Xoá sổ làng cổ Cự ĐàNỗi buồn làng cổ trước cơn lốc xây dựng mới
(Nhân Dân Điện Tử) – Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt nhà cổ bị phá bỏ, hàng trăm nhà cao tầng mới mọc lên. Nguy cơ biến mất ngôi làng cổ bình yên bên bờ sông Nhuệ với quần thể kiến trúc có tuổi đời hàng trăm năm đã được cảnh báo từ nhiều năm trước, nay đã không còn là nguy cơ nữa. Làng Cự Đà đang thực sự bị xoá sổ.
Xe tải, xe công nông chở vật liệu xây dựng nối đuôi nhau qua cổng làng
Nỗi buồn của vị kiến trúc sưMột buổi chiều cuối tháng tư, có dịp ngồi trò chuyện với KTS Ngô Doãn Đức – Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam tại một quán cafe nhỏ. Trong câu chuyện đầy day dứt về kiến trúc và nhà ở nông thôn, vị kiến trúc sư chùng giọng xót xa. Ông nói, tuần trước mới có dịp trở lại Cự Đà sau một năm, mà ông đã không còn nhận ra làng cổ nữa. “Tanh bành tan nát hết rồi” – đó là câu ông nhắc đi nhắc lại mấy lần.
Làng cổ với những ngôi nhà thuần Việt xen lẫn những biệt thự kiểu Pháp được xây dựng hàng trăm năm trước đã trở thành đại công trường xây dựng, ngổn ngang và nhem nhuốc. Nhiều ngôi nhà cổ bị “triệt hạ”, nhà cao tầng hiện đại mọc lên san sát nhau chẳng khác gì mặt đường phố lớn ở thành thị.
“Trong đời kiến trúc sư của tôi, chưa bao giờ cảm thấy đau xót thế. Nhìn cả một quần thể kiến trúc cổ kính đẹp đẽ bị phá bỏ đi trước mắt mình mà không thể làm gì được”.- ông nói.
Mang theo nỗi buồn của vị kiến trúc sư có nhiều tâm huyết với kiến trúc nông thôn, chúng tôi tìm về làng cổ Cự Đà – ngôi làng nổi tiếng nằm cách trung tâm Hà Nội chừng 20 km, đi qua quận Hà Đông xuôi về phía nam.
Quả đúng như những gì mà KTS Ngô Doãn Đức nói. Con đường nhỏ hẹp bên bờ sông Nhuệ dẫn vào làng rầm rập xe công nông. Tiếng phành phạch động cơ náo động cả một vùng. Xe vào xe ra chở đầy gạch đá cát sỏi, nối đuôi nhau phóng “bạt mạng” khắp các ngõ nhỏ trong làng. Có cả những chiếc xe tải quá khổ so với cổng làng, chở đầy đá dăm rồ ga nhả khói tìm cách chui qua cái vòm cổng cổ kính một cách thô bạo. Quả thật, vừa mới chạm đến cổng làng, gặp những hình ảnh này, chả riêng gì KTS Đức, mà hẳn ai cũng cảm thấy xót.
Dễ nhận thấy khi đi vào làng là các ngõ nhỏ đều tập kết đầy vật liệu xây dựng. Sân đình của làng cũng bị biến thành nơi chứa những cuộn sắt dài và cũng là nơi những người thợ đang hối hả cắt sắt. Đi sâu vào ngõ, những góc tường cũ hãy còn rêu phong bị đập phá nham nhở. Những địa chỉ mà một năm trước là ngôi nhà cổ, nay đã chỉ còn trơ lại cái nền đất. Một số khác thì đã kịp mọc lên ngôi nhà ba tầng hoành tráng. Hai bên đường đầy những biển hiệu văn phòng môi giới nhà đất…
Hầu khắp các tên xóm nhỏ bình yên của Cự Đà đều ngổn ngang như một công trường xây dựng. Xóm Chùa, An Lạc, xóm Con Cóc,… xóm nào cũng có công trình nhà ở đang xây dở.
Phá nhà cổ thành… phong tràoĐồng Nhân Cát-xóm được coi là có nhiều nhà cổ nhất, nhưng ngay mặt sau cái cổng ngõ cổ kính bé nhỏ hiền hòa đề tên xóm bằng chữ Hán, một cảnh tượng hiện ra thật quá đỗi trái ngược: Phía tay phải, một ngôi nhà cổ chỉ còn lại cái tường nhà đầu hồi đang đập dở. Nền nhà đang được dọn dẹp, một tốp thợ đang làm công việc đào móng. Một vài cái cột, vì kèo vừa dỡ ra để tạm bợ một góc sân.
Ngôi nhà mới xây của anh Trịnh Công Nhất - nơi đây vốn là ngôi nhà ngói 7 gian có tuổi đời gần 200 năm.
