Dưới đây là các bài dịch của Đằng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 19 trang (183 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Tây Hà dịch (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Cầu đá xanh bên bờ
Còn y xóm nhỏ xưa
Đường tiếng người chộn rộn
Nhà bóng trúc lưa thưa
Gốc rạ đốt lò sớm
Câu đối đợi giao thừa
Gặp nhau không biết nói
Chỉ nhoẻn miệng cười trừ

Ảnh đại diện

Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Nơi Lương thái tử từng chia kinh
Hai chữ “Phân kinh” khắc rõ rành
Nền đá góc gai mưa bụi lấp
Trăm loài cỏ lạnh chết điêu linh
Chẳng thấy kinh xưa để lại đâu
Chỉ nghe kể chuyện đã từ lâu
Chiêu Minh thái tử mê văn tự
Chú giải lôi thôi chữ với câu
Phật vốn là không, chẳng vướng vật
Sao lại đem kinh chia với cắt?
Văn thiêng không nhờ ngôn ngữ khoa
Chi là Kim Cương, chi Pháp Hoa?
Sắc Không cảnh giới mù không hiểu
Theo Phật, u mê, Phật hoá ma
Cha con một họ cùng đui cả
Một niệm dấy lên, đến cửa ma
Lăng núi, đài sen không nổi dậy
Một hôm ngựa trắng vượt Trường Giang
Rừng cây nước Sở bừng bừng cháy
Kinh biến ra tro, đài sụp tan
Muôn nghìn lời cũng hoàn vô ích
Sư ngu hậu thế tụng lăng nhăng
Thế Tôn ở núi Linh truyền Pháp
Cứu người nhiều tựa cát sông Hằng
Người hiểu tâm này, người tự độ
Linh Sơn chính ở lòng ta đó
Gương sáng chẳng phải đài
Bồ đề cây không có
Ta đọc Kim Cương quá số nghìn
Yếu chỉ bên trong chưa thực rõ
Đến đây, nền đá đài “Chia kinh”
“Không chữ” chân kinh, giờ mới tỏ

Ảnh đại diện

Tiềm Sơn đạo trung (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Vốn tánh ta yêu núi
Xa rồi nhớ biết bao
Tiềm Sơn đi tới chốn
Hồng Lĩnh giống làm sao
Vượn hú trời mây ráng
Hạc làm tổ tùng cao
Hẳn người trong núi đó
Có biết ta đâu nào

Ảnh đại diện

Từ Châu dạ (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Đường đi tránh giặc giã
Đêm lạnh bến sông neo
Hướng nước Nam, trăng lớn
Vào Từ Châu, núi nhiều
Thành ngoài binh giáp chật
Thành nội trống đàn reo
Dương liễu bên đường héo
Đầy cành, nghe quạ kêu

Ảnh đại diện

Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Ba vui ai cũng có
Sao biết mình ông thôi?
Nghèo sống đã không bận
Chết già chi giận đời?
Đông Sơn đồng bát ngát
Lúa mót lời ca vui
Tiếng bậc hiền còn đó
Người ta nhớ vạn đời

Ảnh đại diện

Thương Ngô Trúc chi ca kỳ 12 (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Thuyền quế chèo lan sóng dập dìu
Qua qua lại lại biết bao nhiêu
Dăm ba thuyền vẽ còn ghi nhớ
Áo vải phong lưu rộn sớm chiều

Ảnh đại diện

Thương Ngô Trúc chi ca kỳ 11 (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Mười chiếc thuyền rồng thẳng một hàng
Vang rền chiêng trống điếu Linh quân
Ham vui cô gái cài hoa cúc
Nhảy vọt đầu thuyền chẳng nể nang

Ảnh đại diện

Thương Ngô Trúc chi ca kỳ 10 (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Điếu thước hai, bằng trúc đốm bông,
Vũ Tiền trà tỏa đượm hương nồng.
Người qua kẻ lại không thèm hỏi,
Dựa cửa thuyền đúng gái giận chồng.

Ảnh đại diện

Thương Ngô Trúc chi ca kỳ 08 (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Giữa lòng sông mọc núi Kê Lung
Sóng nước mênh mang khói mịt mùng
Hẹn với nhà đông thuyền mái sẵn
Gác Thiên phi đến thắp hương cùng

Ảnh đại diện

Thương Ngô Trúc chi ca kỳ 07 (Nguyễn Du): Bản dịch của Đặng Thế Kiệt

Sông dài khói sóng nước mông mênh
Dăm chiếc du thuyền lướt bóng đêm
Trăng vắng, đèn không, nhìn chẳng thấy
Tiếng tì nghe vẳng đáy sông lên

Trang trong tổng số 19 trang (183 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối