Khi sự hiếu thắng đưa đường, dẫn lối...Bài đăng trên Tuần VietNamNet 02/03/2012 09:51:00 AM (GMT+7)Nghệ thuật là chân- thiện- mỹ, văn hóa là nhân bản, mà một khi cái gọi là "nghệ thuật" ấy cười trên nỗi đau của một gia đình, hơn nữa, là nỗi đau của một đứa trẻ 15 tuổi, tâm lý đang quá tổn thương, thì liệu nó có còn thiện, còn mỹ, còn nhân bản nữa không?
Người lớn hiếu thắng, con trẻ... thuaCó một câu chuyện tưởng đã lắng xuống và qua đi, không ngờ mới đây nó lại một lần nữa bùng lên, tiếp tục trở thành chuyện đàm tiếu của thế gian, khiến những người quan tâm tới văn hóa không khỏi bận lòng suy ngẫm về văn hóa người Việt.
Bởi chuyện chả có gì mà thành... ầm ĩ thế!
Đó là câu chuyện của em Q.A, thí sinh 15 tuổi, bị loại từ vòng một, trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Việt 2012 (Vietnam's Got Talent), và được VTV3 phát gần đây.
Rất tình cờ, người viết bài này xem đúng lúc diễn ra tiết mục
Tình mẹ của QA.
Mặc dù trước đó, gia đình giới thiệu cháu hát được sáu thứ tiếng, và người anh trai khen em gái
hát đỉnh của đỉnh. Cái sự nắc nỏm đó khiến cho người xem càng ấn tượng và háo hức...
Nhưng nói thật, trực tiếp nghe, theo người viết bài, giọng hát cháu bình thường, chưa thật hay, hơi khô, cứng, không truyền cảm, dù thể hình và trang phục đẹp.
Quả vậy. Nhạc sĩ Huy Tuấn là người
roẹt... roẹt... đầu tiên.
Chuyện cũng bình thường. Đã dự thi, thí sinh phải chấp nhận luật chơi, dù người thua, nhất là một em gái, hẳn rất buồn. Có thể thấy gương mặt của QA, lúc nghe Ban Giám khảo nhận xét.
Thế nhưng thật bất ngờ, người ta thấy mẹ của QA, bà Nguyễn Thị Ngọ bước ra sân khấu "tranh luận" cho sự thắng thua của con gái, đại ý:
"Không phải tôi bênh vực cho cháu, nhưng theo dõi, tôi thấy trước đó, có nhiều thí sinh không bằng cháu vẫn được.... Cháu còn trẻ, tôi mong hãy cho cháu một cơ hội...".Quả thật, người viết bài cũng là một người mẹ. Xem đến đây, bỗng thấy... rất ngượng.
Xưa nay
con hát mẹ khen hay, cha ông nói cấm sai. Nhưng sao sự "tranh luận" của người mẹ QA, giống hệt như lời một phụ huynh xin xỏ cho con lên lớp hoặc thoát kỷ luật!
Bởi là một cuộc thi giữa thanh thiên bach nhật trước hàng triệu khán giả trong trường quay và ngoài trường quay, liệu có giám khảo nào dám "muối mặt" để nhận lời bà Ngọ, cho QA một cơ hội đi tiếp vòng trong? Nghệ thuật vốn rất khó tính, và rất sòng phẳng, sòng phẳng đến nghiệt ngã, nếu con người không có thực tài. Và cũng bởi
Ở nhà nhất mẹ nhì con. Ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta.Nhưng sự tranh đấu vì con, cho chiến thắng của đứa con, ở góc độ một người mẹ của bà Ngọ, không ngờ ghê gớm thế.
Lê Nguyễn Quỳnh Anh và mẹ, bà Nguyễn Thị Ngọ
Trái ngược với những hình ảnh diễn ra trên màn hình, khi trả lời phỏng vấn, bà Ngọ cho rằng cả gia đình bà đã bị.. lừa, chương trình bị cắt xén. Rồi đến lượt bà Thuý Hạnh, một trong ba giám khảo lên tiếng:
Không ai dàn dựng lời nói của mẹ QA. Và Ban Tổ chức thì thanh minh, thanh nga...
