Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đi tìm người hát điệu trống quân xưa đất Kinh Bắc



SGTT.VN - Nhắc đến Kinh Bắc, người ta thường nghĩ ngay đến hình ảnh những liền anh áo the khăn đóng, liền chị áo mớ ba mớ bảy và câu quan họ làm say lòng người. Ít ai biết đất này còn có hát trống quân, một loại hình ca nhạc dân gian đã có từ bảy thế kỷ trước mà thôn Bùi Xá, Ninh Xá, Thuận Thành là một trong những làng rất nổi tiếng. Về Bùi Xá, gặp những nghệ nhân già của làng mới hiểu đã có thời, nam thanh nữ tú trong làng say điệu trống quân đến quên ăn, quên ngủ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=131674
Cụ Ngát và cụ Kiểm say sưa hát lại những điệu trống quân cổ.



Trống quân Bùi Xá là một trong ba nơi từng được lên kinh thành Thăng Long hát cho vua nghe. Đó là điều mà cụ Phạm Công Ngát, một trong những nghệ nhân biết hát trống quân điệu cổ còn lại của làng luôn tự hào khoe mỗi lần có khách phương xa ghé chơi. Bùi Xá bây giờ giàu lên nhờ nghề làm nem, nhà cao tầng mọc lên khắp làng. Lớp trẻ lớn lên bỏ làng ra Hà Nội học hoặc đi làm rồi ở luôn. Người lớn thì mải mê làm ăn. Chẳng ai còn để ý đến đã có thời, cứ mỗi độ trăng tháng tám, cả làng lại như mê như say với những đêm hát trống quân tới sáng. Chỉ những người già như cụ Phạm Công Ngát là luôn hồi tưởng và tiếc nuối.

Tháng tám em đi chơi xuân…
Bước sang tuổi 85, lại trải qua cơn tai biến mạch máu não nên nghệ nhân Phạm Công Ngát đã không còn minh mẫn nhanh nhẹn nữa. Trò chuyện với tôi, giọng cụ đã chậm chạp, không mạch lạc, do di chứng của cơn bạo bệnh. Nhưng lạ một điều, khi nói về trống quân thì cụ vụt thay đổi như nhập đồng. Giọng cụ trở nên linh hoạt, mắt sáng rực khi kể về những ngày đi hát thâu đêm, rồi say sưa thể hiện không quên một câu những điệu trống quân đã theo mình suốt thời trai trẻ.

Bắt đầu vào câu chuyện, cụ Phạm Công Ngát hát cho tôi nghe một đoạn, thường là khúc dạo đầu trong một canh hát: Tháng tám em đi chơi xuân. Đồn đây mở hội trống quân em vào. Cụ Ngát kể, những ngày mình còn bé và suốt thời thanh niên, cứ đến mùa trăng tháng tám là nam thanh nữ tú trong làng lại náo nức chuẩn bị trẩy hội trống quân. Từ mùng mười đến 20 tháng tám, đêm cả làng hầu như không ngủ vì say các canh hát.

Cụ Phạm Công Ngát vốn là con cụ Phạm Công Mùi, một nghệ nhân hát trống quân nổi tiếng đất Kinh Bắc, nên cụ đã quen với loại hình nghệ thuật này từ lúc còn trong nôi. Những đêm tháng tám, khách thôn khác lại kéo đến đầy nhà, nghệ nhân Phạm Công Mùi sẽ đứng ra tổ chức thi hát đối đáp. Từ những đêm như thế mà trống quân đã ngấm sâu vào máu cậu bé Ngát, và chẳng cần dạy mà cứ thế biết hát, cứ thế biết đối đáp. 15 tuổi, cụ Ngát đã là một liền anh trong phường hát trống quân của làng và như có ma lực, trống quân đã khiến cậu bé ngày ấy say sưa với các canh hát đêm này qua đêm khác. Thỉnh thoảng, cậu lại theo cha sang hát giao lưu với các làng khác.

Ở cái tuổi 80, ít ai có thể ngờ người bạn đời của cụ Ngát là nghệ nhân Vũ Thị Kiểm còn giữ được chất giọng ngân nga truyền cảm như thời con gái. Mặc dù giọng không còn khoẻ và hơi không còn đầy như xưa, nhưng cụ vẫn cùng cụ ông say sưa hát, say sưa xướng hoạ. Trừ một cụ năm nay đã 90 tuổi, không còn hát được nữa thì vợ chồng cụ Ngát là những người cuối cùng của cái thời cả làng còn hát trống quân thâu đêm mỗi độ trăng tháng tám. Cụ Kiểm kể, mình vốn không phải người làng Bùi Xá mà ở làng Đa Thiện, Xuân Lâm, Thuận Thành. Đa Thiện cũng là một làng hát trống quân có tiếng nên ngay từ lúc vừa độ tuổi trăng rằm, cụ đã tham gia những canh hát thâu đêm. Cụ bảo thời đó người ta mê hát đến độ dù hôm sau phải ra đồng nhưng vẫn hát đến khi gà gáy sáng mới về nhà, chỉ ngủ một chút rồi dậy ra đồng. Thế mà có khi ra đồng vẫn còn hát véo von. Cụ và cụ Ngát gặp nhau khi cùng chiến đấu, say nhau bởi câu hát mà thành vợ chồng.

“Báu vật già” của làng
Trống quân Bùi Xá không còn được tổ chức thành hội nữa bắt đầu vào những năm 50. Nguyên nhân là do chiến tranh, do phải tập trung cho sản xuất, nhiều hoạt động hội hè bị xếp lại. Mãi đến năm 2003 thì hát trống quân mới lại được chú ý và khôi phục. Theo ông Lê Bá Bạo, chủ nhiệm câu lạc bộ đàn và hát dân ca của làng Bùi Xá, thì trong làng chỉ còn ba người là cụ Ngát, cụ Kiểm và cụ Chức là còn hiểu và hát được trống quân đúng điệu ngày xưa. Các cụ chính là những “báu vật” của làng. Gián đoạn bao nhiêu năm nhưng ngọn lửa trống quân vẫn âm ỉ cháy, từng lời từng điệu hát vẫn in sâu trong tâm trí các cụ.

Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng cụ Ngát vẫn nhớ cách hát và những điểm khác biệt của trống quân Bùi Xá. Cụ say sưa nói, giọng mê đi như đang có từng nhịp trống quân của quá khứ vọng về trong tâm trí. Cụ Ngát giảng giải, một canh hát được bắt đầu bằng tiết mục chào hỏi, giao lưu rồi mời nước, mời trầu. Nhưng hấp dẫn và sôi nổi, thu hút đông người xem nhất là màn xướng hoạ giữa hai bên. Để hoạ được hàng trăm câu của đối phương đưa ra, người hát phải là người có kiến thức rộng, sự ứng biến mau lẹ và khả năng linh hoạt trong từng câu hát. Chính vì thế mà một canh hát trống quân có thể kéo dài đến vài ngày, đêm này nối tiếp đêm khác cho đến khi một bên chịu thua. Kể đến đoạn này, cụ Phạm Công Ngát cười hóm hỉnh, hồi đó nếu bên thua là con trai có khi bị lột quần áo, còn con gái thua thì bị cõng chạy đi mất. Thế mà nhiều đôi nên vợ nên chồng.

Theo cụ Ngát thì điểm khác biệt của trống quân Bùi Xá chính là hát đối như một cuộc thi đấu. Ngoài ra, trống quân của Bùi Xá còn có đặc điểm giống một canh hát quan họ với trình tự và nội dung rất bài bản. Những người hát trống quân trong phường được gọi là liền anh, liền chị và khi kết thúc canh hát có màn giã bạn. Cách hát của trống quân Bùi Xá cũng mang đặc trưng riêng như người hát luôn sử dụng điệp từ, nhấn từ, đặc biệt là có lối hát “dở giọng”.

Ngày xưa, các canh hát được tổ chức hát ngoài điếm và trong canh hát đó không thể thiếu được trống hay còn gọi là thổ cổ. Thông thường, người ta đào một hố nhỏ sâu chừng 80 phân, bỏ vào trong hố những vỏ ốc nhồi rồi úp một miếng gỗ mỏng lên trên, rồi dùng dây mây căng ngang mặt ván, rồi cột mỗi đầu dây bằng một cọc gỗ. Trai gái sẽ ngồi cách nhau mười mét, ở giữa là chiếc trống và mỗi lần hát sẽ lấy que tre gõ vào dây tạo ra âm thanh như tiếng trống. Nét độc đáo của trống quân Bùi Xá chính là có thêm những vỏ ốc nhồi khiến âm thanh trong và du dương hơn.

Ông Lê Bá Bạo cho biết, gần đây, cũng có nhiều người bắt đầu học hát trống quân từ những người cao niên trong làng, nhưng chủ yếu là những người già tuổi 50 – 60, chứ ít có người trẻ muốn học. Mà chỉ học để thỉnh thoảng biểu diễn trên sân khấu chứ không phải sống cùng trống quân, thở cùng trống quân như các cụ ngày xưa. Thời gian đầu khi trống quân mới được khôi phục, cụ Ngát và cụ Kiểm đã tổ chức dạy hát tại chính sân nhà mình. Nhưng rồi người học cứ thưa dần rồi vắng hẳn.

Nghệ nhân Phạm Công Ngát cũng cho biết, hiện nay mình sưu tầm được khoảng 70 bài hát trống quân điệu cổ và chỉ những người như cụ hay cụ Kiểm là có thể hát được đầy đủ. Cả hai cụ đều có chung nguyện vọng có thể truyền hết được những làn điệu ấy cho thế hệ sau thì có nhắm mắt mới yên lòng.

bài và ảnh: Hà Dịu
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Bánh tằm Ngan Dừa



AT - Đến chợ Ngan Dừa (Bạc Liêu), nếu bạn thưởng thức bánh tằm thì sẽ không thể nào quên được hương vị đặc trưng của món ăn dân dã này.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=474345



Để làm cọng bánh lớn gần bằng thân con tằm, người ta xay nhuyễn gạo, hòa với nước lạnh rồi đem hồ nấu trên ngọn lửa liu riu. Trong khi chờ hồ nguội, rây bột trên cái mâm rồi xe hồ thành từng dây dài trên đó. Vì dùng tay xe nên cọng bánh hơi thô, to không đồng đều và có độ dài ngắn khác nhau. Chính vì sự "ô dề" này mà cọng bánh có vị ngon lạ, những cọng bánh ép bằng khuôn không sao có được. Bánh xe xong đem hấp trong xửng, nhờ lớp bột rây trên mâm nên cọng bánh chín không dính vào nhau.

Nói món ăn dân dã này là đặc sản không có gì quá đáng. Bởi ngoài cọng bánh bự còn có sự hiện diện của xíu mại mà không nơi nào làm như vậy. Có lẽ món ăn này đã ảnh hưởng văn hóa ẩm thực của xứ sở "Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều Châu" với món xíu mại đặc trưng của người Hoa.

Để làm viên xíu mại, người ta dùng thịt ba rọi và gan heo băm nhỏ cùng củ sắn đã vắt ráo nước. Trộn đều hỗn hợp này với đường, tỏi, hành phi, tiêu và một chút bột mì, một ít bột ngọt. Vo từng viên bự cho vào xửng hấp chín. Nhưng có thể thấy bánh tằm Ngan Dừa đậm đà bản sắc văn hóa ẩm thực của người Kinh nhờ bì. Bì được làm bằng da heo và thịt nạc luộc chín, xắt từng sợi hơi to, trộn với thính và đậu phộng rang đâm nhuyễn, nêm thêm đường và bột ngọt cho đậm đà hương vị.

