Thơ » Nga » Aleksandr Pushkin » Yevgeny Onegin (1833) » Chương năm
Đăng bởi Tung Cuong vào 04/07/2022 13:44
В тот год осенняя погода
Стояла долго на дворе,
Зимы ждала, ждала природа.
Снег выпал только в январе
На третье в ночь. Проснувшись рано,
В окно увидела Татьяна
Поутру побелевший двор,
Куртины, кровли и забор,
На стеклах легкие узоры,
Деревья в зимнем серебре,
Сорок веселых на дворе
И мягко устланные горы
Зимы блистательным ковром.
Все ярко, все бело кругом.
Trang trong tổng số 1 trang (5 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Tung Cuong ngày 04/07/2022 13:44
Đã sửa 10 lần, lần cuối bởi Tung Cuong ngày 24/03/2024 16:54
Vào năm đó, mùa thu lưu luyến mãi,
Nấn ná rõ lâu, như mong ở lại,
Cả đất trời ngóng đợi mùa đông về.
Mãi tháng giêng, mới có tuyết đầu mùa
Sáng mồng ba, tuyết rơi. Tờ mờ đã dậy
Qua cửa sổ, Tachiana nhìn ra thấy:
Trời sáng rồi, tuyết phủ trắng cả sân,
Cả bồn hoa, mái nhà với bờ giậu bao quanh,
Trên mặt kính in các hình băng nguệch ngoạc
Cây cỏ khoác áo mùa đông màu bạc,
Chim ác là kêu quang quác ngoài sân,
Khắp núi đồi phủ khăn tuyết mỏng tang,
Mùa đông đến trải thảm long lanh khắp chốn.
Mọi vật sáng ngời, trắng trong, trắng muốt.
Gửi bởi Tung Cuong ngày 07/07/2022 06:04
Đã sửa 5 lần, lần cuối bởi Tung Cuong ngày 29/05/2023 14:51
I. Lời đề từ:
О, не знай сих страшных снов,
Ты, моя Светлана!
Жуковский
Mong nàng không phải qua những cơn ác mộng này
Hỡi nàng Svetlana của tôi ơi!
Giukốpski
II. V. Nabôkôp
Cấu trúc của “Evghênhi Ônhêghin “
Chương năm
Chương năm có 42 khổ: I-XXXVI, XXXIX-XLII, XLIV-XLV. Xét về hình thức, chương năm là tuyệt vời, miễn chê và là một trong hai chương được viết phong phú màu sắc nhất, độc đáo nhất trong cuốn tiểu thuyết bằng thơ (cùng với chương một). Hai cốt truyện có quan hệ khăng khít với nhau - đây là giấc mơ của Tachiana (11 khổ, XI -XXI) và việc tổ chức lễ thánh cho Tachiana (18 khổ từ khổ XXV tới cuối chương). Giấc mơ đã báo mộng trước những gì sẽ xảy ra trong lễ sinh nhật. Giữa hai sự kiện này là phần miêu tả người nằm mơ. Mười khổ, từ I tới X, hợp thành màn dạo đầu gồm nhiều khổ đan xen vào nhau một cách hài hoà, từ khổ này sang khổ khác, chuẩn bị để kể về giấc mơ, được bắt đầu từ miêu tả cảnh mùa đông (I-III), rồi kế đó, vẽ lên một loạt bức tranh minh hoạ cho các phong tục xem bói trong dịp lễ giáng sinh và đạt tới đỉnh điểm qua những sự cố diễn biến dữ dội trong giấc mộng của Tachiana. Những cảm xúc do giấc mộng gây ra xuyên suốt ngày lễ thánh và cả sau này, trong cuộc đấu súng. (Nói chung, liệu có hợp lý, có đáng phải bỏ ra từng ấy công sức và mời đến 50 vị khách tới dự lễ thánh của Tachiana vào ngày 12 tháng giêng, trong lúc mà cả gia đình bà Larin đúng ra phải dồn sức lực cho việc tổ chức lễ cưới của Lenski và Ônga, đã định sẵn vào ngày 15 hay 16 tháng giêng?)
Chủ đề chính của EO, xét theo cả ý nghĩa, lẫn việc tý lệ phân bố trong văn bản, là chủ đề định mệnh, số phận. Chủ đề này được vạch ra nhờ mô tip “chữ tài liền với chữ tai một vần” nó xuyên suốt chương hai (với đoạn độc thoại của Lenski khi đứng bên mồ ông Larin, như nắm bắt được giọng điệu chủ đạo trong bài thơ ai điếu của chàng, một bài thơ ai điếu đúng nghĩa ở chương sáu) nó được đưa vào chương năm ở đoạn giữa tiểu thuyết và nhận được hồi âm trong chương tám, XXXVI -XXXVII, trong các khổ này, Tưởng tượng đã tiếp xúc được với Ônhêghin khi chàng ngồi bên chiếc bàn số phận và Tưởng tượng vung vẩy quân bài số phận trước mặt Ônhêghin.
