Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]

Ảnh đại diện

Bài ca về ngày tận thế (Czesław Miłosz): Bản dịch của Tạ Minh Châu

Vào ngày tận thế
ong lượn vòng trên hoa sen cạn
người đánh cá vá tấm lưới chài lấp lánh
cá heo nhảy vui trên biển
chim sẻ con hút nhuỵ ngon lành
và rắn có da vàng, vẫn như cần có.

Vào ngày tận thế
phụ nữ cầm ô đi trên cánh đồng
gã say rượu nằm ngủ lăn trên rìa vạt cỏ
những người bán rau rao hàng vang khắp phố
con thuyền nhỏ buồm vàng tiến gần tới đảo
tiếng vĩ cầm ngân vang trong không gian
mở ra đêm sao bạt ngàn.

Những kẻ đợi chờ sấm, chớp
thành những người thất vọng.
Những kẻ chờ tín hiệu và tiếng kèn của thần tiên
không tin là đã xảy ra rồi.
Cho đến khi mặt trời và mặt trăng còn ở trên cao.
Cho đến khi ong còn đến với hoa hồng.
Cho đến khi trẻ con đỏ hỏn còn tiếp tục chào đời.
Chẳng một ai tin chuyện đã xảy ra rồi.

Chỉ có cụ già tóc bạc, người có thể là nhà tiên tri
nhưng không phải vì cụ làm việc khác
tay buộc túm cà chua cụ bảo:
Sẽ không có ngày tận thế khác đâu
Sẽ không có ngày tận thế khác đâu.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Những tia nắng sáng ngời (Czesław Miłosz): Bản dịch của Tạ Minh Châu

Những tia sáng mặt trời
những giọt sương trong suốt tuyệt vời
các bạn hãy giúp từng người
nếm trải cùng trái đất.

Phía sau bức rèm không thể với tới kia
người ta xếp đặt ý nghĩa
những việc của trần gian.
Chúng ta
những người hạnh phúc và truân chuyên
còn sống chúng ta còn dượt đuổi.

Chính chúng ta biết rằng
cuộc đua rồi kết thúc
và những gì tách chia
sẽ lại rồi hợp nhất
như nhất thiết phải là:
tâm hồn và thể xác đáng thương.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Gửi anh Phạm Phát (Khương Thế Hưng): Đồng đội (Phạm Phát)

Tưởng nhớ Hưng

Hắn và tôi
Sinh cùng quê
Học cùng lớp
Nhập ngũ cùng ngày
Đầu trần chân đất.

Ngày đi
Tôi cởi áo len, đổi hai đôi dép
Tôi một đôi
Hắn một đôi.
Hắn bán bút máy, kéo vào quán mì
Hắn một bát
Tôi một bát.

Rồi theo trận mạc
Cạn hai đời người
Đạn bom xưa hai thằng cùng chịu
Bạo bệnh giờ đành một hắn đi.

Một bát mì
Một nén hương
Một tôi đau điếng.
Chợt thấy đôi dép nằm cạnh quan tài
Ôm mặt... nấc không thành tiếng!


Phạm Phát, bạn nối khố của Hưng.

[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Khúc hát của tình yêu (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Ước

Ta là con mắt người yêu,
         và rượu linh hồn
         và của nuôi tâm hồn.
Ta là đoá hoa hồng,
         sáng tinh sương ta mở lòng ra,
         nàng trinh nữ bình minh
         nhẹ hái và hôn ta,
        và đặt ta lên bộ ngực thanh tân ấy.
Ta là ngôi nhà hạnh phúc
         chứa đựng Của cải chân chính,
        là cội nguồn của hân hoan và
        khởi nguyên của bình an tĩnh lặng.
Ta là nụ cười dịu dàng
        trên đôi môi thiếu nữ.
Chàng trai ấy khi trông thấy ta
        sẽ quên đi mọi bơ phờ lao nhọc,
        và trọn cuộc đời trở nên khán đài
        của những giấc mơ dịu ngọt.
Thi sĩ vì ta thăng hoa,
Hoạ sĩ nhờ ta mặc khải,
Nhạc sĩ qua ta có niềm cảm hứng.
Ta là đền thờ thiêng liêng
          trong trái tim của đứa con
          được người mẹ nhân từ âu yếm.
Ta xuất hiện
          vì tiếng thương khóc của trái tim;
           ta xa lánh mọi điều đòi hỏi;
          toàn mãn của ta sóng đôi với
          khao khát của tâm hồn,
          và ta lãng tránh yêu sách trống rỗng
          của ngôn ngữ loài người.
Ta xuất hiện cho Adam qua Eva
          và lưu đày là số phận của chàng.
Song ta bộc lộ mình ra cho Solomon,
          và từ sự có mặt của ta
          quân vương ấy rút ra minh triết.
Ta mỉm cười với nàng Helena
          và tiêu diệt thành Troy;
Ta tấn phong Cleopatra
           và hoà bình ngự trị Thung lũng sông Nile.
Ta hiện hữu như Định mệnh;
Hôm nay ta dựng lên
          ngày mai ta triệt hạ.
Ta y hệt thần linh
          tạo thành và huỷ hoại;
          ta dịu dàng
          hơn tiếng thở của loài hoa tím;
          ta dữ dằn
          hơn bão tố đang cuồng nộ.
Chỉ quà tặng thôi không cám dỗ nổi ta,
          chia ly chẳng làm ngã lòng ta;
          nghèo khó không xua nổi ta;
          ghen tương chẳng chứng minh được
          sự nhận biết ta;
          rồ dại không làm chứng cớ
          cho hiện hữu của ta.
Hỡi những kẻ tìm kiếm,
          ta là Chân lý,
Chân lý đang khẩn cầu;
          và Chân lý của các người,
          trong tìm kiếm, tiếp nhận và bảo vệ ta,
          sẽ quyết định ta ra thế nào trên đường đi chốn ở.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Trăng rằm (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Ước

Trăng rằm lên cao, sáng vằng vặc bên trên thành phố; hết thảy lũ chó trong thành phố bắt đầu sủa trăng.

