73.86
Nước: Việt Nam (Hiện đại)
38 bài thơ, 1 bài dịch
2 bình luận
1 người thích
Tạo ngày 24/06/2005 19:05 bởi Vanachi, đã sửa 2 lần, lần cuối ngày 25/08/2008 02:19 bởi hongha83
Nguyễn Vỹ (1910 - 4/2/1971) sinh ở làng Tân Hội (nay đổi là Tân Phong), huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi. Đã từng học qua các trường Quảng Ngãi, trường Quy Nhơn. Ông đã từng cạo đầu đi tu, gánh cát ở bãi sông Cái, từng bán kẹo ở Hà Nội, bán báo ở Sài Gòn. Về sau này sống bằng nghề viết văn, đã viết cho các tờ Ami du peuple, Le Cygne (tức Bạch Nga), Văn học tạp chí, Hà Nội báo, Phụ nữ. Các bút hiệu khác của ông có Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền.

Tác phẩm:
- Tập thơ đầu (thơ, tự xuất bản, Hà Nội, 1934, gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp, nhưng không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà)
- Đứa con hoang (tiểu thuyết, NXB Minh Phương, Hà Nội, 1936)
- Hoang vu (thơ, NXB Phổ Thông, Sài Gòn, 1962)
- Buồn muốn khóc lên (thơ, 1970)
- Thơ lên ruột (thơ trào phúng, 1971)

 

Hoang vu (1962)

Tuyển tập chung

Thơ dịch tác giả khác

 

 

Ảnh đại diện

Trích đoạn “Thi nhân Việt Nam” viết về Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoè inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì.

Táo bạo thì táo bạo thực, nhưng trong văn thơ táo bạo không đủ đưa người ta ra khỏi cái tầm thường. Khi Nguyễn Vỹ hô hào:

Ta hãy truyền một thi hứng mới cho thế kỷ hai mươi,
Ta hãy ký thác trong vần thơ những tình sâu ý hiếm.
người có biết rằng trong hai câu này không có lấy một chút “tình sâu ý hiếm”, và mặc dầu cái lốt mới rềnh ràng của chúng, chúng vẫn có thể nằm sắp hàng với những câu sáo nhất xưa nay mà không chút... ngượng. Tránh tầm thường mà lại rơi vào tầm thường là thế.

Nguyễn Vỹ quả đã muốn loè những kẻ tầm thường là bọn chúng ta. Thực ra, chúng ta cũng dễ bị loè. Nhưng ở chỗ nào khác kia. Chứ trong văn chương thì hơi khó. Một hai người có thể lầm; năm mười người, trăm ngàn người có thể lầm, chứ cả đám người mênh mông không tên tuổi kia ít khi lầm lắm. Chúng ta có thể lầm trong một hai năm, chứ lầm luôn trong năm bảy năm hay lâu hơn nữa, là chuyện thảng hoặc mới có.

Tôi tin rằng linh hồn chung của một lớp người đủ phức tạp để cảm thông với hầu hết những thơ văn có giá trị. Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt sương, cũng có thể là những giọt lệ hay những giọt gì vẫn rơi đều đều, chậm chậm trong lòng ta mỗi lúc vẩn vơ buồn ta đứng một mình trong lặng lẽ.

Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Trong lúc say, Nguyễn Vỹ đã quên được cái tật cố hữu của người, cái tật loè đời. Người đã quên những câu thơ hai chữ. Người dùng một lối thơ rất bình dị, rất xưa, lối thất ngôn tràng thiên liên vận và liên châu. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người. Một hạng người nếu có tội với xã hội thì cũng có chút công, một hạng người đã đau khổ nhiều lắm, hạng sống bằng nghề văn. Hãy cho đi là họ không có gì xuất chúng; thì ít nhất họ cũng đã nuôi những giấc mộng to lớn khác thường. Nhưng đời không chiều họ; đụng vào sự thực, những giấc mộng của họ đều tan tành và lần lượt bỏ thây ở dọc đường hay trong một căn phòng bố thí.

