Dưới đây là các bài dịch của Nguyễn Huy Hoàng. Tuy nhiên, Thi Viện hiện chưa có thông tin tiểu sử về dịch giả này. Nếu bạn có thông tin, xin cung cấp với chúng tôi tại đây.

 

Trang trong tổng số 10 trang (93 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

“Mùa hè sẽ kết thúc. Tháng chín sẽ đến…” (Joseph Brodsky): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng, Phạm Hà Anh

Mùa hè sẽ kết thúc. Tháng Chín sẽ đến. Sẽ lại được phép
săn vịt, chim cút, gà gô, gà rừng. “Ôi, anh đã già khủng khiếp,”
một cô gái sẽ nói, và bạn sẽ xóc cái khẩu súng hai nòng,
nhưng để hít một hơi sâu hơn, không phải để doạ lũ chim công.
Và lá phổi nhạy bén sẽ giật một cái trước mùi mơ được bán
ở các quầy hàng. Nói chung, thế giới thay đổi quá chóng
như thể một lúc nào đó nó đã chích vào mình
một thứ hàng mua được từ một gã xa lạ da ngăm.

Dĩ nhiên, vấn đề không phải mùa thu. Hay đường nét khuôn mặt, thứ
thay đổi như mặt của một con thú chạy đến gần kẻ săn nó,
mà cảm giác của một chiếc cọ xơ xác bị bỏ trơ
bởi một bức vẽ không đầu, không cuối, không khung gỗ, tơ hơ.
Chưa kể một phòng trưng bày, chưa kể chiếc đinh.
Và một đoàn tàu chạy qua đồng bằng, huýt sáo inh inh,
mặc dù nếu quan sát kỹ, bạn cũng không thấy vệt hơi nước.
Song trong quang cảnh một cảnh quan, chuyển động là bắt buộc.

Điều đó đúng với mùa thu; đúng với thời gian nói chung,
như khi bạn bỏ thuốc lá, hoặc khi những cái cây bạn thấy trông
như bắt chước những đường ray được giải phóng khỏi bánh
và bìa rừng vọng lại những mối nối rỉ sét đỏ quạch.
Và trong cổ không còn một cục nghẹn mà là một con nhím
vì trên biển khơi bạn không còn thấy nữa hình bóng
một con tàu hơi nước, và mặt nghiêng của một chiếc máy bay
trên bầu trời, đã mất hết quầng sáng, trông thật kỳ lạ thay.

Tốc độ là như thế. Cô gái nói đúng. Một người La Mã cổ đại
sẽ nhận ra được gì nếu anh ta sống dậy bây giờ? Một thanh củi,
đường viền của một đám mây, một con bồ câu trên nóc,
mặt nước phẳng, thứ gì đó trong kiến ​​trúc,
nhưng không một mặt ai. Chính vì vậy một số người
đôi khi ra nước ngoài, nhưng không có quyền có cuộc đời thứ hai,
vội vã quay trở lại, che mắt trong khiếp hãi.
Và, vẫn chưa lặng xuống sau cái vẫy chia tay run rẩy,

một chiếc khăn tay phất phới trong không khí. Những người khác
đã yêu một thứ gì đó hơn cả cuộc sống, họ biết
rằng tuổi già nói cho cùng là cuộc đời thứ hai, trông trắng
bệch như đá cẩm thạch dưới nắng, không rám,
và nhìn chằm chằm vào một điểm nào đó, không xa lạ
với những thú vui của lịch sử. Bởi càng có nhiều điểm như thế,
càng có nhiều đốm trên trứng của những kẻ thua cuộc trốn tìm,
của những con gà gô sợ chạy biến, của chim cút, gà rừng.

Ảnh đại diện

Ithaca (Louise Glück): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Kẻ được yêu không
cần phải sống. Kẻ được yêu
sống trong đầu. Khung cửi
là dành cho những kẻ cầu hôn, căng lên
như một cây đàn hạc với sợi vải liệm trắng.

Chàng là hai con người.
Chàng là cơ thể và giọng nói, cái sức hút
dễ dàng của một người đàn ông còn sống, và sau đó
là cái giấc mơ hay hình ảnh mở ra
được tạo nên bởi người đàn bà trước khung cửi,
ngồi đó trong một căn sảnh đầy ắp
những kẻ đầu óc tầm thường.

Như bạn thương hại
cái biển cả bị lừa dối đã cố gắng
đưa chàng đi mãi mãi
mà chỉ lấy người đầu tiên,
người chồng thực sự, bạn phải
thương hại những người đàn ông kia: họ không biết
họ đang nhìn gì;
họ không biết khi một người yêu theo cách này
thì tấm vải liệm trở thành váy cưới.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hoa diên vĩ dại (Louise Glück): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Ở tận cùng nỗi đau khổ của tôi
có một cánh cửa.

Hãy nghe tôi: cái các người gọi là cái chết
tôi vẫn nhớ.

Trên đầu, những tiếng động, những cành thông chuyển mình.
Rồi không gì. Mặt trời yếu ớt
sáng lung linh trên mặt đất khô.

Thật khủng khiếp khi sống sót
khi ý thức
bị chôn vùi dưới đất đen.

Rồi nó qua đi: cái các người sợ, là
một linh hồn mà không thể
cất tiếng, đột ngột kết thúc, mặt đất cứng
cong lên đôi chút. Và cái tôi nghĩ là chim
bay tíu tít trong những bụi cây thấp.

