Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhạc kịch Đức tìm khán giả Việt



TT - Với vở Người đi qua thung lũng vừa ra mắt tối 14-1 tại Hà Nội và tiếp tục công diễn đến 16-1 tại Nhà hát lớn Hà Nội, khán giả sẽ cùng lúc được thưởng thức diễn xuất của nhiều nghệ sĩ cho một nhân vật.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=475687
Như Lai - Parzival (nằm) và Trung Hiếu - Merlin (bìa phải) diễn ăn ý trong Người đi qua thung lũng - Ảnh: Nga Linh



Ðây là vở nhạc kịch hợp tác Việt - Ðức, kết hợp kịch nói, vũ đạo, âm nhạc - dự án từng bị lắc đầu chê “không làm được ở VN”, nay trở thành dự án nhạc kịch đầu tiên của năm 2011 bước lên sân khấu. Vở có sự tham gia của gần 100 nghệ sĩ với 20 nghệ sĩ trong dàn hợp xướng, 10 diễn viên múa của Nhà hát Nhạc vũ kịch VN, ba diễn viên kịch cùng dàn nhạc của Học viện Âm nhạc quốc gia VN.

“Ðây là câu chuyện phổ quát về chàng trai Parzival dứt khỏi vòng tay mẹ để khám phá thế giới. Tôi tin mỗi quốc gia đều có một câu chuyện về một con người như thế, đi tìm kiếm cái mà anh ta chưa biết” - nữ đạo diễn Beverly Bankenship kỳ vọng sự đồng cảm của khán giả VN về một thần thoại châu Âu. Dàn dựng ở VN, bàn thờ cúng tổ tiên đậm chất Việt cũng được tái hiện trên sân khấu.

Hình tượng Parzival bắt nguồn từ thần thoại châu Âu thời Trung cổ, là vị vua canh giữ chén thánh mà chúa Jesus đã dùng trong bữa tối cuối cùng với các tông đồ. Ðề tài Parzival được nhiều tác phẩm văn học, kịch nói, ca kịch và điện ảnh thế giới theo đuổi. Vở diễn tại Hà Nội phản ánh thời niên thiếu của nhân vật này. Ðứa trẻ Parzival mồ côi cha, hoang dã, ngây ngô, sống cô đơn cùng mẹ trong rừng, lớn lên với “lý tưởng sống, sự nam tính đã chết theo người cha”. Xa cách mọi nền văn minh, khi tiến vào thung lũng cuộc đời, cậu tàn bạo giết đi kỵ sĩ áo đỏ như trò chơi bóc vỏ tôm hùm, điềm nhiên vặn cổ chim lửa (do phù thủy Merlin đội lốt) nhưng chính cậu lại muốn đi tìm ý nghĩa của thế giới loài người.

Vở nhạc kịch viết cho diễn viên, ca sĩ, vũ công và dàn nhạc lớn. Ðạo diễn sân khấu, đạo diễn vũ đạo, giáo viên thanh nhạc... tập riêng, rồi ghép chung liên tục trong hai tháng rưỡi để cho ra đời 19 phân cảnh được dàn dựng bắt mắt, biến chuyển đa dạng, kỹ lưỡng. Những diễn viên múa, hát thể hiện phần hồn, phần tâm trạng bấn loạn của diễn viên kịch. Một Parzival kịch nói (Như Lai) bên cạnh một Parzival múa (Phạm Trí Thanh); một Merlin nói (Trung Hiếu) bên cạnh một Merlin múa (Ðặng Minh Hiền), hát (Vũ Mạnh Dũng)...Nhiều khán giả trong đêm 14-1 cho biết họ bị cuốn hút bởi thầy phù thủy Merlin vừa thần thánh vừa ma quỷ, vừa kiến tạo, hủy hoại vừa là thằng hề qua diễn xuất của Trung Hiếu.

Tác phẩm do nhà văn, nhà soạn kịch nổi tiếng của Ðức Tankred Dorst viết phần thoại. Mọi ca từ được nghệ sĩ VN thể hiện bằng tiếng Ðức, phụ đề tiếng Việt chạy trên cùng bên phải sân khấu. Sau một lớp màn che, dàn nhạc giao hưởng chơi tác phẩm của nhà soạn nhạc Pierre Oser, đệm cho tiếng hát của những nghệ sĩ opera: NSƯT Hà Mạnh Chung (vai Galahad), Trịnh Thanh Bình (vai Gawain), Ngô Hương Diệp (vai Herzeloide)...

“Ðiều mà nghệ sĩ VN học được là từ một câu chuyện đơn giản, với cách làm cầu kỳ, có thể tạo cảm xúc mãnh liệt cho khán giả” - Như Lai, người được chọn vai chính Parzival, nói.

NGA LINH


Một dự án nhiều nỗ lực và tốn kém
Người đi qua thung lũng là một dự án nghệ thuật của Viện Goethe tại VN, được sáng tác để kỷ niệm hợp tác quan hệ Việt - Đức. Có thể cảm nhận được sự nỗ lực của những người bạn quốc tế muốn chứng tỏ “loại hình có thể mới, có thể chưa từng diễn ở VN nhưng không phải lúc nào cũng chịu sự thờ ơ của khán giả”.

Theo viện trưởng Viện Goethe Almuth Meyer Zollitsch, với phục trang áo giáp giả da mềm tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ múa, với phông màn khổ lớn đặt tại Đức, Người đi qua thung lũng đã trở thành dự án nghệ thuật tốn kém kỷ lục mà Viện Goethe chưa từng tiến hành tại Úc, New Zealand hay các nước Đông Nam Á khác.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nhớ tiếng phách của người xưa



TT - Trong buổi tưởng niệm 10 năm ngày mất của NSND Quách Thị Hồ sáng 16-1 tại Ngôi nhà Việt (Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam), người yêu ca trù một lần nữa cùng nhớ lại tiếng sênh phách của người xưa.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=476106
Ca nương Vương Tú Ngọc trình diễn ca trù tưởng nhớ nghệ nhân Quách Thị Hồ - Ảnh: Khải Nguyên



Cũng vì tiếng phách đó mà người ca nương tài hoa nhất thế kỷ 20 phải chịu không ít trầm luân. Sự kỳ thị đối với “nghề con hát” phủ bóng u ám suốt cuộc đời những người trót theo nghiệp đàn phách. Đến ngày ca trù trở lại, rũ bỏ tiếng oan thì bàn tay đã không còn gõ phách, câu hát không thể cất lên được nữa.

Ông Nguyễn Văn Đại - con trai NSND Quách Thị Hồ - chia sẻ những tâm sự rất thật: “Cũng như mẹ tôi gắn bó với ca trù, tôi gắn với cuộc đời binh nghiệp nên không có thời gian gần gũi mẹ như các cô em gái. Gần gũi với bà trong những năm tháng cuối đời, tôi hiểu mẹ tôi đau đáu với nghề ca trù lắm dù cuộc đời bà vì ca trù mà mang khổ vào thân”.

Ông Đại nhớ lại: “Tôi vẫn nhớ năm 1988 khi nhận danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, mẹ tôi có nói: “Tôi bây giờ cũng ít nhiều thỏa mãn vì cả đời sống chết với nghề hát. Ban đầu chỉ là yêu nghề, nhưng về sau thì tôi biết đó là trách nhiệm của mình phải góp sức vào việc trả ca trù về đúng vị trí của nó cho nhân dân. Người làm tôi hiểu ra điều đó là GS Trần Văn Khê”. Điều đáng tiếc là cả ba người con gái của NSND Quách Thị Hồ không ai theo nghiệp mẹ, người con gái mà bà đặt trọn niềm hi vọng đã mất quá sớm.

