經吾溪其一

水色雲容塋一壺,
溪邊錄樹蔭平蕪。
天留勝棨江山秀,
人占高閒竹石娛。
文字到今稱二絕,
亭臺終古誌三吾。
遠來有客停橈望,
好把風光入畫圖。

 

Kinh Ngô Khê kỳ 1

Thuỷ sắc vân dung oanh nhất hồ,
Khê biên lục thụ ấm bình vu.
Thiên lưu thắng khải giang san tú,
Nhân chiếm cao nhàn trúc thạch ngu.
Văn tự đáo kim xưng nhị tuyệt,
Đình đài chung cổ chí Tam Ngô.
Viễn lai hữu khách đình nhiêu vọng,
Hảo bả phong quang nhập hoạ đồ.

 

Dịch nghĩa

Một bầu trong suốt, vẻ mây sắc nước,
Cây xanh bên suối toả bóng trên bãi rộng hoang sơ.
Trời lưu lại thắng cảnh, làm cho núi sông đẹp đẽ,
Người chiếm lấy nơi cao nhã, vui với đá, trúc.
Văn tự đến nay còn lưu danh nhị tuyệt,
Đình đài từ xưa, ghi rõ “Tam Ngô”.
Có khách từ phương xa đến, dừng chèo xa ngóng,
Hãy khéo đem cảnh sắc ấy mà đưa vào bức hoạ.


Nguyên dẫn: “Vị chí Kỳ Dương huyện sổ tứ lý, giang ngạn cô sơn lâm lưu, sơn hạ hữu tiểu khê hồi nhiễu viết Ngô Khê, Đường Nguyên Kết thứ Đạo Châu, ái Kỳ Dương sơn thuỷ, nhân di gia cư yên. Sơn nhai hữu thạch phương kính phỏng nhị xích hứa sắc hắc, dĩ thuỷ phất thức kỳ quang khả giám; hữu cổ triện thạch tự công lợi ‘như đăng bỉ ngạn’ tự. Sơn thượng hữu đình viết Ngô đình, đài viết Ngô đài, vị chi Tam Ngô. Đài chi bàng tạc thạch vi Oa tôn, bàng hữu thạch khắc ‘Oa tôn dạ nguyệt’. Tại thử, hựu Nguyên Công sở soạn ‘Đại Đường trung hưng tụng’, Nhan Chân thư chi khắc vu nham bích, thế xưng nhị tuyệt. Khê thượng giá kiều, bàng hữu Nguyên Nhan nhị công từ, ngạch biển ‘Song thiên cổ miếu’, cảnh trí thậm giác u nhã. Ngã quốc sứ bộ tòng tiền đa hữu đề liệt.” 未至祁陽縣數四里,江岸孤山臨流,山下有小溪迴繞曰吾溪。唐元結刺道州愛祁陽山水因移家居焉。山崖有石方徑倣二尺許色黑以水拂拭其光可鑑;有古篆石,字工利如登彼岸字。山上有亭曰吾亭,臺曰吾臺,謂之三吾。臺之旁鑿石為窊尊 (nguyên viết 鐏),旁有石刻窊尊夜月在此。又元公所撰大唐中興頌,顏真書之刻于岩壁,世稱二絕。溪上架橋,旁有元顏二公祠,額扁双千古庙,景致甚覺幽雅。我國使部從前多有題列。 (Cách Kỳ Dương khoảng 4 dặm, bên sông có ngọn núi đứng lẻ loi; dưới chân núi có dòng suối nhỏ chảy quanh, gọi là Ngô Khê. Quan Thứ sử Đạo Châu đời Đường là Nguyên Kết, rất thích phong cảnh núi non ở Kỳ Dương; vì thế chuyển nhà đến ở đó. Trên sườn núi có phiến đá vuông rộng khoảng 2 thước, màu đen bóng, lấy nước lau sạch có thể soi gương được; trên có khắc chữ triện nét sắc đẹp “Như đăng bỉ ngạn” [Như lên bờ bên kia]. Trên núi có đình, gọi là Ngô đình, có đài gọi là Ngô đài; vị chi là Tam Ngô; bên đài có đục đá thành một cái chén lõm, khắc chữ “Oa tôn dạ nguyệt” [Trăng đêm trong chén]. Tại đây lại có tác phẩm Đại Đường trung hưng tụng do Nguyên Kết soạn, Nhan Chân Khanh viết chữ khắc trên vách đá, người đời khen là nhị tuyệt. Trên dòng suối cho bắc cây cầu đá, bên cạnh có đền thờ hai ông Nguyên và Nhan; trên biển ghi “Song thiên cổ miếu”, cảnh trí thật u nhã. Sứ bộ nước ta từ trước qua đây đều có thơ đề vịnh.)

Ngô Khê là con suối ở phía tây huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam khoảng 5 dặm. Nguyên Kết người đời Đường trong bài tựa tấm bia “Ngô Khê” ở tác phẩm Nguyên Thứ Sơn tập, viết: “Ngô khê ở phía nam dòng sông Tương, sườn phía bắc núi. Vì thích sự kỳ thú của nó bèn dời nhà đến ở bên con suối. Suối lúc đầu không có tên, nhưng vì thích phong cảnh nơi đây nên đặt tên là Ngô Khê”. Ông lại xây đài, gọi là Ngô đài, xây đình gọi là Ngô đình, vì thế gọi là Tam Ngô. Theo Trung Quốc danh thắng từ điển thì sau Nguyên Kết nhiều thi nhân các đời đều có thơ khắc đá, trong đó hiện còn lưu được 4 bài đề vịnh của các sứ thần Việt Nam.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]