Nhà biên kịch điện ảnh Trịnh Thanh NhãRung lục lạc đánh động lương tri
SGTT.VN - Sắc sảo, thẳng thắn và quyết liệt, đó là Trịnh Thanh Nhã trong công việc. Còn có một Trịnh Thanh Nhã khác, tâm huyết với những vẻ đẹp lặng lẽ đời thường, tiếp tục hướng ngòi bút vào những vấn đề cụ thể, thiết thực của đời sống hôm nay trên lãnh địa truyền hình.
Minh họa: Hoàng Tường
Tại hội nghị “Cứu nguy cho điện ảnh” tổ chức cuối tháng 9 vừa rồi, chị đã khiến nhiều người bị sốc khi đưa ra nhận định: “Điện ảnh Việt Nam đang rơi xuống… dưới đáy”. Liệu nói vậy có quá nặng lời không, thưa chị?Không. Tôi thấy cần phải nói thêm rằng điện ảnh Việt Nam hiện đang… rơi tự do! Bản thân tôi từng là xưởng trưởng một xưởng sản xuất của hãng phim truyện Việt Nam, dự toán và xin kinh phí thì hội đồng duyệt phim luôn chỉ được cấp 70% dự toán. Tiền đưa vào làm phim thật ra cũng chỉ chiếm 70% kinh phí được cấp do phải trích lại trả lương cho những người không đi làm phim, còn đang ở hãng hàng ngày, chưa kể rơi rớt trong quá trình làm phim. Đến khi phim ra đời chỉ đạt 30% chất lượng nghệ thuật so với tiêu chí ban đầu đặt ra. Con số 30% này là con số chết của ngành điện ảnh. Đây cũng là lý do tôi không thể lo nổi đời sống cho anh em trong xưởng, tự thấy xấu hổ nên phải xin về hưu non!
Điện ảnh đã qua rất nhiều kỳ “chấn hưng” rồi lại “chấn hưng”, và bây giờ thì đến “cứu nguy”. Chị có thấy xót cho nghề mình đã chọn?Nhiều vấn đề của điện ảnh, lâu nay hầu như không được cải thiện. Tôi xót xa lắm chứ, khi thấy những gì làm nên nền tảng cho cái đáy ấy, đã và đang tiếp tục bị xói lở, ví dụ cảm hứng sáng tác. Điều này thật sự rất nguy hiểm, khi người sáng tác đánh mất lòng tin ở chính mình, chẳng biết đúng sai thế nào nữa; rồi khi phim đem ra chiếu bị đánh tơi bời và nghệ sĩ là người phải chịu trận đầu tiên… Ngoài ra, là không khí làm việc quá nhiều bất cập, trước hết là những bất cập về điều kiện vật chất, cơ chế…
Thật lòng mà nói, gần đây khi sang làm chương trình truyền hình, một chương trình nhân đạo cho nông dân mang tên Lục lạc vàng, tôi thấy mình tử tế hơn, trong trẻo lên, ấy vậy mà trở lại đề cập những vấn đề trong nghề chính của mình, tôi lại chỉ muốn nổi giận, đầu óc chỉ chực “nổ tung”! Vấn đề ở đây là: Nhà nước có cần ngành điện ảnh nữa hay không? Nếu Nhà nước cần thì mọi chuyện sẽ được giải quyết, thậm chí là rất nhanh chóng. Những người làm điện ảnh chúng tôi đang chờ câu trả lời đó.
Và trong lúc chờ đợi, một chương trình truyền hình xã hội hoá dành cho nông dân đã khiến nhà biên kịch điện ảnh tìm thấy hứng thú? Ở góc độ làm nghề, tôi thấy khái niệm “xã hội hoá” đang được sử dụng một cách méo mó, thậm chí bị coi là một “cơ hội làm tiền” của các doanh nghiệp truyền thông, khiến màn hình bị rẻ rúng hoá. Tôi ủng hộ Lasta – nhà tài trợ sáng lập, vì mục tiêu từ thiện đặt lên hàng đầu, mục đích kinh doanh quảng cáo chỉ là thứ yếu. Không phải chương trình xã hội hoá nào cũng làm được như vậy. Hơn nữa, đây là một chương trình thuần Việt, không mua format của nước ngoài như hầu hết các chương trình truyền hình khác. Một điều cảm động nữa đã cuốn hút tôi: êkíp làm chương trình trẻ, nhiệt tình, không nề hà việc khó, không sợ vất vả. Vấn đề hiện nay của chúng tôi là chất lượng chương trình và hiệu quả xã hội của nó: đó là lợi ích cho người nghèo và sự đánh động lương tri xã hội!
Chị nghĩ thế nào khi không ít người xem bực mình vì nhiều bộ phim xã hội hoá chất lượng kém đã làm uổng phí “giờ vàng” trên màn ảnh nhỏ?Nói một cách khách quan thì gần đây trên sóng đã có một vài phim làm khá cẩn thận, tử tế, bằng cách xã hội hoá mà có. Vậy thì phải thấy làm phim tử tế thì sẽ có nhiều quảng cáo. Tại sao không làm phim tử tế để không phụ nghề mà lợi nhuận vẫn đảm bảo? Tôi nghĩ, kinh doanh văn hoá không thể với một thái độ thiếu văn hoá. Có thể đây chính là một khiếm khuyết lớn trong quá trình thực hiện chủ trương xã hội hoá chăng? Cho nên, thấy giờ vàng mà chiếu phim dở, tôi cũng lấy làm tiếc lắm. Cũng đồng tiền đổ ra mà chất lượng phim không đạt, thậm chí còn tác động xấu, làm xuống cấp tinh thần, đạo đức xã hội… thì làm để làm gì. Lẽ ra, chọn người làm xã hội hoá phải trên ý thức “làm để làm gì” và lợi ích xã hội phải được đặt lên trên hết.
