Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối

Ảnh đại diện

Vodanhthi

Người là hoa…



SGTT.VN - G. O’Keefe (1887 – 1986), người phụ nữ mảnh mai sống trọn một thế kỷ là một niềm tự hào của văn hoá Mỹ. Năm 1916 O’Keefe gặp nhà nhiếp ảnh A.Stieglitz, người chồng tương lai tại gallery 291 nổi tiếng của ông ở New York.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=135611
Hoa, sơn dầu



Stieglitz say mê chụp tới hơn 300 bức chân dung của O’Keefe, trong đó có nhiều bức khoả thân, hoa tình. Đầu những năm 1920, tranh của nữ hoạ sĩ và những bức ảnh mà bà làm người mẫu lập tức đưa O’Keefe trở thành ngôi sao sáng nhất trên bầu trời nghệ thuật Mỹ lúc đó vẫn u ám dưới cái bóng nghệ thuật châu Âu. O’Keefe gắn bó với New York tân kỳ, ồn ào, náo nhiệt và với miền New Mexico hoang sơ, hùng vĩ và cô đơn. Hai chủ đề chính trong tranh O’Keefe là hoa và với những bộ xương, đầu bò và cây xương rồng trên hoang mạc mênh mông.

Các bức tranh hoa của O’Keefe khác hẳn những thứ hoa từng tràn ngập trong lịch sử mỹ thuật phương Đông và phương Tây. Bà thường vẽ cận cảnh, “zoom” sát vào tận cõi sâu thẳm bí ẩn của nhuỵ hoa. Những cánh hoa đồ sộ, ẩm ướt, mượt êm như nhung lụa khép mở một cách gợi tình lặng lẽ và trắng trợn. Chúng mang tính biểu tượng nữ tính và nhục cảm như cái yoni trong mỹ thuật Chăm dù O’Keefe nói bà chẳng có ẩn ý gì.

Những bông hoa trong tranh có khi tinh khiết, cao vọi như cổng vào thiên đường, cũng có khi tăm tối đe doạ như đường vào địa ngục. Chúng có vẻ hiện thực lạnh lùng đồng thời cũng siêu thực như mọc lên từ tiềm thức, từ những khát vọng trầm đục bị kìm nén theo thuyết Freud. Nếu hoa của đất là người thì trước tiên đó là người nữ! Không lạ khi phái nữ rất say mê nữ hoạ sĩ kỳ lạ này.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Lễ hội nhân dân



TT - Ngày 16-3 âm lịch năm nay (18-4-2011), 13 tộc họ tiền hiền và hậu hiền trên đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi lại tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Khác với những năm gần đây là Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đứng ra làm “chủ tế”, năm nay người dân trên đảo tự tổ chức lễ, công việc họ từng làm từ hàng trăm năm nay trên hòn đảo này. Các nhà nghiên cứu văn hóa ở Quảng Ngãi gọi đây là “lễ hội nhân dân”.

Kể từ khi trấn nhậm phương Nam, chúa Nguyễn rồi các vua nhà Nguyễn luôn xác định Hoàng Sa là vùng phên giậu của đất nước. Trấn giữ vùng “phên giậu” ấy không một lực lượng nào tốt hơn là những ngư dân vùng biển Quảng Ngãi, đặc biệt là ngư dân đảo Lý Sơn.

Bằng những con thuyền mỏng manh, các ngư dân của hòn đảo này đã chinh phục quần đảo Hoàng Sa bằng chính sự can trường và lòng dũng cảm của mình trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên ở một vùng đất luôn phải song hành cùng gió mưa bão tố. Đội hùng binh Hoàng Sa ra đời trong bối cảnh đó.

Đội quân hùng hậu và thiện nghệ luôn phải đương đầu với sự khắc nghiệt của biển khơi ấy suốt 300 năm chinh phục Hoàng Sa, nhiều người trong số họ đã ngã xuống, thi thể họ đã hòa vào lòng biển của Tổ quốc. Những người con của đảo Lý Sơn một đi không trở lại ấy luôn được người dân nơi hòn đảo này mãi mãi tri ân bằng một nghi lễ có tên lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.

Cứ đến mồng 16-3 âm lịch hằng năm - thời điểm những binh phu của Lý Sơn tạm biệt người thân để giong buồm trực chỉ Hoàng Sa từ mấy trăm năm trước, 13 tộc họ của đảo lại tổ chức lễ khao lề mà không phải đợi sự chỉ đạo hoặc nhắc nhở của bất cứ một tổ chức hay cấp chính quyền nào.

Lễ khao lề như một nhu cầu tự thân của người dân trên đảo. Đúng ngày này, không chỉ 2 vạn dân trên đảo mà hàng trăm người con của Lý Sơn đang làm ăn sinh sống từ mọi miền của Tổ quốc cũng trở về đất đảo, tề tựu bên mâm cúng với những món ăn dân dã mà ông bà của họ dùng làm lương thảo trong hành trang của những binh phu đi Hoàng Sa thuở trước.