(V. Nabôkôp, sách đã dẫn, Tr.23)
III.
Khổ I-III: Trong chương trước, mùa đông đã về; tháng mười một được tả ở chương 4, XL, và sau đó là cảnh trời rét vào tháng mười hai. Tuyết đầu mùa đã được nói tới ở cuối chương 4, XLII, thực ra tuyết mỏng chỉ để lại chút ẩm ướt thoảng qua, và mãi tới lúc này, ở khổ I, chương năm, ngày hai tháng giêng năm 1821, mới miêu tả cảnh tuyết rơi như tấm chăn phủ trắng khu sân. Trở dậy lúc sáng ngày mồng ba, Tachiana đã thấy cảnh khu sân tuyết phủ trắng tinh. Khổ hai gợi nhớ bức tranh phong cảnh tuyết tuyệt vời theo trường phái Phlamand - sự tiếp tục bức tranh tuyết trong tháng mười một và mười hai, được vẽ hoàn chỉnh trong chương 4, XLI-XLII. Khổ ba mang thông điệp hướng tới các chủ đề có tính nghiệp vụ. Khổ này nhắc tới tên tuổi hai nhà văn, là bạn của Puskin - nhà thơ Viademxky (ông còn được nhắc đến ở chương 7, XLIX, 9-11) và nhà thơ Baratuwnxki (người đã được nói tới trước đó, chương 3, XXX, và 4, XXX, 7).
(V. Nabôkôp, sách đã đẫn,Tr.23)
IV.
Khổ XI-XXI
Cơn mộng. Trong giấc mơ của Tachiana có một số thành tố cấu trúc thú vị. Dòng suối sôi réo cuồn cuộn chính là dòng suối hiền hoà, bình thường, đã được phóng đại lên nhiều lần trong giấc mộng, suối nảy chẩy gần chiếc ghế nơi Tachiana đã ngồi phệt xuống, khi trốn chạy do không muốn gặp Ônhêghin ở chương ba, XXXVIII, 13. Bên cạnh nhánh suối nhỏ của con suối êm đềm này là nơi chôn cất Lenski ở chương sáu, XL, 9. Cũng dòng suối này tượng trưng cho chướng ngại ngăn cách giữa Tachiana và Ônhêghin. Trong lúc mơ, nàng đã vượt qua suối nhờ sự giúp đỡ của một con gấu lớn. Con gấu này hoá ra được Ônhêghin đỡ đầu, giống y như chuyện viên tướng dáng người to như gấu, sau này là chồng của Tachiana, khi ông xuất hiện ở chương tám, thì ra, ông là người có họ và là bạn của Ônhêghin. Những con quái vật có mặt trong phòng, ngồi quanh bàn trong giấc mộng, khi Ônhêghin có mặt, dáng dấp như ông chủ của chúng, xét theo quan hệ chủ đề thì được lặp lại qua hình tượng những người khách được hoá trang nghịch dị đến dự lễ thánh của Tachiana, đã ngầm báo mộng trước sẽ có cuộc cãi vã nhau giữa Ônhêghin và Lenski và cảnh Tachiana hốt hoảng thức giấc thoát khỏi cơn mơ.
(V. Nabôkôp,sách đã dẫn, tr.23)
Gửi bởi Tung Cuong ngày 06/08/2023 08:42
Đã sửa 3 lần, lần cuối bởi Tung Cuong ngày 12/11/2023 10:32
Cuộc sống của Đantes và Ekaterina sau cái chết của Puskin
Khi đang trên đỉnh danh vọng thi ca, thì Puskin với Natalia Nhikôlaiepna là đôi vợ chồng nổi danh nhất. Nhưng nhà thơ là người cả ghen và hay tự ái, nên Đantes đã lợi dụng điểm yếu này của nhà thơ và anh ta không chỉ đơn giản tán tỉnh Natalia, mà còn tung tin đồn khắp thành phố Peterburg. Có nhiều sự kiện dẫn đến cuộc đấu súng. Trong lúc xung đột, Ekaterina đã chọn phe chồng, nàng bảo vệ Đantes, điều này được nhắc đến trong thư của bá tước Phikenmôn.
Sau khi Puskin chết, vào tháng ba năm 1837, Ghekkeren bị triệu hồi về nước, Nga hoàng nói thẳng lý do ngài không muốn có sự hiện diện của Ghekkeren tại Nga, Đantes bị tước danh hiệu sỹ quan, sa thải về làm lính và bị kết án tử hình, nhưng được thay bằng trục xuất khỏi Nga.