Lắng mình trong cái lạnh se sắt của Hà Nội, vẫn như nghe thấy tiếng của người xưa trong tiếng hát, tiếng phách của các đào nương Trung tâm Unesco ca trù và CLB Ca trù Hải Phòng. Không thể phủ nhận một điều ca trù xưa đã mai một ít nhiều. Hơn nữa, những nghệ nhân ca trù cũng lần lượt về trời, di sản để lại cho thế hệ sau đã hao hụt bởi thời gian.

Trong rất nhiều câu chuyện về ca trù, nghệ sĩ Bạch Vân có kể lại kỷ niệm ròng rã ba năm xin làm học trò nghệ nhân Quách Thị Hồ. Đó là những ngày gió, những ngày mưa, những buổi tối trên chiếc xe đạp cọc cạch, một người phụ nữ trót mê tiếng đàn phách ca trù đến xin học cụ nghệ nhân cao tuổi. Những năm trước 1990, chẳng mấy ai dám hát ca trù, đào nương ca trù vì sự kỳ thị mà cất phách, giấu đàn.

Ba năm ròng rã cho một ước mơ, lúc NSND Quách Thị Hồ nhận ra cái đức của người ca nương cũng là lúc cụ thở dài bảo: “Cả đời bà hát ca trù nhưng có ai dùng đâu”. Nghệ sĩ Bạch Vân kể lại: “Suốt ba năm đó, cụ chỉ hát cho nghe mấy câu mưỡu, chẳng nhiều nhặn gì nhưng cũng rất quý”.

Đến người cháu ngoại của NSND Quách Thị Hồ là Thanh Huyền dù được đánh giá có tiếng hát thừa hưởng được những tinh hoa của bà cũng không còn mặn mà với ca trù. Những người đi sau dù nhận là học trò nghệ nhân cũng chưa ai được làm học trò theo đúng lề lối ca trù xưa.

Cứ thế, sau khi NSND Quách Thị Hồ ra đi ca trù cứ “đường ai nấy đi”, phách ai nấy gõ, cho đến giờ vẫn chưa “về dưới một mái nhà”.

HÀ HƯƠNG - NGUYỄN HÀ


Khoảng trống của ca trù
10 năm kể từ ngày ra đi của đào nương bậc nhất thế kỷ 20 đủ để lại một khoảng trống không thể bù lấp cho ca trù. Tiếng sênh, tiếng phách của NSND Quách Thị Hồ giờ chỉ còn trong một số băng đĩa của các ca nương đời sau và trong cả ký ức của người ở lại. Một đời con người đó đã gắn với tất cả sự thịnh suy của thời cuộc và nghề hát ca trù. Tiếng hát đó từng làm xiêu lạc hồn phách của nhiều văn nhân, nhưng cũng có lúc đành câm lặng không thể cất lời. Trải qua nhiều biến cố, ca trù còn giữ được đến ngày hôm nay cũng bởi sự gìn giữ trong thầm lặng của rất nhiều những ca nương như NSND Quách Thị Hồ.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khổ vì làng cổ, phố cổ - Kỳ 2:

Phố cổ... bị treo



TT - Hai khu phố cổ Gia Hội và Bao Vinh nằm ngay sát kinh thành Huế đang trong tình cảnh lụi tàn, dù đã được ban hành kế hoạch bảo tồn từ bảy năm trước.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=473867
Ngôi nhà cổ “Đông Mậu từ” số 158 Bạch Đằng, Huế - một kiến trúc độc đáo thuộc phố cổ Gia Hội - đang xuống cấp nghiêm trọng - Ảnh: THÁI LỘC



Phố cổ Bao Vinh nằm về phía bắc ngoài kinh thành Huế, là một thương cảng của thủ phủ xứ Ðàng Trong giai đoạn thế kỷ 18 và cũng là thương cảng của kinh thành Phú Xuân vào đầu thời nhà Nguyễn.

Khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh nằm ở phía đông ngoài kinh thành, là khu vực sầm uất bậc nhất xứ kinh đô Huế đầu thế kỷ 19. Năm 2003, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt quy hoạch xây dựng bảo tồn và phát huy đô thị cổ Bao Vinh trên diện tích 8ha. Kế đến là phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị cổ dọc trục đường Chi Lăng (còn gọi là khu Gia Hội - Chợ Dinh) rộng 30,66ha.

“Cấn cái quyết định”
Từ trước đó, năm 2002, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho thành lập ban điều hành và bảo vệ phố cổ, do ông Phạm Quốc, lúc ấy là chủ tịch phường Phú Cát (hiện là bí thư phường), làm trưởng ban. UBND tỉnh cho lập phố ẩm thực bên bờ sông Ðông Ba, cạnh cầu Gia Hội, cùng với việc đưa tour tham quan phố cổ Gia Hội phục vụ du khách tại Festival Huế 2002 khiến nhiều người dân khấp khởi mừng thầm.

Ðến năm 2003, tỉnh tiếp tục phê duyệt hai đề án bảo tồn phục hồi hai khu phố cổ nói trên khiến người dân Huế xem như cứu tinh trước sự lụi tàn của chuỗi giá trị văn hóa phố thị rất đặc trưng. Hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội lúc này cơ bản vẫn còn nguyên hình hài với những nhà mái ngói liệt liêu xiêu chồng lên nhau xếp thành dãy dài. Thế nhưng sau bảy năm quyết định phê duyệt, hình ảnh hai khu vực phố cổ này hoàn toàn khác.

Theo thống kê của UBND xã Hương Vinh, từ những năm 1990 cụm Bao Vinh còn 39 nhà cổ thì đến nay chỉ còn 15 nhà. Phần lớn trong số 24 nhà cổ mất đi được thay thế bằng nhà tầng kiên cố với lối kiến trúc mới. Ông Nguyễn Văn Bổn - chủ tịch UBND xã Hương Vinh - cho biết kể từ ngày ban hành quyết định bảo tồn, ngoài số tiền 411 triệu đồng do Thượng viện Pháp tài trợ tu bổ ba ngôi nhà, hoàn toàn không có sự đầu tư hay quan tâm gì từ phía Nhà nước.

“Nhiều nhà cổ xuống cấp, dột nát và có nguy cơ sụp trước những trận lụt lớn, người dân xin phép sửa chữa nhà nhưng “cấn cái quyết định” nên xã không cấp phép. Họ tự ý tháo ra làm lại nhưng chúng tôi chẳng làm gì được vì chẳng có gì để hỗ trợ, mà nếu làm căng quá nhà sập, nguy hiểm đến tính mạng họ thì sao!”, ông Bổn nói.

Tương tự, ở khu vực phố cổ Gia Hội, theo điều tra của chúng tôi, trong khoảng 150 nhà mặt tiền đường Chi Lăng (đoạn Bạch Ðằng - Nguyễn Du), chỉ còn 23 nhà theo kiểu truyền thống mái ngói liệt, 32 nhà cổ kiểu Pháp. Số còn lại là nhà kiến trúc mới đủ kiểu, 2-3 tầng... Ông Phạm Quốc cho biết kể từ sau quyết định ban hành, không nghe cấp trên đặt vấn đề gì ngoài việc chỉ đầu tư sửa cái cổng và đường vào chùa Diệu Ðế.