Cho bánh tằm lên một nửa đĩa, một góc phủ bì, dưa leo băm nhỏ xắt sợi trộn với rau thơm cùng giá sống và viên xíu mại nằm kế bên. Chan lên mặt bánh nước xốt cà chua, rắc một ít tiêu bột. Cầm muỗng múc nước mắm giấm đường tỏi ớt chan lên mặt bánh, dùng đũa trộn đều. Vậy là thực khách đã có món ăn khó quên. Cọng bánh tằm to tạo cảm giác "xừn xựt" khi nhai. Dường như mỗi cọng bánh có độ ngon khác nhau nhờ xe hồ thủ công. Vị chua mặn cay ngọt của nước chấm và mùi thơm các loại rau xanh, dưa leo bằm như hòa lẫn vào nhau trong cái ngọt nhẹ giòn thanh của giá sống. Lúc lúc, cắn một miếng xíu mại ngọt lừ vị thịt, béo ngậy vị mỡ, lòng thích thú lâng lâng!

Bánh tằm Ngan Dừa nổi tiếng từ nhiều năm qua. Tuy nhiên bánh tằm Ngan Dừa đâu chỉ có vậy. Bởi, còn có "phó sản" bánh tằm ngọt phục vụ những người ăn chay. Bánh chay khi hòa bột làm hồ người ta thêm đường. Chỉ cần chan nước cốt dừa lên là người ăn chay cũng no nê một buổi sáng.

Ở Cần Thơ, bánh tằm hình thức giống bánh tằm Ngan Dừa đã có mặt tại Nhà hàng Hoa Cau (4 Hai Bà Trưng, quận Ninh Kiều) với tên gọi "Bánh tằm bì xíu mại", giá 10.000 đồng/đĩa.

THỤY KHANH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tranh thờ rộ nở



SGTT.VN - Xứ sở của thần linh là trời – đất và nước. Vương quốc thần linh của các dân tộc miền núi phía Bắc như Dao, Tày, Nùng, Sán Dìu, Cao Lan… quả là mênh mông và sặc sỡ, huyền bí, ma mị mà thô mộc, ấm áp. Các thầy mo, thầy tào, thầy cúng là các người hướng dẫn ta vào thế giới tâm linh ấy.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=133050



“Cây thần hệ đạo giáo được chia làm bốn bộ thần vị: bộ thứ nhất Thiên tôn 32 loại thần vị, bộ thứ hai Hộ pháp thần tướng gồm 9 loại thần vị, bộ thứ ba Địa tiên 54 loại thần vị, bộ thứ tư Dân gian cát thần 54 loại thần vị. Có loại chỉ có một thần, có loại lại có nhiều thần. Vì thế số lượng thần đạo giáo là rất đông đảo và phức tạp” (Tranh thờ Việt Nam, 2009)... Mỗi dân tộc lại thêm bớt tuỳ theo tín ngưỡng bản địa, ví dụ như ở Việt Nam không có thần Lý Bạch mà có Tam toà thánh mẫu do đạo mẫu phổ biến. Nguyên lý tam giáo đồng nguyên cũng dung nạp cả tranh thờ Phật vào đây. Đạo giáo ở Bắc Việt Nam không có đạo quán nên không có tượng. Bù vào đó tranh thờ đạo mẫu ở đồng bằng và đạo giáo ở miền núi vô cùng phong phú.

Một bộ tranh đầy đủ không dưới 150 bức, là cả một phòng triển lãm đồ sộ. Còn ít nhất cũng phải có ba bức Tam thanh ngọc hoàng, mười bức Thập điện diêm vương và bốn bức Hộ pháp tứ nguyên thì mới đủ để hành lễ. So với tranh tết thì tranh thờ có số nhân vật hình tượng đông đúc hơn nhiều. Nội dung đề tài tất nhiên phức tạp và khó hiểu hơn, nhưng cũng rất quen thuộc với mọi người như nhị thập bát tú tượng trưng bằng các con vật, Nam tào, Bắc đẩu, Ngọc hoàng thượng đế, quỷ sứ và các hình phạt ghê sợ nơi địa ngục, các linh vật rồng, phượng, hổ, các biểu tượng vòng xoáy đầu thai, luân hồi, mây gió sóng nước và hoa cỏ... Tác giả của thế giới mỹ thuật đặc sắc này là các thầy cúng, tào, mo. Nếu vẽ không xuể thì họ thuê các hoạ sĩ Trung Quốc và người Việt dưới xuôi như Đông Hồ, Hàng Trống thực hiện theo yêu cầu cụ thể. Nếu tranh tết khổ nhỏ thì tranh thờ có khuôn khổ rất hoành tráng: có bức dài tới năm thước, cao vài ba thước.

Từ khi khôi phục đời sống tâm linh, tranh thờ càng nở rộ, được người dân hâm mộ và giới sưu tầm săn lùng. Năm 2009 tại Hà Nội có nhà sưu tầm (là một thợ mộc giỏi chuyên làm khung tranh) đã tổ chức triển lãm giới thiệu bộ sưu tập tới 400 bức của mình và in một vựng tập rất đẹp cùng lời giới thiệu của Phan Cẩm Thượng. Thiết nghĩ người yêu nghệ thuật không thể bỏ qua kho tàng quý giá này.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

UNESCO bảo tồn khu tượng Phật Afghanistan



TT - Cơ quan văn hóa giáo dục của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) vừa công bố kế hoạch bảo tồn các khu vực đặt bức tượng Phật khổng lồ ở thung lũng Bamiyan - một khu vực Phật giáo cổ của Afghanistan nằm trên Con đường tơ lụa. Mười năm trước, Taliban đã đặt thuốc nổ để phá hủy những bức tượng khổng lồ (cao hơn 50m) ở đây.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=486585
Một bức tượng Phật ở Bamiyan năm 1976, trước khi bị Taliban phá hủy - Ảnh: Marco Bonavoglia/ Wikipeadia Commons



UNESCO thông báo các chuyên gia quốc tế và quan chức Afghanistan đã không thống nhất xây lại bản sao của các bức tượng bị phá hủy, nhưng đề nghị xây một số bảo tàng ở khu vực gần đó. Họ cho rằng nơi đặt hai bức tượng bị trống hiện nay nên tiếp tục để trống, coi như một ghi nhớ về bạo lực đã xảy ra ở khu vực. UNESCO nhận định cần xây dựng một bảo tàng trung tâm ở Bamiyan và các bảo tàng nhỏ hơn trong khu vực để bảo tồn và trưng bày các hiện vật được tìm thấy trong không gian văn hóa ở thung lũng vốn là tài sản thuộc di sản thế giới.

