Đăng bởi nguyenvanthiet vào 04/06/2007 06:45
Tác giả: Nguyễn Viết Thắng
I
Cách đây hơn 140 năm trên bầu trời văn học châu Âu có một ngôi sao lạ xuất hiện và đột ngột sáng chói. Thơ của một nhà thơ Ba Tư thời trung cổ – người mà trên quê hương mình chưa bao giờ được coi là một nhà thơ – sau hơn 700 năm đã hồi sinh bằng tiếng Anh qua bản dịch của Edward Fitzgerald (1809-1883).
Năm 1859 Fitzgerald bỏ số tiền ít ỏi của mình in 250 cuốn “The Rubaiyat of Omar Khayyam” không đề tên dịch giả với giá bán 1 si-linh. Fitzgerald để lại 40 cuốn làm qùa tặng cho bạn bè, còn 210 cuốn suốt hai năm trời không một ai nhòm ngó. Fitzgerald buồn bã viết cho giáo sư Cowell (1826-1903), người đã gợi ý và cung cấp cho ông bản “Rubaiyat” bằng tiếng Ba Tư: “Tôi cũng không hiểu được sao tôi đi in ra để làm gì…”.
Cuối cùng giá bán được hạ xuống còn 1 penny, nghĩa là 1 đồng si-linh đã có thể mua được 12 cuốn. Thế rồi vào một hôm đẹp trời cả 210 cuốn sách kia bỗng nhiên biến khỏi giá sách. Từ đó sự quan tâm đến “Rubaiyat” phát triển với tốc độ của một đám cháy bao trùm cả Châu Âu và Bắc Mỹ. Đầu thế kỷ 20, đặc biệt là thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh Thế giới “Thơ Rubai của Omar Khayyam” là cuốn thơ nổi tiếng nhất trong khối các nước nói tiếng Anh và cả Châu Âu.
Điều này được khẳng định bởi con số thống kê cũng như kết qủa thăm dò của các nhà xã hội học. Chỉ đến năm 1926 đã tái bản tới 139 lần, còn sau đấy thì người ta đã không còn thống kê được hết. Một nhà thư mục nói rằng: “Nếu không kể Kinh Thánh thì có lẽ “Rubaiyat” được người ta trích dẫn nhiều hơn bất kỳ một tác phẩm nào bằng tiếng Anh”1
Thơ Rubaiyat được người ta nhắc đến ở khắp nơi. Thơ Rubaiyat luôn có mặt trong ba lô người lính trên khắp nẻo đường của hai cuộc chiến tranh Thế giới. Tên của Omar Khayyam không chỉ được đặt cho các câu lạc bộ thơ ca mà còn được đặt cho các cửa hiệu, quán café.
Một nhà thơ, dịch giả chưa hề có tiếng của nước Anh đã làm hồi sinh một nhà thơ Ba Tư bị lãng quên ngay chính trên quê hương của mình. Hai con người sống cách nhau hơn 700 năm đã cùng trở thành một phần của văn hoá nhân loại. Nhạc của Bach phải đợi sự thừa nhận 100 năm, thơ của Khayyam… 750 năm. Một cuộc hội ngộ kỳ lạ!
Đầu thế kỷ 20 nhà thơ Kipling (1865-1936) viết:
Đông là Đông, Tây là Tây, Đông và Tây không bao giờ gặp gỡ
Cho đến một khi Đất và Trời chưa về ngày phán xử
Nhưng sẽ chẳng có Đông và Tây, không quê hương, bộ tộc, giống nòi
Khi hai người đàn ông lực lưỡng trên đường biên mặt đối mặt không thôi.
“Không bao giờ gặp gỡ…” là chính trị chứ văn hoá thì từ những cuộc trường chinh về phía Đông của Alexander Đại đế, rồi Thiên Chúa giáo và Kinh Thánh có nguồn gốc phương Đông, rồi con đường tơ lụa, rồi những cuộc Tây tiến của người Arập, người Mông cổ…thì Đông và Tây đã từng gặp gỡ. Còn trong thơ ca thì từ cuối thế kỷ 19 cuộc gặp gỡ giữa Omar Khayyam và Edward Fitzgerald là duyên kỳ ngộ. Gọi là kỳ ngộ vì mấy lẽ:
Thứ nhất: trường ca “The Rubaiyat of Omar Khayyam” của Fitzgerald khó có thể gọi là một bản dịch theo đúng nghĩa của từ này. Fitzgerald lấy những bài rubaiyat của Khayyam rồi xáo trộn lại, thêm đầu, thêm đuôi dựng thành một trường ca mà trong đó nhân vật và vẻ huyền bí của nó phù hợp với quan niệm của người Anh về một thế giới phương Đông Hồi giáo mà người ta đã đọc trong cuốn “Nghìn lẻ một đêm”. Theo kết qủa nghiên cứu của Heron-Allen thì trong 101 bài rubaiyat của trường ca chỉ có 49 bài là gần giống với nguyên bản, 44 bài có họ hàng chút ít, còn lại là gần với trường ca “Tiếng chim” của Attar (thế kỉ 12) và một số bài ghazal của Hafiz (1325-1389)2
Trường ca của Fitzgerald là sự kết hợp giữa dịch tự do và mô phỏng đã có ảnh hưởng đến việc dịch thơ Khayyam ra nhiều ngôn ngữ Châu Âu khác. Ơ nhiều nước Châu Âu người ta dịch Omar Khayyam không phải từ tiếng Ba Tư mà dịch từ bản của Fitzgerald.
Thứ hai: ở phương Tây Omar Khayyam nổi tiếng hơn bất kỳ một nhà thơ Ba Tư nào khác, trong khi đó thì ở Iran Khayyam chỉ được biết đến như là một nhà toán học, thiên văn học. Elwell-Sutton trong lời nói đầu cuốn sách về Omar Khayyam dịch từ tiếng Ba Tư của Ali Dashti đã viết: “ Nền thơ ca Ba Tư nổi tiếng thế giới được phương Tây biết đến trong một mức độ đáng kể là nhờ một tác giả mà theo nhận xét của nhiều nhà khoa học thì suốt đời không hề viết một câu thơ”. 3
Điều nghịch lý này càng trở nên rõ ràng hơn là chỉ sau khi đã nổi tiếng ở phương Tây Omar Khayyam mới quay trở về nổi tiếng trên quê hương mình. Chỉ khi đó tên Omar Khayyam mới được đặt bên cạnh những tên tuổi lớn của thơ ca Ba Tư: Rudaki, Firdawsi, Sadi, Hafiz…
Thứ ba: từ khi trường ca của Fitzgerald ra đời cho đến nay đã hơn 140 năm. Trước Fitzgerald đã từng có một vài người dịch rubaiyat nhưng không gây được sự chú ý nào. Sau Fitzgerald lại càng nhiều hơn nữa, cả dịch thơ lẫn văn xuôi nhưng xem ra chưa có bản dịch nào (và có lẽ không bao giờ) vượt được bản của Fitzgerald. “The Rubaiyat of Omar Khayyam” trở thành tác phẩm cổ điển của văn học Anh và thế giới nhưng nếu như đã không có “Rubaiyat” của Khayyam thì đã không có trường ca nổi tiếng của Fitzgerald và ngược lại, không có trường ca của Fitzgerald thì nhân loại đã không biết đến Omar Khayyam, tên của một nhà thơ mà sự biết đến đã trở thành biểu tượng của bất kỳ một người có văn hoá nào.
Nói về công lao của Fitzgerald, Peter de Polnay viết: “Từ những câu chuyện với những người Ba Tư có học tôi đi đến kết luận rằng Fitzgerald có công đối với sự trường tồn của “Rubaiyat” nhiều hơn là Khayyam” 4
Bằng một cách nào đấy Fitzgerald đã chuyển được cái vẻ huyền bí của Khayyam. Chúng ta cảm nhận được cái bí ẩn trong mỗi con người và có một nỗi sợ hãi đã được Khayyam nói đến một cách sâu sắc. Cái vẻ hài hước, hóm hỉnh của nhà hiền triết đã quyến rũ chúng ta. Ta sung sướng cùng với ông tận hưởng những lạc thú và chia sẻ những đau khổ của kiếp người. Ta cảm thấy ông gần gũi nhưng ta không thể nào hiểu được ông. Vậy ông là ai?
* * *
Omar Khayyam (tên đầy đủ: Ghiyath al Din Abu al-Fath Umar ibn Ibrahim al-Nisaburi al-Khayyam) sinh ngày 18-5-1048 tại thành phố Neyshabur tỉnh Khorasan Ba Tư (nay là Iran). Ngày sinh của Khayyam do nhà nghiên cứu người Ân Độ Swami Govinda Tirtha dựa vào lá số tử vi của Khayyam mà xác định ra. Không có tài liệu nào cho biết bố mẹ của Khayyam làm nghề gì nhưng tên Khayyam bằng tiếng Ba Tư có nghĩa là “người dựng lều”, nghĩa là gia đình làm nghề thủ công. Từ nhỏ Khayyam được học hành đến nơi đến chốn trong những trường tốt nhất của Khorasan thời đó. Khayyam thông thạo toán học, vật lý, thiên văn học, triết học, luật học, sử học, Koran học và niêm luật thơ ca. Ngoài ra có rất nhiều tài liệu cho thấy ông là một danh y nổi tiếng và là người có kiến thức về âm nhạc.
Ngoài tiếng Ba Tư là tiếng mẹ đẻ Khayyam còn biết nhiều ngoại ngữ. Khayyam rất thông thạo tiếng Arập và văn học Arập. Các tác phẩm về triết học hay toán học của Khayyam đều được viết bằng tiếng Arập.
Nền giáo dục thời đấy được xây dựng trên nguyên tắc học thuộc lòng. Có một truyền thuyết được kể lại cho thấy Khayyam là người có trí nhớ khác thường. Chuyện kể rằng có một lần cậu học trò Khayyam từ Neyshabur lên thủ đô Esfahan để tìm một quyển sách về thiên văn học. Đó là bản dịch tiếng Arập quyển bách khoa toàn thư về thiên văn học cổ đại của Ptolemaioi (90-160). Vì không có cách nào đem về được Khayyam đã quyết định học thuộc lòng. Nhà sử học Beihaky (thế kỷ thứ 12) đã kể lại: “Khayyam chăm chú đọc cuốn sách liên tục bảy lần rồi nhớ thuộc lòng, khi về Neyshabur đọc cho người khác chép lại và sau đấy đem so sánh thì hầu như không thấy có gì khác so với bản gốc”.
Ngoài Ptolemaioi, Khayyam còn nghiên cứu các tác phẩm của Euclide (270-? tCn), Archimedes (287-212 tCn), … Khayyam được người đời gọi là Hakim (nhà bác học), là “ông hoàng triết học Đông-Tây”. Về triết học Khayyam chịu ảnh hưởng của Heraclitos (535-475 tCn), Platon (428-347 tCn), Aristotle (384-322 tCn), Epicurus (341-270 tCn), Avicenna (Ibn-Sina)(980-1073)…
Trong các môn khoa học thì toán học là môn Khayyam say mê nhất. Năm 25 tuổi Khayyam đã có những phát minh về toán học được giới khoa học thời đó kính nể và gây sự chú ý của giới quan trường.
Năm 1074 Khayyam được mời về triều đình dưới triều vua Malik-Shah (1055-1092). Trong triều có viên quan đại thần Nizam al Mulk là người học cao biết rộng đã đánh giá cao và tạo cho Khayyam những điều kiện làm việc tốt nhất.
Một lần Nizam al Mulk (1018-1092) đề nghị Khayyam cai quản thành phố Neyshabur và những vùng lân cận thì nhà bác học trả lời: “Tôi không thích cai trị người khác, ra lệnh cho một người này, cấm đoán một người kia mà chỉ muốn đem trí tuệ của mình cống hiến cho khoa học nhằm mang lại lợi ích cho mọi người”. Quãng thời gian 18 năm ( từ 1074 đến 1092 – trước khi vua Malik- Shah bị giết hại) là quãng thời gian hạnh phúc nhất trong cuộc đời Khayyam. Trong thời gian này Khayyam được giao lãnh đạo đài thiên văn và được giao nhiệm vụ lập ra lịch mới. Lịch do Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian ở châu Âu thế kỷ 16 chỉ tiếc rằng nó đã không được áp dụng. Nhiều công trình toán học của Khayyam sau này đã bị thất lạc. Những gì còn lại, theo đánh giá của các nhà khoa học thời nay, trong phương pháp của Khayyam có cốt lõi của công thức mà sau này nổi tiếng với tên gọi “Nhị thức Newton”. Như vậy về toán học cũng như lịch Khayyam đã đi trước người châu Âu ít nhất là 500 năm.
Ngoài toán học, thiên văn học Khayyam còn 5 tác phẩm triết học được lưu lại đến ngày nay. Các tác phẩm triết học của Khayyam không được xây dựng thành một hệ thống hoàn chỉnh mà chủ yếu được viết theo đơn đặt hàng. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn thì các tác phẩm triết học của Khayyam được viết bằng một lối hành văn chặt chẽ với sự đánh giá và những giả thiết mới mẻ.
Ngoài ra còn một số tài liệu có nói đến một vài công trình về lý thuyết âm nhạc của Khayyam, tiếc rằng nội dung của chúng đã không được lưu giữ đến ngày nay.