Trong khi đó phần lớn người dân không muốn làm dân phố cổ vì quá bất tiện, lại chẳng được gì, do đó họ tìm cách sửa sang xây mới. Và tỉnh cũng như thành phố vẫn cấp phép xây dựng nhà cửa một cách ồ ạt, kể cả đối với những ngôi nhà mang dáng dấp cổ trong khu vực phố cổ. Ðặc biệt trong đó là việc cấp phép xây dựng Trường Chi Lăng với hai khối nhà cao năm tầng đồ sộ, phá vỡ hẳn không gian phố cổ vốn chủ yếu là nhà thấp tầng.

Có nên tiếp tục gìn giữ?
Trước hai quyết định bị... treo, có nên tiếp tục gìn giữ hai khu phố cổ Bao Vinh và Gia Hội? Câu hỏi đó của chúng tôi đã nhận được cách trả lời khác nhau từ nhiều phía.

Ông Nguyễn Việt Tiến (nguyên giám đốc Sở Xây dựng, nguyên chủ tịch UBND TP Huế, hiện là chủ tịch Hội Quy hoạch Thừa Thiên - Huế) cho rằng: “Kiến trúc là sự phản ánh của lịch sử, cho nên không thể không gìn giữ những khu phố cổ như Gia Hội và Bao Vinh. Vấn đề là cần phải có chính sách giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và quyền lợi của người dân sao cho hài hòa; Nhà nước và người dân phải cùng bàn bạc tìm giải pháp để gìn giữ nó. Chúng ta đã ngâm quá lâu! Bây giờ nhất thiết phải làm sớm, nếu không thì cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng, công trình ngày càng xuống cấp trong khi Nhà nước lại chẳng khai thác được gì từ những giá trị này”.

Trong khi đó ông Nguyễn Văn Bổn cho rằng: “Không nên giữ nữa vì hiện có quá nhiều bất cập, ảnh hưởng quá lớn đến đời sống người dân và kinh tế của địa phương. Cử tri năm nào cũng kêu, xã từng nhiều lần kiến nghị cấp trên hủy quyết định bảo tồn khu phố cổ, nhưng đến nay vẫn không có sự thay đổi nào”.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, người trực tiếp tham gia xây dựng đề án quy hoạch bảo tồn khu phố cổ của Huế: “Những chủ trương lớn như thế này, theo tôi nên có tổ công tác điều tra, khảo sát lại để đề xuất cấp quản lý nên thực hiện như thế nào. Theo tôi, ở Bao Vinh hoàn toàn không có khả năng tổ chức khắc phục phố cổ. Tất nhiên nói như vậy không phải là xóa sạch tất cả, mà chỉ nên lựa chọn bảo tồn những đơn nguyên thật sự có giá trị.

Tương tự ở Gia Hội - Chợ Dinh, theo tôi không nên đặt vấn đề bảo tồn quá rộng như hiện nay mà chỉ nên tập trung một vài tuyến đường, đặc biệt là vòng cung Bạch Ðằng, đoạn đầu đường Chi Lăng... Khu vực này hội tụ rất nhiều yếu tố quý giá và đặc thù của đô thị cổ, như: quốc tự Diệu Ðế, đền thờ Ấn Ðộ giáo, nhà của người Nhật có công đưa môn võ karate đến VN, hệ thống hội quán Hoa kiều, hệ thống nhà kiểu Pháp đầu thế kỷ 20, những phủ đệ của các ông hoàng bà chúa và những ngôi nhà phố truyền thống... Một khu đô thị sát kinh thành mà hội đủ như thế thì quả là quá thú vị đáng để gìn giữ”!

THÁI LỘC


Ông Nguyễn Xuân Hoa (nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế):

Tỉnh không có động thái nào
Từ khi thành lập dự án bảo tồn khu phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh đến nay tỉnh không có một động thái thực hiện nào, thậm chí còn làm ngược lại. Minh chứng cụ thể nhất là tỉnh cho xây dựng Trường Chi Lăng năm tầng đồ sộ nghênh ngang ngay giữa khu phố cổ. Việc giải tỏa rồi mở đường ven sông Hương chẳng khác một con hẻm, trong khi hoàn toàn có thể tạo trục giao thông mới nhằm giảm tải, tạo điều kiện bảo tồn, phục hồi phố cổ bên trong... Áp lực đô thị hóa trong điều kiện thiếu sự hướng dẫn điều chỉnh của cơ quan quản lý, thành ra khu vực phố cổ phát triển theo chiều hướng tiêu cực ngày một tăng.

TH.LỘC ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lỗ về bảo tồn, lãi về văn hóa



TT - Làm sao để vừa bảo tồn vốn cổ, vừa bảo đảm quyền lợi của người dân? Nhìn từ câu chuyện “Làng cổ Đường Lâm... lâm nạn” và “Phố cổ... bị treo”, họa sĩ - nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Phan Cẩm Thượng, GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính và TS Ngô Kiều Oanh cùng góp những ý kiến tâm huyết.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=474035
Cùng với các chuyên gia Việt Nam và Nhật Bản tham gia trùng tu di tích, một cư dân làng cổ Đường Lâm vui vẻ cọ rửa từng cây cột, vì kèo nhà mình - Ảnh: Diệu Tâm



Vấn đề người dân Đường Lâm muốn trả lại danh hiệu làng cổ không có gì mới, điều này được thấy từ trước, bởi gìn giữ những di tích vẫn có người đang sống là vô cùng khó khăn, ngay cả ở những nước phát triển. Bảo tồn một ngôi chùa, ngôi đền đã khó, với một quần thể như phố cổ, làng cổ cần rất nhiều giải pháp có tính chiến lược: Mật độ dân số được duy trì ở mức độ thấp, nếu tăng thì phải giãn dân; Tăng cường thu nhập do du lịch văn hóa; Xây sẵn một khu tương tự cho người dân chuyển đổi và nhà nước giữ lại nhà cũ; Không phát triển dịch vụ sinh hoạt cho du khách trong điểm bảo tồn; Bảo trợ ngành nghề truyền thống (nghề thủ công, làm ruộng) trong đó cho đến khi nào tự cân bằng được thu nhập; Người dân chỉ được sống trong đó khi khi cam đoan giữ lối sống cũ, nếu muốn thay đổi buộc phải ra khu mới.

Như vậy quy hoạch làng cổ, phố cổ là bước quan trọng, trong đó khu vực được quy hoạch bao gồm cả ruộng canh tác, chứ không chỉ là cái làng trong lũy tre. Ở tất cả những khu định cư cổ nằm trong bảo tồn (ở những nước phát triển) bao giờ người ta cũng xây một khu mới, nhằm giải quyết các vấn đề dân sinh tất yếu và du lịch. Một việc Đường Lâm chưa bao giờ tính tới, trong đó quyền lợi của người dân là mấu chốt để có thể bảo tồn.