H.NGUYÊN (Theo AFP)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Đến Việt Nam để học và dạy... thêu



SGTT.VN - Trong phần tiểu sử của mình, Lionel Descostes viết: “Từ 2001 tới 2009: Tôi khoá mình trong xưởng thêu riêng của mình để khám phá nghề thêu truyền thống Việt Nam, sáng tác những tác phẩm thêu của riêng mình và dạy những cô gái câm điếc nghề thêu”.

Vẫn chỉ bằng kỹ thuật thêu tay một chỉ, người nghệ sĩ quốc tịch Pháp đã tạo nên một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với nghệ thuật thêu. Phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc phỏng vấn thú vị với nghệ sĩ Lionel Descostes.

Tôi hình dung là khi mới tiếp cận kỹ thuật thêu truyền thống của Việt Nam, anh thấy thích thú và tìm tới sự chỉ dạy của các nghệ nhân tại các làng nghề quanh Hà Nội?

Cũng không hẳn vậy. Tôi đã lang thang bốn năm khắp các nước như Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Ấn Độ… rồi năm 2000 mới tới Việt Nam. Vốn là người được đào tạo về lịch sử nghệ thuật và có sự quan tâm đặc biệt tới các chất liệu nghệ thuật truyền thống của các nước châu Á, qua các sách hướng dẫn du lịch và được vài người bạn giới thiệu, tôi tới các làng nghề thêu lâu năm quanh Hà Nội như Quất Động để tìm hiểu. Quan sát kỹ thuật thêu một chỉ của những người thợ thêu ở đây, tôi bị mê hoặc hoàn toàn. Nếu nói là một người cụ thể nào đó dạy tôi thì không đúng vì chẳng có ai cụ thể cả. Cách học của tôi là tới các xưởng thêu để xem họ làm việc, về nhà tự dựng một xưởng mini cho mình và thực hành. Tôi cũng dựa theo một số cuốn sách dạy thêu bằng tiếng Việt mà tôi tìm được ở hiệu sách cũ nữa. Mặt khác, là một nghệ sĩ sáng tạo, tôi rất thích tự mình trải nghiệm những điều mới lạ. Quả thực tự học thêu không hề dễ, nhất là với một người đàn ông không khéo léo cho lắm lại có vốn tiếng Việt gần như là số không. Tôi đã nhờ cậy bạn bè dịch hộ mấy cuốn sách để đọc và hiểu cách làm, hiểu nguyên lý của kỹ thuật thêu một chỉ. Mất khoảng sáu tháng tôi mới thành thạo về mặt kỹ thuật và làm được một sản phẩm tương đối hoàn chỉnh.

Nhưng tại sao sau tám năm nắm được những kỹ thuật của thêu một chỉ, anh mới giới thiệu các tác phẩm của mình với công chúng?

Có hai lý do. Thứ nhất, ngay từ khi bắt đầu đến với nghề thêu và làm ra những tác phẩm đầu tiên, tôi không hề nghĩ đến việc phải đưa cho ai đó xem. Những tác phẩm này tôi làm cho chính mình. Chúng phục vụ sự đam mê của tôi với một chất liệu văn hoá truyền thống rất thú vị và độc đáo. Tất nhiên, sau này khi các tác phẩm ra đời nhiều hơn, tôi cũng giới thiệu chúng với bạn bè. Những đánh giá tích cực của mọi người khiến tôi bắt đầu nghĩ tới việc giới thiệu công việc của mình với công chúng.

Và lý do thứ hai, tôi là người khá cầu toàn. Chính vì thế tôi không thấy khoảng thời gian tám năm “ăn, ngủ” với những tác phẩm thêu là quá dài. Bởi nó khiến tôi khám phá sự thú vị của kỹ thuật và tìm ra tiếng nói riêng của mình trong các tác phẩm.

Vậy tiếng nói riêng của anh trong những tác phẩm thêu là gì?

Các tác phẩm của tôi đều được đóng khung trong những khuôn hình cơ bản vuông hoặc chữ nhật. Chúng ta tạo ra rất nhiều hình dạng mới với một kiểu “triết lý” về quan niệm nghệ thuật phải khác người, kỳ lạ. Nhưng khi anh quá nhấn mạnh tới những yếu tố hình thức đó, anh sẽ dễ dàng bỏ quên thứ quan trọng hơn là nội dung bên trong. Tôi muốn gửi gắm một thông điệp rằng những nền tảng cơ bản vẫn có thể tạo ra những giá trị thẩm mỹ cao và vô cùng khác biệt.

Sự lặp lại là một đặc điểm của kỹ thuật thêu một chỉ. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong tác phẩm của tôi. Nó tạo ra sự phóng khoáng trong đường nét khiến tác phẩm không chỉ là phương tiện thể hiện cái tôi của nghệ sĩ mà có đời sống riêng của nó. Khi đó tôi mới tạo ra được chút gì tự nhiên, nhẹ nhàng, gợi cảm xúc rằng cái hồn của tác phẩm bắt đầu lộ diện.

Được biết, không chỉ sáng tác các tác phẩm thêu, anh còn “truyền nghề” cho một số em gái Việt Nam bị câm điếc?

Tôi có chín cô học trò nhỏ đều bị câm điếc. Trong hai năm qua, tôi đã giúp họ học và tạo ra các sản phẩm thêu của riêng họ. Phải nói thật là việc hướng dẫn để các em có thể thêu được một cách thành thạo là một thử thách ghê gớm đối với tôi. Kỹ thuật thêu không hề đơn giản, các em lại câm điếc, giao tiếp giữa chúng tôi rất khó khăn. Nhưng chính các em đã giúp tôi hiểu được triết lý về chữ “nhẫn” của người phương Đông.

