.
Vô cảm - Căn bệnh trầm kha nhất của xã hội đương đại
Trong bài Diễn văn đọc tại nhà thờ lớn nhất thế giới đêm Giáng Sinh (24.12.2009) - nhà thờ St Peter (St Pièrre, còn có tên là nhà thờ Quo Vadis), Đức Giáo hoàng Bennedicto XVI nói về nhiều vấn đề, trong đó Ngài đặc biệt nhấn mạnh rằng sự tồi tệ hiện nay của thế giới phần lớn là do con người “chỉ chăm chăm nhìn vào quyền lợi cá nhân ích kỷ của mình; và, vì thế, “biến chúng ta thành tù nhân của quyền lợi và khát vọng của chính mình”... Nghe, giật mình và chợt hiểu ra điều tưởng chừng như ai cũng biết: Hầu như tất cả mọi sai lầm, tệ nạn, nhức nhối trong xã hội ta thời nay đều bắt nguồn từ tính ích kỷ (self-seeking) quá đáng của mỗi chúng ta. Tính ích kỷ quá quắt đó được “thăng hoa”, được biểu hiện, được công khai hóa một cách lạnh lùng bằng sự vô cảm (anaethesia). Có thể nói, tính ích kỷ là “cha đẻ” và cũng là “bạn đồng hành” của sự vô cảm. 1.Vô cảm do đâu?Nhiều ý kiến cho rằng sự vô cảm là do nền kinh tế thị truờng (KTTT), sự xuống cấp về giáo dục, chủ nghĩa vật chất (thực dụng - pragmatism)..., đã tác động, làm xói mòn, đảo lộn các giá trị truyền thống. Không ai phủ nhận thực tế đó, thậm chí nhấn mạnh nó nhưng thật ra, nếu nhìn một cách khách quan (bình tĩnh), ta phải mặc nhiên nhận thấy rằng có một phần không nhỏ từ ảnh hưởng của kinh tế tiểu nông từ lâu đời.
Nếu tìm trong tục ngữ, ca dao, sẽ thấy văn hóa Việt không hề “thiếu quen biết” với tư tưởng thực dụng, cơ hội. Có rất nhiều dẫn chứng để minh họa:
Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy; Qua sông nên phải lụy đò/ Tối trời nên phải lụy o bán dầu/ Mượn gió bẻ măng/ Gió chiều nào che chiều ấy/ Đi với Bụt mặc áo cà sa/ Đi với ma (phải) mặc áo giấy/ Nốt mưa đấy (đái) ra mấn (váy)/ Qua truông trật lọ cho khái/ Bán chị em xa mua láng giềng gần/ Ăn cơm đi trước lội nước theo sau... Những người thích chủ nghĩa lạc quan sẽ cho rằng trên đây chủ yếu là nói về chuyện ứng xử “khôn ngoan”(!) Nhưng dù có biện minh thế nào đi nữa thì khôn ngoan theo kiểu ăn cơm đi trước lội nước theo sau thiếu hẳn tính minh bạch, đồng cảm, sẻ chia. Mặt khác, có một thực tế khá đau lòng: Tuy người phụ nữ luôn được tụng ca(?), nhưng trong văn học lại là một sự ám ảnh của coi thường, hạ thấp giá trị nhân phẩm. Trừ những nhân vật anh hùng bất khuất cứu nước, còn lại là những nỗi buồn. Mẹ Âu Cơ thì “ly dị”, Mỵ Châu thì lầm lạc đến nỗi cha chết, nước mất, nhà tan; Cô Tấm “thảo hiền” thì chặt em ra làm mắm, Kiều thì cởi ra rồi lại buộc vào như không, chị Dậu thì chó + con gái nhỏ hơn chồng, cô Mịch trong Giông tố thì dốt đến mức nghe mua rơm bỏ vào lốp xe cũng gật, hoang dâm vô độ, Thị Nở thì tội nghiệp và 3X (xấu, xí, xuẩn) thảm thê... Những cách hiểu lệch lạc như thế từ bao đời nay đã gieo rắc cho hết thế hệ này đến thế hệ khác sự lệch lạc về nhận thức, sự thui chột về tâm hồn. Thử xem các quan Trạng được kể trong chuyện cổ mà xem. Hoặc là cơ hội lấy 10 ngón tay vẽ 10 con giun hoặc sang Tàu ăn cắp giống cây,hoặc hành hạ con mèo đến mức tội nghiệp để bắt nó ăn rau... Trạng như thế thì lũ trẻ học được cái gì?
Những hình tượng xấu, sai, lệch lạc, phản văn hóa cứ “vô tình” được truyền kể từ đời này sang đời khác vô hình trung đã biến người Việt đi cùng đường (thậm chí tâm đắc) với cơ hội, vô cảm lúc nào không biết - tạm gọi là hiệu ứng
nhuộm đen tâm hồn từ vô thức (unconscious).
