寒食即興

桐花日月屆重三,
草樹蔥青護小庵。
身上得閒惟靜養,
客中賞節且微酣。
半簾晴靄籠孤榻,
四壁涼風掠短衫。
煙冷奴廚緣米貴,
綿山火忌到天南。

 

Hàn thực tức hứng

Đồng hoa nhật nguyệt giới trùng tam,
Thảo thụ thông thanh hộ tiểu am.
Thân thượng đắc nhàn duy tĩnh dưỡng,
Khách trung thưởng tiết thả vi hàm.
Bán liêm tình ái lung cô tháp,
Tứ bích lương phong lược đoản sam.
Yên lãnh nô trù duyên mễ quý,
Miên Sơn hoả kỵ đáo Thiên Nam.

 

Dịch nghĩa

Ngô đồng ra hoa, đã đến ngày mồng 3 tháng ba,
Hoa cỏ xanh tươi vây quanh am nhỏ.
Chỉ có tĩnh dưỡng thì bản thân mới được an nhàn,
Thưởng thức tiết đẹp trong cảnh lữ khách, uống ngà ngà say.
Nửa rèm khí mù quang đãng bao quanh chiếc chõng lẻ loi,
Bốn vách gió mát đập phần phật vào chiếc áo ngắn.
Bếp núc khói lạnh vì gạo đắt,
Miên Sơn cấm lửa đến tận cõi trời Nam.


Phạm Văn Ánh dịch nghĩa.

Hàn thực nghĩa là ăn đồ lạnh, là phong tục cổ tiến hành vào ngày mồng 3 tháng ba âm lịch hàng năm. Tục này vốn là phong tục của các nước trồng lúa phương nam. Nguyên là theo sách Kinh Sở tuế thời ký thì ngày thứ 105 trong tiết đông, thường có mưa to gió lớn, gọi là tiết hàn thực, người ta cấm lửa trong 3 ngày. Lời chú của sách này nói: Theo lịch thì tiết ấy vào khoảng trước thanh minh 2 ngày, cách ngày đông chí 106 ngày. Sách này còn ghi người bản địa, “thổ nhân”, trong ngày 3 tháng ba có tục ra bến sông Khúc, truyền chén uống rượu. Một sách “biệt lục” của Lưu Hướng cũng nói tiết hàn thực có từ đời Chu. Tiết này từ thời Hậu Hán mới được gắn với truyện Giới Tử Thôi.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]