Đăng bởi Vanachi vào 14/02/2006 09:43
Phan Châu Trinh sinh năm Nhâm Tuất (1872) niên hiệu Tự Đức 26, tự là Tử Can, hiệu là Tây Hồ, biệt hiệu là Hy Mã, quê ở xã Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.Thân phụ ông là Phan Văn Bình, theo nghề võ và đã tích cực chiến đấu trong hàng ngũ Cần Vương. Thân mẫu là Lê Thị Chung, con một nhà thế gia vọng tộc tại làng Phủ Lâm rất tinh thông Hán học và có nhiều đức hạnh. Thuở thiếu thời Phan Châu Trinh được hiền mẫu ân cần chăm sóc, trong khi phụ thân mãi lo công việc võ biền. Chẳng may mẹ mất sớm, vì cha phải bận với võ nghiệp, ít săn sóc đến việc học hành hành nên mãi đến năm lên 10, Phan Châu Trinh mới được vào trường học tập. Vì mối tình yêu nước sớm nẩy nở trong trí của Phan Châu Trinh nên trong lúc các bạn đồng học chăm chỉ ngốn những lời giảng dạy của thầy để nhồi vào óc đạo lý và chữ nghĩa của Thánh hiền, ông tỏ ra rất xao lãng, thờ ơ. Do đó, trong suốt ba năm liền học tập, Phan Châu Trinh chỉ học lấy lệ Năm 1885, kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải chạy trốn ra Quảng Trị. Các đạo Cần Vương kháng Pháp nổi lên khắp các nơi. Để cho Phan Châu Trinh có một nghề hợp khả năng và cũng đồng thời được đắc dụng trong buổi non sông nghiêng ngửa, thân phụ ông cho ông theo học nghề võ. Lúc bấy giờ thân phụ ông được cử làm Chuyển vận sứ đồn A Bá thuộc hạt Tam Kỳ.
Năm 1887, vì nghi kỵ, thân phụ Phan Châu Trinh bị hại, việc học tập võ nghệ của ông bị gián đoạn. Nhờ người anh cả rước thầy về cho ông tiếp tục học nghề văn. Vì nhận thấy muốn có uy tín để thực hiện chí lớn tron việc cách mạng để giành lại chủ quyền của đất nước, nên ông đổi sang học nghề nghiên bút, chớ thực ra ông không bao giờ thích cái lối học hư văn.Theo học bốn năm ở nhà. Phan Châu Trinh tỏ ra thông minh tuyệt vời, ông thường có những lý luận sâu sắc, những nhận xét tinh vi.
Năm 1889, theo thụ nghiệp với vị Đốc học Trần Mã Sơn, Phan Châu Trinh được bổ vào ngạch học sinh.
Năm 1900, trong kỳ thi hương, Phan Châu Trinh thi đỗ cử nhân, và qua năm sau 1901, ông đỗ phó Bảng (nhằm niên hiệu Thành Thái thứ 13).
Ông được bổ làm Thừa biện ở Huế, ít lâu sau, người anh cả của ông mất, ông xin về quê dạy học. Năm 1903, ông được bổ làm Thừa biện ở Bộ Lễ. Trong thời gian từ 1902 đế 1905, Phan Châu Trinh có dịp học những tác phẩm có tư tưởng cách mạng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire... Càng tiếp xúc nhiều với các quan trường, Phan Châu Trinh càng thấy rõ cảnh thối nát, hủ bại trên đường cử nghiệp.
Lúc bấy giờ lực lượng Cần Vương lần lần tan rã, thực dân Pháp bắt đầu đặt nền thống trị trên đất nước Việt Nam. Trước cảnh non sông nghiêng ngửa, nhận thấy sự bất lực và thối nát của triều đình Huế, Phan Châu Trinh xin từ quan và bắt đầu hoạt động chính trị với các ông Phan Bội Châu, Lương Ngọc Can, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp.
Mặc dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của ông trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải:
- Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.
- Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.
- Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hoá...
Sau khi từ quan về hoạt động chính trị, Phan Châu Trinh đã cùng với hai bạn đồng khoa là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng rủ nhau vào Nam vận động đồng bào các giới. Vào đến Bình Định gặp lúc quan tỉnh mở một kỳ thi cho học trò, đầu bài là Chí thành thông thánh và Lưỡng Ngọc danh sơn ba ông mạo tên là Đào Mộng Giác nộp quyển làm bài Phan Châu Trinh làm bài thơ và hai ông Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú. Những bài này không theo quy tắc thông thường mà cốt để thức tỉnh nhóm sĩ phu. Quan tỉnh không dám quả quyết phải dịch sang chữ Pháp để trình viên Khâm sứ đồng thời truy tầm tác giả của hai bài văn cách mạng kia, nhưng không có kết quả Việc này đã có ảnh hưởng lớn đến đám sĩ phu thời bấy giờ. Tới Phan Thiết, Phan Châu Trinh bị bệnh phải quay trở về Huế. Sau mấy tháng dưỡng bệnh, ông ra Bắc tìm cách lên Yên Thế để gặp Hoàng Hoa Thám, nhưng chính sách bạo động của Hoàng Hoa Thám không thích hợp với chủ trương của ông, nên ông lại xuống Trung Châu Bắc Việt vận động với nhóm nho sĩ Bắc Hà. Đâu đâu ông cũng đề xướng chủ trương tân học, cực lực đả kích các quan trường tham lam và những nhà hủ nho. Trong thời gian này ông kết nạp được một số đồng chí đáng kể. Phan Châu Trinh tán thành phong trào xuất dương du học do Phan Bội Châu khởi xướng. Lời kêu gọi của Phan Bội Châu, với sự hưởng ứng của Phan Châu Trinh gây được một phong trào xuất dương rất rầm rộ. Để được quan sát tại chỗ sự tiến triển của các nước, Phan Châu Trinh liền trốn sang Trung Hoa. Ông gặp Phan Bội Châu tại Hương Cảng rồi hai ông cùng sang Nhật. Ở đó được 10 tháng, ông lên đường về nước (năm 1906). Phan Châu Trinh quyết đứng ra tranh đấu công khai với chính quyền bảo hộ Pháp. Ngày 15 tháng 8 năm Bính Ngọ (1906), ông gởi lên Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương một bức thư dài 12 trang gồm mấy điểm sau đây:
- Do sự dung túng của chính quyền Bảo Hộ mà những bọn tham quan ô lại lộng hành khiến cho người Việt Nam bạc nhược suy yếu.
- Chính quyền Bảo Hộ đã dùng một chính sách bạo ngược, tàn ác đối với dân Việt Nam, không tôn trọng sinh mạng con người, muốn chém giết ai tuỳ ý.
- Do những cách đối xử tàn ác này, mà bọn quan lại lợi dụng quyền thế bắt nạt dân chúng, tìm cách vơ vét cho đầy túi tham, gây nên một tình trạng bi đát trong dân chúng. Bức thơ của Phan Châu Trinh đã có ảnh hưởng rộng lớn trong dân chúng. Ông bắt đầu hoạt động mạnh, hô hào tổ chức nhiều buổi diễn thuyết tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Thực dân Pháp để ý căm thù và triều đình Huế cũng rất bực tức quyết tìm cách hãm hại ông. Nhưng Phan Châu Trinh vẫn không màng đến, ông đứng ra lãnh đạo phong trào duy tân, khuyến khích đồng bào mở trường dạy học, lập các hội buôn như Đông Kinh Nghĩa Thục, Hồng Hưng Tân, công ty Minh Tân, ông cảm hoá được rất nhiều nhân sĩ. Phan Châu Trinh lại hô hào thanh niên vận Âu phục, cắt tóc ngắn, ủng hộ các sản phẩm và hàng nội hoá để giúp cho nền kinh tế trong nước được dồi dào. Đa số thanh niên trong toàn quốc đã nhiệt liệt hưởng ứng phong trào duy tân này.
