Chưa có đánh giá nào
Ngôn ngữ: Tiếng Nga
4 bài trả lời: 1 bản dịch, 3 thảo luận

Đăng bởi Tung Cuong vào 20/07/2022 13:45

VII

Чем меньше женщину мы любим,
Тем легче нравимся мы ей,
И тем ее вернее губим
Средь обольстительных сетей.
Разврат, бывало, хладнокровный
Наукой славился любовной,
Сам о себе везде трубя
И наслаждаясь не любя.
Но эта важная забава
Достойна старых обезьян
Хваленых дедовских времян:
Ловласов обветшала слава
Со славой красных каблуков
И величавых париков.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 1 trang (4 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Tùng Cương

Ta trốn tình, tình theo ta, bám chặt,
Ta theo tình, tình trốn ta, bỏ mặc,
Tình dễ sa mồi mật ngọt chết người
Khi lưới tình giăng mắc khắp mọi nơi.
Mang máu lạnh là trò chơi truỵ lạc
Tình ái vốn có danh là khoa học,
Đi đến đâu cũng tô đẹp bản thân nhiều
Được ăn chơi, mà không mất công yêu.
Nhưng cách hưởng ái ân quan trọng đó
Chỉ xứng với lũ khỉ già dúm dó
Ở cái thời ông cha vẫn ngợi khen:
Ánh vinh quang các chàng Lôvlas nay giảm thêm
Phai nhạt hẳn cùng tiếng tăm giầy đế đỏ
Và trang sức oai phong là bộ tóc giả.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Lời đề từ

Lời đề từ

La morale est dans la nature des choses.
Necker[* 1]

Đạo đức là thuộc tính của muôn vật
Nekker

Phát ngôn của chính trị gia, nhà lãnh đạo quốc gia Pháp Giắc Nekker (1732-1804), trích từ sách của con gái ông là Giermena de Stal “Suy ngẫm về cách mạng Pháp”.
Còn theo nhà văn V.V.Nabokov, thì lời đề từ này phải tìm trong cuốn sách khác, tác giả là E. Berk: “Những suy ngẫm và chi tiết về cảnh nghèo đói”

IV
1.Chúng tôi gặp nhiều biến thể của câu tiếng Việt gần nghĩa với ý thơ của Puskin, mà không biết tên tác giả. Xin phép tác giả thật, được chép lại:
-Theo tình - tình chạy, chạy tình - tình theo.
-Theo tình - tình trốn, trốn tình - tình theo.
-Luỵ tình - tình phụ, phụ tình - tình theo.
-Trốn tình - tình theo, theo tình - tình trốn.

Theo chúng tôi, với các câu trên, “chạy “, ít nhất trong các văn cảnh này, có hai nghĩa khác nhau: 1) chạy theo, 2) chạy đi, trốn đi, tránh đi, lẩn đi, bỏ đi,…
“Trốn“có nghĩa: tránh, trốn khỏi, bỏ đi (khó có nghĩa “trốn theo “được!)