Cuối năm 1092 vua Malik-Shah bị đầu độc. Trước đó một tháng Nizam al Mulk cũng bị ám sát. Từ đây trong triều đình bắt đầu một thời kỳ tranh giành quyền lực và sát phạt lẫn nhau. Sự nghiệp khoa học của Khayyam không còn ai quan tâm. Đài thiên văn không còn sự tài trợ đã buộc phải đóng cửa. Khayyam trở về quê hương Neyshabur sống bằng nghề dạy học và hầu như không tiếp xúc với ai khác ngoài những học trò của mình. Đây là thời kỳ đen tối trong cuộc đời Khayyam. Vì tư tưởng tự do và những bài thơ vô thần của mình Khayyam luôn chịu sự đe doạ từ những kẻ cuồng tín Islam. Phải khôn khéo lắm Khayyam mới tránh được sự nguy hiểm đến tính mạng. Để chứng tỏ lòng trung thành của mình với Islam gần cuối đời Khayyam đã thực hiện chuyến hành hương về Mecca.
Những năm cuối đời Khayyam được sống trong sự kính trọng của mọi người, khi đó con trai của Nizam al Mulk lên làm vua, thâu tóm quyền hành về một mối.
Ngày mất của Khayyam được xác định là năm 1123. Theo một giả thuyết khác của một số nhà nghiên cứu Xô Viết thì ngày mất của Omar Khayyam là 4-12-1131. Đây là ngày mất của Khayyam được đa số các nhà nghiên cứu đồng tình.5
Tương truyền khi đã trên 80 tuổi một hôm Khayyam đang đọc quyển triết học của Avicenna bỗng nhiên cảm thấy cái chết đang đến gần. Khayyam ngừng đọc, lấy que tăm trên miệng đặt vào giữa trang sách đọc dở. Ông cho gọi học trò của mình dặn dò những điều cần làm sau khi ông chết và từ đó không ăn uống gì nữa. Sau khi thực hiện xong lời cầu nguyện buổi chiều Khayyam quì xuống đất và thốt lên: “Thượng Đế ơi! Cả đời con, theo khả năng của mình, con đã cố gắng để nhận biết Người. Hãy tha thứ cho con! Con biết rằng con đang đi đến với Người”. Omar Khayyam đã từ giã cõi đời này bằng những lời như vậy.
Nhà sử học Beihaky cũng đã kể lại một câu chuyện góp phần xác định ngày mất của Khayyam: “Vào năm1113 tôi được gặp Khayyam tại Balkh. Trong một bữa rượu nhà bác học đã nói: “Mộ của ta sẽ nằm ở nơi mà mỗi mùa xuân ngọn gió sẽ mang hoa rắc đầy lên mộ”. Tôi lấy làm ngạc nhiên nhưng tôi tin rằng người như thế không nói những lời suông. Năm 1135 tôi có dịp đến Neyshabur, khi đó đã sau 4 năm cõi đời trở thành goá bụa vì thiếu vắng Khayyam. Tôi nhờ một người dẫn tôi đến viếng mộ Khayyam và nhìn thấy ngôi mộ trong vườn phủ đầy hoa lê và hoa đào. Tôi bỗng nhớ lại những lời của Khayyam ngày trước và tôi đã bật khóc. Thượng Đế bao dung đã dành cho ông một vị trí có lẽ không có đâu đẹp hơn thế”.
Nửa đầu thế kỷ 20 những người hâm mộ đã quyên góp tiền để xây dựng lăng mộ của nhà thơ. Ngày nay lăng mộ Khayyam là một trong những công trình kiến trúc đẹp nhất của Iran.
Chân dung của Omar Khayyam do giáo sư tiến sỹ A. D Jagarian, học trò của nhà nhân chủng học Nga nổi tiếng Mikhail Herasimov (1907 - 1970) tái tạo dựa vào xương sọ từ mộ của nhà thơ. Công việc này được kiểm tra bởi một Hội đồng khoa học bao gồm các bác sỹ, các nhà khảo cổ học, các nhà sử học và các nhà hình pháp học. Để kiểm tra người ta đã cho vị giáo sư phục chế bức tượng của một người chết chưa lâu lắm và ảnh của người đó được giấu kín. Sau khi so sánh bức tượng và ảnh thì hầu như tất cả đều công nhận rằng công việc của vị giáo sư được tiến hành dựa trên cơ sở khoa học và hoàn toàn chính xác.
Trên đây là một số mốc chính trong cuộc đời của Khayyam mà chủ yếu là dựa vào truyền thuyết. Chỉ để xác định những mốc chính này đã gây ra rất nhiều tranh luận trong giới nghiên cứu hàng chục năm trời và xem ra vẫn chưa phải là những kết luận cuối cùng. Việc xác định tiểu sử là phức tạp như vậy nhưng có một vấn đề khác còn phức tạp hơn nhiều đó là việc xác định những bài rubaiyat do chính Khayyam viết.
Những bản thảo chép thơ rubaiyat còn đến ngày nay chỉ xuất hiện cách thời Khayyam sống từ 200 đến 300 năm và không theo một trật tự hay lô gích nào cả. Mỗi nhà nghiên cứu đưa ra một nguyên tắc phân loại và cách giải thích riêng... Từ đó sinh ra một câu hỏi: Liệu có tồn tại trên đời một nhà thơ Khayyam hay đó chỉ là một huyền thoại văn học?
Một điều chúng ta biết chắc chắn là có một giọng thơ không giống với quan niệm đạo đức của người đương thời. Một phong cách mới mẻ, một lối tư duy độc đáo đã nói lên cái bí ẩn trong mỗi con người mà trước đó chưa ai nói được. Và có một điều hơn thế nữa: cho đến ngày nay, sau gần 1000 năm nghệ thuật thơ rubaiyat trong văn học Ba Tư Khayyam vẫn là một bậc thầy chưa có ai vượt qua.
Như vậy, đã có một nhà thơ Khayyam mà giọng thơ chúng ta dễ dàng nhận ra. Mặc cho thời gian cứ tích dần những sai lầm có thể có và cũng có cả sự thêm vào của hậu thế. Có thể có một số nhà thơ khác cùng mang cái tên Khayyam. Một điều dễ hiểu là thơ rubaiyat là thể thơ dễ truyền miệng, phổ biến, lưu truyền trong dân gian nên chuyện thêm bớt là điều không thể tránh khỏi. Bởi thế chúng ta không thể xác định chắc chắn rằng có bao nhiêu bài rubaiyat là thực sự của Khayyam và bao nhiêu bài là mô phỏng, bắt chước Khayyam. Nhưng điều này không hề có hại cho thơ ca cũng không hề làm giảm công lao của Khayyam bởi chính ông là người mở đường của một phong cách độc đáo.
Omar Khayyam có lẽ đã làm thơ suốt cuộc đời mình từ khi còn trẻ đến khi đã già. Trong 4 thể thơ phổ biến ở Ba Tư thời bấy giờ thì chỉ có rubaiyat là thể thơ có nguồn gốc dân gian (ba thể còn lại du nhập từ văn học Arập). Rubai là những bài thơ ngắn về tình yêu dùng để trao đổi qua lại trong tình yêu nam nữ. Dưới đây là một bài như vậy của người Shiraz thời nay, vùng đất vẫn được coi là cái nôi của thơ ca Iran:
Gửi cho em hai quả táo và cam
Hai quả lựu đỏ như máu con tim
Nếu biết em còn giữ lời nguyện ước
Anh bứt ra gửi cả trái tim mình.
Nền văn học Ba Tư với nhiều nhà thơ lớn nổi tiếng thế giới có một truyền thống lâu đời được bắt nguồn từ kinh Avesta (gần 1000 năm trước Công nguyên). Ba Tư là quê hương của Zarathustra - người sáng lập ra đạo thờ thần Lửa6 (từ 226 đến 651 là tôn giáo chính thống của Ba Tư) và là tác giả của nhiều bản thánh ca trong kinh Avesta.
Nửa cuối thế kỷ 19 nhà triết học Đức Nietzsche (1844 - 1900) viết tác phẩm “Zasathustra đã nói như vậy - Sách cho tất cả và không cho một ai” đã có sự ảnh hưởng lớn đến triết học phương Tây và nhận thức xã hội nói chung. Tư tưởng về một siêu nhân đã cổ vũ cho Hitler và chủ nghĩa phát xít nên đã có một thời sách của Nietzsche bị thu hồi từ các thư viện và tập trung vào một nơi được canh giữ đặc biệt.
Trong thế kỷ thứ 7 quân xâm lăng Arập tràn vào Ba Tư. Đi theo lửa và kiếm là Islam và tiếng Arập được phổ biến và được người Ba Tư tiếp nhận. Đến thế kỷ thứ 9 quân xâm lăng bị đánh đuổi. Kiếm ra đi nhưng kinh thì ở lại, Islam thay Zarathustrianism trở thành tôn giáo chính thống cho đến ngày nay.
Ơ một đất nước mà phần đa dân số không hiểu biết về Islam như Việt Nam chúng ta trước khi tìm hiểu thơ Khayyam chúng ta cùng tìm hiểu đôi chút về Islam và để hiểu Islam không thể không biết ít nhiều về Kinh Koran.
* * *
Islam (Hồi giáo) - một trong ba tôn giáo chính của thế giới (Phật giáo, Thiên chúa giáo, Hồi giáo) do Mahômét (570 - 632) sáng lập vào đầu thế kỷ thứ 7 có sự ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo và đạo Do Thái. Giáo điều chính của Islam: tôn thờ Đấng Tối Cao là Thánh Ala và Mahômét – sứ giả của Ngài.
Tín đồ Hồi giáo tin vào linh hồn bất tử và cuộc sống ở bên kia thế giới. Tôn chỉ của Islam tập trung trong kinh Koran.
Năm quy tắc chủ yếu:
1. Lòng tin rằng không có Thượng Đế ngoài Thánh Ala và Mahômét - sứ giả của Ngài.
2. Năm lần cầu nguyện trong một ngày.
3. Bố thí cho người nghèo.
4. Nhịn ăn trong tháng Ramadan.
5. Hành hương về Mecca ít nhất là một lần trong đời.
Mahômét không chỉ là người sáng lập Islam mà còn là một nhà chính trị, một vị tướng kiệt xuất, một nhà thơ. Sau khi Ngài qua đời những người kế nhiệm tiếp tục mở rộng vùng ảnh hưởng của Islam. Được sự cổ vũ của tôn giáo mới này quân đội Arập mặc dù có số lượng ít hơn đã lần lượt chinh phục những quốc gia hùng mạnh, những nền văn minh từng một thời vang bóng như Lưỡng Hà, Ai Cập, Ba Tư... Trong vòng một thế kỷ họ đã chinh phục một dải đất từ Trung, Nam, Tây á đến Bắc Phi rồi vượt qua eo biển Gibralta chiếm luôn cả Tây Ban Nha và một phần nước Pháp. Chỉ sau khi bị thua người Pháp thì mới chịu dừng lại. Qua 13 thế kỷ tồn tại Islam chứng tỏ một sức sống mãnh liệt. Trong thế giới hiện đại Islam vẫn trải từ Đại Tây Dương xuyên qua ấn Độ Dương kéo dài tận Thái Bình Dương với số lượng tín đồ trên 1 tỷ người. Thế giới Arập thống nhất thành một khối không chỉ tôn giáo mà cả ngôn ngữ, lịch sử, văn hoá chung. Trong sự thống nhất này Kinh Koran viết bằng tiếng Arập đóng một vai trò đặc biệt quan trọng.
Kinh Koran tương truyền được Thánh Ala sai thiên sứ Gabriel mang xuống cho Mahômét rồi sau đó Ngài truyền lại cho tín đồ của mình. Khi Mahômét còn sống Kinh Koran được truyền miệng theo trí nhớ, chỉ khi Ngài qua đời vào năm 632 người ta mới tập trung lại thành sách.
Không như Kinh Thánh là một tập hợp các tư liệu và khải thị đa dạng được viết ra trong hàng ngàn năm bởi rất nhiều người Kinh Koran được hình thành trong một khoảng thời gian 20 năm bởi một người được giao tiếp với Thượng Đế qua một Thiên sứ của Ngài.
Tạm gạt bỏ những yếu tố huyền thoại thì chỉ riêng việc Mahômét là tác giả của Kinh Koran đã đủ cho thấy thiên tài đặc biệt của Ngài. Không phải ngẫu nhiên mà Michael Hart trong cuốn sách nổi tiếng “The 100. A Ranking of The Most Influential Persons in History” đã xếp Mahômét ở vị trí số 1 trong 100 nhân vật có ảnh hưởng nhiều nhất đến lịch sử phát triển của loài người.
