Nguy cơ một “cái chết” văn hóa…
“Cái chết” văn hóa ấy, nó thuộc về những người quản lý và khai thác du lịch. Bởi khi những vẻ đẹp văn hóa độc đáo, bản sắc của một làng, một bản, một cộng đồng nhỏ hay một vùng bị chết sẽ dẫn đến “cái chết” của một nền văn hóa đa sắc tộc.Nhà nhà làm du lịch, ngành ngành làm du lịch...Chưa bao giờ, ngành du lịch Việt Nam lại phát triển như bây giờ. Du lịch đang săn tìm những vùng đất mới lạ để khai thác. Nhưng có nhiều nơi, việc khai thác vô tội vạ những vẻ đẹp và thiếu một tầm nhìn văn hóa đã vô tình "giết chết" những vẻ đẹp đó.
Xin lấy việc khai thác du lịch của người Lạch để minh chứng một phần cho nhận định trên.
Với ưu thế là địa điểm du lịch văn hóa nổi tiếng, người Lạch đã biết tự đứng ra làm du lịch, khai thác nền văn hóa độc đáo của dân tộc mình. Hiện tượng này không chỉ là của riêng dân tộc Lạch mà đã trở thành một "phong trào" của nhiều địa phương khác. Người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch và ngành ngành làm du lịch.
Nhưng những lễ hội này vô tình đã làm mất đi vẻ đẹp truyền thống và tinh thần tâm linh vốn có, thay vào đó là một cuộc kinh doanh đầy tính thời thượng và vụ lợi. Vì không hiểu được cần phải giữ gìn những bản sắc và vẻ đẹp văn hóa đặc biệt của mình nên khi tổ chức khai thác du lịch, ngành du lịch các địa phương từng bước "giết chết" những vẻ đẹp văn hóa ấy.
Người Lạch (hay còn viết Làc, Lat, M'Lates) là tên gọi của một nhóm cư dân nhỏ người Kơ ho, sống lâu đời trên cao nguyên Lang Biang. "Lạch", theo tiếng địa phương, có nghĩa là "rừng thưa" dùng để chỉ vùng rừng thông, đồi trọc từ dãy Lang Biang trải dài xuống Tây Nam, bao gồm cả thành phố Đà Lạt ngày nay. Tên gọi thành phố cũng bắt nguồn từ đó: Đạ Lạch (đất người Lạch, đất người ở rừng thưa).
Vượt qua nhiều con dốc, chúng tôi đặt chân đến căn nhà của người Lạch. Trước mặt chúng tôi là một khoảng sân nhỏ lợp mái tôn với đống củi to đặt giữa. Đồng bào người Lạch đón chúng tôi, nói tiếng Kinh rất sõi. Trời mưa không ảnh hưởng đến buổi gặp mặt, ghế nhựa lịch sự, dàn loa keyboard chuẩn bị công phu. Có vẻ họ đã có nhiều kinh nghiệm tiếp du khách khắp nơi đổ về thăm đất Đà Lạt sáng nắng chiều mưa này.
Sau vài bản nhạc xập xình, tiếng keyboard eo éo, thêm vài nhạc phẩm cách mạng cho có không khí, chương trình được bắt đầu.
Một người đàn ông với vai trò MC bước ra, tuôn một tràng thổ ngữ. Đoàn chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu gì, anh ta mau mắn giải thích. Buổi giao lưu rộn ràng hơn. Chúng tôi- những người khách lạ - nhanh chóng làm quen nhau, hát với nhau. Chương trình dàn dựng rất ấn tượng và chuyên nghiệp.
Từ sự dí dóm của chàng MC bản xứ đến các cô gái kéo tay chúng tôi lên múa hát theo họ. Tôi có cảm giác mình đang quay trở lại Hà Nội, ngồi tại hàng ghế nhà hát xem diễn viên đóng vai người dân tộc vậy. Và đây, những dòng đầu tiên của bản thông cáo về nguy cơ của một "cái chết" văn hóa bắt đầu xuất hiện.
"Cái chết" văn hóa thuộc về aiKhách du lịch đến với người Lạch không phải để xem kiểu trình diễn ca nhạc nửa tây, nửa ta nói trên. Họ đến Đà Lạt, đến với dân tộc Lạch để được hòa vào cây lá, đất trời, không gian thiên nhiên. Để được hòa vào những vẻ đẹp tinh khiết, được nhận về mình một không khí tâm linh và sự huyền ảo của đời sống do ngôn ngữ, nhà cửa, ẩm thực, những làn điệu dân ca, những nghi lễ thiêng liêng và bí ẩn của dân tộc Lạch. Chứ không phải để chứng kiến những sản phẩm của công nghệ giải trí hiện đại.
