Tình cờ anh gặp lại vầng trăng
Một nửa vầng trăng thôi, một nửa
Trăng vẫn đấy mà em xa quá
Nơi cuối trời em có ngóng trăng lên?
Nắng tắt đã lâu rồi, trăng thức dậy dịu êm
Trăng đầu tháng có lần em ví
Chữ D hoa như vầng trăng xẻ nửa
Tên anh như nửa trăng mờ tỏ
Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời.
Ơi vầng trăng theo con nước đầy vơi
Trăng say đắm dào trên cỏ ướt
Trăng đầu tháng như đời anh chẳng thể nào khác được,
Trăng cuối tháng như đời anh hao khuyết
Em đã khóc
Trăng từng giọt tan vào anh mặn chát
Em đã khóc
Nhưng làm sao tới được
Bến bờ anh tim dội sóng không cùng
Đến bây giờ trăng vẫn cứ còn xanh
Cứ một nửa như đời anh, một nửa
Nhưng trăng sẽ tròn đầy, trăng sẽ...
Trăng viên mãn cuối trời đêm đêm em có nhớ?
Mặt trăng từng khuất nửa ở trong nhau.
Trang trong tổng số 1 trang (1 bài trả lời)
[1]
Gửi bởi Vanachi ngày 23/03/2008 10:59
Có 1 người thích
Đêm đó, tôi nằm ngủ cạnh anh trên hai chiếc giường một ghép đôi. Mười lăm, hai mươi phút là anh lại mê mụ u ú gọi tên một người nào đó. Lúc thì tên vợ, tên con, tên bạn và một cái tên vần D lạ hoắc tôi chưa nghe anh nhắc đến bao giờ.
Sau thì tôi biết đó là một người thiếu phụ vô cùng quan trọng trong sáng tác của anh: Chữ dê hoa (D) như vầng trăng sẻ nửa/ Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/ Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời...
Mùa thu năm 1980. Bệnh viện Việt Trì. Buổi chiều. Những tàng giã hương, bạch đàn chanh chầm chậm toả hương và xạc xào rung giữa gió chiều.
Khoác ba-lô tôi băn khoăn đứng trước cánh cửa sắt sơn xanh tróc gỉ khép chặt của Trung tâm cấp cứu, tự vấn: Lẽ nào người hoạ sỹ tên là Hoàng Hữu lại làm việc ở đây. Trong túi áo ngực tôi cộm lá thư tay của vị chủ nhiệm chính trị sư đoàn, trung tá Phạm Quế Dương.
Có hơi thở và bước chân sẽ sàng phía sau lưng, tôi quay lại. Một người đàn ông mảnh mai, không, không phải là mảnh mai mà là mỏng manh, khiến tôi liên tưởng đến thứ thuỷ tinh trong suốt, tan giòn, người đó cũng đang cầm trên tay hai bìa đậu gói lá chuối buộc rơm và bó rau muống úa cằn. Một bàn tay có ngón như búp huệ.
Mũi cao, mắt ngời ngợi, tóc xoà đen mướt cả vầng trán hào hoa. Chấm nốt ruồi duyên ngay bên dưới cằm. Quần tuýt-xi xám kẻ ô mờ, áo cộc tay màu mơ chín đậm.
- Em tìm gặp ai? Nếu người ta ở đây thì anh có thể giúp được.
Nhỏ nhẹ, nhưng âm sắc đầy khí chất lịch lãm đàn ông. Cảm giác nồng ấm và dịu dàng từ giọng nói khiến tôi chỉ muốn giãi bày một điều gì đó mà không thể rành rẽ. Vâng, cảm giác đó thật đặc biệt.
Và không lâu sau tôi hiểu cái cảm giác đó khởi phát là từ Hoàng Hữu. Kết thúc số phận khi 37 tuổi, giữa lúc tài năng thật sự phát lộ. Anh đối xử với cuộc đời cũng thật đặc biệt. Người đời đối xử với anh cũng đặc biệt.
