504.58
Ngôn ngữ: Chữ Hán
Thể thơ: Thất ngôn bát cú
Thời kỳ: Thịnh Đường
123 bài trả lời: 100 bản dịch, 22 thảo luận, 1 bình luận
109 người thích
Từ khoá: Hoàng Hạc lâu (30) thơ sách giáo khoa (670) Văn học 10 [1990-2006] (49) Ngữ văn 10 [2007-2020] (23)

Đăng bởi Vanachi vào 08/06/2005 12:03, đã sửa 4 lần, lần cuối bởi Vanachi vào 20/07/2006 23:50

黃鶴樓

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

 

Hoàng Hạc lâu

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị?
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

 

Dịch nghĩa

Người xưa đã cưỡi hạc vàng bay đi,
Nơi đây chỉ còn lại lầu Hoàng Hạc.
Hạc vàng một khi bay đi đã không trở lại,
Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.
Mặt sông lúc trời tạnh, phản chiếu cây cối Hán Dương rõ mồn một,
Cỏ thơm trên bãi Anh Vũ mơn mởn xanh tươi.
Trời về chiều tối, tự hỏi quê nhà nơi đâu?
Trên sông khói toả, sóng gợn, khiến người sinh buồn!


Lầu Hoàng Hạc ở phía tây nam thành Vũ Xương.

Bài thơ này được sử dụng trong các chương trình SGK Văn học 10 giai đoạn 1990-2006, SGK Ngữ văn 10 giai đoạn từ 2007 (đọc thêm).

 

Xếp theo:

Trang trong tổng số 13 trang (123 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Về bài thơ "Hoàng Hạc Lâu"...

VỀ BÀI THƠ "HOÀNG HẠC LÂU"...

1. Tôi quên không biết đã đọc bài thơ dịch Hoàng Hạc Lâu của nhà thơ Vũ Hoàng Chương ở đâu, nhưng lại rất nhớ là bài dịch rất hay, rất khác với những bản dịch của các nhà thơ nỏi tiếng khác, như Tản Đà, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng... Cái hay, cái khác đó, chính là "sự sáng tạo lại" của nhà thơ "say" họ Vũ. Đọc bài thơ (dịch), ta thấy nỗi lòng của tác giả gửi gắm vào trong đó; và đăc biệt, nỗi buồn ở đây không chỉ còn là của riêng tác giả, mà là của cả một thế hệ, một thời đại... Tôi rất tán đồng ý kiến của Khoi Dinh Bang trên kia, khi anh phân tich những từ ngữ, hình ảnh và cách sử dụng chúng trong bản dịch của thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Rất cảm ơn Khoi Dinh Bang!
2. Theo tôi hiẻu (có thể hơi khác cách hiểu của các bạn đọc khác), từ HƯƠNG QUAN trong bài thơ không phải để chỉ QUÊ HƯƠNG như mọi người vẫn hiểu; mà nó chỉ một khái niêm có tính chất "trừu tượng" hơn, đó là "nơi quê hương vĩnh viễn, ngàn thu", nơi sau này, mọi người đang sống tạm bợ trên trái đất đầy đau khổ của chúng ta, sẽ trở về! Từ thế giới hiện thực đang sống, ngắn ngủi, tạm bợ, "dâu bể", đầy bất trắc và đau khổ, tác giả Hoàng Hạc Lâu (Thôi Hiệu) nghĩ tới một thế giới vĩnh hằng ngàn thu, nơi "quê hương đích thực" của mình (và của cả loài người, trong đó có mỗi người chúng ta) hiện không biết ở nơi nào (hà xứ thị?), vì vậy nỗi buồn mơi sâu sắc và có ý nghĩa phổ biến điển hình. Và như vậy, bài thơ mơi thật sự hay.

Bùi Xuân Lâm.

LNg.BXL.
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Trọng Vũ

Người xưa cưỡi hạc vàng bay,
Thừa ra lầu ấy trời này ủ ê.
Hạc vàng bay mãi không về,
Ngàn năm mây trắng chẳng hề thôi bay.
Hán dương sông tạnh phô cây,
Cỏ non Anh Vũ chân mây xanh rì.
Quê đâu dưới bóng chiều đi?
Trên sông khói sóng làm chi thêm sầu!

