Hội đồng Nghệ thuật đi vắng, tượng đài đứng… bâng khuâng?
(BeeNet.vn) - Mấy chục năm sau giải phóng, ở ĐBSCL mọc lên nhiều tượng đài hơn mấy trăm năm trước đó cộng lại. Có 3 loại chính: Tượng đài danh nhân, tượng đài ghi dấu sự kiện lịch sử và tượng đài mang tính biểu tượng địa phương. Đến nay hầu hết đứng… bâng khuâng trong nhếch nhác.
Rễ đước, bông lúa và tay chân “phía co phía duỗi”Trong công viên ở trung tâm thị trấn Đức Hòa (Đức Hòa, Long An) có bức tượng cao lớn tạc một người cầm đuốc đang bước. Tay phải cầm đuốc cong cong giơ ra, tay trái xuôi theo thân mình, chân sải bước trên trụ cao nên hình dáng lòng khòng, thiếu vững chắc. Nhìn xa, bức tượng như một bà già cầm đuốc đi tìm cái gì đó trong công viên. Lại gần thấy hao hao giống lão nông với những nếp nhăn lo âu. Chỉ khi đọc hàng chữ ở chân tượng đài mới biết đây là tượng ông Võ Văn Tần (1894 – 1941) Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ.
Ở phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) có địa điểm các nhà cách mạng tiền bối họp bàn việc thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng năm 1929. Sau giải phóng, địa phương dựng ở đây tấm bia kỷ niệm. Một cái bệ hình tròn, tấm bia hình chữ nhật, phía trên có ngọn lửa đỏ với hình búa liềm nằm giữa. Trước tấm bia đặt một lư đồng. Chúng tôi hỏi nhiều cán bộ ở ngành VH-TT, tuyên giáo, mặt trận, văn nghệ địa phương là đặt lư đồng thể hiện ý nghĩa gì? Không ai trả lời được rõ ràng. Có người nói: “Để ngày kỷ niệm đến thăm viếng đốt nén hương … cho thơm”(?)
Tượng đài của tỉnh Cà Mau đặt ở ngã 5 trung tâm thành phố Cà Mau, được dựng lên qua một cuộc thi khá rầm rộ. Khối bê tông cốt thép gồm có hình rễ đước và bông lúa. Thêm hình 2 người đàn ông, 2 người đàn bà đại diện cho công nhân, nông dân, trí thức và binh sỹ. Nhiều người nhận xét khối bê tông cao lớn ấy chưa phải… tượng đài bởi rối rắm quá! Các hình rễ đước và bông lúa gọi là cách điệu nhưng không giúp người giàu trí tượng tưởng nhận ra thêm điều gì mới mẻ. Còn 4 người đứng nhìn ra 4 hướng, quay lưng vào nhau thì chưa phải đại diện của Cà Mau.
Đó là những bia, tượng có chút sáng tạo, còn bia tượng “thật thà” tạc hình ảnh nam phụ lão ấu cầm súng, cầm gậy, cầm liềm, cầm cờ, tay chân phía co phía duỗi như tranh cổ động có ở khắp mọi nơi thì chưa kể.
Bia tượng “ngự” giữa chợỞ xã Anh hùng LLVT Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), hỏi nhiều em học sinh, nhiều chị bán quán ven đường mà không ai biết tấm bia kỷ niệm dân quân du kích của xã nằm ở đâu. Tìm anh Lý Văn Năm - Phó chủ tịch UBND xã, mới được anh cho biết: “Bia dựng lên năm 1993, không biết đơn vị nào thi công, kinh phí bao nhiêu nhưng nay đã xuống cấp trầm trọng. Chúng tôi đã trình Sở VH-TT xin xây mới ở vị trí phù hợp hơn nhưng chưa được”. Anh dẫn chúng tôi ra xem tấm bia nằm trong một cái chợ ồn ào. Tấm bia chìm lỉm giữa quầy áo quần, tạp hóa, chân tượng đã lún sụp, nứt nẻ còn bị chồng lên bao nhiêu thau chậu, chai lọ.
Bia kỷ niệm dân quân du kích xã Anh hùng LLVT Vĩnh Hưng (Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) đứng giữa chợ. Ảnh: Tiến Hưng
Tượng đài Chiến thắng Tầm Vu (tỉnh Hậu Giang) dựng tại địa điểm của 4 trận thắng giặc Pháp, trong đó có trận ngày 19/4/1948 thu được khẩu pháo 105 ly. Tượng đài là tác phẩm của cố GS Nguyễn Phước Sanh, khánh thành ngày 28/4/1995, tựa như bức tranh cổ động bằng bê tông cốt thép. Bởi rõ hình ảnh 3 người gồm 2 nam 1 nữ, người giơ tay thổi kèn, người bồng súng và người mang súng. Trước khi dựng tượng đài đã dựng một tấm phù điêu bằng bê tông cốt thép thể hiện cảnh dùng trâu kéo pháo chiến lợi phẩm. Bây giờ tượng đài đứng giữa, bên trái là tấm phù điêu (cách chừng 3 mét), bên phải là khẩu pháo 105 ly thật (cách chừng 4 mét), tạo nên một cụm “khó ăn nhập với nhau”, không hài hòa với xung quanh.
Đó là chưa kể tình trạng bia tượng được dựng lên khắp nơi, không theo quy họach nào. Sự kiện khởi nghĩa trên đảo Hòn Khoai (Năm Căn, Cà Mau) với nhà giáo cách mạng Phan Ngọc Hiển đứng đầu đã được dựng bia tượng ở 5 chỗ trên đất Cà Mau. Đó là: Đài liệt sỹ nghĩa trang Hòn Khoai và bia tưởng niệm liệt sỹ Hòn Khoai tại huyện Năm Căn, bia kỷ niệm liệt sỹ Hòn Khoai tại xã Tân Ân (Ngọc Hiển), bia tưởng niệm liệt sỹ Hòn Khoai và bia Phan Ngọc Hiển tại TP Cà Mau.
