滕王閣

滕王高閣臨江渚,
佩玉鳴鸞罷歌舞。
畫棟朝飛南浦雲,
珠簾暮捲西山雨。
閒雲潭影日悠悠,
物換星移幾度秋。
閣中帝子今何在,
檻外長江空自流。

 

Đằng Vương các

Đằng Vương cao các lâm giang chử,
Bội ngọc minh loan bãi ca vũ.
Hoạ đống triêu phi Nam phố vân,
Châu liêm mộ quyển Tây Sơn vũ.
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di kỷ độ thu.
Các trung đế tử kim hà tại,
Hạm ngoại Trường Giang không tự lưu.

 

Dịch nghĩa

Gác Đằng Vương cao ngất dựa bên bãi sông,
Đeo ngọc reo chuông thôi múa hát.
Cột vẽ mây bến Nam bay lúc sáng sớm,
Rèm châu cuốn buổi chiều thấy mưa núi Tây.
Mây lững lờ ngày ngày vẫn in bóng trên đầm,
Vật đổi sao dời trải đã bao thu.
Con vua ở trong gác nay ở chốn nào?
Ngoài hiên sông Trường Giang cứ chảy mãi.


Đây là bài thơ ở cuối bài Đăng Vương các tự. Xem thêm đầy đủ bài tự của Vương Bột.

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Bản dịch của (Không rõ)

Gác Đằng cao ngất bên sông đó
Đeo ngọc reo chuông ngừng hát múa
Chiều cuốn rèm châu mưa núi Tây
Sớm bay cột vẽ mây bến Nam
Đầm in mây lặng vẻ thâm u
Vật đổi sao dời trải mấy thu
Đế tử trong lầu đâu vắng bóng?
Trường Giang ngoài cửa vẫn trôi mù...

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
33.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Gác Đằng Vương

Người Trung Quốc gọi Đằng Vương các, Hoàng Hạc lâu, Nhạc Dương lâu là Giang Nam tam đại danh lâu. Nhiều người biết đến Hoàng Hạc lâu qua bài thơ của Thôi Hiệu. Đỗ Phủ có bài Đăng Dương lâu, nhưng khi nhắc đến lầu này, người ta có khuynh hướng nhắc đến bài Nhạc Dương lâu ký của Phạm Trọn Yêm đời Tống. Còn Đằng Vương các đã nổi tiếng từ thời Sơ Đường qua bài phú của Vương Bột. Bài phú này kết thúc bằng bài thơ thất ngôn trên.

Con vua Đường Cao Tổ là Nguyên Anh được phong là Đằng vương, xây cất gác này khi nhận chức thứ sử tại Hồng Châu. Năm Hàm Thuận thứ hai, thứ sử Hồng Châu là Diêm Bá Tự mở đại yến ở đây, sai con rể là Ngô Tử Chương chuẩn bị trước một bài tự để mang ra khoe với tân khách. Trong bữa tiệc, họ Diêm sai đem giấy bút ra mời khách làm văn, nhưng không ai dám nhận. Duy có Vương Bột không từ chối. Họ Diêm sai người ngó xem bài của Vương Bột. Khi được nghe đến câu: “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc” thì thán phục, khen là thiên tài, bèn thỉnh cầu Vương Bột tiếp tục hoàn thành bài tự này. Vương Bột lúc đó mới 19 tuổi, nhờ ngọn gió thổi mạnh thuyền mới đến được Đằng Vương các đúng giờ. Nguyễn Du có dùng điển tích này trong câu Kiều:

Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
23.50
Trả lời
Ảnh đại diện

Đằng Vương các tự

Vương Bột tự Tử An, người đất Long Môn. Sáu tuổi đã biết làm văn. Mười sáu, mười bảy tuổi nổi danh hạ bút nên vần.

Vương có thói quen, mỗi khi làm văn, mài mực sửa soạn nghiên bút rồi nằm đắp chăn ngủ. Khi tỉnh dậy, cầm ngay bút viết. Vương nổi tiếng là một thi sĩ cao danh thời Sơ Đường (618-713).

Con của vua Cao Tông nhà Đường bấy giờ làm Thái Sử ở Hồng Châu, được phong là Đằng Vương, có dựng một cái gác bên sông Tầm Dương gọi là Đằng Vương các. Lúc Diêm Bá Dư ra giữ chức Đô Đốc Hàng Châu, đặt tiệc tại gác Đằng Vương để thết tân khách. Muốn khoe tài chàng rể, bảo làm trước một bài tự, rồi mời tất cả các nhà quyền quý, các mặc khách tao nhân xa gần đến dự; và yêu cầu mỗi người làm một bài tự ngay bữa tiệc.