11.00
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bài hoạ

Bài hoạ

Hán Sở hà chương tích

Cai Hạ(*) khởi niên lai nguyệt khứ
Hà chương tích điển cổ hoàng lâu
Hán kỳ đại phất thiên binh khởi
Sở bá tận suy mạt đế du
Hậu ký đáo môn hồi ấn thủ
Tiên đàm yếm khẩu đoạt long châu
Đoạn giang ly quốc di tầm thị
Khốc nhục quan san kiến dã sầu

Đông Hòa NGUYỄN CHÍ HIỆP
13.02.2009

(*) Thành Cai Hạ , Trung Quốc thời nhà Tần

Tạm dịch :

- Trận chiến Cai Hạ (202 TCN)mở đầu một mùa trăng mới ( triều đại mới )
- Chuyện đã ghi trong lịch sử ở một ngôi nhà xưa
- Nhà Hán mang đại quân tiến đánh
- Tây Sở đại bại xa giá phải lưu vong
- Quân Hán việc đầu tiên là truy bắt lấy ấn tín
- Quân Hán đã hoàn thành chiến dịch diệt Sở
- Một nửa đất nước bị mất ( chuyện ly tán trước mắt )đã thành sự thật
- Giọt nước mắt rơi khắp nơi chứng kiến sự đau lòng

http://fs3.truongxua.vn/images/2009/02/21/07/09/acff906b-a829-4c1d-a67b-235c0a0c8e65.Jpeg

Gió vẫn thổi trên những tầng mây và ngày vẫn trôi qua , có ai nghĩ được gì trong khoảng miên man bất tận . Hỡi em ! Ta sẽ vẫn yêu em như ngày xưa đầy mộng tưởng trong một giấc mơ viết thành một bài thơ tình lãng mạn ....
Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của Lâm trung Phú

Người xưa cỡi hạc bay xa rồi
Đất cũ còn lầu Hoàng hạc thôi !
Hoàng hạc bay đi không trở lại
Mây trời dịu dặc mãi còn trôi !
Rặng cây rũ bóng Hán Dương ấy
Cồn cỏ vương hương Anh Vũ ơi !
Quê cũ là đâu chiều vẫn ngóng
Khói mờ sông vắng dạ bồi hồi !

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Nguyễn Xuân Bình

Lầu Hoàng Hạc

Thuận nghịch độc

Xưa (trông) người cưỡi hạc bóng cao bay
(hạc hồng lầu không ảnh chốn này)
Cảnh Hạc Lầu không ảnh chốn này
Phong trắng mây (ánh) ngàn thu luống trải
Hạc vàng chim sải cánh trùng ngay
Sông Dương Hán tạnh cây bày sắc
Bãi Võ Oanh xanh cỏ ngọn dày
Lòng não nhớ quê chiều khuất bóng
Sông trên sóng phủ khói buồn vây


Đọc ngược

Vây buồn khói phủ sóng trên sông
Bóng khuất chiều quê nhớ não lòng
Dày ngọn cỏ xanh Oanh Võ bãi
Sắc bày cây tạnh Hán Dương Sông
Ngay trùng cánh sải chim vàng hạc
Trải luống thu ngàn ánh trắng phong
Này chốn ảnh không Lầu Hạc cảnh
Bay cao bóng hạc cưỡi người xưa(Trông)

3 – bỏ 2 từ đầu đọc xuôi

Cưỡi hạc bóng cao bay
Lầu không ảnh chốn này
Mây ngàn thu luống trải
Chim sải cánh trùng ngay
Hán tạnh cây bày sắc
Oanh xanh cỏ ngọn dày
Nhớ quê chiều khuất bóng
Sóng phủ khói buồn vây

4- bỏ 2 từ cuối đọc ngược

Khói phủ sóng trên sông
Chiều quê nhớ não lòng
Cỏ xanh Oanh Võ bãi
Cây tạnh Hán Dương Sông
Cánh sải chim vàng hạc
Thu ngàn ánh trắng phong
Ảnh không Lầu Hạc cảnh
Bóng hạc cưỡi người xưa(trông)

5 -bỏ 3 từ cuối đọc xuôi

Vây buồn khói phủ
Bóng khuất chiều quê
Dày ngọn cỏ xanh
Sắc bày cây tạnh
Ngay trùng cánh sải
Trải luống thu ngàn
Này chốn ảnh không
Bay cao bóng hạc

7- bỏ 4 từ đầu đọc xuôi

Bóng cao bay
Ảnh chốn này
Thu luống trải
Cánh trùng ngay
Cây bày sắc
Cỏ ngọn dày
Chiều khuất bóng
Khói buồn vây


