa con... hẳn khó có thể quên được những câu nói, những suy nghĩ đáng yêu của con trẻ. Trả lời câu hỏi của mẹ: “Đã ngủ chưa đấy hả?”, cả đàn gà con nhao nhao: “Ngủ cả rồi đấy ạ!”. Ngủ rồi mà vẫn “nhao nhao” thì chỉ có trẻ con mới làm được. Cũng chỉ trẻ con mới có kiểu lý luận này: “Không mình nấp giỏi thật/ Lỗi chỉ tại cái đuôi!” (Chơi ú tim)...

Đôi khi, Phạm Hổ cũng đưa cả nét dí dỏm của người lớn vào thơ. Bài thơ Soi gương là một ví dụ. “Có ai đang khóc nhè / Mà soi gương không bố?/ Một đứa khóc đủ rồi/ Soi chi thành hai đứa”. Bài thơ có cái hồn nhiên của đứa trẻ (câu hỏi), lại có cái hóm hỉnh của người bố (câu trả lời). Chất hồn nhiên, chất dí dỏm kết hợp hài hoà khiến cho bài thơ thêm phần đáng yêu.

- Làm thơ cho các em, Phạm Hổ cũng rất coi trọng vai trò của nhạc điệu. Ông viết: “Viết thơ cho các em bé, theo tôi, rất cần chú ý đến nhạc điệu. Nhiều khi các em nhớ được là nhờ nhạc điệu” [2,20]. Nhạc điệu của thơ liên quan chặt chẽ tới việc sắp xếp, tổ chức câu thơ, vần và nhịp. Phạm Hổ thường hay sử dụng thể thơ hai, ba, bốn hoặc năm chữ. Nhịp thơ ông thường ngắn, có giá trị miêu tả hiện thực. Chẳng hạn, nhịp 2/2 ở bài Sen nở gợi tả những cánh sen đang từ từ hé mở: “Từ từ / Khẽ mở / Trăm nghìn / Cửa lụa / Xinh tươi / Sáng hồng...”. Bài Tàu dài lại gợi hình ảnh đoàn tàu nhiều toa, đang chuyển động một cách nhịp nhàng, đều đặn.

- Một đặc sắc khác của thơ Phạm Hổ là cách tạo nghĩa mới cho những âm thanh tự nhiên. Tiếng “tí te...tí te” của xe chữa cháy được nhà thơ cảm nhận là tiếng sẵn sàng “có ngay... có ngay”(Xe chữa cháy), tiếng “xạch, xạch, xạch” của máy khâu là “sắp xong rồi, sắp xong rồi” (Máy khâu), còn tiếng “cục tác... cục tác” của cô gà mái là một thông báo vui trứng còn nhiều, đẻ hoài “không hết, không hết” (Gà đẻ)... Cách tạo nghĩa này đã làm cho hình tượng thơ thêm phần sinh động, ý nghĩa. Cuộc sống cứ như đang rộn ràng lên, hối hả và tràn đầy sức sống. Về sau, các nhà thơ như Phạm Đình Ân, Nguyễn Hoàng Sơn... cũng đã học tập cách làm này và đã tạo thêm nhiều đặc sắc mới cho thơ thiếu nhi.

3. Trong tương quan với các nhà thơ viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ là người viết nhiều và viết hay. Thơ cho lứa tuổi nhi đồng của ông có nhiều đặc sắc về nội dung cũng như nghệ thuật. Nói tới ông là nói tới một nhà thơ của tình bạn, một cây bút với nhiều sáng tạo về hình thức biểu hiện. Ông thực sự có một vị trí quan trọng trong nền thơ cho thiếu nhi Việt Nam.


Lê Nhật Ký

Tài liệu trích dẫn:
1. Vũ Duy Thông: Con đường đến với trẻ thơ, in trong Bàn về văn học thiếu nhi– Nxb Kim Đồng, 1983, tr.51.
2. Phạm Hổ: Thêm mấy suy nghĩ về việc làm thơ cho nhi đồng, in trong Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1983, tr.23.
3. Xuân Quỳnh: Làm thơ cho thiếu nhi, in trong Bàn về văn học thiếu nhi, Nxb Kim Đồng, 1983, tr.14.
4. Võ Quảng: Tuyển tập Võ Quảng, tập II, Nxb Văn học, 1998, tr.222.
"Xin anh đừng hỏi vì sao
Tên anh em để lẫn vào trong thơ..."
44.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Tiểu sử tự thuật

Tôi sinh ra tại một làng quê Bình Định (ngày trước gọi là xã Thanh Liêm, nay gọi là xã Nhơn An – huyện An Nhơn).