Vầng ngực màu mơ phập phồng, phập phồng rung động. Phập phồng mà không thấy gió. Không hiểu sao tôi lại lấn bấn, hai tay hết móc túi áo ngực lại lôi giật chiếc ba lô lộn ra khỏi vai.
Bỗng như có phép màu, bức thư trong túi ngực tự dưng liệng nghiêng nằm ngay dưới chân người đàn ông. Anh định cúi xuống, nhưng không thể, một cái nhăn mặt, khí sắc anh xanh xám.
Anh tựa vai vào cánh cửa sắt. Hai miếng đậu và bó rau muống trong tay anh cũng rơi bịch xuống. Trong lúc tôi bối rối đỡ anh, thì anh nhắm mắt. Cái nhắm mắt chỉ một phần mười giây.
- Mình chính là Hoàng Hữu đây...
Chắc anh đã nhìn thấy chữ ghi trên phong bì. Hoàng Hữu nắn túi quần tìm chìa khoá. Bệnh viện đã trang bị hẳn cho anh cả chìa khoá trung tâm. Quả là bệnh nhân đặc biệt...
Phòng bệnh nặng có bốn giường. Nhưng chỉ có mình Hoàng Hữu. Góc giường đơn trải tấm chăn dạ màu cỏ úa mòn trơ cốt sợi trắng, sực mùi tân dược. Chồng bản thảo xếp cao. Những phác thảo bìa.
Bản thảo mấy cái truyện ngắn, và bản thảo tập thơ KHÓI ẤM SAU CÂY đang quá trình tập hợp. Một tập thơ dư vị xa xót, có nhiều bài đề tặng người thân và bạn bè như là lời xin lỗi hay chia tay sớm. Tôi chú ý đến chiếc bìa anh vừa mới vẽ, tập kịch NGUYỄN TRÃI Ở ĐÔNG QUAN của Nguyễn Đình Thi.
Toàn bộ nền đen kịt và bảng lảng vân khói xám mờ chìm trong nền đêm quánh ấy là ngọn huyết lạp đỏ chói cháy gần cạn mình, ròng ròng nước mắt đỏ... Nghe nói Nguyễn Đình Thi đã rất thích chiếc bìa Hoàng Hữu vẽ, nhưng rồi không thấy nhà xuất bản đó dùng...
Qua khung cửa sổ, Hoàng Hữu bỗng vẫy tay thân tình:
- Em ra đây một lát đi...
Chậu men lưng nước máy. Khăn mặt trắng. Xà phòng Ngọc Lan đã được bày lên bệ cửa sổ từ lúc nào. Trước khi tôi rửa mặt, Hoàng Hữu san nước bớt ra chiếc bi đông nhỏ. Anh nghiêng cốc nước qua những ngón tay mảnh mướt trắng xanh của mình xuống khóm hoa hồng trồng chiếc xô nhựa đang vươn lên cao sắp tới gờ bệ cửa sổ, đã đôi nụ.
Tôi đã từng ngắm các thầy tu mỗi buổi sáng, buổi chiều họ cũng tưới hoa bằng thứ nước mà họ sẽ dùng rửa mặt. Và, gương mặt họ cũng thanh thản, tự tin như là gương mặt Hoàng Hữu lúc này...
Trở vào phòng loay hoay một lúc chẳng hiểu Hoàng Hữu lôi được ở đâu ra mấy quả chuối tiêu trứng cuốc, nhúm lạc rang vẫn đủ độ giòn bày lên cái khay sơn mài sậm màu rượu vang. Anh bây giờ mới mở lá thư tay ra đọc. Đọc xong anh bặm môi hỏi, như để củng cố thêm một quyết tâm nào đó:
- Em có mang theo bản thảo ở đây không?
Tôi dạ vội gật vội rồi gần như là dâng lên cho Hoàng Hữu tập bản thảo nặng trĩu đánh máy trên giấy mặt nhám mặt nhẵn. Anh nắm hai cánh tay tôi lắc lắc mà rưng rưng. Nhưng hai cánh tay tôi không nhúc nhích mà chỉ có tay anh chuyển động:
- Em trẻ thật đấy. Trẻ thật là trẻ...thích thật.