Các biến thái từ văn hóa ảnh hưởng rất nhiều đến cách cư xử. Chẳng hạn, mua một bó rau, chỉ có lớp “làm mặt” là tươi non, còn trong là cồi, là cộc - là những thứ chỉ có lợn có thể ăn. Hoặc cái giây cột cua mà có người đã biện minh rằng nó tẩm nước và to như thế là để cho cua sống. Đấy chỉ là cách bao biện vì “cái lõi” của gian dối là không thể chối cãi. Thời XHCN Đông Âu, trong những câu chuyện “thích thú” và khoái trá nhất là chuyện người Việt lừa tây, nhất là Mugic Nga. Nghe mà xót xa cho cái nỗi đau đớn của “tự hào”(!)? Cái chất ma mãnh đó đã tạo nên cụm từ nặng lắm nhưng chính xác là sự
vui, gian dối, hả hê trên nỗi đau của người khác. Về mặt đạo đức học, ai hay nền văn minh nào có thể dung thứ?
Nền kinh tế thị trường theo cách ăn xổi, ở thì, chụp giựt đã tàn phá văn hóa, đạo đức một cách
dễ dàng hơn các quốc gia khác, những nền văn hóa khác. Đó là một thực tế mà chúng ta
buộc phải nhìn nhận rằng chính cái
nền văn hóa có quá nhiều hạn chế, mong manh của cái
đúng đã làm cho sự rạn vỡ của các giá trị xảy ra nhanh hơn, nhiều hệ lụy hơn.
Theo bà Trish Summerfielf, Giám đốc
Chương trình giáo dục các giá trị sống (Living Values: An Educational Program) đã và đang ở Việt Nam suốt hơn 10 năm qua thì KTTT đã tác động đến sự suy thoái của văn hóa, tạo nên sự vô cảm ở chỗ do
cha mẹ ít quan tâm đến con cái hơn, chủ nghĩa vật chất được tôn thờ quá đáng, chủ nghĩa bằng cấp (các giá trị ảo của cái gọi là sự “kính trọng”)
bị lạm dụng, nền giáo dục thiếu tính khoa học và khách quan cần thiết... T.Summerfield cho rằng “Biết yêu, biết chia sẻ, quan tâm không phải là thứ chúng ta có thể áp đặt cho trẻ từ bên ngoài. Đó là những sắc thái tình cảm nảy nở từ bên trong tâm hồn mà chúng ta phải
giúp các em nuôi dưỡng và thể hiện” (TT, 22.3.2010).
2. Giải pháp ở đâu?Khi tôi đang viết những dòng này, VNN (10:26:24 AM, 15.7) cho biết chỉ vì cãi nhau cái chuyện dựng xe máy lúc 21:10 ngày 14.7 tại Hà Nội làm cho ô tô con không cua được mà chủ xe Mercedes rượt đuổi, đánh chủ xe máy và chủ xe máy đã “tự vệ”, gây nên cái chết thảm khốc cho người thanh niên 24 tuổi, còn kẻ giết người sẽ bị tù mới có 18 tuổi(!) Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn chuyện đau lòng vì sự ích kỷ, vô cảm gây ra. Nào là dù chống được bọn cướp nhưng vẫn bị mất hết tiền vì bị người đi đường chụp giựt hết, nào là bố mẹ chồng đánh nàng dâu không cho cháu nội cứu, nào là chỉ vì mấy trăm ngàn đồng mà cháu giết bà, nào là vì bị ngăn cản tình yêu đồng tính mà hai người bị chết oan bởi cái que sắt xăm lúa, nào là người mẫu quảng cáo không có kính ngữ, sao thì “nêu gương” cho các fan hâm mộ bằng những cái quần tregging khiêu dâm...
Nói như thế để thấy rằng cái thời lấp liếm của “hiện tượng” hay “một số” đã qua lâu rồi, sự xuống cấp (từ này quá nhẹ nhưng nếu dùng đúng dùng đủ thì shock) về văn hóa và đạo đức bởi vô cảm đã trở thành một
nạn dịch trầm kha. “Các tiêu chí thanh lịch của người Hà Nội” đang được lắp ráp thật ra cũng chỉ là cách vớt vát nhằm nhẹ bớt những nỗi đắng cay. Nếu người bi quan cho rằng thế hệ thanh niên đang trở thành “thế hệ mất mát” thì người lạc quan phải tin rằng không thể để cho lớp trẻ hư hỏng thêm nữa, nói chính xác cho vuông vắn ngôn từ, đủ cả đen và bóng là phải làm lại từ đầu, triệt để, không chậm trễ.
