Dưới đây là các bài dịch của Mai Liên. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Thống phong và nhện đổi nhà (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Phạm Anh Xuân, Mai Liên

Thống Phong và con Nhện
Được Địa Ngục sinh ra
“Này các con của ta
Hãy sướng vui tồn tại

Hãy gieo rắc sợ hãi
Cho cuộc sống loài người
Hãy mò đến muôn nơi
Chỗ con người sinh sống

Cung điện cao lồng lộng
Hay túp lều ngang đầu
Cho dù bất cứ đâu
Hãy sống và làm tổ

Đây có hai miếng gỗ
Hai đứa hãy rút thăm
Hoặc cứ thoả thuận ngầm
Tự chọn nơi trú ngụ”

Con Nhện thấy vui thú
Chọn cung điện nguy nga
Nó giăng tơ làm nhà
Bẫy muỗi ruồi bé tí

Thống Phong sợ bác sĩ
Nó chọn những túp lều
Nơi người lao động nghèo
Chăm chỉ trên đồng ruộng

Nó cho mình sung sướng
Gieo bệnh hết người dân
Nó tấn công đôi chân
Ngày này qua ngày khác

Nó nghĩ: “Hi-pô-crát
Chẳng thể tóm nổi ta”
Nhưng làng quê bao la
Người dân luôn bận rộn

Họ bổ củi, cày ruộng
Suốt chập tối sớm mai
Sức khoẻ họ dẻo dai
Khớp xương luôn vững chắc

Nơi cung điện nghiêm ngặt
Luôn sạch sẽ tinh tươm
Thấy mạng nhện trên tường
Người hầu khua chổi quét

Những người hầu mải miết
Quét đuổi Nhện khắp nơi
Nhện sợ hãi lắm rồi
Tìm Thống Phong than thở:

“Em không có chỗ ở
Bị phá tổ phá nhà!”
Thống Phong cũng kêu la:
“Ta cũng đang bất hạnh

Người dân không mắc bệnh
Chân họ chẳng bị đau!”
Hai đứa nó bàn nhau
Hoán đổi nơi làm tổ

Nhện chui vào lều nhỏ
Rồi dệt lưới giăng tơ
Không bị đuổi bị xua
Sống yên lành vui thú

Thống Phong đến trú ngụ
Nơi cung điện nguy nga
Kết tội Giám mục già
Đổ bệnh và rên siết

Nhờ Phép Thánh! Chúa biết
Bụng hai kẻ hiểm sâu
Đổi chỗ ở cho nhau
Để sinh sôi nảy nở

Còn loài người nên nhớ
Luôn cẩn thận đề phòng
Lũ Nhện và Thống Phong
Là con của Địa Ngục


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Chàng chăn cừu và biển cả (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Phạm Anh Xuân, Mai Liên

Chàng trai chăn cừu nọ
Sống bên bờ biển xanh
Tài sản tuy ít ỏi
Nhưng cuộc sống an lành

Một hôm sóng dập dềnh
Đưa con tàu cập bến
Những lái buôn khoe khoang
Nào vàng thoi, bạc nén

Đàn cừu bên bờ biển
Liền được bán trao tay
Chàng chăn cừu gom vốn
Rong chơi tìm vận may

Nhưng chàng nào có hay
Sóng dữ xô tàu đắm
Số tiền chàng bán cừu
Chìm biển xanh sâu thẳm

Chàng chăn cừu chết lặng
Quay trở về quê hương
Đàn cừu chàng đã bán
Nhìn theo chàng thân thương

Ngồi bên bờ đại dương
Sóng gầm gào da diết
Chàng chăn cừu thốt lên:
“Ta chẳng còn gì hết!”

Thế rồi chàng mải miết
Vật lộn với nắng mưa
Dành số tiền tiết kiệm
Mua lại đàn cừu xưa

Tàu buôn lại đến bờ
Khiến chàng trai giận dữ
“Hỡi Nữ Hoàng biển khơi
Tôi không tin bà nữa!”

Câu chuyện này nhắc nhở
Về bài học đau thương
Một đồng đang sở hữu
Hơn năm đồng hứa suông

Lời hứa từ đại dương
Lời khuyên từ cám dỗ
Chỉ là những phù du
Sẽ tan vào trong gió


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Lời nói của Xô-crát (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Phạm Anh Xuân, Mai Liên

Hay tin Xô-crát dựng nhà
Ai ai cũng bảo thật là đáng chê
Căn nhà bé tẹo gớm ghê
Bên ngoài thì thật vụng về làm sao
Kẻ quay lưng chẳng muốn vào
Người thì dè bỉu ồn ào lắm thay
Cuộc đời nào có ai hay
Xảy khi Xô-crát mời ngày chung vui
Ai là đích thực bạn tôi
Thì xin trân trọng được mời vào trong
Bạn bè là ở tấm lòng
Hơn căn nhà rộng mà không ai vào


