Thơ đọc nhiều nhất
Thơ thích nhất
Thơ mới nhất
Tác giả cùng thời kỳ
Dịch giả nhiều bài nhất
Tạo ngày 03/04/2007 17:05 bởi
Vanachi, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 06/03/2008 22:36 bởi
Vanachi Jalal Uddin Rumi (1207-1273) tên đầy đủ là Mawlānā Jalāl ad-Dīn Muḥammad Balkhī (tiếng Ba Tư: مولانا جلال الدین محمد بلخى), hay Jalāl ad-Dīn Muḥammad Rūmī (جلالالدین محمد رومی), nhà thơ thần bí Ba Tư thế kỷ XIII. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo nhằm tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng đế. Trong suốt 25 năm ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mạc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.
Tác phẩm chính của Rumi là Diwan-i Shams-i Tabriz-i (Tác phẩm về Shams người xứ Tabriz) gồm khoảng 40.000 câu thơ, đề tặng Shams ad-Din, người bạn lớn, người thầy tinh thần và nguồn cảm hứng của ông, và Mathnawi gồm khoảng 25.000 câu thơ. Ngoài ra còn các cuộc trò chuyện và thư từ của ông gồm ba tập vẫn giữ được đến ngày nay.
Tầm quan trọng của Rumi nằm ở chỗ ông vượt qua các ranh giới quốc gia và dân tộc. Tuy làm thơ chủ yếu bằng tiếng Ba-tư, ông còn viết một số bài thơ bằng tiếng Ả rập, tiếng Hy Lạp và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ (cổ). Trong suốt nhiều thế kỷ, thơ ông có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với văn chương Ba-tư cũng như văn chương Urdu (Ấn Độ) Và Thổ Nhĩ Kỳ. Thơ ông được rất nhiều người đọc ở các nước nói tiếng Ba-tư ngày trước như Iran, Afghanistan, Tajikistan và ngày nay đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Jalal Uddin Rumi sinh năm 1207 ở thành phố Balkh thời đó nằm ở tỉnh Khorasan của đế quốc Ba-tư nhưng ngày nay thuộc Afghanistan. Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống phụng sự các cơ quan luật pháp và tôn giáo. Ngay từ nhỏ Jalal Uddin đã tỏ ra tư chất khác thường. Có giai thoại kể rằng có một lần, Attar, một nhà thơ và nhà hiền triết lớn đương thời, khi gặp hai cha con Jalal Uddin, người cha đi trước còn người con theo sau, đã nói một câu có tính tiên tri: “Một biển đang bước đi, theo sau là một đại dương”.
Vào khoảng năm 1218, để tránh hoạ xâm lăng của người Mông Cổ, ông cùng gia đình di chuyển qua nhiều nơi, từ Balkh đến Baghdad, Mecca, Damascus và cuối cùng định cư ở Karaman gần Konya (nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) thời đó là thủ đô của người Turk Seljuk. Ở đây cha của cậu thiếu niên Jalal Uddin hành nghề đạo sư và hoạt động như một nhà thần học. Jalal Uddin theo gương cha, và sau khi người cha qua đời vào năm 1231, chàng thanh niên cũng trở thành một đạo sư lỗi lạc. Thời đó vùng này được người dân gọi là Rum, một cái tên có nguồn gốc từ thời đế quốc Byzantine. Biệt danh Rumi của nhà thơ bắt nguồn từ cái tên này.
Vào khoảng năm 1244 C.E. Rumi gặp Shams ad-Din, một giáo sĩ hay một tín đồ Sufi mà trước kia ở Tabriz, và cuộc tao ngộ này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông. Shams ad-Din trở thành bạn và người thầy tinh thần của Rumi. Trong khoảng hai năm Rumi cùng Shams ad-Din sống cùng một nhà và gắn bó thân thiết với nhau trong một tình bạn mang tính thuần khiết và lý tưởng. Sufi vốn có truyền thống những tình bạn thuần khiết và lý tưởng như vậy, dựa trên sự chung nhau nỗ lực tâm linh.
Trước đó Rumi vốn là đạo sư và lãnh tụ của một đoàn tăng lữ Mevlevi. Các môn đồ của ông hết sức bức xúc bởi sư phụ quá quấn quýt với Shams mà quên mất họ, thế là họ đe doạ dùng vũ lực để chia lìa đôi bạn. Shams ad-Din biến mất một cách khó hiểu vào năm 1247, có thể là bị các môn đồ của Rumi giết chết. Sau đó Rumi viết 40.000 câu thơ lấy tên là Diwan-i Shams-i Tabriz-I để bày tỏ nỗi đau mất người bạn tri kỷ.
Chủ đề chung của tư tưởng ông, cũng như của các nhà thơ thần bí và Sufi khác trong văn học Ba-tư, là về khái niệm Tawheed (nhất thể) và sự hợp nhất với người yêu (cái cội rễ uyên nguyên) mà ông đã bị cắt rời khỏi nó, cũng như nỗi khao khát được tái hợp với người yêu hay cái cội rễ kia và trở thành nhất thể.
Tác phẩm Masnavi kết hợp nhiều truyện ngụ ngôn và cảnh đời thường, những thiên khải lấy từ kinh Qu’ran, cùng những suy tư siêu hình thành để dệt thành một bức tranh chung rộng lớn và phức tạp. Rumi được coi là hình mẫu của “ensaaneh kamel”, con người hoàn hảo hay con người toàn diện. Rumi nhiệt thành tin ở việc dùng âm nhạc, thơ ca và nhảy múa làm con đường đến với Thượng đế. Với Rumi, âm nhạc giúp các tín đồ tập trung toàn bộ bản thể mình vào cái thánh thiêng, làm việc đó một cách tập chú đến nỗi linh hồn họ vừa bị huỷ diệt vừa được phục sinh.