Chỉ vì “mỗi tuần cứ nghĩ đến sáu hộ nông dân nghèo sẽ được bò” nên vất vả mấy chị cũng không bỏ cuộc, để thành một “nhà báo tay ngang” trên truyền hình?Đúng thế. Đó là lý do hiện nay hàng tuần tôi vẫn liên tục có mặt trực tiếp ở hiện trường với đoàn, tức là “làm quá” so với vai trò một cố vấn chương trình. Thực ra, chuyện đưa bò cho nông dân nghèo nhiều nơi, nhiều tổ chức đã làm lâu nay, nhưng làm gì để hình ảnh người nghèo sẽ gây được những cái “giật mình” của ai đó, những người may mắn nào đó, trước một bộ phận bà con nông dân đang sống trong sự nghèo đói cùng cực, thì đó chính là “tiếng rung” của Lục lạc vàng! Phải đánh thức lương tri xã hội, vì nhiều người đang “ngủ quên” trong bình yên và những tiện nghi đầy đủ, trong khi nhiều bà con đang vật lộn với từng miếng ăn, từng tấm áo…
Cái được lớn nhất chị nhận được từ những chuyến đi là gì? Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, cho bò là cách giúp người nghèo thoát nghèo bền vững, về lâu dài còn mang lại hệ quả kép, giúp phát triển đàn đại gia súc cả nước. Chỉ cần nghe một cô bé lớp 9 khoe được khán giả tài trợ tiền học cho em hàng tháng sau khi chương trình về em phát sóng, nên em không rơi vào cảnh phải bỏ học đi làm thuê; một chú bé nghèo học giỏi được nhận dạy nâng cao miễn phí; hay một cái tin nhắn nhỏ về việc “bò ông X. đã đẻ bê”, “bò anh N. có bầu một tháng”… là cả đoàn chúng tôi mừng như bắt được vàng. Điều đó khiến tôi vui sống hơn. Niềm vui của người khác, khiến tôi tự thấy bao nhiêu khó khăn, bi kịch trong đời thực ra chỉ là phù du…
Đã làm khá nhiều phim truyền hình về đề tài nông dân và nông thôn, về trẻ mồ côi… nay tham gia làm truyền hình nhân đạo, hẳn công việc hiện nay cũng như “bước đệm” cần thiết đối với một người xuất thân từ điện ảnh như chị?Có thể. Vì tôi đã từng làm phim truyện, phim tài liệu, từng đứng trên bục giảng, nên tôi không những không thấy lúng túng mà còn tự tin vì mình đã có đủ “vốn” cần thiết. Người nông dân mà tôi biết, nước mắt của họ thường lặn vào trong, họ gần như đã chai lì về cuộc sống đói khổ mà họ đang phải chịu đựng. Họ giống nhau vô cùng ở cái nhìn ngơ ngác bên ngoài. Những bất hạnh mà họ phải đối mặt cũng có vẻ giống nhau: chồng chết, chồng bệnh, con tật nguyền, thất học, làm ăn thất bát… nhưng sau những biến cố đó là gì? Quan sát chương trình một cách có hệ thống, tôi thấy một loạt những nhân vật trẻ thơ với gương mặt đáng yêu, tươi tắn. Vì sao chúng vẫn giữ được vẻ đẹp trăng rằm, vẫn học giỏi ngay trong hoàn cảnh khốn khổ của cuộc sống thực, nếu cha mẹ và xã hội quay lưng lại với chúng?
Phải thấy được đó là kết quả trước hết của sự nỗ lực của các bậc sinh thành ra chúng, là thái độ không buông tay, không chịu cúi đầu trước số phận của một bộ phận người nghèo. Thế mà, vẫn có những người giàu không chỉ dửng dưng, lãnh cảm, mà còn cười trên nước mắt của người nghèo…
Với con mắt của người làm điện ảnh, chị đã nhìn thấy “nhân vật” cho phim của mình chưa?Đúng là, tôi cũng đang “âm mưu” làm phim về những người làm chương trình nhân đạo và sự biến đổi của họ do chính chương trình mang lại… Rất thú vị, những người làm truyền hình nhân đạo phần lớn là người trẻ tuổi, mới bắt đầu vào nghề. Sự sòng phẳng ở họ cứ rơi rụng dần, thay bằng một xu hướng thiện nguyện, một sự biến đổi dần dần, tự giác… Những trải nghiệm trực tiếp, hàng ngày đã tác động vào họ, khiến trái tim họ không thể chai lì. Vấn đề là khoảng cách giữa họ và người nghèo đã không còn như trước khi người ta không chọn cách đóng cửa trái tim mình. Hoặc những người nghèo. Họ cần được tôn vinh bởi tinh thần quật cường, vươn lên không mệt mỏi. Tôi cũng có dự tính sẽ làm một series phim tài liệu về đề tài này.
(Mời xem phần tiếp theo)Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)