8- bỏ 4 từ cuối đọc ngược

Sóng trên sông
Nhớ não lòng
Oanh Võ bãi
Hán Dương Sông
Chim vàng Hạc
Ánh trắng phong
Lầu Hạc cảnh
Cưỡi người xưa




9 - Lục bác đọc xuôi

Người Xưa cưỡi hạc cao bay
Bóng lầu hạc cảnh chốn này ảnh không
Ngàn thu mây trải trắng phong
Luống chim vành hạc cánh trùng sải ngay
Hán Dương sông tạnh cây bày "Tản Đà"
Bãi Oanh Võ ngọn cỏ dày sắc xanh
Bóng quê chiều khuất não lòng
Trên sông khói phủ sóng buồn nhớ vây


Lục bác đọc ngược

Khói buồn sóng phủ trên sông
Chiều quê bóng khuất não lòng nhớ vây
Bãi Anh Võ cỏ ngọn dày
Hán Dương sông tạnh cây bày sắc xanh
Sải ngay cánh hạc chim vàng
Luống thu trùng trải mây ngàn trắng phong
Chốn này Hạc cảnh Lầu không
Ảnh xưa hạc cưỡi bóng người cao bay

Lục bác đọc tự do trong 56 ký tự

Vây buồn sóng phủ trên sông
Khói chiều bóng khuất não lòng nhớ quê
Cỏ dày Anh Võ bãi xanh
Ngọn sông tạnh sắc cây bày Hán Dương
Sải ngay cánh hạc chim vàng
Trùng thu luống trải mây ngàn trắng không
Ảnh này cảnh Hạc Lầu phong
Chốn xưa hạc cưỡi bóng người cao bay

Texas MÙA THU 2007

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Cảm ơn các siêu độc giả, cùng các dịch giả, các tác giả

Tôi nhìn từng dòng chữ mà xúc động, tôi tự dưng tưởng tượng mấy nghìn năm trước, các bài thơ Đường và thơ chữ Hán nói chung đã xa nhưng đến nay vẫn còn sống âm ĩ trong lòng bạn đọc; tôi cũng có cơ hội mở rộng tầm mắt. Đó cũng là nhờ lòng mến mộ và ủng hộ của tất cả các độc giả, dịch giả, tác giả hoạ thơ. Những bài đối đáp, những câu chữ nhiều khi chân phương, lắm khi mượt mà, không kém phần sinh lực, làm sống lại một thời thơ. Trong tôi, thiết nghĩ, có thơ là thuốc dưỡng cho tâm hồn. Tôi chân thành cảm ơn tất cả các thành viên đã tạo nên những bài viết trong này. Tôi đồng thuận và tôn trọng những gì mà các tác giả đã giữ gìn!
                                                          Thi Lễ cẩn kí

tile
12.00
Trả lời
Ảnh đại diện

Hoàng hạc lâu – Tuyệt tác thơ Đường phá cách

Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu trong kho tàng thơ Đường Trung quốc là một viên ngọc đẹp long lanh sáng rỡ mãi với thời gian. Ai đã từng yêu thích thơ Đường hẳn biết đến bài thơ Hoàng Hạc lâu của ông. (Thôi Hiệu 崔顥 (khoảng 704-754), người Biện Châu 汴州 (nay là tỉnh Hà Nam) đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723) làm quan đến chức Tư Huân viên ngoại lang.)

黃鶴樓
Hoàng Hạc lâu
Lầu Hoàng Hạc (Dịch thơ: Tản Đà)

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi, để lại giữa đất trời lẻ loi một lầu Hoàng Hạc. Hai câu đầu tác giả đưa người ta đến với truyền thuyết người tiên cưỡi hạc lên trời đẹp như mơ về một miền cổ tích. Đã thấy ngổn ngang tiếc nuối một cánh hạc mơ hồ giữa thực tại trống vắng. Lầu Hoàng Hạc chỉ là cái cớ để kéo thi nhân rời xa nỗi cô đơn giữa đời thường.

Hai câu tiếp theo: Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn dằng dặc bay đi mải miết vô tình. Chỉ với bốn câu thơ, thi nhân đưa ta lạc vào không gian ba chiều bao la của đất trời sang không gian một chiều của thời gian đầy khắc nghiệt bằng hình ảnh mây trắng bay dằng dặc ngàn năm về một miền miên viễn; đưa ta từ nỗi buồn hoài niệm cánh hạc cổ tích sang nỗi buồn bất lực với thời gian. Thế thôi mà nỗi buồn nhân đôi, trống vắng dâng đầy. Có ai làm được như Thôi Hiệu không? Không có ai!