Sôphía Karamdina khi tả lại cuộc gặp gỡ cuối cùng giữa hai chị em sau khi Puskin đã mất, và trước khi Natalia Puskina rời Peterburg về quê, có nói rằng, lúc đầu, Ekaterina vẫn cười cười, nói nói, và khẳng định nàng đang hạnh phúc. Theo ý kiến của hai tác giả Ôbôđôpskaia và Đemenchiep, thì Karamdina không hiểu rằng, Ekaterina đã bắt đầu cuộc sống hai mặt “mà nàng buộc phải chấp nhận…. cho tới khi chết”. Và trong buổi gặp mặt cuối cùng với người ruột thịt, Ekaterina không muốn thừa nhận cả mình lẫn cha con Ghekkeren - Đantes có lỗi. Chỉ tới khi, Ekaterina bật ra rằng nàng “tha lỗi cho Puskin “thì bà dì [Dagriagskaia] mới bùng nổ, nói tuột ra hết cho cháu gái Ekaterina những gì bà nghĩ để đáp lời cháu gái vừa nói, và chính việc người dì giảng giải, phân tích lẽ đúng sai đã giúp Ekaterina bừng tỉnh và hiểu rõ phần nào lỗi của nàng và làm Ekaterina bật khóc rơi nước mắt” [48] [K 15]
Hai chị em Ekaterina và Natalia đã gặp nhau để rồi chia tay nhau, có lẽ là, mãi mãi. Sau cuộc chia ly này, họ không một lần gặp lại nhau. Trong thư gửi cho anh trai Dmitri từ nước ngoài, Ekaterina có nhắc tới hai lá thư nàng nhận được của hai em gái.[K34]. Theo lời kể của con gái với đời chồng sau là Arapôva, thì Natalia gần như không bao giờ nhắc đến tên chị gái Ekaterina.
Đang bụng mang dạ chửa, Ekaterina đã lên đường ra đi theo chồng. Đôi vợ chồng Đantes và Ekaterina đã dọn về sống cùng cha ruột của Đantes tại Suls. Cha ruột của Đantes là một địa chủ giầu có. Cha nuôi có nền tảng kinh tế rất ổn.Từ 1837 đến 1843, nàng đã sinh cho Đantes 5 người con gồm ba gái, hai trai, nhưng một bé trai đã mất ngay khi sinh.
Ekaterina sống không hạnh phúc. Ông chồng đẹp mã hoá ra là người tính toán rất chi li, lạnh lùng, không niềm nở. Họ bị xã hội xem thường, họ hàng người Nga ngại gặp họ. Do mong mỏi sinh cho chồng con trai nối dõi tông đường, sau khi sinh ba con gái, nàng đã chăm chỉ đến nhà nguyện gần nhà, đi chân trần trong nhà thờ công giáo và cầu nguyện Chúa hàng giờ liền. Tháng chín năm 1863, nàng sinh hạ một bé trai, đặt tên là Lui Giô zep, Ekaterina qua đời một tháng sau, do sốt hậu sản, khi nàng mới vẻn vẹn 34 tuổi.
Thực tế, suốt đời nàng phải mang danh “vợ của kẻ đã giết chết Mặt trời thi ca Nga”.
Ekaterina chỉ thư từ thường xuyên với anh trai Dmitri để nhắc anh gửi cho nàng tiền (5000 rúp /năm) là khoản nhà đã hứa cho Ekaterina làm của hồi môn, vì lúc đầu Đmitri còn gửi đều đặn, sau thưa dần và rồi dừng hằn. Đmitri lấy lý do nhà đang vỡ nợ nên không thể gửi tiền được. Đantes sau này có khởi kiện ra toà vài lần đòi Đmitri trả một phần của thừa kế do bố mẹ để lại, nhưng Đmitri đã trình giấy tờ chứng nhận phá sản nên Đantes đành chịu thua kiện, không đòi được phần thừa kế.
Dường như, nếu bình thường thi câu chuyện tới đây là kết thúc, nhưng không, với Đantes đó lại là sự mở đầu cho cuộc sống mới đầy thuận lợi. Nói ra nghe như sống sượng, nhưng quả thật, số phận lại quay theo dòng chảy khác, đầy may mắn, sau phát súng định mệnh kia. Việc tước danh hiệu sỹ quan và đuổi khỏi Nga đã không quật ngã anh ta: sau khi sống vài năm trong ô nhục, ở Eldaz, sau này, anh ta đã có sự nghiệp chính trị chói sáng. Thời gian đầu, anh ta là uỷ viên hội đồng thành phố, tiếp sau đó, làm thị trưởng thành phố Suls. Sau khi gia nhập đảng của Napoleon III, anh ta trở thành thượng nghị sỹ (Luy Bonapac đã không quên người trợ thủ trung thành, khi lên cầm quyền sau đảo chính).