Trong buổi đoàn viên ấy, các thế hệ con em Lý Sơn lại được nghe cha ông của họ kể về tổ tiên mình từng chinh phục Hoàng Sa như thế nào bằng những con thuyền mỏng manh trước gió bão.

Có lẽ đó là bài học “trực quan” sinh động nhất và có sức thuyết phục nhất về lòng yêu nước đối với lớp trẻ hôm nay.

Không chỉ nghe cha ông nhắc đến sự can trường của tổ tiên khi chinh phục Hoàng Sa để cắm mốc chủ quyền ngoài ấy, qua những bữa cơm gia đình trong những ngày khao lề, lớp trẻ còn được biết vì sao cây dâu vẫn tồn tại trên đất đảo dù người dân Lý Sơn không hề biết nuôi tằm dệt vải là gì.

Cây dâu đã song hành cùng người dân của đảo suốt mấy trăm năm qua chỉ để trưng dụng vào một việc là dùng thân của nó làm xương cốt cho những binh phu thuở trước và ngư dân hôm nay chẳng may bỏ thân mình ngoài Hoàng Sa trong các ngôi mộ gió.

Lớp trẻ hôm nay trên đất đảo cũng hiểu được vì sao những người mẹ, người bà của họ vẫn còn truyền nghề một loại bánh mang tên “bánh ít gói lá chuối khô”, dù bây giờ có hàng trăm loại bánh xếp vào loại cao lương. Đó là thứ lương thảo vốn không bị mốc meo trước gió biển, trở thành món ăn không thể thiếu của người lính Hoàng Sa thuở trước.

Lễ hội nhân dân cứ thế mà vĩnh cửu trước thời gian.

VÕ MINH
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Vẻ trữ tình của công nghiệp



Hoạ sĩ Pháp F. Léger (1881 – 1955) là một chủ soái của phái lập thể muốn nhìn thấy cả thời gian qua các điểm nhìn khác nhau của người quan sát, tạo ra một không gian kiểu mới khác hẳn không gian hai hay ba chiều cổ điển. Ông cũng là người đi đầu trong phát triển bút pháp “lập thể phân tích” chia cắt các hình thể, phân tích mọi biểu hiện để phơi bày kết cấu vật lý bên trong của các đối vật. Tuy nhiên, đóng góp lớn nhất của F. Léger về mặt thẩm mỹ lại là vẻ đẹp tươi rói và lạc quan của công nghiệp và xây dựng. Là người thiên tả, ông ca ngợi người công nhân như kẻ sáng thế ra thời đại mới và công trường, xưởng máy của ông hiện ra tươi đẹp trữ tình như núi đồi hùng vĩ và đồng hoa nên thơ.

http://sgtt.vn/ImageHandler.ashx?ImageID=138518
Tác phẩm Tĩnh vật với vại bia.



Ở bức tĩnh vật này – một bàn ăn nhỏ với vại bia quá khổ – ta thấy mọi thứ được chia cắt, quy giản về những hình kỷ hà lặp đi lặp lại với các màu cơ bản. Các đường thẳng vuông góc và các đường chéo của mặt bàn và gạch sàn nhà không khác hệ giàn giáo ngoài công trường. Vài nét cong uốn lượn to lớn đã “mềm hoá” toàn cấu trúc và thổi thêm không khí hứng khởi tươi vui vào tranh. F. Legér muốn “công nghiệp hoá” cả những yếu tố thiên nhiên và các sản phẩm thủ công. Ông ca ngợi vẻ đẹp của sự khúc chiết, hàng loạt và duy lý. Vẻ đẹp toàn năng của công nghiệp sẽ chiếm lĩnh toàn nội thất ngôi nhà riêng tư của cá nhân ta – từ bàn ăn tới phòng tắm, phòng ngủ… cũng như toàn bộ nội giới tâm hồn! Tiếng búa máy và cần cẩu sẽ đáng yêu trữ tình như tiếng violon và tiếng sáo trong khúc nhạc đồng quê hiện đại! (Một thời gian dài các thiết kế vải hoa hiện đại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ những sáng tác lập thể thế này).

Sự “ngây thơ” của nhà danh hoạ có thể hơi quá nhưng thật đáng yêu!

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nghệ thuật sống “kiểu Huế”



TTCT - Cả ba dòng ẩm thực Huế (cung đình, dân gian và món chay) sẽ được giới thiệu trong những bếp ăn, quán ăn được tạo hình bằng cây cảnh - một không gian nghệ thuật độc đáo của “Bếp Việt trong vườn Huế” - tên gọi của Festival nghề truyền thống lần 4 (từ ngày 30-4 đến 3-5-2011).

