Georges Brassens (1921-1981) là một trong những khuôn mặt độc đáo trong lãnh vực ca khúc ở Pháp. Với tiếng nhạc đệm guitare mộc mạc và giọng ca thân mật như kể chuyện, những lời ca của Brassens đã mang đến cho giới thưởng ngoạn một thi vị hết sức mới mẻ. Là một người viết ca khúc đầy tài năng, nhưng vì tự học âm nhạc, Brassens không dấn thân vào những thử nghiệm phức tạp trong giai điệu và hoà âm. Ông tập trung chủ yếu vào ca từ. Giai điệu của ông bao giờ cũng đơn giản, dễ nhớ, vừa đủ để diễn cảm, và nhạc đệm chỉ là những hợp âm căn bản trên chiếc guitar của ông, thỉnh thoảng có sự trợ lực của một người chơi contrebasse. Trên cái nền âm nhạc giản dị ấy, ca từ của ông nổi bật lên và trực tiếp thâm nhập vào cảm quan của khán giả. Tuy nhiên, khác hẳn với đa số nhạc sĩ viết ca khúc phổ thông đương thời vốn ưa đầu tư vào những lời ca ái tình dễ dãi và sáo mòn, Brassens mở rộng đề tài đến nhiều phương diện, kể cả những "taboo", của đời sống mà thể loại ca khúc phổ thông vốn hiếm khi tiếp cận. Bởi thế, ngay từ lúc vừa xuất hiện trước công chúng, ông đã trở thành một hiện tượng: "Le gorille", bài hát đầu tiên của ông được hãng Polydor ghi vào đĩa nhựa năm 1952, đã gây nên một làn sóng tranh luận dữ dội, và bị cấm sử dụng trên đài phát thanh Pháp cho đến năm 1955.
Hơn 15 năm sau đó, bài "Le gorille" [còn gọi là "Gare au gorille"] đã hoá thân thành bài Tục ca số 5, "Khỉ đột", mà Phạm Duy đã viết tại Sài Gòn, 1970. Hãy đọc lời tâm sự của Phạm Duy trong cuốn Ngàn lời ca:
Trong thời gian tôi đi học nhạc tại Pháp (1954-1955), tôi rất yêu thi sĩ kiêm ca nhạc sĩ Georges Brassens. Nghệ sĩ này nổi tiếng vì tính bất cần đời của ông. Khi ra sân khấu, ông không chào hỏi khán giả, ghếch một chân lên ghế, ôm đàn guitare hát với giọng hát đồng quê (accent du terroir) chứ không phải với giọng điêu luyện nhà nghề. Hát xong là đi thẳng vào hậu trường, không để ý tới tiếng vỗ tay của khán giả. Georges Brassens tự nhận mình là "le pornographe de la chanson", người viết nhạc khiêu dâm hay là "le polisson de la chanson", kẻ nói tục trong ca khúc. Trong số những bài ông gọi là "chansons grossières", tôi thích bài "Gare au gorille" và dịch nguyên văn để thành tục ca số 5 nhan đề "Khỉ đột".
Georges Brassens là một nghệ sĩ đa tài. Ông bước vào nghệ thuật qua những cánh cửa khác nhau. Ông đã viết tiểu thuyết (La lune écoute aux portes, 1947; La Tour des Miracles, 1953), kịch bản (Les Amoureux qui écrivent sur l'Eau, 1981), và hàng trăm ca khúc (ông đã được trao tặng Grands Prix du Disque de l'Académie Charles Cros năm 1954). Nhưng, trước hết và trên hết, ông là một nhà thơ.
Ông đã bắt đầu làm thơ lúc còn là một cậu bé 15 tuổi. Lúc ấy, ông cũng bắt đầu viết ca từ, nhưng vì chưa biết soạn nhạc, Brassens chỉ cố gắng đặt lời mới cho những giai điệu phổ thông mà ông yêu thích. Lên 16 tuổi, ông xuất bản 2 tập thơ mỏng, A la venvole và Des coups d'épée dans l'eau (1942). Đến năm 1954, ông xuất bản cuốn La Mauvaise Réputation: Poèmes et Chansons gồm thơ và ca từ. Và từ đó cho đến trước khi ông qua đời, thỉnh thoảng ông lại cho xuất bản một tập thơ và ca từ mới. Điều này cho ta thấy Brassens không phân biệt thơ và ca từ của mình: ca từ cũng là những bài thơ — những bài thơ được hát lên. Nhiều lời ca của Brassens đã đọng lại trong ký ức của người đương thời như những bài thơ hay, và ông đã được xem là một trong những nhà thơ hàng đầu của Pháp thời hậu chiến.
Năm 1967, Hàn Lâm Viện nước Pháp trao tặng "Grand Prix de Poésie de l'Académie Française" cho Brassens — đây là giải thưởng thi ca cao quý nhất của nước Pháp.
Nguồn:
http://tienve.org/home/li...rtwork&artworkId=4892
Georges Brassens (1921-1981) là một trong những khuôn mặt độc đáo trong lãnh vực ca khúc ở Pháp. Với tiếng nhạc đệm guitare mộc mạc và giọng ca thân mật như kể chuyện, những lời ca của Brassens đã mang đến cho giới thưởng ngoạn một thi vị hết sức mới mẻ. Là một người viết ca khúc đầy tài năng, nhưng vì tự học âm nhạc, Brassens không dấn thân vào những thử nghiệm phức tạp trong giai điệu và hoà âm. Ông tập trung chủ yếu vào ca từ. Giai điệu của ông bao giờ cũng đơn giản, dễ nhớ, vừa đủ để diễn cảm, và nhạc đệm chỉ là những hợp âm căn bản trên chiếc guitar của ông, thỉnh thoảng có sự trợ lực của một người chơi contrebasse. Trên cái nền âm nhạc giản dị ấy, ca từ của ông nổi bật lên và trực tiếp thâm nhập vào cảm quan của khán giả. Tuy nhiên, khác hẳn với đa số nhạc sĩ viết ca khúc phổ thông đương…