Hội nhà báo VN có lãnh đạo mới
Ông Trần Gia Thái, giám đốc Đài truyền hình Hà Nội, đã được bầu làm phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam hôm thứ Ba ngày 27/3.
Đài truyền hình Hà Nội mà ông Thái làm giám đốc đã từng bị một số nhân sỹ trí thức tham gia biểu tình chống Trung Quốc kiện về tội vu khống vì đã gọi họ là các ‘phần tử phản động’ hồi năm 2011.Giám đốc Trần Gia Thái cũng từng có thư phúc đáp khiếu nại của người biểu tình nói Đài của ông đã rút kinh nghiệm về việc đưa ảnh minh họa không phù hợp với nhân thân một số người biểu tình.
Tuy nhiên, ông Thái đã khước từ yêu cầu xin lỗi của những người biểu tình. Ông lập luận rằng việc ‘tụ tập biểu tình, tuần hành tự phát đã làm ảnh hưởng xấu tới an ninh trật tự của thủ đô’ và Đài truyền hình của ông chỉ làm theo yêu cầu của ‘nhiều tầng lớp nhân dân thủ đô’.
Chủ tịch mớiPhiên họp toàn thể lần thứ ba của Ban chấp hành Hội nhà báo Việt Nam khóa 9 hôm 27/3 cũng đã bầu ông Thuận Hữu, ủy viên trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, làm chủ tịch mới của hội thay cho ông Đinh Thế Huynh.
Phiên họp này là dịp để ông Huynh và ông Tạ Ngọc Tấn, nguyên là tổng biên tập Tạp chí cộng sản, chính thức rút khỏi các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch Hội.
Ông Huynh cũng từng là tổng biên tập báo Nhân dân khi ông lãnh đạo Hội nhà báo Việt Nam trong 7 năm qua.
Hiện nay ông là ủy viên Bộ chính trị phụ trách mảng văn hóa tư tưởng của Đảng, còn ông Tấn đã chuyển qua làm giám đốc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Hai ông rút lui để ‘dành thời gian cho trọng trách công tác mới do Đảng và Nhà nước phân công’, theo trang web của Hội nhà báo Việt Nam.
Việc ông Hữu lên thay ông Huynh diễn ra theo đúng truyền thống lâu nay là người đứng đầu báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng mà các Đảng bộ được yêu cầu phải mua đọc, thường cũng là lãnh đạo Hội nhà báo.
Nhiệm kỳ 9 của Hội nhà báo Việt Nam bắt đầu từ năm 2010 và kéo dài đến hết năm 2015. Hiện nay hội có hơn 19.000 hội viên trên khắp cả nước.
‘Kẻ xấu leo cao’Trao đổi với BBC, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, một trong những người biểu tình đứng đơn kiện ông Thái hồi năm 2011, nói việc ông Thái lên làm phó chủ tịch Hội nhà báo cũng là việc bình thường chứ không có gì đáng bàn cãi.
Theo ông A thì do ông Huynh và ông Tấn lên nắm các vị trí cao hơn nên ông Thái với cương vị là chủ tịch Hội nhà báo Hà Nội lên thay là đương nhiên.
Ông cũng nhận xét rằng ông ‘không lấy gì làm lạ về chuyện đó cả’
“Trong một chế độ độc tài thì chỉ có những kẻ tồi tệ mới leo lên các vị trí cao,” ông nói.
Nói về vụ kiện Đài truyền hình Hà Nội mà hiện nay đã bị chìm xuồng, ông A cho biết là do chính quyền đã có chủ ý thì họ ‘cứ cù nhầy không làm gì cả và cứ viện cớ những chuyện không đâu’.
Ông cho biết đơn kiện của ông và các nhân sỹ khác đã bị Tòa án Quận Đống Đa bác và sau đó Tòa án thành phố Hà Nội cũng đồng ý với quyết định của tòa án quận và nói với các nguyên đơn ‘đây là bước khiếu nại cuối cùng’.
Trả lời câu hỏi liệu ông Thái có được chính quyền Hà Nội hậu thuẫn khi làm phóng sự lên án những người biểu tình chống Trung Quốc, ông A trả lời rằng ‘Một mình ông Trần Gia Thái có ăn gan trời cũng không dám làm như vậy.”
BBC đã liên hệ với ông Nguyễn Thế Kỷ, phó trưởng ban tuyên giáo trung ương và là ủy viên Ban thường vụ Hội nhà báo Việt Nam nhưng ông Kỷ từ chối bình luận vì ông chỉ kiêm nhiệm trong Hội nhà báo mà thôi.
Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)