V. Nabôkôp
Cấu trúc của “Evghênhi Ônhêghin “
Chương bốn
Nếu chương ba với các đoạn thơ chêm vào, đi xa đề chính, về mặt chức năng ở mức cao nhất, và trình bày dòng chảy mạnh mẽ các sự kiện là một cấu trúc được tổ chức hài hoà, cân đối nhất, với phần thân được chế tác tinh xảo có gắn các đôi cánh bay nhịp nhàng với nhau tuyệt vời, thì chương bốn, ngược lại, có thể đặt ngang hàng chương bảy về mặt bố cục yếu kém và các phần thơ xa đề, được chêm vào, rất không hài hoà, mạch lạc. Chương bốn có 43 khổ (trong số này, một khổ chưa hoàn chỉnh: VII-XXXV, XXXVII (dòng thơ 13 bị cụt, chỉ có 5/8 số từ) và XXXIX-LI. Puskin xem chủ đề nông thôn là trọng tâm của chương, được tiếp tục theo một dòng chảy khác, chủ đề “rus” của Ho rat chương 1, LII -LVI và chương 2, I -II. (nói chung, phải nói rằng, lúc này, cuộc sống hào nhoáng của Ônhêghin khi ở làng quê cũng dễ chịu như cuộc sống được Puskin miêu tả trong chương một với một mục đích duy nhất: thể hiện sự khác nhau giữa bản thân tác giả và nhân vật. Nhưng chủ đề nông thôn chỉ xuất hiện vào cuối chương (XXXVII-XLIV) và được chuẩn bị trước thông qua nhiều tiểu chủ đề được thể hiện, thật hiếm thấy, rất không đồng đều, trong số này, phần độc thoại của Ônhêghin có ý nghĩa quan trọng về mặt bố cục (XII-XVI), làm công việc tiếp tục triển khai chủ đề cuối của chương ba (cuộc gặp gỡ của Ônhêghin với Tachiana), với hiệu quả rất đáng ngờ, được bố trí giữa các dòng suy nghĩ về phụ nữ, bạn bè, kẻ thù, họ hàng ruột thịt, và lại bàn về phụ nữ, tính ích kỷ, những hệ quả của việc hai nhân vật nam nữ gặp gỡ nhau (XXIII-XXIV), tình yêu của Lenski, về các cuốn album -sổ lưu bút, các loại thơ uỷ mị, thơ tụng ca và cuộc sống khá buồn bã của chính Puskin khi ở nông thôn (XXXV). Phần suy tưởng cuối cùng, tuy nhiên, khi được gắn với phần kể truyện đi theo sau đó về việc Ônhêghin tận hưởng cuộc sống nơi thôn dã, đã tự nhiên làm thay đổi hẳn bức tranh, khi trước đó, ở chương một, được miêu tả theo cách đơn nghĩa rõ ràng, thì nay chuyển sang tình huống khác, trái ngược hoàn toàn. (Ônhêghin trên thực tế, giờ đây mang phong cách sống của chính Puskin ở Mikhailopxkoie!). Chủ đề Lenski, được đề cập sau chủ đề thôn quê, là phần kết cho chương này bằng một số khổ thơ tuyệt vời (xem, đặc biệt hai khổ cuối cùng: L-LI) đã nhắc lại các mô tip về số phận, định mệnh chương 2, XXXVI- XL.
(V. Nabôkôp, sách đã dẫn, Tr. 21)

Chú thích của Nabôkôp
XXXII
1 Критик строгой — không ai khác, mà chính Kiukhenbeker, là người đã cho đăng (vào ngày 12/5/1824) bài chuyên khảo dưới đầu đề rất kêu là “Về phương hướng phát triển của nền thơ ca nước Nga, đặc biệt thơ trữ tình, trong thập kỷ gần đây” (Trong bài này, tác giả Kiukhenbeker đã trách cứ một cách đúng đắn thơ ca uỷ mị của Nga là nhạt nhẽo và tản mạn, chỉ tìm về quá khứ mà không có chủ thể rõ ràng, chỉ nhồi nhét nhiều từ khó chấp nhận, nhưng ông này ca ngợi dài dòng về thơ tụng ca Nga (thường dùng ngôn từ khoa trương) coi như đỉnh cao thơ trữ tình đầy hứng khởi.

XXXV
3…старой няни… —Đây là bà Arina (hay là Irina) Rođiônôpna (1758-1828), bà quản gia của Pushkin khi ở Mikhailopxkoie, nơi ông được phép dọn về hay, nói chính xác hơn là, ông được chuyển từ Odessa về đây vào năm 1824. Chúng ta không nên nhầm bà này với u già không rõ tên mà Pushkin đã ghép với hai cô con gái nhà Larin (sự nhầm lẫn, mà Pushkin đã chủ ý đưa vào trong thư gửi Shvars, tôi từng trích dẫn lá thư này trong chú thích với chương ba,XVI, 14) hay là nhầm với u già đã trông nom ông ở tuổi bé thơ. Còn u già thật sự của nhà thơ, “người mẹ yêu của ông”, trong những năm thơ bé, không phải bà Arina, mà là một phụ nữ khác, là bà goá có tên Uliana, đáng tiếc là, chúng ta biết rất ít về bà này. Theo tên đệm của bà, hình như là Iakôplevna, bà sinh chừng năm 1765 (106)