Lúc bé, tôi học ở trường làng. Xã tôi không có trường, tôi phải lội sông đi học nhờ ở trường xã bên cạnh. Sau đó, tôi theo gia đình xuống Qui Nhơn rồi ra Huế, ở đó anh học hết cấp tiểu học, anh tôi đi Pháp du học, tôi lại trở về Bình Định, học trường Quốc học Quy Nhơn. Tôi đỗ bằng Thành Chung năm 1943. Hè măm đó, tôi bị tai nạn, gãy chân, không ra Huế kịp để học ban Tú tài trường Quốc học Huế. Tôi đành đi làm thư ký công nhật ở Toà sứ Quy Nhơn để giúp đỡ mẹ tôi nuôi các em và tự học để đi thi Tú tài.

Cách mạng tháng Tám thành công, tôi đi hẳn vào con đường văn học. Tôi làm thư ký trường trực ở chi hội văn hoá cứu quốc do anh Trần Mai Ninh phụ trách. Tôi viết bài ký đầu tiên về Bình dân học vụ Vén mắt được đăng ở Tạp chí Tiền phong của Hội Văn hoá cứu quốc Trung ương Hà Nội... Thời gian làm việc với anh Trần Mai Ninh tôi được anh giúp đỡ rất nhiều... Sau đó chuyển qua làm báo và được cử đi học lớp Hội hoạ kháng chiến L.K5 do hoạ sĩ Nguyễn Đỗ Cung phụ trách. Xong lớp học, tôi lại được chuyển về làm cán bộ sáng tác (hoạ và thơ) ở Chi Hội Văn nghệ L.K.5. Tôi được bầu làm Uỷ viên ban chấp hành Đoàn Hội hoạ L.K.5... Đầu năm 1949, tôi đi sáng tác ở miền Tây Bình Định (vùng giáp cận An Khê). Tôi vẽ được mấy bức tranh, trong đó có bức Các em bé chăn bò học trên núi và được anh Nguyễn Đỗ Cung cho gửi ra Đoàn Hội hoạ Trung ương ở Việt Bắc. Tôi vẫn vừa vẽ vừa làm thơ và có khi mê làm thơ hơn vẽ. Cuối năm 1949, đầu 1950 tôi được cử đi cùng với anh Nguyễn Văn Bổng ra dự Hội nghị Văn học toàn quốc ở Việt Bắc với tư cách là một nhà thơ trẻ L.K.5. Ra Việt Bắc lần đầu tiên tôi được gặp các anh Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Đình Thi, Thế Lữ... các nhạc sĩ và hoạ sĩ: Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sùng...

Về lại khu 5 tôi được bầu làm Uỷ viên dự khuyết Ban chấp hành Chi hội Văn nghệ LK5. Cuối 1951 nhân có chủ trương giảm chế của Nhà nước, tôi xin về quê, vừa làm thông tin tuyên truyền ở xã, vừa kết hợp giúp đỡ cho gia đình. Liên khu 5 năm ấy đang rất khó khăn. Thấy má tôi, em gái tôi và mấy đứa cháu ngày no, ngày đó. Hơn hai năm tôi về làng vừa làm công tác thông tin văn hoá vừa thâm nhập sâu vào thực tế đời sống của người dân ở làng, đối với tôi, một người sáng tác, là hai năm vàng. Nhờ thời gian này tôi đã hiểu được thế nào là nông dân, thế nào là chân lấm tay bùn, thế nào là đầu tắt mặt tối...

Tháng 4-1954 tôi lại được Chi hội Văn nghệ LK5 gọi ra để chuẩn bị đi tập kết.

Tháng 1-1954 tôi có mặt ở Hà Nội và làm công tác đối ngoại ở Hội Văn nghệ Trung ương. Năm 1957 tôi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam ngay ở khoá đầi tiên nên được xem như là thành viên sáng lập Hội. Cũng năm ấy, tôi lại cùng với các anh Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài chuẩn bị và xin thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng.