Vương Bột lúc bấy giờ, tuổi vừa 15, 16. Hay tin ấy, nhưng vì đường xá xa xôi có mấy trăm dặm, không đến họp được, lấy làm tiếc. Một ông già khuyên chàng cứ sửa soạn thuyền buồm, tự nhiên sẽ có gió thổi. Quả nhiên đêm đó có gió lớn. Vương cho thuyền khởi hành, và hôm sau tới Đằng Vương các vừa kịp lúc vào tiệc.

Thấy Vương Bột, viên Đô Đốc họ Diêm khinh là con nít, miễn cưỡng cấp giấy bút. Nhưng cho người đứng bên cạnh Vương, hễ Vương viết được câu nào thì chép lại cho ông xem.

Mới đọc hàng đầu, họ Diêm đã ngạc nhiên vì lời già giặn. Đến câu:

Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc
Nghĩa:
Ráng chiều với cò lẻ cùng bay,
Nước thu cùng trời dài một sắc
thì ông vô cùng khâm phục.

Bài của họ Vương đặc sắc hơn tất cả. Từ đó, danh càng vang dậy khắp nơi.

Bài phú Đằng Vương các viết theo thể biền ngẫu, dùng nhiều chữ cầu kỳ, nhiều điển khó hiểu nhưng lời thì cực đẹp nên rất khó dịch. Trong bài, Vương Bột nhắc qua địa lý và nhân vật ở quận, nơi xây gác Đằng Vương, rồi tả chủ khách trong tiệc, phong cảnh chung quanh khi ngồi trong gác trông ra, sau cùng kể cảm tưởng của chính mình.

Cuối bài thơ, có 8 câu tuyệt diệu, nhất là 4 câu cuối:
Nhàn vân đàm ảnh nhật du du,
Vật hoán tinh di, không độ thu?
Các trung đế tử kim hà tại?
Hạm ngoại trường giang không tự lưu.
Nghĩa:
Đầm chiếu mây bay, trời lửng lơ,
Sao dời vật đổi, mấy thu rồi.
Con vua trong gác nào đâu nhỉ?
Dòng nước ngoài hiên vẫn tự trôi.
Nhưng người có tài như thế mà mạng yểu. Nhân khi đi thăm cha làm quan ở Giao Chỉ, Vương bị đắm thuyền, chết ở giữa biển giữa 29 xuân xanh.

Tương truyền rằng hai câu thơ:
Lạc hà dữ cô vụ tề phi,
Thu thuỷ cộng tràng thiên nhất sắc.
tuyệt diệu như thế mà có người cho Vương Bột còn dốt, nhưng không chỉ dốt chỗ nàọ Vì thế khi chết, hồn còn uất ức nên trong đêm khuya thanh vắng thường hiện hình trên bãi bể, níu áo những văn nhân sĩ tử qua đường, miệng ngâm nga hai câu thơ trên và hỏi dốt chỗ nào, xin chỉ giúp. Nhưng ai nấy đều khen haỵ Hồn Vương không bằng lòng, cho rằng sĩ tử kia còn dốt, thi khoa này không thể đậu. Quả thật như thế.

Rồi, cũng từ đó, giọng ngâm hai câu thơ kia vẫn còn văng vẳng bi ai theo hình bóng họ Vương thơ thẩn, dật dờ trên bãi biển.

Nhưng một hôm có một văn nhân đi ngang qua đấy, hồn Vương hiện hình níu lại hỏi, thì chàng văn nhân ấy cười bảo:
- Hai câu thơ ấy không phải sai nhưng nhà ngươi còn dốt thật. Đã bao năm có tiếng là tứ kiệt Sơ Đường mà không nhận biết được cái dốt của mình trong hai câu thơ ấy ư?

Nói xong dứt áo ra đị Vương tha thiết yêu cầu giải thích. Khách không phụ lòng, nên bảo:
- Hai câu thơ thừa chữ “dữ” và chữ “cộng”. Nếu bỏ hai chữ thì thật tuyệt, vừa gọn vừa thanh thoát, lại nhất khí:
Lạc hà cô vụ tề phi,
Thu thuỷ tràng thiên nhất sắc.
Vương Bột nhận ra, quả còn dốt thật, mới bái tạ lãnh lời chỉ giáo.

Từ đó, trong đêm khuya thanh vắng, trên bãi biển không còn hình bóng của nhà thơ tài danh trẻ tuổi hiện ra nữạ Và giọng ngâm hai câu thơ bất hủ bi ai, não ruột kia cũng chìm mất trong không gian cao rộng, mịt mờ. Đây là một câu chuyện hoang đường.