XXXVII
9 Гюльнара — từ tiếng Pháp Gulnare. Эдвард Вильям Лэйн trong chú thích với chương 23 khi phỏng dịch một cách khéo léo, hợp lý “Một nghìn một đêm lẻ” (Edward William Lane, «The Thousand and One Night», London, 1839–1841) đã viết (III, 305): «Джюлянар (Theo ngôn ngữ bình thường là Джюльнар) có nguồn gốc từ tiếng Ba Tuw: gulnàr và có nghĩa “hoa lựu”. Nhiều từ điển đã khẳng định điều này.

10 Геллеспонт — eo biển giữa Мраморnoie và Эгейск; Дарданеллы.
Байрон viết cho Генри Друри ngày 3 tháng năm 1810 г.: «Sáng hôm nay, tôi đã bơi từ Сестоса đến Абидоса. Khoảng cách trực tiếp không hơn một hải lý, nhưng dòng chảy rất nguy hiểm làm đường bơi thành dài hơn… [Tôi đã bơi]mất một giờ mười phút mới tới nơi”

12…меж волка и собаки… - một từ gốc Pháp thường gặp, entre chien et loup, thuộc tk. XIII (entre chien et leu) và có nghĩa: giờ chạng vạng, gà lên chuồng, lúc mà người chăn gia súc khó phân biệt rõ đâu là sói và đâu là chó nhà vì trời tối sậm. Người ta thấy có sự chuyển biến nghĩa, đó là thời khắc khi ngày chuyển thành đêm, cũng giống như giai đoạn giao chuyển giữa hai loài vật có quan hệ thân cận nhau.

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Chú thích của Nabôkôp

XLIX
Ở đây, mọi người, ai cũng có thứ để quên: Lenxky đã quên (nhưng sau đó, rất may, lại nhớ ra) chuyện mời khách, Ônhêghin quên, Tachiana sẽ bị đặt vào tình huống nào, còn Pushkin thì quên chuyện lịch. Giá như, chỉ mình Lênxky bỗng không nhớ những gì mà thần bảo mệnh của chàng định bắt chàng quên đi, thì đã chẳng xảy ra chuyện nhảy nhót, đấu súng, người bị bắn chết. Và ở đây, về phía Ônhêghin, chàng cũng có nhiều việc làm không thận trọng và vô trách nhiệm, là nguyên nhân dẫn đến hậu quả chết người bi thảm. Hình như, buổi tiệc hội trong phạm vi gói gọn trong gia đình mà Lensky ngây thơ hứa sẽ tổ chức và cố mời chào bạn mình đến dự, thì Ônhêghin đáng ra phải cảm nhận là không thể chấp nhận được (dù là có nguyên nhân khác) không đơn giản là buổi tụ họp quá đông đúc. Theo điều luật nào mà chàng có quyển chỉ thích một nhóm người nho nhỏ chứ không muốn một đám đông ầm ỹ, nhộn nhạo? Vì tính tò mò độc ác à? Hay là do, từ lúc hai người gặp nhau lần cuối, hơn năm tháng trước, chàng đã thấy thích Tachiana nhiều hơn?

