Chơi vơi cả một nền điện ảnh
SGTT.VN - Vừa qua, các đạo diễn điện ảnh đều có mặt ở Hà Nội để tham dự liên hoan phim (LHP) quốc tế Việt Nam lần 1. Nhưng có lẽ chưa bao giờ, đội ngũ những người làm phim tham dự một LHP, mà lại là LHP quốc tế đầu tiên tại Việt Nam, với một tâm trạng “tự kỷ” đến thế.
Cảnh trong Chơi vơi – một bộ phim mang tính cách tân mạnh mẽ.
“Làn sóng tự trọng”Đạo diễn Vinh Sơn thổ lộ: “Điện ảnh Việt Nam so với Thái Lan, Campuchia còn không so được, huống hồ so với ai! Tại liên hoan phim Pusan, một đạo diễn Campuchia cũng đường hoàng có mặt trong ban giám khảo, trong khi chưa đạo diễn Việt Nam nào được lọt vào ban giám khảo các LHP quốc tế. Nghĩ đến nội lực của điện ảnh thì buồn lâu rồi, nói nhiều rồi, nhưng có thay đổi được gì đâu…”
Nói đến nội lực là nói đến con người, con người sáng tác, các nghệ sĩ, con người điều hành công nghệ, các nhà sản xuất, nhà quản lý… cả một dây chuyền đủ mọi thang bậc. Ở Việt Nam, mỗi thang bậc ấy đều “có vấn đề”, mà là những vấn đề thâm căn cố đế. Đề cập đến tiền đầu tư cho một bộ phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã gay gắt: “Chúng ta cứ kêu than Nhà nước không bỏ tiền đầu tư cho điện ảnh, thực ra Nhà nước bỏ tiền nhiều là đằng khác. Chỉ có điều cách đầu tư dàn trải, cào bằng, không có chiến lược đã dẫn đến nhiều hệ luỵ đáng tiếc. Việc điều hành công nghệ điện ảnh ở Việt Nam không theo kịp công nghệ mới. Nhà nước đã đầu tư lớn cho trung tâm Kỹ thuật điện ảnh, nhưng việc chuyển giao công nghệ “có lỗi gì đó” nên nhiều máy móc hiện đại không sử dụng được. Chính cơ chế xin – cho của điện ảnh đã gây lãng phí. Nhà nước cho tiền mua máy móc, nhưng người xét duyệt và người mua máy lại mua máy cũ với giá đắt!
Đồng lương quá bèo bọt cũng khiến người biên tập không hết lòng, nên mới còn nhiều hạt sạn đáng tiếc. Về con người sáng tạo, hệ thống sản xuất phim tư nhân nhìn thì có vẻ tự do hơn, nhưng lại bị mục tiêu thu hồi vốn khống chế. Không thể trách họ được, vì điện ảnh là ngành công nghệ giải trí. Nhưng có thể có cách khác với các bộ phim do Nhà nước đầu tư, để mục tiêu đó nhẹ bớt, nếu có sự nâng đỡ nghệ sĩ theo phương án đầu tư thích hợp. Tiền cho một bộ phim quả thật đã bị rơi vãi quá nhiều trong quá trình sản xuất, nên người làm phim cứ “tuỳ tiền diện lễ”. Do đầu tư không thích đáng, không đúng chỗ, nên nội lực của điện ảnh cứ đuối dần. Hàn Quốc từng bỏ tiền cho 300 người ở tất cả mọi khâu của điện ảnh đi học ở Mỹ, và định hướng cho đội ngũ nghệ sĩ Hàn Quốc lòng tự ái dân tộc cao cả. Chính đội ngũ này khi trở về đã tạo nên làn sóng mới làm thay đổi bộ mặt điện ảnh. Ở Việt Nam chưa có làn sóng tự trọng đó”.