Có một chuyện thú vị là, cho đến phút cuối đời mình, Đantes luôn giữ lòng chung thuỷ với Ekaterina. Vợ đã chết năm 34 tuổi, không lâu sau khi sinh con thứ tư là một bé trai, nhưng Đantes vẫn ở vậy không đi bước nữa, mà hết lòng nuôi dậy các con, vui vầy cùng bầy cháu, sống thọ tới 83 tuổi.
Việc trả giá cho tội giết chết nhà thơ Puskin cũng đến với Đantes một cách chẳng ai ngờ: cô con gái thứ ba của Đantes, có tên là Leônhi, theo cách nói của Luy Giô zep, anh trai cô bé thì Leonhi là “người Nga ngấm sâu trong máu thịt”. Cô bé đã tự học tiếng Nga giỏi đến mức “biết nói và viết tiếng Nga còn tốt hơn chính nhiều người Nga đấy.” Leonhi yêu mến nước Nga và Puskin, thuộc lòng nhiều tác phẩm của Puskin. Cô đã tốt nghiệp tại gia khoá học của trường Bách khoa và “theo lời các giáo sư của cô, cô luôn ở vị trí hàng đầu.”
Và không một ai, kể từ tuổi ấu thơ, đã nói cho cô bé biết chuyện ai là nguyên nhân gây ra cái chết cho Puskin. Cuối cùng, tình cờ một tờ báo Nga đã lọt vào tay cô bé, cô mới biết ai đã giết nhà thơ mà cô thần tượng. Cô chân thành tin rằng cuộc đấu súng giữa bố cô và Puskin diễn ra không theo luật danh dự. Trong một lần gia đình họp mặt đông đủ, cô đã gọi bố cô là sát nhân. Cô gái chìm đắm trong bi kịch này và sức khoẻ tâm lí của cô xấu đi trông thấy. Do mệt mỏi trước thái độ của con gái, khi con gái 18 tuổi, Dantes đã đưa cô vào trại tâm thần, cô đã ở trại 30 năm và mất tại đó.
Gửi bởi hongha83 ngày 16/11/2023 22:06
Giogiơ Shac Dantes (cách viết đúng hơn là: d’ Antes), nam tước, sau khi được nhận làm con nuôi, mang họ:Ghekkeren (tiếng Pháp: Georges Charles de Heeckeren d’Anthès,), trong nhiều văn bản, giấy tờ ở Nga là барон Георг[К 1] Карл де Геккерен[1], sinh: 5 tháng hai 1812, Kô lma, vùng Thượng Rên, Pháp; mất: 2 tháng mười một 1895, thành phố Suls, Eldas Lotaringia, Đế quốc Đức, sỹ quan khinh kị cận vệ Pháp, người phe bảo hoàng, theo đạo thiên chúa giáo. Những năm 1830, phục vụ trong trung đoàn khinh kị, con nuôi của nhà ngoại giao Hà Lan Lui Ghekeren. Có vợ (từ 10/1/1837) tên Ekaterina Nhikôlaiepna Gontrarôva (là chị cả của vợ Puskin). Mang danh là người đã giết chết Puskin. Sau đấu súng, bị tước hết mọi danh hiệu sỹ quan và trục xuất khỏi Nga. Sau đó tham gia chính trường, là thượng nghị sỹ Đế quốc Đệ nhị (Pháp.)
Người giới thiệu Dantes với xã hội thượng lưu Petersburg là nam tước Lui Ghekkeren, hồi đó đang là công sứ Hoàng gia Hà Lan. Dantes và Ghekkeren đến Petersburg vào cùng một thời gian, hoàn cảnh nào họ gặp nhau, ta chưa được biết. A.P.Arapôva có viết kể rằng, Dantes bị ốm trên đường đi sang Nga và Ghekkeren đã dừng lại nghỉ tại cùng một khách sạn, Ghekkeren rất thương cảm khi thấy người thanh niên đang ốm mệt, và ông luôn ở bên, không rời người ốm một bước chân. Metman không thông báo gì thêm về buổi gặp gỡ đầu tiên của Dantes và Ghekkeren. Chuyện này có độ chính xác đến mức nào, ta chưa thể khẳng định được. Cách cư xử của Dantes, thái độ “xấc xược mà mọi người thường bỏ qua cho Dantes vì là “người nước ngoài”“(Trubetskôi), những câu đùa và trò chơi chữ càng làm uy tín của anh ta nổi danh hơn trong xã hội thượng lưu. Lúc ban đầu, theo lời kể của Sôbôlépki, thì chính Puskin cũng mến Dantes.[15]
Sau này, năm 1836, nam tước Ghekkeren nhận Dantes làm con nuôi. Mẹ của Dantes đã chết năm 1832, nhưng cha vẫn còn sống, cha ruột của Dantes ngỏ lời cám ơn về đề nghị hoàn toàn khác thường này [16]. Ngày 15 tháng bảy năm 1836, ban hành lệnh từ cấp cao nhất về việc “cho phép sỹ quan, nam tước Dantes được mang tên nam tước Ghekkeren”. Việc nhận con nuôi cũng được thừa nhận chính thức ở Nga. Bằng sự cho phép của hoàng đế Hà Lan và Hội đồng quý tộc tối cao vào tháng năm 1836, Dantes được cấp quốc tịch Hà Lan, được phong quý tộc Hà Lan, và được quyền mang họ Ghekkeren. Sau này, mới phát hiện ra là, xét theo các cơ sở chính thức, Dantes thật sự chưa thành công dân Hà Lan, dù rằng, vẫn là quý tộc Hà Lan[17] [18].