Socrate: triết gia Hy Lạp ở Athènes, được xem là người khai sáng triết học phương Tây

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nhà chiêm tinh ngã giếng (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Phối Thi, Mai Liên

Nhà chiêm tinh ngã giếng sâu
Người đời rằng ngốc, nhìn đâu trên đầu
Mắt không nhìn trước ngó sau
Mải tìm thiên ý trên bầu trời cao

Kẻ hèn cho chí ngôi cao
Ai người không thích hỏi sao trên trời
Tin vào định mệnh cuộc đời
Nghe ngay sái cổ những lời tiên tri

Tình cờ là cái chi chi?
Hẳn không là vận, sẵn ghi rành rành
Ai người tạo mặt đất xanh
Tạo người, tạo vật chẳng dành chi đâu?

Ai người biết hết trước sau
Có đem thiên ý khắc vào vì sao?
Khắc vào có ích chi nào?
Hay là con tạo muốn rèn trí chăng?

Ngăn điều rủi chẳng thể ngăn
Rót độc vô ngần bằng những vận may?
Phúc phần được báo trước ngay
Thì còn vui sướng chờ ngày nó thăm?

Ôi chao, là một sai lầm
Hoặc là tội ác nếu lầm niềm tin
Bầu trời chuyển dịch hành trình
Ngàn vì tinh tú xoay mình hằng đêm

Rạng ngày tiếp nối đêm đen
Có chi ảnh hưởng được lên con người?
Ngoài làm cho quả mọng tươi
Mưa dầm gọi hạ, nắng cười điểm xuân

Thế thời cứ thế xoay vần
Xoay sao đến độ lương dân được nhờ
Khỏi nghe những vận cùng cơ
Khỏi trông bọn bói nói mò ăn may
Cung vàng quát chúng rời ngay
Lừa dân bịp chúng đến ngày cút ra

Chuyện tôi e đã quá xa
Giờ xin trở lại với nhà chiêm tinh
Đắm chìm trong những ảnh hình
Huyễn ngôn ảo cảnh, hại mình thiệt thân
Nào hay nguy hiểm đến thân
Còn góp một phần nguy đến đời chung


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Sao phải chiều những kẻ khó chiều (Jean de La Fontaine): Bản dịch của Lê Phối Thi, Mai Liên

Nếu ngày tôi mới chào đời
Được ban thiên phú từ trời về thơ
Một, hai, ba, bốn... túi thơ
Dâng cạn thì giờ chắp cánh ngụ ngôn
Tôi làm thơ mỹ miều hơn
Cỏ cây biết nói, Sói hờn Cừu non
“Đẹp chi dăm chuyện cỏn con”
Những người xoi mói vẫn còn chê tôi
“Hay ta cứ thử phân ngôi
Xem ai cao thấp ai tồi ai hay
Thành Troy tích cũ còn bày
Mười năm Hy Lạp hãm vây công thành
Nghìn mưu trăm kế vẫn đành
Dã tràng xe cát không giành được chi
Nào hay mánh khoé ly kỳ
Hiến dâng ngựa gỗ, thành trì nát tan
Ruột ngựa ẩn giấu hàng hàng
Những quân dũng sĩ sẵn sàng xông ra”
“Đủ rồi nói lắm chi mà
Nào quân nào ngựa chẳng thà im đi
Thơ sao toàn chuyện dị kỳ
Còn hơn chuyện Cáo mà đi phỉnh phờ”
Tôi bèn dốc tiếp túi thơ
Hương đồng gió nội lững lờ miên man
Nào anh nào ả nào nàng
Lời quê đưa điệu tình tang dịu dàng
“Tình lang ơi hỡi tình lang
Chút tình em gửi hỏi chàng có hay?”
“Trời ơi, mi hãy câm ngay!”
“Tôi không được kết chuyện này hay sao?”
Xét ra tôi quá tào lao
Chiều lòng bọn ấy biết khi nao vừa lòng


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Nàng tiên cá (Aleksandr Pushkin): Bản dịch của Nguyễn Mai Liên

Bên bờ hồ, giữa rừng sâu vắng vẻ
Thuở xa xưa có tu sĩ ẩn mình,
Dành toàn tâm khắc nghiệt tu hành
Làm việc, ăn chay và cầu nguyện.
Bằng chiếc xẻng đơn sơ cần kiệm
Tu sĩ đào huyệt mộ cho mình,
Và một lòng cầu khẩn đấng anh minh
Chỉ mong nhanh được về bên Chúa!

Một ngày hè tu sĩ ngồi trước cửa
Túp lều tranh lụp xụp tồi tàn,
Lòng nguyện cầu Đức chúa cao sang.
Những tán sồi sum suê tối sẫm,
Sương mù giăng như khói toả mặt hồ,
Trên bầu trời giữa mây cuộn nhấp nhô
Vầng trăng đỏ nhẹ nhàng trôi phía trước.