Nguyễn Vỹ đã làm bài thơ này trong một lúc vô cùng buồn giận vì cái nghiệp văn chương. Những ai cùng một cảnh huống xem thơ tưởng có thể khóc lên được. Trong lời văn còn chút nghênh ngang từ đời xưa lưu lại. Nhưng ta đã xa lắm rồi cái kiêu ngạo phi thường của Lý Bạch, chỉ biết có văn chương còn khinh hết thảy:
Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt,
Sở vương đài tạ không sơn khâu.
Hứng cam lạc bút giao ngũ nhạc,
Thi thành tiếu ngạo lăng thương châu.
Với Nguyễn Vỹ, chúng ta đã mất hẳn cái cười kiêu ngạo ấy và ngơ ngác thấy sắp cùng hàng với... chó.

Cái lối sắp hàng kỳ quái ấy đã làm phật ý Tản Đà. Một hôm say rượu, Tản Đà trách Nguyễn Vỹ: “Sao anh lại ví nhà văn chúng mình với chó? Anh không sợ xấu hổ à?” Nguyễn Vỹ đáp lại, cũng trong lúc say: “Tôi có ví như thế thì chó xấu hổ, chứ chúng ta xấu hổ nỗi gì?“


Theo Thi nhân Việt Nam (Hoài Thanh, Hoài Chân).
Lộ tòng kim dạ bạch,
Nguyệt thị cố hương minh.
11.00
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Giới thiệu Nguyễn Vỹ

Nguyễn Vỹ (1912 - 1971) là một trong những nhà thơ mới đầu tiên của Việt Nam. Các bút hiệu khác của ông: Tân Phong, Tân Trí, Lệ Chi, Cô Diệu Huyền. Ông nổi tiếng là một thơ yêu chuộng cái mới và là một nhà báo nói thật [1].

Nguyễn Vỹ sinh năm 1912 [2] tại làng Tân Hội (sau đổi là Tân Phong, năm 1945 lại đổi là Phổ Phong), huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông tên Nguyễn Tuyên từng làm quan ở huyện Tuy Phước tỉnh Bình Định, nhưng vì chống Pháp nên từ chức, mẹ là bà Trần Thị Luyến. Ngoài ra ông có người bác là Nguyễn Thuyên từng bị quân Pháp đày Côn Đảo, anh họ là Nguyễn Nghiêm, thủ lĩnh phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Quảng Ngãi năm 1930 sau bị giết hại tại tỉnh nhà.

Ông từng theo học tại trường Trung học Pháp - Việt ở Qui Nhơn 1924-1927, rồi gián đoạn vì tham gia các cuộc vận động chống thực dân, sau đó ông ra miền Bắc theo học ban tú tài tại Hà Nội.

Năm 1934, ông xuất bản tập thơ đầu tiên, tên là Tập thơ đầu. Tập thơ này gồm hơn 30 bài thơ Việt và thơ Pháp. Tập thơ đầu in ra không được nhiều thiện cảm, bị cho là rườm rà, “nhiều chân” và là đối tượng chê bai chính của Lê Ta trên các báo.

Năm 1937, Nguyễn Vỹ sáng lập tờ Việt Pháp lấy tên là Le Cygne, tức Bạch Nga. Báo này ngoài Nguyễn Vỹ còn có nhà văn nổi tiếng bấy giờ là Trương Tửu cộng tác. Sau do Nguyễn Vỹ có viết nhiều bài viết chỉ trích đường lối cai trị của người Pháp nên tờ báo bị đóng cửa, bị rút giấy phép vĩnh viễn. Còn bản thân ông bị qui kết tội phá rối trị an và phá hoại nền an ninh quốc gia. Kết quả ông bị toà án thực dân tuyên phạt 6 tháng tù và 3000 quan tiền phạt.

Ông mãn tù năm 1939, lúc Pháp thất trận, quân Nhật vào chiếm đóng. Nguyễn Vỹ lại tranh đấu chống Nhật, ông dùng ngòi bút cho xuất bản hai quyển sách chống chế độ quân phiệt Nhật là: Kẻ thù là Nhật Bản; Cái hoạ Nhật Bản.