Với kinh tế của nước ta, thì những giải pháp trên không thể thực hiện đồng bộ, mà chỉ có thể làm từng bước, từng phần, nhưng giữ đúng nguyên tắc, trong đó một chính quyền địa phương sở tại không bao giờ có thể làm được, mà buộc phải chuyển qua hình thức quản l‎y khác. Những làng cổ là di sản của quốc gia, dân tộc, thì sự quản lý phải ở tầm quốc gia. Ví dụ ở nhiều nước, bảo tàng nghệ thuật (với giá trị kinh tế và tinh thần rất lớn, với những tác phẩm hàng chục triệu đôla), trực thuộc chính phủ quản lý. Người ta không thể cử một anh ấm ớ vào làm giám đốc đó được. Trùng tu, sửa chữa cũng hoàn toàn do nhà nước đảm nhiệm. Làng cổ, khu phổ cổ cũng cần được quan niệm như vậy, nhất là trong giai đoạn người dân chưa thể cân bằng thu nhập do bảo tồn. Hội An là một ví dụ sinh động, tất cả các ngôi nhà không còn mang ‎ý nghĩa sinh hoạt nữa, mà chuyển sang kinh doanh hoàn toàn, những người dân muốn sửa chữa làm mới mà không được phép chỉ có thể bán lại cho chủ mới, đi nơi khác, xây nhà theo ý mình. Và dần dần những người có tiền ở nơi khác sẽ thay thế người Hội An. Điều này cũng diễn ra ở Trung Quốc, phương Tây… các khu phố cổ, làng cổ trở thành nơi kinh doanh của những người giầu từ nơi khác đầu tư vào, và đương nhiên, họ thích giữ ngôi nhà cổ, làng cổ vừa đẹp vừa sinh lợi, còn họ sống tiện nghi ở nơi khác.

Chúng ta đã thấy sự phá sản văn hóa, hay nói mỹ miều hơn là chuyển đổi văn hóa diễn ra ở Huế, Hội An, Hà Nội, Phố Hiến, trong đó người dân không giữ nổi lòng tự hào gì về ngôi nhà truyền thống. Những ngôi nhà cổ biến đổi tuy chậm nhưng dần dần và bị chèn vào bởi những ngôi nhà mới, cao tầng. Cảnh quan chùa Kim Liên là một ví dụ sinh động, khi các khách sạn biến nó thành một bao diêm nhàm chán. Chùa Thầy, chùa Trăm Gian, chùa Keo… được khai thác cạn kiệt theo lối chợ làng. Tại sao người ta phải lên tiếng về đồi Vọng Cảnh, về thành nhà Mạc Tuyên Quang, về thành cổ Sơn Tây, về Ô Quan Chưởng? Vì bản chất những cuộc sửa chữa đó là thiếu hiểu biết về văn hóa và phá tan tính chân thực lịch sử của văn hóa truyền thống. Hai mặt của một vấn đề di sản – du lịch cũng đang diễn ra ở Đường Lâm, mà cả hai đều chưa hỗ trợ được cho nhau. Di sản văn hóa có thể phục vụ cho lợi ích kinh tế, nhưng không phải theo lối bán vé, bán quạt, bán đồ lễ… mà nếu người dân có ý thức về văn hóa dân tộc thì họ làm tốt hơn cho nền kinh tế đất nước. Cái lỗ ở công tác bảo tồn là cái lãi về văn hóa đạo đức, mà nhà nước tốn kém rất nhiều khi phải giải quyết các tệ nạn xã hội.

PHAN CẨM THƯỢNG



TS Ngô Kiều Oanh:

Người dân phải thấy được lợi ích
Là người đã tìm hiểu, nghiên cứu, quy hoạch và tâm huyết gửi đến các cơ quan chức năng nhiều kiến nghị về phương pháp bảo tồn làng Việt cổ Đường Lâm từ hơn 20 năm trước, TS Ngô Kiều Oanh (nguyên chủ nhiệm chương trình Quy hoạch vùng và tài nguyên môi trường, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam) cho rằng:

Phải có đất để giãn dân và tất cả người dân đều thấy được và nhận được dù ít hay nhiều lợi ích kinh tế, tinh thần trong làm du lịch nhà cổ, rồi tự họ bảo vệ nhà cổ của mình, chính quyền không cần can thiệp sâu, giống ở Hội An người ta đã làm.

Vừa rồi khi khởi xướng hướng du lịch nông nghiệp, thăm lại thôn Mông Phụ, chúng tôi đã thấy nhiều công ty đưa khách quốc tế vào ăn, ở tại một số nhà cổ, có công ty đầu tư cả trăm triệu đồng vào nhà truyền thống của người Đường Lâm để làm du lịch homestay (du khách ở cùng gia đình một số ngày) hoặc tổ chức du lịch học đường, du lịch tâm linh với các chủ trương từ Hà Nội.

Đó là một sự đi tiếp bước nữa đầy hứa hẹn và khả thi để bảo vệ làng cổ thông qua các hoạt động du lịch.

Thêm vào đó, cần nhanh chóng phục hồi phát triển lên mức thương hiệu và hàng hóa các sản vật của Đường Lâm như kẹo dồi, kẹo vừng, gà Mía, tương truyền thống... Cần tổ chức quản lý về việc thu - chi tiền thế nào cho đàng hoàng, sáng rõ trước dân.

Phải hiểu di sản là tài sản, niềm tự hào, nền văn hóa của chính người dân sở tại chứ không phải của ai khác. Kỷ cương phép nước phải giữ (ví như không cho xây nhà cao tầng), nhưng cũng phải mở lối thoát cho dân, hỗ trợ, đối thoại, giãn dân để bà con có thể sống được.

Nguồn lợi từ bán vé và làm du lịch làng cổ không thể chỉ rơi vào tay vài gia đình, vài cá nhân, mà phải lan tỏa đến các gia đình khác trong làng. Bảo tồn làng cổ nguyên tắc chính cần dựa trên lợi ích của từng nông hộ.

DIỆU TÂM ghi


GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính:

Bảo tồn phải song hành cùng phát triển
Phố cổ, làng cổ nói chung, theo tôi chỉ nên đặt vấn đề là di sản chứ không nên đặt vấn đề là di tích như hiện nay. Bởi vì di tích là đối tượng của bảo tồn nguyên trạng và mọi sự trùng tu cũng chỉ nhằm mục đích bảo lưu cái gốc, không thể bị thay thế.

Các cấu trúc phố cổ, làng cổ cần phải được xem là di sản đô thị hay di sản kiến trúc nông thôn. Vì khái niệm này bao quát hơn, “mềm” hơn, gồm cả những di tích, những thành phần kiến trúc cũ và mới đang phục vụ cuộc sống hôm nay, là “cơ thể” đang phát triển...

Bởi vì di sản chứa đựng trong mình những giá trị của truyền thống, của lịch sử văn hóa, đồng thời là những nơi mà con người đang sinh sống thì ít nhất phải đặt vấn đề bảo tồn song hành cùng phát triển chứ không thể lấy cái nọ đối chọi với cái kia. Phải lấy công tác cải tạo thích ứng làm cầu nối từ bảo tồn sang phát triển.

Trong ứng xử với một khu di sản cũng phải đánh giá cho đúng những gì tạo thành di sản, cấu trúc di sản, phải xác định phần “cứng” và phần “mềm”, phần nào cần bảo tồn, phần nào cần cải tạo, phần nào được phát triển...

Không thể đặt vấn đề bảo tồn một ngôi nhà ở phố cổ Bao Vinh, Gia Hội như bảo tồn điện Long An hay điện Thái Hòa được! Bảo tồn trong sự phát triển tiếp nối là xu hướng hiện đại của thế giới.

THÁI LỘC ghi
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Di sản và những ký ức không còn nguyên vẹn



TT - Ngày 22-1, trong lễ đón bằng công nhận lễ hội Gióng tại đền Phù Ðổng và đền Sóc là di sản phi vật thể đại diện nhân loại của UNESCO, màn trình diễn của ông hiệu cờ xã Phù Ðổng (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khiến một số nhà nghiên cứu văn hóa giật mình.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=477596
Ông hiệu cờ đánh ván cờ thuận trước trong lễ đón nhận bằng công nhận Di sản thế giới của UNESCO sáng 22-1 - Ảnh B.H.