Puskin cầu hôn Ôlênhina Anna và bị từ chối
Trong bản thảo chụp khổ XXVIa, có nhắc tới “nàng thật nhỏ”, đoạn tính ngữ này được dùng trong một vài bản nháp tiếp sau và, tất nhiên, có liên quan đến cô con gái Ôlenhina Anna (1808-1888).“người gù”- là sự ám chỉ khá ác ý tới việc hai xương quai xanh của nàng nhô ra quá rõ. Thật thú vị khi phải nói rằng, sau này, (khoảng năm 1840) nàng đã lấy một ông chồng gốc người Pháp (Phêđô Anđrô, gọi theo tiếng Pháp là Andrault, một quân nhân, sau này lên tới nghị sỹ thượng viện). Tôi không biết, người ta đã giải mã trong bản nháp hai chữ cái “K.M.” có đúng không, khi chúng liên quan tới chồng của nàng búp bê ngốc ngốc, nếu đã đúng, tôi cho rằng, “K” là cách viết tắt phổ biến được chấp nhận tước hiệu “Bá tước”.(201)
Nếu khổ XXVIa, 5-7 là sự giễu cợt thô lỗ với Anhet Ôlenhina, có vài chi tiết thêm vào nhằm nguỵ trang, thì các dòng 8-11 cũng là sự mỉa mai về người cha của nàng. Ông tuy không nhận quà hối lộ, nhưng lại thích trưng diện, khoe mẽ cả đống huy chương đeo khắp ngực. Mở đầu dòng 9 “Правленья Цензор» là từ viết tắt sai về cú pháp, đúng ra là “член Главного Управления цензуры»- “thành viên Tổng cục kiểm duyệt”. Theo sắc lệnh ký năm 1828, ngành kiểm duyệt ở Nga được chuyển về Bộ giáo dục quốc dân, và thành viên hội đồng tối cao là các chủ tịch, giám đốc, hiệu trưởng các trường đại học. Aleksêy Ôlenhin trở thành uỷ viên Tổng cục kiểm duyệt do đang đương chức như vậy (ông là Viện trưởng Viện Hàn lâm nghệ thuật Peterburg) ngày 6 tháng chín năm 1828 và đã giữ chức đó cho tới năm 1834, không còn nghi ngờ gì nữa, ông cũng biết hoạt động của Ban tối cao lâm thời gồm các bá tước Viktor Kotrubêy, bá tước Petr A. Tolxtôi và bá tước Aleksandr Gôlitsuwn, ban tối cao lâm thời này từ ngày 28 tháng tư đến 31 tháng 12 năm 1828, đã xem xét hồ sơ vụ “Gavri Iliad” (xem phần dưới đây). Nói chung, tôi không thể làm rõ việc có thực là Ôlenhin “bị mất ghế” và tôi giả định rằng, đây là vụ cho nghỉ việc, và nguyên nhân của nó là cái cớ nguỵ trang thôi, y hệt chuyện tuyên bố người phụ nữ đã có chồng bị gắn vào cho “nàng búp bê bị gù”.

Nàng búp bê này đã khiến Ônhêghin phải “tim đập, chân run” (bản nháp khổ thơ bị loại bỏ XXVIa, dòng 7 trong vở 2382, l.34). Trong tất cả các đoạn thơ bị bỏ đi, nàng đều được mô tả là “gù”, còn cha nàng chỉ là “con số không đi bằng hai chân”. Ở tuổi hai mươi, Anhet Ôlenhina là người có mái tóc vàng, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn. “nhanh nhẹn như chuột”, Viademsky đã viết trong thư gửi vợ ngày 3 tháng năm 182 (203).
(….)
(Natalia Puskina, trái lại, người cao lớn, nàng cao 5 fut (một fut bằng 0,304 m) và 6 diuma (một diuma bằng 2,54cm) (tính tổng ra khoảng 1 m 67 - người dịch) trông nàng lịch sự, đài các, dáng người nàng rất bệ vệ, đến nỗi, ai gặp nàng trên vũ hội, đều có cảm tưởng nàng là người lạnh lùng và đần đần.) Tôi cho rằng, nhà thơ của chúng ta đã viết những dòng thơ này trong tuần trăng mật ở Hoàng thôn năm 1831. Có thể đây chỉ là hồi ức về quá khứ, khi mà ông chồng trẻ vốn không thật thà, và đang yêu say sưa đã viết tặng người vợ trẻ của mình, còn có thể, tôi cảm tưởng như, đúng hơn cả đây là cơn tức giận chưa nguôi ngoai của chàng đi cầu hôn bị từ chối, chàng vẫn còn mang nặng trong lòng trong quan hệ với nữ bá tưởc không thể nào quên và hai bậc cha mẹ đầu óc đầy nhỏ nhen của nàng.
(Người dịch: số đo chiều cao của Natalia Puskina ở đây khác vài tác giả khác. Theo nguồn: đai đoàn kết.vn/tinh hoa viet/daithihaonga…, thì Natalia Puskina cao 1,77m, Pushkin thấp hơn nàng 9cm.