Lần này, Nguyễn Vỹ lại bị quân Nhật bắt giam tại ngục Trà Khê (sau này trong tạp chí Phổ thông bộ mới, Nguyễn Vỹ có kể lại những ngày sống trong tù ngục với tựa bài Người tù 69).

Năm 1945, thế chiến thứ hai chấm dứt, Nguyễn Vỹ ra tù, sáng lập tờ báo Tổ quốc tại Sài Gòn, trong ấy có những bài công kích chính quyền đương thời nên chỉ ít lâu sau, báo này bị đóng cửa.

Sau đấy, Nguyễn Vỹ lại cho ra tờ Dân chủ xuất bản ở Đà Lạt, chống chính sách quân chủ lập hiến của Bảo Đại. Tồn tại chẳng bao lâu, đến lượt tờ báo trên cũng bị đình bản.

Năm 1952, một nhật báo khác cũng do Nguyễn Vỹ chủ trương là tờ Dân ta, sống được một thời gian, cuối cùng cũng bị đóng cửa như các tờ báo trước.

Mãi đến năm 1958, ông đứng ra chủ trương bán nguyệt san Phổ thông, chú trọng về nghệ thuật và văn học, tạp chí này được kể là có nhiều uy tín đối với làng báo miền Nam. Ngoài ra, ông còn cho ra tuần báo Bông lúa, tuần báo thiếu nhi Thằng Bờm...

Năm 1956, Nguyễn Vỹ được mời làm cố vấn cho chính quyền thời bấy giờ, nhưng chỉ ít lâu sau ông rút lui. Trong khoảng thời gian này ông được phép tái bản nhật báo Dân ta (bộ mới) nhưng đến năm 1965 cũng lại bị đóng cửa và từ 1967 Nguyễn Vỹ chỉ còn chủ trương tạp chí Phổ thông mà thôi.

Vào ngày 4 tháng 2 năm 1971, ông qua đời do tại nạn xe hơi trên đoạn đường Tân An (thuộc tỉnh Long An)- Sài Gòn, hưởng dương 59 tuổi.

Tác phẩm:
- Tập thơ đầu - Premières poésies (thơ Việt và Pháp), tác giả xuất bản, Hà Nội, 1934.
- Đứa con hoang (tiểu thuyết), NXB Minh Phương, Hà Nội, 1936.
- Grandeurs et Servitudes de Nguyễn Văn Nguyên (tập truyện ngắn Việt Nam bằng Pháp văn), NXB Đông Tây, Hà Nội, 1937.
- Kẻ thù là Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1938.
- Cái hoạ Nhật Bản (luận đề chính trị), NXB Thanh Niên, Hà Nội, 1938.
- Đứng trước thảm kịch Việt Pháp - Devant le drame Franco Vietnamien (luận đề chính trị bằng Việt và Pháp văn), tác giả xuất bản, Đà Lạt, 1947.
- Hào quang Đức Phật (luận đề tôn giáo), tác giả xuất bản, Đà Lạt, 1948.
- Thi sĩ Kì Phong (tiểu thuyết), 1938.
- Chiếc bóng (tiểu thuyết), NXB Cộng Lực, Hà Nội, 1941.
- Chiếc áo cưới mầu hồng (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn, 1957.
- Người yêu của hoàng thượng (tiểu thuyết), NXB Minh Phương, Hà Nội, 1958.
- Giây bí rợ (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn, 1957.
- Hai thiêng liêng I
- Hai thiêng liêng II (tiểu thuyết), NXB Dân Ta, Sài Gòn, 1957
- Hoang vu (thơ) NXB Phổ Thông, Sài Gòn, 1962
- Mồ hôi nước mắt (tiểu thuyết), NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1965
- Những đàn bà lừng danh trong lịch sử (biên khảo), NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1970
- Tuấn, chàng trai nước Việt I
- Tuấn, chàng trai nước Việt II (chứng tích thời đại), NXB Triêu Dương, Sài Gòn, 1970.
- Văn thi sĩ tiền chiến (ký ức văn học), NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1970.
- Buồn muốn khóc lên (thơ), 1970
- Mình ơi (văn hoá tổng quát), 1970
- Thơ lên ruột (thơ trào phúng), 1971

Bên cạnh những tập sách biên khảo có giá trị như Văn thi sĩ tiền chiến, Tuấn - chàng trai nước Việt… Nguyễn Vỹ còn viết nhiều bộ tiểu thuyết, nhưng được đánh giá là không thành công [3].