Năm 1908, tại tỉnh Quảng Nam phong trào kháng thuế nổi lên mạnh mẽ lan rộng các tỉnh miền Trung Việt. Đầu mùa Xuân năm 1908, thực dân Pháp ra lệnh đóng cửa Đông Kinh Nghĩa Thục. Nhân việc kháng thuế ở Quảng Nam, vốn đã không ưa Phan Châu Trinh vì ông đã nhiều lần đả kích và nguyền rủa thậm tệ chúng, nên bọn quan lại Nam triều và thực dân Pháp đổ cho ông “xui dân làm loạn” và “phá rối” liền bị hạ lệnh bắt ông... Rất nhiều nhân sĩ bị bắt, và trong dịp này, ông nghè Trần Quý Cáp bị Nam Triều lên án xử chém tại Nha Trang. Riêng Phan Châu Trinh bị bắt đem về giam tại toà Khâm Sứ. Để phản đối hành động khủng bố của thực dân, Phan Châu Trinh tuyệt thực trong bảy ngày. Nhận thấy tình thế khó xử, viên Khâm Sứ Pháp phải giao trả ông về Cơ Mật Viện của toà án Nam Triều, ông bị bọn quan lại kết án tử hình. Nhờ có hội Nhân Quyền can thiệp với chánh phủ Pháp. Chính quyền Bảo Hộ phải điều đình với Nam Triều đổi bản án “tử hình” ra “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên” (bị đày ra Côn Đảo mãn kiếp không được ân xá”. Bỏ giam ở nhà lao Phủ Thừa được ít lâu, Phan Châu Trinh bị đày đi Côn đảo. Lúc đi ngang qua cửa Thượng Tứ (Huế), ông đã ngâm bốn câu thơ bằng chữ Hán mà ông Phan Khôi đã dịch như sau:
Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn,Trong cảnh tù đày, nhưng Phan Châu Trinh rất được chính phủ Pháp trọng đãi và kính nể. Chính viên Thống đốc Nam Kỳ đã ra tận Côn đảo để tìm hiểu lập trường tranh đấu của ông. Năm 1910, nhờ có hội Nhân Quyền Pháp (do sự vận động của ông Ernest Babut trong 3 năm trời) can thiệp ráo riết với chính phủ Pháp, thủ tướng Pháp lúc bấy giờ là Klobulowsky và Tổng trưởng Bộ Thuộc địa là Trouillet lập Hội đồng để xét án Phan Châu Trinh. Chánh Tham Biện tỉnh Mỹ Tho là Cousineau được cử làm chánh án. Mặc dù đã được ân xá, nhưng ông cũng bị thực dân Pháp tìm cách giữ mãi tại Mỹ Tho.Ông phản kháng và cương quyết đòi trở về Côn Đảo. Chính phủ Pháp đành phải để ông tự do. Vì muốn tranh đấu có hiệu quả trong việc cải cách nền chính trị nước nhà và đồng thời để được học hỏi thêm, năm 1911, Phan Châu Trinh đã sang Pháp với Toàn Quyền Klobulowsky, cùng theo ông có người con trai tên là Phan Chu Dật.
Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn
Đất nước hãm chìm dân tộc héo
Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn
Đăng bởi Tam Ngng vào 18/10/2024 09:28
Có 1 người thích
Tên ông chữ Hán viết là 潘周楨 trong đó 周 âm Hán Việt thường đọc là “chu”, nhưng cũng được đọc là “châu” (Tập vận: 之由切,音州。)
Mặt khác, chính tác giả khi ghi tên bằng chữ quốc ngữ cũng viết “châu”, các con ông, như đã biết cũng có chữ lót là “châu”.
Vì là tên “riêng”, nên tôi nghĩ cần phải tôn trọng cái riêng ấy.
Tương tự với Ngô Nhân Tịnh (không phải Ngô Nhân Tĩnh), v.v.