Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Nguyễn Thái Sơn
Đăng bởi hảo liễu vào 09/11/2015 22:56
Trường ca Chiến tranh - chín khúc tưởng niệm - một giai đoạn chiến tranh chống Mỹ được nhà thơ Nguyễn Thái Sơn tái hiện từ hậu phương đến tiền tuyến.
Nguyễn Thái Sơn cũng như bao thanh niên khác những thập niên 60, 70 của thế kỷ trước đã tạm gác bút nghiên theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc để khoác áo lính, đểhoàn thành trách nhiệm của một công dân yêu nước. Từng là lính lái xe trong chiến trường, sau đó là chính trị viên đại đội pháo binh, cán bộ tuyên huấn trong quân đội, anh là nhân chứng chứng kiến ghi lại nhật ký lịch sử chiến tranh một cách trung thực nhất.
Nguyễn Thái Sơn tâm sự: “Tôi không may mắn trong mọi lĩnh vực nhưng so với những đồng đội chết trận vẫn còn là hạnh phúc”. Chiến tranh - chín khúc tưởng niệm, NXB Văn học phát hành trong thời điểm cả nước kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người lính, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn gửi đến độc giả hôm nay như một món quà tri ân dành cho đồng đội, đồng chí, đồng bào đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho đất nước.
Đăng bởi hảo liễu vào 10/11/2015 00:08
“Tôi rơi nhiều nước mắt khi viết trường ca này” - tâm sự của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn về trường ca Chiến tranh- chín khúc tưởng niệm (NXB Văn Học 2009). Đây là một trong những tập thơ gây được nhiều chú ý của dư luận thời gian qua. Trang Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh xin giới thiệu đến bạn đọc một số đánh giá, nhận định về tập trường ca “nhiều nước mắt”.
NGUYỄN THANH TÚ: “… Người ra trận thì như vậy còn người ở hậu phương cũng phải hy sinh, hy sinh hạnh phúc, tuổi trẻ cùng những khát khao của bản năng. Nhìn ở góc độ này Chiến tranh chín khúc tưởng niệm của Nguyễn Thái Sơn khai thác sâu vào miền tâm tưởng đầy day dứt âu lo khắc khoải và cũng đầy đam mê của những người phụ nữ: Những người đàn bà khao khát tình yêu/ da thịt có gai có lửa/ ong bay trong dạ/ kiến nhằn trong xương/ lan toả xạ hương/ rạo rực tê mê những vùng nhạy cảm/ cơ thể dao động run rẩy/ căng mặt trống/ bỏng dây đàn/ gánh nước nửa đêm tưới đầm vườn nhãn/ xay vài thúng thóc/ giã nửa nong ngô… Chúng tôi cho rằng nói ra những điều ấy ở ngày hôm nay là một sự cần thiết, để thế hệ trẻ biết rằng cha anh họ đã phải trả giá tuổi trẻ, máu xương như vậy mới có ngày hoà bình yên ổn hôm nay, để họ suy ngẫm mà sống sao cho xứng đáng với lịch sử. Trên hành trình đổi mới của trường ca sau 1986 thì điểm thay đổi căn bản là ở sự trả lại những gì vốn có của cấu trúc hình tượng con người trong chiến tranh…”
NGUYỄN VIỆT CHIẾN: “... Gần 200 trang thơ với những cảm nhận xúc động và ám ảnh như thế, nhà thơ đã cùng chúng ta nhìn lại cả một chặng đường trận mạc gian lao của dân tộc khi lịch sử đất nước qua mấy ngàn năm trường tồn còn hằn dấu những trận chiến dựng nước và giữ nước. Nguyễn Thái Sơn đã mở một dòng chảy xuyên suốt qua chín khúc tưởng niệm về chiến tranh với cái nhìn đầy nhân bản, và như bản giao hưởng trầm hùng và đau thương về những người lính đã hy sinh…”
DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI: “… Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn đã viết về chiến tranh, đàn bà và đàn ông bằng thi chất rất thực và đau đáu nỗi niềm của mình. Những câu thơ như cứa vào gan ruột, khiến ta ngẫm ngợi, xót xa và cảnh tỉnh! Một giọng thơ hiếm dám nói thật !...”
PHẠM ĐìNH TRỌNG: “… Vì mối quan tâm là số phận cả dân tộc, Chiến tranh - Chín khúc tưởng niệm không có nhân vật cụ thể mà chỉ có hai nhân vật ước lệ: Người đàn ông ra trận và người đàn bà ở lại làng quê. Hai nhân vật ấy như hai cá thể ước lệ cho thuỷ tổ loài người, ông Ađam và bà Evơ, như hai ông bà ước lệ cho tổ tiên dân tộc Việt Nam, ông Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Những tâm trạng sâu kín, những tình cảnh quẫn bách được nhắc đến trong trường ca là cuộc sống không bình thường, trái tự nhiên mà người đàn ông và đàn bà ước lệ phải chịu đựng do họ phải sống thiếu nhau vì chiến tranh…”
TRIỆU XUÂN: “… Tếp tục mạch thơ hiện thực trong những tập thơ trước của mình, nay nhà thơ Nguyễn Thái Sơn thông qua trường ca Chiến tranh, Chín khúc tưởng niệm, đi sâu vào thân phận, tâm nguyện của những người lính, và người vợ, người yêu, những người thân, gia đình của họ ở hậu phương. Chín khúc trong trường ca này nói về mảng hiện thực xưa nay ai cũng biết, cũng thấm, nhưng ngại nói trong thơ. Tác giả viết về những điều sâu kín, nhạy cảm ấy bằng cả tấm lòng yêu thương, cảm phục, trân trọng, biết ơn sự hy sinh to lớn của biết bao con người ở tiến tuyến và ở hậu phương…”