Theo tác giả khác: Ngày 15 tháng tư 1832, hoạ sỹ Grigori Trernhetsốp đã ghi số đo của Puskin để vẽ tranh “Cuộc duyệt binh trên Marrxôvô pôle: Puskin cao 2 arrsin và 5 versôk, nghĩa là cao 166,7cm 9][9][113][114]. Một vài tác giả khác: Puskin cao 2 arsin và 4 versôk (gần 160 cm) [9][115][116]. Viademsky nhận xét rằng, khi ở chỗ đông người, Puskin không thích đứng cạnh vợ (Natalia Puskina cao 173cm) và hay đùa vui rằng, ông đứng cạnh vợ thấy nhục lắm: người ông quá thấp so với vợ”
(Theo: ru.Wikipedia.org) Không biết, số đo nào là chính xác!)

Giá tôi được tiếp xúc với số bản thảo viết tay của Puskin, có lẽ, may ra tôi đã có thể dựng lại một bức tranh trọn vẹn và rõ nét hơn về việc số bản thảo này đã phản ánh Puskin- người đi cầu hôn và bị từ chối với Puskin - nhà nghệ sỹ trông ra sao. Nhà nghệ sỹ và con người cao thượng này đã vượt lên mọi tầm thường và trong văn bản hoàn chỉnh của ông, đã không còn chút dấu vết gì của Anhet Ôlenhina và người cha của nàng. Tuy nhiên, ta thấy một điều hiển nhiên là trái tim nhà thơ chúng ta đã dồn hết sức cho việc theo đuổi Anhet Ôlenhina hơn là đáp lại sức hấp dẫn về mặt cảm xúc mà người tình mang đến.
Hình như, Puskin lần đầu tiên gặp Anhet tại nhà cha nàng, khi đó còn là cô bé mười một tuổi, trông xanh xao, không loại trừ trường hợp nàng đã tham gia trò chơi đố chữ chính trong buổi tối năm 1819, khi Puskin đang tán tỉnh người chị họ của nàng là Anna Kern (mattresses en title [846] vào năm 1828), còn Krưlốp đã đọc bài thơ ngụ ngôn về con lừa cần mẫn (một dòng trong bài ngụ ngôn này đã thành dòng đầu tiên của “Evghênhi Ônhêghin “năm 1823; xem chú thích chương một, I, 1). Như thường thấy với các tiểu sử đã được nghiên cứu kĩ càng, tại giai đoạn nghiên cứu này của chúng tôi, đã xuất hiện một bức tranh khá thuyết phục về mặt nghệ thuật có vai trò gắn kết phần mở đầu của “Evghênhi Ônhêghin “với phần kết của tiểu thuyết.

Trong Nhật ký của mình, được viết một phần bằng tiếng Nga, một phần bằng tiếng Pháp (“Nhật ký của Anna Aleksêyepna. 1828 - 1829”, được xuất bản tại Pari năm 1936 nhờ Ônga Oom, người này đã không tiếc công sức bỏ ra để sửa tiếng Nga của bà mình). Anna Olenhina đã miêu tả cảnh Puskin nhìn như muốn ăn tươi, nuốt sống, dõi theo đôi chân xinh xẻo của nàng “glissant sur le parquet»[847] trong một vũ hội ở Peterburg vào mùa đông năm 1827/28. “Parmi les singularités du poète était celle d’avoir une passion pour les petits pieds, que dans un de ses poèmes il avouait préférer à la beauté même»[848] (một đoạn ghi trong Nhật ký ngày 18 tháng bảy năm 1828). Bà ghi tiếp bằng tiếng Nga: “Chúa đã ban cho chàng thiên tài hiếm có, nhưng không thưởng cho chàng vẻ hình thức lôi cuốn. Khuôn mặt chàng rất biểu cảm, tất nhiên, một vài nét ác ác và điệu bộ gây cười đã che khuất ánh sáng trí tuệ của chàng hiện rõ qua đôi mắt màu xanh hay, nói đúng hơn là, cặp mắt trong như pha lê của chàng. Vẻ mặt nhìn nghiêng chàng thừa hưởng từ mẹ, không có giá trị làm khuôn mặt chàng đẹp hơn. Và thêm vào đó là hai mảng tóc mai trông khủng khiếp, tóc chàng để rối tung, buông xoã, móng tay dài như móng chân, khổ người nhỏ bé, dáng vẻ điệu bộ, ánh mắt nhìn phụ nữ trông sấn sổ, khi chàng tỏ ra có tình cảm yêu mến, tính cách con người rất tự nhiên, không bị gò bó trong khuôn phép, có lòng tự trọng rất cao…” (202