Phía tay trái, một ngôi nhà ba tầng bề thế với hai mặt tiền, xây theo kiểu hiện đại đang trong thời kỳ hoàn thiện. Nơi đây vốn là ngôi nhà cổ gần 200 năm tuổi của cụ Trịnh Đình Bính.
Toàn bộ khuôn viên gồm ngôi nhà chính bảy gian bằng gỗ xoan với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện trên từng thân cột, xà, vách gỗ, mái ngói âm dương, cùng với hai ngôi nhà ngang… đã không còn dấu vết. Cả sân nhà chứa đầy cát sỏi và sắt thép. Chủ nhân của ngôi nhà mới đang xây, anh Trịnh Công Nhất – con trai của cụ Bính – hãy còn rất trẻ (sinh năm 1985) cho biết, ngôi nhà mới xây đứng tên mình, bắt đầu khởi công từ đầu năm 2011 và đến tháng 6 âm lịch sẽ hoàn thành. Toàn bộ cột, vì, kèo.. những đầu đao chạm trổ, ngói của nhà cổ, Nhất “để lại” cho chủ nhân của một khu du lịch, nghe nói mang về để dựng lại trên đó.
“Nhà cũ xuống cấp bẩn lắm không ở được. Biết Cự Đà là làng cổ, quý vì có nhà cổ, nhưng vì nhu cầu, phải xây nhà mới thôi. Ở đây nhiều nhà đập bỏ nhà cổ đi xây nhà mới rồi. Chị nhìn sang bên kia, đầu ngõ đấy, nhà họ cũng đang đập rồi. Nhiều nhà đập lắm”.
Nhất chỉ tay sang phía đối diện. Chẳng còn nhận ra con ngõ nhỏ cổ kính như tái hiện lại khung cảnh quá khứ hàng trăm năm trước.
Cách nhà Nhất vài chục mét, là nhà cụ Trịnh Đình Sủng- bác của Nhất. Nhà cụ Sủng vốn là một ngôi nhà khá nổi tiếng trên các diễn đàn du lịch. Vừa bước vào nhà, câu đầu tiên mà cụ nói với chúng tôi: “Cổ gì nữa, tôi sắp phá rồi. Bằng giờ sang năm các chị quay lại đây là cái nhà ba tầng nhé!”.
“Bằng giờ sang năm, sẽ chẳng còn cái gì là cổ nữa hết!” Câu nói của ông cụ già 70 tuổi, là đời thứ sáu ở trong ngôi nhà cổ vốn là của một cụ đồ Nho được ghi niên đại là 1874 - nghe qua có vẻ thản nhiên như không. Tôi cự: “Nhà ba tầng ở đâu chẳng có, cụ muốn xây khi nào chẳng được, nhưng nhà cổ của cụ đây mới quý chứ, sao cụ lại đập đi?”. Cụ Sủng vẫn có vẻ thản nhiên: “Cả làng này người ta đập hết xây nhà cao tầng. Chung quanh họ ở nhà cao đẹp thế, mình tội gì ở lụp xụp thế này. Nhà kia (cụ đưa tay chỉ) cũng là nhà cổ hết cả đấy, họ đập rồi đấy, nhà kia nữa, cũng chuẩn bị phá đấy. Phong trào mà, cả làng người ta phá hết, tôi giữ lại làm gì.”
Một thôi một hồi cao giọng, cụ Sủng ngồi sụp xuống sau cánh cửa bức bàn bằng gỗ, ngó lơ ra ngoài. Tôi ngồi xuống bên cạnh: “Ở nhà mới ba tầng tiện nghi cũng sướng. Cả làng người ta phá nhà cổ xây nhà mới thì có khi cụ phải phá thật. Nhưng cháu hỏi thật cụ một câu nhé. Cụ có muốn phá nó đi không?”.
Im lặng một lúc, rồi cụ nói, bằng một thứ giọng rất khác lúc nãy: “Tôi chả muốn đâu. Tôi yêu cái nhà cổ của tôi lắm. Nhà tôi là nhà cổ nguyên bản đấy. Chị nhìn cái bức hoành phi kia ghi Tự Đức Giáp Tuất kìa. Tôi là đời thứ sáu ở trong cái nhà này, chưa sửa chữa một cái gì hết, chỉ đảo ngói vài lần thôi. Nói thật, chúng tôi giữ gìn thì nhà này còn được lâu lắm, trăm năm nữa chắc cũng chả đổ! Nhưng giờ dỡ ra thì chỉ có thành đống củi mục cho vào lò! Nhưng chị xem, sau này người ta xây nền đến lưng tường này, nhà tôi thành cái ao à. Chung quanh họ đào móng sâu làm nhà cao tầng, không phá thì nhà tôi cũng đổ! Tôi muốn giữ lắm, chả ai yêu nhà cổ bằng tôi. Không ai yêu bằng tôi…”
Im lặng một lúc lâu, rồi ông cụ lại như chợt tỉnh, nói to: Chắc chắn là rồi cũng phá! Họ phá thế tôi giữ làm thế nào đây?