Kinh Koran gồm 114 chương (surah) chia thành các mục (ayah) được viết bằng một lối văn vần mang đậm chất thi ca và thần thánh. Không như Kinh Thánh, được sắp xếp một cách logíc và có mối liên hệ với nhau Kinh Koran được sắp xếp theo độ dài từ chương dài nhất cho đến chương ngắn nhất (trừ chương mở đầu). Là Thánh Kinh nên Koran mang tính biểu trưng rất cao, rất khó dịch. Nếu không phải là người Arập hay tín đồ Islam thì khó mà hiểu được cái hay, cái thần của Koran qua bản dịch. Một từ đơn giản có thể hiểu theo rất nhiều nghĩa tuỳ theo từng người. Theo như cách bình giảng của những người theo trường phái Sufism7 thì Koran ngoài nghĩa đen bình thường còn có rất nhiều nghĩa bóng linh thiêng ẩn giấu ở đằng sau mà không phải ai cũng có thể hiểu được. Rumi (1207-1273)– nhà thơ nổi tiếng của trường phái Sufism viết: “Hãy nhớ rằng ngôn ngữ của Koran là giản dị nhưng đằng sau những lời dễ hiểu này còn có một ẩn ý, bên cạnh ẩn ý này có một nghĩa thứ ba dành cho những đầu óc tinh tế; nghĩa thứ tư thì chưa có ai hiểu được ngoài Thượng Đế vô song, cứ như vậy có thể đi đến nghĩa thứ bảy, ý này tiếp ý kia”.
Được cho rằng trong kinh Koran tập trung toàn bộ kiến thức tổng hợp và câu trả lời cho bất kỳ câu hỏi nào mà đầu óc con người có thể nghĩ ra. Chính vì thế mà vua Omar (581 - 644) từng ra lệnh đốt thư viện Alexandria, nơi tập trung toàn bộ trí thức cổ đại vì cho rằng tất cả tri thức đã có trong một quyển sách duy nhất: Kinh Koran. Những gì lặp lại Koran đều là thừa và những gì trái với Koran đều có hại.
Thánh Ala nhân vật chính trong kinh Koran là Đấng Tối Cao, là Thượng Đế duy nhất. Ngài vừa nghiêm khắc, dữ dội vừa nhân từ, độ lượng và hay tha thứ.
Thánh Ala sáng tạo ra vũ trụ và con người, cuộc sống và cái chết, quá khứ và hiện tại, tương lai... Ngài sáng tạo ra bầu trời và mặt đất “Bảy tầng trời xếp thành hàng từ thấp đến cao” (67:3). Ngài bắc một cái thang từ bầu trời xuống mặt đất có các thiên thần canh giữ nhưng những kẻ người trần mắt thịt thì không thể nhìn thấy. Thánh Ala cai quản cả vũ trụ, nơi mà điểm trên cùng là thiên đàng và dưới cùng là địa ngục…
Theo Koran thì con người đầu tiên được Thánh Ala nặn ra từ đất sét. Có rất nhiều chỗ trong Koran lại nói từ nước nhưng xem ra đây đã là con cháu của con người đầu tiên. Ngài thổi hồn của mình vào trong họ, cho tất cả có tai, mắt và trái tim (32:7,8)
Con người đầu tiên trong Kinh Koran cũng tương tự như con người đầu tiên trong Kinh Thánh có tên gọi là Adam còn tên người vợ thì không thấy đề cập đến nhưng trong dân gian có tên gọi là Hawwah. Đầu tiên họ sống hạnh phúc ở thiên đàng, chỉ sau khi ăn trái cấm ở vườn địa đàng Thánh Ala xua họ về hạ giới.
Nhưng Thượng Đế tối cao không bỏ mặc những đứa con của mình cho số phận mà từng bước đi của họ đều có Ngài theo dõi và cuộc đời của họ được đặt dưới sự bảo trợ của Ngài. Đối với tín đồ Hồi giáo thì tất cả mọi hành động của họ từ khi lọt lòng cho đến khi chết đều đã chép sẵn trong sách trời, người ta không thể thay đổi “Không thể co vào, không thể kéo ra”. Đó là một triết lý đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc!
Dưới đây, xin được điểm qua một số khía cạnh về thế giới quan của Khayyam và một số đề tài trong thơ ông.
II
Thái độ đối với Đấng Tối Cao là một trong những vấn đề phức tạp nhất của những người nghiên cứu Khayyam. Trong thơ Khayyam có thể tìm thấy quan điểm của ông gần gũi với nhiều dòng phái của Islam và cả thuyết luân hồi, thuyết phiếm thần, hữu thần, vô thần... Qua thơ, qua các tác phẩm triết học của Khayyam cũng như qua những tài liệu về cuộc đời Khayyam có thể nói rằng Khayyam luôn tránh nói thẳng quan điểm tôn giáo của mình hay tự nhận là tín đồ của một dòng phái nào cụ thể. Xưa nay có nhiều bí ẩn về Khayyam đã được các nhà nghiên cứu làm sáng tỏ nhưng đề tài Thượng Đế trong thơ Khayyam vẫn là đối tượng của nhiều cách giải thích trái ngược. Một số này cho Khayyam là người vô thần, phủ nhận Thượng Đế. Một số khác - ngược lại, cho rằng Khayyam là người đi tìm chân lý của Thượng Đế không biết mệt mỏi.
Nguyên tắc quan trọng nhất trong học thuyết Hồi giáo là sự tiền định. Mọi điều xảy ra trong thế giới này là đều theo sự xếp đặt sẵn của Thượng Đế. Tín đồ Hồi giáo cho rằng ngay cả một sợi tóc trên đầu rụng xuống cũng không ngoài ý của Thánh Ala. Nhà triết học, thần học al-Ghazali (1058 - 1111) đồng hương và là người cùng thời với Khayyam, người được coi là nhà tiên tri thứ 2, chỉ sau Mahômét viết: “Tất thảy muôn loài trong vũ trụ đều tồn tại theo ý Ngài. Tất cả, luôn hay hiếm, to hay nhỏ, xấu hay tốt, lợi hay hại, hoàn hảo hay không hoàn hảo, lo lắng hay yên ổn, khoẻ mạnh hay đau ốm đều xảy ra theo sự định trước của Ngài. Giá như tất cả thiên thần, quỷ sứ và con người cùng hợp nhất lại để kìm hãm, thay đổi hoặc thêm vào dù chỉ một tý tẹo nào trong vũ trụ thì họ cũng chẳng thể làm nổi bởi không hợp ý Ngài. Tất cả những gì Ngài mong sẽ trở thành hiện thực, những gì Ngài không muốn không bao giờ xảy ra. Không một loài hay vật nào có thể ngăn cản. Tất cả những gì đã có, đang có và sẽ có đều do Ngài định trước”8.
Đã từng có những đại diện của một số trường phái Islam từ chối sự phụ thuộc tuyệt đối mọi hành động, suy nghĩ của con người vào ý Thượng Đế nhưng họ đã phải trả giá đắt: tất cả họ bị cho là những kẻ bội giáo và bị tử hình.
Dù sao thì giáo điều về thuyết tiền định vẫn chứa đựng trong lòng những mâu thuẫn và có những khó khăn khi thực hiện luật Shariah bởi khi nhắc đến ý của Thượng Đế con người có thể từ chối trách nhiệm về hành động của mình.
Có một câu chuyện được kể lại rằng trong buổi thuyết trình ở trường dòng (madrassah) nọ một học sinh hỏi thầy: "Có ba anh em. Một người chết là người ngoan đạo, một người chết là người lầm lỗi, người thứ ba chết khi còn là trẻ nhỏ. Số phận của ba người sau khi chết sẽ ra sao?” Thầy trả lời: “Người ngoan đạo lên thiên đàng, người lầm lỗi về địa ngục còn đứa bé con vì chưa kịp thể hiện mình nên chỉ ở khoảng giữa”. Trò hỏi tiếp: “Thế nếu đưa bé con than phiền Thượng Đế rằng tại sao Ngài không cho nó cơ hội làm những việc tốt để được lên thiên đàng như những người ngoan đạo thì Thượng Đế sẽ trả lời ra sao?” Thầy cười mỉa: “Con biết đấy, Thượng Đế chỉ làm việc tốt cho con người. Ngài sẽ trả lời: “Ta biết rằng nếu con lớn lên sẽ trở thành người tội lỗi nên ta đã tước cuộc đời của con khi còn bé...” Trò kêu lên: “Thế người anh chết lầm lỗi sẽ than vãn: “Thượng Đế ôi! sao Ngài không cho con được chết khi còn bé dại mà cho con lớn lên thành người tội lỗi để làm chi?” Thượng Đế sẽ trả lời ra sao?” Thầy ngớ người ra, im lặng rồi khẽ thì thầm: “Đồ ma ranh, quỷ sứ...” Trò đắc thắng tuyên bố: “Thầy thấy chưa, con lừa đã bị kẹt trên cầu. Học thuyết mà thầy vẫn tâng bốc, không chịu nổi sự phê bình”.
Nhằm tìm cách giải quyết những mâu thuẫn này nhiều nhà thần học đã đưa ra một số luận điểm nhưng cuối cùng tín đồ vẫn phải tin vào những điều khẳng định trái ngược với nhau: “Họ (những người theo trường phái Sufism) cho rằng không phải hành động của con người dẫn đến việc khen thưởng hay trừng phạt mà là sự bao dung, sự công bằng và sự xác định của Thượng Đế. Họ cho rằng sung sướng thiên đàng dành cho những kẻ mà hạnh phúc đã được định trước và khổ đau địa ngục cho những kẻ mà bất hạnh đã được Thượng Đế định trước như trong truyền thuyết đã nói: “Những kẻ này lên thiên đàng còn những kẻ này về địa ngục và chỉ ở đó”. Tuy vậy họ còn cho rằng Thượng Đế khen thưởng cho việc tốt và phạt việc xấu. Ngài luôn luôn đúng và tất cả những gì Ngài nói là sự thật”9.
Thơ Khayyam có rất nhiều bài nói lên sự mâu thuẫn của giáo điều:
Trên đời này cạm bẫy giăng khắp nơi
Chẳng ngày nào được sống theo ý tôi
Không hỏi tôi ông trời kia tự quyết
Rồi gọi tôi kẻ không chịu nghe lời
Nếu như mọi điều đã định trước thì sao lại còn đi phạt kẻ phạm lỗi, thì sao gọi được Ngài là độ lượng, bao dung.
Liệu có ai vô tội ở trên đời
Ai không tội là không sống mà thôi
Tôi mắc tội, Ngài đem bắt trị tội
Sao lại bảo rằng Ngài cao thượng hơn tôi?
Và theo như những gì vẫn nghe, vẫn nói, hàng ngày thì Thượng Đế là sáng suốt. Ngài tạo ra thế giới một cách trật tự, công bằng thế sao lại đầy rẫy bất công?
Ông trời ơi sao những thằng đểu cáng
Lại sung sướng với nhà cao cửa rộng?
Người trung thực lại nghèo rớt mồng tơi
Trời như thế hỏi ai thèm tin tưởng.
Về cuộc đời riêng cũng thật mỉa mai, chua chát
Thượng Đế ơi sao mà cuộc đời con
Đầy những âu lo, cay đắng, muộn phiền
Ơn Thượng Đế cuộc đời con bất hạnh
Người cho nhiều những thứ chẳng cầu xin.
Cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời mặc dù biết sự bất lực của con người Khayyam vẫn mong ước được sắp xếp lại thế giới cho tốt đẹp hơn.
Tình yêu ơi đến lúc phải giã từ
Tiếc cuộc đời trần thế chẳng như mơ
Giá trời cho băm ra từng mảnh nhỏ
Rồi nhập vào xếp lại đẹp hơn xưa.
Nhà phê bình người Anh Holbrook Jackson đã nhận xét về thái độ của Khayyam với Thượng Đế như thế này: “Cái nhìn đời của ông thật tinh tế và độ lượng, bao dung. Ông không phải là người theo chủ nghĩa hữu thần, phiếm thần hay vô thần, trong ông có một ít của tất cả. Ông không hề phủ nhận Thượng Đế chỉ vì một lý do đơn giản là chưa bao giờ ông thừa nhận”.10
* * *
Thế giới quan của Khayyam rất phức tạp thậm chí trái ngược, phủ định lẫn nhau. Vừa duy vật, vừa duy tâm, vừa khoa học, vừa tôn giáo và cuối cùng là hoài nghi tất cả. ở khía cạnh duy vật Khayyam cho rằng thế giới quanh ta được hình thành từ vật chất. Tất cả sự vật, hiện tượng, con người đều là những hình thái khác nhau của sự chuyển hoá vật chất và cuối cùng đều trở về vật chất. Tuy vậy quá trình chuyển hoá này không phải là sự biến mất hoặc sinh ra mà thế giới vật chất ở trong vòng quay muôn thuở, không tăng, không giảm.
Tôi đến đây đời giàu lên có phải?
Tôi ra đi đời có gì thiệt hại?
Có ai người giải thích vì sao tôi
Từ cát bụi lại trở về cát bụi?
Thế giới vật chất là một dòng chảy vô tận không có điểm đầu tiên hay điểm cuối cùng. Thế giới vật chất chuyển hoá từ dạng này sang dạng khác thay đổi cả về lượng cũng như chất. Trong thế giới này không có gì là bất biến mà cái mới luôn được sinh ra. Mỗi sự vật, hiện tượng đều có lịch sử xuất hiện, phát triển và thay đổi. Có thể ví cuộc đời này như một đoàn tàu dừng bánh trên sân ga, chỉ một lúc rồi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình, nhường sân ga cho một đoàn tàu khác.
Đừng buồn chi! đời chỉ ngắn thế thôi
Cuộc đời này cho ta để mua vui
Nếu mọi vật trong đất trời bất biến
Thì nhà ngươi đâu có mặt trên đời.