Bất giác tu sĩ nhìn xuống nước
Và toàn thân hoảng sợ vô cùng
Không thể tin vào mắt vừa trông
Mặt hồ nước bỗng rung rinh gợn sóng
Rồi thoáng chốc lại trở về tĩnh lặng,
Và nhẹ nhàng như bóng đêm thăm thẳm,
Trắng tinh khôi như tuyết sớm trên đồi
Từ dưới nước một cô gái lên ngồi
Khoả thân trên bờ hồ lặng lẽ.

Cô gái đưa mắt nhìn tu sĩ
Vuốt mái tóc còn ướt đẫm nước hồ,
Vị tu sĩ trong sợ hãi bất ngờ
Run rẩy ngắm sắc đẹp nàng tiên nữ.
Nàng đưa tay vẫy chào tu sĩ,
Gật đầu nhanh như thể gọi mời,
Và đột nhiên như sao băng trôi
Nàng lặn xuống dưới làn sóng biếc.

Suốt đêm dài tu sĩ nằm thao thức,
Ngày cũng qua quên cả nguyện cầu,
Hình bóng nàng tiên nữ ngọc châu
Cứ ám ảnh trong tâm hồn già cỗi.
Rừng sồi lại giăng màu bóng tối,
Trăng lại trôi giữa các tầng mây,
Và nàng tiên dưới nước dáng hao gầy
Lại xuất hiện ngồi trên bờ duyên dáng.

Nàng liếc mắt, hất đầu ra dấu
Gửi nụ hôn tinh nghịch từ xa,
Vùng vẫy đùa trên sóng nước chan hoà,
Cười khanh khách, khóc than như đứa trẻ.
Nàng cất tiếng dịu dàng rên rỉ
“Ơi tu sĩ, xin hãy đến với em”
Rồi đột nhiên biến mất dưới sóng êm
Và tất cả chìm vào đêm thanh vắng.

Ngày thứ ba tu sĩ ngồi mê đắm
Bên hồ xinh ngóng đợi giai nhân
Chỉ mong sao gặp tiên nữ tuyệt trần.
Bóng tối phủ xuống rừng sồi tối sẫm...

Bình minh lên xua bóng đêm thăm thẳm
Bóng tu sĩ chẳng thấy ở nơi đâu
Chỉ lấp ló màu xám bạc chòm râu
Các chú bé thấy lập lờ dưới nước.

Ảnh đại diện

Bài số 48 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Nguyễn Mai Liên

Người đã mang anh ta cho đôi cánh tay mảnh khảnh và ban tặng anh ta cái chết, anh ta - người luôn chờ đợi bên ngoài như một kẻ ăn mày ở đại hội trần gian.
Người đã đặt bàn tay phải của người trên sự thất bại của anh ta và hôn anh ta trong im lặng - đó là điều vẫn làm dịu đi những khát khao hỗn loạn của cuộc đời.
Người đã tạo tác anh ta bằng tất cả những vị hoàng đế và bằng thế giới thông thái cổ xưa.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài số 43 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Nguyễn Mai Liên

Khi người cất tiếng gọi tôi đã ngủ dưới bóng những bức tường của tôi và tôi không nghe tiếng người.
Sau đó người đã đập vào tôi bằng đôi tay của người và làm tôi thức dậy trong nước mắt.
Tôi thình lình đứng dậy nhận ra rằng mặt trời đã mọc, rằng thuỷ triều cuộn sóng mang đi tiếng gọi của thẳm sâu và con thuyền của tôi đang lắc lư trên sóng nước dập dờn.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài số 42 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Nguyễn Mai Liên

Hãy trả tự do cho tôi như tự do của những cánh chim hoang dại, những con thú hoang của con đường vô hình.
Hãy trả lại tự do cho tôi như tự do của trận đại hồng thuỷ mưa lũ, như cơn bão đang lay chuyển những cái khoá của nó và xông tới tận cùng bí ẩn.
Hãy trả tự do cho tôi như tự do của ngọn lửa rừng, của sấm sét đang cười ầm ĩ và thách thức lật đổ bóng đêm.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Bài số 40 (Tagore Rabindranath): Bản dịch của Nguyễn Mai Liên

Hãy thổi tắt những ngọn đèn, hỡi trái tim của tôi, những ngọn đèn trong đêm cô đơn của người.
Tiếng gọi đang vọng tới người để mở những khung cửa nhà người, vì ánh sáng ban mai đang tràn ngập.
Hãy để lại cây đàn luýt trong xó nhà, hỡi trái tim tôi, cây đàn của cuộc sống cô đơn của người.
Tiếng gọi đang vọng tới người để ra đi trong im lặng, vì ban mai đang hát những bài ca của riêng người.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 4 trang (40 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ›Trang sau »Trang cuối