Theo các ông hiệu cờ xã Phù Ðổng, ông hiệu cờ (xem bài "Người thay Thánh Gióng ra trận", Tuổi Trẻ ngày 3-1) đánh ba ván cờ thuận trước, ba ván cờ nghịch sau, "đó là truyền thống do các cụ xưa để lại". Chi tiết này trái ngược hoàn toàn với những nghiên cứu và ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên khi quan sát hội Gióng năm 1937 và 1938: ba ván cờ nghịch trước, ba ván cờ thuận sau. Vậy sử liệu sai hay ký ức cộng đồng không nguyên vẹn, và hồ sơ hội Gióng trình UNESCO thế giới đã đồng thuận với chi tiết nào?

Unesco công nhận chi tiết nào?
Trong hồ sơ hội Gióng trình Unesco là di sản đại diện nhân loại, những người viết hồ sơ đã lấy lại các tư liệu của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên ghi chép từ năm 1938. Có nghĩa là trong trận đầu ở Ðống Ðàm, ông hiệu cờ - người thay Thánh Gióng ra trận - sẽ đánh ba ván cờ nghịch trước (phất cờ ngược kim đồng hồ) và đánh ba ván cờ thuận sau ở Soi Bia (phất cờ thuận kim đồng hồ). Nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên đã đánh giá chi tiết thuận - nghịch này thể hiện bản chất triết lý quan trọng của hội Gióng.

Ðiều trớ trêu là trong lễ đón bằng công nhận của Unesco, những ông hiệu cờ xã Phù Ðổng vẫn đánh cờ theo tập quán mấy chục năm nay của mình, ngược với chi tiết ghi trong hồ sơ trình Unesco mà không hề biết.

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 23-1, ông Ðinh Minh Tỉnh - phó ban quản lý di tích đền Phù Ðổng - cho biết việc ông hiệu cờ đánh ván thuận trước và ván nghịch sau đã được các ông hiệu cờ thực hiện từ năm 1982 - thời gian lễ hội Gióng bắt đầu phục hồi sau hàng chục năm tạm dừng vì chiến tranh. Theo ông Tỉnh, cộng đồng nơi tổ chức lễ hội Thánh Gióng cũng không hề biết đến những ghi chép của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên cách đây gần một thế kỷ. Cũng theo lời ông Tỉnh, PGS.TS Nguyễn Chí Bền (viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN) đã nhiều lần về làm việc với Ban quản lý di tích đền Phù Ðổng trong quá trình lập hồ sơ hội Gióng nhưng cộng đồng cũng không được thông tin về chi tiết trái ngược này trong hồ sơ.

Ông hiệu cờ Nguyễn Văn Hiền - người từng làm hiệu cờ từ năm 1987 - cho biết: vẫn đánh ba ván thuận trước, ba ván nghịch sau theo lối cũ các cụ kể lại và không hề biết là trong hồ sơ về hội Gióng của xã mình, chi tiết đánh cờ này lại hoàn toàn trái ngược. Như vậy, thực tế lễ hội hàng chục năm nay của người dân đã không được phản ánh chính xác trong bộ hồ sơ gửi lên Unesco thế giới.

Lịch sử đã cuốn theo nhiều thứ
"Có một thời kỳ đứt gãy văn hóa và những yếu tố lịch sử đã làm thay đổi nhiều phong tục của Việt Nam mà trong đó chi tiết ván cờ thuận - nghịch hội Gióng là một ví dụ. Thời kỳ chiến tranh và không được tổ chức hàng chục năm đã khiến người dân mất ý thức về triết lý thuận nghịch", nhà nghiên cứu văn hóa dân gian - GS.TS Ngô Ðức Thịnh lý giải về sự khác biệt trong ghi chép năm 1938 của nhà dân tộc học Nguyễn Văn Huyên và thực tiễn hội Gióng ngày nay.

Hội Gióng cũng như nhiều phong tục và lễ hội dân gian khác đã bị cuốn vào vòng xoáy của lịch sử. Những năm chiến tranh, hàng chục năm hội Gióng không được tổ chức, cuốn sổ ghi chép lễ hội được lưu truyền từ hàng trăm năm trước cũng bị đốt. Sau chiến tranh, những lễ hội Gióng được khôi phục chủ yếu dựa vào ký ức của những người từng tham gia lễ hội, mà chủ yếu là ký ức của các ông hiệu cờ.

"Việc các phong tục thay đổi là một điều hết sức phổ biến. Trong quá trình nghiên cứu tôi còn phát hiện có những phong tục thay đổi và sau này ý nghĩa của nó đối nghịch lại với thời kỳ đầu tiên", GS Ngô Ðức Thịnh cho biết.

Tỏ ra khá sốt ruột về sự sai lệch của lễ hội thực tế so với sử liệu, PGS.TS Nguyễn Văn Huy (nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam) đề nghị: "Có thể khi phục hồi hội Gióng người ta thiếu thông tin. Những người làm công tác di sản cần cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng để hiểu về triết lý của mỗi trận đánh, mỗi kiểu phất cờ. Cái chính là cộng đồng quyết định và thực hành".

Cùng nhận định với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bà Lê Thị Minh Lý (cục phó Cục Di sản - Bộ VH-TT-DL) cho rằng cần phải thỏa thuận lại với cộng đồng để họ tự lựa chọn. Tuy nhiên, bà Lý cũng đề nghị cần trao đổi lại với Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam vì "đây là cơ quan viết hồ sơ, đồng thời sẽ trực tiếp cộng tác với TP Hà Nội trong các vấn đề liên quan đến hội Gióng".

HÀ HƯƠNG
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cô hàng bánh chuối



AT - Tôi vẫn hay lẽo đẽo theo mẹ tôi mỗi buổi sớm mẹ đi bán hàng. Gánh hàng của mẹ tôi vô cùng giản dị: một đôi gánh, một chảo dầu, bếp than, vài nải chuối, bột mì và còn mấy cái đòn nhỏ để học trò ngồi ăn nữa. Vậy là mẹ tôi có thể hành nghề được rồi - mẹ tôi là "cô bán bánh chuối" như tụi nhỏ hay gọi.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=474962
Ảnh: Rod



Dù cho trời nắng hay mưa, nóng hay lạnh, cô hàng bánh chuối luôn sẵn sàng làm ra những cái bánh thơm ngon, vàng rụm cho lũ học trò. Một thứ quà dân dã mà mang đậm chất quê hương.

Cách làm của mẹ tôi đơn giản lắm. Chỉ cần lột vỏ chuối, cắt thành hai hay ba miếng mỏng (đây là nhiệm vụ của tôi) rồi mẹ tôi cho chuối vào thau bột mì pha sẵn nước và đường, trộn đều lên. Mẹ tôi nổi lửa cho dầu sôi sục, sau đó múc một muỗng bột mì có một lát chuối cho vào chảo dầu đang nóng. Chỉ cần xèo một cái là đã có ngay một cái bánh chuối thơm phức làm cho ai đi ngang qua cũng không thể cưỡng lại được. Chưa nói đến đã có tụi nhỏ ngồi chờ sẵn ở đấy, xòe tay ra, chúng đưa những tờ tiền lẻ cho tôi và háo hức, xuýt xoa đón lấy cái bánh vàng rụm, còn  nóng hôi hổi.