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=493938
Các món ăn Huế tại nhà vườn Bội Trân ở Thiên An - Ảnh: Thái Lộc



Lễ hội được mở từ quảng trường Ngọ Môn về tận các làng nghề, với hàng trăm nghệ nhân ẩm thực của Huế cùng đại diện ba vùng ẩm thực Bắc - Trung - Nam.

“Ăn uống đối với xứ Huế, người Huế hình như từ lâu đã trở thành một nghệ thuật, một văn hóa, một triết lý sống” - giáo sư Lê Văn Hảo (từng giảng dạy tại Viện ĐH Huế, hiện sống ở Pháp) đã nhận định như thế khi cho rằng nghệ thuật ăn uống là sáng tạo thứ ba của văn hóa Huế, sau nghệ thuật kiến trúc và nghệ thuật âm thanh.

Triết lý nhân sinh của người Huế xem sự sống như là một nghệ thuật, vì vậy phải luôn sống đẹp, và muốn được như thế phải không ngừng làm đẹp cuộc sống trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ẩm thực Huế chính là biểu hiện sinh động, cụ thể nhất của triết lý đó.

Theo tài liệu do các nhà nghiên cứu công bố, kho tàng ẩm thực Việt có khoảng 1.700 món thì Huế chiếm đến 1.300 món, hiện còn lưu truyền trong dân gian khoảng 700 món, chia làm ba dòng chính: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay.

Theo giáo sư dân tộc học Từ Chi, món ăn Huế là sự kết hợp hài hòa của món ăn người Chăm với món ăn của người Việt cổ, người Mường cổ từ nước Đại Việt đưa vào. Qua năm tháng, dân gian xứ Thuận Hóa tiếp tục tạo thêm nhiều món ăn mới. Đến khi Huế trở thành kinh đô, món ngon của cả nước lại đưa về dâng tiến vua. Huế còn là kinh đô Phật giáo với hệ ẩm thực chay rất độc đáo. Tất cả đã tạo nên một thực đơn Huế hết sức phong phú. Vì thế, có thể nói ẩm thực Huế là đại diện cho ẩm thực Việt Nam.  

Kiểu cách cầu kỳ là đặc điểm nổi bật nhất của ẩm thực Huế. Nói cách khác, người Huế ăn không chỉ cầu no (khẩu thực) mà phải đẹp (nhãn thực), không chỉ đẹp mắt mà còn đẹp cả tâm hồn (tâm thực). Không chỉ ẩm thực cung đình với nem công chả phụng mới cầu kỳ mà ẩm thực bình dân, thậm chí thứ dân, cũng kiểu cách không kém. Món cơm hến là biểu hiện rõ nhất tính kiểu cách đó.

Cơm hến vốn là món ăn của người nghèo đã trở thành một món Huế độc đáo, đó là tác phẩm của bà nội trợ Huế “nấu ăn bằng cả tâm hồn”. Ngon hay dở còn tùy vào khẩu vị mỗi người nhưng cách chế biến với hàng chục thứ rau, mười mấy thứ gia vị, xanh đỏ nâu vàng, công phu kỹ lưỡng chỉ nhìn đã thấy mê.

Sách Thực phổ bách thiên do bà Trương Đăng Thị Bích, một phụ nữ Huế, con dâu nhà quý tộc Tùng Thiện Vương, biên soạn nhằm phổ biến 100 món ăn Huế từ đầu thế kỷ 20 đã đúc kết: “Đồ ăn không phải hễ có cá thịt thì ngon mà dưa rau thì dở... Ngon dở tại nơi tay mình”.

Triết lý đó còn thể hiện ở các món chè Huế, mắm Huế và nhất là bánh Huế. Nậm - lọc - bèo - ướt - ít - ram..., những cái tên nghe như một câu thơ, với một “hệ thống” nước chấm quá ư kiểu cách: “bánh nớ chấm nước ni, bánh ni chấm nước tê, bánh tê chấm nước nớ”. Dù chỉ làm bằng bột gạo, bột sắn và đậu mè quê kiểng nhưng không vì thế mà chấp nhận đơn điệu. Nhà văn Trần Kiêm Đoàn gọi đó là lối sống “kiểu Huế”: nghèo mà vẫn sang!

MINH TỰ


Một nền ẩm thực hiếm thấy ở Việt Nam và thế giới

Ẩm thực Việt Nam và ẩm thực Huế tuy hai mà một, tuy một mà hai. Nếu như ẩm thực Thăng Long - Hà Nội tiêu biểu cho bản sắc Việt Nam, khác hẳn ẩm thực Trung Quốc, thì ẩm thực Huế tiêu biểu cho sự đa dạng gần với ẩm thực Đông Nam Á, tiêu biểu văn hóa lúa nước vùng nhiệt đới, rất mạnh về các loại bánh từ gạo, cơm, xôi, phong phú hải sản (nước mắm và mắm cái cá, tôm, ruốc), hương vị tự nhiên hài hòa chua, cay, đắng (chát), mặn, ngọt tuy phần cay chua, chát nổi trội hơn.