Tôi dạy các em vì tôi tin rằng nghệ thuật luôn có ích với bất cứ ai. Khi dạy các em, tôi chỉ mong nghệ thuật giúp các em thấy yêu đời hơn. Nhưng bây giờ tôi vô cùng tự hào vì bên cạnh những tác phẩm thêu cho bản thân, các em tự làm được những sản phẩm thêu có thể tạo thu nhập cho cuộc sống.

Tôi cũng thấy nghề thêu một chỉ đang mai một dần ở Việt Nam vì thêu bằng máy công nghiệp đạt năng suất cao mà tạo thu nhập nhanh hơn rất nhiều.

Nhưng tôi vẫn coi việc sáng tạo những tác phẩm là công việc chính của mình. Có thể tôi sẽ viết một cuốn sách nhỏ dạng cẩm nang để lưu giữ những nguyên tắc của kỹ thuật thêu một chỉ trước khi nó hoàn toàn bị quên lãng. Đó sẽ là sự tri ân của tôi với những nghệ nhân thêu còn rất ít quanh Hà Nội. Họ là những người đã gián tiếp dẫn dắt tôi đến với công việc tuyệt vời này.

Cảm ơn anh.

bài và ảnh Dung P.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132484
Những tác phẩm thêu của L. Descostes: Những mối quan hệ.



http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=132486
Track-3: thêu tay trên chất liệu vải taffeta.

Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Trần Đức Thảo – trở về từ quên lãng



SGTT.VN - Trong cuộc toạ đàm về nhà triết học Trần Đức Thảo, với tư cách chủ toạ, nhà phê bình văn học – sân khấu Jean-Pierre Han, tổng biên tập tạp chí Les Lettres Françaises (Văn chương Pháp, ra đời năm 1941) và nhà triết học Jean-François Poirier đã thông báo một quyết định khá bất ngờ: Les Lettres Françaises sẽ thực hiện một chuyên đề về Trần Đức Thảo, người được xem là nhà triết học của cả hai quốc gia Pháp và Việt Nam.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=122032



Phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị đã có cuộc trao đổi với hai diễn giả đang cố gắng làm hồi sinh tên tuổi của con người mà theo GS Trần Văn Giàu, là nhà triết học duy nhất của chúng ta.

Vì sao nhà triết học Trần Đức Thảo của Việt Nam lại trở thành nhân vật chính trong chuyên đề triết học trên tạp chí Les Lettres Françaises, thưa ông?

Jean-Pierre Han:
Đối với tôi, Trần Đức Thảo là một trong những triết gia Việt Nam xuất sắc nhất. Nếu tính đến quãng thời gian tu nghiệp tại Pháp và những tác phẩm viết bằng tiếng Pháp, được ấn hành tại Pháp của ông thì Trần Đức Thảo còn là một triết gia Pháp. Những phát kiến và tư tưởng của ông được các triết gia cùng thời như Jean-Paul Sartre, Louis Althusser, Jacques Derrida, Pierre Bourdieu… công nhận. Chúng tôi đã thực hiện nhiều chuyên đề về các nhà triết học này, vậy thì tại sao lại không có một chuyên đề về Trần Đức Thảo? Chuyên đề về nhà triết học Trần Đức Thảo sẽ ra mắt độc giả Pháp, không nhân một sự kiện nào cả, cũng hoàn toàn bỏ qua tiêu chí thương mại. Các bạn bảo chúng tôi táo bạo ư? Chúng tôi chấp nhận. Và thực sự hy vọng, đây sẽ là bước tạo đà cho một quá trình nghiên cứu sâu rộng về những đóng góp to lớn của Trần Đức Thảo.

Tôi muốn chia sẻ một câu chuyện nằm ngoài khoa học. Đó là, dù xa Việt Nam nhiều năm, nhưng tôi vẫn nhớ, dù không rõ ràng lắm, thuở nhỏ, Trần Đức Thảo, Nguyễn Khắc Viện và nhiều trí thức khác thường xuyên ghé thăm nhà tôi, đôi khi một cách bí mật vì đó là thời kỳ chiến tranh Đông Dương. Gợi lại tác phẩm của Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises, cũng là một cách để hồi tưởng kỷ niệm ấu thơ, và tìm lại quê hương Việt Nam của tôi.

Rất khó để chấm điểm các tư tưởng của một triết gia, hoặc so sánh triết gia này với triết gia kia. Tuy nhiên, độc giả Việt Nam đều muốn biết, phát kiến nào của Trần Đức Thảo đã làm “sửng sốt” giới triết học Pháp nói chung, và hai ông nói riêng?

Jean-François Poirier:
Tư tưởng của Trần Đức Thảo được các đồng nghiệp cùng thế hệ khâm phục, điều đó không phải bàn cãi. Còn với riêng tôi, có hai điều ở Trần Đức Thảo gây cho tôi ấn tượng sâu sắc. Một là Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng, tác phẩm đánh dấu bước chuyển biến của ông từ hiện tượng luận sang chủ nghĩa duy vật biện chứng. Chính từ đây, rất nhiều nhà triết học Pháp đã tiếp nối Trần Đức Thảo đi sâu nghiên cứu chủ nghĩa Mác và cổ suý cho những tư tưởng của chủ nghĩa Mác. Thứ hai, ông là nhà triết học duy nhất mạo hiểm công bố kết quả nghiên cứu về nguồn gốc của ngôn ngữ, ngay trong thời điểm vấn đề này bị cho là không mang tính khoa học và nhiều thập kỷ bị giới nghiên cứu tẩy chay. Trong tác phẩm Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, được NXB Xã Hội (Paris) ấn hành năm 1973, ông khẳng định, nguồn gốc của ngôn ngữ là cử chỉ. Kết luận này có thể không tuyệt đối chính xác, nhưng sự dũng cảm của ông thật đáng ngưỡng mộ.