Nhưng nếu như một mặt cái mới luôn sinh ra thì mặt khác, cái già cũ theo quy luật phải chết đi để nhường chỗ cho cái mới. Như vậy, phép biện chứng của hiện thực khách quan là một quá trình thống nhất của khẳng định và phủ định, của cũ và mới, của sinh và tử, nghĩa là của cuộc sống và cái chết.
Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Heracleitos chủ trương rằng: “Tất cả đều thay đổi, tất cả chuyển động không ngừng”, “Không ai tắm được hai lần trên một dòng sông. Tên dòng sông ở lại nhưng nước chảy đi rồi”, rằng “Trong cái chết có sự sống, trong sự sống có cái chết, tất cả đều chết bằng sự sống và sống bằng cái chết. Trong ta có cả sống và chết, động và tĩnh, trẻ và già”, “Khi ta sống hồn ta chết, khi ta chết hồn ta sống”...
Tiếp bước Heracleitos Khayyam nhìn thấy cả người chết nằm dưới đất, người đã đi cũng như người chưa đến. Khayyam trò chuyện với từng bông hoa, nghe ra lời từng cục đất, bình gốm. Với mục đích chứng minh cho nhận định của mình về sự vĩnh cửu của vật chất và quá trình chuyển đổi không ngừng từ dạng này sang dạng khác Khayyam rất thích dùng hình tượng thợ gốm và nghề làm gốm.
Một lần đi qua lò gốm Khayyam để ý nhìn người thợ gốm đang giẫm đất sét. Bỗng nghe thấy tiếng rên rỉ của cục đất: “Hãy thương cho tôi với, ngày xưa tôi cũng là người”.
Tôi đã nghe trong lò gốm hôm qua
Lời của đất mà nức nở xót xa:
"Đừng giẫm tôi - đất bảo người thợ gốm -
Tôi là người chỉ vừa mới hôm qua".
Một lần khác ghé vào lò gốm, nơi chứa đựng những sản phẩm đã làm xong Khayyam nghe thấy bình chén hỏi lẫn nhau và hỏi Khayyam “Ai là thợ gốm, ai người mua, người bán?”
Ngày hôm qua tôi ghé vào lò gốm
Tôi nghe thấy người ta đang tranh luận:
"Thợ gốm là ai - một câu hỏi cho tôi -
Trong chúng ta ai người mua, kẻ bán?"
Cuộc đời được kết thúc bằng cái chết, cơ thể người chuyển hoá thành đất sét rồi từ đất sét này lại được làm thành đồ gốm cho người sử dụng. ý bài thơ này coi đồ gốm, người sản xuất và người sử dụng đồ gốm đều như nhau cả bởi đất để làm ra gốm cũng từ con người mà ra. Đây là một mô típ quen thuộc của Khayyam nói về kiếp phù sinh của con người và sự vĩnh cửu của vật chất. Ta dễ dàng nhận ra sự so sánh bình và chén với sọ dừa con người của Khayyam có hai điểm giống nhau: cùng có hình dáng tròn và đều dễ vỡ.
Tôi làm vỡ chiếc bình có vẽ bông hoa
Khi uống say trong đêm tối nhạt nhoà
Một giọng nói khổ đau nghe rất rõ:
"Ta đã như người, người ít nữa cũng như ta"
Nhiều bài như thế này, gợi lên mối liên hệ giữa cái chết và sự sống, gợi lên một suy nghĩ rằng cục đất mà người ta đem nặn thành bình, đổ đầy rượu thơm ngào ngạt kia ngày xưa từng là một cơ thể sống, biết cảm xúc, suy nghĩ.
Bình rượu bảo tôi: "Ta sinh ra từ cát bụi
Nhưng trong lòng ta rượu như máu hồng tươi rói.
Phía trước cuộc đời cái chết đang đợi nhà ngươi
Những gì sống hôm nay ngày mai đều cát bụi".
* * *
Một mảng đề tài khác mà ta hay gặp là đề tài về ý nghĩa cuộc đời người, về quyền lực, sự giàu có... Trong một mức độ nào đó ta có thể so sánh thơ Khayyam với quyển Ecclesiastes của Kinh Cựu Ước.Trong quyển Ecclesiastes người truyền đạo đã kể rằng Ngài đã từng đi tìm ý nghĩa của cuộc đời khắp mọi lĩnh vục của đời sống và cuối cùng đi đến kết luận rằng cuộc đời của con người là vô nghĩa “hư không, thảy đều hư không!”. Đầu tiên Ngài ngỡ rằng ý nghĩa cuộc đời ở trong kiến thức, thế mà lại hoá ra là “theo luồng gió thổi” bởi vì “nếu khôn ngoan nhiều thì phiền muộn cũng nhiều, ai thêm tri thức sẽ càng thêm sự đau đớn” (1:18). Sau đó, Ngài thử đi tìm trong thú khoái lạc, trong rượu chè, vui vẻ “nhưng đấy cũng là sự hư không”.Rồi Ngài lao vào làm giàu cho mình: xây nhà, trồng vườn, đào hố chứa nước, mua tôi trai, tớ gái, con hát đầy nhà... Ngài tích gom thật nhiều vàng bạc, của cải nhưng sau đó nhìn ngoảnh lại những công việc tay mình đã làm vất vả và nhận thấy rằng đấy cũng là sự hư không, theo luồng gió thổi: Ta chết đi, người thừa kế ta sẽ tiêu phá những thứ tay ta đã làm ra nhưng ai biết được người thừa kế sẽ là người khôn ngoan hay dại dột? Biết đâu “cha bòn con bỏ” rồi không lại vẫn hoàn không. Mà ngay cả khôn ngoan đi nữa thì cũng chẳng hơn gì dại dột, bởi lẽ “người khôn ngoan chết cũng như kẻ điên cuồng” (2:16).Người truyền đạo nhận thấy rằng trên cõi đời này chẳng có gì tốt đẹp. Con người cũng vậy, “không hơn gì loài thú”. Trong một nghìn đàn ông còn tìm thấy một người còn trong cả thảy đàn bà - không một người.Mặc dù đã từng có đến “bảy trăm hoàng hậu và ba trăm công nương” (I kings 11:3) nhưng cuối cùng Ngài đã rút ra một điều rằng đàn bà “cay đắng hơn là cái chết”, rằng “đàn bà có lòng giống như lưới vây và đôi bàn tay như dây trói” (7:26).Trên đời này cũng chẳng hề có sự công bằng: “Người hiền lành và kẻ hung ác, người thanh sạch và kẻ không thanh sạch... tất cả đều hưởng một số phận” (9:2). Mong muốn thay đổi một điều gì chỉ là vô ích vì rằng trong đời này không thể có gì mới: “Điều gì đã có ấy là điều sẽ có, điều gì đã làm, ấy là điều sẽ còn làm, chẳng có gì mới ở dưới mặt trời” (1:19)
Từ những điều trên đây người truyền đạo đã rút ra một kết luận là sự vô nghĩa của cuộc đời người: “Vậy ta căm ghét cuộc sống vì mọi việc làm ra dưới mặt trời là cực nhọc cho ta thảy đều hư không, theo luồng gió thổi” (2:17). Ngài cho rằng “Những kẻ đã chết lâu rồi là sướng hơn người còn sống” (4:2).
Ngoài những khía cạnh đã nói trên Khayyam còn cho rằng cái chết cào bằng tất cả. Sang cũng như hèn. Vua chúa cũng như nô lệ. Quyền lực, vinh quang cũng chỉ là phút chốc.
Có một lần tôi nhìn thấy trong mơ
Con quạ đen bên cây gạo ven hồ
Vừa rỉa xương một ông vua vừa hỏi:
"Đâu rồi vinh quang, quyền lực ngày xưa?"
Trong rất nhiều bài thơ của Khayyam ta thấy sự vô nghĩa của những mục đích mà nếu đạt đến được người đời đánh giá rất cao. Đó là sự giàu có. Khayyam tỏ ra lạnh nhạt với khát vọng giàu có của người đời.
Có thể trong đời người bay cao bất tận
Có thể nhận hết về mình những gì người muốn
Kho châu báu của đời này người vét sạch trơn
Nhưng đều bỏ lại khi ngày cùng tháng tận.
Con người ai cũng phải chết. Giả sử đi hỏi hết tất cả mọi người thì ai cũng khẳng định như vậy. Thế nhưng trong cuộc sống thường ngày, trong suy nghĩ, hành động của mình con người lại quên mất điều này. Con người chạy trốn khỏi ý nghĩ này một cách vô thức. Từ đó sinh ra một nghịch lý: Con người sống, hành động, suy nghĩ, yêu nhau có vẻ như là bất tử.
Ngươi nhọc nhằn, lo lắng suốt ngày đêm
Cuộc đời trôi trong hai chữ kim tiền.
Hãy nhớ rằng nhà ngươi không vàng bạc
Khi chôn rồi thiên hạ chẳng đào lên.
“Có tiền mua tiên cũng được” nhưng tiền bạc không mua được cái chết, chính xác hơn là không mua được cuộc sống. Đọc Khayyam ta cảm nhận được cả cái đau buồn của Ecclesiastes: “Mình lọt khỏi lòng mẹ trần truồng thế nào, ắt sẽ trở về thế ấy...” lẫn cái chua chát của La Rochefoucauld (1613-1680): “Để có hạnh phúc người khôn ngoan không cần gì nhiều còn kẻ dại dột thì không có gì thoả mãn nổi, bởi thế, con người hầu như tất cả đều bất hạnh”.
* * *
Đề tài chính trong thơ Khayyam là rượu. Từ đầu chí cuối hầu như chỗ nào ta cũng nghe thấy mùi rượu. Một trong những mô típ quen thuộc của Khayyam là cuộc đời ngắn ngủi, số kiếp ba đào. Tuy vậy Khayyam không là người yếm thế, quay lưng lại với cuộc đời mà ngược lại Khayyam đề cao những lạc thú của cuộc đời mà rượu là một biểu tượng chính.
Nhưng rượu trong thơ Khayyam nên hiểu theo nghĩa đen hay hiểu theo nghĩa triết học như nhiều người chủ trương? Có lẽ cả hai. Trước khi đi tìm hiểu về rượu trong thơ chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một số tác phẩm có tính khoa học của Khayyam.
Chúng tôi muốn nói đến quyển “Nauruz – Name” (sách về lễ hội). Xin được trích một đoạn trong phần “Về ích lợi của rượu”: “Các nhà danh y Galenus (130 - 200), Socrates (469-399 tCn), Hippocrates (460-370 tCn), Avicena cho rằng đối với cơ thể con người không có gì tốt hơn rượu, đặc biệt là rượu nho. Rượu làm cho con tim biết hân hoan, xua đi nỗi u sầu, kích thích tiêu hoá. Rượu làm cho má hồng, da trắng, tăng thêm trí nhớ, biến người keo kiệt trở thành hào phóng, kẻ nhút nhát trở nên gan dạ và giảm thiểu bệnh tật. Những người uống rượu thường là khoẻ mạnh bởi người uống nhiều rượu sẽ không cho những tạp chất xấu tích đọng lại trong dạ dày. Rượu là thú vị. Tất cả mọi thứ đồ ăn uống ở trên đời này: đồ béo, đồ ngọt, đồ chua, thứ gì cũng càng ăn nhiều càng chán. Chỉ có rượu uống một thì muốn uống hai, rượu không bao giờ chán bởi rượu là ông Hoàng của mọi loại đồ uống. Trong thiên đàng có nhiều phúc lợi nhưng phúc lợi lớn nhất là rượu, bởi nếu không thế thì Izad11 đã không chọn rượu cho mình. Trong cuốn sách đời cũng nói: “Rượu có lợi cho người nhưng tội lỗi nhiều hơn ích lợi”12. Trong rượu có nhiều ích lợi nhưng tội lỗi nhiều hơn ích lợi. Người khôn ngoan cần uống sao cho ích lợi của rượu nhiều hơn tội lỗi, sao cho không tự làm khổ mình, sao cho khi uống rượu từ đầu chí cuối không làm điều ác hay thô bạo cả trong lời nói cũng như hành động mà chỉ có vui vẻ, tốt lành. Một khi người ta đạt đến điều này thì rất nên uống rượu. ích lợi của rượu có thật nhiều...”.
Sau đó Khayyam phân tích những đặc điểm, lợi hại của tất cả các loại rượu và kể câu chuyện về sự tích ra đời của rượu mà độ hấp dẫn và vẻ huyền bí của nó cũng tương tự như những câu chuyện trong “Nghìn lẻ một đêm” vậy. Rượu trong thơ Khayyam được người đời giải thích theo rất nhiều cách giải thích khác nhau. Dưới đây chúng tôi xin được đưa ra một số cách hiểu.
Thứ nhất: Rượu có nghĩa là tất cả những sung sướng của kiếp người. Cách giải thích này phù hợp với truyền thống của thơ ca Châu Âu bắt đầu từ truyền thuyết về thần rượu Bacchus cho đến thơ của Anacreon (582-485 tCn), Horatius (Horace)... có ảnh hưởng rất lớn đến thơ ca Châu Âu sau này.