Vậy đâu là sự thật? Có lẽ chỉ ba phía: Gia đình QA, Ban Giám khảo, và Ban Tổ chức là hiểu rõ nhất. Tiếc thay, họ là "ba mặt" nhưng không chung...một lời
Rốt cục, câu chuyện về QA nổ tung ra giữa bao lời đàm tiếu của xã hội, trong cái thế giới phẳng vốn khắc nghiệt và tàn nhẫn, khó có gì dấu được. Nơi mà mọi phản hồi tốt xấu, hay dở đều dễ dàng nhận được ngay lập tức, chỉ qua một cú nhấp chuột.
Chuyện bỗng dưng
từ bé xé ra to. Đúng như dân gian đã tổng kết.
Hàng trăm bài báo, đến nỗi người ta gọi là các nhà báo quăng bom. Thời của báo chí "lá cải", của ba chữ S -sốc, sex, sến- lên ngôi! Đau hơn, hàng nghìn lời bình "ném đá" gia đình QA trên trang mạng xã hội.
Mạng ảo, "đá" cũng ảo, nhưng lại cực kỳ tàn nhẫn, vì nó chứa đựng biết bao hỉ, nộ, ái, ố của những cái nhìn, trình độ và con tim khác nhau. Từ bao dung đến hẹp hòi, từ nhân ái đến cay độc, từ hiểu biết đến thiển cận, từ sâu sắc đến nông cạn...
Cho dù gia đình bé QA, theo lời bà Ngọ, rất ý thức về việc "che chắn, đóng kín" những phản ứng bất lợi cho tâm lý của cháu sau vụ việc. Nhưng cách hành xử, quyết liệt đến độ hiếu thắng của người mẹ QA, vô tình lại "mở toang" cánh cửa tinh thần của gia đình, khiến cho QA phải tiếp tục hứng chịu sự tổn thương quá nặng nề với tâm lý một đứa trẻ.
Không hẹn mà gặp, rất nhiều ý kiến trong xã hội đều... nhìn về một phía- chê bai cách hành xử thiển cận, đã không còn là
biết mình biết ta, tức là biết ở cái tuổi quá nhiều trải nghiệm trên thương trường của mẹ QA. Đã có người dùng bằng hai từ "lố bịch"
Chuyện nghe mãi cũng nhàm. Bất ngờ, mới đây, báo chí đưa tin ngày 24/2/2012, website của Trường Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương, nơi mẹ QA làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, đăng tải bức thư tay của QA, gửi tới bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên Nhi đồng của Quốc hội, khẩn thiết xin bà hãy điều tra "những sự việc gian dối mang danh truyền hình thực tế":
Bác ơi hãy cứu cháu cùng mẹ và gia đình cháu, khiến dư luận đã nguôi lắng, lại lập tức bùng lên.
Nhiều ý kiến nghi ngờ đây không phải là lời lẽ của một em bé 15 tuổi, vì câu chữ sắc sảo, rất người lớn. Tuy nhiên, mẹ QA lập tức phủ nhận, và khẳng định đây là lá thư của chính con gái bà.
Người mẹ thường lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim. Nhưng mẹ QA, đã lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim... hiếu thắng. Con tim hiếu thắng đã khiến bà không nhìn thấy nên để con tự đứng dậy, đi lên sau cú thua cuộc bằng con đường nào là đúng đắn nhất.
Bởi lẽ ra, cái vụ thi thố tài năng ca hát, tuy đáng buồn và nuối tiếc với cả gia đình, biết đâu, sẽ trở thành một kỷ niệm buồn cười, khi QA khôn lớn hơn. Những thất bại đầu đời kiểu đó biết đâu, giúp em có nghị lực và bản lĩnh, để vượt lên và tu luyện thành tài, bởi em có sẵn niềm đam mê ca hát, và cũng bởi cuộc đời em còn rất dài.
Nhưng cho dù có ngã ngũ thì với QA, đây vẫn là một cú ngã đau đớn, không phải do tài năng quá kém, mà do em quá được yêu chiều, nuôi dưỡng bằng nhiều ngộ nhận và ảo tưởng. Bắt đầu từ tâm lý gia đình, ở đây là người mẹ, khó chấp nhận sự thất bại của con mình.
