Dưới đây là các bài dịch của Đằng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 19 trang (186 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Đồng hồ mặt trời ban đêm (Alessandro Mazzolini): Bản dịch của Đặng Đình Đàm

Giấc nồng Bá tước ngủ say
Muốn biết lúc này giờ giấc ra sao
Gọi Sam đầy tớ ngốc vào
Phán rằng:
"Mày hãy trình tao mấy giờ
Đồng hồ trời rọi ban trưa?"

"Bẩm ngài Bá tước - Sam thưa
Con nhìn mỏi mắt mà chưa thấy gì
Mặt trời đã sớm lặn đi
Chỉ còn bóng tối đen sì đó đây"

"Ôi mi, đích thực bò cày
Sao mày không rọi đèn này mà coi!"

Ảnh đại diện

Mùa anh đào (Jean-Baptiste Clément): Bản dịch của Đặng Anh Đào

Tặng nữ công nhân Louise dũng cảm, nhân viên quân y lưu động ở đường Fontaine-au-Roi ngày chủ nhật 28 tháng năm 1871

Khi với chúng ta mùa anh đào tới
Chim họa mi vui nhộn, sáo mỉa mai
Tất cả sẽ tưng bừng mở hội
Những cô gái xinh tươi sẽ như cuồng dại
Và các chàng trai tim chói lọi mặt trời
Khi với chúng ta, mùa anh đào tới
Tiếng sáo càng lảnh lót đùa vui

Nhưng mùa anh đào trôi qua, ngắn ngủi
Thời gian ta mơ mộng sánh vai
Cùng nhau đi hái chùm hạt hoa tai
Anh đào của tình yêu áo em màu ấy
Nhưng mùa anh đào trôi qua ngắn ngủi
Chùm hạt san hô, ta hái giữa giấc mơ

Khi với bạn, mùa anh đào tới
Nếu bạn e dè nỗi khổ của tình yêu
Xin bạn hãy lánh xa người đẹp
Tôi chẳng sợ đâu những dày vò tai ác ấy
Tôi chẳng sống mà một ngày kia không bị khổ đau
Khi với bạn, mùa anh đào tới
Bạn cũng mang theo những mối hận tình

Tôi yêu mãi anh đào thuở ấy
Tự những ngày xưa tim thường vẫn ứa
Vết thương
Và May mắn có hiến mình cho tôi chăng nữa
Chẳng thể nào dịu nỗi khổ đau
Tôi yêu mãi anh đào thuở ấy
Và kỷ niệm xưa ấp ủ giưã tim này

Ảnh đại diện

Người di cư ở phố Lando Road (Guillaume Apollinaire): Bản dịch của Đặng Thị Hạnh

Gửi André Billy

Tay cầm mũ anh do dự bước vào
Hàng một ông thợ may rất xịn
Cung ứng của nhà vua ông vừa cắt cổ
Mấy manơkanh mặc đúng kiểu mốt sang.

Đám đông nháo nhào xáo trộn
Lê trên đất những bóng người chẳng chút tình yêu
Và đôi lúc những bàn tay giống như những con chim trắng
Bay lên trời sáng loáng vệt hồ ao.

Này mai sẽ khởi hành con tàu tôi đi sang nước Mỹ
Với tiền kiếm được giữa thảo nguyên mơ mộng
Chẳng bao giờ tôi còn quay lại nơi đây
Để dìu bóng tôi đi mù mờ giữa phố xá tôi yêu.

Bởi trở lại từ Ấn Độ như người lính Anh thật sướng
Còn với tôi bọn buôn chứng khoán đã bán hết huân chương
Nhưng mặc áo mới tinh tôi muốn cuối cùng yên nghỉ
Dưới rặng cây đầy những khỉ và chim.

Các giá mẫu vì anh đã cởi và rũ bụi
Thử cho anh một bộ áo quần
Của một huân tước chết không kịp lấy
Hạ giá tiền mà quần áo thật sang

Từ phía ngoài năm qua tháng lại
Ngó nhìn vào tủ kính phía trong
Các giá mẫu giống như người tuẫn tiết
Rồi bước đi trói buộc vào nhau

Cài vào năm là những ngày goá bụa
Những thứ sáu tang tóc rầm rề
Mây trên trời lẫn đen và lẫn trắng
Còn ông trời vừa nắng lại vừa mưa

Rồi giữa một cảnh thu thẫn thờ cây lá
Khi tay của đám đông cũng vẫy như lá mùa thu
Trên boong tàu anh đặt va li ngồi xuống

Gió đại dương thổi lời đe doạ
Để lại trên tóc anh ẩm ướt những nụ hôn
Những người di cư vẫy tay buồn nản
Còn có người quỳ sụp xuống khóc than.