Nỗi buồn… tự sát?!Không chỉ riêng gì với cụ Sủng, gặp những người lớn tuổi ở Cự Đà bây giờ, người không quá nhạy cảm cũng có thể nhận biết, đằng sau những lời nói, vẻ mặt thản nhiên “như không” của họ thực ra chỉ là để che giấu nỗi buồn và nỗi xót xa.
Ông Vũ Văn Bằng, cán bộ văn hóa xã Cự Khê, cũng là chủ nhân của một ngôi nhà cổ trong làng Cự Đà cho biết, trong khoảng từ cuối năm 2010 đến cuối tháng 4-2011, có khoảng 150 ngôi nhà mới cao tầng mọc lên ở Cự Đà. Chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng chỉ trong mấy tháng đầu năm 2011, phải có đến hàng chục ngôi nhà cổ bị phá. Có những ngôi nhà năm gian bị “chặt” làm ba khúc, để xây ba cái nhà ba, bốn tầng, chia đều cho các hộ trong một gia đình.
Ông Vũ Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Cự Khê, nói: “Khoảng hơn nửa năm về trước, đứng trên ban công tầng hai một ngôi nhà nào đó, còn chụp ảnh không gian làng cổ mái ngói đều tăm tắp cực đẹp. Nhưng bây giờ thì đố ai còn có thể chụp lại được hình ảnh ấy nữa. Nhà năm tầng nhô lên chiếm hết cả tầm ngắm rồi, nhà cổ có còn sót lại thì cũng bị đè bẹp”.
Lý giải nguyên nhân vì sao người Cự Đà bỗng nhiên đồng loạt xây nhà mới ngay trong làng cổ, và đập phá nhà cổ với tốc độ chóng mặt như vậy, ông Vũ Văn Chung cho biết: “Nguyên nhân trực tiếp là bởi người dân có tiền đền bù từ đất ruộng. Dự án Khu đô thị Thanh Hà đã lấy đi khoảng 80% đất canh tác của xã Cự Khê. Riêng làng Cự Đà được nhận số tiền đền bù 650 tỷ đồng. Với mỗi sào được định giá đền bù 351 triệu đồng, hầu như gia đình nào ở Cự Đà cũng được nhận một khoản tiền lớn. Nhà nhiều nhất gần 4 tỷ, ít cũng hơn 1 tỷ đồng.”.
Nguyên nhân thứ hai, theo ông Vũ Văn Chung, là hết sức quan trọng và không thể cưỡng lại được. Đó là hầu hết các hộ dân trong những ngôi nhà cổ đều bức xúc về chỗ ở. Nhiều gia đình có nhà cổ mấy thế hệ sống chung rất chật chội, điều kiện sinh hoạt cũ kỹ lạc hậu. Có nhà ba đứa con trai đều có gia đình riêng. Ông bố dù tiếc ngôi nhà cổ hàng trăm năm nhưng không thể không phá để lấy đất chia cho các con xây nhà mới.
Nhà nào còn ngần ngại tiếc nhà cổ chưa phá thì cũng xây nhà mới ngay bên cạnh nhà cổ.
“Nhiều năm trước, xã có quy hoạch quỹ đất để giãn dân và phát triển làng nghề, nhưng cho đến nay, quỹ đất đó vẫn chỉ nằm trên giấy tờ quy hoạch. Thay vì trông chờ vào những suất đất để làm nhà mới và trả lại không gian cho làng cổ, thì người dân lại nhận được một món tiền đủ xây mấy căn nhà! Có tiền, thiếu chỗ ở, họ đập nhà cổ xây nhà mới thôi. ”- ông Vũ Văn Bằng chua xót.
KTS Ngô Doãn Đức còn chua xót hơn: “Nếu không có dự án lấy đất ở Cự Khê thì làng Cự Đà không bao giờ mất cả. Nếu đúng như nguyện vọng người dân mà chúng tôi từng tiếp cận tìm hiểu, chúng ta có chính sách di dân đúng mức, giải tỏa dân số cho làng Cự Đà thì đã giữ được làng cổ. Bây giờ thì người dân mất đất canh tác, có tiền, quay trở lại phá hoại chính mình! Lẽ ra cho dân đất, thì lại cho người ta một đống tiền, thì người ta phá luôn làm nhà mới chứ sao. Nghe thật là chua chát, nhưng đúng là cho tiền để làng cổ tự sát. Đúng là một bài toán kinh tế ngược. Bỏ ra một đống tiền để xóa đi một làng quê lẽ ra là mãi mãi bền vững, thật là đau!
HỒNG MINH (Còn nữa)
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)