Thứ hai: Cách giải thích hình tượng rượu có nguồn gốc Phương Đông gắn liền với truyền thống Sufism13 cho rằng rượu là thứ nước thần thánh giúp nhận thức chân lý mà cơn say là tình trạng khoái cảm tột độ dẫn con người đến gần với Thượng Đế cho tới khi được hoà nhập với Người.
Thứ ba: Khayyam dùng hình tượng rượu để nói lên sự phản kháng của mình đối với những cấm đoán khắt khe của Hồi giáo.
Bỏ uống rượu thì cũng có nghĩa là
Bỏ cuộc đời! Ai bù được cho ta?
Ta làm sao trở thành người ngoan đạo
Khi mà điều sung sướng lại cấm ta ?
Kinh Koran và một số điều trong luật Shariah cấm uống rượu. Đặc biệt là trong tháng ăn chay (Ramadan) - tháng thứ 9 theo lịch Hồi giáo - từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn không được ăn uống, vui cười chứ đừng nói là uống rượu. Trong cái đêm 26 sang ngày 27 linh thiêng, theo truyền thuyết thì Thiên sứ Gabriel đã trao Koran cho Mahômet, từ đó người ta cầu nguyện suốt đêm thế mà Khayyam không lo cầu nguyện hay suy nghĩ về Thượng Đế, đã thế, lại còn mơ rượu, mơ tình.
Tôi xưa nay vẫn uống rượu hàng ngày
Nhưng đêm này gần cuối tháng ăn chay
Muốn – môi kề môi, ngực kề sát ngực –
Bình rượu đầy không một phút rời tay.
Đầu thế kỷ 20 nhà nghiên cứu người Pháp Laurent Tailhade trong một bài tiểu luận về đề tài rượu trong văn học Châu Âu từ thời cổ đại đến cuối thế kỷ 19 đã viết về Khayyam như sau: “Rượu trong thơ Khayyam có nghĩa là sự giải thoát. Rượu là sự phản kháng, là ca ngợi chiến thắng của con người trước những bóng ma thần thánh được tạo nên bởi sự dốt nát và nhu nhược”14.
Để khép lại phần rượu xin được nói rằng rượu trong thơ Khayyam có ý nghĩa rất đa dạng. ở những bài rubai khác nhau hoặc trong những tình huống, ngữ cảnh khác nhau rượu mang một ý nghĩa riêng biệt. Điều này phụ thuộc vào kinh nghiệm sống, vào óc tưởng tượng, vào cách tư duy và tất nhiên vào sự say mê của người đọc. Mỗi người có thể có cách hiểu, cách giải thích của riêng mình. Và xin được nói thêm rằng mặc dù Khayyam lúc nào cũng nói đến rượu, đến cơn say, rằng ông chỉ hạnh phúc trong “tình trạng nửa say mà nửa tỉnh” nhưng thực chất Khayyam không hề say sưa một tý nào. Khayyam nhìn đời bằng cái nhìn tỉnh táo của một nhà bác học, nhà hiền triết, nhà thông thái.
* * *
Một trong những mô típ quen thuộc nhất trong thế giới quan của Khayyam là quan niệm về thời gian.
Thời gian là gì? Saint Augustine (354 - 430) nhà thần học, nhà triết học có những ý tưởng đáng kể nhất về thời gian cho rằng thời gian do Thượng Đế tạo ra. Thời gian của Thượng Đế là cõi vĩnh hằng còn thời gian của con người thì có quá khứ, hiện tại và tương lai. Tất cả đều đổ dồn vào cõi vĩnh hằng. Thời gian tồn tại trong trí tuệ con người. Con người biết nhớ về quá khứ, cảm nhận hiện tại và đợi chờ, hy vọng ở tương lai. “... Giá như đã không có gì trôi qua thì đã không có quá khứ; giá như không có gì trôi qua thì sẽ không có tương lai và nếu không có quá khứ và tương lai thì không có hiện tại <…..> Làm sao hiểu được thời gian “dài” hoặc “ngắn” ? Trong quá khứ thì đã qua rồi, trong tương lai thì chưa đến, nghĩa là chỉ trong hiện tại. Nhưng nếu như ta lấy một quãng thời gian hiện tại có độ dài bất kỳ - một năm, một tháng, một ngày, một giờ... thì sẽ thấy nó đều có ba giai đoạn <.....> Thời gian tồn tại trong lòng ta. Quá khứ ở trong hoài niệm, tương lai trong sự đợi chờ. Tương lai có thể nhìn thấy trước bằng những dấu hiệu trong hiện tại. Thực chất của hiện tại là sự trực giác (intuitus)”.Trong kinh Talmud có một câu về thời gian rất nổi tiếng: “Các con nói rằng thời gian trôi ư? Thật là dại dột! Đấy là các con trôi qua thời gian”. Luận điểm này khẳng định một điều: không có thời gian trìu tượng, chung chung mà chỉ có những đối tượng cụ thể trong đó có con người thuộc về một độ dài thời gian thực tế. Pierrè Ronsard (1524-1585) – nhà thơ nổi tiếng nhất nước Pháp thời Phục hưng đã nói về đề tài này qua một bài sonnê cũng rất nổi tiếng.
Một bó hoa tươi tôi gửi cho nàng
Những bông hoa đã qua giờ đẹp nhất
Giá mà tôi ngày hôm nay không ngắt
Thì ngày mai hoa cũng sẽ héo tàn.
Nhắc cho nàng nghĩ đến cánh hoa tươi
Rằng sắc đẹp thứ đồ không bền vững
Ngày hôm nay dù lung linh toả sáng
Vẫn qua mau như mọi thứ trên đời.
Cuộc đời trôi, cuộc đời trôi, ma Dame
Không phải đời! Ta trôi qua thời gian
Lòng âu yếm ở đời không khỏi chết.
Ta đem cản lại thời gian khắc nghiệt
Những đêm thanh ta dâng hết cho tình
Hãy yêu nhau ta đang có ngày xanh.
Trong thơ Khayyam đơn vị thời gian là một ngày đêm – ngày Hôm Nay. Hôm Nay có nghĩa là cả cuộc đời. Trường ca của Fitzgerald được bắt đầu bằng buổi bình minh (Thức dậy đi và hãy ngắm vầng đông...) và kết thức bằng đêm trăng (...Mai rồi trăng đừng kiếm tìm vô vọng/ Ta đã về nằm ở dưới bóng dương).
Có một ý nghĩ xuyên suốt luôn dằn vặt Khayyam rằng thời gian trôi vội vã, rằng hãy biết nắm bắt khoảnh khắc, biết sống với ngày hôm nay.
Rót rượu ra, em nhé, chớ phân vân
Thời gian đi ta không thể níu chân
Ngày Mai chưa về, Hôm Qua đã chết
Chỉ Hôm Nay ta hãy sống cho mình.
Biết sống trong ngày hôm nay thì khôn ngoan nhưng sống chỉ vì ngày hôm nay thì dại dột!
Khi ta tiếc nhớ về quá khứ hay mơ ước về tương lai thì ta đang dùng thời gian của hiện tại. Chỉ trong thời gian này ta đang sống theo đúng nghĩa. Nhưng tiếc nhớ về quá khứ thì phỏng có ích gì - quá khứ không còn quay trở lại. Suy nghĩ, mơ ước hay dự định cho tương lai, kể ra cũng hay đấy nhưng tốt nhất là hãy biết sống cho hiện tại bởi hiện tại là tiền đề để tạo dựng tương lai.
Trong thế giới quan của Khayyam không chỉ có hôm nay là thước đo thời gian mà cụ thể hơn là khoảnh khắc, là phút giây ta đang có.
Từ thần thánh đến vô thần - chỉ gang tay
Từ số không đến vô cùng - chỉ phút giây
Hãy gìn giữ phút giây này quý giá
Đời - không ít, không nhiều - chỉ phút giây.
Dòng thời gian vô tận đã chảy trước khi có ta ra đời. Dòng thời gian vô tận còn chảy mãi sau cái chết của ta. Nếu đem so với vĩnh hằng thì thời gian của ta: năm, tháng hay ngay cả trăm năm thì cũng chỉ là khoảnh khắc, giây phút mà thôi. Cuộc đời con người chỉ là phút chốc nhưng trong cái giây phút này con người có thể cảm nhận được sự vĩnh hằng “Đời là cõi vĩnh hằng thu nhỏ” Emerson (1803 - 1882). Điều này rất quan trọng bởi sự đầy đủ, toàn vẹn của một phút giây cũng là sự toàn vẹn đầy đủ của vĩnh hằng, bởi giây phút này là biểu tượng của hạnh phúc con người. Hạnh phúc không phải đợi đến ngày mai, ngày kia hay sau một tuần, một tháng, một năm mà hạnh phúc chính là giây phút này, khi mà ta cảm thấy hoà nhập với vũ trụ. Và nếu như ta có thể thì đây chính là giây phút tuyệt đỉnh của ta.
Muốn nếm hạnh phúc hãy rót rượu ra
Coi khinh ngày mai, đừng tiếc hôm qua
Mọi gông cùm dù chỉ trong phút chốc
Ớ người tù hãy gỡ khỏi hồn ta.
Viết đến đây tôi bỗng nhớ đến Xuân Diệu (1916-1985) khi nghe Xuân Diệu giục giã:
Mau với chứ, vội vàng lên với chứ!
Phải vội vàng bởi thời gian không đứng đợi, bởi phía trước cuộc đời là cái chết. Phải vội vàng bởi mỗi giây phút của cuộc đời ta không còn lặp lại, bởi cái chết luôn rình rập bên ta. Mà chết là hết! Không bao giờ ta còn được quay lại cõi đời này cho dù cõi đời này đau khổ thật đã nhiều nhưng sung sướng cũng chẳng ít. Và tất nhiên, sau cái chết của ta rồi trăng vẫn sáng, hoa cỏ vẫn ngát hương, chim vẫn hót líu lo trên cành, rượu và người đẹp cũng không bao giờ hết nhưng cái bông hoa kia đã héo tàn thì không còn tươi trở lại, bởi thế mà phải biết vội vàng.
* * *
Nhà nghiên cứu người Đan Mạch Christensen cho rằng tất cả quan điểm triết học của Khayyam tập trung ở một nguyên tắc: "Carpe diem"15 (nắm bắt khoảnh khắc), rằng Fitzgerald bằng cách dịch tự do đã chuyển rất chính xác cái thần của Rubaiyat…
Omar Khayyam trở thành đề tài của nhiều cuộc tranh cãi gay gắt. Một người này chỉ nhìn thấy Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, một người kia chỉ nhìn thấy Khayyam là kẻ bi quan, yếm thế còn một người khác lại cho rằng Khayyam là người thần bí. Mỗi người giải thích theo một kiểu và ai cũng có lý của mình bởi Omar Khayyam có nhiều đặc điểm trái ngược nhau lại tập trung ở trong một con người.
ở một số bài thơ này ta thấy Khayyam như một kẻ tuyệt vọng, xa lạ với cuộc đời.
Dưới trời này cuộc đời là bể khổ
Chẳng bao giờ ông trời thương ta cả
Người chưa đến giá mà biết đau thương
Thì có lẽ chẳng bao giờ đến cả
hay như một người bi quan:
Người đi tìm chân lý ở khắp nơi
Rồi cứ băn khoăn cho đến cuối đời
Nhưng chẳng thể tìm đâu ra chân lý
Chỉ áo quan để khâm liệm người thôi.
thì ở một chỗ khác ta thấy Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, khát khao những lạc thú của cuộc đời.
Vẫn ham mê từng gương mặt dễ thương
Và ham mê một thú uống rượu nồng
Tôi cố gắng phần của mình nhận hết
Đến một ngày riêng chưa trở thành chung.
Valentine Zhukovsky(1858 - 1918) – một trong những nhà nghiên cứu về Omar Khayyam đầu tiên của Nga đã nhận xét: “Ông là người có tư tưởng tự do, là kẻ nổi loạn đòi dẹp bỏ lòng tin. Ông là kẻ vô thần, là người duy vật, người giễu cợt chủ nghĩa thần bí, là người theo chủ nghĩa phiếm thần luận. Ông là một tín đồ ngoan đạo, một triết gia chính xác có óc quan sát tuyệt vời, một nhà bác học uyên thâm. Ông là kẻ chơi bời truỵ lạc, kẻ đạo đức giả. Ông không chỉ mạt sát Thượng Đế mà còn phủ định mọi lòng tin. Ông là người có bản tính mềm mỏng thiên về những suy tưởng thánh thần hơn là thú vui trần thế. Ông là kẻ hoài nghi, ông là Abu Ala của Ba Tư, là Voltaire, Heine16... Thực ra khó mà hình dung nổi con người này nếu ông không phải là một người quái gở mà trong đó tập trung cả trăm thứ bà rằn, vừa say mê cao thượng, vừa dục vọng thấp hèn”.
Đa số các nhà nghiên cứu Phương Tây gọi Khayyam là người đề cao chủ nghĩa khoái lạc, đại diện tiêu biểu của trường phái Epicurus (342 - 270 tCn).Thực ra quan điểm hưởng lạc của Khayyam không hoàn toàn giống với quan điểm của Epicurus, thậm chí còn có sự khác biệt. Khayyam có lẽ gần với Aristippos (435-356 tCn) nhiều hơn. Triết lý Carpe diem không phải là bản chất của triết học Epicurus.