Anh cứ nhìn rất lâu bêb bờ xa cách mãi
Ở chân trời những con tàu bé bỏng run run
Một bó hoa bé tí dạt vào vô định
Phủ đại dương cả một mùa hoa nở mênh mang.

Anh những muốn bó hoa giống như danh tiếng
Bập bềnh trôi trên biển khác giữa cá heo
Và người ta dệt vào trong trí nhớ
Một tấm thảm in lại cuộc đời anh
Một tấm thảm dài vô cùng vô tận.

Nhưng để dìm chết các cô thợ dệt
Cứ không ngừng cật vấn hỏi tra
Anh sẽ kết hôn như một thống lĩnh cộng hoà.
Giữa tiếng kêu than của một nàng tiên cá

Hỡi biển kia hãy dâng mãi trong đêm Mắt của đàn cá nhám
Cho đến rạng đông hãy còn dòm ngó từ xa
Những xác chết ban ngày bị sao đêm róc rỉa
Giữa sóng xô và những lời thề hận cuối cùng.

Ảnh đại diện

Lễ vớt thi hài (Tahar Ben Jelloun): Bản dịch của Đặng Anh Đào



Cái xác từng là thân người không còn rong chơi dọc sông Tigre hay Euphrate
Xẻng xúc lên chẳng hoài niệm đớn đau
Xếp vào túi Plaxtic đen
Cái xác từng là tâm hồn là tên người và gương mặt
trở về cùng đất cát,



Cái xác từng là tiếng cười
rác rưởi và biệt tăm
Giờ đây bốc cháy.

Gió cuốn tro đi tới tận dòng sông.
Và nước tiếp nhận tựa nước mắt dư thừa sảng khoái.
Tro hoài niệm còn long lanh một mảnh đời đơn sơ, một cuộc đời bình dị,
với một khu vườn, vòi nước, sách vở qua loa.
Tro từ xác người thoát khỏi hố chôn công cộng
hiến cho bão cát.



Một tiếng nói cất lên từ giếng cạn,
từ thế kỷ xa xưa
khi Babylone hãy còn là bài cầu nguyện;
Vào cái thời cõi dương gian chưa thể chết,
con trẻ nói: cõi dương gian đau nhưng chưa chết đâu mà!
Bagdad đâu còn bụng
cứa hết mạch máu mình
cho thần dân đang đói khát
trên chiến trường chân dung gã đào mồ không vết bợn.



Vì đâu lịch sử chúng ta gieo vãi đầy thất bại?
Phải chăng đó là cơn tán loạn ngôn từ?
Một lớp bụi trắng trùm lên gương mặt
đó là một chút trời đã lấp mắt chúng ta.



Ôi những người Chí thiện!
Các vị đang nói về phẩm giá con người và lòng dũng cảm
Các vị phán hệt như trong sách
các vị đang thiết lập Luật và Quyền
hãy nói thử xem chúng tôi có thật đáng tôn xưng dưới đất
xác cùng hồn lẫn lộn
không tên
không ghi ngày tháng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Xô-nê (Alfred de Musset): Bản dịch của Đặng Thị Hạnh

Yêu đến thế khi mùa đông mới vừa run rẩy
Rạ dưới chân người đi săn không còn mềm mại!
Khi ác là bay về cánh đồng cỏ xanh thơm
Nơi lâu đài cũ, lửa cũng vừa nhen nhóm;

Đấy là thời về lại đô thành - Ôi năm qua lúc ta về gặp lại
Điện Louvre và vòm nhà quen thuộc
Paris và sương khói, và tất cả xứ sở diễm kiều
(Ta còn nghe tiếng người đánh ngựa hét lên trong gió)

Sao ta yêu tiết trời mờ xám, khách qua đường và cả sông Seine
Giữa muôn cây đèn lồng ngồi như bà chúa
Ta sắp gặp lại mùa đông - Và cả em, lẽ sống, cả em mà!

Ôi! trong những ánh nhìn dài ta sắp đắm hồn ta trong đó
Tôi cúi chào những bức tường của em - Bởi, thưa bà, ai dám nói
Rằng với tôi, lòng bà sớm đến thế đã đổi thay?

Ảnh đại diện

Ở Tây Ban Nha (Paul Éluard): Bản dịch của Đặng Anh Đào

Nếu ở Tây Ban Nha có một cây sơn bằng máu
Đó là cây tự do*

Nếu ở Tây Ban Nha có cái miệng lắm lời
Nó nói về tự do

Nếu ở Tây Ban Nha có li rượu vang thuần khiết
Người uống rượu là nhân dân


* Việc trồng "cây tự do" được thiết lập như một lễ tiết vào thời cách mạng Pháp (ND)
Ảnh đại diện

Trò chuyện (Jean Tardieu): Bản dịch của Đặng Anh Đào

(Trước ngưỡng cửa vẻ thật thà)

Trên trái đất thế nào tốt chứ?
- Tốt tốt thôi, mọi chuyện tốt thôi.