Đã khi nào các ông thử tìm cách lý giải, vì sao một hiện tượng như Trần Đức Thảo lại ít được biết đến, sớm bị lãng quên, tại Pháp và thậm chí ngay ở chính quê hương Việt Nam? Phải chăng là vì những tư tưởng của ông đã trở nên lỗi thời?

Jean-Francois Poirier:
Theo quan điểm của tôi, tư tưởng của những triết gia lớn không bao giờ lỗi thời. Tại Pháp, có một số nguyên nhân khách quan khiến cái tên Trần Đức Thảo dần bị quên lãng, chủ yếu do cuộc tranh luận về nguồn gốc của ngôn ngữ nhiều năm nay vẫn bị đóng băng. Và những tác phẩm của Trần Đức Thảo về vấn đề này, vì thế, không còn được chú ý. Tại thành phố Huế của Việt Nam, chúng tôi từng tiến hành một nghiên cứu về Trần Đức Thảo, với rất nhiều giáo sư trong lĩnh vực triết học tham dự. Tôi nhận thấy, khá nhiều người ở tuổi trung niên biết về Trần Đức Thảo. Nhưng tư tưởng và các công trình nghiên cứu của ông đúng là không phổ biến. Hay bởi như người Việt thường nói: Bụt chùa nhà không thiêng!

Jean-Pierre Han: Tôi phải ngại ngùng thừa nhận, nước Pháp có khả năng quên lãng những gì không liên quan đến di sản của chính mình. Còn về phía Việt Nam thì chính các bạn phải tự trả lời câu hỏi này.

Đến đây với mong muốn vừa chia sẻ, vừa tìm kiếm các tư liệu về Trần Đức Thảo. Qua buổi toạ đàm này, các ông có thêm những khám phá thú vị nào về nhà triết học của hai quốc gia Pháp, Việt?

Jean-Francois Poirier:
Tôi cực kỳ ấn tượng với một chiêm nghiệm của Trần Đức Thảo mà nhà văn Nguyễn Đình Chính vừa kể lại tại toạ đàm: trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại. Đó là lời nói của một hiền triết.

Jean-Pierre Han: Tôi nghĩ đến việc xuất bản chuyên đề sắp tới về Trần Đức Thảo trên Les Lettres Françaises bằng tiếng Việt. Và các bạn sẽ hiểu được vì sao và bằng cách nào, Trần Đức Thảo lại được các triết gia nổi tiếng của Pháp ngưỡng mộ.

Sau khi trở về Pháp, các ông sẽ có những hành động nào nhằm khơi dậy mối quan tâm về Trần Đức Thảo và các công trình nghiên cứu của ông?

Jean – Francois Poirier: Hiện tại ở Pháp, các tác phẩm của Trần Đức Thảo không còn hiện diện trên các kệ sách nữa. Ngoài chuyên đề về Trần Đức Thảo trên tờ Les Lettres Françaises, tới đây, chúng tôi sẽ tìm cách tái bản cuốn sách Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Trần Đức Thảo. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiến hành thu thập, tập hợp tất cả các tác phẩm của Trần Đức Thảo, bằng tiếng Việt và tiếng Pháp, để làm thành một bộ sưu tập.

Hy vọng, những nỗ lực trên sẽ có kết quả.

thực hiện: Hương Lan
chân dung hội hoạ: Trịnh Cung


Nhà triết học Trần Đức Thảo (1917 – 1993) được xem là một hiện tượng hiếm có. Năm 1936, ông được nhận học bổng du học tại Pháp, và sau đấy, đỗ thủ khoa kỳ thi thạc sĩ triết học của đại học Sư phạm, một trong những trường đại học danh giá nhất của Pháp bấy giờ (học vị thạc sĩ của Pháp khác hoàn toàn với bằng thạc sĩ tại Việt Nam; thạc sĩ ở Pháp là điều kiện để trở thành giáo sư đại học; đạt được học vị này khó hơn làm tiến sĩ nhiều). Trong số các nghiên cứu của ông, nổi bật nhất là hai tác phẩm “gây chấn động nước Pháp”: Hiện tượng luận và chủ nghĩa duy vật biện chứng và Cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức. Hai tác phẩm này cùng nhiều tác phẩm khác của ông đã được xuất bản tại Pháp, Mỹ, Hungary, Anh, Đức, Tây Ban Nha… Với những đóng góp to lớn của mình, Trần Đức Thảo được giới thiệu trang trọng trong cuốn Từ điển các nhà triết học, NXB Đại Học (Paris) ấn hành 1984. Năm 2000, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học xã hội. Mặc dù từng rạng danh tại Pháp, nhưng trên chính quê hương Việt Nam, cái tên Trần Đức Thảo cùng những nghiên cứu có giá trị của ông lại chưa được nhiều người biết đến.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Riccardo Muti nhận giải cao nhất của âm nhạc cổ điển



TT - Nghệ sĩ chỉ huy dàn nhạc người Ý Riccardo Muti vừa được trao thưởng 1 triệu USD khi ông chiến thắng trong giải Birgit Nilsson. Đây là giải thưởng có trị giá lớn nhất của âm nhạc cổ điển trên thế giới.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=487492



Hiện Muti chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Chicago (Chicago Symphony Orchestra). Ông được tưởng thưởng vì những đóng góp lớn lao trong lĩnh vực opera và hòa nhạc.

Nghệ sĩ 69 tuổi đã “rất xúc động” khi được biết mình được chọn để nhận giải thưởng đặc biệt này. Lễ trao giải chính thức sẽ được tổ chức ở Stockholm ngày 13-10-2011. Ông là người thứ hai nhận giải thưởng của Quỹ Birgit Nilsson - được thành lập sau khi nghệ sĩ opera Birgit qua đời.

Hội đồng giám khảo lựa chọn bao gồm ít nhất năm thành viên, năm nay có sự tham gia của chủ tịch Dàn nhạc giao hưởng Vienna. Tuần trước, ông Muti đã lên sân khấu chỉ năm tuần sau khi phẫu thuật tim.

