Bài thơ Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu trong kho tàng thơ Đường Trung quốc là một viên ngọc đẹp long lanh sáng rỡ mãi với thời gian. Ai đã từng yêu thích thơ Đường hẳn biết đến bài thơ Hoàng Hạc lâu của ông. (Thôi Hiệu 崔顥 (khoảng 704-754), người Biện Châu 汴州 (nay là tỉnh Hà Nam) đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723) làm quan đến chức Tư Huân viên ngoại lang.)
黃鶴樓
Hoàng Hạc lâu
Lầu Hoàng Hạc (Dịch thơ: Tản Đà)

昔人已乘黃鶴去,
此地空餘黃鶴樓。
黃鶴一去不復返,
白雲千載空悠悠。
晴川歷歷漢陽樹,
芳草萋萋鸚鵡洲。
日暮鄉關何處是,
煙波江上使人愁。

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ,
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản,
Bạch vân thiên tải không du du.
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
Nhật mộ hương quan hà xứ thị,
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu?
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
Hạc vàng đi mất từ xưa,
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
Hán Dương sông tạnh cây bày,
Bãi xưa Anh Vũ xanh dày cỏ non.
Quê hương khuất bóng hoàng hôn.
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi, để lại giữa đất trời lẻ loi một lầu Hoàng Hạc. Hai câu đầu tác giả đưa người ta đến với truyền thuyết người tiên cưỡi hạc lên trời đẹp như mơ về một miền cổ tích. Đã thấy ngổn ngang tiếc nuối một cánh hạc mơ hồ giữa thực tại trống vắng. Lầu Hoàng Hạc chỉ là cái cớ để kéo thi nhân rời xa nỗi cô đơn giữa đời thường.

Hai câu tiếp theo: Hạc vàng một đi không trở lại, ngàn năm mây trắng vẫn dằng dặc bay đi mải miết vô tình. Chỉ với bốn câu thơ, thi nhân đưa ta lạc vào không gian ba chiều bao la của đất trời sang không gian một chiều của thời gian đầy khắc nghiệt bằng hình ảnh mây trắng bay dằng dặc ngàn năm về một miền miên viễn; đưa ta từ nỗi buồn hoài niệm cánh hạc cổ tích sang nỗi buồn bất lực với thời gian. Thế thôi mà nỗi buồn nhân đôi, trống vắng dâng đầy. Có ai làm được như Thôi Hiệu không? Không có ai!

Hai câu 5,6 tác giả lôi tuột ta về thực tại: Dòng sông mưa vừa tạnh, hàng cây Hán Dương tươi mới sau mưa hiện ra rờ rỡ trong nắng chiều. Bãi Anh Vũ cỏ non xanh mướt mát. Không gian tả thực trong trẻo tĩnh lặng trong ráng chiều thấp thoáng một nỗi niềm. Mà quả thế thật, hai câu cuối: Quê hương nằm ở phía nào đây dưới ánh hoàng hôn? Khói sóng trên sông cuộn dâng khiến người ta thêm sầu thảm. Đến đây thì ta đã hiểu mạch tình cảm trong thơ của thi nhân: nỗi buồn của người xa xứ, nuối tiếc ngày xưa đẹp như mơ, bất lực với thời gian và tuổi tác, bơ vơ đến mất cả phương hướng. Hoàng hôn của đất trời hay hoàng hôn của đời người đây? Quê hương mà vắng xa như truyền thuyết, một đi không mong ngày gặp lại; còn có buồn nào hơn nữa!

Đọc và cảm nhận Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu ta mới thấy bài thơ tại sao được nhiều người yêu thích, được người đời xem là tuyệt tác, sống mãi với thời gian. Lầu Hoàng Hạc là cái cớ để người thơ diễn tả cảm xúc. Nhờ Hoàng Hạc lâu mà lầu Hoàng Hạc càng thêm nổi tiếng. Càng tâm đắc thêm câu nói của học giả Trần Trọng San: “Tôi lạc vào thế giới của Đường thi từ lầu Hoàng Hạc (Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu) cho tới bến Phong Kiều (Phong Kiều dạ bạc của Trương Kế).”