Mùa thu năm 1828, Puskin gặp rắc rối: chính phủ để mắt tới bản thảo trường ca của ông “Gavriiliad “(1821), trường ca này theo phong cách vô thần và thô tục, pha chút nhẹ nhàng, theo mẫu kiểu Pháp, đã miêu tả một cách đáng yêu âm mưu giữa thánh sức mạnh Arkhangel và cô vợ trẻ của một người thợ mộc. Ngày 2 tháng mười, Puskin đã viết cho Nga hoàng một bức thư ngỏ, thư này không còn giữ được tới ngày nay và Puskin được tha bổng. Bản trường ca (theo thể thơ iamb có vần) có một số đoạn tuyệt vời, nhưng bị làm hỏng vì xuyên suốt tác phẩm là mô tip vốn có của tuổi trẻ:” “Đấy tôi thật không tốt làm sao”

Những cụm từ viết theo kiểu tiếng Pháp “Annette Olenine” như hoa nở xuất hiện đây đó bên lề các bản nháp của nhà thơ chúng ta. Tên nàng được viết từ phải sang trái, chúng ta tìm thấy trong bản thảo “Poltava”(237, l.11; nửa đầu tháng mười 1828) antenna eninelo; mức độ dự định nghiêm túc của Puskin còn thể hiện rõ trong tên gọi “Annette Pouchkine” đã xuất hiện trong bản nháp chương một “Poltava”, có lẽ vào chính cái ngày khi ông đã viết thư cho Nga hoàng tỏ ý hối hận về “Gavriiliad”

Mùa đông năm 1828/29, Puskin cầu hôn với Anhet Ôlênhina và bị khước từ. Cha mẹ nàng, tuy rất khâm phục tài năng của Puskin, vì vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, họ không thể tán thành những bài thơ sai trái, những cuộc phiêu lưu tình ái và đam mê trò đánh bạc stoss của ông. Quá rõ ràng là, Anhet Ôlenhina không hề yêu Puskin và nàng đang toan tính đợi một đám khác sẽ tốt đẹp hơn nhiều. (205)

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Những điềm báo gở trong đám cưới của Puskin

“Số phận chống lại”: Những điềm gở trong đám cưới của Puskin

Các bạn còn nhớ, hồi nhỏ Puskin được nhũ mẫu Arina Rôdiônôpna trông coi.
Có lẽ, vì vậy sau này, nhà thơ vĩ đại luôn rất tin đủ thứ điềm báo khác nhau nhất, và nói chung là tín mọi chuyện kì bí - vì nhũ mẫu khi kể cho Puskin truyện cổ tích là đã giảng giải cho cậu bé Puskin hiểu về mọi thứ diễn ra ở chung quanh theo cách hiểu trong dân gian từ xưa đến nay.

Tất cả những thứ đó sau này đều vô tình đọng lại trong tiềm thức của Puskin. Là người đánh giá cao các truyền thuyết và truyện cổ tích, Puskin vì thế luôn coi trọng vốn kinh nghiệm dân gian đã trải qua cả ngàn năm. Ngoài ra, cộng với sự quan sát nhạy bén, linh cảm vốn có từ lúc mới ra đời, Puskin còn nhìn thấy nhiều thứ mà người khác không thấy được - đó là mối liên hệ khăng khít giữa nhiều hiện tượng và sự vật mà nhiều người không hiểu. Nhưng sao mọi chuyện vẫn xảy ra như việc Puskin đã có quyết định hệ trọng là cưới vợ, mặc dù đã thấy từ trước tất cả các điềm báo cưỡng lại quyết định như vậy.