1. Sách giáo khoa (SGK) và tất cả các ấn phẩm văn hóa phải cẩn thận khi chuyển tải nội dung, nghệ thuật của điều tạm gọi là “truyền thống”.Chuyện cổ tích hay tục ngữ, ca dao có rất nhiều “dị bản”. Tại sao không thể chắt lọc thành
dị bản (bản chính thức) có hàm nghĩa giáo dục tốt nhất nhằm giảm bớt hoặc chấm dứt những ngộ nhận, tác hại?
2. Cách giáo dục như SGK hiện nay là không thể chấp nhận được vì nó nặng về lý thuyết hoặc sáo rỗng một cách vô bổ. Tôi còn nhớ cố GS Trần Quốc Vượng đã làm cho hàng trăm sinh viên mê mải khi phân tích cả tiếng đồng hồ về điều hay, nét đẹp của thành ngữ “chị ngã em nâng”. Bây giờ biết tìm đâu ra những bài giảng vừa cụ thể, vừa súc tích như thế trong SGK? Trước kia, đọc thơ Trần Nhân Tông, tôi đọc câu
Bạch lộ song song phi hạ điền (tạm hiểu: Đàn cò trắng vui bay sà xuống đám ruộng trong một ngày nắng đẹp), thấy cũng bình thường. Về sau, đọc bài của thầy Cao Xuân Huy (hoặc thầy Trần Quốc Vượng) mới thấm thía cái tuyệt vời đồng cảm, sẻ chia của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Thì ra, chỉ hiểu câu thành ngữ
Mệt lử cò bợ thấy con cò đứng co ro, sướt mướt và đói lạnh đến tận cùng trong mưa rét trên đám ruộng ngày gió mùa đông bắc – về thì đói, ở lại thì mưa giăng đầy trời có bắt được cá tôm đâu, mới biết vì sao Vua Trần lại vui đến thế khi nhìn thấy cánh cò bay... Quả thật, đúng như T. Summerfield đã nói, giáo dục - người lớn phải
giúp cho con trẻ sao cho để có thể làm nảy nở những sắc thái tình cảm tốt đẹp trong tâm hồn - tức là đã giảm thiểu đến mức thấp nhất sự vô cảm, ích kỷ.
3. Một khi sự vô cảm, ích kỷ, cơ hội đã đi chệch đường ray thì sự khuyên can và những lời kêu gọi trở thành điều lãng phí đáng thương. Chúng ta không thể lãng phí thêm 10 năm hay 20 năm nữa. Lãng phí là mất mát, tồi tệ hơn, thậm chí vô phương cứu vãn. Cần phải tái lập các chế tài nghiêm khắc để
lập lại trật tự. Ai đã từng đến Vạn Lý Trường Thành đều biết chẳng có ai dám vất tàn thuốc ra rừng vì phạt đến 100 tệ - tương đương 3,2 triệu VNĐ! Tại sao người Singapore họ sạch sẽ và lịch sự thế? Đi đâu cũng gặp, cũng nghe, cũng thấy sự cảm ơn, xin lỗi, nhường ghế cho phụ nữ, người già. Được giáo dục cẩn thận từ trong nhà ra ngoài ngõ, từ trường đến chợ là văn hóa của bổn phận, văn hóa hiểu biết. Trận động đất - sóng thần ở Miyagie ghê gớm thế nhưng không hề có cướp bóc, hôi của. Điều đó sẽ làm cho nhiều người ngạc nhiên vì dường như nó nói rằng sự vô cảm là điều xa lạ. Rõ ràng, cách giáo dục nghiêm khắc, đúng đắn cũng như
quan niệm chung của truyền thống xã hội, những chế tài không khoan nhượng đã làm nên sự “kỳ diệu” quen biết đối với người Nhật.
4. Đã đến lúc phải nhận chân để tỉnh thức rằng “khu phố văn hóa” hay “làng văn hóa” đã đi xa hơn cả khẩu hiệu. Làm sao có thể có được văn hóa (theo nghĩa ngày càng đẹp hơn) sau vài tháng “phấn đấu”, “nỗ lực”? Nếu tàu hỏa cứ vô tư thải mỗi ngày 40 tấn phân và 160 tấn nước tiểu suốt từ Nam chí Bắc thì xã hội không vô cảm mới là chuyện lạ. Chỉ cần nghĩ đến những người công nhân tuần đường ngày nào, đêm nào cũng phải chịu đựng mùi xú uế khủng khiếp ấy thì đã bớt vô cảm để không thể “ung dung” tạo nên cái kém cỏi về văn hóa như thế. Tại sao không có chế tài buộc ngành đường sắt phải thay đổi? Nếu bạn quan tâm và tin rằng sự tồi tệ của vô cảm bây giờ ghê gớm lắm thì thử quan sát mấy cái thùng rác ven phố hoặc đến chùa Bái Đính mà coi. Tôi có hàng chục bức ảnh chụp cảnh xả rác thản nhiên, nhiều ngay xung quanh... thùng rác! Đối với những trường hợp như thế, mọi lời kêu gọi đều là xa xỉ.