Chợt nhớ năm ấy, nhà văn Nguyễn Tuân lên thăm Phú Thọ, trong bữa tiệc UBND tỉnh tiếp danh sỹ, tôi và nhà văn Văn Chinh lúc bấy giờ cũng là trẻ nên được ông cho ngồi cạnh. Nguyễn Tuân cầm cái ba-tong nổi tiếng gõ âu yếm vào đầu hai chúng tôi mà rằng:
- Ôi là là cái... bọn trẻ này. Ta thấy ghét tuổi trẻ làm sao... Ta ghét thật đấy.
Bây giờ tôi không còn trẻ nên mới thấm cái cách thèm trở lại và chiêm ngưỡng tuổi trẻ của một người ốm như Hoàng Hữu và một người già như Nguyễn Tuân.
Người hoạ sĩ nắm tay che miệng ghìm cơn ho húng hắng:
- Để kịp có bìa sách em mang về đơn vị sáng mai, thì anh phải vẽ đêm nay mới kịp được. Đúng ra là anh phải đọc xong bản thảo mới vẽ hay được. Thôi để về nhà anh vậy. Đã lâu anh không có lý do để về nhà... - Hoàng Hữu ngập ngừng - Anh em mình cùng nấu cơm...
Tôi cầm hai miếng đậu thắc mắc:
- Hôm nay không có em thì anh vẫn bỏ cơm viện cơ mà...
Anh cười khẽ, nhìn xa:
- Anh ra cổng viện hóng mát, thấy người ta tíu tít mua thức ăn tối về nhà, nên bị cuốn mua theo. Mua xong mới biết chẳng thể làm gì... Cũng may nó như điềm báo là sẽ có khách là em đấy thôi...
Anh buông thõng vai, mắt ướt. Tôi bỗng lo lắng cho anh nhưng không dám hỏi. Nhưng sau thì biết, chị Minh, vợ anh là giáo viên Trung văn khi đó không có việc phải chuyển sang học tiếng Nga ở tận Trâu Quỳ.
Chị đi học với một suất lương giáo viên mà mang theo hai con nhỏ. Hoàng Hữu bị bệnh tim ở nhà, tất cả trông cậy vào mỗi vòng tay bè bạn từng đận, từng khúc.
Lúc thì vợ chồng bác sỹ Thắng Phượng bác sỹ Huy Mai, lúc nhạc sỹ Cao Khắc Thuỳ, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, đặc biệt là hoạ sĩ Nguyễn Đài, người ngày ngày tháng tháng cùng mâm, cùng giường với Hoàng Hữu.
Từ bệnh viện về khu tập thể trường cấp III Việt Trì vòng vo cũng chừng nghìn mét đường chim bay. Mỗi bước đi trung du lúc cao lúc thấp. Qua một xóm đồi. Qua khe ruộng cạn. Ngang vạt rừng sót trám đen, lưa thưa lau xám, lối sỏi tím chìm giữa hoa cỏ may khía sâu vào sườn đồi hoa trinh nữ.
Không nhớ là anh đã phải ngồi nghỉ bao nhiêu lần. Bên khóm sim cằn, hoa bừng tím cả một khoảng trống, người hoạ sĩ định đưa tay hái một bông, không hiểu sao lại ngừng tay. Anh ngắm khóm sim, như lần đầu thấy nó.
- Em thấy lạ không. Khóm hoa này nếu không bị ai đó cắt làm củi, thì tự nó có thể sống tới cả trăm năm. Nó cũng là sự sống, ta cũng là sự sống sao khác xa nhau thế.
Sự sống của con người, có tình yêu, có ý thức vậy mà ngắn ngủi vô cùng so với chỉ một loài cây dại- Anh không nhìn tôi nói tiếp - Thời gian của anh tồn tại ở dạng con người ý thức đã sắp kết thúc rồi. Tim anh đã mổ được hơn mười năm...