Ghekkeren chưa phải là cha nuôi vì chưa đáp ứng các yêu cầu của luật pháp: Ghekkeren chưa đến 50 tuổi, thời gian làm quen với Dantes mới có 3 năm. Thêm vào đó, người được nhận làm con nuôi phải là trẻ vị thành niên. Nhưng thậm chí ngay trong trường hợp, việc nhận con nuôi được công nhận, thì việc công bố chính thức cũng không được sớm hơn một năm sau đó, nghĩa là phải vào ngày 5 tháng năm 1837 [19]. Thông báo Ghekkeren nhận Dantes làm con nuôi khiến thế giới thượng lưu Petersburg phải ngạc nhiên, nhiều người cho rằng, Đantes là họ hàng xa hay thậm chí là con rơi của Ghekkeren. Sau khi nghiên cứu phả hệ của Dantes, P.E. Sheghôlep đã chứng minh rằng, giữa hai người này không có quan hệ họ hàng gì cả. Thực tế không có chứng cứ khẳng định rằng, Dantes là con rơi của Ghekkeren, như lời đồn đại trong xã hội. Một vài nhà nghiên cứu (trong số này, do dựa vào lời của bạn bè của Dantes, chẳng hạn, A.B. Trubetskôi) cho rằng, Ghekkeren và Dantes có quan hệ đồng tính với nhau [21].
Đantes thường có nhiều việc trò đùa tai quái, - bá tước Trubetskôi đã xác nhận,- nhưng hoàn toàn không xấu và là hành vi hay gặp ở tuổi trẻ, trừ một chuyện, mà nói chung, chúng tôi mãi sau này mới biết. Tôi không biết diễn đạt thế nào cho đúng: Dantes sống với Ghekkeren, hay Ghekkeren sống với Dantes...Đánh giá chung là, trong quan hệ với Ghekkeren, Dantes chỉ giữ vai trò thụ động”[22]. Là người xuất bản số thư từ trao đổi giữa Dantes và Ghekkeren, X. Vitale cho rằng, Ghekkeren là người đồng tính, còn quan hệ giữa Ghekkeren và Dantes là quan hệ cha con [23]
Tuy nhiên, Dantes có hình thức hấp dẫn đến nỗi khiến Dantes thành công cả trong giới nữ, phụ nữ “đúng là tranh cướp Dantes để giành giật kì được chàng”, trong một thời gian dài, Dantes là tình nhân của một trong nhiều quý bà ở Petersburg, trong các bức thư trao đổi giữa Ghekkeren và Dantes, mỹ nhân này được gọi mặc định là quý bà. Quan hệ giữa hai người chỉ chấm dứt vào đầu năm 1836 [24]
Năm 1863, có công bố hồi kí của người làm chứng cho Puskin là Dandaz, do Amôsôp ghi lại thì Dantes “có tài năng bẩm sinh hiếm có là thu hút cảm tình của mọi người ngay từ ánh mắt đầu tiên (..) có sức hút và nổi danh rộng rãi và xứng đáng với sự hâm mộ như vậy, nếu có gì đáng trách thì chỉ trách là Dantes hơi xấc xược và thích khoe khoang chiến tích của mình trên tình trường quá nhiều”[25] Dandaz cũng khẳng định rằng, Dantes có thành công ban đầu ở Nga là nhờ nữ bá tước Daria Phikelmôn, Dantes đã có được sự nâng đỡ ban đầu của nam tước Gátpheld, là bác họ bên phía mẹ.Nữ bá tước Phikelmôn là người đã giới thiệu Dantes với hoàng hậu Aleksandra Phêđerôpna [27] [K 6]
Gửi bởi Tung Cuong ngày 17/11/2023 07:34
Đã sửa 2 lần, lần cuối bởi Tung Cuong ngày 30/01/2024 14:30
Cuộc đấu súng. Bị trục xuất khỏi nước Nga
(…)
Tin về vụ đấu súng (chiều theo luật, thuộc loại tội nghiêm trọng) được báo về theo đường chỉ huy quân đội cấp cao. Ngày 29 tháng giêng 1837, vị chỉ huy Đội quân cận vệ độc lập (thuộc đơn vị này có Trung đoàn khinh kị cận vệ của Nga hoàng, là nơi nam tước Dantes-Ghekkeren nằm trong biên chế), tướng tuỳ tùng Karl Bítrom sau khi biết tin, đã trình báo lên Nga hoàng. Nga hoàng Nhikôlai đã ban lệnh:
…toà án quân sự phải xử cả Ghekkeren và Puskin, cũng như toàn bộ những người có liên quan tới vụ án, nếu trong số nghi can có người nước ngoài, thì không tiến hành tra hỏi và toà không đưa vào diện phải kết án, mà phải có bản vong lục đặc biệt ghi nhận biện pháp xử theo mức độ can phạm.