Giải Birgit Nilsson lần đầu tiên được trao năm 2009 cho nghệ sĩ giọng nam cao của Tây Ban Nha Placido Domingo.

H.NGUYÊN (Theo BBC)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người làm vườn Việt và vườn thơ Nhật



SGTT.VN - Thơ trong Vườn thơ trăm hương sắc là thuộc loại waka (tanka). Waka được đặt ra vào thời Heian (794 – 1185) biểu thị chung cho tất cả các thể tanka, chòka, sedòka, katauka, nhưng về sau riêng dùng chỉ tanka. Tên gọi tanka là do nhà thơ và nhà phê bình Nhật Bản Masaoka Shiki đặt ra đầu thế kỷ 17 với nghĩa là thơ waka đổi mới và hiện đại. Vắn tắt như trên về thơ Nhật Bản cổ điển để thấy sự công phu của tiến sĩ Trần Thị Chung Toàn khi đưa Vườn thơ trăm hương sắc của Nhật Bản về Việt Nam.

http://sgtt.com.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=122848
Tập thơ Vườn thơ trăm hương sắc do Trần Thị Chung Toàn chuyển ngữ từ nguyên bản Ogura Hyakunin Isshu. NXB Thế Giới, 10.2010



Chị tâm sự: “Chọn tập thơ này để dịch, tôi muốn đi vào cái thế giới tâm tình của các thi sĩ cổ điển Nhật Bản, một thế giới còn rất xa lạ với các thi nhân Việt Nam, với giới nghiên cứu về Nhật Bản ở Việt Nam và người Việt Nam nói chung, tôi cũng muốn mượn thơ người để nói hộ đôi chút những xúc cảm của lòng mình mà không phải khi nào cũng dễ dàng nói được”.

Dịch cho mình, hiển nhiên, nhưng cũng dịch cho nhiều người đọc, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên, nên Chung Toàn không bằng lòng dừng lại ở việc chuyển nghĩa, chuyển thơ từ 31 âm tiết tiếng Nhật sang thành 3 hoặc 7 câu thơ Việt. Chị còn chú giải về các tác giả, bình chú về các tác phẩm, phân tích những điểm cần chú ý về từ ngữ, hình ảnh. Ai cũng biết dịch thơ là khó vô cùng, dịch thơ cổ điển càng khó vì thơ của mỗi dân tộc là thể hiện cao nhất của ngôn ngữ dân tộc đó. Mà ngôn ngữ mỗi nước thì có những đặc trưng riêng, không bao giờ tương hợp tương ứng hoàn toàn với một ngôn ngữ khác. Chung Toàn ý thức rõ điều này, và chị cũng tâm niệm là dịch thơ phải chuyển tải được tâm trạng của nhà thơ. Để được thế, chị đã chọn dịch thơ tanka của Nhật Bản theo lối thơ mới Việt Nam, chứ không phải theo dạng lục bát cổ truyền. Khuôn theo lục bát thì phải định dạng theo thể thơ nên rất dễ phải thêm từ, chêm từ, điều thường gặp trong cách dịch thơ ở ta. Chưa kể là lục bát mang áp lực Việt rất mạnh, nó dễ làm “Việt hoá” quá mức thơ nước ngoài. Dùng thơ mới tự do có thể hạn chế tối đa sự thêm thắt từ ngữ, bám sát nguyên bản được nhiều nhất. Đấy là về khả năng của sự lựa chọn. Còn khi thực hành, lại tuỳ ở cách xử lý ngôn ngữ và thơ ở người dịch. Chung Toàn chọn dịch thơ cổ Nhật theo lối thơ mới Việt là một cố gắng chuyển tải, “cập nhật hoá”, tâm trạng, cảm xúc giữa hai chiều thời gian và hai bờ văn hoá. Ngẫm cho cùng, con người ở đâu, thời nào, cũng mang chứa trong mình những buồn vui nhân sinh rất dễ hoà điệu với nhau.

Giờ đây, Vườn thơ trăm hương sắc của Nhật Bản đang được “người làm vườn” Chung Toàn mở ra, mời vào để cùng chị đọc từng con chữ, lắng từng thanh âm, ngấm từng cảm xúc, hiểu từng ý nghĩa. Dõi theo các phân tích từ ngữ, chú giải nội dung của dịch giả, người đọc chỉ còn đối diện với những văn bản thơ xuyên thời gian, không gian, nối gần lại những tâm tình của nhân loại muôn chốn muôn thời. Đó quả là một thích thú thẩm mỹ!

Người Nhật yêu thơ và quý thơ đến mức lấy thơ trang trí nhà cửa, để thoả mãn cả hai nhu cầu về trí và mỹ, vừa được ngấm cái hay vào đầu lại vừa được thấm cái đẹp vào mắt, từ đó con người càng được di dưỡng tính tình. Vườn thơ trăm hương sắc (Ogura Hyakunin Isshu) chính là đã ra đời như vậy. Một cách chơi thơ, một thú thưởng lãm cái đẹp, tinh tế, nhẹ nhàng và sâu sắc. Từ mười tuyển thơ của các thời đại, người chọn (Fujiwara Teika) đã lọc lấy trăm bài làm thành một tập tuyển của mình, và tập thơ đã đạt tới tầm tuyển ở mức chuẩn, khiến cho tên gọi Hyakunin Isshu vốn có từ trước như một danh từ chung chỉ một loại sách tuyển nay thành danh từ riêng chỉ để gọi cho tập tuyển làm ra tại vùng núi Ogura này.