Nền văn hóa Pháp theo chân người Pháp trong cuộc chinh chiến trước đây, đến với người Lạch còn sớm hơn cả người Việt, đặc biệt là khi Đà Lạt được hình thành để trở thành nơi nghỉ dưỡng, du lịch.
Rất dễ hiểu, "Những thăng trầm vào thời xa xưa đã đưa người Lạch cũng như các cư dân Thượng đến giữa vùng rừng núi, áp đặt cho họ một khung cảnh hoang dã và tự nhiên. Họ buộc phải chọn một cách ứng xử nước đôi trước tự nhiên: Đối phó với môi trường chung quanh và thích ứng với nó, một thái độ mềm dẻo đã ăn sâu trong từng nếp sống của họ". (trích Những kết quả nghiên cứu kinh tế xã hội Lâm Đồng, Đà Lạt, 1989)
Sau khi người Pháp di dời họ cách xa trung tâm Đà Lạt, núi rừng trùng điệp và kỳ bí với địa thế hiểm trở đã buộc người Lạch co cụm lại thành những nhóm nhỏ, sống theo những buôn làng độc lập. Không còn nhà sàn và nhà sạp nữa, thay vào đó là những căn nhà mái tôn. Theo thời gian, cuộc sống của họ có nhiều thay đổi, mức sống có khá hơn, nhưng tiếc thay, bản sắc văn hóa dân tộc của họ cũng mai một dần.
Giờ đây, khách du lịch đến thăm, sẽ không còn được nghe thấy tiếng dàn cồng chiêng 6 chiếc, tiếng kơmbuat (kèn ống bầu), cêng kơrla (đàn ống tre)... nữa. Thay vào đó, từ 2 bên loa đã quá tải âm thanh, tiếng nhạc xập xình tự lúc nào đã theo chân bao người con gái xứ Lạch nhảy múa cùng khách du lịch.
Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ biến mất 1 vùng văn hóa cổ truyền phong phú. Người Lạch cũng như mọi dân tộc ít người cần được phát triển đời sống để bớt đi thiếu thốn, bớt bệnh tật, để con cái họ được đến trường, để có điều kiện tốt nhất gìn giữ những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc họ chứ không phải để làm mọi cách cho miếng ăn.
Với những hiểu biết của tôi thì trên thế giới có biết bao quốc gia phát triển cao vẫn giữ được những vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên và những vẻ đẹp tinh khiết của văn hóa. Tôi nói vậy bởi có không ít người đang nghĩ rằng đất nước phải nhanh chóng phát triển và thời hiện đại thì mọi thứ phải hiện đại hóa.
Có thể bây giờ người ta chưa nhận ra sự tàn phá âm thầm nhưng tàn khốc của việc khai khác du lịch một cách thiếu hiểu biết và chỉ nhằm mục đích thu lợi. Nhưng qua những gì đang diễn ra ở 1 bản người Lạch thôi, có thể nói 1 cách không cực đoan rằng: Nguy cơ của một "cái chết" văn hóa là rất rõ ràng...
Nguy cơ này không phải chỉ riêng của người Lạch, mà nó lan nhanh nhưng âm thầm tới nhiều vùng dân tộc của nhiều địa phương trong cả nước, khi du lịch được coi là một ngành "công nghiệp không khói".
"Cái chết" văn hóa ấy, nó thuộc về những người quản lý và khai thác du lịch. Bởi khi những vẻ đẹp văn hóa độc đáo, bản sắc của một làng, một bản, một cộng đồng nhỏ hay một vùng bị chết sẽ dẫn đến "cái chết" của một nền văn hóa đa sắc tộc.
Nó có thể không chết trên hình thức của nó, như khi bạn đang nghe người Lạch hát dân ca của mình trên một sân khấu thời thượng. Hay đang nhảy những điệu nhảy truyền thống của mình, đã bị biến thể quá nhiều với sự trợ giúp của các loại nhạc cụ điện tử và ánh sáng sân khấu "thời trang". Nhưng tinh thần của những làn điệu dân ca, những điệu nhảy ấy, nói rộng hơn là tinh thần văn hóa làm nên dân tộc ấy, đã chết.
Trương Hồng Tú (VIetnamNet)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)