Các người những kẻ không nhớ
lối đi từ thế giới kia sang,
tôi nói cho nghe tôi có thể cất tiếng lần nữa: bất cứ thứ gì
trở về từ lãng quên đều trở về
để tìm một giọng nói:

từ giữa đời tôi chảy lên
một suối nguồn vĩ đại, những bóng xanh thẳm
trên nước biển xanh trong.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Các người, những kẻ bức hại (Czesław Miłosz): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Các người, những kẻ bức hại một con người bình thường,
Phá lên cười trước tội ác ấy,
Và giữ lấy một đám hề quanh mình
Để trộn lẫn thiện ác, để xoá nhoà lằn ranh,

Dẫu mọi người cúi đầu trước các người,
Nói đức hạnh và trí tuệ soi sáng con đường của các người,
Đúc những huy chương vàng để vinh danh các người,
Vui mừng vì đã sống sót thêm một ngày nữa,

Chớ cảm thấy an toàn. Nhà thơ nhớ.
Các người có thể giết anh ta, nhưng người khác sẽ ra đời.
Những lời sẽ được viết xuống, việc gì, ngày nào.

Một bình minh mùa đông sẽ là tốt hơn cho các người,
Một sợi dây, một cành cây uốn cong dưới sức nặng.

Ảnh đại diện

Để chẳng còn ánh sáng thương chúng ta (Rose Ausländer): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Chúng đến
với những lá cờ sắc lẹm và súng lục
bắn rụng hết sao trời và mặt trăng
để chẳng còn ánh sáng cho chúng ta
để chẳng còn ánh sáng thương chúng ta

Kể từ đó chúng ta chôn mặt trời
Một nhật thực bất tận

Ảnh đại diện

Ngày 1 tháng Giêng, 1965 (Joseph Brodsky): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Ba vua sẽ quên nơi ở của mi.
Sao sẽ không sáng như là mọi khi.
Chỉ có tiếng khàn của gió không đi
là mi vẫn nghe như cũ.
Bóng mi sẽ đổ xuống vai mệt mỏi,
trước khi nằm xuống nến kia mi thổi.
Bởi có nhiều đêm hơn nó cháy nổi
mà tờ lịch kia đang chứa.

Đó là cái gì? Nỗi buồn? Có thể.
Một giai điệu quen trong tim đã kể.
Nó lại cất lên. Vậy thì cứ để
cho nó lặp lại đêm nay.
Cứ để nó vang lên trong giờ chết,
với lòng biết ơn như môi và mắt
cho điều gì xa xôi trong khoảng cách
đôi khi mi dõi không hay.

Và nhìn lên trần nhà kia, im lặng,
bởi tất trống không, không quà ai tặng,
mi đã hiểu ra, trong sự cô quạnh:
tuổi mi, mi đã đủ khác.
Đã muộn để tin vào những phép lạ,
Và ngước mắt nhìn lên trời, rồi hạ,
Mi bỗng cảm thấy bản thân mi quả
là một món quà, dứt khoát.

Ảnh đại diện

Với cái chìa biến đổi (Paul Celan): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Với cái chìa biến đổi
mi mở ra ngôi nhà, nơi
trôi tuyết của điều không nói.
Tuỳ vào máu, chảy
từ mắt hay miệng hay tai,
mà cái chìa của mi biến đổi.

Chìa của mi biến đổi, lời biến đổi,
thứ được trôi với những bông tuyết.
Tuỳ vào cơn gió đẩy mi đi
mà tuyết cuộn lấy lời.

Ảnh đại diện

Mưa vàng (Mai Der Vang): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Đầu tiên, cái rát
trong mũi bạn.

Rồi ở trong mắt,
một lò lửa bùng lên

để đục ruỗng
khuôn mặt.

Ruồi trên
hốc mắt trống.

Giòi ăn
thủng làn da.

Thêm một con bò chết
bởi hít vào

trong khi bạn nuốt
cùng một bầu không khí.

Bao nhiêu ngày trước khi
đến đông bạn xám ngoét

trong hoang dã biến thành
nghĩa trang này tạm bợ.

Bao nhiêu giờ
trước khi có tổn thương,

trước khi thứ bạn nôn
làm cứng lại nền

đất. Ở một nơi nào đó
một mái nhà già đi lạnh lẽo,

chẳng còn được sưởi ấm
nhờ căn bếp

bạn từng chăm chút.
Chẳng ai đốt

vàng mã.
Chẳng ai tụng đường đi.

Ảnh đại diện

Hôn (Marina Svetaeva): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Một nụ hôn lên trán—để xoá tan u sầu.
Tôi hôn anh lên trán.

Một nụ hôn lên mi—để xua đi mất ngủ.
Tôi hôn anh lên mi.

Một nụ hôn lên môi—để dịu mồi cơn khát.
Tôi hôn anh lên môi.

Một nụ hôn lên trán—để xoá tan ký ức.
Tôi hôn anh lên trán.

Ảnh đại diện

Tháng tư và thinh lặng (Tomas Tranströmer): Bản dịch của Nguyễn Huy Hoàng

Mùa xuân nằm hiu quạnh.
Cái mương màu sẫm nhung
trườn bên tôi
không mang hình phản chiếu.

Chỉ toả sáng
có những đoá hoa vàng.

Tôi được mang trong cái bóng của mình
như cây vĩ cầm
trong một chiếc hộp đen.

Điều duy nhất mà tôi muốn nói
lấp lánh ngoài tầm với
như món đồ bạc
ở một tiệm cầm đồ.

Trang trong tổng số 10 trang (93 bài trả lời)
[1] [2] [3] [4] ... ›Trang sau »Trang cuối