Bây giờ mới nhận ra là còn bao nhiêu việc phải làm và bao nhiêu người mình còn nợ họ. Anh đang đếm từng giây từng phút sống vuột qua bằng chính nhịp đập trái tim mình...
Tò mò tôi hỏi anh có vẽ được nhiều tranh, làm được nhiều thơ không. Thơ và tranh anh tôi đã biết đến nhiều trên tạp chí Sáng tác mới, Hoàng Hữu lắc đầu khẽ:
- Anh lấy đâu sức mà vẽ tranh lớn. Nếu có sức thì cũng không có tiền. Tạng anh lại chỉ hợp với đồ hoạ và tranh thuốc nước, sơn dầu khổ nhỏ, làm thơ nhì nhằng. Tranh, tượng, văn xuôi thì có thể nói đến số lượng. Thơ thì không.
Thơ chưng cất từ nỗi đau mà ra. Người ta vẫn có thể làm thơ không phải từ nỗi đau. Nhưng đó chỉ là sự phô diễn kỹ thuật ngôn từ và quảng cáo tình cảm như bán thuốc dạo... Những bài thơ hay có thể nên đặt bài vị mà thờ.
Tôi thận trọng khom lưng, đặt Hoàng Hữu xuống trước cánh cửa căn phòng quấn xích xe đạp khoá bằng khoá Viro. Phải, tôi đã cõng anh lội qua nương nước tưới lúa và vượt con dốc đất lên khu tập thể giáo viên dựng ngược 45 độ dư. Tôi đã cảm thấy cái rùng mình bất lực của anh trước con dốc, nhưng cũng phải khó khăn lắm tôi mới thuyết phục được anh.
Cảm giác về trọng lượng cơ thể anh trên lưng tôi chỉ như bó rạ hong nắng lâu, nhưng nhịp đập trái tim anh thì quằn quại như con chim bị nhốt trong hộp giấy. Mà, bất cứ lúc nào con chim cũng có thể ngừng đập cánh hoặc hộp giấy sẽ bị vỡ toạc để con chim thoát ra bay đi...
Hai anh em còn đang thở dốc thì ai đó đã kêu váng như loa phóng thanh phường:
- Ối mọi người ơi, chú Hoàng Hữu lại bị đi cấp cứu rồi. Ai ở gần lại đây mau cứu người đi...
Tức thì người ở đâu đó táo tác dồn đến vây lấy hai anh em. Nhưng khi hiểu ra thì ai cũng xuýt xoa:
- May đấy, vì thấy có người cõng cứ ngỡ chú lại bị ngất. Tuần trước mà không có chú Nguyễn Đài ngủ cùng cõng chạy thì cũng nguy to...
Căn phòng đầu hồi, cánh gỗ sơn lá cây già phai nắng, lá dây sắn dây khô bạc phủ kín ngói, dãy thứ hai liền con dốc là nơi ở của gia đình Hoàng Hữu. Mảnh vườn tăng gia trước cửa, rau muống, rau đay, ngót, ớt, mùng tơi.
Và, hai cây đu đủ, một cao vóng, một thấp tè, quả lúc lỉu, lá xơ xác. Hai cây đu đủ cứ như thể đã đi vào thơ Hoàng Hữu với vị ngọt mát lành tặng hai con gái anh.
Khoảng 20 mét vuông, kể cả phần lấn ra theo mái trước mái sau, là nơi ở và mưu cầu hạnh phúc của bốn con người. Bếp than quả bàng. Bếp đun dầu. Chuồng gà. Ba chiếc giường một. Hai giường kê liền phía trong sau tấm vải sợi hoá học.
Một giường kê ngoài sát cửa. Một bàn, một ghế. Bốn bóng đèn tròn ám khói. Ảnh cháu Trang, cháu Chi trong vòng tay bố mẹ... Bức tranh “Trăng” treo duy nhất trên tường. Toàn thể là gam màu xám thăm thẳm trắng, vầng trăng mờ mây che, nhưng người xem vẫn cảm giác được ánh trăng trong suốt u buồn chảy tràn mặt đường cát trắng hun hút về chân núi xa.