Có điềm báo nói rằng, nếu nuôi móng tay ngón út đến độ dài nhất định, sẽ tránh được không bị ma ám. Puskin tin vào điềm báo này, nên đã để móng tay dài và thậm chí khi đi thăm thú đâu đó, luôn đeo một cái mũ nhỏ dành riêng cho ngón tay này - phòng xa, lạy Trời, nhỡ vô tình làm gãy chiếc móng tay dài, làm như vậy, mới tránh cho mình khỏi mối nguy hiểm do ma ám.

Một điềm báo khác mà Puskin rất để ý tới, nó liên quan tới việc làm đổ dầu dùng trong ngày lễ thánh ra khăn trải bàn. - muốn tránh hậu quả của điềm báo này, thì phải tìm mọi cách để kéo chuyến đi thăm qua nửa đêm - vì theo điều mê tín này, điềm báo chỉ mất thiêng sau quá nửa đêm.

Puskin không thích con số “13 không đẹp” và mọi thứ liên quan tới con số này. Nhưng không biết do cợt đùa, hay nghiêm túc, mà Puskin đã nói rằng, Natalia Gontrarôva là mối tình thứ 113 của nhà thơ. Thêm nữa, hai người chênh nhau 13 tuổi (và điều này cũng làm nhà thơ thấy không thoải mái), nhưng Puskin vẫn tiến hành làm lễ cưới của mình mà không hề thay đổi ý định.

Còn nói chuyện lễ cưới, thì ngày cưới đã bị hoãn đi hoãn lại đến vài lần. Do vậy, Puskin càng tỏ ra bi quan hơn, vì tin rằng, việc lùi mãi ngày cưới cũng là một điềm báo gở. Hơn nữa, ngay trong ngày cưới, cũng diễn ra hết trở ngại này sang khó khăn khác, mà mọi chuyện cái gì cũng đều có thể thành lí do đề hoãn cưới. Còn chính nhà thơ có cảm tưởng như số phận cố ngăn trở không cho chàng đi bước này thì phải.

Các bạn cứ tự phán xét xem nhé:
Lần đầu tiên hoãn cưới sau khi đại giáo chủ Philàrét từ chối tiến hành lễ cưới tại nhà thờ riêng của bá tước Gôlitsuwn, theo mong muốn ban đầu của mẹ vợ tương lai. Kết quả là, lễ cưới được ấn định tại nhà thờ Vôdnhesenskaia gần cổng Nhikit.
Sát ngày cưới, bỗng nhiên Đenvich, một người bạn thân của Puskin đã chết. Vì vậy, khắp Mátxcowva đồn ầm lên là lễ cưới bị huỷ. Với lại, cũng theo tin đồn, cô dâu Natalia thấy trong người không khoẻ. Chuyện trở nên phức tạp hơn do xảy ra trước ngày lễ ăn chay, khiến lễ cưới có thể không diễn ra ngày một ngày hai.
“Hồi chuông cảnh báo thứ ba gióng lên là khi trong lễ chia tay cảnh sống độc thân của chú rể trước ngày cưới được tổ chức tại căn hộ của Pavel Nashôkín. Chú rể tương lai đã mời một phụ nữ digan, Tanhia, đến góp vui bằng “bài hát chúc phúc”. Nhưng người này lại hát một “bài nghi lễ “, hoàn toàn không hợp không khí ngày hội chia tay cuộc sống độc thân. “Cha mẹ ơi, ngoài trời đang gió bụi”, hình như, người phụ nữ digan đang trong tâm trạng nặng nề. Puskin sa sầm mặt lại - bài hát thể loại này như một điềm báo chẳng hay ho gì.