Riêng về thơ, ông nhận được nhiều lời khen chê. Trong Tập thơ đầu (1934), Nguyễn Vỹ có đăng vài bài theo lối 12 chân (alexandrins), một lối thơ mới trên thi đàn Việt Nam, nhưng không lạ gì đối với thi đàn Phương Tây.

Đến ngày nay cảnh non sông đã phủ mấy lớp sương mù
Mà còn rên dưới rễ cỏ những vết hận lòng lai láng...
(Gửi một thi sĩ của nước tôi, Hà Nội báo, số 23, 1936)
Chính vì lẽ đó, ông bị Thế Lữ cho rằng ông có ý định “toan loè và bịp mọi người” [4], còn Vũ Ngọc Phan thì viết: “Với thời gian, không một ai có thể bị cám dỗ mãi về những cái tầm thường, chỉ cầu kỳ có bề mặt” [5].

Và Hoài Thanh và Hoài Chân đã viết về Nguyễn Vỹ như sau: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau xem. Nhưng chúng ta lại tưng hửng trở vào vì ngoài cái lối ăn mặc và những điệu bộ lố lăng, lúc đầu ta thấy con người ấy không có gì...”

Chê bai, nhưng ngay sau đó hai ông cũng phải nhìn nhận: “Một bài như bài Sương rơi được rất nhiều người thích. Người ta thấy Nguyễn Vỹ đã sáng tạo ra một nhạc điệu riêng để diễn tả một cái gì đương rơi. Cái gì đó có thể là những giọt lệ... Nhưng Sương rơi còn có vẻ một bài văn. Gửi Trương Tửu mới thực là kiệt tác của Nguyễn Vỹ. Lời thơ thống thiết, uất ức, đủ dãi nỗi bi phẫn cho cả một hạng người” [6].

Khác với những ý trên, Lan Khai trong báo Đông Phương, Phạm Huy Thông trong báo L’Annam nouveau (báo của Nguyễn Văn Vĩnh), Lê Tràng Kiều trong Hà Nội báo (số 23, ngày 10 tháng 6 năm 1936) lại hết sức khen ngợi thơ Nguyễn Vỹ. Và trong quyển Hồn thơ nước Việt thế kỷ XX [7] có ghi lời của Lam Giang (tác giả Khảo luận thơ mới, NXB Hà nội, 1940) như sau: “Phê bình Nguyễn Vỹ, Hoài Thanh phát biểu một ý kiến võ đoán: Nguyễn Vỹ chí lớn mà tài nhỏ nên hay lập dị, chứ thật sự ít có thành tích văn chương. Tôi thiết tưởng cái công du nhập đầu tiên lối thơ nhạc vào thi đàn Việt Nam, giữa lúc rất nhiều người chỉ chăm lo đả kích Luật Đường, chứ chưa sáng tạo được một thể điệu gì mới, cũng đáng cho chúng ta nhìn tác giả với một nhãn quang nhiều thiện cảm hơn.”