Trên giá sách tận dụng gỗ thông bao bì hầu như là những tập sách được Hoàng Hữu vẽ bìa. Nhà thờ Đức Bà Pa-ri. Những người khốn khổ. Rừng Nga. Muối của đất. Bông hồng vàng. Và bộ tự truyện của Ma - xim Goócxki....
Chẳng rõ bằng cách nào đó tôi cũng giúp anh nấu xong bữa cơm tối. Trên cái giường một, chiếc chiếu quăn gập, thủng giữa tôi và anh ngồi đối nhau qua mâm cơm. Hoàng Hữu nhai trệu trạo ăn như theo một mệnh lệnh nào đó. Từng cọng rau. Từng hạt cơm gạo hẩm cõng bo bo. Từng vụn đậu rán, cá khô được anh nâng niu gắp cẩn thận như đang dùng bút tỉa đưa lên miệng vừa nhai vừa ngẫm nghĩ.
Chống đũa lên thành chiếc mâm nhôm lâu ngày không dùng lấm tấm chấm vết sùi, Hoàng Hữu ngậm ngùi:
- Tất cả những gì mình có hôm nay, từ cái mâm này đến việc lấy vợ sinh con hết thảy đều nhờ vào bạn bè...
Hồi đó để làm đám cưới cho Hoàng Hữu tại nhà vợ ở Vĩnh Yên, hoạ sĩ Nguyễn Đài, nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn đã phải đạp xe xuống các huyện xin mua được hơn chục bao thuốc Nhị Thanh, hai cân kẹo. Một người bạn làm bảo vệ ở Văn phòng Chính phủ thì nhờ người quen kiếm được chiếc thủ lợn, lễ mễ đạp xe từ Hà Nội lên.
Bố đẻ Nguyễn Đài, là cụ Quỳnh lúc đó đương chức Phó Bí thư Thị uỷ Vĩnh Yên về nhà riêng bắt thêm cho hai con gà. Trung uý nhà thơ Hữu Thỉnh đạp xe từ núi Đanh ra góp mấy cân bí đao tăng gia, một con gà và mấy cân gạo nếp cái hoa vàng.
Tuy đã có lúc anh xót bạn kêu toáng: Chúng mày hùn Hoàng Hữu lấy vợ để cho nó chết sớm à” thì Nguyễn Hữu Nhàn vặc lại: ‘’Thế ông không định cho nó biết mùi đời, chết mà vẫn trai tân à”. Một đám cưới mà phía nhà trai không ai dám ở lại nhà gái ăn cơm vì lo thiếu.
Hoàng Hữu và chị Minh đến với nhau qua mai mối của nhà thơ Nguyễn Cảnh Tuấn. Ai cũng phấp phỏng lo chị Minh sẽ không chấp nhận chàng hoạ sĩ ốm yếu, đã mổ tim xanh như tàu chuối dựng. Xem ra chàng yêu đã nhiều, nhưng chỉ một phía chàng thôi.
Không ngờ chị Minh vừa gặp anh đã cảm mến. Bạn bè mừng vui, giục phải làm đám cưới ngay, đề phòng dèm pha. Hơn nửa tháng chàng nàng gặp nhau tâm sự, mà khi bị Nguyễn Hữu Nhàn cật vấn rằng tình cảm đã phát triển đến đâu rồi, Hoàng Hữu hổn hển đáp:
- Thì tôi vẫn ngồi gần Minh một khoảng cách rất lịch sự khoảng mấy gang tay.
Cao Khắc Thuỳ ngán ngẩm:
- Mạ già ruộng ngấu còn phải cày bừa gì nữa mà cứ án binh bất động. Phải hành động, hành động cho đối phương không kịp trở tay thì mới được...
Nguyễn Đài sợ bạn cuống liền an ủi:
- Thì cũng phải có thời gian, cho Hữu nó từ từ nhập cuộc...cá cắn câu rồi...