Đó là nền ẩm thực hiếm thấy ở Việt Nam cũng như thế giới, chan hòa giữa cung đình và dân dã, phong phú, tinh tế cầu kỳ, thanh tao ở cách chọn nguyên vật liệu, cách chế biến, cách ăn, nơi ăn, dụng cụ ăn uống... Người Huế nấu ăn và ăn với cả tâm hồn, quan tâm đến cân bằng âm dương, có lợi cho sức khỏe con người. ]

Với hàng trăm món ăn cung đình cũng như hàng ngàn món ăn đang có nguy cơ mai một, nên sớm lập hồ sơ về ẩm thực cung đình Huế để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiến sĩ NGUYỄN NHÃ
(viện trưởng Viện Nghiên cứu ẩm thực Việt Nam, trưởng đề án Bếp Việt thuộc chương trình liên kết Cùng nhau xây dựng Bếp Việt cho thế giới)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Dân dã và cầu kỳ



Sau khi hoàn tất cơ bản việc phục chế trang phục cung đình triều Nguyễn, nhà nghiên cứu Trịnh Bách lại “đắm chìm” vào thế giới ẩm thực Việt vô cùng hấp dẫn, trong đó khá nhiều thời gian ông dành cho sưu tầm, nghiên cứu ẩm thực cung đình Huế. Và ông đã tìm lại được những món ăn người đời nay chỉ còn nghe tên...

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=493937
Gánh hàng ăn từ các làng vùng ven theo con đò nhỏ lên phố mỗi sớm mai - Ảnh: Phạm Bá Thịnh



Khác với suy nghĩ của nhiều người, các vị vua ở Huế không chuộng những món yến tiệc cầu kỳ cho lắm. Các đại yến 60 món, trung yến 40 món và tiểu yến 30 món thường được dùng để đãi quốc khách hay ban thưởng các quan. Còn tất cả món ăn thường ngày để hoàng đế ngự thiện (dùng bữa) có thể nói rất dân dã. Cỗ bàn trong cung nhà Nguyễn trọng phẩm hơn lượng, trọng sự tinh, quý, không màng lòe loẹt, khoe khoang. Đĩa đựng thức ăn trên bàn ăn của các hoàng đế triều Nguyễn không bao giờ rộng đến một gang tay.

Theo mệ Bông tức bà Cẩm Hà, người nhiều năm phụ giúp nấu ăn cho vua Bảo Đại, nhà vua ăn uống rất đơn giản. Hai món ăn mà ông vua cuối cùng của triều Nguyễn ưa thích nhất là cá nục kho và rau dền luộc chấm nước mắm. Để làm món trước, cá nục rửa sạch, ướp nước mắm, đường, ớt, rau răm khoảng vài giờ, sau đó kho nồi đất thật ít nước trên lửa nhỏ khoảng hai giờ.

Để làm loại nước mắm cho món rau dền luộc phải kho cá cho rục, lọc lấy nước trong rồi trộn thêm nước mắm ruốc ngon, đường và ớt. Người Huế xưa ít khi bỏ chanh hoặc giấm vào nước mắm. Ngoài ra, vua Bảo Đại còn thích món cháo gà hạt sen và món cá bống thệ kho khô với rau răm, tiêu trong niêu đất. Theo các ngự y, đây là món ăn có tác dụng an thần.

Trong yến tiệc cung đình, quan trọng nhất là các món tứ linh: long, ly, quy, phụng. Long là cá chép hấp gừng, hành, tương tàu, được trang trí với sừng bằng tre vót nhuộm phẩm ngũ sắc, vảy, đuôi bằng giấy trang kim. Tương tự, món ly là khúc dưới chân giò heo ninh măng, cũng cắm sừng tre vót nhuộm phẩm màu vào gốc móng, vảy, đuôi bằng giấy trang kim. Quy là bồ câu tiềm được gắn vảy quy giáp bằng giấy trang kim. Phụng là gà ri hầm bát bửu với mào, cánh... Tuy nhiên bốn món tứ linh thường để bày cho đúng lễ chứ ít ai đụng đến.

Có nhiều món nấu đúng theo lối cung đình nhưng không hẳn ai cũng thích ăn. Món chè long tu để giải nhiệt chẳng hạn: cây râu rồng khi nấu ra chất nhờn khiến nhiều người nhăn mặt nhưng lại là món không thể thiếu trong hoàng cung. Theo lời các bậc bô lão, từ đời vua Hàm Nghi trở đi, do nhiều vị vua nhà Nguyễn đã có thời gian sống dân dã bên ngoài nên trong “nội” (hoàng cung) mới bắt đầu dùng các thứ nặng mùi như mắm để nêm thức ăn. Còn trước đó trong cung chỉ nêm tinh chất từ muối hột và dùng các thức ăn khô.

Đồ ngự thiện vì thế thật thanh nhẹ, còn những món tẩy trần phải hoàn toàn tinh khiết. Ví dụ như món vịt hầm bát bửu. Vịt phải là vịt mái trắng, nuôi từ nhỏ bằng cơm nếp, rong tảo, nước mưa và giun cổ trắng rửa sạch. Khi vịt đẻ quả trứng không trống đầu tiên mới làm thịt (tiết vịt không ăn), để nguyên con, mổ moi và nhồi bát bửu rồi khâu lại. Nước hầm là nước mưa, có thêm sâm, hạt sen, ít lát cam thảo..., nêm bằng tinh chất muối, đường thẻ.

Vịt được hầm trong siêu đất loại to (các dụng cụ nấu nướng trong cung trước thời Bảo Đại đều bằng sành, đất nung), đun nhỏ lửa để chỉ sủi tăm, nước cạn lại thêm vào, như thế khoảng sáu, bảy lần. Lần thêm nước cuối cùng, người ngự trù (đầu bếp của vua) phải áng chừng cho nước còn vừa một cái tiềm nhỏ rồi chắt vào tiềm để dâng vua ngự, chỉ dùng nước, thịt vịt không ăn.

Cách làm món đậu phộng rang để vua dùng khi xem diễn tuồng cũng công phu lắm. Đậu phộng xứ Nghệ tròn hột được bóc vỏ, giữ lại vỏ lụa, ngâm trong nước pha tinh chất muối ba đêm hai ngày (ba sương hai nắng) rồi phơi khô ở nơi râm, thoáng. Khi rang cho dầu lạc vào nồi đất trên bếp nóng để dầu thấm vào nồi, chắt bỏ phần dầu còn lại. Xong cho hoa hồi vào rang đến lúc mùi vị và dầu hoa hồi thấm vào nồi thì bỏ hoa hồi, cho đậu phộng vào rang.

Đậu chín được “áo” một lớp muối trắng dễ tróc. Gói đậu rang trong những vuông lụa nhỏ, mỗi gói chứa 20 hạt, treo ở chỗ thoáng mát. Khi vua xem tuồng sẽ dâng, nhưng thường vua chỉ nếm vài hạt, còn lại ban cho các phi tần và quan khách.

TRỊNH BÁCH


Tầm vóc và giá trị của ẩm thực Huế xứng đáng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại như ẩm thực Pháp, ẩm thực Mexico hay ẩm thực vùng Địa Trung Hải (công nhận trong năm 2010). Trước hết, nên tiến hành tổng kiểm kê di sản ẩm thực Huế và lập hồ sơ khoa học cho ẩm thực Huế. Đây sẽ là những chứng lý quan trọng để đệ trình các cơ quan hữu quan công nhận ẩm thực Huế là di sản văn hóa phi vật thể quan trọng của quốc gia, nếu đủ điều kiện sẽ đệ trình UNESCO xem xét.

Nhà nghiên cứu TRẦN ĐỨC ANH SƠN
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Chằn Shrek

Hồn nhiên với xiếc Bolondo
Chiều muộn 6-5, một nhóm ông Tây bà đầm loay hoay lắp ráp loa, đèn, dụng cụ biểu diễn tại sân UBND phường Tân Phú (quận 9, TP.HCM). Ở ngoài cổng, một nhóm khác ăn vận sặc sỡ nhảy múa, làm nhiều động tác hoạt náo để gây chú ý với người qua đường.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=496225
Đoàn Bolondo Family biểu diễn tại Trung tâm Văn hóa huyện Củ Chi, TP.HCM


Khi bà con và các em nhỏ đã kéo đến chật sân, những bản nhạc jazz trỗi lên, những ông Tây bà đầm ấy lại bước ra giữa sân bằng những điệu nhảy swing vui vẻ để bắt đầu chương trình biểu diễn đặc biệt của mình. Họ là Bolondo Family - đoàn xiếc đa quốc gia đến VN trong một hành trình dễ thương và phóng khoáng.

Đoàn nghệ thuật xiếc Bolondo Family đã biểu diễn tại Hà Nội từ ngày 20 đến 25-4. Tại TP.HCM, đoàn biểu diễn từ ngày 30-4 đến 7-5 tại các quận 12, 9, Gò Vấp, Bình Tân, huyện Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè.