Trả cho điện ảnh sự tự do trong sáng tạoĐạo diễn Mỹ Hà chia sẻ: “Sáng tạo là phải hồn nhiên, chân thành, điều đó không giữ được thì làm sao có một tác phẩm điện ảnh ra hồn. Điện ảnh Đông Nam Á gần như thấp nhất châu Á, nhưng Việt Nam còn là chỗ trũng nhất châu Á! Tại sao nhuệ khí làm phim biến mất, cái đó phải hỏi các nhà quản lý. Đó là lỗi hệ thống”.
Tự nhận mình là kẻ “đứng bên lề”, không còn tham gia thế sự nữa, biên kịch Nguỵ Ngữ buông một câu ngắn gọn: “Để mang lại sự khởi sắc cho điện ảnh, phải đào tạo lại tất cả các khâu như Hàn Quốc đã làm, và phải để cho người nghệ sĩ tự do hoàn toàn trong sáng tạo, đừng có kiểm duyệt quá cứng nhắc như thế nữa”.
Một nền điện ảnh… mờ mờ nhân ảnh, nhàn nhạt như thế, rõ ràng đội ngũ chủ chốt làm nên bộ phim là những đạo diễn, biên kịch đã không làm việc hết lòng, đã tự mình lùi bước. Vì sao vậy? Biên kịch Trịnh Thanh Nhã thổ lộ: “Nhiều nhà quản lý cho rằng, Nhà nước chỉ bỏ tiền làm phim vì mục tiêu chính trị, nếu muốn làm phim phong cách, thể hiện cái tôi của người nghệ sĩ, thì họ phải tự bỏ tiền ra mà làm. Tôi nghĩ không phải vậy. Một nền điện ảnh muốn tồn tại phải có nhiều phong cách, nếu không chỉ là những mô hình. Điện ảnh phải bỏ tiền cho phong cách cá nhân, nếu không làm gì có nghệ thuật. Cũng đừng hiểu mục tiêu chính trị một cách quá giáo điều, chính trị là phải làm cho cuộc sống nhân văn hơn. Chính quan niệm sai lầm này khiến cho các nghệ sĩ dám sáng tạo, đổi mới cứ… ăn đòn tứ phía, ai mới nhô lên là bị “trùm chăn” đánh hội đồng. Cách hội đồng duyệt quốc gia lo chọn phương án an toàn hơn là cái mới lạ trong nghệ thuật, với bao nhiêu tầng nấc kiểm duyệt đã làm cho nghệ sĩ nản lòng. Trách đạo diễn, biên kịch là đúng, nhưng họ không muốn tham chiến nữa, họ đã bị mài mòn nhiệt huyết rồi, nên chỉ còn trả lại cho xã hội những sản phẩm nhàn nhạt, mờ mờ như thế”.
KIM YẾN“Để mang lại sự khởi sắc cho điện ảnh, phải đào tạo lại tất cả các khâu như Hàn Quốc đã làm, và phải để cho người nghệ sĩ tự do hoàn toàn trong sáng tạo, đừng có kiểm duyệt quá cứng nhắc như thế nữa”.
Biên kịch NGỤY NGỮÔng Lê Ngọc Minh, cục phó cục Điện ảnhTrong mười năm qua, điện ảnh Việt Nam duy trì tình trạng sản xuất mỗi năm trên dưới mười bộ phim. Tỷ lệ phim chiếu rạp là 150 phim ngoại/10 phim nội.
Biên kịch Hoàng Nhuận CầmChúng ta ngồi đây lo lắng với nhau rằng phim Việt Nam đang thiếu. Nhưng liệu đối tượng quan trọng nhất là khán giả có cảm thấy thiếu không? Phim làm ra khán giả không xem thì nhiều hay ít có quan trọng gì. Đó là về phía khán giả, còn về người làm phim, tôi chỉ nói hai điều: thứ nhất, chúng ta còn hiện tượng kiểu như chỉ tiêu mỗi năm một hãng phim làm 1,5 phim. Tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới làm một phim rưỡi cả! Thứ hai, chúng ta nên nhìn nhận nguyên nhân nội hàm của sự thiếu. Đó là người làm phim đang làm phim theo kiểu… cầm hơi. Không có phim hay vì lúc nào phim cũng “sắp hay” hoặc “cũng hay”.