Tụi nhỏ ngay lập tức cắn một miếng ngập răng, miếng bánh rán tan ra trong miệng, chao ôi là ngon. Nhìn vẻ mặt của chúng, tôi như cảm nhận được tất cả hương vị của cái bánh: có vị ngọt của chuối và đường, cái beo béo của dầu, bùi bùi của bột mì và mùi thơm phưng phức nữa. Đặc biệt bánh chuối của mẹ tôi có một bí quyết riêng: cho thêm một chút xíu muối, đập vào vài cái trứng gà sẽ ngon hơn rất nhiều. Mẹ tôi nói vị mặn sẽ làm cái bánh đậm đà hơn, như thử thách làm cho hạnh phúc trọn vẹn hơn vậy.

Mẹ tôi rất vui khi thấy hàng đông khách. Dù vất vả một chút nhưng đổi lại là những nụ cười bóng loáng dầu ăn, cái gật gù thích thú của một du khách nước ngoài, những lời khen ngợi của mọi người hay nụ cười rạng rỡ của lũ nhóc lang thang khi mẹ tôi cho các bạn bánh chuối mỗi khi trời tối.

Tôi đã từng nói với mẹ là sau này sẽ gánh hàng đi bán bánh chuối thay cho mẹ và bị mẹ cốc cho một cái vào đầu. Mẹ tôi luôn mong cho bốn anh em tôi vào đại học và giờ chỉ có mình tôi chưa thực hiện được ước mơ đó. Mẹ đã phải góp nhặt từng cái bánh chuối, từng cái một để cho anh em chúng tôi được ăn học.

Đến bây giờ, tôi đã biết được vì sao bánh chuối của mẹ tôi lại đông khách đến vậy, lại ngon đến vậy. Bởi vì ngoài vị ngọt, béo, bùi sẵn có ra, bánh chuối còn ẩn chứa vị mặn mồ hôi của mẹ. Bánh chuối bé nhỏ vậy nhưng lại chứa đựng biết bao kỳ vọng và lòng yêu thương của mẹ đối với các con.

NGUYỄN THỊ TRÀ MY
(Lớp 12A1, THPT Hướng Hóa, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị)
Kính tặng mẹ
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bữa tiệc nhạc Việt cuối năm



SGTT.VN - Trong căn phòng ấm áp treo đầy nhạc cụ dân tộc của giáo sư Trần Văn Khê, diễn ra cuộc hội ngộ hiếm hoi của một gia đình nghệ sĩ lớn mà các thành viên ở rải rác bao nhiêu quốc gia nay tụ về.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=126882



Vị giáo sư già tràn ngập hạnh phúc hát cùng ba người con, hát không như biểu diễn sân khấu, mà vui chơi gia đình giữa bà con, bạn bè thân thiết. Ông hát một ca khúc chưa có ai hát của nhạc sĩ Lê Thương, có cái tên rất lạ: Lịch sử loài người, sáng tác cách đây 67 năm.

Người con trai cả – GS.TS Trần Quang Hải và vợ anh, ca sĩ Bạch Yến cùng với người em trai – kiến trúc sư Trần Quang Minh đem đến bao nhiêu ngạc nhiên và tiếng cười. GS.TS Quang Hải, từng giới thiệu âm nhạc Việt Nam trên 3.000 buổi tại 65 quốc gia, hôm nay vui sướng biểu diễn các âm thanh lạ, các bài tập điện lực, đàn môi và đánh muỗng “đệm” cho cha chơi đàn dân tộc. Giáo sư Khê cho biết mình bị đau khớp, đã bỏ đàn sáu năm nay, vậy mà bây giờ ông đàn được với các con. Ca sĩ Bạch Yến, nổi tiếng ở Sài Gòn trước 1975, đã lưu diễn khắp Hoa Kỳ cùng nhiều nghệ sĩ thượng thặng, sau khi thành hôn với Quang Hải đã gắn bó với âm nhạc dân tộc từ đó. Kiến trúc sư Quang Minh hát những bài sở trường, kể chuyện vui của ba…

Giáo sư Trần Văn Khê tâm sự: suốt 55 năm ở Pháp, ông “hát tây được, hát Mỹ được, tân nhạc được nhưng không bao giờ quên một tiếng Việt, nói năng không chen một tiếng Pháp”. Các con ông cũng thấm đẫm tinh thần của cha: “Nhạc Việt Nam là cơm chúng ta ăn. Nhạc nước ngoài chỉ là vị khách. Khách đến vài bữa rồi về, khách ở phòng khách, không dẹp bàn thờ ông bà...”

Nhìn cha con giáo sư Trần Văn Khê chơi với nhau bữa tiệc âm nhạc, mọi người ai cũng cảm động và ngưỡng mộ một gia đình tài năng, tây học, sống ở tây mà nghiêm túc phụng sự văn hoá, âm nhạc, tiếng nói, tinh thần và tình yêu Việt Nam tràn đầy.

bài và ảnh: Quảng Yên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Thánh thần mang vẻ đẹp con người



SGTT.VN - Chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) được xây dựng vào thế kỷ 17 – đầu 18 là một quần thể kiến trúc – mỹ thuật hoàn chỉnh, kinh điển. Bên cạnh pho tượng Phật bà Quan âm nghìn mắt nghìn tay nổi tiếng thế giới của Trương tiên sinh (nhà điêu khắc cổ duy nhất ở ta có ký họ của mình lên tác phẩm) là cả một bảo tàng điêu khắc với cả trăm pho tượng gỗ sơn thếp tuyệt đẹp, chắc đều là tác phẩm của thiên tài họ Trương và cộng sự. Có thể nói đây là một trường phái điêu khắc độc đáo ảnh hưởng tới sự phát triển nghệ thuật Phật giáo ở đồng bằng Bắc bộ suốt hai thế kỷ tiếp theo. Vẻ đẹp vừa lý tưởng hoá mẫu mực vừa hiện thực hiếm có làm cho các tác phẩm điêu khắc Bút Tháp trở thành quốc bảo.

Chất hiện thực thể hiện mạnh và rõ nhất ở các tượng chân dung nhân vật được thờ ở đây. Họ là các nhà sư sáng lập, trụ trì chùa, các bà hoàng, quận chúa, công chúa đã góp công của xây dựng chùa, và cả các bà hoàng tộc xuất gia đi tu tại chùa.

Trong khám thờ nâu đỏ trang trí tinh vi nhưng không cầu kỳ là một thiếu phụ hoàng gia trong trang phục nền nã của bậc tu hành. Thế ngồi nghiêm trang, gương mặt “phẳng lặng như nước mùa thu”, cố tình không biểu cảm. Tuy nhiên đằng sau nếp áo quần giản dị được mô tả mềm mại, ấm áp một cách thần tình vẫn ẩn hiện một cơ thể thanh xuân yểu điệu. Vẻ mặt hoa da phấn thật phúc hậu và duyên dáng, hơi chút ngượng ngùng. Nhìn mà thấy tiếc cho người nữ xuân thì sao đã vội xa lánh cuộc đời. Màu sắc đơn giản và tinh tế tột đỉnh. Hoà sắc này có cái duyên thầm rất Việt Nam mà có lẽ danh hoạ Nguyễn Phan Chánh thế kỷ 20 là người duy nhất noi theo được.