Do câu chuyện gió đưa thuyền Vương Bột đến Đằng Vương các làm cho Vương nổi tiếng tài danh, nên cổ thi có câu: “Thời lai, phong tống Đằng Vương các” (Thời tới thì gió đưa đến Đằng Vương) để chỉ sự may mắn của kẻ gặp thời. Những từ ngữ: “duyên Đằng”, “gió đưa Đằng các” đều có ý nghĩa như thế.

Trong Đoạn trường tân thanh của Nguyễn Du có câu: “Duyên Đằng thuận nẻo gió đưa” là do điển tích trên.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trần Trọng San

Bên sông đây gác Đằng Vương
Múa ca đã hết, ngọc vàng nào ai?
Cột rồng Nam Phố mây bay
Rèm châu mưa cuốn ngàn Tây sớm chiều.
In đầm, mây vẩn vơ trôi
Tang thương vật đổi, sao dời mấy thâu
Đằng Vương trong gác giờ đâu?
Trường Giang nước vẫn chảy mau mé ngoài.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nam Trân

Gác Đằng cao ngất bãi sông thu
Ngọc muá vàng reo nay thấy đâu?
Nam phố mây mai quanh nóc vẽ
Tây sơn mưa tối, cuốn rèm châu
Đầm nước mây vờn ngày tháng trôi
Mấy phen vật đổi với sao dời
Đằng vương thuở trước giờ đâu tá?
Sông lớn ngoài hiên luống chảy hoài.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
15.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Hải Đà

Bến sông cao ngất gác Đằng Vương
Đai ngọc chuông kêu múa hát ngừng
Cột vẽ mây Nam vờn sáng sớm
Mưa Tây rèm cuốn thấy chiều buông
Ngày vẫn trên đầm in bóng mây
Sao dời vật đổi mấy thu đây
Con vua trong gác nơi nào ở?
Ngoài cửa Trường Giang nước chảy dài.

Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Nguyễn Lãm Thắng

Gác Đằng cao ngất bãi sông
Còn đâu tiếng ngọc, nhạc rung rộn ràng?
Mây mai vờn nóc phố Nam
Rèm châu chiều cuốn thấy ngàn Tây mưa
Đầm in  mây lửng, ngày đưa
Sao dời vật đổi mấy mùa vèo trôi
Đằng Vương giờ khuất xa rồi!
Trường giang nước cứ chảy xuôi bên thềm.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Cao Nguyên

Bên sông gác Đằng Vương cao ngất,
Đeo ngọc vàng reo ngừng múa hát.
Cột vẽ mây Nam Phố sớm bay,
Rèm cuốn mưa Tây Sơn chiều tạt.
Đầm in bóng mây, ngày chậm trôi
Sao dời vật đổi mấy thu rồi.
Trong gác con vua giờ đâu nhỉ?
Ngoài hiên, sông vẫn chảy đấy thôi.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của mailang

Gác Đằng vương bên sông cao nóc,
Dứt múa ca, tiếng ngọc phôi phai.
Cột hoa Nam Phố mây mai,
Rèm châu chiều cuốn, non đoài hạt rơi.
Trải mấy thu, sao dời vật đổi,
Mây ánh đầm, ngày dõi lửng lơ.
Gác đây, đế tử đâu giờ ?
Trường Giang cứ chảy hững hờ ngoài hiên.

14.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Cần sửa những chữ sai trong bài 滕王閣

Đằng Vương Các, bài thơ hay đã được xem đến trên một ngàn lượt trên trang Thi Viện quả là điều đáng mừng, một phần vì yêu thích thơ Đường, một phần vì đam mê Hán-Việt hiện còn rất đông đảo trong công chúng độc giả. Nhưng trong bài thơ nguyên bản bằng chữ Hán đăng trên đây tôi thấy có hai chữ viết sai (chứ không phải là dị bản), đó là chữ "minh" 鳴 (cái gì phát ra tiếng kêu đều gọi là 鳴 như "minh cổ" là đánh trống, "minh loan" là tiếng phát ra của cái nhạc khí giống như nhạc ngựa, các vũ nữ xưa thường đeo vào cổ tay, cổ chân khi múa nó kêu theo nhịp nhảy, hoặc dùng tay lắc để phát ra tiếng kêu mà đệm nhạc trong khi hát) lại viết thành 明(ở câu thứ hai) và chữ "vât" 物 lại viết thành chữ "nhật"日 (ở câu thứ 6).
 Vì vậy, tôi có hai đề nghị: Một là ban biên tập xem và sửa lại nếu có thể. Hai là các bạn đọc, các thành viên cần quan tâm hơn trong quá trình truy cập, để cùng nhau mài dũa cho Thi Viên ngày càng tinh tế hơn.Kính!

44.25
Trả lời

Trang trong tổng số 3 trang (27 bài trả lời)
[1] [2] [3] ›Trang sau »Trang cuối