Lũ chó con phất đều đấy chứ?
- Lạy Chúa tôi, dạ được, cám ơn.

Và những đám mây?
- Bập bềnh.

Và núi lửa?
Chúng đang âm ỉ.

Và những con sông?
- Cứ chảy.

Và thời gian?
-Đang tiếp diễn

Và trái tim anh?
- Nó ốm
mùa xuân quá ngắt xanh
trái tim ăn quá nhiều rau sống.

Ảnh đại diện

Long thành cầm giả ca (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Tên họ chi ta không biết rõ
Thạo Nguyễn cầm nên có tên Cầm
Khúc kia Cung Phụng nhất trần
Ngày thơ được học nhạc thần chầu vua
Đã một lần thuở xưa gặp gỡ
Bên bờ hồ cuộc dạ yến sang
Tuổi hai mươi mốt cô nàng
Mặt hoa áo thắm còn tham rượu nồng
Theo ngón tay năm cung réo rắt
Tiếng khoan như gió mát rừng thông
Hạc kêu cao thẳm tiếng trong
Mạnh như sét đánh vỡ tung bia mồ
Đau Trang Tịch ngâm thơ tiếng Việt
Người nghe đều mê mệt lời ca
Khúc đâu đại nội Trung Hoà
Tây Sơn quan chức nghe mà đảo điên
Mải vui suốt cả đêm không chán
Hai bên người tranh cạnh thưởng tài
Tiền như bùn đất vãi rơi
Hào hoa khí phái vượt nơi vương hầu
Đám Ngũ Lăng còn đâu đáng kể
Băm sáu cung xuân để mà coi
Đúc chung vật báu trên đời
Của kia vô giá đất trời Trường An
Nay đã hai mươi năm tiệc ấy
Sau Tây Sơn chiến bại, vào Nam
Long Thành chẳng thấy tấc gang
Huống chi tiệc múa mơ màng thành xưa
Quan Tuyên Phủ vui mua cuộc hát
Đám ca nhi tươi mát xuân xanh
Mà sao một mái hoa râm
Mặt gầy khô héo nhỏ thân hình hài
Không điểm tô nét mày phờ phạc
Ai biết từng đệ nhất tài danh
Khúc xưa réo rắt dây đàn
Nghe tuôn nước mắt từng làn âm thanh
Tai lắng nghe mà đành chua xót
Hai mươi năm chuyện trước là đây
Bên hồ chiếu tiệc mê say
Đã từng gặp gỡ những ngày thơ ngây
Thành quách suy việc thay người đổi
Bao nương dâu thành bãi biển xanh
Tây Sơn cơ nghiệp tan tành
Trong làng múa hát còn đành một ai
Một cuộc thế không đầy chớp mắt
Cảm việc xưa lệ ướt áo này
Từ Nam về tóc trắng mây
Trách chi người đẹp tàn phai má đào
Trừng trừng hai mắt nhìn nhau
Cố nhân chẳng biết khác nào người dưng

Ảnh đại diện

Miết trì (Chu Văn An): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Trăng nước bên cầu cợt bóng chiều
Hoa sen tựa lá lặng thầm yêu
Ao xưa cá nổi, rồng đâu tá?
Núi vắng mây tràn, hạc mất tiêu
Gốc quế gió đưa thơm lối đá
Cửa tùng bóng lấp đẫm bờ rêu
Tấc riêng chưa lạnh màu tro xám
Nghe nhắc tiên vương lệ rớt nhiều

Ảnh đại diện

Bồn liên thi đáp Di Xuân thứ vận (Cao Bá Quát): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Hoa sen lâu không gặp
Vắng thơ hay ta làm
Ngậm hương buồn chẳng nở
Nhờ anh trước trông nom
Rào thưa cúc chưa hé
Hang tối lan cũng gầy
Xem anh năm đấu nước
Dốc cạn mấy ao đầy
Mưa tạnh trời không mây
Trong suốt như thuỷ tinh
Rỡ ràng soi bóng lẻ
Vòi vọi dáng cao thanh
Lạnh nóng sao cho đủ
Khô ẩm phải theo thời
Lỡ khi thật đáng tiếc
Được ngắm đáng công thôi
Cô bán hoa buồn bã
Nắng nôi thêm tất tả
Phàm phu lí thú gì
Mặt mày rầu rĩ quá
Biết anh chưa nỡ hái
Báo người yêu hoa hay

Trang trong tổng số 19 trang (186 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [3] [4] [5] [6] [7] [8] [9] ... ›Trang sau »Trang cuối