Thế rồi hàng ngày trước khi Hoàng Hữu đi gặp người yêu lại được ba nhân vật khả kính nói trên mở khoá tư vấn chiếm lĩnh tình yêu. Nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn tuy không lăn lộn tình trường bao lăm, nhưng lại mách nước rất cụ thể:
- Để tiếp cận thì bước đầu tiên là giả vờ phủi bụi trên áo, trên tóc nó đã. Sau thấy nó im thì mới dấn tiếp như nắm tay, ôm vai nó hiểu không... nó im nữa thì mới được sờ ti...
Thế rồi một hôm Hoàng Hữu trở về nhảy cẫng giữa sân Hội hoan hỉ thông báo:
- Thành công rồi. Thành công rực rỡ rồi....
Mọi người hỏi thành công đến mức độ nào, Hoàng Hữu thì thầm:
- Tôi đã nắm được tay nó rồi....
Ông Chủ tịch hội Cao Khắc Thuỳ lại chẹp miệng:
- Kiểu này thì phải vài năm Hữu mới chiếm lĩnh được bộ tư lệnh tiền phương, chưa nói đến Tổng hành dinh tối cao...
Đêm đó, trên chiếc giường một Hoàng Hữu nửa bò nửa quỳ vẽ xong chiếc bìa sách có in truyện ngắn đầu tiên của tôi. Tập Phấn thông bay. Màu bìa chính là màu lá thông non, và những chấm nâu, tựa cánh chim tựa phấn hoa, chữ ngay ngắn.
Nửa tháng sau, bản thảo tập thơ Ngưỡng cửa màu xanh, do nhà thơ Hữu Thỉnh nhuận sắc, biên tập kỳ công, rồi đặt luôn cả cho tên tập cũng được Hoàng Hữu vẽ bìa trên chiếc giường một.
Hoạ sĩ đã lấy tứ từ câu thơ của Hữu Thỉnh gài vào cho một bài thơ của một tác giả chiến sĩ: Trái tim hát khi tôi thành chiến sĩ để mà vẽ cái khoá nhạc chỉ với hai màu xanh sáng và tím hoa mua trên nền trắng trong trẻo...
Đêm đó, tôi nằm ngủ cạnh anh ở hai chiếc giường một ghép đôi. Mười lăm, hai mươi phút là anh lại mê mụ u ú gọi tên một người nào đó. Lúc thì tên vợ, tên con, tên bạn và một cái tên vần D lạ hoắc tôi chưa nghe anh nhắc đến bao giờ. Sau thì tôi biết đó là một phụ nữ vô cùng quan trọng trong sáng tác của anh.
Đi dự trại viết của Hội VHNT Vĩnh Phú, cứ như có sức hút nào đó kéo tôi đến với anh ở Trung tâm cấp cứu hàng ngày. Hôm đó Chủ nhật, anh ngồi trên giường trong tay nâng niu lá thư gấp sáu nhỏ như bàn tay con trẻ. Lá thư không có tên người gửi đề ngày 20/6/73, nghĩa là anh đã nhận nó được bảy năm.
Ngoài những lời thăm hỏi, thì còn một bài thơ do thiếu phụ đó tặng Hoàng Hữu. Đó là cú hích tạo nên mạch cảm trong bài thơ nổi tiếng Hai nửa vầng trăng. Ba câu thơ: Chữ dê hoa (D) như vầng trăng sẻ nửa/Tên anh như nửa trăng mờ tỏ/Ai bỏ quên lặng lẽ sáng bên trời...
Chính là Hoàng Hữu muốn nhắc đến tên bố mẹ đặt là Nguyễn Hữu Dũng. Còn tên người thiếu phụ trong thơ cũng bắt đầu bằng chữ dê hoa (D). Hai nửa chữ dê hoa (D) ghép lại thì thành vầng trăng tròn. Vậy mà hai nửa vầng trăng mãi mãi vẫn là hai nửa xa cách. Về công tác ở Vĩnh Phú, anh em trêu là hữu dũng vô mưu nên anh mới đặt bút danh là Hoàng Hữu.
