Chào các bạn,
Thấy mọi người bàn tán rôm rả quá nên mạo muội đường đột vào đây gọi là góp vui chút đỉnh.
Mành Tương là gì nhỉ, mà thấy cụ Nguyễn Du dùng khá nhiều ở các chỗ khác nhau. Có phải là mành được làm ở địa phương nào đó tên là Tương không nhỉ?
"Tương" dịch sát nghĩa ra tiếng Việt là "nhau" (each other); ví dụ: tương tư - nhớ nhau, tương đồng - giống nhau, tương trợ - giúp nhau, tương chao - lắc nhau (chao ở đây là chao đảo), v.v...
Sông Tương hay Tương giang, còn gọi là Tiêu Tương, thuộc Ninh Lăng, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Sử viết, khi vua Thuấn mất, hai bà phi là Nga Hoàng và Nữ Anh thương tiếc khôn nguôi, hết vật vã thảm thiết trong cung, lại ra bờ sông Tương khóc than đêm ngày. Nước mắt hai bà nhỏ xuống bờ trúc, làm cho trúc ở đây nổi lên những đường vân đẹp như mây sóng ẩn hiện. Người đời sau thường tìm đến bờ sông Tương mua loại trúc này về làm mành. Trúc Tiêu Tương không những làm mành đẹp mà sáo trúc Tương giang cũng có âm thanh truyền cảm lạ lùng.
Đến đời nhà Châu, sông Tương lại minh chứng một chuyện tình buồn nữa. Chàng là nho sĩ Lý Sanh, nàng thôn nữ Lương Ý Nương. Hai người yêu nhau tha thiết và hẹn ước sau khoa thi sẽ làm hôn lễ; nàng quay tơ dệt vải đợi chờ. Nhưng rồi giặc giã binh lửa nổi lên khắp nơi, thân trai phải xếp bút nghiên lên đường đao binh. Chén rượu ngày hợp cẩn cũng là chén ly bôi bên bờ sông Tương. Đây sầu ly biệt của nàng chinh phụ trong "Chinh phụ ngâm":
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Nơi Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xa xa những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn aiTrong Kinh Thi có bài thơ "Tương giang" nói lên nỗi lòng đôi trai gái nhớ thương nhau mà chẳng được gặp nhau:
Nhân đạo Tương giang thâm (人道湘江深)
Vị để tương tư bạn (未底相思伴)
Giang thâm chung hữu để (江深终有底)
Tương tư vô biên ngạn (相思無邊岸)
Quân tại Tương giang đầu (君在湘江頭)
Thiếp tại Tương giang vĩ (妾在湘江尾)
Tương tư bất tương kiến (相思不相見)
Đồng ẩm Tương giang thủy (同飲湘江水)
Người bảo sông Tương sâu
Sao bằng nỗi nhớ nhau
Sông sâu còn có đáy
Tương tư bến bờ nào
Chàng ở đầu sông Tương
Thiếp mãi cuối cùng dòng
Nhớ nhau chẳng thấy nhau
Sông Tương nước uống cùng(Bản dịch của Hoàng Ngọc Quỳnh Dao)
Có một số bạn cắc cớ vặn rằng dưng không nhớ nhau rồi kéo nhau ra uống nước sông là sao, nước không đun nấu gì mà uống kẻo lại đau bụng thì khổ; rồi bài hát Vàm Cỏ Đông cũng ăn theo ý tưởng bài thơ trên chăng:
"Anh ở đầu sông, em cuối sông. Uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông. Xa nhau đã chín ba mùa lúa...".
Thật ra, thơ văn là có ý tượng hình, khêu gợi người đọc vận dụng trí tưởng tượng (hoặc tưởng bở) của mình đến mức tối đa. "Đồng ẩm Tương giang thủy" ở đây hàm ý chàng và nàng kề môi xuống dòng sông, mượn dòng nước để trao cho nhau những chiếc hôn thương nhớ. Ui chao, người xưa tình tứ mà kín đáo là vậy! Đồ rằng, đêm xuống người ta còn ra sông để... tắm mà tưởng tượng nhờ dòng nước để trao cho nhau đủ thứ khác nữa, có điều vì kín đáo nên không diễn tả ra bằng lời thôi (?!).
Cũng may là thời xưa chưa có internet nên mới còn lưu lại những vần thơ diễm tuyệt như vậy, chứ nếu người xưa cũng online như bây giờ rồi mượn YM mà trút nỗi nhớ vào chat chit thì còn thơ mấy chả thẩn gì nữa chớ!
Bán đi những thứ dãi dầu
Mua về những thứ rặt mầu nhà quê