Dễ thương là bởi mục đích đến của họ. Bolondo Family đơn giản muốn được biểu diễn nghệ thuật xiếc đặc sắc cho bà con ở vùng sâu vùng xa, trẻ em mồ côi trong các trung tâm, học sinh ở các trường ngoại thành xem. Tất cả các buổi diễn đều hoàn toàn miễn phí. Họ không có yêu cầu gì với phía ban tổ chức VN ngoài câu hỏi: “Ở đó có đông người xem không?”. Những vấn đề khác như chi phí di chuyển, thiết bị biểu diễn, chỗ ăn ở, phí sinh hoạt... họ đều tự lo mà không có bất cứ lời phàn nàn nào.

Để làm được điều này, bảy thành viên của nhóm đến từ Tây Ban Nha, Brazil, Argentina, Pháp đã có một quy ước với nhau: mỗi người sẽ đi làm chăm chỉ trong suốt năm để tiết kiệm tiền (khoảng 1.000 euro/người) rồi gặp lại nhau vào mùa hè, cùng đến một nơi nào đó trên thế giới để biểu diễn miễn phí cho người dân địa phương xem. Quy ước dễ thương này đã đưa Bolondo Family đến nhiều nước ở châu Á, Phi, Mỹ Latin, những ngôi làng hẻo lánh dọc bờ sông Amazon hay những cánh đồng ngút ngàn ở Sri Lanka... Mùa hè năm nay, họ đến VN, ăn thử cơm, khoai lang chiên và kiên nhẫn học cách phát âm những từ: “xin chào”, “tôi sinh ra ở...”, “cố lên”, “trời ơi”...

Và phóng khoáng, vì hiếm có chương trình biểu diễn xiếc nào mà người xem lại cười ngặt nghẽo từ đầu đến cuối như chương trình của Bolondo. Với cách sắp xếp như một gia đình (family), Bolondo có một bà mẹ “già gân” khoái... nhào lộn cùng đàn con mỗi người một  vẻ: anh cả vụng về tập tung hứng, anh hai to béo tập thăng bằng, anh ba đỏm dáng biết ảo thuật, anh tư đô vật thích nhiều chuyện, anh năm nhát cáy cố trèo cao, cô út bướng bỉnh thích uốn dẻo. Sân khấu có thể là một mảnh sân rộng của trường học hay khoảng đất bằng giữa vùng sông nước, hay hội trường của nhà văn hóa, hay vài chiếc bục trong công viên...

Khán giả đứng ngồi xung quanh trên những chiếc ghế nhựa, trên bậc thềm, trên cửa sổ, trên cành cây, trên mui xe... Cứ thế “gia đình” Bolondo đã tung tẩy biểu diễn những kỹ thuật xiếc đẹp mắt nhưng không kém phần hài hước, tự nhiên, thân thiện, tạo nên những tràng pháo tay và những nụ cười không ngớt.

“Bolondo” vốn là tên một loại gỗ mà người dân châu Phi dùng làm thuyền độc mộc rất kỳ công nhưng đầy ngẫu hứng. Luyện tập xiếc cũng là một công việc kỳ công nhưng đi biểu diễn khắp nơi bằng tiền túi của mình lại là quyết định hồn nhiên đầy ngẫu hứng. Nhìn những “khuôn mặt xinh đẹp” (cách dùng từ của họ) của bà con nông dân, trẻ mồ côi, trẻ vùng ven háo hức vì lần đầu tiên được xem xiếc nước ngoài, cả nhóm quyết tâm sẽ dành dụm tiền để trở lại lần nữa.

Nhưng Bolondo có lưu ý chút xíu thế này: “Chúng tôi không thích gọi họ là người nghèo, gọi là những người không có hoặc ít có cơ hội thưởng thức xiếc nghe dễ chịu hơn” - Ramiro, một thành viên trong đoàn đến từ Barcelona, tâm sự.

HOÀNG OANH
Shrek - Chằn Tinh Xanh yêu thơ
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Nỗi buồn tỉnh lẻ



TT - 1. Dịp về Huế, ngồi với bạn bè tán nhảm một hồi bỗng chạy tọt qua đề tài phim Việt, xoay quanh ý kiến của một độc giả trích trong bài viết “Để giờ vàng không là giờ nhàm” - Tuổi Trẻ ngày 30-4. Ý kiến đó đại ý rằng trước khi chê phim Việt, khán giả cũng nên xem lại trình độ thẩm mỹ lẫn mức độ am hiểu điện ảnh của mình, khi có những khán giả chưa phân biệt được sự khác nhau của phim điện ảnh lẫn phim truyền hình.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=496375
Những festival được tổ chức hằng năm làm cho Huế đỡ mang tiếng “tụt hậu văn hóa” Ảnh:  T.Lộc



H. bảo xấu hổ thật nhưng không biết thì nói không biết, nhờ tôi giảng giải xem phim điện ảnh khác phim truyền hình ở chỗ nào... khi người Việt mình “phim dạng nào thì cũng gọi là phim”. Và lúc tôi so sánh đơn giản nhất, phim điện ảnh thì chiếu ngoài rạp, phim truyền hình chỉ chiếu trên ti vi, cả bọn đã cười ồ lên.