Phạm Xuân Nguyên
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Tiếng thét lừng danh



SGTT.VN - Hoạ sĩ Na Uy E. Munch (1863 – 1944) là hoạ sĩ tầm toàn cầu đầu tiên của cả vùng Bắc Âu. Ông sống nhiều năm ở Đức và các nước châu Âu khác nhưng lại di chúc cho thành phố Oslo phần lớn các tác phẩm của mình với một quy định oái oăm là không được mang tác phẩm ra ngoài nước.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=124376
Tiếng thét, sơn dầu, 1893, 91 x 74cm



Vì thế, muốn xem tranh Munch chỉ còn cách đến quê hương ông. Bức tranh "Tiếng thét" vẽ vịnh biển Oslo nơi ông từng dạo trên cầu cảng và “cảm thấy như thiên nhiên đang gào thét”. Thiên nhiên là thượng đế hay là con của thượng đế? Người ta tìm thấy một phác thảo vẽ cái bào thai ôm đầu la hét và những ký hoạ vẽ một cái sọ người cổ bày trong một bảo tàng tự nhiên. Người đàn ông trong tranh là cái thai nhi kia, cái sọ người kia, và là chính tác giả? Phía sau, hai bóng đen đi tới, ám ảnh bị truy sát, rình mò.

Khi đứng bên vịnh này, tôi thấy những đám mây đỏ như máu vần vũ ngang trời y như trong tranh và ngoài vịnh những con thuyền chạy quẩn vô vọng trong tù đọng và tăm tối. Một nỗi bàng hoàng, một sự sáng thế đau đớn đang xảy ra. Những đường chéo tàn bạo của cây cầu, mảng giữa hình trái tim kỳ dị, đường viền các dải mây, bờ nước, lùm cây như những dây trói rớm máu. Bức tranh mang tính tượng trưng sâu sắc và cũng mang tính biểu hiện cuồng loạn. Munch được coi là tổ sư của cả hai trường phái lẫy lừng này trong hội hoạ hiện đại châu Âu.

Mấy năm trước đây bức tranh này bị đánh cắp. Một chị bạn ở Oslo bảo tôi: “Dân Na Uy chỉ sợ nó rơi vào tay một kẻ tâm thần nào đó rồi bị phá huỷ đi. Nếu không thì thế nào cũng sẽ tìm lại được vì nó quá nổi tiếng nên không thể mua hay bán. Nó thật sự vô giá!” Quả nhiên, sau này người ta tìm thấy bức tranh trong một thùng rác – hình như cũng gần bảo tàng, chỉ hư hại rất ít.

Từ thời đổi mới mở cửa, chủ nghĩa biểu hiện ảnh hưởng mạnh ở Việt Nam. Trước đó, chỉ có chủ nghĩa ấn tượng và tả chân có ảnh hưởng quyết định. Munch quá mạnh mẽ và riêng biệt nên việc ảnh hưởng, bắt chước ông là rất khó và quá lộ liễu, song tinh thần, tính chất biểu hiện đau đớn và siêu thực của ông thì ta có thể thấy ở rất nhiều hoạ sĩ cả trẻ lẫn già.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Triển lãm ký hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh

Những mẫu mực kinh điển…



SGTT.VN - Trước đây ba năm trong một toạ đàm của VTV3 về các “sự kiện văn hoá nổi bật trong năm” tôi có nêu việc nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn mới mua được hơn 200 ký hoạ của hoạ sĩ Nguyễn Phan Chánh (1892 – 1984). Với giới chuyên nghiệp, những việc âm thầm như thế là những sự kiện chấn động. Ngày 25.3 vừa qua, sự kiện văn hoá ấy đã ra mắt công chúng tại Gallery 8 (cũng là triển lãm khai trương Gallery, tại 8A Phùng Khắc Khoan, quận 1, TP.HCM).

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135805
Bữa cơm vụ mùa



Tuần trước, một nghiên cứu sinh nghệ thuật Úc có phỏng vấn tôi về Nguyễn Phan Chánh để làm nghiên cứu cho một bộ sách về mỹ thuật châu Á. Với một danh hoạ thì các ký hoạ như thế này vừa là những tác phẩm nghệ thuật quý giá (một ký hoạ của Da Vinci hay Michelangelo từng bán được sáu, bảy triệu đôla Mỹ) vừa là những tư liệu nghiên cứu lịch sử, những “chứng tích” văn hoá quan trọng.

Nguyễn Phan Chánh học khoá đầu tiên của trường Mỹ thuật Đông Dương 1925 – 1930. Ông không phải sinh viên xuất sắc nhất trong việc học các nguyên lý tạo hình phương Tây nhưng là học trò yêu của hiệu trưởng V. Tardier bởi đã biết khai thác thành công truyền thống tranh lụa Á Đông và khai sinh ra cả một dòng tranh mới cho mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Lớn tuổi hơn các đồng môn nhiều, đã vợ con đùm đề, lại cố thủ Hán học và mới ở nhà quê ra tỉnh nên giữa lớp thiếu niên hăm hở Âu hoá – tây học – tự do luyến ái… anh sinh viên “áo the, khăn xếp” đã trở thành nguyên mẫu cho một nhân vật thủ cựu trong một cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn.

Song chính sự chuyển tiếp từ cựu học sang tân học, từ “quê” ra “tỉnh”, từ truyền thống văn hoá căn cốt sang sự tiếp thu cái mới ào ạt trong một con người có cốt cách và tài năng đã chung đúc cho Việt Nam ta một danh hoạ độc đáo. Vai trò và vị trí của Nguyễn Phan Chánh tương tự như Tề Bạch Thạch và Từ Bi Hồng đối với mỹ thuật Trung Hoa mới. Còn hơn thế, bởi cụ Chánh đã tạo ra một thứ tranh lụa chưa từng có ở Á Đông.

Đến nay kỹ thuật, tình cảm thẩm mỹ, những phẩm chất tạo hình độc đáo trong tranh lụa Nguyễn Phan Chánh vẫn là những mẫu mực kinh điển. Các ký hoạ của cụ Chánh cho thấy có lẽ người Việt Nam “duy tình” thật. Và Nguyễn Phan Chánh nói: “… màu sắc tươi tắn mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Bản thân người nghệ sĩ rồi cũng mất. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người” (Nguyễn Phan Chánh, nhà xuất bản Mỹ Thuật 2011).

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [6] [7] [8] [9] [10] [11] [12] ... ›Trang sau »Trang cuối