Bức chân dung thứ hai nhiều màu sắc hơn, phục trang nhân vật sang trọng, lộng lẫy. Cô gái ở đây cũng sắc sảo hơn và rõ ràng là một trang quốc sắc thiên hương: khuôn mặt trái xoan, vành môi chúm chím, đôi mắt tình tứ, hàng chân mày như “núi mùa xuân”, cổ cao ba ngấn, tóc như mây… Tuy đủ các chuẩn đẹp lý tưởng, ta vẫn thấy đây chắc chắn là một cô gái cụ thể của vương phủ ở làng quê. Điều đáng kinh ngạc: đây là Thượng thiên thánh mẫu trong bàn thờ thánh ở gian phía sau chùa theo nguyên tắc “tiền (thờ) Phật, hậu (thờ) thánh” kết hợp tín ngưỡng Phật giáo với tín ngưỡng bản địa thờ Mẫu. Thái độ thẩm mỹ thế tục hoá, cá biệt hoá của Trương tiên sinh, của trường phái Bút Tháp là quá táo bạo. Phải chăng nó cũng phản ánh cái tinh thần “dân chủ làng xã” đã được định hình thời đó?

Tượng sơn thếp chỉ hoàn thành khi “điểm nhãn”, phần vẽ và tô màu quan trọng ngang (nếu không hơn) phần tạo khối. Tiếc rằng các pho tượng thánh mẫu này đã bị tô vẽ hoàn toàn sai lạc trong đợt trùng tu cách đây hơn mười năm. Một tổn thất ghê gớm đối với di sản Bút Tháp.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=127195
Thượng thiên thánh mẫu, Bút Tháp,gỗ sơn thếp thế kỷ 17.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=127196
Chân dung một nữ tu Bút Tháp, gỗ sơn thếp thế kỷ 17.

NGUYỄN QUÂN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Từ câu chuyện hạt lúa



TT - Lần thứ nhì sau hơn 30 năm, TP.HCM mới lại có một triển lãm điêu khắc cá nhân, sau triển lãm của Trần Việt Hưng năm 2006.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=469586
Bùi Hải Sơn bên tác phẩm Hạt lúa -Ảnh: V.Q.



Ðó là Nguồn - tên gọi cuộc triển lãm cá nhân đầu tiên của nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn sau 15 năm làm nghề, vừa được khai mạc tại phòng triển lãm Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM.

Chỉ với 19 tác phẩm nhưng đây là cuộc rong ruổi tìm nguồn trong suốt 15 năm trời. Khởi đầu là vào năm 1995, sau rất nhiều năm không làm nghề, Bùi Hải Sơn quay trở lại bằng một số tác phẩm điêu khắc chất liệu inox đề tài lúa nước. Tại sao là lúa? Bùi Hải Sơn lý giải bởi ông gốc gác nông dân nên lúa là cái mà ông hiểu nhất. Nghệ thuật là bắt đầu từ cái gần với mình nhất, mình thương yêu nhất. Bùi Hải Sơn quan niệm như vậy. Nhưng hình ảnh lúa nước trong điêu khắc của Bùi Hải Sơn thời kỳ đầu này mang dáng vẻ mô phỏng hiện thực nhiều hơn là khai mở cái đẹp ở chiều kích tâm trạng và cộng hưởng không gian cộng đồng.

Năm 2000 trở lại đây, từ những va chạm trong thực tiễn sáng tác, những kinh nghiệm học hỏi sau nhiều chuyến đi tham quan và dự trại sáng tác ở nước ngoài, Bùi Hải Sơn có điều kiện đi sâu hơn về đề tài này. Từ câu chuyện hạt lúa (mang vẻ hiện thực), Bùi Hải Sơn mở sang hạt giống (mang tính biểu tượng), rồi từ hạt giống chắt lọc thành cái tinh túy nhất là phôi (thiên về cảm giác). Cứ như thế câu chuyện hạt lúa cứ dẫn người nghệ sĩ đi.

Lúa là nguồn, bởi lúa là lương thực. Lúa là nguồn, bởi nó chứa đựng quy luật của sự sinh hóa: hạt giống tan đi cho cây lúa mọc lên, cây lúa nuôi hạt cho đến khi thành rơm rạ. Cứ như thế mỗi hạt giống mang trong mình quá khứ, hiện tại, tương lai. Từ những suy nghiệm đó, Bùi Hải Sơn miệt mài làm việc. Ông không sợ lặp lại mà chủ động lặp lại những thao tác kỹ thuật trên cùng một đề tài. Từ sự lao động đó tình cảm được chuyên chở đi, cái nhìn được thay đổi. Cho nên thoạt nhìn hạt lúa vẫn là hạt lúa, hạt giống vẫn là hạt giống, phôi vẫn là phôi. Nhưng nhìn kỹ lại không hẳn vậy. Mỗi tác phẩm có một dáng vẻ và hơi thở riêng.

Không chỉ mô tả cái đẹp, tác phẩm điêu khắc của Bùi Hải Sơn còn tiếp cận những vấn đề thời sự, như sự lãng quên nguồn cội, đất đai dần mất đi khiến những hạt giống không chỗ bám tựa để mọc lên.

Ðiểm độc đáo trong điêu khắc của Bùi Hải Sơn chính là những liên tưởng và giao thoa văn hóa. Ở triển lãm này, ngoài những tác phẩm chất liệu inox chủ đạo, còn có một tác phẩm hạt lúa được ghép lại bằng mảnh của hai chiếc xuồng gỗ. Nếu tách cái hạt lúa (khổng lồ) ấy ra thì thành hai chiếc xuồng. Và Bùi Hải Sơn cũng gọi đó là nguồn. Từ nguồn, sự sống bắt đầu khởi động và sự sáng tạo không bao giờ dừng lại.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=469587
Lúa trời của Bùi Hải Sơn - Ảnh: Bá Khanh




Cuộc chơi sang trọng và khổ ải
Điêu khắc là một cuộc chơi sang trọng nhưng cũng thật khổ ải. Bùi Hải Sơn là một trong ít nhà điêu khắc biết vượt qua khổ ải ấy để mang vẻ đẹp đến với công chúng. Được giới chuyên môn đánh giá là một nhà điêu khắc tận tâm và kỹ lưỡng. Từ sự kỹ lưỡng về kỹ thuật đó, tác phẩm của Bùi Hải Sơn mang những vẻ đẹp thật tinh tế.

Bùi Hải Sơn sinh năm 1957 tại An Giang. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1987. Hiện là giảng viên Đại học Kiến trúc TP.HCM. Từ năm 2000-2010 tham gia nhiều triển lãm điêu khắc trong nước và quốc tế.

THẦN NHÃ THỤY
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Những làng nghề trên đất vua



SGTT.VN - Có lẽ không ở đâu mà kinh đô lại được bảo bọc bởi nhiều làng nghề dân dã như ở “đất vua” An Nhơn, Bình Định. Trăm năm đã qua, những làng nghề vẫn lặng lẽ sống, hiền lành và cần mẫn như chính những con người nơi đây.

Gốm Vân Sơn và tiếng vọng thời gian

Rời thành phố Quy Nhơn chừng 20km về hướng bắc, đến thị trấn Đập Đá, hỏi làng gốm đất nung Vân Sơn, ai cũng biết. Vân Sơn là làng nghề cổ nhất của Bình Định còn đến bây giờ.

