Với hơn 30 tập thơ, tập truyện viết cho thiếu nhi, Phạm Hổ là một tác giả được các em đặc biệt yêu quý. Sáng tác của ông thường nhằm vun đắp cho các em lòng yêu thương từ cây cỏ, loài vật đến con người. Sau đây là tâm sự của ông về một bài thơ được sáng tác khi các con của ông phải đi sơ tán - bài thơ khiến ông bây giờ mỗi lần đọc lại vẫn ứa nước mắt.

Tôi viết bài thơ này sau khi nhận được quà của Sông Đông gửi từ nơi sơ tán về. Đó là vào năm 1968, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn quyết liệt nhất, gia đình tôi phải sơ tán mỗi người một nơi. Tôi công tác tại Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn) nên cho Sông Hồng và Sông Đông đi sơ tán về Đông Du (Bắc Ninh) cùng con em cán bộ trong cơ quan. Sông Hương thì theo nhà tôi sơ tán cùng trường Đại học Tổng hợp ở trên Thái Nguyên. Cứ hằng tuần Toà soạn đều cho người xuống nắm tình hình sinh hoạt của các cháu.

Thời đó đời sống kinh tế khó khăn, nhưng đời sống tình cảm thật giàu có. Hình như người nào cũng vậy, hằng ngày họ nghĩ về người khác hơn là nghĩ về bản thân mình. Người ở thành phố sắm sửa các thứ để gửi về nơi sơ tán đã đành, người ở nơi sơ tán cũng luôn nghĩ tìm quà gì đó gửi về Hà Nội. Thường là mớ tôm, mớ cá mua ở chợ quê về kho mặn cho khỏi hỏng rồi gửi theo xe về thành phố. Sông Hồng và Sông Đông của tôi cũng theo người lớn đi chợ. Thấy người lớn mua tôm cá, hai đứa bàn nhau mua một củ khoai lang rõ to. Về nhà, thấy người lớn thổi lửa rơm kho tôm, nấu cá thì hai đứa nghĩ cách nướng khoai, vì đó là việc làm dễ nhất mà có thể làm được, để gửi về nhà cho bố mẹ.

Tình cờ hôm đó nhà tôi cũng từ Thái Nguyên về qua nhà. Nhận được khoai của con vừa mừng vừa tủi, biết tin là Sông Hồng và Sông Đông vẫn khoẻ mạnh. Bận công tác, đường sá xa xôi, nguy hiểm, thương nhớ con mà không biết làm thế nào. Chỉ chờ đến ngày chủ nhật để gửi xuống cho con ít bánh mỳ khô với lương khô. Phải nói thật, lúc đó Sông Đông còn bé quá, chỉ biết vùi khoai vào tro nóng, chứ không biết sống chín ra sao. Nên khi chúng tôi bóc khoai ra thì già nửa phần còn sống. Bố mẹ ăn khoai mà cảm nhận cái tình của con nhỏ nơi sơ tán, nước mắt rưng rưng.

Ta cùng nghe lại bài thơ đó:

CỦ KHOAI CỦA BÉ

Rủ nhau ra chợ
Chị, mớ cá nhỏ
Chị, mớ tôm con
Về, thổi lửa rơm
Về, đun lửa củi...

Tóc vương tro bụi
Con mắt đỏ hoe
Cá này tôm kia
Chiều về Hà Nội...

Quà gửi bố mẹ
Riêng bé loay hoay
Chọn một củ khoai

Đem vùi tro nóng
Làng xa sơ tán
Khoai về đến nhà
Mẹ nhận, bóc ra:
Nửa bên còn sống!

Khoai vẫn ngon lắm
Lòng con ngọt bùi
Mắt mẹ rớm ướt
Tay cầm chia đôi...
Khi viết bài thơ này, tôi cố gắng viết rất thật, không có sự trau chuốt lời thơ để phù hợp với suy nghĩ của Sông Đông cũng như phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi. Ngay đầu đề bài thơ cũng đã nói lên điều đó. Củ khoai của bé đã được in trong tập thơ Chú vịt con và khi Trung ương Đoàn Thanh niên, Hội Nhà văn mở cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi (1968) thì bài thơ đã được trao giải thưởng A. Đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại kỷ niệm về các con, tôi đều ứa nước mắt. Đất nước hoà bình, gia đình đoàn tụ, cuộc sống ấm no, tôi càng thấy yêu quý cuộc đời hơn. Và viết cho các em sẽ mãi mãi là sự lựa chọn cho cả cuộc đời tôi.


Nguyễn Thị Bích ghi
(Báo Văn nghệ Quân đội)
tửu tận tình do tại