Chỉ thế thôi, đã thấy Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu hay lắm rồi. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ với bài thơ hay và lạ đến độ “độc nhất vô nhị” này. Với những người yêu thơ Đường, chúng ta hãy cùng cảm nhận bài thơ dưới một góc độ khác: góc độ Đường luật. Luật thơ Đường rất nghiêm nhặt, tạo cho bài thơ Đường giai điệu uyển chuyển riêng, dễ lọt tai không thể lẫn với bất cứ thể thơ nào khác. Lạ lùng thay, Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu lại không như thế! Bài thơ Đường 8 câu 7 chữ Hoàng Hạc lâu là bài thơ vần bằng, có vận là “âu”. Do đó theo luật thơ, các chữ 2,4,6,7 trong câu thứ nhất phải có thanh bằng (B), trắc (T) như sau: BTBB. Ở đây các chữ thừa, hạc, khứ phạm vào luật bằng trắc; đọc lên ta thấy một cảm giác ngắc ngứ, giăng mắc không xuôi. Câu thứ 2 thì đúng theo luật: TBTB. Đỉnh điểm là câu thứ 3: theo luật thì phải là: TBTT thì chữ: khứ lại phạm luật, và lạ lùng hơn câu này có tới 6 thanh trắc. Các câu sau thì đều đúng luật bằng trắc. Bây giờ nói tới vần. Chữ khứ cuối câu thứ nhất lại không hợp với vần “âu”. Còn các câu sau thì vần này được bảo đảm đúng cách. (Lưu ý các bạn câu thứ 4: Bạch vân thiên tải không du du thì du du là âm Hán - Việt còn đọc theo âm Bắc kinh thì gần giống với dâu dâu của tiếng Việt ta cho nên không phạm luật.) Có lẽ nào thi nhân lại không nắm chắc luật thơ? Xin thưa: không phải đâu.

Thi trung hữu hoạ, thi trung hữu nhạc. Hoạ thì thi nhân đã vẽ rồi: bằng mây trắng trời xanh, bằng hàng cây rờ rỡ, bằng cỏ non lớp lớp, bằng bảng lảng khói sóng hoàng hôn trong tranh thuỷ mặc. Nhạc thì bằng những điệp ngữ: du du, lịch lịch, thê thê và tuyệt vời hơn nữa là bằng sự phá cách của nhà thơ: nhạc điệu diễn tả cái giăng mắc không xuôi,ngắc ngứ không ra lời của tình cảm. Câu thứ 3 với 6 thanh trắc liền nhau cảm giác ấy được đẩy lên mức cao hơn: đó là dồn nén, xếp lớp, chất chứa. Ở đây ta lại thấy được bút pháp tài hoa của thi nhân trong sự phá cách độc đáo này: lời và nhạc quyện vào nhau trong việc diễn tả ý tình. Thi hào Lý Bạch (701-762), người sống cùng thời với Thôi Hiệu khi đến lầu Hoàng hạc, đọc lại bài thơ ấy đã cảm thán:
Nhãn tiền hữu cảnh đạo bất đắc
Thôi Hiệu đề thi tại thượng đầu.
(Trước mắt có cảnh đẹp mà không thể làm thơ được,
Bởi vì Thôi Hiệu đã làm thơ đề ở trên đầu.)
Để ý ta thấy lại là 2 câu phá cách. Còn câu thứ 3 với 6 thanh trắc liên tiếp thì quá khó nên chăng Lý Bạch quăng bút không làm nữa mà bái phục Thôi Hiệu? Hoạ thơ, hoạ ý, hoạ vần nhưng hoạ lại sự phá cách như thế này, người yêu thơ đã thấy ở đâu chưa?

Lại nói thêm về bố cục thơ Đường chuẩn luật: Hai câu đầu là 2 câu đề (đặt vấn đề mà bài thơ nói tới). Hai câu tiếp theo là hai câu thực (tả hoặc nói thực về vấn đề đó). Hai câu sau đó là 2 câu luận (bàn luận về vấn đề đó). Cuối cùng là 2 câu kết (kết luận vấn đề). Với Hoàng Hạc lâu 6 câu đầu đều là câu thực (tả thực, kể thực). Chỉ có câu thực thứ 4: Bạch vân thiên tải không du du thấp thoáng bóng dáng của câu luận: thời gian có quy luật riêng của nó, cứ trôi một chiều vô tình không chờ ai, vì ai, đợi ai! Câu thứ 7 là câu hỏi. Tự hỏi mà không ai trả lời thay được. Thế thì luận ở đâu và kết ở đâu? Rõ ràng Hoàng Hạc lâu là bài thơ không theo bố cục thông thường. Gấp trang thơ lại, ta vẫn còn day dứt. Thôi Hiệu để cho ta tự luận rồi tự kết mà đồng cảm với ông. Phải chăng vì thế mà bài thơ sống mãi trong lòng người đọc.

Theo học giả Trần Trọng San, trong số những câu đối đề lầu Hoàng Hạc, câu sau nầy được coi là hay nhất, vì có tình thú đậm đà, dùng được nhiều chữ trong thơ xưa liên hệ với lầu nầy, miền nầy:
Hà thời hoàng hạc trùng lai, thả cộng đảo kim tôn, kiêu châu chử thiên niên mậu thảo;
Đãn kiến bạch vân phi khứ, dữ thuỳ xuy ngọc địch, lạc giang thành ngũ nguyệt mai hoa.
(Bao giờ hạc vàng trở lại, hãy cùng dốc chén vàng, tưới cỏ tươi ngàn năm trên bãi;
Chỉ thấy mây trắng bay đi, với ai thổi sáo ngọc, mai tháng năm rụng xuống thành sông.)
Thế mới biết sức sống của bài thơ ảnh hưởng đến cả một nền văn hoá lớn biết nhường nào.