H. bảo: thế thì thông cảm giùm dân tỉnh lẻ, chưa từng được đặt chân vô rạp xem phim... nên không biết đường so sánh. Chưa kể là lâu nay xem phim từ kênh HBO đến VTV thì cũng là coi qua màn ảnh nhỏ, nên có phân biệt chăng chỉ là phim Việt, phim ngoại, phim hay, phim dở, phim dài tập, phim một tập chứ chẳng có sự phân biệt nào khác hơn.

S. nói thêm: chả trách mà Ván bài lật ngửa hay Cánh đồng hoang, vốn là những phim điện ảnh, cũng chỉ đến được với phần lớn dân chúng tỉnh lẻ qua con đường truyền hình vào những năm một ngàn chín trăm lâu lắm... nên nay vẫn được bà con đem ra so sánh khi nói đến sự dở tệ của nhiều phim bây giờ.

Tôi ngây thơ hỏi lại: “Bộ Huế không có một rạp chiếu phim nào à?” để nhận được những tiếng cười ồ còn lớn hơn lần trước. “Có, một rạp. Nhưng chỉ để vô đó “đóng phim” hoặc coi phim khán giả đóng”.

So sánh Huế, những thành phố nhỏ khác nữa của VN với Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng..., tôi trả lời được cho mình câu hỏi tại sao nhiều khán giả Việt vẫn còn chưa phân biệt được sự khác nhau của phim điện ảnh lẫn phim truyền hình. Nhưng chạnh lòng hơn cả là đến bao giờ khán giả của những nơi ấy mới có cơ hội tiếp xúc với màn ảnh rộng.

2. Trong một lần cà phê riêng sau đấy, H. bảo tôi: “Hồi Huế chiếu phim Trăng nơi đáy giếng, anh nhắn tin cho em tìm cách mà coi, một bộ phim rất hay và rất Huế của đạo diễn Vinh Sơn, nhớ không. Em tìm đủ cách nhưng không coi được và phim chỉ chiếu một buổi ra mắt cho một số khách mời thân thiết. Phim làm trên đất Huế mà còn rứa huống là...”, H. bỏ lửng.

Trầm ngâm một lát H. nói tiếp: “Không chỉ riêng chuyện phim ảnh đâu anh mà còn nhiều chuyện hưởng thụ văn hóa khác dân tỉnh lẻ cũng thiệt thòi. Anh có nhớ những lần em nhờ anh mua sách gửi ra cho em không? Hay những lần anh khoe trên Facebook anh mới xem chương trình ca nhạc này về, xem vở kịch nọ xong, em bấm vào chữ like hoặc bình phẩm một chữ “thèm”, nghĩa là gửi vào đó nhiều ghen tị. May sau này có nhiều dịp festival anh à, nên em và bạn bè không mang tiếng tụt hậu văn hóa”. H. cười vui nhưng tôi hiểu H. không đùa với những câu nói đó.

3. Tôi nhớ lại quyết định của mình hồi tốt nghiệp đại học, nên về Huế hay ở lại Sài Gòn tìm việc. Lúc ấy tôi đã làm một bảng so sánh giữa việc về với ở. Một trong những gạch đầu dòng tôi đã ghi nôm na là điều kiện giải trí thụ hưởng văn hóa, phần Huế tôi ghi dấu chấm hỏi, phần Sài Gòn tôi liệt kê rất nhiều hạng mục: kịch, phim, ca nhạc...

Giờ đây tôi tự hỏi phải chăng nhiều bạn trẻ từ những vùng quê khác khi chọn Sài Gòn hay Hà Nội làm nơi lập nghiệp, cũng tương tự như tôi, đã đưa cả những điều kiện thụ hưởng văn hóa, giải trí cho bản thân làm một phần lý do quan trọng để quyết định lựa chọn.

4. Đất lành chim đậu. Cái khái niệm lành ấy có lẽ còn là những điều thuộc về sự thụ hưởng văn hóa nói trên, mà Sài Gòn, Hà Nội và rất ít những thành phố lớn khác đang có. Với những tỉnh lẻ khác có lẽ đành gửi vào đây những ước mong sẽ sớm có nhiều ngày người dân được vào rạp xem phim, đi coi kịch, nghe ca nhạc..., tận hưởng những niềm vui văn hóa.

TAM HỮU
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

*
Video clip "“Tau thích mi” nhóm sinh viên trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội thực hiện.


Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Cuộc sống thầm lặng ở Hà Lan



SGTT.VN - Tĩnh vật trở thành thể loại riêng từ cuối thế kỷ 16 ở Hà Lan, nơi xảy ra cuộc “cách mạng tư sản” sớm nhất, nơi tầng lớp tư sản thị dân trở thành động lực xây dựng xã hội mới cùng sự giàu có về vật chất và tinh thần ở các đô thị. Tĩnh vật trong tiếng Hà Lan là stilleven – nghĩa là cuộc sống, sự sống lặng lẽ, yên ả. Tiếng Anh dịch khá sát là still life trong khi tiếng Pháp dịch khá ngô nghê bằng từ nature morte – thiên nhiên chết. Tiếng Việt dùng từ tĩnh vật – tuy khiên cưỡng nhưng cũng khá đủ ý: tranh vẽ các vật (không vẽ sinh vật sống) và các vật đó không động đậy!

http://sgtt.vn/Uploads/Images/4/c2c/4c2c07c0fd82a30b1da7bc833b4bd1b3.jpg



Trong bức Tĩnh vật với bình bạc và cua bể của W.C. Heda (1594 – 1680), thoát thai từ các chi tiết ẩn dụ trong tranh giáo huấn khắc kỷ: cái sọ người tượng trưng thần chết, nhạc cụ ám chỉ sự u mê, quả thối hoa rữa đồng hồ cát ám chỉ sự ngắn ngủi phù du của kiếp người, tranh lại ngợi ca niềm vui sống bất tận nơi trần thế. Sức sống bình lặng, êm ả mãnh liệt thấm đẫm nơi các đồ vật nhỏ bé, đơn sơ, tầm thường nhất, trong những không gian riêng tư, thầm kín, thân mật nhất. Thời gian hạnh phúc ấy là hàng ngày, là thường nhật chứ không phải dịp đặc biệt hay ngày đặc biệt nào! Hãy quan sát các đồ vật trong tranh này, sự phong phú, vẻ lộng lẫy, ngạo nghễ, dư thừa, được tôn vinh của đồ bạc và phalê, bánh mì, trái cây và rượu, sơn hào và hải vị… để thấy rằng chủ nhân của ngôi nhà đã dựng nên một vương quốc độc lập, hạnh phúc cho riêng mình như thế nào. Và bức tranh cũng lần đầu tiên trở thành một vật tư hữu của thường dân. Chắc chắn nơi lớp trung lưu và nhà giàu mới nổi ở ta cũng đang trào dâng khao khát chiếm hữu và hưởng thụ này như ở Hà Lan khi tranh stilleven xuất hiện.

Nguyễn Quân
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook
Ảnh đại diện

Vodanhthi

Khánh thành bảo tàng Phật giáo quốc tế đầu tiên



TT - Sri Lanka vừa khánh thành bảo tàng quốc tế về Phật giáo đầu tiên trên thế giới tại thành phố Kandy, cố đô của Sri Lanka. 16 nước khác, trong đó có Việt Nam, đã gửi các vật phẩm mang đặc trưng văn hóa Phật giáo độc đáo của đất nước mình tham gia trưng bày trong buổi khánh thành.

http://phienbancu.tuoitre.vn/tianyon/ImageView.aspx?ThumbnailID=499242
Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa (thứ hai từ trái qua) trong lễ ra mắt bảo tàng quốc tế Phật giáo đầu tiên - Ảnh: lankanewspapers.com



Bảo tàng quốc tế Phật giáo nằm trong khuôn viên ngôi chùa cổ thờ xá lợi răng Phật tại thành phố Kandy, được đặt tại một căn cứ quân sự cổ do người Anh xây dựng từ thế kỷ 19. Chính phủ Sri Lanka đã sửa sang lại với khoản đầu tư 200 triệu Rs (1,9 triệu USD).

Bảo tàng trưng bày các giá trị lịch sử của đạo Phật, giúp khách tham quan có được sự hiểu biết về văn hóa Phật giáo, sự phát triển và ảnh hưởng của Phật giáo trên thế giới, với sự có mặt của văn hóa Phật giáo các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Myanmar, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam, Campuchia, Lào, Pakistan, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Ấn Độ, Afghanistan và Sri Lanka.

Lễ khánh thành bảo tàng nằm trong chuỗi các sự kiện lễ hội do Sri Lanka - quốc gia có quốc đạo là Phật giáo - tổ chức để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo và đón mừng lễ Phật đản. Lễ hội năm nay diễn ra tưng bừng trên khắp đất nước này suốt một tuần (17 đến 22-5).

H.N. (Theo TTXVN, sundayobserver.lk)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
  Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
                 (Ngọc Tuyền Hạo)
Chưa có đánh giá nào
Chia sẻ trên Facebook

Trang trong tổng số 55 trang (547 bài viết)
Trang đầu« Trang trước‹ ... [8] [9] [10] [11] [12] [13] [14] ... ›Trang sau »Trang cuối