Toà án quân sự cấp cơ sở (trung đoàn) xử sơ thẩm đã kết án Dantes và người làm chứng của Puskin là K.K.Dandas tội bị tử hình bằng hình thức treo cổ - theo luật thời Piôtr I. Bản kết án được gửi lên cấp cao; cuối cùng tướng A.I.Noinski, ngày 17 tháng ba 1837, đã trình báo lên Nga hoàng bản kết án hoàn chỉnh của toà án quân sự.
Với Dantes, toà án quân sự đã đưa ra mức án: Dantes mắc tội thách đấu súng và giết chết tiểu đồng thị vệ Puskin, bị tước hết mọi phẩm hàm và danh hiệu quý tộc Nga, đưa xuống lính thường, giao cho Cục thanh tra quản lí”[36], với Puskin, do đã chết, nên bỏ qua”[39]. Bản án của Toà án quân sự ngày 18 tháng ba còn kèm theo chỉ dẫn riêng: “Thục hiện y án, nhưng Dantes là thường dân, không có quốc tịch Nga, bị tước tất cả giấy tờ chứng nhận, sao vạch, sỹ quan, cử cảnh sát đi theo trong quá trình trục xuất Dantes về nước.”(39] Người làm chứng cho Dantes, là họ hàng và là bạn của y chỉnh là tử tước d’ A siak bị buộc nghỉ việc, nhưng ít lâu sau, cũng rời khỏi nước Nga [40], nhưng vào tháng chín, đã trở lại Petersburg và làm việc tiếp hai năm tại sứ quán Hà Lan. [41]
@@@
Thành phố Shuls. Paris. Khởi đầu sự nghiệp công danh
Sau khi rời nước Nga, những năm đầu, Dantes sống cùng vợ tại Suls, ở nhà của bố ruột. Năm 1842, sau 5 năm ở ẩn, không hoạt động sôi nổi, Dantes-Ghekkeren được đăng ký là nhân viên ngoại giao với hoàng gia Viên. Dantes được xã hội thượng lưu ở Viên tiếp nhận lạnh lùng (chính phủ Áo, thời đó, đứng đầu là Karl Liudvich Phikelmon. Gia đình nhân vật này có quen biết Puskin, và lúc đó ở Viên, còn sinh sống nhiều người từng biết các sự kiện đã xảy ra ở Petersburg). Tuy nhiên, Ghekkeren đã mời Dantes cùng gia đình sang sống qua đông 1842-1843, [45]. Có thể, ông cho rằng, Dantes sẽ tạo dựng được sự nghiệp tại hoàng gia Viên., tuy nhiên, Dantes đã thất bại. [K 8] và gia đình nhỏ Dantes lại trở về thành phố Suls [47]. Ngày 22 tháng chín năm 1843, Ekaterina Nhikôlaiepna đã sinh hạ được con trai mà cả hai bố mẹ mong đợi từ lâu, bé Lui Giôdep. Ba tuần sau sinh, nàng mất do sốt hậu sản. Từ ngày đó, Dantes ở vậy, không đi bước nữa.