5. Phải “chịu đau” để thừa nhận với nhau rằng văn minh phương Tây đúng khi họ quan niệm bản chất của con người là thích phạm sai lầm (xấu nhiều hơn tốt, con nhiều hơn người, đứng trước và lấn át phần người). Cái triết lý khủng khiếp nhưng rõ ràng của Kinh Thánh nói rằng cả loài người chỉ có một Noé - Noah là tốt, hay loài người được sinh ra từ việc phạm tội tổ tông (Virginius Sin) dù có giải thích thế nào đi nữa cũng chứng minh rằng cái “tư tưởng” xấu, ám ảnh về cái xấu, bản năng gốc - xấu là một hiện hữu khó giải trừ. Bác Hồ nói: Ai cũng có cái ba lô chủ nghĩa cá nhân nhưng vì luôn đeo nó sau lưng nên không nhìn thấy(!) Văn hóa phương Đông đã sai lầm khi ai cũng “muốn” là “nhân chi sơ tính bổn thiện”. Vì cứ tin và nghĩ như thế nên cứ loay hoay dọn dẹp bằng cách dạy cho con trẻ yêu cái tốt mà quên mất rằng cái chính yếu - căn bản là phải dạy cho chúng ghét
cái xấu. Cái xấu nhiều, nhiều lắm, bớt một cái xấu tức là tự khắc ta có ngay một cái tốt thêm vào. Chẳng hạn, tại sao không dạy cho sắp nhỏ rằng sự vô cảm là bạn đường đáng khinh ghét nhất của hành trình sống, rằng giành nhiều phần bánh hơn là tội ác? Nguyên tắc của nhận thức là khuyên con người làm điều tốt không thể hiệu quả bằng cách luôn luôn nhấn điều xấu là điều không thể chấp nhận.
6. Có lẽ, đã đến lúc phải nói rằng sự vô cảm tràn lan của xã hội hôm nay có phần lớn trách nhiệm của hàng ngàn người có cương vị lãnh đạo trên cả nước. Dốt mà cầm cân nảy mực tức là vô cảm trước sự xấu hổ; tham nhũng là vô cảm trước nỗi đau chung của hàng triệu người nghèo; lãng phí là vô cảm trước cơ hội lẽ ra không đáng thế của vận mệnh của giang sơn, xã tắc; hành dân, gây rắc rối, ách tắc, phiền hà là vô cảm trước sự thua thiệt, thấp kém của đồng loại; tự cao tự đại là vô cảm trước sự hiểu biết, tri thức của loài người; và, gây mất đoàn kết bằng chủ nghĩa bè phái - có nghĩa là
đánh mất cái thiêng liêng nhất, làm nên sức mạnh to lớn nhất của dân tộc là tinh thần
đoàn kết. Hãy đọc lại xem Hồ Chủ tịch đã nói gì: “Họ (những đảng viên có đạo đức thấp kém) mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền... Cũng do chủ nghĩa cá nhân mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm... làm hại đến lợi ích của cách mạng, lợi ích của nhân dân” (HCM TT, T.12, tr. 438-439; Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002).
Rõ ràng, một khi có một bộ phận lớn lãnh đạo sa vào chủ nghĩa cá nhân (ích kỷ, vô cảm) thì “tấm gương” tủi hổ ấy sẽ phản chiếu, làm xám, làm đục những hình hài muốn “noi gương”, học theo cái xấu tràn lan...
Sự vô cảm (chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ) là hệ lụy xấu từ rất nhiều những biến thái, sai lầm. Cần rất nhiều các cuộc thảo luận, trao đổi để vấn đề trở nên dễ giải quyết hơn. Không thể quy kết cho bất kỳ một ai hay một nhóm nào đã gây ra thảm trạng trên; nhưng, chúng ta sẽ dễ đồng thuận rằng những điều Bác Hồ nói giống như vừa mới hôm qua. Không phải ngẫu nhiên mà mở đầu bài viết nổi tiếng:
Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân ngày 3.2.1969, Hồ Chủ tịch đã nhấn mạnh rằng “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau...”.
Hà Văn Thịnh ...
Все пройдет и печаль и радость
Все пройдет так устроен свет
Все пройдет только верить надо
Что любовь не проходит нет ..