Tôi làm việc ở nhà xuất bản Kim Đồng được ba năm thì lại chuyển qua làm ở nhà xuất bản Hội Nhà văn, rồi tiếp đó chuyển về làm ở báo Văn nghệ. Trước khi về báo tôi được cử đi vào Trại Kim Đồng và đóng với các em mồ côi, lưu lạc toàn Miền Bắc sang chiến tranh trong hai năm để sáng tác. Tôi tranh thủ thời gian này đi học Lớp chuyên đề văn học do Viện Văn học mở và đồng chí Đặng Thai Mai phụ trách. Đối với tôi hai năm học ấy hết sức quý giá. Ở trại Kim Đồng về, tôi viết tập tiểu thuyết Tình thương rồi đến báo Văn nghệ làm việc luôn một mạch từ 1965 – 1983, từ biên tập viên lên tổ trưởng tổ thơ, rồi uỷ viên Ban Biên tập rồi Phó tổng trưởng tổ thơ, rồi uỷ viên Ban Biên tập rồi Phó tổng biên tập thứ nhất của báo. Làm báo tôi được đi nhiều...

Giặc Mỹ tấn công ra miền Bắc. Tôi cùng nhiều anh chị Chế Lan Viên, Võ Huy Tâm… đi vào tuyến lửa Quảng Bình, Vĩnh Lĩnh trong ba tháng liền... Năm 1968, tôi lại vào Vĩnh linh “luỹ thép” để lấy tài liệu sáng tác,

Quảng Trị được giải phóng năm 1972, tôi lại cùng các anh Vũ Tú Nam, Bùi Hiển, Cẩm Thạnh, Ngô Văn Phú, Hữu Nhuận... vào ngay trên vùng đất anh hùng hãy còn nóng hổi và khét mùi bom đạn... Ngày Sài Gòn giải phóng, đất nước sum họp một nhà chúng tôi vào Sài Gòn, nơi lần đầu tôi được đặt chân đến... Sau chuyến này, tôi lại được đi một chuyến qua nhiều tỉnh từ Bình Định đến Cà Mau... thăm khoảng mười trường và trại nuôi dạy các cháu con em liệt sĩ và bụi đời.

Tôi trở về Hội năm 1983. Tôi làm Phó Trưởng ban đối ngoại của Hội và Chủ tịch Hội đồng văn học thiếu nhi của hội. Tôi về hưu năm 1995 (69 tuổi) và từ đó đến nay vẫn tiếp tục viết cho các em và cho cả người lớn.

Tác phẩm

Trong khoảng thời gian từ 9-1945 đến 6-1999, tôi đã sáng tác được 25 tập thơ, 35 tập truyện, 10 kịch bản sân khấu, hoạt hình... dành cho các em. Và khoảng 10 tập thơ, 3 tập truyện ngắn và tiểu thuyết về phần viết cho người lớn. Từ các tập sách trên, đến nay các nhà xuất bản đã chọn in cho tôi bốn tuyển tập Chú bò tìm bạn (thơ), Ngựa thần từ đâu đến (truyện ngắn), Chuyện hoa chuyện quả (cổ tích mới), Nàng tiên nhỏ thành ốc (kịch) dành cho các em và Tuyển tập Phạm Hổ gồm đủ cả hai phần viết cho thiếu nhi và viết cho người lớn...

Sách viết cho thiếu nhi:
- Chú bò tìm bạn (tuyển tập thơ, chọn từ hơn 15 tập thơ in riêng từng tập, in lần thứ 3, có bổ sung, NXB Kim Đồng, 1997)
- Chuyện hoa chuyện quả (truyện, Hà Nội, 1993)
- Mỵ Châu – Trọng Thuỷ (kịch, NXB Kim Đồng, 1993)

Sách viết cho người lớn:
- Những ngày xưa thân ái (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1956)
- Ra khơi (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1960)
- Đi xa (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1973)
- Những ô cửa, những ngả đường (thơ, NXB Hội Nhà văn, 1982)
- Vườn xoan (truyện, NXB Hội Nhà văn, 1962)
- Tình thương (truyện, NXB Phụ nữ, 1973)
- Cây bánh tết của người cô (truyện, Hà Nội, 1993)

tửu tận tình do tại
22.50
Chia sẻ trên Facebook