Bia tưởng niệm nạn nhân cơn bão số 5 (năm 1997) ở Cà Mau tại 2 nơi: Cửa biển Khánh Hội (huyện U Minh) và cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).
Nhếch nhácMỗi bia, tượng ít cũng mấy chục triệu đồng, nhiều thì tiền tỷ nhưng hầu hết mới khánh thành mấy năm đã hư hỏng nặng nề, thậm chí hoang phế trong nắng mưa, chìm lấp trong cỏ dại.
Xã Khánh Lâm (U Minh, Cà Mau) có 2 nhà bia và 1 bia căm thù. Chúng tôi đến xem bia căm thù ở kinh Dớn Hàng Gòn, không thể hình dung tình trạng thảm hại mới sau 5 năm khánh thành: Chân đế nứt làm đôi, khắp nơi tróc lở nham nhở, tấm đá khắc dòng chữ “Dớn Hàng Gòn-Bia căm thù” đã rơi xuống vỡ vụn dưới đất. Chủ tịch UBND xã Khánh Lâm-Huỳnh Phước Hậu nói: “Chúng tôi đã đề nghị sửa chữa và Phòng VH-TT huyện cùng Bảo tàng tỉnh đã khảo sát nhưng chưa thấy động tĩnh gì?”.
Ở Cần Thơ còn có Tượng đài Chiến thắng Quân khu 9 do Quân khu này dựng trước cơ quan Bộ tư lệnh. Cũng là tác phẩm của cố GS Nguyễn Phước Sanh, giống bức tranh cổ động bằng bê tông cốt thép: có 4 người đủ nam, nữ, già, trẻ áo quần thẳng nếp, người cầm súng, người phất cờ. Không có nguồn kinh phí bảo dưỡng thường xuyên nên đã xuống cấp và cỏ rác đang tấn công. Trước tượng đài có đặt một lư hương, hồi mới khánh thành, vào các ngày lễ lớn, đại biểu quân dân chính đảng địa phương tập trung thắp hương. Về sau, thấy rất ít khi nơi này được hương khói. Hiện tại, xung quanh nhà cửa xây dựng cao lên, khu tượng đài chìm xuống, hễ mưa là đọng nước. Quân khu 9 đang phải cử vệ binh canh gác ngày đêm để… ngăn tệ nạn xã hội.
Hội đồng nghệ thuật tỉnh “đi vắng”?Trước thực trạng bia, tượng như thế, một câu hỏi đặt ra: Các Hội đồng nghệ thuật địa phương ở đâu? Tỉnh thành nào cũng có Hội đồng nghệ thuật và Hội đồng này đương nhiên có trách nhiệm kiểm soát việc xây dựng bia, tượng. Thế nhưng đáng ngạc nhiên là chúng tôi hỏi nhiều cán bộ ở các Sở VH-TT, Ban tuyên giáo, Hội văn nghệ và nhiều nghệ sỹ nhưng không ai biết chính xác Hội đồng nghệ thuật gồm những thành phần nào hoặc cá nhân nào? Thậm chí, nhiều cán bộ cũng không biết Hội đồng nghệ thuật có tồn tại.
Lần tìm, chúng tôi cũng nắm được thành phần chính của Hội đồng nghệ thuật ở một địa phương như sau: Phó chủ tịch UBND phụ trách văn xã, Trưởng ban Tuyên giáo, Giám đốc Sở VH-TT, Sở Xây dựng, Sở KH-CN và do Phó Bí thư Tỉnh ủy (hoặc Thành ủy) làm Chủ tịch. Hình thành theo cơ cấu mà người ở các chức danh cơ cấu này thay đổi theo nhiệm kỳ (có khi trước nhiệm kỳ) nên Hội đồng nghệ thuật họat động không có nền nếp và khó đạt chất lượng cao.
Khi cần thẩm định một tác phẩm nghệ thuật, Hội đồng nghệ thuật cũng mời một số nghệ sỹ am hiểu để tham vấn song không mấy kết quả. Bởi có nhiều lý do khiến nghệ sỹ không tiện đánh giá tác phẩm của đồng nghiệp, chưa kể không phải lúc nào lời nói của nghệ sỹ tư vấn cũng được lắng nghe. Ở TP Cần Thơ đã có kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định nghệ thuật gồm các nghệ sỹ tên tuổi để giúp Hội đồng nghệ thuật có các quyết định đúng đắn song chưa thuyết phục được tất cả nên vẫn chưa ra đời.
ĐBSCL có nhiều địa danh cần khắc ghi vào tâm khảm con người nhưng có thật cần thiết ở đâu cũng dựng bia, tạc tượng? Ở tỉnh Bến Tre, nơi khởi phát cuộc Đồng khởi năm 1960 được đặt một tảng đá hoa cương trị giá 200 triệu đồng, uy nghi và vĩnh cửu, nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên thì giữ cây đa cổ thụ tỏa bóng mát cao rộng. Cây cổ thụ không phải không có vẻ linh thiêng còn tạo bóng mát lôi cuốn nhiều người đến mỗi ngày, tạo cảnh đẹp cho xóm ấp, lợi cho môi trường và đặc biệt không tốn công của bảo dưỡng. Song hướng tư duy này chưa lan rộng.
Nên bia, tượng vẫn đua nhau mọc lên gây tốn kém và… nhếch nhác.
Sáu NghệMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)