Trên thực tế, ông là người thành lập giáo phái Mevlevi của các “giáo sĩ xoay tròn” và sáng tạo nên “sema”, điệu nhảy xoay tròn có tính chất thánh thiêng của các vị này. Theo truyền thống Mevlevi, sema tiêu biểu cho một cuộc hành trình thăng tiến tâm linh, thông qua trí tuệ và tình thương để đạt tới “cái Hoàn hảo”. Trong cuộc hành trình đó hành giả hướng về chân lý, trưởng thành thông qua tình thương, xả bỏ cái tôi, tìm thấy chân lý và đến được “cái Hoàn hảo”, sau đó, khi từ cuộc hành trình này trở về, họ hoàn thiện hơn, có khả năng yêu thương và phụng sự toàn bộ các tạo vật trên thế giới không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, tôn giáo, quốc gia.
Theo lời Shahram Shiva, một nhà thơ Mỹ gốc Iran nổi tiếng với những buổi đọc thơ Rumi, một trong những lý do khiến Rumi đến được với nhiều người như vậy là bởi “Rumi có khả năng chuyển thành ngôn từ một cách thẳng thắn và trực tiếp cái thế giới mang tính cá nhân cao độ và thường rất phức tạp của sự trưởng thành về tinh thần và cái huyền nhiệm. Ông không xúc phạm bất cứ ai, ông gồm thâu tất cả mọi người.
Thế giới của Rumi không phải là thế giới của người Sufi, cũng không phải thế giới của người Ấn hay thế giới của người Do Thái, mà đó là trạng thái cao nhất của con người, một ensaaneh kaamel, nghĩa là một con người toàn thiện. Mà một con người đã toàn thiện thì không bị câu thúc bởi những ranh giới về văn hoá, con người đó gần gũi với bất cứ ai trong chúng ta. Ngày nay ta có thể nghe người ta đọc thơ Rumi trong nhà thờ, thánh đường Hồi giáo, tu viện Thiền tông, cũng như trong các cuộc trình diễn âm nhạc trên phố phường New York”.
Chỉ mới cách đây khoảng 20 năm Rumi hãy còn hầu như chưa được biết tới ở phương Tây, nhưng hiện nay ông là một trong những nhà thơ được đọc nhiều nhất tại Hoa Kỳ.
Tác phẩm của Rumi đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong đó có tiếng Anh, Pháp, Nga, Đức, Ý, Tây Ban Nha, v.v. và ngày càng xuất hiện dưới nhiều dạng khác nhau như hoà nhạc, hội thảo, đọc thơ, múa và nhiều hình thức nghệ thuật khác nữa.
Năm 2007, được UNESCO chọn là “Năm Quốc tế Rumi” nhân dịp kỷ niệm 800 năm ngày sinh của nhà thơ. Ba nước Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Afghanistan dự kiến tổ chức một số chương trình đặc biệt để tưởng niệm Rumi. Riêng Iran sẽ mở một hội nghị tương tự vào mùa thu năm 2007. Nhiều chương trình đặc biệt sẽ được tổ chức tại nơi ra đời của nhà thơ (nay thuộc Iran) và nơi ông qua đời (nay tại Thổ Nhĩ Kỳ).
Trong các chương trình dự kiến được thực hiện trong năm nay nhân dịp Năm Quốc tế Rumi, Bộ Văn hoá Iran sẽ ấn hành tập thơ Masnavi của Rumi in song ngữ - bằng tiếng Ba-tư và bản dịch sang tiếng Thổ, tổ chức buổi lễ tưởng niệm Forouzanfar và Golpinarli, hai chuyên gia có uy tín người Iran và Thổ trong lĩnh vực nghiên cứu về Rumi, xuất bản một cuốn tự điển thành ngữ Thổ-Ba-tư, cũng như tổ chức một số buổi hoà nhạc của các nghệ sĩ Iran tại Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là một sự kiện mà tầm quan trọng của nó vượt xa ngoài khuôn khổ một nền văn hoá: bởi thông qua Rumi, nhân loại nhận thức được trở lại một phần tinh hoa của nền văn minh Hồi giáo mà những cuộc xung đột cũng như sự kiện khủng bố có tính tôn giáo trong những năm gần đây không thể xoá mờ.
Jalal Uddin Rumi (1207-1273) tên đầy đủ là Mawlānā Jalāl ad-Dīn Muḥammad Balkhī (tiếng Ba Tư: مولانا جلال الدین محمد بلخى), hay Jalāl ad-Dīn Muḥammad Rūmī (جلالالدین محمد رومی), nhà thơ thần bí Ba Tư thế kỷ XIII. Tên ông được đồng nhất với Sufi, một học thuyết thần bí của Hồi giáo nhằm tới sự thần hiệp, hay sự hợp nhất thần bí với Thượng đế. Trong suốt 25 năm ông đã viết trên 70.000 câu thơ với các chủ đề tình yêu mang tính thánh thiêng, niềm đam mê thần bí và sự mạc khải. Giới học giả ngày nay coi Rumi là một trong các nhà thơ lớn nhất của mọi thời đại; tác phẩm của ông được so sánh với tác phẩm của Dante và Shakespeare.
Tác phẩm chính của Rumi là Diwan-i Shams-i Tabriz-i (Tác phẩm về Shams người xứ Tabriz) gồm khoảng 40.000 câu thơ, đề tặng Shams ad-Din, người bạn lớn, người thầy tinh…