Sau khi Hoàng Hữu mất, nhân có cuộc thi thơ ở báo Văn nghệ, Cao Khắc Thuỳ, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Đài liền gửi Đăng Bảy và Phạm Tiến Duật một số di cảo thơ của anh trong đó có Hai nửa vầng trăng tham dự. Kết quả ra sao thì mọi người yêu thơ đều biết.
Đã có hàng ngàn người thuộc và chép bài thơ đó vào sổ tay. Và bây giờ thì bài thơ đó vẫn chẳng hề phai nhạt sự làm người ta đau về hạnh phúc và tình yêu lứa đôi...
Đến tận lúc sắp kết thúc số phận, Hoàng Hữu vẫn thổn thức sống. Và cũng năm ấy Hoàng Hữu bỗng mê vật vã một thiếu nữ học trung học nghệ thuật, chị M. H. Chị có giọng nữ trung mượt ấm sang trọng, mặt hiền, người đẹp mặn mà.
Suốt cả tháng ròng hôm nào cũng vậy không Nguyễn Đài, thì tôi hoặc Nguyễn Hữu Nhàn đèo xe đạp đưa Hoàng Hữu lần tìm vào chỗ trường nghệ thuật sơ tán ấy ngắm người đẹp mươi phút thì anh mới chịu được. Trong đời không ít lần anh đã yêu một đầu đòn gánh.
Nhưng chị M.H đã có người yêu. Cả ba liên lạc viên đều biết điều ấy, chỉ có Hoàng Hữu là không. Bởi chúng tôi không ai nỡ nói ra và cả chị M.H cũng không dám từ chối quyết liệt tình cảm của anh dành cho chị. Chị quá dịu dàng. Còn Hoàng Hữu thì quá chân thành si mê như cậu học trò mười lăm. Hai người giữ một khoảng cách nhất định mà ngắm nhau suông.
Để làm le với người đẹp, Hoàng Hữu đã đề nghị đổi cho anh chiếc áo bộ đội sơ mi vải Ba Lan màu hạt dẻ để mặc cho khung dáng vững chắc. Còn tôi thì mặc chiếc áo vải mỏng màu mơ chín hôm nào.
Hôm sau anh nhờ Vân Trang vào chụp chân dung, chiếc áo anh mặc cũng chính là chiếc áo của tôi. Nên trong tấm ảnh đi đầu xe, anh mặc áo bộ đội, trên ve áo có đính bốn móc chỉ để cài quân hàm.
Thời gian này anh viết truyện ngắn Dưới chân núi cũ và bài thơ Khói ấm. Hai tác phẩm này Hoàng Hữu đều đề tặng M.H. Trong bài khói ấm có những câu như là điềm báo. Trái tim đập giữa phập phồng lau cỏ hoặc Anh trở lại tìm về nơi giông dài ngọn gió/để sắc màu điềm tĩnh trước nhà em...
Anh đã đi hết, vắt kiệt hết cái mà số phận đã ưu ái dành cho nhiều hơn người khác, đó là tài năng. Hơn ai khác anh biết trước cái kết cục sẽ đến với mình bất ngờ về khoảnh khắc, trong quỹ thời gian đã được giáo sư Tôn Thất Tùng, người trực tiếp mổ tim cho anh thông báo.
Và anh đã có đủ ngộ thấu đáo lẽ đời tiết kiệm từng giây phút được sống của mình trên trái đất bằng cách làm sao cho nó có hiệu quả nhất...
Trong lần tôi dìu anh đi dạo trên con đường cỏ lau và sim mua dọc đường tàu hoả, nhìn lau xám lay động bên những nấm mộ nép dưới rừng trám đen, Hoàng Hữu thở dốc hướng vào tôi mỉm cười:
- Chỉ khi nào con người được ấn định trước thời gian cụ thể về cái chết, thì mới tự thức tỉnh được giá trị thực sự của sự sống. Người ta sẽ dốc sức làm việc và sống cho có ý nghĩa đến giây phút cuối cùng... Chỉ tiếc rằng những người khoẻ mạnh đôi khi có nghĩ đến điều ấy, nhưng đó chỉ là những hạt mưa rơi trên lá sen...