Người mẹ thường lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim. Nhưng mẹ QA, đã lắng nghe tiếng khóc của đứa con bằng con tim... hiếu thắng. Con tim hiếu thắng đã khiến bà không nhìn thấy nên để con tự đứng dậy, đi lên sau cú thua cuộc bằng con đường nào là đúng đắn nhất.
Tiếc thay, bà lại công tác ở một môi trường giáo dục!
Bất ngờ nhất, hơn cả sự bất ngờ về lá thư của QA gửi Quốc hội, theo Bee.net, những ngày gần đây website của Trường Quốc tế châu Á- Thái Bình Dương, nơi bà Ngọ làm việc luôn bị giới hacker chiếm quyền kiểm soát. Và gửi chỉ một dòng chữ duy nhất bằng tiếng Anh:
"Ever feel like you're wrong place?" (Tạm dịch:
Đã bao giờ bạn cảm thấy mình sai?)
Câu hỏi đó, dành cho ai? Không ai trả lời, dù có vẻ, ai cũng hiểu câu hỏi đó dành... cho ai!
Người lớn cười, trẻ em... khócXem chừng, "cuộc khẩu chiến" của gia đình QA với dư luận xã hội có vẻ như chưa ngưng nghỉ. Mới đây, người thứ ba- ông Lê Anh Tuấn, cha của em lên tiếng- với một lá thư gửi báo chí, và cũng đăng trên website của Trường Quốc tế Châu Á- Thái Bình Dương, ngày 27/2/2012, nhan đề:
"Lời nhắn gửi của gia đình Quỳnh Anh Vietnam's Got Talent". Đây được coi là phát ngôn chính thức của người chủ gia đình QA.
Trong thư, ông Lê Anh Tuấn tỏ rõ quan điểm:
"Chúng tôi hoàn toàn không cay cú về việc Quỳnh Anh không được lọt vào vòng trong" và khẳng định
"Người có tội ở đây và là nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây ra vụ tai tiếng có hàng triệu người tham gia này chính là nhà tổ chức và nhà sản xuất chương trình Vietnam's Got Talent".
Ông Lê Anh Tuấn, cha của Quỳnh Anh đã lên tiếng với một lá thư gửi báo chí. Ảnh: VTC
Lá thư này, rồi đây, có được
nhà tổ chức và nhà
sản xuất chương trình Vietnam's Got Talent hồi âm không, xin hãy đợi ở thì... tương lai.
Có điều để xảy ra chuyện lùm xùm, mất thời gian, gây đàm tiếu và chuốc lấy sự chê cười của xã hội xung quanh vụ việc của QA, không phải ông Tuấn không có phần trách nhiệm, ở vai trò trụ cột một gia đình.
Con dại, cái mang, nhưng ở đây
con dại, cái... dở thì người đau đớn nhiều, sau QA, chính là ông- người chồng, người cha.
Dù vậy ông Tuấn có lý khi phản ứng về vở hài kịch "Copy và Bơm vá" phát trên sóng truyền hình tối 25/2. Cũng tình cờ, người viết bài lại được xem vở hài kịch này, mà chả thấy nó hài tý nào.
Bởi thực chất, nó nhại lại câu chuyện của QA. Vừa nhạt, vừa có phần ác vì sự diễu cợt, chả ra giáo dục, chả ra văn hóa. Nghệ thuật là chân- thiện- mỹ, văn hóa là nhân bản, mà một khi cái gọi là "nghệ thuật" ấy cười trên nỗi đau của một gia đình, hơn nữa, là nỗi đau của một đứa trẻ 15 tuổi, tâm lý đang quá tổn thương, thì liệu nó có còn thiện, còn mỹ, còn nhân bản nữa không?
Người viết cứ tự hỏi, tại sao các nghệ sĩ hài kịch quen thuộc vốn được khán giả truyền hình hâm mộ, lại không thể từ chối chút ít thù lao, chỉ vì cái gọi là hài kịch ấy cười trên tiếng khóc của một đứa trẻ? Và hãy đặt hoàn cảnh của mình. Nếu con của các nghệ sĩ bị rơi vào hoàn cảnh như QA, các nghệ sĩ hài nghĩ sao?
Chả lẽ, sự hiếu thắng sẽ gặp sự ...vô cảm là đương nhiên?
Chả lẽ, văn hóa người Việt chúng ta, giờ tàn tệ như thế này chăng?
Kỳ Duyên