Đạo diễn Hà Sơn (phim Trung uý)Đã đến lúc sự trung thực cũng là hàng hoá. Hãy làm phim để khán giả mua vé tới rạp xem. Làm được thế đã là thành công rồi. Tất cả các nền điện ảnh đang phát triển hiện nay đều đang hướng tới hình thức phân loại phim. Đây là điều rất cần thiết bởi nó sẽ giúp người làm phim được nới tay hơn trong sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải quen với chuyện sản phẩm văn hoá được phân loại cho đối tượng phù hợp.
Ông Kim Ji Seok, giám đốc chương trình của LHP Pusan, Hàn QuốcTôi thấy những người làm điện ảnh ở Việt Nam rất trăn trở với nghề và họ cũng xác định rõ những vấn đề hạn chế của nền điện ảnh nước mình. Nhưng có một nguyên nhân mà họ chưa nói ra: đó là sự chưa thực sự gặp nhau giữa người làm điện ảnh và nhà quản lý. Có vẻ như người làm điện ảnh ở Việt Nam muốn được chủ động hơn nữa trong nghề nghiệp và rất ý thức trong việc tiếp cận khán giả. Nhưng các nhà quản lý lại đặt vấn đề ở tầm quá vĩ mô với những từ ngữ như “to”, “lớn” hay “nhiều” mà chưa đáp ứng được thực sự những điều nhà làm phim và người xem phim cần.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, giám đốc công ty BHDNhà nước không cần thiết phải đầu tư phim quá tốn kém mà có thể hướng vào những phim tác giả, phim nghệ thuật có kinh phí không cao nhưng chất lượng tốt. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu trước khi là người nổi tiếng cũng đi theo con đường mang những bộ phim nhỏ tới các LHP để giới thiệu, “chào hàng” các quỹ đầu tư, các nhà sản xuất. Những phim đó kinh phí thấp, do Nhà nước bỏ tiền làm nhưng chất lượng tốt. Vì thế đã lôi kéo được kinh phí để làm những phim lớn.
Ông Nguyễn Thái Hoà, phó giám đốc hãng phim Giải PhóngChúng ta xã hội hoá điện ảnh và hậu quả là tại đa số các tỉnh thành hiện nay không có rạp hiện đại. Vì sao? Vì tư nhân không dại gì đầu tư xây một cái rạp tử tế ở một tỉnh thành nào đó mà họ tính nhẩm cũng thấy lượng vé bán ra không đủ tiền… chở phim về rạp. Như vậy, Nhà nước phải tham gia chuyện này. Nhưng ngược lại, kinh phí dành cho điện ảnh mỗi năm của Nhà nước nên được sử dụng một cách hợp lý. Nghĩa là đầu tư số lượng phim không cần nhiều nhưng chất lượng phim tốt. Phim kéo được khán giả đến rạp chứ không phải phim “nhân dịp”. Còn lại, để cho tư nhân làm phim và tạo nên thị trường phim.
Ông Philip Cheah, đạo diễn kiêm thành viên ban tổ chức LHP SingaporeĐiện ảnh Việt Nam nên đi vững cả hai chân. Nhà quản lý, Chính phủ vẫn phải đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh bằng những chính sách thức thời và những khoản đầu tư hiệu quả. Bên cạnh đó, các nhà làm phim tư nhân cũng cần có không gian để được làm phim, được cạnh tranh và lôi kéo khán giả tới rạp. Theo tôi, đó là kinh nghiệm và giải pháp quan trọng nhất cho Việt Nam lúc này.
Dung P.Mở mắt thì chạy theo cảnh
Nhắm mắt thì chạy theo mộng.
(Ngọc Tuyền Hạo)