Trong suốt những năm này, Dantes và Ekaterina phải thường xuyên đòi khoản trợ cấp hàng năm đầy đủ (5000 rúp) mà đáng ra người anh cả của Ekaterina, chịu trách nhiệm thay cha mẹ, Đmitri Nhikôlaiep phải trả cho mình. Thư nào của Ekaterina cũng nói tới việc đòi khoản trợ cấp hàng năm, đôi khi còn gửi kèm theo nhiều bản kê thanh toán nợ nần rất chi li, tỉ mỉ. Tuy nhiên, gia đình nhỏ Dantes cũng không đến nỗi túng bấn quá, vì cha ruột của Dantes là người giàu có, thường giúp đỡ vật chất cho con [49] và cha nuôi Ghekkeren cũng thường xuyên trợ cấp thêm. Năm 1848, Dantes bắt đầu khởi kiện gia đình Gontrarôvư (và làm ảnh hưởng đến quyền lợi của gia đình Puskin.) Về vụ này, Dantes đã vài lần gửi thư lên Nga hoàng Nhikôlai I. Năm 1851, Nga hoàng đã chuyển một trong nhiều thư yêu cầu của Dantes cho người đứng đầu ngành cảnh sát, A.Ph. Orlôp với mục đích thuyết phục anh em nhà Gontrarôvư, tìm cách dàn xếp thoả thuận êm thấm với Dantes. Năm 1853, nhóm phụ trách việc đỡ đầu các con của Puskin đã quyết định bác bỏ mọi yêu sách của Dantes.
Theo quan điểm ở Nga, thì Dantes mang tai tiếng là sát nhân giết “Mặt trời thi ca Nga”, nhưng khi về Pháp, câu chuyện lại mang màu sắc khác hẳn.
Dantes cho rằng mình đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ danh dự và không làm gì sai để bị trách cứ. Ở Pháp, Dantes nổi danh là “người hay gây sự dũng cảm đã hạ sát Puskin”.
Năm 1843, Dantes được bầu làm thành viên Hội đồng tối cao nghị viện Vùng thượng Rein. Tiếp sau đó, làm Chủ tịch Hội đồng Tối cao rồi lên thị trưởng [51]. Sau khi, Lui Phillip bị lật đổ vào tháng tư 1848, Dantes được bầu làm nghị sỹ đại biểu vùng Thượng Rein-Kolma - là một trong mười hai người trúng cử nhưng đạt số phiếu bầu thấp nhất. Khi các sự kiện cách mạnh mới bùng lên, Dantes đi theo nhân vật Tier, theo lời làm chứng của bà Đôn (tiếng Pháp là: Euridyce Dosne), Dantes thường lui tới nhà Tier. Tháng mười 1848, trong một lần xảy ra va chạm với nghị sỹ Biksio (Pháp), Tier cử hai người làm chứng tới là Pickatory và Dantes, còn vào tháng giêng 1849, Tier khi chuẩn bị cho cuộc đấu súng với Uliss Trela (Pháp)[9], lại chọn Dantes làm một trong hai người làm chứng cho bản thân, (cuộc đấu súng đã không diễn ra). Theo nhận xét của bà Đôn trong Nhật ký liên quan tới vụ Biksio, thì Dantes tỏ ra là người “rất quyết tâm”.[52]
Năm 1849, Dantes tái đắc cử vào Quốc hội lập hiến. Ngày hôm trước 2 tháng 12 năm 1851, Dantes đến diện kiến Hoàng tử - tổng thống Lui Napoleon nhân danh Phallu và thông báo rằng, Phallu coi là có thể tiến hành đảo chính và đề nghị với Napoleon để được tham gia. Napoleon nồng nhiệt tiếp đón Dantes và thậm chí còn giữ Dantes ở lại dự bữa ăn trưa, tuy nhiên không hề nói gì cho Dantes biết về việc cuộc đảo chính sẽ diễn ra trong vài giờ nữa. Theo sự làm chứng của một trong nhiều người thân cận của Napoleon thì Dantes tỏ ra rất tức giận khi biết rằng Napoleon thấy không cần phải cho Dantes biết về cuộc đảo chính [53]
Đế quốc Đệ nhị. Những năm cuối đời
Tháng năm 1852, Napoleon III, do muốn thiết lập mối quan hệ gần gũi với một số vương triều châu Âu, đã cử Dantes với nhiệm vụ không chính thức đi gặp vua ba nước: hoàng đế Nga, Áo và nhà vua Phổ. Nhikôlai và Dantes đã có cuộc tiếp xúc tại Potsdam. Khi đồng ý tiếp xúc, Nga hoàng Nhikôlai đã ra lệnh các quan chức ngoại giao của mình phải cho Dantes biết, rằng ngài sẽ không tiếp Dantes như một đại diện chính thức “do toà án quân sự đã có bản án phạt Dantes bị khai trừ không được phục vụ Nga hoàng”, nhưng ngài sẽ đối xử với Dantes như một sỹ quan cận vệ bị kết tội và đã được tha bổng”.(thông cáo báo chí của bộ trưởng ngoại giao Nheselrôd gửi cho đại sứ Kíelioop tại Paris ngày 15 [27] tháng năm 1852)[54]. Theo Aldanôp, trong kí sự “Con đường công danh của Dantes tại Pháp”, khi nói về buổi Dantes yết kiến Nhik ô lai I, thì “sứ mệnh này đã không thành công lắm” [55]. Tuy nhiên, theo ý kiến của Raiepskaia, Dantes đã hoàn thành mỹ mãn sứ mệnh được Napoleon giao cho, cả Ôbôđôpskaia và Đemenchiep đều có viết về việc này.[56] [57]
Do có tính đến công lao của Dantes đã đóng góp, Napoleon III đã cử Dantes làm nghị sỹ trọn đời [58]. Ngày 12 tháng 8 năm 1863, được nhận danh hiệu Sỹ quan Lê dương Danh dự, ngày 14 tháng 8 năm 1863 được nâng cấp lên hàng quý tộc cao nhất. [59]. Cuộc cách mạng 14 tháng 9 năm 1870 xảy ra, đã xoá bỏ Đế quốc Đệ nhị, Đantes buộc phải trở lại cuộc sống thường dân.