Chỉ có một con không sủa, nó nói với giọng nghiêm trang: “Các ngươi chớ đánh thức giấc ngủ yên tĩnh của đêm cũng đừng mang trăng xuống đất bằng tiếng sủa của mình.”

Lúc đó, hết thảy lũ chó thôi sủa, trong im lặng sợ hãi. Nhưng con chó vừa nói tiếp tục quát tháo suốt đêm, bảo các con chó khác phải yên lặng.


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người phiêu lãng khác (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Ước

Thuở nọ, tôi gặp một người khác trên đường đi. Hắn cũng hơi điên và vì thế nói với tôi rằng:

“Tôi là kẻ lang thang. Dường như tôi thường đi trên mặt đất, giữa những gã lùn tịt. Và vì cái đầu của tôi, từ mặt đất tính lên, cao hơn họ tới mấy chục lần nên nó tạo ra cho tôi những ý nghĩ cao hơn và thoáng hơn.

“Nhưng thật ra tôi không đi giữa loài người mà là ở bên trên họ. Tất cả những gì của tôi mà họ có thể thấy là dấu chân của tôi trong cánh đồng trống của họ.

“Thông thường, tôi nghe họ thảo luận và bất đồng về hình dáng cùng kích cỡ dấu chân của tôi. Có một số người nói
‘Đây là dấu vết của loài voi ma-mút từng đi lang thang trên  mặt đất vào thời xưa rất xưa.’ Và những người khác nói:
‘Không phải, chúng là nơi các vẫn thạch sao băng từ các ngôi sao xa rất xa rơi xuống.’

“Nhưng bạn của tôi ơi, anh hoàn toàn biết rõ rằng chúng chẳng là gì cả mà chỉ là dấu chân của kẻ lang thang.”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Người điên (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Ước

Trong khu vườn của viện tâm thần, tôi gặp một thanh niên có vẻ mặt xanh xao, đáng yêu và đầy háo hức. Ngồi bên cạnh hắn trên băng ghế dài, tôi nói: “Tại sao anh lại ở đây?”

Hắn kinh ngạc nhìn tôi và nói: “Câu hỏi đó rất không nghiêm chỉnh nhưng tôi sẽ trả lời. Cha của tôi muốn biến tôi thành sản phẩm tái chế của bản thân ông ấy; chú của tôi cũng muốn như vậy. Mẹ của tôi cũng muốn tôi là hình ảnh của người chồng thuỷ thủ của bà, như một điển hình toàn hảo cho tôi noi theo. Anh của tôi nghĩ tôi nên giống như anh ấy, một vận động viên tài ba.

“Còn các thầy giáo của tôi cũng vậy, một tiến sĩ triết học, một giáo sư âm nhạc, một nhà luận lý học, họ đều nhất quyết và ai cũng muốn tôi hoàn toàn là phản ánh bộ mặt của bản thân họ trong gương soi.

“Do đó, tôi tới nơi này. Ở đây, tôi thấy mình tỉnh táo hơn. Ít ra, tôi đang có thể là chính tôi.”

Ngang đó, đột nhiên hắn quay sang tôi và nói: “Nhưng nói cho tôi biết, có phải anh cũng bị đưa tới đây bởi giáo dục và tham vấn viên giỏi?”

Tôi trả lời: “Không, tôi chỉ là khách tới thăm.”

Nghe vậy, hắn trả lời: “Ồ, anh là một trong những kẻ sống trong viện tâm thần, nhưng ở phía bên kia tường thành.”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]
Ảnh đại diện

Hạt ngọc trai (Kahlil Gibran): Bản dịch của Nguyễn Ước

Một con sò nói với con sò bên cạnh rằng:
“Trong mình ta đang có cơn đau ghê gớm. Nó nặng và tròn, ta mệt muốn đứt hơi.”
Con sò kia đáp lại với vẻ tự kiêu tự mãn:
“Hãy ca ngợi trời với biển, ta chẳng đau đớn gì. Ta hoàn toàn mạnh khoẻ, cả bên trong lẫn bên ngoài.”
Đúng lúc đó, có con cua đi ngang, nghe chuyện của cả hai con sò. Nó nói với con sò hoàn toàn mạnh khoẻ cả bên trong lẫn bên ngoài rằng:
“Đúng, ngươi mạnh khoẻ hoàn toàn, nhưng cái đau đớn kẻ hàng xóm ngươi đang chịu cưu mang một hạt ngọc trai cực kỳ xinh đẹp.”


[Thông tin 1 nguồn tham khảo đã được ẩn]

Trang trong tổng số 1 trang (8 bài trả lời)
[1]




Tìm bài trả lời thơ:

Kết quả tìm được thoả mãn đồng thời tất cả các tiêu chí bạn chọn.
Bạn có thể tìm bằng Google với giao diện đơn giản hơn.

Tiêu đề bài trả lời:

Nội dung:

Thể loại:

Người gửi:

Tiêu đề bài thơ:

Tác giả bài thơ: