Hờ hững với bảo tàng
TT - Được khởi phát từ năm 1998, “Hành trình đến với bảo tàng” được xem như một phương thức mới để giáo dục truyền thống cho tuổi trẻ TP.HCM. Thế nhưng, sau hơn chục năm tồn tại, nhiều nơi đang xem hoạt động này như một gánh nặng của phong trào.
Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) nhiều người nước ngoài đến tham quan nhưng lại vắng bóng bạn trẻ Việt Nam - Ảnh: Thanh Đạm
Công bằng mà nói, khoảng ba năm đầu hành trình đã bắt trúng nhu cầu của giới trẻ nên lan tỏa và trở thành hoạt động khá rầm rộ. Giúp người trẻ hiểu hơn về lịch sử và con người TP qua các bảo tàng là mục tiêu lớn nhất của những người đề xướng chương trình. Để ghi lại hành trình làm “thổ công TP”, mỗi bạn trẻ sẽ có giấy thông hành mà sau mỗi lần đến sẽ được đóng một con dấu của bảo tàng. Ý tưởng là vậy nhưng thực tế thì...
Gánh nặng... giấy thông hànhMột buổi sáng cuối tuần, chiếc xe 16 chỗ ghé vào sân Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thảo cầm viên Sài Gòn. Lần lượt những đứa trẻ cả Việt lẫn Tây của một trường mẫu giáo quốc tế dắt tay nhau theo cô vào tham quan bảo tàng.
Bà Xuân Cảnh - phó giám đốc bảo tàng - chỉ tay vào đám trẻ đang đi: “Ở đây hay đón tiếp những lớp trẻ thế này, các em đến rất trật tự và được các cô tổ chức tham quan nghiêm túc lắm”. “Vậy học sinh các trường của mình có hay đến đây không cô?”, tôi hỏi. “Cũng có, mỗi lần đến có khi cả mấy trăm em, nhưng không phải em nào cũng muốn mà đi vì bắt buộc thôi”, bà Cảnh cho biết.
Bà kể không ít lần có những học sinh cầm giấy thông hành đến phòng vé bảo rằng sẵn sàng trả tiền vé và chỉ cần đóng giùm vào tờ giấy con dấu của bảo tàng để chứng thực mình đã đến đây đặng về báo cáo, chứ thật bụng... không muốn tham quan chút nào. “Với những trường hợp như vậy, bảo tàng chúng tôi kiên quyết không đóng dấu vì tiền vé có là bao, cái chính các em phải vào tham quan để biết sâu hơn về lịch sử dân tộc mình”, bà ôn tồn giải thích.
Tình trạng tương tự cũng được nhiều cán bộ hướng dẫn của một số bảo tàng tại TP.HCM phản ánh. Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh Huỳnh Ngọc Vân thắc mắc không hiểu sao nhiều người nước ngoài khi du lịch tại TP.HCM luôn tìm đến đây tham quan, trong khi nhiều học sinh học các trường không xa bảo tàng là mấy lại chẳng thiết bước chân vào, hoặc có vào cũng chỉ đi qua quýt vài chỗ rồi ra về.
Bạn Nguyên H. (học sinh một trường THPT ở Q.5) thẳng thắn: “Tôi có thích đến mấy chỗ đó đâu nhưng vì được phát tờ giấy bắt đi, đóng dấu để báo cáo nên đến cho có cái dấu thôi. Vô đó sao vui bằng đi chơi mấy chỗ khác được”. Chúng tôi cũng gặp những phản ứng như thế khi tìm đến không ít bảo tàng khác của TP. “Tôi với đám bạn thấy rảnh thì rủ nhau đi, đóng cái dấu cho xong nhiệm vụ, không quan tâm trong đó có gì”, Ngọc M. (nữ sinh Trường THPT Đ, Q.3) cười tỉnh queo.
Thay đổi góc nhìnAnh Lê Văn Minh - trưởng Ban tuyên giáo Thành đoàn TP.HCM - nhìn nhận Thành đoàn vẫn xem đây là một phương thức trong thực hiện công tác giáo dục của Đoàn, nhưng đúng là vài năm trở lại đây nhiều cơ sở không còn mặn mà với hành trình này dù vẫn có những nơi duy trì khá tốt. “Song song việc nhắc nhở, chỉ đạo cơ sở thực hiện hành trình này, chúng tôi đang xây dựng kế hoạch liên tịch với các bộ phận liên quan để sắp tới có sự phối hợp tốt hơn, hỗ trợ nhiều hơn cho cơ sở khi đến tham quan bảo tàng. Tôi cho rằng quan trọng là ý thức của mỗi bạn trẻ tham gia chứ không phải chuyện tiền vé hay giấy thông hành”, anh Minh nói.
Một trong những lý do được không ít cơ sở nêu ra trước đây khi đề cập những khó khăn trong quá trình thực hiện hành trình là hạn hẹp kinh phí tổ chức, vé vào cổng. Nhiều nơi đề nghị được miễn vé cho đoàn viên thanh niên vào tham quan. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo các bảo tàng tại TP đều nói họ sẵn sàng hỗ trợ, thậm chí miễn phí 100% vé tham quan khi có văn bản đề nghị nhưng hầu như chưa thấy nơi nào làm thế.
Mới đây nhất, vào tháng 8-2010, lãnh đạo UBND TP sau cuộc làm việc với lãnh đạo các bảo tàng thuộc quản lý của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã thống nhất chỉ thu phí đối với khách nước ngoài. Khách trong nước miễn phí hoàn toàn để khuyến khích thói quen đến bảo tàng của người dân TP. Cạnh đó, lãnh đạo TP còn cho phép các bảo tàng thực hiện các dịch vụ như giải khát, bán băng đĩa sách báo, hàng lưu niệm... phù hợp với không gian và đặc trưng của từng nơi. Đây cũng đang là xu hướng chung của nhiều bảo tàng thế giới, hướng bảo tàng thành nơi nghỉ ngơi, thư giãn cho mọi người chứ không chỉ là nơi lưu giữ các giá trị lịch sử của nhân loại.
QUỐC LINHMở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)