Nắng sớm của một ngày tàn đông lấp lánh trên những rặng cây, những đụn rơm, màu trên những phôi gốm phơi la liệt trên những khoảnh sân trống. Những chiếc siêu sắc thuốc xếp hàng, những cái niêu nho nhỏ để kho cá đồng, cái trã đất lớp lớp… Mỗi vật dụng gốm xếp hàng trên sân, dọc ngõ, ven đường gợi nhớ về thời hoàng kim của gốm đất. Cứ ngỡ, sang thế kỷ 21 sẽ không còn chỗ cho đồ đất. Ấy vậy mà làng nghề vẫn túc tắc sống bởi đất với người Việt không chỉ còn là đất mà “đất đã hoá tâm hồn”.

Lắng tai! Nghe tiếng sôi của siêu nước, tiếng lép bép của nồi cơm đang khô… ta mới cảm nhận rõ hơn về thời gian, cảm nhận về một thời xa xưa khi mà gốm đất có mặt trong hầu hết gia đình Việt. Thả bước quanh làng gốm, tôi lại nghĩ đến những ngọn tháp Chăm. Gốm Vân Sơn khởi thuỷ ở Nhạn Tháp, liệu những người thợ gốm tài hoa Việt có kế thừa truyền thống sản xuất gốm của người Chăm thuở trước? Có lẽ cũng có phần nào. Chẳng phải bao đời nay, gốm của làng nghề vẫn mang vẻ đẹp ấm trầm, tươi như màu gạch tháp đó sao. Gạch xây các tháp Chăm nhẹ xốp và gần như không bị đóng rêu, lên mốc; gốm Vân Sơn cũng có những đặc tính tương tự.

Gốm Vân Sơn, không cầu kỳ, trau chuốt, nó hồn hậu, chân chất như chính những người dân xứ này. Nói không ngoa, gốm cứ lặng lẽ sống, lặng lẽ góp phần làm dày thêm những tầng văn hoá Bình Định.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=127571
Chỉ cần lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất, người ta có thể thẩm định được chất lượng của rượu. Ảnh: Tiến Đạt



Hương rượu Cù Lâm
Rời làng gốm khi đã xế trưa. Mùa này, khung thời gian như hẹp lại, nắng trưa phơn phớt, gió lao xao trên đồng. Về làng rượu, chỉ mươi phút chạy xe máy. Thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, An Nhơn – làng rượu nhỏ, nép mình bên những hàng tre, làng nằm giữa những ruộng lúa xanh mướt.

Đến đầu thôn đã nghe hương rượu nồng nàn. Tới đây thấy lúa đồng đang chín/ Đứng lại nhìn thôn xa khói bay/ Không biết nhà ai đâu nấu rượu/ Thoang thoảng hương mùa đã muốn say (thơ Vũ Hữu Định). Làng vốn thanh bình với những đàn trâu thong thả về chuồng, tiếng gà lục cục gọi nhau... Về đến Cù Lâm mà tưởng như vừa chạy một mạch về làng quê Việt những năm 60, 70 của thế kỷ trước. Rượu nơi đây nặng hơn những nơi khác. Chỉ cần vài hớp là bạn có thể say say, nhưng chỉ sau một giấc ngủ, tỉnh dậy thấy người nhẹ tênh. Người xứ nẫu chắc không nhiều thời gian để khề khà. Họ uống đó, như chỉ để tận hưởng một chút rồi lại hối hả đi làm. Người làng rượu bảo rằng, nấu rượu có nghề, chỉ cần lắng nghe tiếng rơi của rượu trong vại sành lúc chưng cất và hương rượu thoáng qua là có thể thẩm định được chất lượng. Rượu chưng cất ở Cù Lâm – quen được gọi là rượu Bàu Đá, hương nồng nàn, trong veo, rót ra nghe giòn tan tiếng nước sủi tăm. Người ta nói, rượu Bàu Đá chỉ thật ngon khi nó được nấu bằng nguồn nước của chính cái bàu cùng tên. Cùng công thức đó nhưng hương rượu sẽ giảm đi nhiều khi nấu bằng nguồn nước khác. Và một điều kỳ lạ là cũng nguồn nước đó, công thức đó, nguyên liệu và con người đó nhưng khi đem chưng cất ở ngoài không gian thôn Cù Lâm thì rượu cũng mất đi mấy phần thơm ngọt.

Nón lá chợ “gà gáy”
Gọi là nón Gò Găng nhưng không phải nó được làm ở Gò Găng. Phần nhiều làm ở Nhơn Thành, Phú Gia (Cát Tường, Phù Cát), và Gò Găng là nơi họp chợ thôi. Nón Gò Găng có nét đặc trưng riêng, không quá mềm mại như nón Huế, cũng không quá “điệu đà” như chiếc nón quai thao. Nó chắc chắn, đủ bền để cùng người đi qua mùa mưa nắng miền Trung. Chợ nón Gò Găng nhóm mỗi ngày, bắt đầu vào quãng 3 giờ sáng và tan khi tiếng gà sang canh báo bình minh. Cũng vì vậy mà nhiều người vẫn quen gọi là “chợ gà gáy”.

Đêm đó, tôi xin ở nhờ nhà một bà cụ có hơn 50 năm làm nón. Khi trời còn tối đen nghe tiếng gọi khẽ của cụ “Cô ơi! Dậy đi chợ”. Mắt còn cay xè, tôi lẽo đẽo theo chân bà ra chợ. Bà cụ đội khoảng 30 cái nón, vừa đi vừa nói: “Bao năm, cứ ngủ đến giờ này là thức, quen rồi. Hôm nào trời mưa, không đi chợ được, nằm trằn trọc đến sáng”.

Chợ họp ở ngay ngã ba đường. Chỉ khoảng vài chục người mua bán với từng ấy ngọn đèn dầu. Chợ – nhưng không ồn ào, người ở đây biết nhau đã nhiều năm. Trong đêm, không rõ mặt người nhưng cái giọng nằng nặng những tiếng “sao na”, “dẫy hử”, “tời quơi”… của người xứ nẫu nghe chân chất. Cái lành lạnh của sương sớm đổ dài trên nền đất, ánh sáng loe loét đèn dầu cho cảm giác yên bình ngay khi đắm mình trong phiên chợ quê. Gà râm ran gáy, người dân quê bắt đầu thổi lửa, đón ngày mới… ra đồng.

Mươi năm trước, nhiều người cho rằng thời cáo chung của những làng nghề Bình Định đang đến. Làng gốm, làng nón, làng rượu, làng đan, làng khảm xà cừ, làng bún, làng bánh tráng… rồi sẽ chiếm những chỗ trang trọng trong… bảo tàng. Nhưng mọi sự không xấu như thế. Người ta bảo đó là do tỉnh nhà có nhiều nỗ lực chấn hưng làng nghề. Nhưng tôi còn tin ở sức sống bắt rễ từ những tầng văn hoá trầm tích hàng trăm năm ở đây.

Những niêu cơm vẫn thơm nức hương gạo mới ở nhiều nhà hàng, hương vị rượu Bàu Đá vẫn dư sức mê hoặc lòng người. Chợ nón vẫn họp và ngày càng nhiều người tò mò về thăm. Nhiều phiên, người xem chợ còn đông hơn cả người mua bán nón. Cái giản dị, hồn hậu của những làng nghề ở đất vua Bình Định cứ thầm lặng đan vào cuộc sống, nương theo những dòng chảy mà len tới hôm nay.

UYÊN THU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [4] [5] [6] [7] [8] [9] [10] ... ›Trang sau »Trang cuối