Có một câu chuyện vui được kể lại rằng trước cửa ra vào khu vườn, nơi Epicurus dạy triết học có dòng chữ: “Bạn thân mến, đến đây bạn sẽ sung sướng, đến đây bạn sẽ được thỏa mãn”. Tuy vậy, những người khách đến đây chỉ được uống nước nguồn tinh khiết và ăn món ăn chay từ lúa mạch. Trong khi đề cao sự thỏa mãn Epicurus kêu gọi học trò của mình hãy ăn kiêng và rèn luyện ý chí thông qua triết học.
Về mặt này ta thấy Khayyam “vật chất” hơn.
ổ bánh mì tròn như cái nong
Chân cừu nướng, một bình rượu nồng
Người bạn gái như mùa xuân sớm
Niềm vui này vua chúa đừng mong.
Chúng tôi xin tóm tắt một số nét chính về quan điểm hưởng lạc trong triết học của Epicurus để bạn đọc có thể so sánh với thơ của Khayyam.
Epicurus cho rằng con người ta ai cũng sợ cái chết, đau khổ và lo cho số phận không được may mắn. Mặt khác, con người luôn hướng tới lạc thú trong đó có sự thỏa mãn với cái đẹp, tình yêu… Mục đích của con người là một cuộc sống hạnh phúc. Epicurus coi hạnh phúc là sự thoả mãn. Điều kiện để có một cuộc sống hạnh phúc là một thể xác khoẻ mạnh và một tâm hồn tĩnh lặng. Hãy thoả mãn với tất cả những gì mình có nhưng nên nhớ rằng sự thoả mãn thể xác quá mức sẽ dẫn đến đau khổ, bệnh tật. Không có Trời, không có Chúa, không ai mang hạnh phúc đến cho ta cả. Hạnh phúc ở trong ta, trong thú khoái lạc tinh thần và một cuộc sống tránh mọi công việc xã hội. “Hãy luôn luôn làm việc. Luôn luôn yêu. Hãy yêu vợ con hơn chính bản thân mình. Đừng trông chờ ơn huệ ở người ta và đừng phiền muộn nếu người ta không cảm ơn mình. Hãy để lời khuyên răn thay cho thù ghét, nụ cười thay cho sự coi khinh. Từ cây tầm ma hãy làm ra sợi chỉ, từ cây ngải cứu hãy nấu thành thuốc cao. Biết cúi xuống để nâng người ngã dậy. Trong đầu hãy để cho trí khôn nhiều hơn lòng tự ái. Hãy tự hỏi mình mỗi buổi chiều: ngươi đã làm được điều gì tốt. Luôn luôn có trong tủ sách một quyển sách mới, trong hầm rượu một bình rượu đầy và trong vườn một bông hoa tươi”.
Là người duy vật Epicurus cho rằng lòng tin vào linh hồn bất tử làm cho con người không hưởng được hết mọi lạc thú ở đời, những thứ chỉ đến có một lần. Khát vọng về một cuộc sống bất tử là hoàn toàn không có cơ sở vì rằng mọi thứ trên đời đều có thời hạn, có bắt đầu và kết thúc. Epicurus khuyên người đời hãy sống vui vẻ và sử dụng hợp lý cho hết thời hạn của mình, với thời hạn ấy hoàn toàn đủ để tận hưởng mọi sung sướng trên đời. Và “khi cái chết đến gõ cửa thì chúng ta, những người đã no đủ, sẽ vui lòng đứng dậy khỏi bàn nhường chỗ cho kẻ đến sau”.“Tất nhiên, ngay cả khi đã sống hết thời hạn của mình ta vẫn cảm thấy tiếc nuối vì phải chia tay với cõi đời tuyệt đẹp, nơi có đầy ánh mặt trời nhưng biết làm sao được nếu như đời sinh ra như vậy. Chẳng lẽ ta phải đau đớn với ý nghĩ rằng sao ta không sống một trăm hay một nghìn năm trước? Thì tại sao ta lại phải buồn lòng vì không được sống sau một trăm hay một nghìn năm?”
Epicurus cho rằng cái chết không có gì phải sợ vì khi đang có ta thì cái chết chưa đến còn khi cái chết đến thì ta đã không còn. Khayyam thể hiện ý này cũng khác với Epicurus. Khayyam cho rằng đời người sống chỉ có một lần và chết cũng vậy: chỉ có một lần.
Nếu một ngày cái chết đến sau lưng
Thì hãy quay mặt lại đối diện cùng
Một lần thôi chẳng có gì phải sợ
Đấy là lời dặn lại lúc lâm chung.
* * *
Đầu thế kỷ 20, khi mà “Rubaiyat” đang rất thịnh hành thì ở nước Mỹ có một số nhà phê bình đã lên tiếng chống lại “bả” Khayyam. Theo họ thì Khayyam là người có “tâm hồn cao thượng nhưng vô liêm sỉ”. Có tính cách “cám dỗ, lôi kéo con người từ bỏ những đạo đức tôn giáo...” Nhưng từ năm 1872 trong tạp chí “Cũ và Mới” nhà truyền đạo John Chadwick đã nhận xét rất chính xác: “Trong thơ Khayyam có một sự quan tâm sâu sắc đến cuộc sống, cái chết và phía bên kia cuộc đời. Chủ nghĩa hưởng thụ chỉ là cái vỏ bề ngoài mà nếu nhìn sâu vào ta sẽ thấy một sự thể hiện vô cùng tỉnh táo. Ai đấy gọi quyển Ecclesiates là quyển “đau buồn hơn hết trong những cuốn đau buồn” thì người đó chưa đọc Omar Khayyam. Những bài thơ này còn đau buồn hơn quyển Ecclesiastes gấp nhiều lần. Thứ nhất, là bởi vì chúng vang lên một cách du dương, êm ái hơn. Thứ hai, là bởi vì trong đó tuyệt vọng nhiều hơn, và nữa, đằng sau những bài thơ này ta cảm thấy một tâm hồn cao thượng hơn”17.
Nhà truyền đạo đã đánh giá quyển thơ của kẻ hưởng lạc phương Đông cao hơn quyển Ecclesiastes của Kinh Thánh, là quyển sách phổ biến nhất, linh thiêng và kính trọng nhất của phương Tây Thiên Chúa giáo.
Có một điều thú vị là trong thơ ca phương Tây thời Phục hưng ta vẫn hay gặp những mô típ của Khayyam. Sống cách Khayyam gần 500 năm Pierrè Ronsard có những suy nghĩ về kiếp phù sinh, về ý nghĩa cuộc đời, về sự giàu có, về thời gian... rất gần gũi với Omar Khayyam.
Ba thời gian từ lúc ta sinh ra
Có hiện tại, tương lai và quá khứ
Ngày mai, than ôi! - biết gì đâu chứ
Tốt nhất đừng thiên kiến, chớ đoán mò.
Hôm qua đã đi như một giấc mơ
Và mãi mãi không còn quay về nữa
Chưa đến tương lai, không còn quá khứ
Chỉ mình ta làm chủ phút giây này.
Hãy nắm bắt, hãy biết sống hôm nay
Bởi thời gian vút qua như chiếc bóng
Bên chén rượu, quây quần quanh bè bạn
Một lần thôi hãy quý phút giây này
Hãy hát tình yêu, uống rượu và vui
Xua chiến tranh, nỗi buồn và cay đắng.
Hay như bài sonnê “Gửi Helène” nổi tiếng đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng.
Khi mà em đã về gặp tuổi già
Ngồi một mình buổi chiều bên lò sưởi
Em đọc những dòng thơ và nhớ lại:
“Những ngày xưa thơ đã viết Ronsard”.
Và tôi như nhà thi sĩ tài hoa
Cho nữ tỳ đem tên tôi khen ngợi
Em không ngủ và em quên mệt mỏi
Nghe những lời ca tụng của người ta.
Còn tôi ngủ yên giấc ngủ muôn đời
Tình chỉ là sự quên lãng mà thôi
Nhưng còn em những đêm dài không ngủ
Em buồn rầu nhớ lại những lời tôi.
Chớ miệt thị tình yêu mà hãy nhớ
Giữa mùa xuân vội hái nụ hoa đời.
Trong sáng tạo của William Shakespeare (1564 - 1616) ta cũng gặp những ý tưởng của Khayyam về sự tuần hoàn của vật chất. Ta hãy đọc hồi IV, cảnh 3 trong bi kịch Hamlet nổi tiếng nơi Hamlet nói với vua Claudius rằng con người có thể dùng con giun đã ăn nhà vua để làm mồi bắt cá rồi lại ăn con cá đã ăn giun. Và dưới đây là những lời của Hamlet nói với Horatio ngoài nghĩa địa (Hồi V, cảnh 1):
“... Alexander18 chết đi, người ta chôn Alexander rồi Alexander trở thành đất sét thì tại sao từ đất sét này lại không thể làm thành nắp bình rượu?
Tội nghiệp thay vị Hoàng đế oai phong
Ngài chết đi thành đất cát ngoài đồng
Ôi cục đất làm kinh hoàng thế giới
Giờ trát tường chắn ngọn gió mùa đông”.
Hamlet đã kết thúc lời thoại của mình bằng một bài tứ tuyệt. ý câu nói của Hamlet đã được Khayyam nói đến cách đó hơn 500 năm về trước:
Đừng buồn chi! Đời là vậy đó mà
Hết sáng ngày lại bóng tối buông ra
Nghìn năm sau xương ta thành đất cát
Cho người ta đem đóng gạch xây nhà.
Thật khó nói rằng làm sao mà Pierrè Ronsard hay William Shakespeare có sự ảnh hưởng của Omar Khayyam bởi chỉ đến đầu thế kỷ 19 ở Châu Âu mới xuất hiện một số bài rubaiyat được dịch đầu tiên và người Âu chỉ thực sự biết đến Omar Khayyam khi bản dịch của Edward Fitzgerald ra đời vào năm 1859.
III
Nguồn của bản tiếng Việt này là bản tiếng Anh của Edward Fitzgerald với các lần hiệu đính và các bản tiếng Nga của nhiều dịch giả rubaiyat nổi tiếng nhất của Nga và Xô Viết như Plisetsky, Rumer, Thorgevsky, Strigkov, Derjavin, Nekora, Tenegina... Ngoài ra còn tham khảo nhiều bản khác được nêu trong thư mục tóm tắt ở cuối sách.
Bản tiếng Việt này được sắp xếp theo từng mảng đề tài theo một trình tự thời gian của cuộc đời người giống như cách sắp xếp của Fitzgerald: thời tuổi trẻ yêu đời, ca tụng Thượng Đế, thích chơi bời, ham mê rượu, phụ nữ. Sau đó là nhà thông thái theo con đường Sufism rồi dần dần tỏ ra nghi ngờ cho đến phủ nhận Thượng Đế. Về già trở thành người bi quan, thất vọng về cuộc đời, hoài nghi tất cả.
Ở Châu Âu hiện nay có thể tìm thấy trên 2000 bài rubaiyat được coi là của Omar Khayyam nhưng chủ yếu vẫn là các dị bản. Thực tế số lượng rubaiyat của Khayyam là 200, 300, 500 hay nhiều hơn? Rất nhiều nhà nghiên cứu xác định trong khoảng 200 - 500 bài. Bản tiếng Việt này dừng lại ở con số 487 bài. Theo chúng tôi số lượng bài đã phản ánh hết mọi khía cạnh của thơ Khayyam.
Mặc dù đã chọn lọc rất kỹ lưỡng, so sánh với nhiều bản khác nhau nhưng nếu một bạn đọc để ý sẽ thấy vẫn có những bài gần giống nhau về nội dung. Thực ra đây là một vấn đề chung của nhiều ngôn ngữ và là một vấn đề phức tạp trong việc phân loại, đánh giá. Xin dẫn lời của một nhà phương Đông học nổi tiếng, Viện sĩ thông tấn Liên Xô Edward Bertels về vấn đề này: “Một người đọc chú ý thì không thể không nhận thấy có nhiều bài rubaiyat chỉ nói về một đề tài. Ta tìm thấy từng “chùm” rất giống nhau về nội dung, chỉ khác ở những chi tiết rất nhỏ. Ta có cảm giác rằng đấy là một đặc điểm của thơ Khayyam. Ta biết rằng cuộc đời Khayyam có nhiều tị hiềm ghen ghét, thậm chí cả sự nguy hiểm đến tính mạng từ những kẻ cuồng tín Islam... Khayyam có lẽ đã không có ý định tập trung rồi phổ biến những bài thơ của mình. Có thể ông chỉ viết ra trên những mẩu giấy nhỏ và khi ngồi quanh bạn bè, bên chén rượu ông đã đọc cho mọi người nghe. Ta hình dung có năm người bạn của Khayyam sau khi về nhà chép lại những bài thơ đã nghe mỗi người lệch đi một chút, thay vào một vài lời. Từ đó sinh ra ít nhất sáu bản mà rồi sau đấy khi tập hợp lại người ta coi là những bài riêng biệt. Số dị bản cứ tăng lên theo thời gian khi người đời sau tìm chép lại”.
Một đặc điểm nữa của rubaiyat mà khi dịch ra tiếng Việt rất khó giải quyết. Đó là cách gieo vần của rubaiyat thường có những từ hoặc cụm từ lặp lại ở cả ba câu (đôi khi cả 4 câu). Dưới đây là một số ví dụ mà chúng tôi cố gắng dịch đúng cách gieo vần của những bài rubaiyat dân gian:
Em không ngủ, em không biết làm sao
Con đường dài, em không biết làm sao
Nhìn con đường, anh còn quay trở lại?