Tuy nhiên, ngày 22 tháng 3 năm 1871, Dantes tham gia cuộc biểu tình phản cách mạng của các sỹ quan bảo hoàng trên Quảng trường Vandom để hướng ứng cuộc cách mạng 18 tháng 3.[60]
Sau chiến tranh Pháp - Phổ, tuân theo Hiệp ước Phrawngphurt, Dantes đã chọn nhập quốc tịch Pháp. Dantes tiếp tục ở tại Paris, Suls, Shimell (gần với Vôgez) - trong ngôi nhà mà Lui Ghekkeren đã tặng Dantes. Cả Suls lẫn Shimell sau chiến tranh đều nằm trên lãnh thổ Đức.[61]
Năm 1875, sau khi hoàn thành sự nghiệp của mình, Lui Ghekeren đã chuyển về ở Paris. Theo lời con trai của Dantes kể lại, thì quan hệ giữa các con nhà Dantes và ông Ghekkeren luôn căng thẳng, “còn ông Ghekkeren rất ghét tôi [Lui-Giô dep], ghét đến mức độ cắt luôn quyền thừa kế của tôi”[K 10]. [63]. Lui Ghekkeren mất tại Paris ở tuổi 91.
Trong nhiều năm, Đantes giữ mối liên hệ với sứ quán Nga tại Paris và là người cung cấp nhiều thông tin: thí dụ, đại sứ Kíeli ôốc viết cho bộ trưởng ngoại giao Nheselrôd ngày 28 tháng năm 1852, rằng: “Ngài Dantes nghĩ rằng, tôi xin chia sẻ ý kiến này, Tổng thống (Lui Napoleon) rồi cuối cùng sẽ tuyên bố lập Đế quốc” [64]. Sau gần 30 năm, ngày 1 (13) tháng 3 năm 1881, bá tước Orlôp, trong bức điện đã được mã hoá, gửi bộ trưởng ngoại giao, có đưa tin sau: “Nam tước Dantes-Ghe kkeren cung cấp tin do ông nhận được từ Giơnèvơ, theo ông ta, từ một nguồn đáng tin cậy, những kẻ theo chủ nghĩa hư vô ở Giơnevơ khẳng định rằng, một đòn đánh mạnh sẽ có vào ngày thứ hai. Ở đây, ý nói tới vụ mưu sát Aleksandr II [64]
Theo lời người cháu của Dantes, có tên Lui Metman, kể thì ông nội “hết sức hài lòng với số phận của mình và giai đoạn cuối đời, ông nhiều lần nhắc đi nhắc lại rằng, do đấu súng mà ông phải rời khỏi nước Nga, nhưng nhờ đó ông mới có sự nghiệp công danh chính trị chói sáng, rằng, nếu không có cuộc đấu súng bất hạnh này, thì ông sẽ mãi mãi gắn chặt với tương lai mờ mịt của một sỹ quan chỉ huy trung đoàn trong một tỉnh xó xỉnh nào đó tại Nga, với một gia đình đông đúc con cháu, luôn sống trong túng thiếu.
Trong mười năm, trước khi mất, Dantes đã chuyển về ở Shuls. Dantes chết tại dinh cơ nhà mình sau nhiều năm dài bị bệnh triền miên, có con cháu luôn quây quần chung quanh. Dantes được chôn cất tại Shuls, trong khu vực thuộc gia đình, ờ nghĩa trang địa phương. Tin ông mất được đưa trên Journal des debates, nhiều đoạn tin viết tỉ mỉ hơn cũng xuất hiện trên Le Figaro và Le Temps [Pháp], các cáo phó kể rằng, Dantes là người đã bắn chết nhà thơ Nga Puskin trong một cuộc đấu súng và không hề kể thêm về con đường công danh chính trị của Dantes.[67] [68]