Vào ngày cưới, mồng hai tháng ba, mẹ cô dâu lại dở chứng đành hanh, bà thông bắo rằng, nhà gái không đủ tiền thuê xe ngựa loại sang để đến nhà thờ, nơi sẽ tiến hành lễ cưới, và do vậy, rất có thể, lễ cưới lại bị hoãn không biết tới bao giờ! Chú rể đã kìm nén cơn nổi sung để không phải nói hỗn với mẹ vợ tương lai và đơn giản là gửi ngay cho cô dâu một ngàn rúp để thuê xe ngựa và chi tiêu vài việc khác, nhằm đáp ứng các ý tưởng bất ngờ nảy sinh của mẹ vợ. Nghĩa là chú rể trích từ số tiền vốn dành cho cuộc sống với vợ trong một thời gian sau đám cưới. Vì vậy chú rể thậm chí còn từ bỏ ý định mua lễ phục cưới mới và vui vẻ mặc bộ trang phục mượn của một người bạn cùng hội., mà dân gian đã có câu: không mặc áo cưới của người khác trong lễ cưới của mình.

Phải nói thêm là, mẹ vợ không ưa chàng rể Puskin và không muốn con gái bà có người chồng như nhà thơ, vốn có tiếng là công tử ham chơi và được nuông chiều quá, hơn nữa, chú rể còn không giàu có gì và đang vướng mắc với triều đình (đã hai lần phải đi đày và bị quản thúc,) Mặc dù chính mẹ vợ thậm chí chưa lo đủ số tiền hồi môn cho con gái, vì gia đình bà đang lúc quá túng bấn. Trong tình thế khó chịu như vậy, mẹ vợ đã trổ tài vùng vẫy thoát ra một cách xuất sắc - đồng ý gả con gái cho nhà thơ. Chỉ có như vậy, Puskin mới xuất tiền đưa mẹ vợ làm của hồi môn tặng cô dâu!
Ở cố đô, hạn mức thấp nhất tiền hồi môn cho một thiếu nữ quý tộc là khoảng 8.000 rúp. Puskin không có số tiền này và phải xin cha. Và cha nhà thơ tỏ ra quá hào hiệp - đã tặng con trai một phần làng Bôldinô. Nhà thơ đưa đi cầm cố điền trang này và nhận về 37 ngàn rúp rồi trích ra 11 ngàn rúp, chú rể lập tức chuyển cho mẹ vợ để dùng làm của hồi môn cho con gái.

Cô dâu và chú rể không muốn có một đám cưới hoành tráng quá (cho dù mẹ cô dâu khăng khăng đòi hai con làm như bà muốn.) Họ nhờ cảnh sát và cảnh sát cử người đứng trực ở cửa vào nhà thờ, để ngăn ngừa số người tò mò muốn vào nhìn ngắm đôi uyên ương- khi đó chú rể đã là nhà thơ nổi tiếng và cô dâu là một trong những thiếu nữ xinh đẹp nhất ở Matxcowva.
Nhưng dù trong nhà thờ không có cảnh chen lấn, thì nhiều chuyện vẫn diễn ra chuệch choạc..

Nhà thơ rất hồi hộp và có vài động tác tay vụng về, đã giằng khỏi tay cha cố làm lễ cuốn sách ghi lời thề và cây thánh giá. Khuôn mặt Puskin trông tái mét. Chú rể nhắm mắt lại, cứ như sắp bị ngất đến nơi - đến mức người chung quanh đều nhận ra.
Khi đang đeo nhẫn lên tay cô dâu, nhẫn bị tuột rơi xuống sàn đá kêu thành tiếng. Trong không khí im lặng, tiếng nhẫn rơi vang lên như một lời cảnh báo không vui.
Trong lúc làm lễ cưới, người phù rể đáng ra phải giữ vương miện bằng hoa phía trên đầu chú rể đến cuối buổi. Người phù rể này..mỏi tay quá. Và đã chuyển vương miện hoa sang tay người khác, một việc làm bị cấm tuyệt đối trong đám cưới!
Chi tiết cuối cùng trong chuỗi những điều khó chịu bất thường là ngọn nến của chú rể đang lách tách cháy, sau đó đã tắt ngấm do gió lùa. Những người chứng kiến sự cố này đã thì thào với nhau rằng chú rể không kìm được mình và lẩm bẩm bằng tiếng Pháp: “Toàn điềm báo gở mất rồi “.

(Theo: “Судьба против»: приметы на свадьбе Пушкина
27 августа 2023
History Project. Dzen.ru)

Chưa có đánh giá nào
Trả lời