Năm 1962, tập thơ thứ nhì mang tên Hoang vu ra đời. Bình luận về tập thơ này, nhà văn Thiết Mai trong Sáng dội miền Nam viết: “Nguyễn Vỹ đã nếm mùi tân khổ, gian lao… lại ở vào cảnh giao thời của hai thế hệ, trong tình trạng bi đát nhất của lịch sử nước nhà, nên Nguyễn Vỹ đã trở thành con người rắn rỏi, yếm thế… rồi đi đến tâm trạng căm hờn, biếm nhạo, khắc khe, chua chát… Nhưng lúc trở lại với bẩm tính vốn có, chúng ta thấy ông hiền dịu, đa tình, đa cảm, thiết tha với một đời sống êm đềm… Về tài thơ, ta thấy thơ của ông được cấu tạo dễ dàng, không gò ép… Điều đáng chú ý là ông như muốn đưa những thể mới, có tác dụng gây xúc cảm, có âm điệu du dương, hợp tình để gợi tình và tả chân mạnh hơn. Thể mới ấy được thấy trong các bài thơ: Sương rơi, Mưa rào, Tiếng chuông chùa… Về ý thơ, Nguyễn Vỹ đã có nhiều ý tưởng, nhiều câu văn táo bạo (Hai người điên, Hai con chó, Trăng, Chó, , Đêm trinh…). Điều này khiến thơ của ông thoát ra khỏi lối thường tình, cổ điển và cũng chứng tỏ ông là con người có nội tâm cứng rắn, thành thật, dám biểu lộ tâm tư mình bằng những hình ảnh thiết thực do lòng mình suy tưởng…”

Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng viết trong Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng): “Nguyễn Vỹ góp mặt vào làng thơ tiền chiến từ năm 1934, thời kỳ thơ mới đang hồi phát triển mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, phần đông thi sĩ thường đem khung cảnh lãng mạn, chuyện tình ái vào thi ca… Nhưng với Nguyễn Vỹ, có thể nói nhà thơ không lấy tình yêu làm đối tượng, vì thế thơ ông có một đường nét độc đáo riêng biệt. Đọc Nguyễn Vỹ, người ta cảm nhận những điều mỉa mai, chua chát… là sự tức tối như muốn phá vỡ cái gì trong hiện tại đang bị dồn ép, uất ức để nói lên nỗi thống khổ của kiếp người… Thời tiền chiến, thân phận Nguyễn Vỹ đã thế, nhưng với ý chí phục vụ văn nghệ, trung thành đường hướng vạch sẵn, ông, một nhà thơ từng chịu nhiều cam go trên đường tạo lập văn nghiệp, đã kiên trì xây dựng lại Trường thơ Bạch Nga trong bán nguyệt san Phổ thông từ Trung thu năm 1962 và được nhiều bạn đọc hưởng ứng, chứng tỏ lời nói trước kia của Lê tràng Kiều là đúng: Người ta công kích ta, chỉ chứng tỏ là ta sống... Vậy, Nguyễn Vỹ ngày nay hãy yên ổn với trường phái của mình.”

Nguyễn Vỹ là một nhà thơ có thực tài.Ông có cái nhìn thường xuyên vào thực trạng xã hội, theo dõi những màu sắc biến đổi của nhịp sống dân tộc đã chịu nhiều thảm hoạ; hoà lẫn vào đấy là tình thương yêu đồng loại. Tiếng thơ của Nguyễn Vỹ là tiếng nói chân thành phát xuất tự con người còn nghĩ đến quê hương.“[8]


Bùi Thuỵ Đào Nguyên

1. Tiểu sử Nguyễn Vỹ, căn cứ theo Văn Thi sĩ tiền chiến của Nguyễn Vỹ (NXB Văn Học, 2007) và Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng) của Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng (NXB Sống Mới, Sài Gòn, 1968)
2. Năm sinh ghi theo Từ điển Tác gia Văn hoá Việt Nam (Nxb VH-TT, 1998) và Việt Nam thi nhân tiền chiến (sách đã dẫn). Từ điển Văn học (bộ mới, Nxb Thế giới, 2004) ghi ông sinh năm 1912.
3. Vũ Ngọc Phan, Nhà Văn hiện đại, tập hai, NXB KHXH, 1989
4. Nguyễn Tấn Long và Nguyễn Hữu Trọng, sách đã dẫn, tr.442
5. Nhà văn hiện đại, tr.1146
6. Thi nhân tiền chiến, NXB Văn Học, 1988, tr.107-108
7. Hồn Thơ nước Việt thế kỷ xx. NXB Sơn Quang, Sài Gòn, 1967
8. Việt Nam thi nhân tiền chiến (Quyển thượng), tr. 438, 448,460.
15.00
Chia sẻ trên Facebook