Thiếu anh rồi, em còn biết làm sao!
* * *
Giấc mơ ngọt ngào trong đêm đến rồi đi
Người đẹp dịu dàng trong mơ đến rồi đi
Và sáng ra người đẹp dịu dàng đến thật
Như trăng giữa trời người đẹp đến rồi đi.
hoặc như những bài sau đây:
Mùa xuân đến rồi. Bao giờ em đến?
Thiếu em anh buồn. Bao giờ em đến?
Em hứa rằng khi tuyết bắt đầu rơi
Tuyết tan hết rồi. Bao giờ em đến?
* * *
Em có thể phụ tình - còn anh không thể
Em có thể lại yêu, còn anh không thể
Em có thể quên hết thảy mọi điều
Quên mãi mãi, muôn đời còn anh không thể.
Thơ rubaiyat được gieo vần theo sơ đồ aaba (một số ít bài aaaa). Trong tiếng Việt nghĩa là thơ tứ tuyệt nhưng thơ tứ tuyệt chỉ có 5 tiếng hoặc 7 tiếng không thể chuyển tải hết lượng thông tin của rubaiyat. Chúng tôi đã từng loay hoay trong nhiều tháng trời dịch ép vào 7 tiếng nhưng rồi thấy không ổn. Tham khảo rất nhiều ngôn ngữ châu Âu thì nhận thấy rằng người ta đều dịch không hạn chế số tiếng, thậm chí người ta còn dịch rubaiyat 4 câu thành 8 câu, miễn là chuyển tải hết nội dung của rubaiyat. Từ đó chúng tôi quyết định không hạn chế số tiếng còn cách gieo vần thì vẫn tuân thủ cách gieo vần của rubaiyat trừ cách gieo vần cả 4 câu như nhau vì nhận thấy không phù hợp.
Trong bản tiếng Việt cũng ít khi dịch tên riêng, tên của các nhân vật truyền thuyết, các ông vua, tên địa danh mà phần nhiều chỉ dịch chung chung là vua, thần, tiên... Có một hình tượng rất quen thuộc trong rubaiyat là người hầu rượu Saki. Saki là một chàng trai trẻ vui nhộn, hoạt bát, nhanh nhảu được Khayyam hay nhắc đến. Trong bản tiếng Việt Saki trở thành cô bán hàng. Có lẽ đây là một đặc điểm của văn hoá Việt.
Xưng hô đối với Đấng Tối Cao trong rubaiyat được Khayyam dùng rất đa dạng. Từ tiếng Ba Tư khi dịch sang các ngôn ngữ khác cũng vậy. Thí dụ trong bản của Fitzgerald có rất nhiều từ đồng nghĩa của từ “Thượng Đế” (He, Thou, Lord, Maker, Potter, Master hoặc ngay cả Master of the Show, dark Ferrash, Eternal Saki rồi Trời (Heav’n), Vận (Destiny), Số (Fate), Thời gian (Time). Trong tiếng Việt cũng được dùng rất đa dạng: Thượng Đế, Ông Trời, Ông xanh, Ông Thợ gốm, Ông Tháp canh, Con tạo, Số phận, Thời gian, Người, Ngài…
Có một số đặc điểm của rubaiyat mà theo chúng tôi rất khó chuyển đạt là tính triết lý, sự cô đọng, súc tích của thơ Khayyam. Chỉ với 4 câu thơ Khayyam nói lên được những vấn đề mà người khác phải cần đến nhiều trang giấy.Thông thường hai câu đầu của rubaiyat là hai câu đặt vấn đề còn cách giải quyết vấn đề và kết luận của tác giả ở câu thứ 3 và thứ 4.
Hãy cho tôi một bình rượu thật đầy
Cô bán hàng cứ rót, chớ dừng tay
Giờ chỉ rượu người bạn hiền duy nhất
Cả bạn và tình đều đã đổi thay.
Nhưng cũng không ít khi rubaiyat trở thành một cuộc đối thoại mà tác giả chỉ làm vai trò người dẫn chuyện.
Cá hỏi vịt: “Liệu nước có trở về
Và nếu trở về thì đến bao giờ?”
Vịt trả lời: “Khi Người đem ta rán
Chảo sẽ trả lời những câu hỏi kia”.
Đôi khi hai câu đầu nêu lên vấn đề. Câu thứ 3 nêu lên một sự vật hay hành động mà ta thấy được đột ngột lật lại ở câu thứ 4.
Ta cần sống sáu mươi năm yên ổn
Không vì giàu mà chỉ vì tình bạn
Đến một ngày ta chưa trở thành bình
Cần kết bạn với cả bình và chén.
hoặc như một bài khác ;
Hãy vuốt ve mái tóc đen óng mượt
Uống rượu nồng, nói những lời đường mật
Đến một ngày thần chết chưa bắt ta
Những lạc thú trên đời cần nắm bắt.
Một đặc điểm nổi bật trong thơ của Khayyam là sự tương phản.
Vẫn biết rằng rượu cấm bởi Koran
Rượu đắng cay nhưng tôi uống với em
Chẳng vô tình như người đời vẫn nói
Những thứ gì càng cấm lại càng ham.
Câu đầu tiên “rượu” được đặt bên cạnh “Koran”. Koran cấm rượu, bởi thế nên hai khái niệm này kỵ nhau giống như lửa với nước, như mặt trăng với mặt trời… Câu thứ hai: “rượu đắng cay” (đã đành là như vậy) nhưng Khayyam ngồi uống với “em” (vốn được coi là thứ ngọt ngào nhất trên đời). Như vậy “đắng cay” và “ngọt ngào” là một cặp tương phản thứ hai. Câu thứ ba giải quyết vấn đề đã nêu để rồi đi đến kết luận: “Những thứ gì càng cấm lại càng ham”. Khayyam nói lên một cái thói thường của người đời, cái bản năng tự nhiên của con người nhưng hai từ “cấm” và “ham” cũng là một cặp tương phản nữa.
Đi thanh minh về sự ham mê lạc thú của mình Khayyam viết:
Có phải con được thừa thì người bị thiếu đâu
Con có nghèo đi thì người cũng chẳng giàu
Thượng Đế ơi con xin Người độ lượng
Tha thứ nhiều và ít đánh con đau.
Chỉ trong 4 câu Khayyam sử dụng đến 4 cặp từ đối lập với nhau: Thừa và Thiếu, Giàu và Nghèo, Tha và Đánh, Nhiều và It…vân vân và vân vân.
* * *
Thơ của Omar Khayyam cũng như các công trình về toán học, thiên văn học hay triết học của ông – đó là thế giới của những điều bí ẩn, của những câu hỏi day dứt mà bất kỳ con người có trí tuệ nào cũng muốn tìm ra câu trả lời trong suốt cuộc đời mình. (Tất nhiên, con người của thế kỷ 21 sẽ có nhiều điểm không đồng tình với Khayyam nhưng chúng ta không thể đem những tiêu chuẩn của thời đại mình làm thước đo cho người đã sống cách chúng ta gần 1000 năm). Omar Khayyam là con người có những suy nghĩ vượt ra ngoài thời đại mình trong khi ông mãi mãi vẫn là con người của thế kỷ 11 và 12.
Omar Khayyam suy ngẫm rất nhiều về nhân tình thế thái, đưa ra nhiều lời khuyên về cách đối nhân xử thế nhưng Khayyam không dạy khôn cho ai cả mà Khayyam chỉ bày tỏ sự mong muốn để cho người đọc tự giải quyết vấn đề. Đây cũng là một phẩm chất vô cùng quí báu của con người ở thời đại ngày nay.
* * *
Như đã nói ở những phần trên: thế giới quan của Khayyam là rất phức tạp. Thơ ông cũng vậy. Đi đối chiếu tất cả theo một công thức định sẵn, đi giải thích theo một lối mòn chắc chắn sẽ không tránh khỏi sai lầm. Mỗi bài rubaiyat riêng biệt đòi hỏi một sự phân tích kỹ lưỡng xem có đúng với hồn thơ và phong cách của Khayyam hay không? Nếu của Khayyam thì có thể đã được viết trong quãng thời gian nào trong cuộc đời của Khayyam? Trong một tâm trạng như thế nào? Có sự liên hệ gì với các bài thơ khác, với tiểu sử? Nếu là bài xuất khẩu thành thơ thì được xuất ra trong tình huống nào?
Người dịch, người nghiên cứu về Omar Khayyam đã phải làm một việc tưởng chừng như không thể: tưởng tượng, hình dung lại thời đại của Khayyam với những đặc điểm về chính trị, văn hoá, xã hội của thời đại đó, nhập vai sao cho hoà nhập được với nhà thơ… Chỉ khi đó Omar Khayyam mới thực sự hồi sinh!
Đăng bởi nguyenvanthiet vào 04/06/2007 06:48
Tác giả: Nguyễn Viết Thắng
Trong các nhà thơ cổ phương Đông nổi tiếng thế giới Omar Khayyam chiếm vị trí số 1. Hàng triệu quyển thơ ông được in ra đều đặn từ hơn 100 năm nay cho đến bây giờ vẫn thế.
Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam được dịch ra tất cả các ngôn ngữ châu Âu. Còn châu Á, theo tư liệu chưa đầy đủ, ngoài các ngôn ngữ trong thế giới Hồi giáo, đã có bản tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Hoa, tiếng Việt, tiếng Hindi, tiếng Uốc-đu…
Thơ Khayyam về ý nghĩa cuộc đời người, về sự bất lực của con người trước số phận và thời gian, về những sung sướng và đau khổ của kiếp người, về tuổi trẻ và tình yêu, tuổi già và cái chết, về những lời khuyên răn mà trong đó mỗi người có thể tìm thấy cho mình một điều gì thầm kín chưa từng được nói ra – tất cả đã trở thành tài sản tinh thần của toàn nhân loại.
* * *
Omar Khayyam sinh năm 1048 tại thành phố Nisapur, tỉnh Khorasan, miền đông bắc Iran. Nisapur, theo lời của các nhà sử học, là thành phố lớn, trung tâm văn hoá, thương mại của Ba Tư thế kỷ thứ 11. Khayyam bắt đầu đi học ở trường dòng Nisapur, sau đó tiếp tục tại Balkh và Samarkand, trở thành nhà bác học nổi tiếng thời đó. Khayyam được người đời gọi là nhà bác học, người chứng minh chân lý, ông hoàng triết học Đông-Tây…
Sự nghiệp khoa học của Khayyam có một thời kỳ gần 20 năm phát triển rực rỡ. Đó là kể từ năm 1074 Khayyam được vua Malik-Shah mời về triều đình theo lời đề nghị của quan đại thần Nizam al Mulk. Khayyam được giao lãnh đạo đài thiên văn mới xây dựng hiện đại, nơi mà theo lời các nhà sử học “tập trung những nhà thiên văn giỏi nhất thế kỷ” và được giao nhiệm vụ lập ra lịch mới.
Ở Iran và Trung Á trong thế kỷ 11 tồn tại đồng thời hai hệ thống lịch: dương lịch từ thời Bái hỏa giáo và âm lịch được người Arập phổ biến cùng với Islam. Cả hai lịch trên đều có những nhược điểm. Dương lịch Bái hỏa giáo một năm có 365 ngày, việc điều chỉnh chỉ được thực hiện một lần trong vòng 120 năm khi mà sai số đã lên đến một tháng. Âm lịch Hồi giáo có 358 ngày không thuận tiện cho việc nông nghiệp.
Trong vòng 5 năm tiến hành nghiên cứu ở đài thiên văn cùng với một nhóm các nhà thiên văn học Khayyam đã lập ra lịch mới mang tên “Niên đại Malik-Shah”. Lịch do Omar Khayyam lập ra có độ chính xác cao hơn lịch Gregorian, nơi mà sai số trong một năm là 26 giây. Theo tính toán của các nhà khoa học thế kỷ 20 lịch của Khayyam chính xác hơn lịch Gregorian 7 giây. Chỉ tiếc rằng “Niên đại Malik-Shah” đã không bao giờ được áp dụng vào thực tế.
Cũng trong thời kỳ này Khayyam viết nhiều công trình toán học. Các tác phẩm về toán học của ông bị thất lạc nhiều và chỉ đến thế kỷ 19 mới được các nhà khoa học châu Âu phát hiện và đánh giá. Chính Omar Khayyam là người đầu tiên nêu lên mối liên hệ giữa đại số và hình học. Trong một công trình toán học của ông các nhà khoa học tìm thấy cốt lõi của Nhị thức Newton.
Ngoài toán học, thiên văn học trong thời kỳ ở thủ đô Esfahan Khayyam còn nghiên cứu các vấn đề triết học. Ông dịch triết học của Avicenna (Ibn-Sina) từ tiếng Arập sang tiếng Ba Tư và viết 5 tác phẩm triết học còn được lưu giữ đến ngày nay. Sau khi vua Malik-Shak bị đầu độc và Nizam al Mulk bị giết hại trong triều đình bắt đầu một thời kỳ hỗn độn. Cuộc đời của Omar Khayyam bắt đầu một thời kỳ phiêu bạt. Gần cuối đời ông trở về quê hương Nisapur sống bằng nghề dạy học. Năm mất của Khayyam được xác định là 1123. Theo một giả thuyết khác là năm 1131.
Omar Khayyam nổi tiếng khắp thế giới là một nhà thơ thế nhưng trên quê hương của mình ông chỉ được biết đến là nhà triết học, nhà toán học, thiên văn học. Khayyam trở thành nhà thơ nổi tiếng thế giới là do công của Edward Fitzgerald khi ông in bản dịch “Thơ Rubaiyat của Omar Khayyam” vào năm 1859. Fitzgerald là người mở đầu trong việc phát hiện Omar Khayyam và sau đấy các nhà khoa học khắp thế giới bắt tay vào việc nghiên cứu Omar Khayyam, mở ra một môn khoa học nghiên cứu gọi là Khayyam học. Trong số những nhà nghiên cứu đi đầu và có những công trình đáng kể nhất về Omar Khayyam có thể kể đến: Nicolas của Pháp, Arberry của Anh, Zhukovsky của Nga, Christensen của Đan mạch, Govinda Tirtha của Ân Độ…
Omar Khayyam chỉ làm thơ theo thể rubai (trong văn học Ba Tư thế kỉ 11 còn có Baba Taher cũng là người chỉ làm thơ rubai, tuy vậy, rubai của Baba Taher khác với rubai của Khayyam về hình thức cũng như về phong cách). Thơ rubai được gieo vần theo sơ đồ aaba (một ít bài aaaa) là thể thơ có nguồn gốc dân gian Ba Tư.
* * *
Tư tưởng chủ đạo trong thơ của Omar Khayyam là đề cao nhân phẩm con người, khẳng định rằng mỗi con người sống trên đời có quyền được hưởng những lạc thú của đời sống ở chốn trần gian. Chỉ với điều này cho phép chúng ta gọi ông là một nhà nhân văn vĩ đại của quá khứ.
Omar Khayyam cho rằng cuộc đời người là vốn quí, mỗi người cần được nhận về phần hạnh phúc của mình. Hạnh phúc không phải ở chốn thiên đàng hay nơi cực lạc sau khi chết như tôn giáo vẫn khẳng định mà hạnh phúc trên cõi đời này và trong ngày hôm nay.
Mỗi sáng dậy ta lại bắt tay nhau
Trong phút giây ta quên mọi khổ đau
Ta khoan khoái thở khí trời buổi sáng
Ngực đầy căng ta sung sướng thở phào.
* * *
Tôi chẳng mong sung sướng ở “sau này”
Tôi chỉ cần có rượu uống “hôm nay”
Tôi chẳng tin vào chuyện đời vay trả
Có khác gì tiếng trống gõ vào tai.
Cuộc đời người ngắn ngủi. Cái chết không ai tránh khỏi. Đôi khi Khayyam cảm thấy sự vô nghĩa của cuộc đời này. Nhưng Khayyam không tin vào cuộc đời ở thế giới bên kia mà chỉ mong nhận hết những gì có thể ở cuộc đời này.
Tôi hỏi già về thế giới bên kia
Trong góc nhà đang uống rượu say sưa.
“Cứ uống đi! Tới đó còn xa lắm
Những kẻ ra đi chưa thấy ai về”.
* * *
Gương mặt dịu dàng và hoa cỏ xanh tươi
Tôi vẫn ham mê một khi còn sống trên đời.
Tôi đã, đang và có lẽ vẫn còn uống rượu
Uống đến giây phút cuối cùng của cuộc đời tôi.
Không tin vào thiên đàng ở trên trời Khayyam vẽ ra thiên đàng dưới mặt đất. Đó là bãi cỏ xanh bên bờ suối, là buổi chiều tà, là gương mặt dịu dàng của người tình cùng chén rượu, là khi mà không còn phân biệt được được màu môi của người tình hay hay màu của rượu hồng hơn, say người tình hay rượu say hơn.
Suối róc rách và hoa cỏ ngát hương
Có khác chi phong cảnh chốn thiên đường
Muốn bao nhiêu hãy nằm lăn trên cỏ
Uống rượu nồng, âu yếm với người thương.
* * *
Rượu, người đẹp, ngồi trong vườn hoa tươi
Thiên đàng đâu cũng chẳng cần nữa rồi.
Không ai thấy thiên đàng trên trời cả
Đành tạm bằng lòng dưới mặt đất thôi.
Hoặc cảnh sum vầy quanh bạn bè, bên chén rượu, đêm trăng
Bên nhau vui vẻ dưới trăng này
Rượu nồng xin hãy uống cho say
Mai mốt ta về thân cát bụi
Trăng vàng muôn thuở vẫn còn đây
* * *
Em yêu ơi ai biết được ngày mai
Ta hãy quên phiền muộn dưới trăng này
Uống đi em kẻo một ngày nào đó
Trăng lại về còn ta đã xa bay.
Nhưng rồi cũng có lúc ta thấy chỉ còn lại một mình Khayyam và rượu – người bạn hiền duy nhất không bao giờ từ giã Khayyam.
Hãy cho tôi một bình rượu thật đầy
Cô bán hàng cứ rót, chớ dừng tay.
Giờ chỉ rượu người bạn hiền duy nhất
Cả bạn và tình đều đã đổi thay.
* * *
Chẳng còn người ta có thể giãi bày
Chỉ còn rượu cho ta những cơn say
Đừng rời tay khỏi chiếc quai bình rượu
Nếu tuổi già không còn ai để bắt tay.
Trong thơ Khayyam ta bắt gặp thật nhiều bài ca ngợi rượu. Hình tượng rượu trong thơ ông có rất nhiều nghĩa, nhiều cách giải thích. Những bài sau đây có nghĩa thông thường.
Kẻ hành khất uống rượu ngỡ ông hoàng
Cáo uống rượu thành sư tử hiên ngang
Già uống vào thành trẻ vô tư lự
Trẻ uống vào thành chín chắn, khôn ngoan.
* * *
Cuộc đời ta đầy thất vọng, chán chường
Chỉ còn rượu ta quí trọng, yêu thương
Rượu – máu của đời, đời là bể khổ
Nên ta ngồi uống nước mắt quê hương.
Rượu trong thơ Khayyam là hình tượng thi ca dùng để thể hiện, khẳng định mình. Rượu là tượng trưng cho hạnh phúc của con người, là sự phản kháng đối với những cấm đoán khắt khe của tôn giáo, ca ngợi tự do của con người. Khayyam không đồng tình với học thuyết Hồi giáo về thiên đàng: nếu ngoan đạo là phải từ chối những lạc thú ở đời này để sau khi chết sẽ được lên thiên đàng có tiên, có rượu, có suối mát, có mật ngọt chảy thành sông và một cuộc sống hạnh phúc đời đời. Còn logíc của Khayyam là tại sao trên đời này cũng có người đẹp, có rượu, có thơ, có nhạc, có buổi chiều tà, có suối róc rách và chim hót trên cành thì không hưởng đi mà phải đợi đến sau khi chết.
Nghe nói rằng sẽ có rượu và tiên
Và bao nhiêu sung sướng ở thiên đường
Nhưng đời này ngươi không tình, không rượu
Chỉ đợi chờ chẳng lẽ thế là khôn?
* * *
“Lên thiên đàng sẽ được uống rượu nồng
Có tiên hầu, được sung sướng, thong dong…”
Nhưng dưới này tôi vẫn em, vẫn rượu
Suy cho cùng là những thứ đời mong.
Khayyam không hoàn toàn phủ nhận sự hiện diện của thiên đàng mà thường nói “chắc gì” nhưng theo Khayyam con người phải là sự kết hợp của hồn và xác. Nếu có thiên đàng thì chỉ cho “hồn” còn “xác” vĩnh viễn nằm lại trên mặt đất, trở thành đất cát cho người đời sau đem đóng gạch xây nhà hoặc cho thợ gốm đem nặn thành bình, thành chén.
Ý tưởng về sự vĩnh cửu của vật chất (theo quan niệm thời đó) trong thơ Khayyam được thể hiện qua đề tài thợ gốm và nghề làm gốm. Con người từ cát bụi mà ra sau khi chết lại trở về cát bụi. Từ cát bụi (đất cát) có thể được làm thành gạch hoặc thành bình đựng rượu hoặc cũng có thể từ cát bụi mọc lên cây cỏ, hoa lá…
Có một lần tôi mua chiếc bình nói được
“Xưa ta là ông hoàng – bình nức nở khóc –
Trở thành đất người thợ gốm nặn ta
Thành thứ đồ mua vui cho kẻ khác.
* * *
Ngươi biết không từng chiếc lá, bông hoa
Từng một thời là tóc của người xưa
Ai qua đường hãy thương từng chiếc lá
Bởi hoa lá từ người đẹp sinh ra.
Đọc thơ Khayyam ta cảm nhận được cái băn khoăn của một con người trí tuệ trước những câu hỏi muôn thuở. Những bài thơ này có lẽ được viết ra trong những năm cuối của cuộc đời ông. Khayyam nêu ra những câu hỏi với loài người: Ta là ai? Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu? Trong cuộc đời ngắn ngủi đâu là ý nghĩa của đời ta? Và ông đi đến những kết luận thật bi quan.
Ta từ đâu đến? Ta đi về đâu?
Ý nghĩa cuộc đời đành chịu vò đầu
Bao nhiêu hồn dưới vòng xoay con tạo
Cháy thành tro, thành bụi, khói ở đâu?
* * *
Tôi đến đây đời giàu lên có phải?
Tôi ra đi đời có gì thiệt hại?
Có ai người giải thích vì sao tôi
Từ cát bụi lại trở về cát bụi?
Một khía cạnh khác là triết lý về sự hoài nghi của Omar Khayyam. Nhà toán học, nhà triết học có những ý tưởng vượt xa thời đại của mình. Nhà bác học từng phát minh ra cốt lõi của nhị thức Newton, nhà thiên văn lập ra lịch có độ chính xác cao hơn lịch của người thế kỷ 21 đang sử dụng đã tỏ ra là kẻ hoài nghi về khả năng nhận thức những qui luật của tồn tại.
Khi còn nhỏ đến thầy tìm chân lý
Rồi lớn lên về gõ đầu con trẻ.
Chân lý ở đâu? Ta từ nước mà ra
Rồi thành gió. Đấy, chuyện đời là thế.
* * *
Sau cánh cửa kia còn giấu điều gì
Ta đoán mò, ta lạc giữa u mê
Chỉ sau khi cánh cửa đời đã khép
Mới biết rằng ta đã lộn đường đi.
Thế giới quan của Omar Khayyam rất phức tạp và huyền bí mà phạm vi bài viết này không thể đề cập hết. Chúng tôi xin trích một đoạn hội thoại giữa Khayyam với cô người tình trong một cuốn truyện về ông mà theo chúng tôi đã thể hiện đầy đủ về cái nhìn của ông đối với cuộc đời.
“- Thưa ông, trà đã chuẩn bị xong và món ăn mà ông thích: bánh và mật.
- Thế con có nhớ không, có lần ta đã bảo con rồi, tốt
hơn trà là rượu…
- Vâng, và tốt hơn rượu là phụ nữ, còn tốt hơn phụ nữ là chân lý.
- Ừ, ta đã từng nói vậy. Nhưng hôm nay ta đi dạo trong vườn chợt hiểu ra rằng: tất cả đều nhảm nhí, vớ vẩn hết. Tất cả mọi thứ trên đời đều có khối lượng, trọng lượng, thể tích và thời gian tồn tại nhưng không có thước đo của một thứ – chân lý. Điều mà hôm qua tưởng đã đúng rành rành thì hôm nay lại hoá thành sai. Điều mà hôm nay người ta cho rằng giả dối thì ngày mai em trai con sẽ học trong nhà trường. Không phải lúc nào thời gian cũng là thước đo mọi khái niệm. Ta đã từng nghe bao nhiêu lời đồn đại của người đời về ta. Khayyam – người chứng minh chân lý, Khayyam – người keo kiệt, Khayyam – nghiện rượu, Khayyam – mê gái, Khayyam – vô thần, Khayyam – thần thánh… Thế mà ta chỉ là ta.
- Thế còn con thì sao, thưa ông?
- Con tốt hơn rượu và quan trọng hơn chân lý. Từ lâu ta
đã muốn cho con tiền để mua cái dây chuyền vàng có đeo một cái chuông nhỏ để khi con đang đi từ xa ta đã biết rằng con đang đi đến”.
* * *
Trong thơ Khayyam người đẹp, rượu, hoa cỏ, thiên nhiên dưới mặt đất đối trọng với tiên nữ, rượu, vườn hoa, suối mật trên thiên đàng, kẻ hoài nghi với người tin vào giáo điều mù quáng, lòng chân thành với sự giả dối, cuộc sống với cái chết, thực tại với hư vô.
Như đã nói ở phần đầu, Omar Khayyam có một vị trí đặc biệt trong các nhà thơ cổ phương Đông. Có thể ông không phải là nhà thơ lớn nhất (mà người viết cũng không hề có ý định xếp hạng) nhưng có thể nói rằng Khayyam là nhà thơ độc đáo nhất, không giống một nhà thơ nào khác trong khi ông lại mang những nét chung nhất của mọi con người.