Hai câu 5,6 tác giả lôi tuột ta về thực tại: Dòng sông mưa vừa tạnh, hàng cây Hán Dương tươi mới sau mưa hiện ra rờ rỡ trong nắng chiều. Bãi Anh Vũ cỏ non xanh mướt mát. Không gian tả thực trong trẻo tĩnh lặng trong ráng chiều thấp thoáng một nỗi niềm. Mà quả thế thật, hai câu cuối: Quê hương nằm ở phía nào đây dưới ánh hoàng hôn? Khói sóng trên sông cuộn dâng khiến người ta thêm sầu thảm. Đến đây thì ta đã hiểu mạch tình cảm trong thơ của thi nhân: nỗi buồn của người xa xứ, nuối tiếc ngày xưa đẹp như mơ, bất lực với thời gian và tuổi tác, bơ vơ đến mất cả phương hướng. Hoàng hôn của đất trời hay hoàng hôn của đời người đây? Quê hương mà vắng xa như truyền thuyết, một đi không mong ngày gặp lại; còn có buồn nào hơn nữa!

Đọc và cảm nhận Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu ta mới thấy bài thơ tại sao được nhiều người yêu thích, được người đời xem là tuyệt tác, sống mãi với thời gian. Lầu Hoàng Hạc là cái cớ để người thơ diễn tả cảm xúc. Nhờ Hoàng Hạc lâu mà lầu Hoàng Hạc càng thêm nổi tiếng. Càng tâm đắc thêm câu nói của học giả Trần Trọng San: “Tôi lạc vào thế giới của Đường thi từ lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu) cho tới bến Phong Kiều (Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế).”

Chỉ thế thôi, đã thấy Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu hay lắm rồi. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ với bài thơ hay và lạ đến độ “độc nhất vô nhị” này. Với những người yêu thơ Đường, chúng ta hãy cùng cảm nhận bài thơ dưới một góc độ khác: góc độ Đường luật. Luật thơ Đường rất nghiêm nhặt, tạo cho bài thơ Đường giai điệu uyển chuyển riêng, dễ lọt tai không thể lẫn với bất cứ thể thơ nào khác. Lạ lùng thay, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu lại không như thế! Bài thơ Đường 8 câu 7 chữ Hoàng Hạc lâu là bài thơ vần bằng, có vận là “âu”. Do đó theo luật thơ, các chữ 2,4,6,7 trong câu thứ nhất phải có thanh bằng (B), trắc (T) như sau: BTBB. Ở đây các chữ thừa, hạc, khứ phạm vào luật bằng trắc; đọc lên ta thấy một cảm giác ngắc ngứ, giăng mắc không xuôi. Câu thứ 2 thì đúng theo luật: TBTB. Đỉnh điểm là câu thứ 3: theo luật thì phải là: TBTT thì chữ: khứ lại phạm luật, và lạ lùng hơn câu này có tới 6 thanh trắc. Các câu sau thì đều đúng luật bằng trắc. Bây giờ nói tới vần. Chữ khứ cuối câu thứ nhất lại không hợp với vần “âu”. Còn các câu sau thì vần này được bảo đảm đúng cách. (Lưu ý các bạn câu thứ 4: Bạch vân thiên tải không du du thì du du là âm Hán - Việt còn đọc theo âm Bắc kinh thì gần giống với dâu dâu của tiếng Việt ta cho nên không phạm luật.) Có lẽ nào thi nhân lại không nắm chắc luật thơ? Xin thưa: không phải đâu.

Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc. Hoạ thì thi nhân đã vẽ rồi: bằng mây trắng trời xanh, bằng hàng cây rờ rỡ, bằng cỏ non lớp lớp, bằng bảng lảng khói sóng hoàng hôn trong tranh thuỷ mặc. Nhạc thì bằng những điệp ngữ: du du, lịch lịch, thê thê và tuyệt vời hơn nữa là bằng sự phá cách của nhà thơ: nhạc điệu diễn tả cái giăng mắc không xuôi,ngắc ngứ không ra lời của tình cảm. Câu thứ 3 với 6 thanh trắc liền nhau cảm giác ấy được đẩy lên mức cao hơn: đó là dồn nén, xếp lớp, chất chứa. Ở đây ta lại thấy được bút pháp tài hoa của thi nhân trong sự phá cách độc đáo này: lời và nhạc quyện vào nhau trong việc diễn tả ý tình. Thi hào Lý Bạch (701-762), người sống cùng thời với Thôi Hiệu khi đến lầu Hoàng hạc, đọc lại bài thơ ấy đã cảm thán:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được,
Bởi vì Thôi Hiệu đã làm thơ đề ở trên đầu.)
Để ý ta thấy lại là 2 câu phá cách. Còn câu thứ 3 với 6 thanh trắc liên tiếp thì quá khó nên chăng Lý Bạch quăng bút không làm nữa mà bái phục Thôi Hiệu? Hoạ thơ, hoạ ý, hoạ vần nhưng hoạ lại sự phá cách như thế này, người yêu thơ đã thấy ở đâu chưa?

Lại nói thêm về bố cục thơ Đường chuẩn luật: Hai câu đầu là 2 câu đề (đặt vấn đề mà bài thơ nói tới). Hai câu tiếp theo là hai câu thực (tả hoặc nói thực về vấn đề đó). Hai câu sau đó là 2 câu luận (bàn luận về vấn đề đó). Cuối cùng là 2 câu kết (kết luận vấn đề). Với Hoàng Hạc lâu 6 câu đầu đều là câu thực (tả thực, kể thực). Chỉ có câu thực thứ 4: Bạch vân thiên tải không du du thấp thoáng bóng dáng của câu luận: thời gian có quy luật riêng của nó, cứ trôi một chiều vô tình không chờ ai, vì ai, đợi ai! Câu thứ 7 là câu hỏi. Tự hỏi mà không ai trả lời thay được. Thế thì luận ở đâu và kết ở đâu? Rõ ràng Hoàng Hạc lâu là bài thơ không theo bố cục thông thường. Gấp trang thơ lại, ta vẫn còn day dứt. Thôi Hiệu để cho ta tự luận rồi tự kết mà đồng cảm với ông. Phải chăng vì thế mà bài thơ sống mãi trong lòng người đọc.

Theo học giả Trần Trọng San, trong số những câu đối đề lầu Hoàng Hạc, câu sau nầy được coi là hay nhất, vì có tình thú đậm đà, dùng được nhiều chữ trong thơ xưa liên hệ với lầu nầy, miền nầy:
Hà thời hoàng hạc trùng lai, thả cộng đảo kim tôn, kiêu châu chử thiên niên mậu thảo;
Đãn kiến bạch vân phi khứ, dữ thuỳ xuy ngọc địch, lạc giang thành ngũ nguyệt mai hoa.
(Bao giờ hạc vàng trở lại, hãy cùng dốc chén vàng, tưới cỏ tươi ngàn năm trên bãi;
Chỉ thấy mây trắng bay đi, với ai thổi sáo ngọc, mai tháng năm rụng xuống thành sông.)
Thế mới biết sức sống của bài thơ ảnh hưởng đến cả một nền văn hoá lớn biết nhường nào.

24.50
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Hoàng Hạc Lâu

Có bạn đã nói: nếu hỏi mười nhà thơ đường lớn nhất chưa chắc đã có thôi hiệu nhưng nếu nói mười bài thơ đường hay nhất thì không thể không có Hoàng Hạc Lâu .

Chưa có đánh giá nào
Trả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của duykhang

Ai ơi có cưỡi hạc vàng bay?
Mà để lầu ko, trống thế này?
Một kiếp hạc đi, xa mãi mãi
Nghìn năm mây trắng, cứ bay bay
Sông êm, mồn một Hán dương cây
Anh vũ, cỏ thơm mơn mởn dày
Chiều tối nhớ quê, bèn tự vấn
Trên sông khói toả, cứ buồn thay

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời
Ảnh đại diện

Bản dịch của mailang

Người xưa đi, cỡi hạc vàng,
Nơi đây trơ trọi lầu Hoàng Hạc thôi.
Hạc đi, đi mãi không hồi,
Ngàn năm mây trắng còn trôi lững lờ.
Cỏ thơm Anh Vũ mịt mờ,
Sông in mồn một cây bờ Hán Dương.
Chiều rồi, đâu bóng quê hương,
Trên sông khói sóng sầu vương lòng người.

Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên FacebookTrả lời

Trang trong tổng số 13 trang (123 bài trả lời)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối